Soạn bài Củng cố, mở rộng trang 59 lớp 11 Tập 2 - ngắn nhất Kết nối tri thức
Soạn bài Củng cố, mở rộng trang 59 Tập 2 ngắn nhất mà vẫn đủ ý được biên soạn bám sát sách Ngữ văn lớp 11 Kết nối tri thức giúp học sinh soạn văn 11 dễ dàng hơn.
Câu 1 (trang 59 sgk Ngữ văn 11 Tập 2): Nêu những dấu hiệu để có thể nhận biết các yếu tố trữ tình trong ba văn bản Ai đã đặt tên cho dòng sông?, “Và tôi vẫn muốn mẹ…”, Cà Mau quê xứ.
Trả lời:
* Văn bản: Ai đã đặt tên cho dòng sông
- Dấu hiệu nhận biết yếu tố trữ tình: Cái tôi mê đắm, tài hoa, uyên bác và có tình yêu say đắm quê hương, xứ sở, đặc biệt với Huế và Hương giang.
* Văn bản: “Và tôi muốn mẹ…”
- Dấu hiệu nhận biết yếu tố trữ tình: Tình cảm mãnh liệt dành cho mẹ. Khi nhân vật “tôi” chỉ là một đứa trẻ, tình yêu lớn nhất là dành cho gia đình của mình. Tận khi lớn lên thì thứ tình cảm đó vẫn không mất đi. Dù có không còn chiến tranh nhưng thứ tình cảm đó vẫn ăn sâu nảy mầm trong tâm trí của nhân vật.
* Văn bản: Cà Mau quê xứ
- Dấu hiện nhận biết yếu tố trữ tình: Chất trữ tình được thể hiện trong bài tản văn thông qua những cảm giác và tình cảm của tác giả dành cho thiên nhiên và con người Mũi Cà Mau. Dù đã rời khỏi vùng đất đó nhưng những kí ức của ông vẫn còn nguyên vẹn, đó là thứ níu kéo tình cảm của ông, làm ông lưu luyến không rời để rồi nhớ nhung và gửi lại qua trang viết.
Câu 2 (trang 59 sgk Ngữ văn 11 Tập 2): Cho đề bài:
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường nhận thấy dòng sông Hương “không bao giờ tự lặp mình trong cảm hứng của các nghệ sĩ”. Hãy phân tích sự độc đáo trong cảm hứng của chính tác giả về sông Hương qua đoạn trích Ai đã đặt tên cho dòng sông?.
a. Lập dàn ý cho bài viết.
b. Chọn hai ý và triển khai thành hai đoạn văn có liên kết với nhau.
Trả lời:
a. 1, Mở bài:
- Giới thiệu về đề tài sông Hương.
- Giới thiệu Hoàng Phủ Ngọc Tường và bài bút kí.
- Dẫn vào nhận định của nhà văn về dòng sông...
2, Thân bài
* Hoàn cảnh ra đời và nội dung tác phẩm
- Tác phẩm được sáng tác tại Huế năm 1981.
- Đánh giá nhận xét của Hoàng Phủ Ngọc Tường ở câu mở đầu đoạn trích: “Trong những dòng sông đẹp ở các nước….một thành phố duy nhất”
=> Nhận xét mang đậm tính chủ quan của nhà văn. Thể hiện nét độc đáo sông Hương, uyên bác, tự hào.
* Vẻ đẹp của Sông Hương
- Vẻ đẹp của sông Hương nơi thượng nguồn
+ Dữ dội, cuồn cuộn
+ Phóng khoáng và man dại như cô gái Di-gan.
=> Đó là vẻ đẹp của dòng sông nguyên thủy, mang theo sự hung hãn, hoang dại của tự nhiên như một con thú chưa được thuần hóa.
- Vẻ đẹp của sông Hương khi chảy qua vùng đồng bằng
+ Như một thiếu nữ nằm ngủ mơ màng giữa cánh đồng Châu Hóa đầy hoa dại
+ Sông Hương uốn lượn, quanh co mềm mại như một cuộc tìm kiếm có ý thức để đi tới tương lai.
=> Sông Hương đã chuyển mình từ vẻ đẹp mạnh mẽ, dữ dội của tự nhiên sang vẻ đẹp thướt tha, duyên dáng của người thiếu nữ.
- Vẻ đẹp của sông Hương khi chảy vào lòng thành phố
+ “Sông Hương vui tươi hẳn lên ... đông bắc” → nhà văn cảm nhận sông Hương như một thực thể sống động, có niềm vui, tâm trạng khi tìm lại được chính mình
+ “Chiếc cầu trắng ... lời của tình yêu”. → vẻ đẹp thoát tục của sông Hương và cầu Tràng Tiền được miêu tả qua nghệ thuật so sánh tài hoa.
+ “Không giống như sông Xen ... yêu quý của mình" -> niềm tự hào của tác giả khi so sánh sông Hương với các con sông nổi tiếng trên thế giới.
+ Sông Hương chảy chậm, điệu chảy lững lờ như quá yêu thành phố của mình.
=> Đó là vẻ đẹp của một dòng sông thơ mộng, mang trong mình những cảm xúc lạ thường, lưu luyến khó quên khi bước vào thành phố.
- Nghệ thuật:
+ Tác giả sử dụng trình tự kể từ xa đến gần.
+ Sử dụng linh hoạt các biện pháp nghệ thuật so sánh, nhânn hóa, ẩn dụ ...
3, Kết bài
- Khẳng định lại vẻ đẹp của dòng sông Hương qua cái nhìn của Hoàng Phủ Ngọc Tường.
- Khẳng định lại nhận định của tác giả về dòng sông Hương.
b. Viết đoạn văn
Ai đã đặt tên cho dòng sông? là tác phẩm được rút ra từ tập kí cùng tên, là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất cho phong cách văn chương của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Thể kí của ông luôn nổi bật ở chất tài hoa, lịch lãm; ở những suy tư sâu sắc về văn hóa, lịch sử ở ngôn từ mềm mại, tinh tế, đầy những liên tưởng bất ngờ, tạo được sự kết nối đa chiều với nhiều văn bản khác. Văn bản Ai đã đặt tên cho dòng sông? được tác giả lấy cảm hứng từ dòng sông Hương thơ mộng, trữ tình nơi xứ Huế để ca ngợi vẻ đẹp của đất nước, quê hương mình, từ đó bày tỏ tình yêu đất nước, con người nơi đây. Chính vì vậy, dưới con mắt của một nghệ sĩ với tâm hồn đa sầu, đa cảm, đứng trước dòng sông Hương thơ mộng, trữ tình đến thế, tác giả nhận thấy “không bao giờ tự lặp mình trong cảm hứng của nghệ sĩ". Có khi nó đến một cách dồn dập, hồ hởi, nhưng có khi lại nhẹ nhàng, sâu lắng, tùy vào tâm trạng của người nghệ sĩ. Đó là thứ cảm xúc tinh tế của những người nghệ sĩ chân chính khi họ đứng trước cái đẹp.
Câu 3 (trang 59 sgk Ngữ văn 11 Tập 2): Cho đề tài:
Để thành công, dứt khoát phải dựa vào nội lực, không cần sự hỗ trợ từ bên ngoài.
a. Chuẩn bị nội dung thảo luận, tranh luận về đề tài trên.
b. Tổ chức tập thảo luận, tranh luận trên cơ sở nội dung đã chuẩn bị.
Trả lời:
a. Nội lực là yếu tố quan trọng để đạt được thành công. Tự tin trong khả năng của bản thân và sẵn sàng đối mặt với khó khăn là những yếu tố quan trọng để vượt qua mọi thách thức. Tuy nhiên, không có nghĩa là không cần sự hỗ trợ từ bên ngoài. Đôi khi, việc có người khác đồng hành, cung cấp thông tin, hướng dẫn hoặc cung cấp sự động viên có thể giúp ích rất nhiều trong quá trình đạt được mục tiêu.
b. Được tổ chức trong buổi tranh luận ở lớp.
Câu 4 (trang 59 sgk Ngữ văn 11 Tập 2): Chọn ba văn bản thuộc các thể loại tùy bút, tản văn, truyện kí,… mà bạn yêu thích; đọc, chỉ ra và phân tích những nét đặc sắc về nghệ thuật của từng văn bản.
Trả lời:
a. Văn bản 1: Một thứ quà của lúa non: Cốm
Bài tùy bút “Một thứ quà của lúa non: Cốm” đã thể hiện được nét đặc sắc của tác giả Thạch Lam là thiên về cảm giác tinh tế, nhẹ nhàng mà sâu sắc. Đây cũng là đặc điểm chung trong các sáng tác của Thạch lam nói chung.
Khi nói về sự hình thành của hạt cốm, tác giả đã viết một đoạn văn miêu tả thấm đượm cảm xúc, thông qua những từ ngữ chọn lọc tinh tế, những câu văn có nhịp điệu: Khi đi qua cánh đồng xanh…mùi thơm của bông lúa non; Trong cái vỏ xanh kia, có một giọt sữa trắng thơm, phảng phất hương vị ngàn hoa cỏ; Giọt sữa dần dần đọng lại; Rồi một loạt cách chế biến để làm ra tứ cốm dẻo ấy. ta có thể thấy Thạch Lam đã rất cẩn trọng trong chọn lọc từ ngữ miêu tả, câu văn thì nhiều nhạc điệu để thể hiện được luận điểm: Cốm là thứ quà đặc biệt của lúa non, của bàn tay khéo léo.
Để có hạt cốm cần đến sự khéo léo của con người. Vì vậy sau đoạn mở đầu tác giả đã nói đến nghề làm cốm nổi tiếng ở làng Vòng. Tác giả không đi vào miêu tả tỉ mỉ kĩ thuật hay công việc làm cốm mà cho biết đó là một nghệ thuật với một loạt cách chế biến, những cách thức truyền từ đời này sang đời khác.
b. Văn bản 2: Sài Gòn tôi yêu
Trong bài tùy bút Sài Gòn tôi yêu, tác giả Minh Hương đã thể hiện tình yêu mãnh liệt đối với Sài Gòn trong sự cảm nhận về phong cách của người Sài Gòn. Trước hết, tác giả lí giải nguyên nhân Sài Gòn là nơi hội tụ của người tứ phương: bởi Sài Gòn hội tụ người của bốn phương những hòa hợp, không phân biệt, qua đó thể hiện phẩm chất tốt đẹp của người Sài Gòn, đó chính là sự cởi mở, đoàn kết.
Phong cách của người Sài Gòn lại được tác giả Minh Hương thể hiện qua chi tiết những cô gái yểu điệu, thiết tha, e ngại, ngượng nghịu như vầng trăng mới ló, cười chum chím, sáng rỡ, hóm hỉnh, nhí nhảnh. Qua miêu tả của tác giả ta thấy được phong cách của người Sài Gòn, đó chính là sự tinh tế, chân thành, cởi mở, bộc trực, vẻ đẹp tự nhiên, dễ gần mà dũng cảm cao đẹp.
Qua đó, người đọc thấy được Sài Gòn là một đô thị sầm uất, đông đúc, con người sống với nhau bằng tình yêu thương và sự đoàn kết, gắn bó. Đồng thời thể hiện được tình cảm yêu thương, trân trọng của tác giả Minh Hương đối với vùng đất này.
c. Văn bản 3: Mùa xuân của tôi
Đoạn trích “Mùa xuân của tôi” được trích từ thiên tùy bút “Tháng Giêng mơ về trăng non nét ngọt” in trong tập “Thương nhớ mười hai” của tác giả Vũ Bằng. Bằng những đặc sắc cả về nội dung và nghệ thuật, nhà văn đã gửi vào tác phẩm nỗi niềm thương nhớ quê hương, gia đình và lòng mong mỏi đất nước được hòa bình, thống nhất. Mùa xuân trên đất Bắc hiện lên trong nỗi nhớ của nhà văn là những cảnh đẹp thiên nhiên, những cảnh sinh hoạt đời thường đặc trưng, đó là những hình ảnh đẹp, cứ in hằn trong tâm tưởng của nhà văn: “mùa xuân Hà Nội là mùa xuân có mưa riêu riêu…có câu hát huê tình của cô gái đẹp như thơ mộng”. Bằng giọng văn kết hợp giữa kể chuyện, miêu tả và biểu cảm rất nhịp nhàng, hài hòa và trôi chảy tự nhiên, nhà văn đã thể hiện rõ niềm nhớ thương da diết mùa xuân của quê hương, không chỉ có cảm nhận về mùa xuân nói chung, nhà văn còn có cảm nhận về mùa xuân trong tháng Giêng của miền Bắc.
Xem thêm các bài Soạn văn lớp 11 Kết nối tri thức ngắn nhất, hay khác:
Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 11 hay khác:
- Soạn văn 11 Kết nối tri thức (hay nhất)
- Soạn văn 11 Kết nối tri thức (ngắn nhất)
- Soạn Chuyên đề Văn 11 Kết nối tri thức
- Giải lớp 11 Kết nối tri thức (các môn học)
- Giải lớp 11 Chân trời sáng tạo (các môn học)
- Giải lớp 11 Cánh diều (các môn học)
- Soạn văn 11 (hay nhất) - KNTT
- Soạn văn 11 (ngắn nhất) - KNTT
- Giải sgk Toán 11 - KNTT
- Giải Tiếng Anh 11 Global Success
- Giải sgk Tiếng Anh 11 Smart World
- Giải sgk Tiếng Anh 11 Friends Global
- Giải sgk Vật Lí 11 - KNTT
- Giải sgk Hóa học 11 - KNTT
- Giải sgk Sinh học 11 - KNTT
- Giải sgk Lịch Sử 11 - KNTT
- Giải sgk Địa Lí 11 - KNTT
- Giải sgk Giáo dục KTPL 11 - KNTT
- Giải sgk Tin học 11 - KNTT
- Giải sgk Công nghệ 11 - KNTT
- Giải sgk Hoạt động trải nghiệm 11 - KNTT
- Giải sgk Giáo dục quốc phòng 11 - KNTT
- Giải sgk Âm nhạc 11 - KNTT