Soạn bài Viết bài văn kể lại một chuyến đi - ngắn nhất Chân trời sáng tạo

Soạn bài Viết bài văn kể lại một chuyến đi trang 92, 93, 94, 95, 96, 97 ngắn nhất mà vẫn đủ ý được biên soạn bám sát sách Ngữ văn lớp 8 Chân trời sáng tạo giúp học sinh soạn văn 8 dễ dàng hơn.

* Khái niệm:

Bài văn kể lại một chuyến đi thuộc kiểu văn bản tự sự. Trong đó, người viết kể lại các sự việc của chuyến đi mà mình đã tham gia (một chuyến đi), có kết hợp với yếu tố miêu tả, biểu cảm hoặc cả hai yếu tố này để tăng sự sinh động cho bài viết.

* Yêu cầu đối với kiểu văn bản:

• Kể lại một chuyến đi theo ngôi thứ nhất.

• Nêu được các thông tin cơ bản về chuyển đi; miêu tả quang cảnh, không gian, thời gian diễn ra chuyến đi.

• Kể lại chân thực các sự việc theo trình tự hợp lí.

• Kết hợp với yếu tố miêu tả hay biểu cảm, hoặc cả hai yếu tố để bài văn thêm sinh động, hấp dẫn.

• Bố cục bài viết cần đảm bảo:

+ Mở bài giới thiệu chuyến đi đã để lại cho bản thân suy nghĩ, tình cảm sâu sắc.

+ Thân bài: nêu những thông tin cơ bản về chuyến đi; miêu tả quang cảnh, không gian, thời gian của chuyến đi; kể lại các sự kiện theo trình tự thời gian; kết hợp các yếu tố miêu tả, biểu cảm.

+ Kết bài: khẳng định giá trị của chuyến đi; nêu suy nghĩ, tình cảm sâu sắc mà chuyến đi gợi ra cho bản thân.

* Hướng dẫn phân tích kiểu văn bản:

Văn bản: Về Ba Tri thăm Di tích lịch sử Mộ và Khu tưởng niệm Nguyễn Đình Chiểu.

Câu 1 (trang 94 sgk Ngữ văn 8 Tập 2): Đoạn mở bài, kết bài trong văn bản trên đã đáp ứng yêu cầu của kiểu bài kể lại một chuyến đi như thế nào?

Trả lời:

- Đoạn mở bài đã giới thiệu và cảm nhận chung của người viết về chuyến đi.

- Đoạn kết bài đã nêu cảm nhận sâu sắc và ý nghĩa của chuyến đi.

Câu 2 (trang 94 sgk Ngữ văn 8 Tập 2): Liệt kê các sự việc được kể, xác định sự việc chính và trình tự kể về các sự việc trong phần thân bài.

Trả lời:

- Các sự việc được kể:

+ Các hoạt động trên xe di chuyển về điểm tham quan.

+ Tham quan khu đền thờ cũ.

+ Tham quan khu đền thờ mới; ngắm tượng cụ Đồ Chiểu; nghe giới thiệu, thuyết minh về cuộc đời cụ.

+ Tham quan một số điểm khác ở khu lăng mộ, khu tưởng niệm rồi lên xe trở về.

- Sự việc chính: Tham quan khu đền thờ mới; ngắm tượng cụ Đồ Chiểu; nghe giới thiệu, thuyết minh về cuộc đời cụ.

- Các sự việc trên được kể theo trình tự thời gian cũng là theo diễn biến của chuyến đi.

Câu 3 (trang 94 sgk Ngữ văn 8 Tập 2): Tìm một số câu văn, từ ngữ trong văn bản cho thấy người viết đã kết hợp kể với miêu tả, biểu cảm. Việc kết hợp các yếu tố đó có tác dụng gì?

Trả lời:

Một số câu văn, từ ngữ trong văn bản cho thấy người viết đã kết hợp:

- Kể với miêu tả:

+ Ba chiếc xe du lịch chở hơn một trăm học sinh của trường từ từ lăn bánh, rồi tăng tốc, bon bon chạy về Di tích lịch sử Mộ và Khu tưởng niệm Nguyễn Đình Chiểu tại xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.

+ Đó là một khu nhà kiên cố dựng theo hình tròn thoáng đãng, mái ngói màu xanh, nền lát gạch bóng, rất khang trang, trên các cửa ra vào và trần nhà trang trí hình hoa sen, cuốn thư, ngòi bút, hoa lá, hay trống đồng...

- Kể với biểu cảm:

+ Giọng cô thật truyền cảm, vừa trong trẻo vừa ấm áp, nhất là khi cô đọc thơ cụ...

+ Trên đường về, tôi cứ nghĩ miên man với câu hỏi: Trong hoàn cảnh khó khăn như cụ Đồ, liệu có mấy người vẫn có thể sống có ích, vẫn đấu tranh và làm việc nghĩa được như cụ...? Càng nghĩ, tôi càng khâm phục tấm lòng yêu nước, thương dân, cốt cách bình đi, gần gũi, nghị lực phi thường và những gì mà cụ Đồ Chiểu đã làm được cho đời.

=> Tác dụng của việc kết hợp đó: làm cho chuyến đi trở nên sinh động, lời văn vừa sáng rõ, vừa gợi tả và truyền cảm.

Câu 4 (trang 94 sgk Ngữ văn 8 Tập 2): Theo người viết, ý nghĩa sâu sắc của chuyến đi là gì? Ý nghĩa đó được thể hiện trong bài viết bằng cách nào? Việc sử dụng ngôi thứ nhất để kể lại chuyến đi có tác dụng gì trong việc thể hiện ý nghĩa đó?

Trả lời:

- Theo người viết, ý nghĩa sâu sắc của chuyến đi được nói rõ ở đoạn kết. Ngôi thứ nhất giúp người viết thể hiện trực tiếp những quan sát, cảm xúc cũng như những trải nghiệm thực tế của bản thân; gây được niềm tin về tính xác thực và việc giao tiếp với người đọc cũng thuận lợi hơn...

Câu 5 (trang 94 sgk Ngữ văn 8 Tập 2): Từ bài viết trên, em rút ra được lưu ý gì khi viết bài văn kể lại một chuyến đi?

Trả lời:

+ Cần phải sắp xếp sự việc theo trình tự thời gian.

+ Thuật lại được diễn biến của chuyển đi cũng như các sự việc quan trọng.

+ Tạo được điểm nhấn để tránh dàn trải, dài dòng.

+ Kết hợp tự nhiên các yếu tố miêu tả, biểu cảm....

* Hướng dẫn quy trình viết

Đề bài (trang 94 sgk Ngữ văn 8 Tập 2): Viết bài văn kể lại một chuyến đi đã để lại cho em nhiều suy nghĩ và tình cảm sâu sắc (bài viết sử dụng yếu tố miêu tả hoặc biểu cảm hoặc kết hợp cả hai yếu tố ấy).

Bước 1: Chuẩn bị trước khi viết

• Trả lời các câu hỏi sau để xác định yêu cầu của đề bài:

- Chuyển di nào đã để lại cho em nhiều suy nghĩ và tình cảm sâu sắc?

- Mục đích viết bài này là gì (chia sẻ trải nghiệm của em với bạn bè, thầy cô hay để tham gia một cuộc thi viết)?

- Người đọc bài này có thể là ai? Họ muốn thu nhận được điều gì từ bài viết

– Với mục đích và người dọc đó, nội dung và cách viết sẽ như thế nào

• Để thực hiện được yêu cầu của đề bài, em cần:

- Xem lại đặc điểm của kiểu bài.

- Nhớ lại, tập hợp và ghi chép những tư liệu liên quan về chuyển đi mà em đã tham gia.

– Tìm thêm các tư liệu liên quan đến chuyến đi để bảo đảm sự da dạng và độ tin cậy của thông tin.

Bước 2: Tìm ý, lập dàn ý

Em hãy:

- Xác định rõ: hoàn cảnh, lí do, mục đích thực hiện chuyến đi; những người cùng tham dự; phương tiện di chuyển, khung cảnh, không khí chuyến đi; trình tự các hoạt động từ lúc bắt đầu đến lúc kết thúc.

- Xem lại các tư liệu vừa thu thập, đánh dấu và lọc ra các ý cần cho bài viết (ví dụ: các tư liệu liên quan đến địa điểm, thời gian, trình tự diễn biến...).

- Liệt kê các sự kiện cụ thể cần thuật lại, chọn sự kiện chính làm điểm nhấn trong văn bản.

- Liệt kê sự việc, cảnh vật, con người... trọng tâm cho bài viết; lưu ý kết hợp miêu tả hay thể hiện suy nghĩ, tình cảm khi kể.

- Dự kiến một số kiểu câu, từ ngữ quan trọng nhằm tạo điểm nhấn cho bài viết.

- Sắp xếp các ý đã ghi theo trình tự hợp lí vào sơ đồ dàn ý sau:

Mở bài

- Giới thiệu về chuyến đi.

- Nêu ấn tượng ban đầu về chuyến đi.

Thân bài

- Nêu những thông tin cơ bản về chuyến đi.

- Thuật lại chuyến đi (thời gian, địa điểm, sự kiện, cảm xúc,...); kết hợp kể với miêu tả.

- Nêu ấn tượng đặc biệt của người viết khi tham gia chuyến đi

Kết bài

- Khẳng định lại tình cảm/ suy nghĩ sâu sắc của bản thân qua chuyến đi.

- Nêu giá trị hay bài học về chuyến đi.

Bước 3: Viết bài

Triển khai bài viết dựa trên dàn ý. Khi viết, cần chú ý đảm bảo các yêu cầu của kiểu bài.

Bài viết tham khảo:

Mỗi chuyến đi đều đem đến nhiều kỉ niệm đẹp đẽ. Với em, đó là những giây phút tuyệt vời khi được thoải mái và có thật nhiều kí ức tươi đẹp, trải nghiệm bổ ích bên gia đình thân thương. Chuyến đi gần đây nhất và cũng là đáng nhớ nhất đó là vào kì nghỉ hè năm ngoái, sau khi em đã có kết quả khá tốt trong quá trình học tập và rèn luyện ở trường, em đã được nhận món quà phần thưởng làchuyến đi đến thăm thành phố Đà Lạt cùng với bố mẹ.

Mấy hôm trước, bố đã đặt vé máy bay cho các thành viên trong gia đình. Sáu giờ sáng, mọi người đã có mặt đầy đủ ở sân bay. Chuyến bay sẽ khởi hành lúc tám giờ. Đây là lần đầu tiên em được đi máy bay nên cảm thấy vô cùng háo hức. Thật tốt là mọi thứ diễn ra rất suôn sẻ. Sau khi cùng với bố mẹ làm xong thủ tục, gia đình em lên máy bay đúng giờ. Vì là cuối tuần nên sân bay rất đông người. Và cũng có lẽ là dịp hè nên ở đây cũng rất nhiều bạn nhỏ khác được bố mẹ cho đi chơi. Khi máy bay cất cánh, em cảm thấy rất thích thú. Em xin được ngồi gần cửa sổ để ngắm nhìn cảnh vật bên dưới. Cảnh vật bé dần, bé dần và sau đó trước mắt em chỉ còn toàn là những đám mây trắng muốt bồng bềnh.

Máy bay di chuyển hơn một tiếng là đến Đà Lạt. Mọi người nhận hành lí rồi ra ngoài chờ. Bố gọi một chiếc xe tắc-xi để về khách sạn. Trên đường đi, em được ngắm nhìn khung cảnh thành phố. Về đến khách sạn, gia đình em nhận phòng, nghỉ ngơi và tắm giặt.

Những ngày sau đó, em được tham quan những điểm nổi tiếng của Đà Lạt. Điểm du lịch đầu tiên là thác Pren. Nước từ trên cao xối xuống như một tấm rèm màu trắng khổng lồ. Tiếng thác đổ ầm ầm, đều đều, hàng triệu bụi nước li ti óng ánh. Càng tiến vào gần thành phố, khung cảnh càng hấp dẫn hơn. Giữa rừng thông với những cây thông đại thụ cao chót vót che lấp ánh mặt trời, thấp thoáng những ngôi nhà mái nhọn, lợp ngói đỏ tươi trông như những lâu đài huyền bí.

Hôm sau, gia đình em được đi thăm rất nhiều cảnh đẹp của Đà Lạt như hồ Xuân Hương, thác Cam Ly, đồi Cù, Đồi thông hai mộ, thung lũng Tình Yêu, hồ Đa Thiện, thiền viện Trúc Lâm…Mọi người trong gia đình đã chụp rất nhiều ảnh kỉ niệm. Em còn được đi chợ Đà Lạt. Trong chợ có bán rất nhiều loại hoa, trái cây… Em được thưởng thức rất nhiều món ăn nổi tiếng của Đà Lạt. Bố mẹ em cũng mua rất nhiều mứt dâu về làm quà tặng cho mọi người.

Sau hành trình 4 ngày ở đây, cuối cùng em cũng phải quay về Hà Nội. Mặc dù rất luyến tiếc nhưng đó cũng chính là động lực để em cố gắng thật tốt trong học kì sau. Gia đình em có thêm kỉ niệm đẹp đẽ bên nhau. Quả là một chuyến tham quan tuyệt vời. Không chỉ vậy, em còn cảm thấy yêu thêm đất nước yêu dấu, tươi đẹp của mình.

Bước 4: Xem lại và chỉnh sửa, rút kinh nghiệm

Viết xong, dùng bảng kiểm sau để tự chỉnh sửa bài văn.

Tiêu chí

Đạt

Chưa đạt

Mở bài

Giới thiệu các thông tin chính của chuyến đi.

Nêu ấn tượng ban đầu về chuyến đi.

Thân bài

Thuật lại các sự kiện diễn ra trong chuyến đi theo trình tự thời gian (từ khởi đầu đến kết thúc).

Dùng ngôi thứ nhất để kể.

Sử dụng yếu tố miêu tả và/ hoặc biểu cảm nhằm hỗ trợ cho việc kể chuyện.

Kết bài

Khẳng định lại tình cảm hay suy nghĩ sâu sắc của bản thân qua chuyến đi.

Nêu cảm nhận chung hay bài học về chuyến đi.

Trình bày, diễn đạt

Không mắc lỗi chính tả, dùng câu, viết câu.

Sử dụng các từ ngữ, câu văn liên kết các phần, các đoạn của bài văn kể chuyện.

• Đọc lại bài văn trong vai người đọc và trả lời hai câu hỏi dưới đây:

1. Điều gì của bài văn này làm em thích/ chưa thích?

2. Nên điều chỉnh những gì để bài viết hay hơn?

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 8 Chân trời sáng tạo ngắn nhất, hay khác:

Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 8 hay khác:


Giải bài tập lớp 8 Chân trời sáng tạo khác