Soạn bài Viết bài văn nghị luận so sánh, đánh giá hai tác phẩm thơ (trang 52) - ngắn nhất Kết nối tri thức

Soạn bài Viết bài văn nghị luận so sánh, đánh giá hai tác phẩm thơ trang 52 → trang 58 ngắn nhất mà vẫn đủ ý được biên soạn bám sát sách Ngữ văn lớp 12 Kết nối tri thức giúp học sinh soạn văn 12 dễ dàng hơn.

* Yêu cầu:

- Giới thiệu ngắn gọn về hai tác phẩm thơ, nêu được những cơ sở lựa chọn hai tác phẩm để so sánh, đánh giá.

- Làm sáng tỏ những điểm tương đồng và khác biệt giữa hai bài thơ được chọn để so sánh; có bằng chứng cụ thể, đa dạng từ hai tác phẩm.

- Đưa ra những nhận xét, đánh giá thuyết phục về ý nghĩa và những đóng góp riêng, đặc sắc của mỗi tác phẩm thơ dựa trên các nội dung được so sánh.

- Nêu khái quát kết quả và ý nghĩa của việc so sánh đánh giá.

* Phân tích bài viết tham khảo:

Văn bản: Cảm hứng mùa thu trong Thu vịnh và Đây mùa thu tới

1. Giới thiệu hai bài thơ và định hướng so sánh

- Giới thiệu hai bài thơ: Thu vịnh (Nguyễn Khuyến) và Đây mùa thu tới (Xuân Diệu).

- Định hướng so sánh: So sánh bức tranh thiên nhiên mùa thu, so sánh tâm trạng của hai nhà thơ.

2. Phân tích điểm tương đồng của hai bài thơ.

Nguyễn Khuyến và Xuân Diệu đều có nét gặp gỡ là viết về cảnh thu, tình thu đẹp nhưng buồn.

3. Giới thiệu nét riêng và chỉ ra yếu tố tạo nên sự khác biệt của đối tượng so sánh

Nét riêng biệt là do hai nhà thơ sống ở hai thời đại khác nhau với những quan niệm thẩm mĩ khác nhau.

4. Phân tích nét riêng trong cảnh và tình của bài Thu vịnh.

Cảnh thu vừa thực và ảo và ngưng đọng trong một nỗi hoài niệm bàng bạc cả không gian và thời gian. Tình thu man mác, đượm buồn vương vấn đầy day dứt trong nỗi niềm thi nhân.

5. Phân tích nét riêng của bài Đây mùa thu tới trong sự đối sánh với bài Thu vịnh.

Nỗi buồn trong thơ Xuân Diệu là nỗi buồn đầy trực cảm, cảnh buồn nhưng vẫn khiến lòng thi nhân náo nức. Mùa thu đến và đi gợi cho Xuân Diệu nỗi lắng lo về sự chảy trôi của thời gian chứ không ngưng đọng cảnh như Nguyễn Khuyến.

6. Khẳng định vị trí, giá trị và sức hấp dẫn của hai bài thơ.

Trong thơ của Nguyễn Khuyến mang đậm màu sắc cổ điển với phong vị ẩn dật, còn Xuân Diệu là một nhà thơ lãng mạn, một nhà thơ hiện đại với thế giới quan mới mẻ.

7. Nêu ý kiến khẳng định về kết quả và ý nghĩa của việc so sánh.

Cả hai tâm hồn lớn đều yêu tha thiết mùa thu xứ Bắc và đều muốn hướng về tình yêu quê hương xứ sở nồng nàn, sâu sắc.

* Trả lời câu hỏi:

Câu 1 (trang 56 sgk Ngữ văn 12 Tập 1): Bài viết cho thấy tác giả đã dựa trên những cơ sở nào khi chọn hai bài thơ để so sánh, đánh giá?

Trả lời:

- Cơ sở so sánh:

+ Đều là những bài thơ viết về mùa thu tiêu biểu.

+ Cùng chủ đề miêu tả cảnh sắc và tâm trạng trước mùa thu.

+ Có sự tương đồng, đối lập trong cách thể hiện cảnh thu, tình thu.

Câu 2 (trang 56 sgk Ngữ văn 12 Tập 1): Bài viết triển khai các nội dung so sánh, đánh giá như thế nào? Bạn có nhận xét gì về hiệu quả của cách triển khai đó?

Trả lời:

- Bài viết triển khai các nội dung so sánh, đánh giá:

+ Phân tích điểm tương đồng 2 bài thơ.

+ Giới thiệu nét riêng và chỉ ra yếu tố tạo nên sự khác biệt của đối tượng so sánh.

+ Phân tích nét riêng trong cảnh và tình Thu vịnh.

+ Phân tích nét riêng trong Đây mùa thu tới.

+ Khẳng định vị trí, giá trị và sức hấp dẫn của 2 bài thơ.

+ Nêu ý kiến khẳng định.

- Hiệu quả triển khai: cách triển khai so sánh toàn diện cả về nội dung và nghệ thuật. Với cách so sánh này chúng ta có thể dễ dàng nhìn nhận và hiểu sâu sắc về tư tưởng, tình cảm trong hai bài thơ. Với cách so sánh cụ thể, chi tiết và hệ thống lập luận chặt chẽ tác giả đã cho người đọc cảm nhận được quan điểm, ý kiến riêng của bản thân cũng như cách cảm, cách nghĩ của chủ thể về hai bài thơ. 

Câu 3 (trang 56 sgk Ngữ văn 12 Tập 1): Theo bạn, có thể có những cách trình bày nào khác về nội dung so sánh, đánh giá trong bài viết?

Trả lời:

Triển khai về nội dung so sánh, đánh giá theo cách khác:

- So sánh theo đối tượng.

- So sánh theo chủ đề.

- So sánh theo bố cục.

- So sánh theo ngôn ngữ.

- So sánh theo hình ảnh.

* Thực hành viết:

1. Chuẩn bị viết

- Truớc hết, cần xác định được những cơ sở để triển khai các nội dung so sánh, gắn với đặc trung của thể loại thơ (đề tài, phong cách sáng tác, bút pháp nghệ thuật,..). Từ những cơ sở đã xác định, cần lựa chọn các bài thơ tiêu biểu với những điểm tương đồng và khác biệt có ý nghĩa.

- Phạm vi lựa chọn để so sánh, đánh giá rất mở và linh hoạt. Hai bài thơ đó có thể của hai tác giả hoặc của một tác giả.

- Xác định được các phương diện cần so sánh: đối tượng cụ thể được miêu tả, thể hiện, cảm hứng, cái nhìn nghệ thuật, bút pháp,..

- Một số đề tài gợi ý:

+ So sánh, đánh giá hai tác phẩm thơ thuộc các giai đoạn văn học, xu huớng văn học khác nhau: Tiếng nói tri âm trong Độc Tiểu Thanh kí (Nguyễn Du) và Đàn ghi ta của Lor-ca (Thanh Thảo),..

+ So sánh, đánh giá bút pháp và cảm hứng nghệ thuật trong các tác phẩm thơ: Cảm hứng về đất nước trong Đất nước (Nguyễn Đình Thi) và Việt Bắc (Tố Hữu);…

+ So sánh, đánh giá các hình tượng: Hình tượng người lính trong Đồng chí (Chính Hữu) và Tây Tiến (Quang Dũng); Hình tượng nguời phụ nữ trong Tự tình ll (Hồ Xuân Hương) và Thuyền và biển (Xuân Quỳnh),…

+ So sánh, đánh giá về hình thức nghệ thuật: Cách thể hiện nỗi nhớ trong Tây Tiến (Quang Dũng) và Tiếng hát con tàu (Chế Lan Viên),..

2. Tìm ý, lập dàn ý

a. Tìm ý

Dựa vào yêu cầu của kiểu bài, định hướng từ bài viết tham khảo và để tài đã xác định, có thể nêu các câu hỏi sau để tìm ý:

- So sánh, đánh giá hai bài thơ dựa trên cơ sở nào? Việc xác định cơ sở để so sánh, đánh giá dựa trên nội dung (hiện thực đời sống, tư tuởng, tình cảm của tác giả,..) và hình thức nghệ thuật của các tác phẩm (thể loại, ngôn ngữ, kết cấu, giọng điệu, hình ảnh, chi tiết, thủ pháp nghệ thuật,..). Chẳng hạn, ở bài viết tham khảo, tác giả so sánh, đánh giá cảm hứng mùa thu trong hai bài thơ Thu vịnh và Đây mùa thu tới ở cả hai bình diện nội dung miêu tả (cảnh tình thu) và cách thể hiện (chọn hình ảnh, không gian,.).

- Điểm tương đồng giữa hai tác phẩm thơ là gì? Ở bài viết tham khảo, tác giả đã làm rõ điểm tương đồng trong cảm hứng mùa thu của hai bài thơ là cảnh thu đẹp và tình thu buồn, tất cả được thể hiện bằng những hình ảnh chấm phá, giàu sức gợi.

- Đâu là đểm khác biệt giữa hai bài thơ? Ở bài viết tham khảo, tác giả đã phân tích sự khác biệt trong cảnh thu, tình thu của hai bài thơ; bút pháp miêu tả và quan điểm thẩm mĩ của hai tác giả trong hai thời đại.

- Yếu tố nào tạo nên những điềm tương đồng và khác biệt của hai bài thơ? Điểm tương đồng và khác biệt thường xuất phát từ những yếu tố thuộc về đặc trưng của thơ ca và phong cách nghệ thuật riêng của mỗi nhà thơ, hoặc xu hướng và bút pháp thi ca của từng giai đoạn sáng tác. Ở bài viết tham khảo, tác giả đã phân tích, lí giải điểm tương đồng và khác biệt trong cảm hứng về cảnh thu, tình thu của hai bài thơ là sự đồng điệu của tâm hồn thi nhân trước vẻ đẹp của mùa thu đất nước; sự khác biệt là do hai nhà thơ thuộc hai thời đại, hai phong cách thơ.

- Đánh giá thế nào vê giá trị của mỗi bài thơ? Qua so sánh, bài viết tham khảo đã khẳng định vị trí, giá trị và sức hấp dẫn của hai bài thơ viết về mùa thu đối với người đọc bao thế hệ cũng như ý nghĩa của việc cảm nhận hai bài thơ từ góc độ so sánh.

b. Lập dàn ý

Từ hướng tìm ý nêu trên, cần xem xét, sắp xếp lại hệ thống ý thật hợp lí để có dàn ý hoàn chỉnh.

Mở bài: Giới thiệu ngắn gọn về hai bài thơ và nêu cơ sở lựa chọn để so sánh, đánh giá.

Thân bài:

Có nhiều cách trình bày nội dung so sánh, đánh giá. Người viết cần linh hoạt trong việc lựa chọn cách trình bày phù hợp với hiểu biết và hứng thú của bản thân, điều này sẽ góp phần quan trọng vào thành công của bài viết. Có thể triển khai các nội dung so sánh, đánh giá theo những cách sau:

- Cách 1: Lần lượt phân tích từng bài thơ, sau đó chỉ ra điểm tương đồng, sự gặp gỡ và những điểm khác biệt, lí giải nguyên nhân của sự tuơng đồng và khác biệt đó; đồng thời đánh giá về giá trị và đóng góp của mỗi bài thơ. Cách này dễ làm nhưng nhiều khi bị trùng lặp ý và mục đích so sánh không được làm nổi bật.

- Cách 2: Phân tích bài thơ thứ nhất theo các phương diện đã xác định, khi phân tích bài thơ thứ hai sẽ so sánh với bài thơ thứ nhất theo từng phuơng diện và lí giải nguyên nhân của những điểm tương đồng và khác biệt giữa hai bài thơ, từ đó, đánh giá về giá trị và đóng góp của mỗi bài thơ. Cách này cũng dễ thực hiện và tránh bị trùng lặp, thể hiện được ý so sánh, nhưng mạch so sánh khi trình bày bài thơ thứ nhất dễ bị chìm.

- Cách 3: So sánh lần lượt các phương diện đã lựa chọn đối với hai bài thơ, chỉ ra điểm tương đồng và khác biệt; lí giải nguyên nhân sự tương đồng và khác biệt đó; đánh giá về giá trị và đóng góp của mỗi bài thơ từ các nội dung so sánh. Cách này làm nổi bật được tính chất so sánh nhưng dễ làm mờ tính liền mạch, chỉnh thể của mỗi bài thơ, đòi hỏi nguời viết phải có khả năng tư duy tổng hợp và lập luận chặt chẽ, có sự tinh nhạy trong phát hiện vấn đề.

Kết bài: Khẳng định ý nghĩa của việc so sánh, đánh giá; nêu cảm nhận và ấn tượng của bản thân về các bài thơ.

c. Viết

- Vận dụng kinh nghiệm đã tích lũy được qua việc thực hành viết bài văn so sánh, đánh giá hai tác phẩm truyện đã học trước để viết Mở bài và Kết bài ngắn gọn, gây ấn tượng đối với người đọc về ý nghĩa của việc so sánh, đánh giá; triển khai Thân bài theo các ý đã xác định và cách triển khai bài viết so sánh, đánh giá.

- Thể hiện khả năng cảm thụ văn học tinh tế trong quá trình phân tích, so sánh; lựa chọn dẫn chứng phù hợp, tiêu biểu với từng nội dung so sánh, kết hợp với ý kiến lí giải, đánh giá; diễn đạt mạch lạc, sáng sủa, có cảm xúc.

- Có những sáng tạo riêng của cá nhân trong quá trình phân tích, đánh giá về những điểm tương đồng và khác biệt giữa hai bài thơ (qua những phát hiện sâu sắc hoặc qua cách diễn đạt độc đáo) để tăng sức thuyết phục và hấp dẫn cho bài viết.

Bài viết tham khảo

Đất nước từ lâu đã trở thành hình tượng tiêu biểu xuyên suốt nền văn học Việt Nam. Trong hành trình dựng nước và giữ nước, có rất nhiều nhà thơ, nhà văn đã chọn đất nước làm chủ đề sáng tác. Nguyễn Khoa Điềm và Nguyễn Đình Thi là hai trong số đó. Hai bài thơ cùng tên Đất nước của họ đã đem lại cho người đọc những cảm nhận mới mẻ, đầy đủ, trọn vẹn và sâu sắc về đất nước

Hai tác phẩm cùng ra đời sau Cách mạng tháng Tám, nhân dân được làm chủ đất nước, đất nước được tái hiện là đất nước giàu đẹp, anh hùng. Cùng sử dụng giọng thơ trữ tình - chính luận để thể hiện hình tượng đất nước nhưng dưới những rung cảm thẩm mĩ khác biệt, đất nước trong mỗi bài thơ lại mang những nét riêng biệt, độc đáo.

Đất nước trong thơ Nguyễn Đình Thi mang màu sắc hiện đại là chính. Tính dân tộc thể hiện trong vẻ đẹp trường cửu của mùa thu xứ sở, của gió heo may, của hương cốm mới. Đặc biệt là cảm giác xao xuyến lòng người, gợi thương gợi nhớ bâng khuâng:

 Sáng mát trong như sáng năm xưa

Gió thổi mùa thu hương cốm mới

Tôi nhớ những ngày đã xa

Rồi nối tiếp là những hình ảnh im đậm sắc màu Việt Nam trong chiều sâu tâm hồn dân tộc:

Những cánh đồng thơm mát

Những ngả đường bát ngát

Những dòng sông đỏ nặng phù sa

Hình tượng đất nước hiện ra với những hình ảnh thơ xúc động kết nối mạch ngầm truyền thống dân tộc:

Nước chúng ta

Nước những người chưa bao giờ khuất

Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất

Những buổi ngày xưa vọng nói về

Đất nước ấy là đất nước trong chiến tranh vệ quốc của thế kỉ XX. Hình tượng đất nước được dựng xây ấp ủ và đúc kết, nuôi dưỡng trong suốt cuộc kháng chiến dài 9 năm. Những đau thương đất nước phải gánh chịu khi ấy dưới ngòi bút Nguyễn Đinh Thi hiện lên vô cùng xót xa:

Ôi những cánh đồng quê chảy máu

Dây thép gai đâm nát trời chiều

Trong bản tuyên ngôn Bình Ngô đại cáo năm xưa của Nguyễn Trãi, tác giả đã vạch trần tội ác của giặc xâm lược, tái hiện những đau thương của nhân dân Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn / Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ. Còn Nguyễn Đình Thi đã tái hiện những cánh đồng chảy máu, dây thép gai đâm nát trời chiều, hiện đại đau đớn, gợi nỗi đau vô tận và sự căm thù vô biên.

Từ trong đau thương và căm thù ấy, cả dân tộc đã kiên cường bất khuất đứng lên:

 Xiềng xích chúng bay không khóa được

Trời đầy chim và đất đầy hoa

Súng đạn chúng bay không bắn được

Lòng dân ta yêu nước, thương nhà.

Xiềng xích hữu hạn và trời đầy chim và đất đầy hoa được sử dụng thành công đã diễn tả tinh thần bất khuất của dân tộc. Súng đạn là cái cụ thể, lòng dân ta yêu nước thương nhà là cái trừu tượng. Dùng cái cụ thể để bắn cái trừu tượng cũng như dùng cái hữu hạn để khóa cái vô hạn là không thể. Điều đó nói lên sự bất lực của kẻ thù và sự bất diệt của dân tộc ta.

Nổi bật trong bài thơ là hình tượng đất nước trong ánh sáng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và chiến thắng chói lòa:

Súng nổ rung trời giận dữ

Người lên như nước vỡ bờ

Nước Việt Nam từ máu lửa

Rũ bùn đứng dậy sáng lòa

Trong cảm xúc và suy tư, bức chân dung đất nước được khắc họa vừa cụ thể vừa âm vang chiến trận, vươn tới hình tượng sử thi hoành tráng giàu sức khái quát. Nước Việt Nam từ bùn lầy của nô lệ, từ đau thương trong máu lửa đã thức dậy mạnh mẽ làm nên thiên thần thoại lịch sử với chiến thắng huy hoàng.

Khác với Nguyễn Đình Thi, đất nước trong thơ Nguyễn Khoa Điềm lại là một đất nước trong màu sắc văn hóa dân gian. Nhà thơ đã thể hiện tư tưởng mới mẻ Đất nước của nhân dân.

Mở đầu bài thơ, khi nói về sự hình thành, lớn lên của đất nước, Nguyễn Khoa Điềm đã miêu tả đất nước từ chiều sâu của văn hóa dân gian, của phong tục tập quán và lời kể của bà, lời ru của mẹ, từ muối mặn, gừng cay, từ những giọt mồ hôi vất vả, tảo tần.

Đất nước là những gì quen thuộc mà cũng đầy tôn kính, thiêng liêng:

Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi

Đất Nước có trong những cái ngày xửa, ngày xưa mẹ thường hay kể

Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn

Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc

Tóc mẹ thì bới sau đầu

Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn

Cái kèo, cái cột thành tên

Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, dần, sàng

Đất Nước có từ ngày đó...

Khái niệm đất nước được làm rõ trong thước đo của thời gian đằng đẵng, không gian mênh mông, thước đo của lịch sử, của địa lí. Đó là truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ, là truyền thuyết Hùng Vương và ngày giỗ Tổ, giải thích quá trình sinh thành và lớn lên của dân tộc, cũng là quá trình trưởng thành bền vững của hình tượng đất nước. Không gian địa lí không chỉ là sông núi, cánh đồng... mà còn là những không gian gần gũi và quen thuộc của cuộc sống con người nơi anh đến trường, nơi em tắm. Đồng thời cũng là nơi sinh tồn của bao thế hệ, nó hóa thân trong mỗi người như Trong anh và em hôm nay / Đều có một phần đất nước. Điều đó cho thấy sự thống nhất giữa cái riêng và cái chung,  cá nhân với cộng đồng, giữa cái nhỏ bé với cái lớn lao, giữa cái cụ thể với cái trừu tượng, giữa vật chất với tinh thần trong cái nhìn của Nguyễn Khoa Điềm.

Hình tượng đất nước còn được soi chiếu trong cái nhìn của văn hóa dân gian:

Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu

Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái

Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại

Chín mươi chín con voi góp mình dựng đất tổ Hùng Vương

Những con rồng nằm im góp dòng sông xanh thẳm

Người học trò nghèo góp cho Đất Nước mình núi Bút non Nghiên

Con cóc, con gà quê hương góp cho Hạ Long thành thắng cảnh

Những người dân nào đã góp tên Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm

Tất cả cái tên, cảnh vật thiên nhiên dường như đều là sự hóa thân những phẩm chất cao đẹp của nhân dân. Chất liệu đặc biệt ấy đã tạo nên hình tượng đất nước thiêng liêng, thân thiết bội phần, được xây dựng qua bề dày bốn nghìn năm bởi những con người vô danh:

Trong bốn nghìn lớp người giống ta lứa tuổi

Họ đã sống và chết

Giản dị và bình tâm

Không ai nhớ mà đặt tên

Nhưng họ đã làm ra Đất Nước

Đất nước được tạo ra từ đôi tay và cuộc đời của rất nhiều con người dù không tên không tuổi nhưng công lao của họ luôn được ghi nhớ trong chính dáng hình dân tộc. Để rồi từ đó, chúng ta có thể cảm nhận được hình tượng đất nước trong thơ Nguyễn Khoa Điềm vừa có bề dày của lịch sử, bề rộng của không gian địa lí, bề sâu của văn hóa, phong tục tập quán. Chính những phát hiện cùng với cách thể hiện mới mẻ ấy đã nêu bật được một tư tưởng cốt lõi: Đất Nước của Nhân dân, Đất Nước của ca dao, thần thoại. Nguyễn Khoa Điềm đã khéo léo chọn lọc sáng tạo những cái tiêu biểu và ý nghĩa nhất của văn hóa dân gian để xây dựng hình tượng đất nước. Đất nước chính vì thế đã trở thành đóng góp quan trọng của giọng thơ Nguyễn Khoa Điềm trong nền thơ ca Việt Nam hiện đại khi tạo dựng chân dung đất nước.

Có thể nói, mỗi bài thơ dưới ngòi bút của hai phong cách khác nhau đều mang những nét đặc biệt khác nhau. Đất nước của Nguyễn Đình Thi hay Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm đều khắc họa hình tượng đất nước thật đẹp và đáng quý. Một bên là đất nước kiên cường, bất khuất trong máu lửa đau thương đứng dậy, một bên là Đất Nước của nhân dân, của ca dao, thần thoại. Song cả hai đều thể hiện tình yêu quê hương sâu sắc và cảm động. Hai bài thơ đã đóng góp cho văn học dân tộc hai tác phẩm xuất sắc về hình tượng đất nước đồng thời để lại trong lòng người đọc những rung động thẩm mĩ và những cảm nhận đầy đủ, trọn vẹn về Tổ quốc và nhân dân. Từ đó giúp người đọc thêm yêu quê hương, đất nước mình.

d. Chỉnh sửa, hoàn thiện

Đọc kĩ bài viết, đối chiếu với yêu cầu của kiểu bài và dàn ý để có hướng chỉnh sửa. Ngoài việc soát lỗi chính tả, lỗi diễn đạt (từ ngữ, câu văn, đoạn văn,...), cần tập trung vào việc làm rõ cơ sở và các phương diện so sánh khi triển khai nội dung bài viết.

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 12 Kết nối tri thức ngắn nhất, hay khác:

Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 12 hay khác:


Giải bài tập lớp 12 Kết nối tri thức khác