SBT Ngữ văn 11 Kết nối tri thức Bài tập 6 trang 11

Với giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 11 Bài tập 6 trang 11 sách Kết nối tri thức hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh dễ dàng làm bài tập trong SBT Ngữ Văn 11.

Bài tập 6 trang 11 SBT Ngữ văn 11 Tập 1: Đọc lại khổ 2 của bài thơ Tràng giang trong SGK Ngữ văn 11, tập một (tr.59) và trả lời các câu hỏi:

Câu 1 trang 11 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Hãy diễn tả lại một cách ngắn gọn về những điều được gợi lên trong khổ thơ.

Trả lời:

Đứng trước dòng sông rộng lớn, gió thổi nhè nhẹ khiến mặt nước lăn tăn, cồn nhỏ bên bờ cỏ khẽ khàng chuyển động, lòng người man mác nỗi buồn mênh mang như con sóng nhỏ. Trong không gian tĩnh lặng của buổi chiều tà, tiếng làng xa gần của buổi chợ chiều vãn là thứ âm thanh của sự sống rõ ràng nhất, nhưng cũng thật xa xôi, mơ hồ. Trên cao, nhân vật trữ tình nhìn xuống thứ ánh sáng nhợt nhạt của buổi chiều tà từ trên cao rọi xuống. Hình ảnh thơ vừa rộng, vừa dài, vừa thấm đậm nỗi buồn. Mọi thứ đều thưa thớt, yếu ớt, không sức sống. Hình ảnh”bến cô liêu” cuối cùng như khóa lại cảm xúc buồn chất chứa giữa mênh mang đất trời không điểm tựa.

Câu 2 trang 11 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Bạn hiểu như thế nào về nghĩa của câu thơ: “Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều”?

Trả lời:

 - Âm thanh “tiếng làng xa vãn chợ chiều” diễn tả sự sống tàn lụi, không gian tĩnh lặng, chứa đựng một nỗi buồn xót xa:

- Từ “đâu” có thể hiểu theo 2 nghĩa:

+ Đâu đây (thứ âm thanh vọng lại từ xa): Làng thì xa, chợ đã vãn. Tiếng làng xa là thứ âm thanh mơ hồ không chân thực, rõ ràng. Không gian mang vẻ vắng lặng, cô tịch, sự sống yếu ớt. => Bút pháp lấy động tả tĩnh quen thuộc của Đường thi.

+ Đâu có (không hề có): Không hề có dấu vết của sự sống con người. Không gian xung quanh trống vắng tuyệt đối.

=> “Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều” ở đây được hiểu là “Đâu đây có tiếng làng xa vãn chợ chiều”. Điều đó có thể khẳng định thanh âm của chợ buổi chiều tàn là có tồn tại nhưng không rõ ràng. Hình ảnh chợ nhạt nhòa, không mang hơi ấm của cuộc sống. Vạn vật xung quanh dường như vẫn tĩnh lặng tuyệt đối.

Câu 3 trang 11 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Hãy chỉ ra sự tương hợp giữa các hình ảnh xuất hiện trong khổ thơ.

Trả lời:

Các hình ảnh trong khổ thơ có sự hòa hợp giữa màu sắc, đường nét, âm thanh và “tiếng nói tinh thần”:

- Cảnh vật xung quanh được miêu tả càng rộng, càng cao, càng sâu bao nhiêu thì mọi thứ càng nhuốm màu buồn vắng, lẻ loi bấy nhiêu. Sông tuy dài nhưng bến bờ cô tịch, nỗi buồn bâng khuâng trở thành nỗi buồn chất chứa, mở rộng theo chiều kích không gian, thấm sâu trong từng hơi thở.

Câu 4 trang 11 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Phân tích dấu ấn của phép đối trong thơ Đường luật ở hai câu sau của khổ thơ. Việc tác giả vận dụng phép đối (theo một cách rất linh hoạt) trong trường hợp này đã đạt được hiệu quả nghệ thuật gì?

Trả lời:

Không gian được mở rộng 3 chiều cao – sâu – rộng:

+ “Nắng” và “trời” vốn đi liền với nhau, nhưng ở đây, nắng và trời lại ngược hướng, đẩy nhau ra xa, gợi lên sự chia lìa, xa cách.

+ Từ “sâu” gợi sự thăm thẳm. “Sâu chót vót” là cách diễn đạt mới mẻ, mang nét đẹp hiện đại của Huy Cận. Nó khắc họa sự chơi vơi, rợn ngợp trước độ sâu hun hút đến vô tận của bầu trời. Càng rộng, càng sâu, càng cao thì cảnh vật càng vắng lặng, nỗi buồn thấm vào không gian ba chiều nên con người càng nhỏ bé trước vũ trụ bao la và lạc lõng giữa đất trời. => Nhà thơ dùng đôi mắt để xuyên thấu vào vũ trụ, không gian bao la, vô tận.

=> Hệ thống từ ngữ đối lập: lên >< xuống, dài >< rộng, cao >< sâu => Càng mở rộng không gian đến rợn ngợp, mênh mông.

Câu 5 trang 11 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Bạn hiểu như thế nào về từ “cô liêu”? Hãy nêu một số từ ngữ khác gần gũi về nghĩa với từ này.

Trả lời:

- “cô liêu”: lẻ loi, cô độc, hoang vắng

- Từ đồng nghĩa: cô tịch, tịch liêu, hiu quạnh, hoang vắng,...

Lời giải sách bài tập Ngữ Văn 11 Bài 2: Cấu tứ và hình ảnh trong thơ trữ tình hay khác:

Xem thêm giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 11 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác: