SBT Ngữ văn 11 Kết nối tri thức Bài tập 1 trang 9

Với giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 11 Bài tập 1 trang 9 sách Kết nối tri thức hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh dễ dàng làm bài tập trong SBT Ngữ Văn 11.

Bài tập 1 trang 9 SBT Ngữ văn 11 Tập 1: Đọc lại bài thơ Nhớ đồng trong SGK Ngữ văn 11, tập một (tr.56 - 57) và trả lời các câu hỏi:

Câu 1 trang 9 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Trong nỗi nhớ của nhân vật trữ tình, “đồng” hiện lên với những đường nét, sắc thái cụ thể nào?

Trả lời:

- Trong ngữ cảnh của bài thơ, “đồng” là từ mang nghĩa khái quát, chỉ chung thế giới bên ngoài nhà lao, trong đó đậm nét nhất là hình ảnh đồng ruộng quê hương và những con người lao khổ gắn bó với đồng ruộng ấy.

+ Đường nét và sắc thái: “gió cồn thơm”, “đất nhả mùi”, “ruồng tre mát”, “ô mạ xanh mơn mởn”, “nương khoai sắn ngọt bùi”, con đường quen thuộc, “xóm nhà tranh thấp”, “trưa hiu quạnh”, “lưng cong luống cày”, “bùn nức hương ngây”, “những bàn tay vãi giống”, “chiều sương phủ bãi đồng”, “lúa mềm xao xác”, “tiếng xe lùa nước”, “giọng hò não nùng”, “mẹ già đơn chiếc”, “hồn thân chất phác dãi dày mưa gió”,...

Câu 2 trang 9 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Bạn có nhận xét gì về sự biến đổi của những hình ảnh trong kí ức được tái hiện lần lượt qua các khổ thơ?

Trả lời:

- Những hình ảnh “cồn thơm đất nhả mùi”, “ruồng tre mát thở yên vui”, “ô mạ xanh rờn”, “con đường đi vạn đời”, “lưng còng luống cày”, “bùn nức hương ngây”, “bàn tay vãi giống tung trời”, “chiều sương phủ bãi đồng”, “lúa mềm xao xác”, “tiếng xe lùa nước”, “khoai sắn thiệt thà”, “con chim cà lơi say đồng ca hát”,... là những hình ảnh thể hiện sự tươi vui, trong sáng, sử dụng nhiều giác quan để cảm nhận.

- Những hình ảnh “trưa thương nhớ”, “hiu quạnh bên trong một tiếng hò”, “ngày tháng âm u không đổi cứ trôi”, “giọng hò não nùng”, “mẹ già xa đơn chiếc”, “hồn thân tự thưở xưa”, “tôi vẩn vơ luẩn quẩn đi kiếm lẽ yêu đời”, “cánh chim buồn nhớ gió mây” đã thể hiện sự hiu hắt một nỗi buồn lẩn khuất vu vơ, mênh mang trong từng hình ảnh.

 => Những hình ảnh được tái hiện trong kí ức luôn có sự biến chuyển từ tươi sáng đến hiu hắt, từ kích thích các giác quan đến chìm lắng mênh mang, tương ứng với việc chuyển trạng thái không ngừng của dòng cảm xúc. Từ đó, thấy được mạch vận động cảm xúc của bài thơ chính là những biến chuyển tâm lí của nhân vật trữ tình khi buộc phải ngồi một chỗ, chỉ còn biết “mơ qua cửa khám bao ngày”.

Câu 3 trang 9 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Hãy chọn phân tích một hình ảnh trong bài thơ đã để lại cho bạn ấn tượng sâu đậm nhất.

Trả lời:

- Hình ảnh ấn tượng “những bàn tay vãi giống tung trời những sớm mai” là một hình ảnh tươi sáng, đẹp đẽ, vẽ lên khung cảnh hăng say lao động của những người nông dân để sản xuất lương thực phục vụ đời sống và chiến đấu, để bảo vệ và duy trì sự sống của con người. Hình ảnh trong khổ thơ thứ 5 rất đẹp. Ở đó có sự hòa hợp của con người và thiên nhiên trong tinh thần lao động nhịp nhàng. Tác giả đã dùng thị giác và khứu giác để cảm nhận những bóng lưng đầy mồ hôi miệt mài bên luống cày, hít lấy hương thơm ngây ngất, ngai ngái của mùi bùn hi vọng, và chứng kiến những bàn tay theo nhịp vãi giống trong buổi sớm mai. Tất cả cho thấy vẻ đẹp của tinh thần lao động và hi vọng vào ngày mai ấm no, tươi sáng.

Câu 4 trang 9 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Xác định mối liên hệ về nội dung giữa khổ thơ thứ 3 với các khổ thơ 10, 11.

Trả lời:

- Khổ 3 thể hiện cảm giác bức bối của nhân vật trữ tình trước tình trạng trì trệ, “âm u” của cuộc sống muôn đời không chịu đổi thay.

- Khổ 10, 11 thể hiện hồi ức của nhân vật trữ tình về những ngày anh tìm kiếm đường đi cho cuộc đời mình. Đó là hành trình dài làm thay đổ con người anh. Từ một người luôn u uất, băn khoăn, luẩn quẩn không tìm thấy lối thoát đến một ngày trái tim anh nhẹ nhõm, mãnh liệt, vui tươi khi tìm thấy con đường, chân lí để hướng tới - đó là lí tưởng Cách mạng.

=> 3 khổ thơ có sự liên kết, tạo thành quá trình tự nhận thức của nhân vật trữ tình trên con đường đi tìm “lẽ yêu đời”. Anh luôn mong muốn được thay đổi, được thoát khỏi vòng lặp của cuộc sống tù đọng, mòn mỏi để tìm được con đường đúng đắn. Và anh bắt gặp lí tưởng Cách mạng và đường đi cho cuộc đời mình với niềm tin yêu lớn lao.

Câu 5 trang 9 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Nêu nhận xét khái quát của bạn về đặc điểm con người nhân vật trữ tình được thể hiện qua bài thơ.

Trả lời:

Nhân vật trữ tình tự biểu hiện mình vừa qua trạng thái cảm xúc được anh gọi đích danh (thương nhớ, mơ, buồn) vừa qua một chân dung tự hoạ sắc nét với những từ ngữ mang đậm tính tạo hình (vẩn vơ, quanh quẩn, nhẹ nhàng,...). Đặc biệt, con người anh còn được bộc lộ gián tiếp qua những cảnh, những người được nỗi nhớ gợi lên.

=> Đó là một thanh niên chân thành, trung hậu, có tình cảm gắn bó sâu nặng với gia đình, quê hương (đặc biệt là người lao khổ), có lí tưởng, hoài bão, luôn hướng đến Cách mạng với niềm tin to lớn.

Câu 6 trang 9 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Trong bài thơ, những từ ngữ địa phương nào đã được sử dụng? Việc sử dụng những từ ngữ ấy đem lại hiệu quả nghệ thuật gì?

Trả lời:

- Các từ địa phương được sử dụng: thiệt thà, chừ, chim cà lơi, ruồng tre, hố, chừ, khám,...

- Hiệu quả: Tạo nên sự thân thương, gần gũi khi nhắc tới quê hương trong lòng tác giả. Từ đó thể hiện niềm tự hào, yêu thương sâu nặng với mảnh đất Huế thân thương của tác giả. Đồng thời tạo nét riêng, ấn tượng sâu đậm cho người đọc.

Lời giải sách bài tập Ngữ Văn 11 Bài 2: Cấu tứ và hình ảnh trong thơ trữ tình hay khác:

Xem thêm giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 11 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác: