Vở thực hành Ngữ văn 9 Tiếng việt - Kết nối tri thức

Với giải vở thực hành Ngữ Văn 9 Tiếng việt sách Kết nối tri thức hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh lớp 9 dễ dàng làm bài tập trong VTH Văn 9.

Bài tập 1 trang 16 VTH Ngữ Văn 9 Tập 2: Những đặc điểm của thể thơ tám chữ trong bài thơ Tiếng Việt:

Số tiếng trong mỗi dòng: ....................................................................

Cách gieo vần: ..............................................................................

Cách ngắt nhịp: .............................................................................

Trả lời:

- Số tiếng trong một dòng: mỗi dòng có 8 chữ. Riêng hai dòng cuối khổ thơ 14 và 15 có 7 chữ và dòng 3 khổ thơ 10 có 9 chữ.

- Cách gieo vần: bài thơ gieo vần chân, vân cách: sẫm – đẫm, về – tre, mờ – tơ,...

- Cách ngắt nhịp: đa số các dòng thơ ngắt theo nhịp 3/2/3, một số dòng ngắt nhịp 3/3/2, có hai dòng ngắt nhịp 2/2/2/2 (cao quý/ thâm trầm/ rực rỡ/ vui tươi, buồm lộng/ sóng xô/ mai về/ trúc nhớ) giúp nhịp điệu câu thơ linh hoạt hơn. Dòng 9 tiếng ngắt nhịp 4/2/3, hai dòng 7 tiếng ngắt nhịp 2/3/2 và 3/2/2.

Bài tập 2 trang 16 VTH Ngữ Văn 9 Tập 2: Người bộc lộ cảm xúc trong bài thơ Tiếng Việt:

- Đối tượng của cảm xúc được bộc lộ: .............................................

- Ý nghĩa của người bộc lộ cảm xúc và đối tượng của cảm xúc: .....................

Trả lời:

Người bộc lộ cảm xúc trong bài thơ Tiếng Việt:

- Đối tượng của cảm xúc được bộc lộ: tiếng nói dân tộc, qua đó thể hiện tình yêu quê hương, đất nước.

- Ý nghĩa của người bộc lộ cảm xúc và đối tượng của cảm xúc: Cảm xúc đó được gợi lên từ tiếng nói, những âm thanh quen thuộc trong cuộc sống hằng ngày: tiếng mẹ gọi, tiếng kéo gỗ, tiếng gọi đò, tiếng lụa xé, tiếng cha dặn, tiếng mưa dội, lời ăn tiếng nói của cha ông thể hiện trong ca dao, thơ ca,... Những âm thanh đó cất lên từ cuộc sống đời thường, diễn tả những tâm tư, tình cảm mộc mạc mà sâu sắc của con người Việt Nam.

Bài tập 3 trang 16 VTH Ngữ Văn 9 Tập 2: Phân tích một hình ảnh thơ cho thấy trong cảm nhận của nhà thơ, tiếng Việt rất gần gũi, thân thương, bao gồm muôn vàn âm thanh của cuộc sống đời thường: ..........

Trả lời:

Phân tích một hình ảnh thơ cho thấy trong cảm nhận của nhà thơ, tiếng Việt rất gần gũi, thân thương, bao gồm muôn vàn âm thanh của cuộc sống đời thường:

Trong cảm nhận của nhà thơ, những âm thanh của tiếng Việt đều là lời ăn tiếng nói hàng ngày của cha ông, những con người bình dị, “không ai nhớ mặt đặt tên” nhưng đã góp phần làm phong phú thêm tiếng nói dân tộc.

- Tiếng mẹ gọi vang lên trong không gian làng quê thanh bình, yên ả, thân thuộc với những hình ảnh như cánh cò trắng trên cánh đồng xa, con nghé bùn ướt đẫm lưng, hàng cau, tre gió thổi xào xạc. Các biện pháp tu từ nhân hoá (cò trắng rủ nhau về), đảo ngữ (xạc xào gió thổi) góp phần gợi lên trong lòng người đọc cảm giác ấm áp, thân thương.

- Qua khổ thơ 2 và 4, tác giả cho thấy tiếng Việt rất gần gũi với cuộc sống lao động và tâm tư tình cảm của người Việt. Đó là tiếng nói vang lên từ cuộc sống lao động nhọc nhằn, gian truân (tiếng hò kéo gỗ, tiếng gọi đò, tiếng lụa xé, tiếng nước lũ dập dồn chân đê); cũng là tiếng nói chứa chan tình nghĩa yêu thương sâu nặng của đôi lứa, vợ chồng (Đi mòn đàng dứt cỏ đợi người thương; Muối mặn gừng cay lòng khế xót). Những câu thơ cho ta thấy sự cảm thông, thấu hiểu sâu sắc của nhà thơ đối với tâm tư tình cảm và cuộc sống lam lũ của người lao động.

- Qua lời của cha, tiếng Việt có ý nghĩa quan trọng với đời sống của một con người. Bởi đó là phương tiện để các thế hệ đi trước trao truyền những bài học, những kinh nghiệm sống cho các thế hệ đi sau (khi vun cành nhóm lửa, hun thuyền gieo mạ, đưa nôi). Biện pháp tu từ điệp ngữ (lặp từ khi) thể hiện vai trò của tiếng Việt trong cuộc sống hằng ngày.

Bài tập 4 trang 16 VTH Ngữ Văn 9 Tập 2:

Những liên tưởng mà các yếu tố cụ thể trong tiếng Việt (âm thanh, ý nghĩa của từ ngữ) và chữ viết tiếng Việt gợi lên trong tác giả: ..............................

Phân tích một vài câu thơ thể hiện sự kiên tưởng thú vị, độc đáo: ....................

Trả lời:

Những liên tưởng mà các yếu tố cụ thể trong tiếng Việt (âm thanh, ý nghĩa của từ ngữ) và chữ viết tiếng Việt gợi lên trong tác giả:

Trong khổ thơ thứ 5:

- Âm thanh của tiếng Việt:

+ Từ láy tha thiết, ríu rít; hình ảnh so sánh nói thường nghe như hát, như gió nước không thể nào nắm bắt.

+ Tác dụng: Giúp người đọc cảm nhận cụ thể vẻ đẹp trong trẻo, thánh thót, kì diệu của tiếng Việt về phương diện âm thanh, thể hiện tình yêu thiết tha của nhà thơ dành cho tiếng Việt.

- Dấu thanh của tiếng Việt:

+ Thanh huyền: thấp nhất trong nhóm thanh trầm và hướng đi xuống tạo dư âm trầm lắng, bình lặng.

+ Thanh ngã: cao nhất trong nhóm thanh bổng và hướng đi lên gợi những xúc cảm chênh chao.

+ Thanh hỏi: thể hiện những băn khoăn về lịch sử “ngàn đời lửa cháy” của dân tộc.

- Từ ngữ trong tiếng Việt gợi lên những liên tưởng độc đáo:

+ Từ vườn khiến nhà thơ như được đắm mình trong một không gian “rợp bóng lá cành vươn”.

+ Từ suối cho cảm giác “mát lịm ở đầu môi” như uống dòng nước đầu nguồn trong lành.

=> Từ ngữ tiếng Việt bản thân chúng đã hàm chứa khả năng gợi hình, gợi cảm rất thú vị. Từ những khám phá tinh tế về sự độc đáo của các yếu tố trong tiếng Việt, tác giả đi đến nhận xét rằng tiếng Việt đã có sự hoàn thiện từ rất sớm: “Chưa chữ viết đã vẹn tròn tiếng nói”. Từ vẹn tròn đã khái quát vẻ đẹp hoàn thiện, hoàn mĩ của tiếng Việt.

Phân tích một vài câu thơ thể hiện sự kiên tưởng thú vị, độc đáo: tiếng Việt như bùn và như lụa, óng tre ngà và mềm mại như tơ.

Tác dụng: Gợi lên trong người đọc những cảm nhận cụ thể về sự óng ả, mượt mà, mềm mại của tiếng Việt cũng như khả năng diễn tả tinh tế những cảm xúc, rung động thầm kín của con người (như bài ca dao: “Đêm qua ra đứng bờ ao/ Trông cá cá lặn, trông sao sao mờ/ Buồn trông con nhện giăng tơ/ Nhện ơi nhện hơi nhện chờ mối ai?” mà nhà thơ nhắc đến trong bài). Cùng với thán từ ôi, những hình ảnh so sánh đã góp phần biểu đạt tình yêu và sự thán phục của nhà thơ trước vẻ đẹp của tiếng Việt.

Bài tập 5 trang 17 VTH Ngữ Văn 9 Tập 2: Sức mạnh trường tồn của tiếng Việt được tác giả làm nổi bật trong các khổ thơ từ 8 – 12: ...............................

Trả lời:

Sức mạnh trường tồn của tiếng Việt được tác giả làm nổi bật trong các khổ thơ từ 8 – 12:

- Trong không gian địa lí: Tiếng Việt tồn tại cả ở những hòn đảo xa xôi cách biệt với đất liền. Nghệ thuật đối lập đảo nhỏ và biển rộng kết hợp với từ láy xa xôi làm nổi bật sức mạnh lan toả của tiếng Việt tới những nơi xa xôi nhất của Tổ quốc.

- Trong thăng trầm lịch sử: Tiếng Việt vẫn tồn tại ngay cả khi đất nước rơi vào tay kẻ thù. Nhà thơ sử dụng nghệ thuật đối lập tiếng chẳng mất với Loa Thành đã mất và nhắc lại chi tiết kì ảo trong truyền thuyết Mị Châu – Trọng Thuỷ (Mị Châu chết hoá thành ngọc trai, cát vùi sóng dập càng thêm sáng) để nhấn mạnh sức sống của tiếng Việt ngay cả trong hoàn cảnh đất nước rơi vào tay giặc ngoại xâm.

- Trong nhọc nhằn cuộc sống: Tiếng của những người “ăn cầu ngủ quán cũng không thể bị dập vùi bởi cơ cực, nhọc nhằn của cuộc sống. Ngược lại, nó đã toả sáng trong những vần thơ đầy tình yêu thương của thi hào Nguyễn Du: “Cũng có kẻ nằm cầu gối đất/ Dõi tháng ngày hành khất ngược xuôi/ Thương thay cũng một kiếp người/ Sống nhờ hàng xứ, chết vùi đường quan!” (Văn tế thập loại chúng sinh).

Từ láy vằng vặc vốn diễn tả ánh trăng rất sáng, không một chút gợn, được nhà thơ dùng để biểu đạt vẻ đẹp rạng rỡ không gì có thể làm lu mờ của ngôn từ cất lên từ tấm lòng nhân hậu của Nguyễn Du trước những mảnh đời bất hạnh.

Câu “Phá cũi lồng vời vợi cánh chim bay” (khổ thơ 11) gợi khả năng vô tận của tiếng Việt trong việc biểu đạt những trạng thái tình cảm phong phú của con người.

- Trong sự đa dạng của ngôn ngữ: Biện pháp tu từ liệt kê (cao quý, thâm trầm, rực rỡ, vui tươi) làm nổi bật vẻ đẹp phong phú của các ngôn ngữ trên thế giới. Giữa muôn ngàn tiếng nói giàu đẹp, sang trọng, tiếng Việt vẫn toả sáng một vẻ đẹp riêng. Đó là thứ tiếng giàu cảm xúc, có khả năng lay động trái tim con người. Biện pháp tu từ so sánh (như tiếng sáo như dây đàn máu nhỏ, như đời mẹ đắng cay, như hồn dân tộc Việt); biện pháp tu từ nhân hoá (mai về trúc nhớ) kết hợp với các từ láy (rung rinh, vời vợi, nghẹn ngào, trong trẻo) đã tô đậm đặc tính giàu cảm xúc, đậm đà bản sắc, chứa đựng hồn dân tộc của tiếng Việt.

- Trong hiện tại và tương lai: Tiếng Việt đang và vẫn sẽ là một sinh ngữ tồn tại trong cộng đồng, kết nối tâm tư, tình cảm của người Việt. Được sống giữa những người cùng chung tiếng nói, tác giả có cảm giác thật gần gũi, thân thiết. Biện pháp tu từ so sánh (như vị muối chung lòng biển mặn, như dòng sông thương mến chảy muôn đời) giúp người đọc cảm nhận, hình dung được sự rộng lớn của cộng đồng sử dụng tiếng Việt cũng như niềm tin vào sự trường tồn của tiếng Việt.

Bài tập 6 trang 17 VTH Ngữ Văn 9 Tập 2: Tình cảm của nhà thơ với tiếng Việt thể hiện qua ba khổ thơ cuối: ..................

Trả lời:

Tình cảm của nhà thơ với tiếng Việt thể hiện qua ba khổ thơ cuối:

- Nỗi băn khoăn ai sẽ là người gìn giữ và phát huy những giá trị của tiếng Việt trong tương lai.

- Mong mỏi những người bên kia chiến tuyến quay về, đoàn kết trong tinh thần đồng bào cùng nói một thứ tiếng.

- Mang ơn tiếng Việt bởi tiếng Việt đã trao biết bao ân tình.

Bài tập 7 trang 17 VTH Ngữ Văn 9 Tập 2:

Mạch cảm xúc của bài thơ: ...............................

Nhận xét về kết cấu của bài thơ: ........................

Trả lời:

Mạch cảm xúc của bài thơ: tình yêu tiếng Việt, yêu quê hương, đất nước Việt Nam.

Nhận xét về kết cấu của bài thơ: Bài thơ Tiếng Việt có kết cấu chặt chẽ. Cảm xúc chủ đạo của bài thơ là tình yêu tiếng Việt, tình yêu quê hương, đất nước được bộc lộ qua tâm tư của một người con gắn bó máu thịt với tiếng nói của dân tộc, với đời sống của nhân dân. Cảm xúc đó có những biểu hiện cụ thể, tự nhiên như sự gắn bó, gần gũi với tiếng Việt; ca ngợi vẻ đẹp của tiếng Việt, tự hào về sức sống trường tồn của tiếng Việt;... Những hình ảnh so sánh, ẩn dụ; những thành ngữ, tục ngữ,... được sử dụng trong bài thơ đã góp phần quan trọng vào việc biểu đạt tình cảm của nhà thơ với ngôn ngữ dân tộc.

Bài tập 8 trang 17 VTH Ngữ Văn 9 Tập 2: Chủ đề, căn cứ xác định chủ đề và cảm hứng chủ đao của bài thơ Tiếng Viêt:

Chủ đề: ......................................................................................

Căn cứ xác định chủ đề: ......................................................................

Cảm hứng chủ đạo: ............................................................................

Trả lời:

Chủ đề, căn cứ xác định chủ đề và cảm hứng chủ đao của bài thơ Tiếng Viêt:

Chủ đề: tình yêu tha thiết đối với quê hương, đất nước, đối với ngôn ngữ và những giá trị văn hóa của dân tộc.

Căn cứ xác định chủ đề: nhan đề bài thơ, mạch cảm xúc, các hình ảnh thơ, ngôn ngữ thơ,...

Cảm hứng chủ đạo: ca ngợi vẻ đẹp, thể hiện niềm tin tưởng vào sức sống trường tồn của tiếng Việt, bày tỏ tình yêu với tiếng mẹ đẻ, nhắc nhở mỗi người biết trân trọng, giữ gìn, phát triển tiếng Việt.

Bài tập 9 trang 18 VTH Ngữ Văn 9 Tập 2: Những việc cần làm để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt : ...............................

Trả lời:

Những việc cần làm để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt:

- Tránh lạm dụng tiếng lóng, biệt ngữ xã hội trong giao tiếp.

- Không dùng từ ngữ tiếng nước ngoài một cách thiếu cân nhắc.

- Khi gặp từ ngữ chưa rõ nghĩa thì cần tra từ điển.

- Thường xuyên trau dồi kiến thức về chính tả, từ vựng, ngữ pháp,... để sử dụng tiếng Việt chính xác, hiệu quả.

Bài tập 10 trang 18 VTH Ngữ Văn 9 Tập 2: Đoạn văn (khoảng 7 – 9 câu) ghi lại cảm nghĩ về vẻ đẹp của tiếng Việt được thể hiện qua các khổ thơ 5, 6, 7 của bài thơ Tiếng Việt

Trả lời:

Đoạn văn tham khảo

Năm khổ thơ đầu của bài thơ “Tiếng Việt” của nhà thơ Lưu Quang Vũ đã thể hiện rõ vẻ đẹp của tiếng Việt. Nhà thơ không sử dụng những khái niệm trừu tượng để lí giải Tiếng Việt mà người nghệ sĩ đã sáng tạo nên một thế giới hình ảnh sinh động, gần gũi với cuộc sống của chúng ta, đó là tiếng mẹ gọi, tiếng cha dặn, tiếng kéo gỗ, câu hát, lời ru,... Âm thanh hiện lên trong câu thơ là những âm thanh đậm tình, sâu lắng, những âm thanh gắn liền với cuộc sống hằng ngày. Tiếng Việt là kết quả của Tình yêu và Lao động. Mọi mặt của đời sống dân tộc đã làm nên hồn cốt của tiếng Việt. Nhà thơ Lưu Quang Vũ rất tài hoa khi sử dụng biện pháp nghệ thuật so sánh để khái quát đặc trưng tiếng nói của dân tộc. “Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa/ Óng tre ngà và mềm mại như tơ” - hai câu thơ cuối giúp người đọc cảm nhận được vẻ đẹp mộc mạc, chân chất, khỏe khoắn, vừa mềm mại, dịu dàng, vừa cứng cỏi lại óng ả của tiếng Việt. Tóm lại qua năm khổ thơ đầu của bài thơ, độc giả đã cảm nhận rõ được vẻ đẹp của tiếng nói dân tộc, từ đó khơi gợi trong lòng mỗi người chúng ta tình yêu và trách nhiệm giữ gìn và bảo vệ tiếng Việt.

Xem thêm các bài giải vở thực hành Ngữ Văn lớp 9 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:


Giải bài tập lớp 9 Kết nối tri thức khác