Soạn bài Viết văn bản thuyết minh về một sự vật, hiện tượng trong tự nhiên - ngắn nhất Kết nối tri thức

Soạn bài Viết văn bản thuyết minh về một sự vật, hiện tượng trong tự nhiên trang 80, 81, 82, 83, 84, 85 ngắn nhất mà vẫn đủ ý được biên soạn bám sát sách Ngữ văn lớp 11 Kết nối tri thức giúp học sinh soạn văn 11 dễ dàng hơn.

* Yêu cầu

- Nêu rõ vấn đề xã hội được thuyết minh và cung cấp một số thông tin cơ bản, nổi bật về vấn đề đó.

- Làm sáng tỏ các biểu hiện hay phạm vi ảnh hưởng của vấn đề đối với đời sống xã hội hoặc cung cấp thông tin theo trình tự khác phù hợp với vấn đề được thuyết minh.

- Rút ra được ý nghĩa của việc nhận thức đúng vấn đề thuyết minh.

- Sử dụng kết hợp trong văn bản thuyết minh một hay nhiều yếu tố như miêu tả, tự sự, biểu cảm, nghị luận.

* Phân tích bài viết tham khảo

Văn bản: Những dãy đảo xa nằm nghe biển hát

1. Giới thiệu thông tin khái quát về biển đảo Việt Nam.

Việt Nam có khoảng 3000 hòn đảo, trong số đó nhiều nơi đã là địa bàn cư trú lâu đời của người Việt. 

Từ các miền đất nước trải dài từ ven biển đến khơi xa, hòn đảo chứa những cảnh quan du lịch trở thành điểm đến hấp dẫn cho du lịch biển Việt Nam. 

2. Nêu đặc điểm những hòn đảo ở vùng biển phía Bắc.

Những hòn đảo ở miền Bắc của nước ta có đặc điểm địa chất độc đáo và có diện tích tương đối lớn.

3. Xen yếu tố miêu tả và biểu cảm (kết hợp với việc trích dẫn thơ).

- Yếu tố miêu tả: đảo Vĩnh Thực, vịnh Hạ Long và các đảo nổi tiếng khác ở miền Trung. 

- Yếu tố biểu cảm: sử dụng hình ảnh thơ của nhà thơ Chế Lan Viên. 

4. Khái quát đặc điểm vùng đảo miền Trung.

- Vị trí: nằm ở đầu sóng ngọn gió.

- Nằm ở duyên hải Trung Bộ 

- Miền Trung là vùng biển vô cùng quan trọng khi trải dài trên nhiều vĩ độ, hướng thẳng ra biển Đông, với những hòn đảo trấn giữ vị trí tiền tiêu như: Cồn Cỏ, Lý Sơn, Cù Lao Chàm, Cù Lao Xanh, Phú Quý,... Đồng thời, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nối dài phạm vi chinh phục thiên nhiên của người Việt ở vùng biển khơi, nơi đã ghi dấu sự cư trú và khai thác sản vật của các thế hệ từ nhiều thế kỉ trước.

5. Điểm xuyết yếu tố miêu tả và biểu cảm.

- Yếu tố miêu tả: 

+ Các hòn đảo ở ven biển miền Trung: hấp dẫn, đa dạng, là những hòn đảo lưu dấu các chuyến hải trình trong nhiều thế kỉ, những cuộc trục vớt từ các con tàu đắm trong quá khứ. 

+ Các hòn đảo ở Nam Trung Bộ: đa dạng về giá trị khai thác, miêu tả vịnh Vân Phong, đảo Điệp Sơn và các đảo, hòn, vịnh khác... 

- Yếu tố biểu cảm: sử dụng các từ ngữ bộc lộ sắc thái, cảm xúc. 

6. Nhận diện nét riêng của các đảo vùng duyên hải Nam Bộ.

Nằm ở duyên hải Nam Bộ không có nhiều đảo gần bờ. 

- Sớm có mặt trong các văn bản của người phương Tây 

- Tiêu biểu đó là Côn Đảo. 

7. Lồng ghép yếu tố miêu tả, biểu cảm.

- Yếu tố miêu tả: 

+ Đảo Hòn Khoai và các đảo khác 

+ Tiêu biểu là Phú Quốc 

- Yếu tố biểu cảm: sử dụng các từ mang sắc thái biểu cảm. 

8. Khẳng định giá trị của biển đảo Việt Nam.

Mỗi hòn đảo mang một cá tính riêng biệt, lưu giữ những hoạt động văn hóa, ẩm thực và lối sống hấp dẫn du khách. 

Trả lời câu hỏi:

Câu 1 (trang 84 sgk Ngữ văn 11 Tập 2): Văn bản đã đề cập đến sự vật, hiện tượng gì? Những thông tin cơ bản nào được trình bày trong văn bản?

Trả lời:

- Văn bản đã đề cập đến biển đảo Việt Nam 

- Những thông tin được trình bày như sau: 

+ Biển đảo miền Bắc 

+ Biển đảo miền Trung 

+ Biển đảo miền Nam

Câu 2 (trang 84 sgk Ngữ văn 11 Tập 2): Xác định hệ thống ý của văn bản. Tác giả đã cung cấp thông tin theo trình tự như thế nào?

Trả lời:

- Giới thiệu khái quát về biển đảo Việt Nam 

- Giới thiệu về những hòn đảo ở miền Bắc 

- Giới thiệu về những hòn đảo ở miền Trung 

- Giới thiệu về những hòn đảo ở miền Nam 

- Khẳng định lại giá trị của biển đảo Việt Nam 

Câu 3 (trang 84 sgk Ngữ văn 11 Tập 2): Tác giả đã lồng ghép yếu tố nào trong số các yếu tố miêu tả, tự sự, biểu cảm, nghị luận để chuyển tải các thông tin đến người đọc? Nêu tác dụng của yếu tố đó trong văn bản.

Trả lời:

- Tác giả đã lồng ghép yếu tố miêu tả và biểu cảm ở nhiều đoạn. Chẳng hạn, yếu tố biểu cảm thể hiện ngay tên các tiêu mục (chỗ nước trời lẫn sắc miền Bắc; đầu sóng ngọn gió miền Trung; những đảo ngọc miền Nam), ở sự liên tưởng tới câu thơ của Chế Lan Viên, ở những từ ngữ thể hiện tình cảm, thái độ của du khách khi đến những vùng đảo,... yếu tố miêu tả thể hiện ở những đoạn giới thiệu vị trí địa lí của những hòn đảo trải dài từ Bắc vào Nam. Bên cạnh đó, yếu tố tự sự cũng được sử dụng khi giới thiệu về sự xuất hiện của cư dân đảo.

- Việc lồng ghép yếu tố miêu tả, biểu cảm, tự sự giúp cho thông tin được chuyển tải đến người đọc một cách sinh động, hấp dẫn, thể hiện tình yêu và niềm tự hào của tác giả về biển đảo Việt Nam.

* Thực hành viết

1. Chuẩn bị viết

- Lựa chọn đề tài thuyết minh.

- Tập hợp thông tin về đề tài đã chọn bằng cách quan sát, thu thập và ghi chép thông tin.

2. Tìm ý, lập dàn ý

a) Tìm ý

* Đề bài:

Để tìm ý, có thể dựa vào một số câu hỏi gợi ý sau:

- Sự vật, hiện tượng được đề cập đến là gì?

- Có thể cung cấp những thông tin về sự vật, hiện tượng được thuyết minh theo trình tự nào?

- Việc nhận thức đầy đủ về sự vật, hiện tượng được thuyết minh có ý nghĩa như thế nào đối với mỗi chúng ta?

b) Lập dàn ý

Mở bài:

- Giới thiệu sự vật, hiện tượng trong tự nhiên được thuyết minh.

- Nêu thông tin khái quát về sự vật, hiện tượng đó.

Thân bài:

- Chọn lọc, sắp xếp và triển khai các ý đã tìm được theo một trình tự hợp lí, tùy thuộc vào định hướng cung câp thông tin của người viết.

- Cần xác định yếu tố tự sự, miêu tả, biểu cảm, nghị luận nào có thể đưa vào vị trí thích hợp để làm tăng hiệu quả biểu đạt và sức hấp dẫn của bài viết.

- Cần dự kiến cả những phương tiện phi ngôn ngữ có thể  được sử dụng trong văn bản (hình ảnh, số liệu, sơ đồ,...), giúp cho các nội dung thuyết minh được sinh động, hấp dẫn.

Kết bài: Khái quát ý nghĩa của sự vật, hiện tượng được đề cập, gợi mở những ý tưởng có thể tiếp nối,…

* Dàn ý cho đề bài: Thuyết minh về hiện tượng thủy triều đỏ

a. Mở bài

- Giới thiệu về thủy triều đỏ.

- Dẫn dắt vào vấn đề thuyết minh: hiện tượng thủy triều đỏ.

b. Thân bài

- Giới thiệu thông tin về thủy triều đỏ: Hiện tượng tảo nở hoa (có tài liệu còn gọi là hiện tượng nở hoa của nước) gây ra bởi các loài vi tảo và vi khuẩn lam sống trong nước biển hoặc nước ngọt khi chúng phát triển rất nhanh, bùng phát quá mức về mật độ tế bào hoặc sinh khối. Hiện tượng tảo nở hoa xảy ra cả ở biển và nước ngọt, khi xảy ra ở biển thì gọi là thủy triều đỏ. Tảo nở hoa có thể sống ở bề mặt nước hoặc ở tầng đáy.

- Giới thiệu nguyên nhân tạo ra thủy triều đỏ:  

+ Do các loài tảo có độc tố và các loài không có độc tố.

+ Các độc tố ảnh hưởng tới con người và các sinh vật sống khác.

- Hiện tượng thủy triều đỏ ở các nước trên thế giới: xảy ra ở nhiều nước: Hoa Kỳ, Brasil, Úc, Philippines, Trung Quốc, Anh, Malaysia…và gây ra nhiều thiệt hại.

c. Kết bài

- Khái quát về hiện tượng thủy triều đỏ.

- Gợi mở những suy nghĩ cá nhân.

3. Viết

- Triển khai dàn ý thành các đoạn văn, sắp xếp các đoạn theo trình tự hợp lí.

- Kết hợp yếu tố tự sự, miêu tả, biểu cảm, nghị luận phù hợp.

- Chú ý sử dụng kết hợp bảng biểu, tranh ảnh,... phù hợp.

- Sử dụng ngôn ngữ diễn đạt mạch lạc, sáng rõ.

Bài viết tham khảo

Thủy triều đỏ là cách gọi thông thường, nhưng các nhà khoa học thường gọi là hiện tượng nở hoa của tảo ở biển.

Hiện tượng tảo nở hoa (có tài liệu còn gọi là hiện tượng nở hoa của nước) gây ra bởi các loài vi tảo và vi khuẩn lam sống trong nước biển hoặc nước ngọt khi chúng phát triển rất nhanh, bùng phát quá mức về mật độ tế bào hoặc sinh khối. Hiện tượng tảo nở hoa xảy ra cả ở biển và nước ngọt, khi xảy ra ở biển thì gọi là thủy triều đỏ. Tảo nở hoa có thể sống ở bề mặt nước hoặc ở tầng đáy.

Đặc biệt, những thực vật phù du và sinh vật nguyên sinh đơn bào, các sinh vật như thảo mộc có thể hình thành những đám dày đặc, các vết có thể nhìn thấy ở gần bề mặt nước. Một số loài thực vật phù du, tảo chứa sắc tố quang hợp khác nhau về màu sắc từ xanh sang nâu đỏ.

Khi mật độ tảo tập trung cao, nước sẽ đổi màu hay xỉn lại, từ tím đến gần như màu hồng, thường là màu đỏ hoặc màu xanh lá cây. Không phải tất cả việc nở rộ tảo đều dày đặc đủ để làm cho nước đổi màu, và không phải tất cả những nước đổi màu có liên quan đến nở rộ tảo đều đỏ. 

Hiện tượng tảo nở hoa có thể do các loài tảo có độc tố và các loài không có độc tố. Khi các tảo độc nở hoa, chúng tiết ra các độc tố thuộc về 3 nhóm: nhóm độc tố gan, nhóm độc tố thần kinh, nhóm độc tố gây tiêu chảy. Chúng không chỉ gây độc cho các sinh vật sống trong nước như cá, giáp xác, động vật thân mềm, động vật có vú ở biển (như cá voi, sư tử biển)… mà còn gây độc cho cả một số loài chim, cho con người khi ăn phải thủy sản bị nhiễm độc, khi tiếp xúc hoặc uống phải nguồn nước bị nhiễm độc.

Các độc tố có thể ảnh hưởng tới không khí, gây khó thở. Ngoài việc tạo ra các độc tố, chúng còn làm ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước do chuyển màu, có mùi tanh khó chịu, hàm lượng oxy giảm đột ngột do phân hủy một lượng sinh khối lớn.Tảo không độc khi nở hoa cũng làm ảnh hưởng đến chất lượng nước khi lượng sinh khối lớn của chúng bị chết và phân hủy.

Tóm lại, hiện tượng nở hoa của tảo, đặc biệt là tảo độc gây tác hại tới hệ sinh thái biển, ảnh hưởng đến đa dạng sinh học, ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đối với con người, gây thiệt hại cho ngành kinh tế khai thác, nuôi trồng thủy sản.

Thực tế, không phải đợt bùng phát tảo biển nở hoa nào cũng có hại. Chúng có thể có lợi vì là thức ăn cho sinh vật trong đại dương.

Theo một cuốn sách của ông Kin-Chung Ho, Đại học Mở Hong Kong, sự xuất hiện của thủy triều đỏ ở một số địa điểm dường như là hoàn toàn tự nhiên, do sự chuyển động của các dòng hải lưu nhất định. Tuy nhiên, hiện tượng này cũng có thể do phú dưỡng hóa nguồn nước - thải quá nhiều vào nước chất dinh dưỡng như nitrat hay phốt phát từ hoạt động nông nghiệp hay hiện tượng nước trồi - dòng nước lạnh đặc và nhiều dinh dưỡng di chuyển từ phía sâu lên bề mặt đại dương, thay thế dòng nước nóng hơn.

Thủy triều đỏ đã xảy ra ở nhiều nước: Hoa Kỳ, Brasil, Úc, Philippines, Trung Quốc, Anh, Malaysia…và gây ra nhiều thiệt hại.

Năm 1968, tại Anh có 78 trường hợp người bị ngộ độc do ăn sò xanh nhiễm độc tố của tảo Alexandrium tamarense. Tính đến năm 1995, tại Philippines đã có 1422 người bị ngộ độc do ăn cá nhiễm độc tảo Pyrodinium bahamense var compressum và 82 người trong số này đã tử vong. Năm 1998, một loài tảo mới xuất hiện ở vùng biển Hong Kong đã gây ra thuỷ triều đỏ, ảnh hưởng đến 20 trong tổng số 26 khu vực nuôi cá, hủy hoại hơn 80 % trữ lượng cá thường xuyên. Năm 2013, hai người Malaysia đã chết do ăn cá nhiễm tảo độc từ thủy triều đỏ ở bờ biển đảo Borneo.

Tất cả các bang ven biển của Hoa Kỳ đều bị thủy triều đỏ và chịu nhiều thiệt hại do thủy triều đỏ gây ra, đặc biệt là ở New England, Florida, khu vực gần Vịnh Mexico… Thiệt hại do thủy triều đỏ gây ra đối với nuôi trồng, khai thác thủy sản, du lịch lên tới hàng chục triệu đô la.

Tại Việt Nam, hiện tượng thủy triều đỏ cũng đã xảy ra ở nhiều nơi. Tuy nhiên, khu vực biển Bình Thuận là nơi có tần suất nở hoa của vi tảo cao nhất, hiện tượng này. Tháng 6 - 7/2014, thủy triều đỏ tạo nên các trận bọt biển màu đỏ vàng ở bãi biển Mũi Né – Hòn Rơm (Phan Thiết, Bình Thuận). Xác cá và nhiều động vật, rong tảo biển dạt vào và phân hủy, bốc mùi hôi thối gây ô nhiễm môi trường. Cư dân ở đây cho biết hiện tượng thủy triều đỏ thường xuất hiện ở vùng biển này vào tháng 6 hàng năm.

Đồng thời, nghề sản xuất giống thủy sản và nuôi lồng các loài tôm hùm, cá mú cũng thải ra môi trường một lượng dinh dưỡng đáng kể cũng là một điều kiện kích thích sự nở hoa. Hiện tượng nở hoa nước thường xảy ra trong các hồ nước ngọt và các ao nuôi thủy sản. Hiện tượng tảo nước ngọt nở hoa cũng đã gặp ở Hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội), hồ Xuân Hương (thành phố Đà Lạt) và gần đây, trong tháng 4/2016 tại sông Ba, đoạn chảy qua xã Chư Ngọc huyện Krông Pa, Gia Lai.

Theo các nhà khoa học, hiện tượng thủy triều đỏ và nở hoa nước là một trong những vấn đề cấp bách cần được quan tâm nghiên cứu cụ thể, lâu dài như: Về quy luật phát sinh và lan truyền của hiện tượng thủy triều đỏ và nở hoa nước; về sinh thái phát triển và sản sinh độc tố của một số loài vi tảo kể cả các loài đang hình thành có khả năng nở hoa. Trên cơ sở đó, có sự cảnh báo để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đồng thời đánh giá đầy đủ về những thiệt hại mà nó gây ra.

4. Chỉnh sửa, hoàn thiện

- Đọc lại và đối chiếu với yêu cầu của bài, dàn ý đã lập.

- Xem lại những đoạn, nội dung có yếu tố miêu tả, tự sự, biểu cảm, nghị luận trong bài viết.

- Rà soát để đảm bảo không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu, tổ chức văn bản.

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 11 Kết nối tri thức ngắn nhất, hay khác:

Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 11 hay khác:


Giải bài tập lớp 11 Kết nối tri thức khác