Soạn bài Viết bài văn nghị luận so sánh, đánh giá hai tác phẩm truyện - ngắn nhất Kết nối tri thức

Soạn bài Viết bài văn nghị luận so sánh, đánh giá hai tác phẩm truyện trang 27 → trang 34 ngắn nhất mà vẫn đủ ý được biên soạn bám sát sách Ngữ văn lớp 12 Kết nối tri thức giúp học sinh soạn văn 12 dễ dàng hơn.

* Yêu cầu:

• Nêu được mục đích và cơ sở của việc so sánh, đánh giá hai tác phẩm truyện.

• Trình bày được các thông tin khái quát về hai tác phẩm truyện.

• Làm rõ được những điểm tương đồng và khác biệt giữa hai tác phẩm truyện xét trên một số phương diện nội dung và hình thức cụ thể theo mục đích và phạm vi đã xác định.

• Rút ra được những nhận xét, đánh giá cần thiết, phù hợp về hai tác phẩm truyện căn cứ vào kết quả so sánh.

• Nêu được ý nghĩa của việc đánh giá hai tác phẩm truyện thông qua việc so sánh.

* Phân tích bài viết tham khảo:

Văn bản: Mảnh trăng cuối rừngNhững đứa con trong gia đình – hai truyện ngắn tiêu biểu của văn học cách mạng Việt Nam giai đoạn 1954 – 1975

1. Nêu cơ sở của việc so sánh, đánh giá hai tác phẩm: viết cùng đề tài, tiêu biểu cho những cách tiếp cận hiện thực chiến tranh của văn học trong một giai đoạn cụ thể.

- Cơ sở của việc so sánh, đánh giá hai tác phẩm truyện:

+ Viết cùng một đề tài (chiến tranh, người lính...)

+ Tiêu biểu cho những cách tiếp cận hiện thực chiến tranh của văn học trong một giai đoạn cụ thể (Kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mĩ

+ Triết lí nhân sinh gửi gắm tương đồng: Ca ngợi vẻ đẹp của những chiến sĩ trong thời chiến, từ đó muốn nhắn nhủ tới độc giả phải biết ơn những chiến sĩ đã hết mình vì Tổ quốc.

+ Có sự đặc sắc về phong cách văn học và nghệ thuật sử dụng: (cách xây dựng cốt truyện, ngôn từ sử dụng, cách xây dựng nhân vật,..)

2. Nêu mục đích của việc so sánh, đánh giá hai tác phẩm.

- Làm rõ sự thống nhất trong cảm hứng sáng tác của nhà văn cách mạng khi viết về cùng một đề tài.

- Bên cạnh đó là cách họ thể hiện phong cách cá nhân độc đáo ở các tác phẩm cụ thể.

3. Trình bày luận điểm khái quát của hai tác phẩm

- Hoàn cảnh ra đời của tác phẩm: Hai truyện ngắn được viết ra trong khoảng nửa cuối thập niên sáu mươi của thế kỉ XX, lúc cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược nhân dân ta bước vào giai đoạn quyết liệt.

- Phong cách viết: Không dừng ở việc miêu tả những biểu hiện bên ngoài của đời sống mà luôn tìm cách cắt nghĩa bề sâu của nó, tập trung soi tỏ những điều bí ẩn kì diệu đã làm nên sức mạnh tinh thần to lớn của con người Việt Nam

4. Trình bày những thông tin cần thiết về từng tác phẩm được so sánh: xuất xứ, bối cảnh câu chuyện, cốt truyện, nhân vật...

Ngôi kể, điểm nhìn, cách xây dựng tình huống truyện, phương thức kể chuyện, các chi tiết tiêu biểu...

5. Thông tin khái quát về Mảnh trăng cuối rừng

- Xuất xứ: Mảnh trăng cuối rừng được in vào sách lần đầu năm 1970, trong tập Những vùng trời khác nhau của Nguyễn Minh Châu. 

- Hoàn cảnh sáng tác: Diễn ra trong bối cảnh đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc một cách ác liệt.

- Nội dung câu chuyện: Câu chuyện xoay quanh nhân vật Lãm và Nguyệt. Lãm dự định sẽ đến thăm Nguyệt, người anh chưa biết mặt nhưng đã thấy cảm mến nhờ sự giới thiệu đảm bảo của người chị gái làm việc ở cầu Đá Xanh. Tình cờ người đi nhờ xe trong đêm lại chính là người anh đang mong gặp. Lãm ngờ ngợ cô gái ấy chính là Nguyệt của mình nhưng họ chia tay không hỏi han gì về nhau cho đến khi Lãm đến thăm đơn vị Nguyệt, đúng thời điểm đó nguyệt lại về đơn vị công tác nên cả hai không gặp nhau.

6. Thông tin khái quát về Những đứa con trong gia đình.

- Xuất xứ: In lần đầu trong tập Truyện và kí, xuất bản năm 1969.

- Bối cảnh: Không gian sông nước miền Tây Nam Bộ.

- Nội dung: Nói về chuyện những đứa con trong một gia đình nông dân có truyền thống yêu nước, cách mạng, phải chịu nỗi đau cha mẹ bị kẻ thù giết. Họ luôn cháy bỏng với nguyện vọng đi bộ đội để trả thù nhà, đền nợ nước.

7. Phân tích cụ thể điểm tương đồng giữa hai tác phẩm: tính chất của sự miêu tả và cảm hứng sáng tác.

- Cảm hứng sáng tác: Đều cố gắng làm sáng tỏ chủ nghĩa anh hùng bao trùm đời sống tinh thần của cả dân tộc trong cuộc kháng chiến

- Ngòi bút miêu tả:

+ Nhân vật: Nhân vật nào cũng tràn đầy tinh thần cách mạng, dám đương đầu mọi thử thách bằng sự kiên cường, dẻo dai, khâm phục. Ở các nhân vật không hề thấy dấu vết của sự ưu tú, lựa chọn.

+ Hành động: Đều diễn ra có vẻ dễ dàng, tự nhiên, thể hiện sự chi phối triệt để của một đạo lí sống mà mọi thành viên

8. Phân tích nét riêng trong từng cách viết của từng tác phẩm – một vấn đề quan trọng cho thấy sự đa dạng của văn xuôi cách mạng Việt Nam giai đoạn 1954 – 1975.

- Ý đồ cắt nghĩa chiều sâu:

+ Trong Mảnh trăng cuối rừng: tổ chức theo luận đề và cho nhân vật trực tiếp nói những lời màu sắc chính luận.

+ Trong Những đứa con trong gia đình: chọn các chi tiết nóng hổi tính hiện thực để người đọc nghiệm ra cội rễ của những hành động mà nhân vật đã thực hiện.

- Tình huống/ mạch kể:

+ Trong Mảnh trăng cuối rừng: tình huống được chăm chút, chọn lọc, phù hợp với tên nhân vật.

+ Trong Những đứa con trong gia đình: không kể theo mạch tuyến tính mà theo dòng hồi ức nhân vật

9. Kết luận chung về giá trị của các tác phẩm và gợi mở cách nhìn nhận phù hợp về văn học của một giai đoạn đã qua.

Cả hai tác phẩm đều mang dấu ấn thời đại rõ nét. Nó mang vẻ đẹp riêng và tìm được sự đồng vọng sâu sắc trong lòng người đọc.

* Trả lời câu hỏi:

Câu 1 (trang 32 sgk Ngữ văn 12 Tập 1): Cơ sở của việc lựa chọn so sánh hai tác phẩm Mảnh trăng cuối rừngNhững đứa con trong gia đình là gì?

Trả lời:

Cơ sở của việc lựa chọn so sánh hai tác phẩm Mảnh trăng cuối rừngNhững đứa con trong gia đình là viết cùng đề tài, tiêu biểu cho những cách tiếp cận hiện thực chiến tranh trong văn học một giai đoạn 1954 – 1975.

Câu 2 (trang 32 sgk Ngữ văn 12 Tập 1): Tác giả bài viết đã xác định mục đích so sánh hai tác phẩm như thế nào?

Trả lời:

Mục đích so sánh hai tác phẩm: sự thống nhất trong cảm hứng sáng tác của các nhà văn cách mạng khi viết cùng đề tài, cách thể hiện cá nhân độc đáo trong các tác phẩm.

Câu 3 (trang 32 sgk Ngữ văn 12 Tập 1): Các phương diện cơ bản nào của hai tác phẩm đã được đưa ra so sánh?

Trả lời:

Các phương diện cơ bản của hai tác phẩm đã được đưa ra so sánh: xuất xứ, bối cảnh, cốt truyện, nhân vật.

Câu 4 (trang 32 sgk Ngữ văn 12 Tập 1): Đánh giá nào về đặc điểm, giá trị của từng tác phẩm được nảy sinh trên cơ sở so sánh?

Trả lời:

Đánh giá về đặc điểm, giá trị của từng tác phẩm được nảy sinh trên cơ sở so sánh:

- Đánh giá tương đồng: Qua phần tóm tắt cốt truyện ở trên, có thể thấy cả hai tác phẩm đều cố gắng làm sáng tỏ chủ nghĩa anh hùng bao trùm đời sống tinh thần của cả dân tộc trong cuộc kháng chiến. Nhân vật nào cũng tràn đầy tinh thần cách mạng, dám đương đầu mọi thử thách bằng sự kiên cường, dẻo dai đáng khâm phục.

- Đánh giá điểm khác biệt:

+ Trong khi đó, Nguyễn Thi lại dày công chọn lọc các chi tiết nóng hổi tính hiện thực như cuốn sổ gia đình, bàn thờ người mẹ, những cuộc đối thoại trẻ con,... để người đọc nghiệm ra cội rễ của những hành động mà nhân vật đã thực hiện.

* Thực hành viết

1. Chuẩn bị viết

- Ở bước đầu làm quen với kiểu bài viết này, nên chọn hai tác phẩm truyện mà bạn nhận thấy giữa chúng có những điểm chung và một trong hai truyện đó bạn đã được học. Hai truyện có thể của cùng một tác giả hoặc của hai tác giả khác nhau, có thể ra đời trong cùng một thời kì hoặc trong hai thời kì cách biệt, có thể thuộc về một nền văn học hoặc thuộc về hai nền văn học có truyền thống riêng,... Gợi ý một số tác phẩm truyện có thể làm thành đối tượng so sánh của bài viết: Hoàng tử bé của Ang-toan đơ Xanh-tơ - E-xu-pe-ri (Antoine de Saint - Exupéry) và Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ của Nguyễn Ngọc Thuần, Những ngày thơ ấu của Nguyên Hồng và Thời thơ ấu của Mác-xim Go-rơ-ki (Maksim Gorky), Chí PhèoLão Hạc của Nam Cao, Vợ nhặt của Kim Lân và Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài,...

- Bạn cần xác định rõ mục đích so sánh của bài viết: Làm sáng tỏ một giá trị nào đó của từng tác phẩm truyện khi xem xét chúng trong tương quan rộng của lịch sử văn học và đời sống văn hóá. Khi xác lập cơ sở so sánh, cần quan tâm trả lời các câu hỏi: Hai tác phẩm có phải là những mẫu tiêu biểu, cho phép việc so sánh đạt được kết quả cần thiết hay không? Hai tác phẩm có những điểm gì khiến người đọc dễ liên hệ chúng với nhau?... Bài viết có thể ưu tiên nhấn mạnh sự tương đồng hoặc chỉ tập trung nói về sự khác biệt giữa hai tác phẩm.

Dù theo định hướng nào, khi nói về sự tương đồng, vẫn cần đề cập sự khác biệt, ngược lại, khi bàn đến sự khác biệt, cần nói về sự tương đồng như một lí do khiến hai tác phẩm có thể được đưa ra so sánh với nhau.

2. Tìm ý, lập dàn ý

* Tìm ý

Có thể tự đặt ra các câu hỏi như sau để tìm ý:

- Vì sạo khi đọc truyện này độc giả thường liên hệ đến truyện kia? (Xác lập cơ sở để so sánh hai tác phẩm truyện với nhau, giúp người viết có thế mở bài một cách thuận lợi.)

- Sự tương đồng giữa hai truyện thể hiện trên những phương diện chủ yếu nào? (Lựa chọn các phương diện chủ yếu cần so sánh ở hai tác phẩm.)

- Điều gì dẫn đến sự gặp gỡ đó giữa hai tác phẩm truyện? (Vừa đi sâu cắt nghĩa nguyên nhân của sự tương đồng, vừa tạo được sự gắn kết giữa các đoạn viết về từng tác phẩm.)

- Dù có những điểm tương đồng, sự khác biệt giữa hai truyện vẫn thể hiện rõ. Sự khác biệt đó là gì? (Tìm ra nét độc đáo của từng tác phẩm.)

- Việc so sánh đưa lại được những khám phá mới nào về từng tác phẩm? (Ý nghĩa của việc so sánh hai tác phẩm truyện với nhau.)

* Lập dàn ý

- Mở bài: Giới thiệu hai tác phẩm truyện được xác định là đối tượng của sự so sánh, đánh giá; nêu mục đích và cơ sở của việc so sánh, đánh giá này.

- Thân bài: Cần triển khai các ý:

+ Thông tin chung về từng tác phẩm: hoàn cảnh ra đời, đề tài, chủ đề, cốt truyện, nhân vật, vị trí của tác phẩm trong đời sống văn học,...

+ Những điểm tương đồng giữa hai tác phẩm truyện và nguyên nhân dẫn đến sự tương đồng ấy (ví dụ: hai tác phẩm cùng đề cập một loại hiện tượng đời sống hay một loại hình nhân vật; hai tác giả có cùng quan điểm thẩm mĩ và cách tiếp cận hiện thực; có hiện tượng tác giả này chịu ảnh hưởng tác giả kia về đề tài, cảm hứng, bút pháp, phong cách sáng tác;..).

+ Những điểm khác biệt giữa hai tác phẩm truyện và điều kiện làm nên sự khác biệt ấy (ví dụ: mỗi nhà văn có quan điểm thẩm mĩ, cách tiếp cận hiện thực và cá tính sáng tạo riêng; mỗi nhà văn chịu ảnh hưởng của một truyền thống văn hóá, văn học khác nhau; đối tượng được miêu tả, câu chuyện được kể lại ở mối tác phẩm có điểm đặc thù;...).

+ Đánh giá chung về sự tương đồng, khác biệt giữa hai tác phẩm truyện và khẳng định giá trị độc đáo của mỗi tác phẩm.

- Kết bài: Nêu ý nghĩa của việc đánh giá các tác phẩm truyện khi đặt chúng trong tương quan so sánh.

3. Viết

- Để làm sáng tỏ các luận điểm, cần chú ý khai thác bằng chứng từ những phương diện khác nhau của hai tác phẩm truyện, bao gồm: đề tài, chủ để, cảm hứng, cốt truyện, nhân vật, ngôn ngữ, giọng điệu,... Khi trích dẫn văn bản truyện hay một bài phê bình, đánh giá nào đó về truyện, cần đảm bảo yêu cầu chính xác, khách quan.

- Tránh biến bài viết thành một văn bản mang tính chất lắp ghép máy móc, gồm hai bài nhỏ phân tích từng tác phẩm riêng biệt.

- Thường xuyên chú ý mạch lạc, liên kết của bài viết và thực hiện việc ngắt đoạn phù hợp để người đọc dễ theo dõi hệ thống luận điểm.

4. Chỉnh sửa, hoàn thiện

- Đối chiếu với yêu cầu của kiểu bài và dàn ý đã lập để thực hiện những chỉnh sửa cần thiết nhằm hoàn thiện văn bản về mặt nội dung.

- Rà soát, khắc phục những lỗi về chính tả, diễn đạt và trình bày để bài viết đáp ứng được những đòi hỏi về chuẩn mực hình thức.

Bài viết mẫu tham khảo

Đề tài viết về tình cảnh người nông dân trước Cách mạng tháng Tám 1945 là một trong những đề tài tập trung nhiều nhà văn tiêu biểu của văn học Việt Nam trong thời kì đó. Nam Cao và Kim Lân là những ngòi bút tiêu biểu nhất. Trong tác phẩm “Chí Phèo” – Nam Cao và “Vợ nhặt” – Kim Lân tình cảnh người nông dân trước Cách mạng đã được miêu tả rất sinh động và chân thực. Bằng phong cách riêng, cách nhìn nhận riêng của mình và bằng lòng nhân đạo cao cả, mỗi nhà văn đã viết nên những tác phẩm đặc sắc về số phận riêng của người nông dân.

Đến với “Chí Phèo” cũng như “Vợ nhặt” là ta đến với số phận và cảnh ngộ của người nông dân dưới hai tròng áp bức của thực dân và phong kiến. Tuy nhiên, bằng cách nhìn nhận của riêng mình, mỗi nhà văn đã bộc lộ những khám phá riêng trong từng tác phẩm về số phận, tình cảnh của người nông dân. Do vậy, dù có chung một đề tài song mỗi người đã tạo ra được cho mình cách đi riêng và tác phẩm tiêu biểu.

Trong tác phẩm “Chí Phèo”, Nam Cao đã làm sống dậy một làng Vũ Đại với những Chí Phèo, Thị Nở, Bá Kiến… Những số phận khác nhau, những tính cách khác nhau ở trong một môi trường nhỏ. Nổi bật lên tất cả là những khám phá của Nam Cao về sự thống trị của chế độ phong kiến, bóng dáng của lũ thực dân và sự chà đạp lên những giá trị cơ bản nhất của con người trong xã hội dưới chế độ đó.

Đi vào tác phẩm, bằng một giọng kể lạnh lùng, Nam Cao đã đưa ta đến một số phận đau khổ và là nhân vật trung tâm, Chí Phèo, hiện ra bằng chân dung của một tên lưu manh, côn đồ trông đặc như thằng săng đá. Hắn vừa ở tù ra, tóc thì cắt trọc, mặt chi chít những sẹo. Cái hình dáng dữ tợn của hắn khiến cho trẻ con trông thấy phải khóc thét lên. Hắn chẳng biết hắn bao nhiêu tuổi, cha mẹ hắn là ai, mà chỉ biết hắn được một anh đi đặt ống lươn tìm thấy trong cái lò gạch cũ. Đi tù bảy tám năm, ra tù hắn về làng suốt ngày ngồi quán rượu và cũng suốt ngày hắn chửi. Hắn chửi trời, chửi đời nhưng trời có của riêng nhà nào, đời cũng chẳng của riêng ai. Vậy là hắn quay sang chửi cả làng Vũ Đại, nhưng hắn cũng không được ai đáp lại, vì họ có coi Chí là người đâu. Với họ, đấy là một con thú hung tợn và điên dại. Bất lực, hắn quay sang chửi chính người nào đã sinh ra hắn. Chao ôi! Tội nghiệp Chí! Bằng cái giọng kể lạnh lùng của mình, Nam Cao đã cho người đọc hiểu rằng Chí đã bị tước mất quyền làm người, bị chà đạp tàn nhẫn cả về nhân tính lẫn nhân hình. Trên cuộc đời và trong làng Vũ Đại, Chí chẳng còn gì để mất, chẳng còn gì để có thể cứu vớt được con người hắn.

Hình tượng Chí Phèo chính là một khám phá riêng đặc sắc của Nam Cao. Vì khi ông miêu tả Chí, ta không những không thấy ghê sợ mà còn thương cảm cho Chí. Qua “Chí Phèo” ta cũng thấy sống dậy cả một tầng lớp nông dân đói khổ bị dồn đến con đường cùng, bị chà đạp cả nhân tính lẫn nhân hình và bị tước mất những quyền cơ bản nhất của một con người. Nhưng ai là thủ phạm đã đẩy Chí cùng những số phận nghèo khổ khác đến chân tường vậy? Không dừng lại ở khám phá đó, Nam Cao đã đi dần, bóc vỏ bọc để lộ rõ chân tướng của thế lực đen tối đó. Đó chính là giai cấp thống trị trong xã hội thực dân phong kiến mà đại diện tiêu biểu là cha con Bá Kiến. Trong quá trình tha hóa nhân phẩm của Chí, Bá Kiến luôn có mặt, can thiệp thô bạo hay nói đúng ra là nguyên nhân đẩy Chí đi vào con đường tha hóa. Chỉ vì một sự ghen tuông với Chí về bà Ba – một người đàn bà lẳng lơ mà Bá Kiến đã không ngần ngại đẩy Chí vào tù. Vậy là một anh nông dân cần cù khỏe mạnh và trung thực đến độ bóp đùi cho bà Ba cũng không khỏi run tay, Chí trở thành lưu manh. Cuộc sống trong tù đối mặt với mọi cái xấu xa, gian trá nhất trên đời đã đánh cắp cái phần người, phần nhân tính trong Chí. Vậy nhưng Bá Kiến đã tha cho Chí đâu. Ra tù, Chí bị lão lợi dụng vào những trò tranh giành quyền chức bẩn thỉu của lão. Bằng cái kinh nghiệm dùng người của sự quỷ quyệt gian manh và tiếng cười Tào Tháo, Bá Kiến đã biến Chí thành tay sai của mình trong khi đã cướp sạch của hắn những thứ quý giá nhất: quyền được sống và quyền làm người.

Trong sự rộng lớn về đề tài người nông dân trước Cách mạng, Nam Cao đã biết khám phá những mảng riêng bằng con mắt của mình. Bên cạnh sự thống trị của một giai cấp tàn ác và tham lam, thì khám phá quan trọng nhất và sâu sắc nhất của Nam Cao là giá trị trong mỗi con người.

Nam Cao không chỉ lạnh lùng chỉ ra cho ta thấy một Chí Phèo lưu manh, tha hóa đến tột cùng, một Thị Nở ngây ngây dại dại, xấu đến nỗi ma chê quỷ hờn; mà trong những con người đó, ông tìm ra cái phần nhân tính cao đẹp vẫn ẩn giấu trong tâm hồn họ qua bao nhiêu lớp bọc. Chí Phèo uống rượu không phải chỉ để say. Hắn cố uống cho say, song lại tỉnh. Ra tù, hắn nhận ra hắn đã bị cướp đoạt đi cả nhân tính lẫn nhân hình. Lần thứ hai hắn bị xã hội vứt bỏ và lần này thì chẳng còn ai chìa tay cứu vớt hắn. Đau đớn và tuyệt vọng, hắn tìm đến rượu. Song trong cơn say, bản năng muốn làm người trỗi dậy làm nảy sinh trong hắn ý định trả thù. Hắn nhận ra Bá Kiến là kẻ thù, là kẻ đã gây ra cho hắn hậu quả ấy. Song đau đớn thay, vì một lần nữa hắn lại rơi vào âm mưu gian xảo của Bá Kiến.

Trong cái tuyệt vọng khốn cùng, một hạnh phúc hiếm hoi đã đến với hắn, thức tỉnh cái ước muốn làm người trong hắn một cách mạnh mẽ. Sự cứu vớt ấy là tình yêu của Thị Nở - một người đàn bà dở dở ương ương cũng bị xã hội coi thường. Thị cũng như Chí, cũng là con người dưới đáy xã hội. Nhưng trong con người thị vẫn tiềm ẩn một khả năng, khả năng yêu – cái chức năng cơ bản của người phụ nữ, một con người. Bát cháo hành của thị đã có một sức mạnh làm trỗi dậy khát vọng làm người trong Chí. Tình yêu ấy đã khiến Chí sống lại với mơ ước một thời là có một gia đình, một hạnh phúc đơn sơ, giản dị. Song khi chuỗi thời gian năm ngày hạnh phúc ngắn ngủi của Chí kết thúc thì Chí nhận ra tất cả đã quá muộn rồi: Tao muốn làm người lương thiện” nhưng “Ai cho tao lương thiện?”.

Trong rất nhiều khía cạnh của đề tài này, Nam Cao đã có những khám phá riêng và sâu sắc. Tựu chung lại, ông đã làm nổi bật lên những giá trị nhân văn tiềm ẩn và có sức sống mạnh mẽ trong những con người như Chí, như Thị Nở… Trong tác phẩm “Chí Phèo”, Chí Phèo, Thị Nở, Bá Kiến, … đã trở thành nhân vật điển hình và những khám phá riêng của Nam Cao cũng trở thành điển hình.

Cũng đề cập đến đề tài trên, nhưng với con mắt riêng của mình, Kim Lân cũng đã có những khám phá riêng trong tác phẩm “Vợ nhặt”. “Vợ nhặt” là bức tranh về cuộc sống của người nông dân nơi xóm ngụ cư tồi tàn, nhưng trong những lúc đói khát khốn cùng nhất, họ vẫn nuôi mơ ước về một hạnh phúc đầm ấm, giản dị trong tương lai.

Đối ngược với chất giọng lạnh lùng của Nam Cao, với giọng nhẹ nhàng, tình cảm, Kim Lân đã miêu tả về cuộc sống của những con người đang lay lắt giữa cái sống và chết, khi nạn đói cứ rình chực như cơn bão lăm le cướp đi tất cả. Tràng là một người kéo xe thuê, với hình dáng bên ngoài to lớn và vập vạp, hai con mắt nhỏ tí gà gà, hai quai hàm bạnh ra, bao giờ cũng nhấp nhoáng những ý nghĩ vừa dữ tợn vừa thú vị. Nạn đói với sức tung hoành khủng khiếp của nó đã cuốn lấy tất cả trên những con đường đã đi qua Người chết như ngả rạ – Không khí vẩn lên mùi thối của rác rưởi và mùi gây của xác người. Dưới những gốc đa, gốc gạo xù xì bóng những người đói dật dờ đi lại lặng lẽ như những bóng ma. Nạn đói cũng khiến cho Tràng trở nên nặng nề và mệt mỏi. Những đứa trẻ ở xóm ngụ cư – đại diện cho sự sống vui tươi cũng trở nên ủ rũ. Để trêu chọc Tràng được một câu, chúng cũng phải cong cổ gào mới bật ra mấy tiếng Anh Tràng ơ! Chông vợ hài.

Khám phá của Kim Lân không phải là nạn đói ấy, mà ngòi bút của ông đã đào sâu sắc sảo để phát hiện ra sức sống mãnh liệt của con người cho dù trong cơn khốn quẫn nhất vẫn lấp lánh những ước mơ.

Nam Cao đặt các nhân vật của mình trong một không gian làng Vũ Đại, nơi thống trị lâu đời của chế độ phong kiến. Đằng sau những Bá Kiến – ta vẫn thấy thấp thoáng bóng thực dân. Còn Kim Lân lại đề cập đến xóm ngụ cư và có sự hiện hình rõ rệt của bọn thực dân, phát xít Nhật. Nhân vật của Kim Lân, không phải được khám phá ở phương diện bị bóc lột, chà đạp mà Tràng, người vợ là đại diện cho sức sống mãnh liệt, những con người dù đang sống giữa ranh giới của cái sống và chết vẫn không nghĩ tới ngày mai. Trong cái tao đoạn khốn khổ nhất, Tràng lại lấy vợ. Một sự kiện bất ngờ mà cũng lắm éo le. Cũng có lúc Tràng lo ây về sự kiếm sống để nuôi gia đình. Nhưng ý nghĩ ấy bị lấn át đi bởi cái hạnh phúc bất ngờ của anh. Trên khuôn mặt Tràng có nét gì phơ, ý nghĩ có vợ khiến Tràng thấy vui vui. Hạnh phúc dù đến trong cảnh khốn cùng nhưng nó vẫn đủ sưởi ấm cho tâm hồn ấy.

Bà cụ Tứ không khỏi ngạc nhiên khi con lấy vợ trong hoàn ảnh ấy. Bà thương cho con mình. Trong lòng người mẹ ấy đan xen bao nhiêu tình cảm. Chao ôi, có lòng người mẹ nào lại không đau xót khi không lo nổi cho hạnh phúc của con. Hai con mắt của bà nhoèn ra, Bà lo âu rồi không biết chúng nó có qua nổi cái tao đoạn này không? Nhưng rồi cùng với tấm lòng người mẹ, bà hiểu ra tất cả với một nỗi cảm thông có thế nào người ta mới lấy con mình mà con mình mới có vợ.Rồi bỏ qua những lo âu đó, bà lại nghĩ cho tương lai về sau, bà nói về những dự định trong tương lai và bà hi vọng.

Sự xuất hiện một thành viên mới, bỗng thay đổi cả cái gia đình hiu quạnh ấy. Ai nấy đều chung tay sửa soạn, dường như họ nghĩ nếu như dọn dẹp cho khung cảnh được quang quẻ, thì cuộc sống cũng có cơ khấm khá hơn. Người đàn bà đã đúng là người vợ đúng mực. Tràng thì cũng xăm xăm muốn góp công vào tu sửa nhà cửa Bữa cơm ngày đói trông thật thảm hại. Song cái thảm hại toát lên từ đĩa rau chuối thái rối với niêu cháo lõng bõng chỉ có thể họ bớt một chút vui, chứ không ngăn được những mơ ước của họ. Bà cụ Tứ trong suốt bữa ăn chỉ nói chuyện vui sướng về sau, gợi lên trong vợ chồng Tràng một viễn cảnh tươi sáng.

Trong mỗi tác phẩm, các tác giả có mỗi cách kết thúc khác nhau. Trong “Chí Phèo”, Nam Cao kết thúc truyện bằng một cuộc “khởi nghĩa” nhân tính của Chí Phèo. Trong cơn tuyệt vọng tột cùng vì nhận ra mình đã mất đi quyền được làm người, Chí đã tìm đâm Bá Kiến – kẻ thù hiểm độc nhất của mình rồi tự sát. Còn trong “Vợ nhặt”, kết thúc câu chuyện là lời kể về cuộc khởi nghĩa phá kho thóc và hình ảnh đám người đói cùng lá cờ đỏ sao vàng vẫn lởn vởn trong đầu Tràng. Cái chết của Chí Phèo không gợi lên sự bi thảm hay tối tăm như tương lai chị Dậu. Mà nếu như Chí Phèo đã thực hiện một cuộc “khởi nghĩa” đầy nhân tính, thì Tràng của Kim Lân lại được nhận thức về một cuộc cách mạng không xa trong tương lai để xây dựng một cuộc đời hạnh phúc. Chí Phèo đã chấp nhận lấy cái chết để đánh đối sự lương thiện nhân tính. Hắn chết nhưng phần linh hồn lại được gột rửa sạch, trở về đúng nghĩa một con người. Và vì vậy cái chết của Chí cũng là một kết thúc điển hình và hợp lí. Với “Vợ nhặt”, ta tin rằng trong tương lai không xa rồi Tràng cũng sẽ tham gia cách mạng, đi dưới lá cờ đỏ ấy để thực hiện ước mơ của mình, của những người dân xóm ngụ cư.

Qua đó, ta đã hoàn toàn có thể thấy rõ được tư tưởng nhân đạo bao trùm hai tác phẩm. Mỗi nhà văn sáng tác đều dựa trên tấm lòng nhân đạo của mình. Tư tưởng nhân đạo nổi bật ở từng số phận Tràng, Chí Phèo…và xuyên suốt tác phẩm qua diễn biến câu chuyện.

Với “Chí Phèo”, Nam Cao đã thể hiện tư tưởng nhân đạo đặc sắc và chủ đạo của ông là ở sự bộc lộ của mỗi nhân vật. Bằng một giọng điệu lạnh lùng với trái tim nồng ấm yêu thương, Nam Cao đã nhận ra phần người bị khuất lấp đằng sau những hình dáng dữ tợn, xấu xí… Ông đã biện minh một cách lặng lẽ cho nhân tính của những người dưới đáy xã hội như Chí Phèo, Thị Nở, đồng thời cũng lên án mạnh mẽ giai cấp thống trị đương thời.

Kim Lân qua “Vợ nhặt”, đã làm toát lên sức sống mãnh liệt của những người dân Việt Nam trong những sức vóc nhỏ bé ấy lại là cả một sức mạnh tiềm tàng, một tâm hồn phong phú. Không nhiều lời, song ông cũng đã phơi bày được tội ác của thực dân Pháp, phát xít Nhật qua những trò như thu thóc tạ đã bóc lột nhân dân đến tận cùng.

“Chí Phèo”, “Vợ nhặt” – tự những tác phẩm ấy đã nói lên giá trị của mình và với những giá trị đó, nó xứng đáng vào hàng ngũ những tác phẩm thành công nhất của văn học thời kì trước Cách mạng.

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 12 Kết nối tri thức ngắn nhất, hay khác:

Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 12 hay khác:


Giải bài tập lớp 12 Kết nối tri thức khác