20+ Phân tích khổ 1 Bếp lửa (hay, ngắn gọn)

Phân tích khổ 1 Bếp lửa hay, chọn lọc từ những bài văn hay của học sinh lớp 9 trên cả nước giúp học sinh lớp 9 có thêm tài liệu tham khảo từ đó biết cách viết Phân tích khổ đầu Bếp lửa dễ dàng hơn.

Dàn ý Phân tích khổ 1 bài thơ Bếp lửa (mẫu 1)

1. Mở bài

Giới thiệu tác giả, tác phẩm.

Giới thiệu khổ 1 - khổ thơ đầu của bài, bộc lộ những khắc khoải của tác giả về miền kí ức xưa.

2. Thân bài

a) Nội dung

Ngay từ khổ thơ đầu tiên hình ảnh chiếc bếp lửa hiện lên vừa xa, vừa gần, vừa thực vừa hư. “Một bếp lửa chờn vờn sương sớm” Nó như là sự khắc khoải của tác giả về một miền ký ức dù đã bị thời gian vùi lấp, nhưng chưa bao giờ lãng quên mà chỉ chờ cơ hội để quay trở về đánh thức nỗi nhớ trong lòng tác giả.

"Một bếp lửa chờn vờn sương sớm
Một bếp lửa ấp iu nồng đượm
Cháu thương bà biết mấy nắng mưa"

b) Đặc sắc nghệ thuật

Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa biểu cảm và miêu tả, tự sự và bình luận.

Thể thơ tám chữ kết hợp với 7 chữ, 9 chữ phù hợp với việc diễn tả dòng cảm xúc và suy ngẫm về bà.

Giọng điệu tâm tình, thiết tha, tự nhiên, chân thành.

Sáng tạo hình ảnh bếp lửa – hình ảnh vừa thực vừa mang ý nghĩa biểu tượng.

3. Kết bài

Đoạn thơ thể hiện tình cảm bà cháu rất thiêng liêng, sâu đậm. Từ đó, cho ta những bài học thật ý nghĩa: kỉ niệm tuổi thơ luôn tỏa sáng và nâng đỡ con người trên mọi hành trình của cuộc sống và tình cảm gia đình là cơ sở, là cội nguồn cho tình yêu quê hương, đất nước.

Dàn ý Phân tích khổ 1 bài thơ Bếp lửa (mẫu 2)

1. Mở bài

Giới thiệu chung về tác giả, tác phẩm.

Dẫn dắt vào khổ 1 bài thơ.

2. Thân bài

a. Khái quát về tác giả, tác phẩm

Tác phẩm "Bếp lửa" được in trong tập "Hương cây, bếp lửa".

Ra đời năm 1963, những năm tháng mà tác giả học tập ở Liên Xô.

b. Hình ảnh bếp lửa khơi nguồn cảm xúc

- Điệp ngữ "một bếp lửa" được tác giả đặt đầu câu gợi ra hình ảnh quen thuộc, thân thương gắn liền với những ngày tháng tuổi thơ của tác giả

- Hình ảnh bếp lửa đã gắn với những năm tháng tuổi thơ của tác giả, trở thành một phần kí ức bên bà, cùng bà sớm hôm:

Hình ảnh tả thực, bếp lửa "chờn vờn sương sớm" gợi ra thói quen sinh hoạt đời thường, bình dị và sự bình yên của làng quê Việt.

Một bếp lửa ẩn hiện, chờn vờn trong làn sương buổi sớm mai tạo nên một khung cảnh thật nên thơ.

Bếp lửa còn được nhen nhóm bởi bàn tay gầy guộc mà dịu dàng, chăm chút của người bà, bởi vậy mà nó càng thêm ấm áp.

→ Bếp lửa chờn vờn trong sương còn là hình ảnh ẩn dụ cho nỗi nhớ bà của Bằng Việt, bếp lửa ấy cũng luôn "chờn vờn" trong tâm trí nhà thơ.

c. Tình cảm của cháu dành cho bà

Bếp lửa đã đánh thức trong lòng cháu nỗi nhớ thương bà, thương người nhóm lửa mỗi buổi sớm mai.

"biết mấy nắng mưa" ẩn dụ cho những vất vả, nhọc nhằn mà bà phải trải qua.

Chữ "thương" cất lên trong lời thơ gói trọn vẹn tất cả tình yêu, niềm biết ơn sâu sắc và lòng kính trọng và nỗi nhớ nhung khôn nguôi của người cháu dành cho bà nơi phương xa.

3. Kết bài

Khẳng định lại giá trị khổ thơ.

Phân tích khổ 1 bài thơ Bếp lửa (mẫu 1)

Trong cuộc đời, ai cũng có riêng cho mình những kỉ niệm của một thời ấu thơ hồn nhiên, trong sáng. Những kỉ niệm ấy là những điều thiêng liêng, thân thiết nhất, nó có sức mạnh phi thường nâng đỡ con người suốt hành trình dài và rộng của cuộc đời. Bằng Việt cũng có riêng một kỉ niệm, đó chính là những tháng năm sống bên bà, cùng bà nhóm lên cái bếp lửa thân thương. Không chỉ thế, điều in đậm trong tâm trí của Bằng Việt còn là tình cảm sâu đậm của hai bà cháu. Chúng ta có thể cảm nhận điều đó qua bài thơ Bếp lửa của ông.

Bằng Việt thuộc thế hệ nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ. Bài thơ Bếp lửa được ông sáng tác năm 1963 lúc 19 tuổi và đang đi du học ở Liên Xô. Bài thơ đã gợi lại những kỷ niệm đầy xúc động về người bà và tình bà cháu, đồng thời thể hiện lòng kính yêu, trân trọng và biết ơn của người cháu với bà, với gia đình, quê hương, đất nước. Tình cảm và những kỉ niệm về bà được khơi gợi từ hình ảnh bếp lửa. Ở nơi đất khách quê người, bắt gặp hình ảnh bếp lửa, tác giả chợt nhớ về người bà:

Một bếp lửa chờn vờn sương sớm
Một bếp lửa ấp iu nồng đượm
Cháu thương bà biết mấy nắng mưa.

Hình ảnh chờn vờn gợi lên những mảnh kí ức hiện về trong tác giả một cách chập chờn như khói bếp. Bếp lửa được thắp lên, nó hắt ánh sáng lên mọi vật và tỏa sáng tâm hồn đứa cháu thơ ngây. Bếp lửa được thắp lên đó cũng là bếp lửa của cuộc đời bà đã trải qua biết mấy nắng mưa. Từ đó, hình ảnh người bà hiện lên. Dù đã cách xa nửa vòng trái đất nhưng dường như Bằng Việt vẫn cảm nhận được sự vỗ về, yêu thương, chăm chút từ đôi tay kiên nhẫn và khéo léo của bà. Trong cái khoảnh khắc ấy, trong lòng nhà thơ lại trào dâng một tình yêu thương bà vô hạn. Tình cảm bà cháu thiêng liêng ấy cứ như một dòng sông với con thuyền nhỏ chở đầy ắp những kỉ niệm mà suốt cuộc đời này chắc người cháu không bao giờ quên được và cũng chính từ đó, sức ấm và ánh sáng của tình bà cháu cũng như của bếp lửa lan tỏa toàn bài thơ.

Phân tích khổ 1 bài thơ Bếp lửa (mẫu 2)

Tuổi thơ mỗi con người gắn với muôn vàn kỉ niệm bên người thân, bạn bè, bên cạnh đó là những cảm xúc, những tình cảm dành cho nhau để rồi khi mai sau lớn lên dùng tình cảm kỉ niệm ấy tiếp tục hành trang cuộc đời. Rất nhiều tác phẩm văn học thơ, truyện ngắn được các tác giả lấy cảm hứng từ tình cảm thiêng liêng ấy, tình cảm vợ chồng, tình mẹ con, tình đồng chí, tình yêu quê hương đất nước,...

Tác giả Bằng Việt đã sáng tác bài thơ Bếp Lửa với tình cảm và niềm nhung nhớ dành cho người bà của mình khi đang du học tại Liên Xô vào năm 1963. Hình ảnh đứa cháu cùng người bà đã trải qua cuộc sống khổ cực nhưng tràn ngập tình yêu thương, chăm sóc, quan tâm, chở che trong những ngày bố mẹ đi làm xa và niềm hạnh phúc bên bếp lửa ấm áp tình thương.

"Một bếp lửa chờn vờn sương sớm

..........

Cháu thương bà biết mấy nắng mưa"

Hình ảnh bếp lửa được khắc họa lên từ ba câu thơ đầu qua điệp ngữ "một bếp lửa" và từ láy "chờn vờn" khiến ta có thể hình dung ra được một khung cảnh đơn sơ, giản dị nhưng ấm áp, đầy ấp tình cảm. Ngọn lửa từ bếp ấp ôm bao niềm nhung nhớ về bà, chứa đựng biết bao kỉ niệm của người cháu nhỏ và bà. Người bà ân cần nhóm nhen ngọn lửa tình cảm ấy, cũng giống như đôi tay bà chăm sóc cho cháu nhẹ nhàng quan tâm, hình ảnh người bà như làn khói từ bếp vào mỗi buổi sớm mai, hình ảnh khổ cực chăm nuôi của bà dãi dầu mưa nắng càng thắp lên trong lòng người cháu rõ rệt vết hằn nỗi nhớ. Từ hai câu đầu qua hình ảnh bếp lửa mỗi sáng đã được tác giả khắc họa lên một bếp lửa chan chứa kỉ niệm, một bếp lửa đầy ấp tình yêu, một bếp lửa sáng rực lên hình ảnh bà. Đến câu tiếp theo bao nhiêu nỗi niềm như phút chốc vỡ òa "cháu thương bà biết mấy nắng mưa", tác giả đau lòng, xót xa trước nỗi nhớ về hình ảnh bà dù mưa dù nắng nhưng vẫn lo cho cháu đầy đủ từng cái ăn cái mặc, gian truân cuộc đời bà vì cháu mà trải qua không một lời nói, bà âm thầm vì cháu mà làm mọi việc, đều là những hy sinh thầm lặng từ người bà kính yêu.

Từ đây ta thấy rằng trong trái tim tác giả hình ảnh người bà thiêng liêng biết là bao, có cả một vùng trời thương nhớ về người bà, một câu "cháu thương bà" cũng sẽ đọng lại trong ta một ý nghĩa sâu sắc.

Phân tích khổ 1 bài thơ Bếp lửa (mẫu 3)

Bằng Việt bắt đầu làm thơ từ những năm 60 của thế kỉ XX. Ông là nhà thơ trưởng thành trong thời kì kháng chiến chống Mĩ cứu nước.Thơ ông toát lên vẻ đẹp trong sáng mượt mà "như những bức tranh lụa"; rất đằm thắm và sâu sắc khi viết về những kỉ niệm tuổi ấu thơ, tuổi học trò, tình cảm gia đình... Bài thơ "Bếp lửa" là một trong các bài thơ hay nhất, tiêu biểu nhất cho đặc điểm thơ, phong cách nghệ thuật và sự nghiệp cầm bút của ông. Tác phẩm được sáng tác năm 1963, khi tác giả đang là sinh viên ngành luật bên Liên Xô, là tập thơ đầu tay của Bằng Việt, sau được đưa vào tuyển tập "Hương cây - Bếp lửa" cùng với Lưu Quang Vũ. Qua bài thơ người đọc cảm nhận được tình cảm bà cháu bình dị, sâu sắc, cảm động và rất đỗi thiêng liêng, rất đáng trân trọng.

Mạch cảm xúc của bài thơ đi từ hồi tưởng đến hiện tại, từ kỉ niệm đến suy ngẫm. Điều đó được gợi ra qua hình ảnh bếp lửa quê hương và hình ảnh người bà. Từ đó mà người cháu (chính là Bằng Việt) bộc lộ nỗi nhớ về những kỉ niệm thời ấu thơ và được sống trong sự yêu thương, chăm sóc của bà. Đồng thời thể hiện niềm biết ơn, sự kính trọng của người cháu đối với người bà, đối với gia đình, đối với quê hương, đất nước.

Trước hết là hình ảnh "bếp lửa" - nơi khơi nguồn cảm xúc nỗi nhớ, hồi tưởng về người bà kính yêu. Ở phương xa, người cháu luôn hướng về quê nhà, nơi có gia đình, có người thân yêu, có bà và có cả những kỉ niệm ầu ơ khi còn nhỏ. Và dòng cảm xúc hồi tưởng ấy được bắt đầu từ hình ảnh "bếp lửa" yêu thương:

Một bếp lửa chờn vờn sương sớm
Một bếp lửa ấp iu nồng đượm
Cháu thương bà biết mấy nắng mưa.

Hình ảnh bếp lửa "chờn vờn sương sớm" giàu tính chất tả thực, gợi lên hình ảnh một bếp lửa ẩn hiện bập bùng cháy trong làn sương khói của buổi sớm mai. Những đốm than hồng đỏ rực nồng đượm sự ấp ủ, được nhóm lên bởi bàn tay dịu dàng, cần mẫn, khéo léo và tấm lòng chi chút của người bà. Đồng thời, cái bếp lửa ấy cũng chờn vờn trong tâm trí, trong nỗi nhớ ám ảnh của nhà thơ, ấp ui, trân trọng và giữ gìn. Từ đó đánh thức dòng hồi tưởng nhớ thương của người cháu về người bà - người nhóm lửa trong mỗi buổi sớm mai:

Cháu thương bà biết mấy nắng mưa.

Cụm từ "biết mấy nắng mưa" gợi tả sự cần cù, chịu khó, vất vả, giàu đức hi sinh của người bà. "Thương" là tình cảm chân thành, xuất phát từ trái tim giàu tình yêu thương, sự sẻ chia và bao hàm cả sự kính trọng, niềm biết ơn sâu sắc, cùng nỗi nhớ khôn nguôi của người cháu dành cho bà của mình.

Như vậy, với ba câu thơ mở đầu tác phẩm, Bằng Việt đã thể hiện tình cảm nỗi nhớ da diết của mình về bếp lửa quê hương và người bà thân yêu. Có thể coi đây là khúc dạo đầu viết về nỗi nhớ. Từ đó định hướng cảm xúc cho toàn bài. Bài thơ sẽ là lời tâm tư, nỗi nhớ của người cháu về bếp lửa, về người bà và cả những kỉ niệm buồn vui khi còn bên cạnh bà.

Phân tích khổ 1 bài thơ Bếp lửa (mẫu 4)

Cùng với Lê Anh Xuân, Lưu Quang Vũ, Phạm Tiến Duật,... Bằng Việt là một trong những nhà thơ trưởng thành trong thời kì kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Và có lẽ, cảm nhận hết những khó khăn của đất nước, vẻ đẹp của những con người bình dị trong thời kỳ Tổ quốc đau thương mà những vần thơ được viết lên thật chân thành, tình cảm gia đình và lòng yêu nước được hòa làm một. Bài thơ Bếp lửa được Việt Bằng viết năm 1963, khi tác giả đang là một sinh viên học Luật tại Liên Xô. Nỗi nhớ nhà, cùng nỗi lòng của người con xa xứ được thể hiện đầy xúc động. Đặc biệt, được bộc lộ rõ trong đoạn đầu của tác phẩm.

"Một bếp lửa chờn vờn sương sớm
Một bếp lửa ấp iu nồng đượm
Cháu thương bà biết mấy nắng mưa!"

Những năm tháng tuổi thơ có những điều khiến ta không thể nào quên được, cũng có những người mãi mãi là ký ức tuyệt vời theo ta trong suốt hành trình của cuộc đời. Nỗi nhớ bà của đứa cháu xa quê đã gợi lại trong hình ảnh bếp lửa đầy gần gũi thân thương. Là bếp lửa " chờn vờn sương sớm", là bếp lửa gắn tình tình thương, sự tần tảo, hi sinh của bà. Bếp lửa ấy được nhen nhóm bằng cả niềm tin, cả những giọt mồ hôi và nước mắt của người bà. Mà khi nghĩ về bếp lửa, bao nỗi nhớ nhung, bao niềm yêu thương lại dâng trào lên trong lòng cháu. Đó còn là những tháng ngày bà vất vả, "biết mấy nắng mưa", nhọc nhằn.

Bao nhiêu kỉ niệm tuổi thơ bỗng ùa về trong tâm khảm đứa cháu. Những năm tháng chiến trận vất vả, những năm mà đất nước đang trong cảnh " ngàn cân treo sợi tóc", chìm ngập trong nạn đói tàn khốc. Cháu cũng không nằm ngoài hoàn cảnh bi thương ấy, năm lên bốn mùi khói với cháu là một hương vị thân thuộc, hình ảnh nghèo khổ hiện lên quá đỗi tội nghiệp và đáng thương. Những hồi ức hiện về trong cháu, đã khắc họa nên hình ảnh đầy chất hiện thực .

"Lên bốn tuổi cháu đã quen mùi khói
Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi,
Bố đi đánh xe, khô rạc ngựa gầy,
Chỉ nhớ khói hun nhèm mắt cháu
Nghĩ lại đến giờ sống mũi còn cay!"

Bố đánh xe khô gầy thân xơ xác, bà cùng cháu ở nhà ngày ngày bên bếp lửa vẫn nhen nhóm sự sống, nhen nhóm niềm hy vọng vào tương lai. Dù đã đi xa, dù đã trải qua nhiều thứ mới mẻ, nhưng trong cháu vẫn không thể nào quên được mùi cay của khói bếp hay mùi cay của những dòng nước mắt. Đó là những kỉ niệm thật khó lòng có thể quên được, bởi người ta có thể dễ dàng quên đi niềm vui còn nỗi buồn thì mãi mãi tồn tại trong lòng một khoảng mà thỉnh thoảng khi nghĩ về chúng lòng lại bồi hồi, xúc động đến khó tả.

"Tám năm ròng, cháu cùng bà nhóm lửa
Tu hú kêu trên những cánh đồng xa"

Không như bao đứa trẻ bây giờ có một tuổi thơ thật êm đẹp và bình yên. Tám năm tuổi nhỏ của cháu gắn liền với bếp lửa thân thương, gắn liền với những tháng năm đầy đói khổ và đau thương của chiến trận. Nhưng vượt lên tất thảy, vẫn là những ký ức tuyệt vời bên người bà yêu quý. Lời thơ như một dòng nhật ký đầy thương yêu của cháu dành cho người bà đầy thiết tha:

"Khi tu hú kêu, bà còn nhớ không bà?
Bà hay kể chuyện những ngày ở Huế.
Tiếng tu hú sao mà tha thiết thế!
Mẹ cùng cha công tác bận không về,
Cháu ở cùng bà, bà bảo cháu nghe,
Bà dạy cháu làm, bà chăm cháu học"

Tiếng tu hú thân thuộc quá, tiếng tu hú gọi về trên những đồng lúa mênh mông bát ngát. Tiếng tu hú gọi về mang theo hy vọng của một mùa màng bội thu, của sự ấm no cho đời sống. Tiếng tu hú cùng bà và cháu bên những câu chuyện của ngày ở Huế. Chiến tranh buộc cháu phải chấp nhận cảnh xa cha mẹ. Mỗi người một nơi ở chiến trường hiểm trở. Bà thay thế cha mẹ, chăm sóc cháu. Suốt tuổi thơ cháu lớn lên trong vòng tay bảo ban che chở của bà, trong sự chăm sóc, nuôi dưỡng ấy. Tình thương bao la vô hạn của bà thật lớn lao và cao đẹp: "Bà dạy cháu làm, bà chăm cháu học"

Bà lo cho cháu, quan tâm cháu, bà hi sinh cuộc đời mình mong cháu nên người. "Tuổi già như chuối chín cây", đáng lẽ bà phải được sống trong tình yêu thương, sự chăm sóc của cháu con nhưng vì đất nước kêu gọi, vì độc lập mà mẹ cha phải lên đường ra chiến trận. Bà thay ba mẹ nuôi nấng cháu, dạy cháu thành một người công dân tốt.

"Nhóm bếp lửa nghĩ thương bà khó nhọc,
Tu hú ơi! Chẳng đến ở cùng bà,
Kêu chi hoài trên những cánh đồng xa?"

Bằng lời thơ đầy cảm xúc, giản dị, mà chân thành, hình ảnh mang tính biểu tượng cao và qua dòng hồi tưởng của đứa cháu, đoạn thơ đã gợi lại những kỉ niệm sâu sắc theo cháu suốt những ngày còn thơ dại. Đồng thời thể hiện được tình cảm bà cháu sâu nặng, ân tình và sự biết ơn, trọng của người cháu dành cho người bà thân yêu.

Phân tích khổ 1 bài thơ Bếp lửa (mẫu 5)

Khi lớn lên ai cũng nhớ về những kỉ niệm của tuổi thơ. Có thể là kỉ niệm với người mẹ thân yêu, với người cha tôn kính, có thể là với người bà trân trọng. Với Bằng Việt, kỉ niệm tuổi thơ đáng nhớ nhất của mình là hình ảnh người bà tần tảo sớm hôm. Hiện diện cùng bà là hình ảnh bếp lửa. Nó đã khơi nguồn cảm xúc để tác giả nhớ về bà và viết về bà qua bài thơ đậm chất trữ tình: Bếp lửa.

Mở đầu bài thơ là hình ảnh bếp lửa:

Một bếp lửa chờn vờn sương sớm
Một bếp lửa ấp iu nồng đượm.

Ba tiếng “một bếp lửa” đã trở thành điệp khúc, gợi lại một hình ảnh thân thuộc trong mỗi gia đình ở làng quê Việt Nam. Hình ảnh “bếp lửa” thật ấm áp giữa cải giá lạnh của sương sớm. Đó không chỉ là cái chờn vờn của ngọn lửa mới được nhóm lên trong sương mà còn là cái chờn vờn trong tâm trí của người chầu nơi phương xa. Hình ảnh bếp lửa thân quen với biết bao tình cảm ấp iu nồng đượm. Nó đã gợi lại sự săn sóc, lo lắng, chăm chút, che chở cho đứa cháu nhỏ của người bà. Từ hình ảnh bếp lửa, người cháu lại nhớ thương khi nghĩ về bà:

Cháu thương bà biết mấy nắng mưa.

Đọng lại trong câu thơ là chữ “thương”, thể hiện tình cảm của người cháu dành cho bà. Bà vất vả, lặng lẽ trong khung cảnh “biết mấy nắng mưa”, làm sao tính được có bao nhiêu mưa nắng khổ cực đã đi qua đời bà. Cháu thương người bà vất vả, tần tảo để khi nhớ về bà, trong kí ức của cháu hiện về những gian khổ thời còn bé!

Như vậy, mở đầu bài thơ là hình ảnh bếp lửa chờn vờn trong sương mai, nó như vừa mới đây cũng vừa như trong kí ức xa xôi mà tác giả chợt nghĩ đến hay khắc khoải trong phút giây chợt nhớ về. Bếp lửa ấy được nhen nhóm từ đôi bàn tay gầy, được nâng niu trọn vẹn nhất, vị nồng đượm của khói bay trên bếp vẫn còn đó, trong miền kí ức của cháu thơ.

Phân tích khổ 1 bài thơ Bếp lửa (mẫu 6)

Trong cuộc sống, con người ta luôn có lúc gặp phải những gian lao, trắc trở. Chính trong những năm tháng khó khăn, gian khổ ấy, chúng ta sẽ nhận ra được những giá trị tinh thần vô cùng thiêng liêng và đáng quý. Những giá trị ấy, những kỉ niệm ấy sẽ tạo nên sức mạnh nâng đỡ bước chân ta trong suốt cuộc đời dài. Bài thơ “Bếp lửa” của Bằng Việt đã soi sáng chân lí giản đơn ấy. Hình ảnh “bếp lửa” đã khơi nguồn hồi tưởng của tác giả những năm tháng sống bên bà, cùng bà nhóm lên ngọn lửa nồng ấm của tuổi thơ, để người đọc biết bao thế hệ cùng rung cảm với một bản trường ca về tình bà cháu.

Bằng Việt làm thơ từ đầu những năm 60 và thuộc thế hệ các nhà thơ trưởng thành trong thời kì kháng chiến chống Mĩ. Bài thơ “Bếp lửa” được ông sáng tác năm 1963, khi tác giả 19 tuổi và đang học ngành Luật ở Liên Xô. Tác phẩm viết theo thể thơ tự do và được đưa vào tập thơ “Hương cây – Bếp lửa”, tập thơ đầu tay của Bằng Việt và Lưu Quang Vũ. Bằng sự kết hợp hài hòa giữa biểu cảm với tự sự, miêu tả và nghị luận, bài thơ đã xây dựng hình ảnh bếp lửa gắn liền với hình ảnh người bà và là điểm tựa khơi gợi mọi cảm xúc và suy nghĩ về tình bà cháu.

Trong biết bao kỉ niệm tuổi thơ, bếp lửa in dấu đậm nhất trong suy nghĩ của Bằng Việt. Bắt đầu từ hình ảnh thân thương, ấm áp ấy, mạch hồi tưởng của bài thơ bắt đầu:

Một bếp lửa chờn vờn sương sớm

Một bếp lửa ấp iu nồng đượm
Cháu thương bà biết mấy nắng mưa.

Khổ thơ chỉ vỏn vẹn ba câu mà đã hai lần lặp lại điệp từ “một bếp lửa”. “Bếp lửa” ấy là hình ảnh vô cùng gần gũi và thân quen với mỗi gia đình Việt Nam từ bao giờ. Từ láy “chờn vờn” vừa tả ánh sáng lập lòe và từng làn khói vương vấn của bếp lửa mới nhen buổi sớm, vừa gợi lại hình ảnh bóng bà chập chờn trên in trên vách. Kết hợp với sự mờ ảo của “sương sớm”, những mảnh ký ức ấy như ẩn hiện trong làn sương vương vấn mùi khói, không hề thiếu đi sự nồng ấm. “Ấp iu” tuy là một từ ghép nhưng lại mang âm hưởng của từ láy, vừa là sự kết hợp của ấp ủ và yêu thương, vừa gợi tả bàn tay kiên nhẫn, khéo léo và tấm lòng đong đầy yêu thương của người nhóm lửa. Sự “nồng đượm” kia không chỉ tả bếp lửa cháy đượm mà còn ẩn chứa tình cảm trân trọng của tác giả đối với người đã cần mẫn, chăm chút thắp lên ngọn lửa ấy. Hai hình ảnh sóng đôi đối nhau “chờn vờn sương sớm” – “ấp iu nồng đượm” đã tạo nên sự hòa phối âm thanh làm cho câu thơ vừa nhẹ nhàng như khói bếp vừa trĩu nặng về thời gian. Để rồi không cầm được cảm xúc, người cháu đã thốt lên : “Cháu thương bà biết mấy nắng mưa”, thật giản dị mà vẫn trào dâng một tình yêu thương bà vô hạn. Từ đó, sức ấm và ánh sáng của hình ảnh bếp lửa đã lan tỏa khắp bài thơ, trở thành điểm tựa để mở ra một chân trời đầy ắp kỉ niệm tuổi thơ về tình bà cháu.

Hồ Cẩm Sa từng thốt lên những câu thơ đồng cảm với Bằng Việt :

"Cuộc đời tuy chất vật
Nhưng tâm hồn thảnh thơi
Bởi bóng bà luôn tỏa
Che đời cháu, bà ơi!"

Người bà nói riêng hay người phụ nữ trong gia đình nói riêng luôn gắn với những gì gần gũi, thân thiết nhất. Họ giữ cho nhịp sống của tổ ấm được duy trì, là nơi bình yên cuối cùng để ta trở về sau những thăng trầm của cuộc đời. Trong dáng hình bình khiêm nhường quá đỗi ấy ẩn giấu một trái tim lớn đầy lòng nhân ái, để họ trở thành hiện thân của gia đình, quê hương, đất nước. Nay ở nơi đất khách quê người, những câu thơ như hát ra từ ngọn lửa ấm nóng năm xưa của bà càng gợi nhắc để người đọc thấm thía điều đó. Niềm kính yêu và trân trọng đối với bà đã trở thành sự gắn bó với gia đình, tình yêu và nỗi nhớ quê hương, đất nước cũng như lòng biết ơn của Bằng Việt đối với cội nguồn che chở nơi ấy. “Bếp lửa” đã thực sự trở thành kỉ niệm ấm lòng, thành niềm tin thiêng liêng kì diệu theo nhà thơ suốt cả cuộc đời.

Nguyễn Đức Quyền đã từng nhận xét rằng : “Thơ của cái thuở ban đầu thường là nồng, nồng đến vụng dại. Ấy thế mà “Bếp lửa” của Bằng Việt lại đạm, đạm của thơ trẻ tạo ra một nét duyên dễ thương lạ.” Bài thơ là một trong những tác phẩm đầu tay của nhà thơ, khó có thể tránh khỏi thiếu sót. Nhưng với giọng thơ tâm tình, trầm lắng giàu chất suy tưởng, hình ảnh bếp lửa xuyên suốt bài thơ như một sợi chỉ đỏ nối liền dòng hồi tưởng, bài thơ đã làm say lòng bạn đọc nhiều thế hệ. Nếu như hình tượng con cò trong bài thơ cùng tên của Chế Lan Viên đã đi từ những câu hát ru vào cuộc đời người con với:

"Cánh cò trắng lại bay hoài không nghỉ
Trước hiên nhà
Và trong hơi mát câu văn"

thì Bằng Việt đã kế thừa ngọn lửa của yêu thương, của niềm tin nơi bà, những vần thơ của ông như một “ngọn lửa thần” mà Chế Lan viên từng nhắc tới.

Với “Bếp lửa”, Bằng Việt đã chắt lọc từ cuộc đời những kỉ niệm, những hình ảnh đẹp nhất về người bà thân yêu để dệt nên hình tượng “bếp lửa”, thể hiện lòng kính yêu trân trọng và biết ơn đối với bà và cũng là đối với gia đình, quê hương, đất nước. Ta chợt nhận ra rằng, trong sâu thẳm mỗi con người, luôn có những điều thật bình dị và thân thương. Hãy trân trọng những kí ức trong trẻo, mượt mà một thời ấy, vì đó là chốn bình yên để ta tìm về khi đã mỏi cánh bay, là hành trang quý báu để ta mang theo suốt cuộc hành trình dài và rộng của cuộc đời. Để một ngày nào đó dừng lại giữa dòng đời bất tận, ta mỉm cười vì luôn có một “bếp lửa” soi sáng trong tim…

Phân tích khổ 1 bài thơ Bếp lửa (mẫu 7)

Trong cuộc đời mỗi người, kỉ niệm của những năm tháng tuổi thơ luôn là hồi ức đẹp đẽ, sâu đậm nhất. Và những kỉ niệm ấy sẽ thật đặc biệt khi có những người mà chúng ta thương yêu. Với Bằng Việt cũng thế, kỉ niệm bên người bà tần tảo sớm hôm trong suốt những năm tháng tuổi thơ đã để lại trong lòng tác giả những ấn tượng khó quên. Để rồi, khi lớn lên, nỗi nhớ lại ùa về trong tâm khảm. Chính những kí ức bên bà một thuở ấu thơ đã khơi nguồn cảm xúc để tác giả viết nên bài thơ "Bếp lửa"- một trong những thi phẩm hay viết về bà. Khổ đầu bài thơ gợi lên dòng cảm xúc nhớ thương mãnh liệt qua hình ảnh gần gũi: bếp lửa.

Tác phẩm "Bếp lửa" được in trong tập "Hương cây, bếp lửa", ra đời năm 1963, những năm tháng mà tác giả học tập ở Liên Xô. Xa nhà, nỗi nhớ nhà da diết, nhớ mùi khói, mùi bếp, đặc biệt là người bà tần tảo sớm khuya.

Hình ảnh bếp lửa trong khổ đầu bài thơ đã làm sống dậy những kỉ niệm, gợi biết bao cảm xúc trong lòng đứa cháu xa quê:

"Một bếp lửa chờn vờn sương sớm
Một bếp lửa ấp iu nồng đượm"

Điệp ngữ "một bếp lửa" được tác giả đặt đầu câu gợi ra hình ảnh quen thuộc, thân thương gắn liền với những ngày tháng tuổi thơ của tác giả. Có thể nói, hình ảnh bếp lửa là một hình ảnh thân thuộc, ta có thể bắt gặp nó trong bất kì ngôi nhà nào ở chốn làng quê Việt. Ở đây, hình ảnh bếp lửa đã gắn với những năm tháng tuổi thơ của tác giả, trở thành một phần kí ức bên bà, cùng bà sớm hôm.Vì vậy, việc lặp đi lặp lại hình ảnh bếp lửa như một cách mà tác giả thể hiện tình cảm của mình dành cho người bà thân thương.

Hình ảnh tả thực, bếp lửa "chờn vờn sương sớm" gợi lên nét đẹp bình yên của làng quê Việt. Một bếp lửa ẩn hiện, chờn vờn trong làn sương buổi sớm mai tạo nên một khung cảnh thật nên thơ. Trong làn khói sương, lửa bập bùng cháy, những đốm than hồng đỏ rực nơi bếp lửa nồng đượm cả hơi ấm, xua tan cái lạnh của buổi sớm. Bếp lửa còn được nhen nhóm bởi bàn tay gầy guộc mà dịu dàng, chăm chút của người bà, bởi vậy mà nó càng thêm ấm áp. Đồng thời bếp lửa chờn vờn trong sương còn là hình ảnh ẩn dụ cho nỗi nhớ bà của Bằng Việt, bếp lửa ấy cũng luôn "chờn vờn" trong tâm trí nhà thơ, hóa trong nỗi nhớ bà, nhớ tuổi thơ, nhớ quê hương mà bấy lâu tác giả luôn ấp iu, gìn giữ và trân trọng.

"Một bếp lửa ấp iu nồng đượm"

Bếp lửa ấy được nhóm lên bởi tình yêu thương với bao tình cảm ấp iu nồng đượm của bà. Câu thơ đã gợi lên một trời kí ức, những ắn sóc, chăm chút, lắng lo mà bà dành cho đứa cháu nhỏ. Động từ "ấp iu" kết hợp với tính từ "nồng đượm" được tác giả sử dụng đầy khéo léo trong câu thơ đã góp phần thể hiện vẻ đẹp phẩm chất , tình thương yêu của người bà. Từ đó, bếp lửa đã đánh thức trong lòng cháu nỗi nhớ thương bà, thương người nhóm lửa mỗi buổi sớm mai:

"Cháu thương bà biết mấy nắng mưa."

Tác giả đã vận dụng sáng tạo thành ngữ "năm nắng mười mưa" qua việc sử dụng cụm từ "biết mấy nắng mưa" để ẩn dụ cho những vất vả, nhọc nhằn mà bà phải trải qua. Vì thương, vì lắng lo cho cháu, bà nào quản ngại nắng mưa, nào chùn bước trước những khắc nghiệt của thời tiết, khó khăn của cuộc sống, vẫn miệt mài, cần mẫn. Thật là một người bà nhân hậu và giàu đức hi sinh biết bao. Thấu hiểu được những nhọc nhằn của bà, cháu càng thương bà nhiều hơn. Chữ "thương" cất lên trong lời thơ gói trọn vẹn tất cả tình yêu, niềm biết ơn sâu sắc và lòng kính trọng và nỗi nhớ nhung khôn nguôi của người cháu dành cho bà nơi phương xa. Câu thơ cuối đoạn vang lên trong nỗi nhớ của những kí ức tuổi thơ tươi đẹp bên bà đã gửi gắm sâu sắc tình cảm thiết tha, chân thành của Bằng Việt.

Qua khổ thơ đầu, thông qua hình ảnh bếp lửa cùng với việc sử dụng những từ ngữ bộc lộ cảm xúc trực tiếp, Bằng Việt đã thể hiện nỗi nhớ da diết và tình cảm thương quý dành cho người bà thân yêu của mình. Đoạn thơ chính là khúc dạo đầu trong một bài tình ca viết về tình cảm gia đình gắn với tình yêu quê hương đất nước, là tiền đề cho cảm xúc của toàn bài thơ.

Phân tích khổ 1 bài thơ Bếp lửa (mẫu 8)

Bằng Việt bắt đầu sự nghiệp thơ từ thập kỷ 60 của thế kỷ XX, một giai đoạn đặc biệt khi Việt Nam đang trong cuộc kháng chiến chống lại Mỹ. Thơ ông mang lại cảm giác mềm mại, trong trẻo "như bức tranh lụa", đặc biệt là khi ông mô tả về những ký ức tuổi thơ, thời học trò và tình cảm gia đình. "Bếp lửa" là một trong những tác phẩm đáng chú ý nhất, phản ánh rõ phong cách và sự sáng tạo của ông. Được viết vào năm 1963 khi ông là sinh viên tại Liên Xô, nó là bộ sưu tập thơ đầu tay của ông và sau đó được xuất bản trong tập "Hương cây - Bếp lửa" cùng với Lưu Quang Vũ. Qua bài thơ, người đọc cảm nhận được mối quan hệ sâu sắc và thân thiết giữa bà và cháu, một tình cảm mà người đọc cảm thấy cần được tôn vinh.

Bài thơ chạm đến cảm xúc từ quá khứ đến hiện tại, từ những ký ức đến những suy tư. Sự kết hợp giữa hình ảnh của bếp lửa quê hương và người bà làm nổi bật nỗi nhớ của Bằng Việt về những ký ức tuổi thơ và tình thương yêu từ bà. Đây cũng là bức tranh về sự biết ơn và tôn trọng mà Bằng Việt dành cho gia đình, quê hương và đất nước.

"bếp lửa" không chỉ là nơi khơi gợi ký ức và cảm xúc mà còn là biểu tượng của sự yêu thương và quê hương mà Bằng Việt luôn hướng về, nơi có gia đình, những người thân yêu và những ký ức ngọt ngào từ tuổi thơ của mình:

Một bếp lửa chờn vờn sương sớm
Một bếp lửa ấp iu nồng đượm
Cháu thương bà biết mấy nắng mưa.

Hình ảnh bếp lửa "chờn vờn sương sớm" mang đến một tình thực, mô tả bức tranh về bếp lửa nằm giữa làn sương sớm. Những tia lửa màu đỏ nóng bỏng phản ánh sự ân cần, tinh tế của bàn tay và trái tim ấm áp của người bà. Bức họa này cũng đồng thời gợi nhớ những kỷ niệm sâu đậm về người bà trong trái tim nhà thơ, thể hiện sự quý trọng và lưu giữ. Nó khơi gợi dòng chảy của ký ức và tình cảm yêu mến từ người cháu dành cho người bà - người đã thắp sáng lửa mỗi buổi sớm.

Cháu thương bà biết mấy nắng mưa.

Cụm từ "biết mấy nắng mưa" chân thực hóa sự cần cù, sự hy sinh và sự vất vả mà người bà đã trải qua. "Thương" không chỉ là một tình cảm chân thành mà còn là hiện thân của trái tim giàu tình yêu thương, lòng sẻ chia và bao hàm sự kính trọng, lòng biết ơn sâu sắc cùng với nỗi nhớ mãi không phai của người cháu đối với người bà của mình.

Với ba câu thơ khai mạc, Bằng Việt đã diễn đạt một cách tuyệt vời sự da diết của tình cảm nhớ nhung về bếp lửa quê hương và người bà thân yêu. Đây có thể coi là mở đầu cho khúc tâm tư về nỗi nhớ. Các từ ngữ này định hình cảm xúc cho toàn bài thơ, tạo nên một không khí tâm lý nơi người cháu chia sẻ về bếp lửa, về người bà, và về những kí ức đáng nhớ của quãng thời gian khi còn bên cạnh người bà.

Phân tích khổ 1 bài thơ Bếp lửa (mẫu 9)

Trong cuộc sống, những kỷ niệm từ thời thơ ấu thường mang đến những trải nghiệm đẹp và sâu lắng nhất. Điều này càng trở nên đáng quý khi có những người thân yêu ở bên. Với Bằng Việt, những ngày thơ dại bên người bà đã khắc sâu trong trái tim ông. Khi trưởng thành, hình ảnh ấy lại quay về như một hồi ức dâng trào. Những kỷ niệm về bà đã trở thành nguồn cảm hứng cho ông sáng tác "Bếp lửa", một tác phẩm đậm chất về bà. Bài thơ mở đầu với hình ảnh bếp lửa đem lại cảm giác thân thuộc và nhớ nhung sâu sắc.

"Bếp lửa" xuất hiện trong tập "Hương cây, bếp lửa", xuất bản vào năm 1963, khi tác giả đang học tập tại Liên Xô. Dù cách xa quê hương, nhớ về gia đình, mùi khói và mùi bếp vẫn mãnh liệt, đặc biệt là hình ảnh của bà vào những buổi tối tĩnh lặng.

Hình ảnh bếp lửa ở đầu bài thơ đã đánh thức lại những ký ức và mang đến cảm xúc sâu lắng cho đứa cháu xa xứ:

"Một bếp lửa chờn vờn sương sớm
Một bếp lửa ấp iu nồng đượm"

Hình ảnh "bếp lửa" được tác giả sử dụng ở đầu bài thơ mang đến một cảm giác thân quen, liên tưởng đến những ngày thơ ấu của ông. Bếp lửa không chỉ là biểu tượng quen thuộc mà còn là một biểu tượng của làng quê Việt Nam. Nó liên kết với ký ức tuổi thơ của tác giả, đặc biệt là khi ông ở bên cạnh bà vào buổi sớm hoặc buổi tối. Sự lặp lại của hình ảnh này trong bài thơ giúp tác giả diễn đạt tình cảm sâu sắc dành cho người bà yêu thương.

Bức tranh tự nhiên của bếp lửa "trong sương sớm" phản ánh vẻ đẹp yên bình của làng quê Việt. Bóng dáng bếp lửa trong làn sương mang đến một hình ảnh thơ mộng. Lửa bốc cháy trong sương tạo ra ánh sáng ấm áp, đuổi đi se lạnh của buổi sớm. Sự chăm sóc nhẹ nhàng từ đôi bàn tay mảnh mai của người bà khiến bức ảnh thêm phần ấm áp và gần gũi. Bếp lửa trong sương cũng là biểu tượng cho tình cảm nhớ nhà, nhớ bà của Bằng Việt. Nó là một phần không thể thiếu trong tâm trí và ký ức của nhà thơ, nơi ông luôn gìn giữ, trân trọng quê hương và tuổi thơ của mình.

"Một bếp lửa ấp iu nồng đượm"

Bếp lửa đó là biểu tượng của tình yêu thương và những cảm xúc sâu sắc mà bà dành cho đứa cháu. Câu thơ đã mở ra một không gian ký ức, những quan tâm và tình cảm mà bà đã dành cho cháu. Sự kết hợp giữa "ấp iu" và "nồng đượm" trong câu thơ đã giúp tác giả mô tả một cách tinh tế về tình yêu thương và sự quan tâm của người bà. Nhờ đó, hình ảnh bếp lửa đã khơi gợi trong trái tim cháu những ký ức và tình cảm yêu mến bà, đặc biệt là hình ảnh của ngọn lửa ấm áp mỗi buổi sớm.

"Cháu thương bà biết mấy nắng mưa."

Tác giả đã sáng tạo ngôn ngữ "năm nắng mười mưa" bằng cách sử dụng "biết mấy nắng mưa" để diễn đạt những khó khăn, gian khổ mà bà đã vượt qua. Vì tình thương và lo lắng cho cháu, bà không ngần ngại chịu đựng nắng mưa hay chống chọi với thời tiết khắc nghiệt và khó khăn trong cuộc sống. Bà luôn kiên nhẫn và cố gắng hết mình. Điều này phản ánh sự hy sinh và lòng hiếu thảo của người bà. Hiểu biết sâu sắc về sự cố gắng của bà, cháu yêu quý bà hơn. Từ "thương" trong thơ thể hiện toàn bộ tình cảm, lòng biết ơn và sự kính trọng mà cháu dành cho bà xa xứ. Câu thơ cuối cùng kết nối với những kỷ niệm ngọt ngào về tuổi thơ bên bà, thể hiện sự trân trọng và tình cảm sâu sắc của Bằng Việt.

Qua đoạn thơ đầu tiên, với hình ảnh bếp lửa và sử dụng ngôn ngữ trực tiếp, Bằng Việt đã thể hiện sự nhớ mong và tình cảm sâu lắng dành cho người bà. Đoạn thơ này là phần mở đầu cho một bài thơ về tình gia đình và tình yêu với quê hương, đồng thời là nền tảng cho cảm xúc toàn bộ bài thơ.

Phân tích khổ 1 bài thơ Bếp lửa (mẫu 10)

"Bếp lửa" của Bằng Việt là một trong những tác phẩm nổi tiếng viết về chủ đề gia đình. Trong tác phẩm này, ông đã đem đến một góc nhìn mới mẻ về đề tài gia đình. Bằng việc sử dụng hình ảnh bếp lửa, ông muốn thể hiện tình cảm và sự nhớ nhung sâu sắc mà ông dành cho người bà yêu quý. Điều này được minh họa rõ ràng trong những dòng thơ mở đầu của bài.

Ngay từ khi khám phá tác phẩm, người đọc sẽ cảm nhận được sự quen thuộc và giản dị của hình ảnh chiếc bếp lửa:

"Một bếp lửa chờn vờn sương sớm
Một bếp lửa ấp iu nồng đượm"

Hình ảnh bếp lửa đã mang đến nhiều cảm xúc sâu lắng cho nhân vật cháu. Đây là công cụ thiết yếu của mỗi gia đình, đặc biệt quen thuộc trong những gia đình nông thôn xưa. Bếp lửa, dùng để nấu nước, nấu cơm và cả sưởi ấm trong những đêm lạnh giá, đã trở thành một biểu tượng đặc biệt đối với nhân vật trữ tình. Hình ảnh "Một bếp lửa" được lặp lại ở đầu mỗi dòng, thể hiện sự nhớ nhung không dứt của người cháu về bà và những ngày thơ ấu bên bà.

Các cụm từ như "chờn vờn sương sớm" và "ấp iu nồng đượm" đã mang lại sự gần gũi và sống động hơn cho hình ảnh bếp lửa trong tâm trí độc giả, khiến họ cảm nhận được bình yên, thanh bình của làng quê Việt Nam. Mỗi buổi sáng, hình ảnh gia đình ngồi quanh bếp lửa để chuẩn bị cho một ngày mới đã tạo nên một bức tranh vô cùng thơ mộng. Những hình ảnh này cũng làm nổi bật nỗi nhớ về bà, nỗi nhớ luôn "chờn vờn" trong tim người cháu. Bàn tay của bà, luôn "ấp iu", cũng chăm sóc cho ngọn lửa, cũng chăm sóc cho đứa cháu bé nhỏ kia. Nhờ sự quan tâm đó, bếp lửa trở nên "nồng đượm" hơn.

Trong những ký ức đó, nhân vật trữ tình không thể kìm nén được cảm xúc, và anh ấy đã trực tiếp bày tỏ sự yêu thương và nhớ nhung đối với bà:

"Cháu thương bà biết mấy nắng mưa"

Cuộc đời của bà luôn dành trọn cho việc chăm sóc đứa cháu nhỏ. Biểu tượng "nắng mưa" biểu lộ sự vất vả, gian khổ mà người bà tuyệt vời này đã trải qua, nhưng không hề làm lui dịu bước chân của bà. Tình yêu không biên giới của bà đã trở thành động lực, khiến bà không ngừng cố gắng và chăm sóc đứa cháu một cách sâu sắc. Và nhờ tình yêu đó, đứa cháu đã trở thành người trưởng thành, sẵn sàng khám phá thế giới. Nhân vật trữ tình đã không tiếc lời chia sẻ tình "thương" dành cho người bà tuyệt vời kia. Một từ duy nhất đã thể hiện sự biết ơn, kính trọng và nỗi nhớ mãnh liệt mà người cháu dành cho bà.

Những dòng thơ đầu tiên với ba câu ngắn đã giới thiệu đến độc giả chủ đề cốt lõi của tác phẩm: tình yêu và nỗi nhớ về người bà yêu thương, cùng với hình ảnh bếp lửa gần gũi, mộc mạc. Với ngôn ngữ súc tích, Bằng Việt đã mở đầu tác phẩm một cách mượt mà, dẫn dắt người đọc khám phá sâu hơn về tình cảm gia đình và tình yêu dành cho quê hương.

Phân tích khổ 1 bài thơ Bếp lửa (mẫu 11)

"Bếp lửa" của Bằng Việt là một trong những tác phẩm thành công nhất viết về đề tài gia đình. Ở đây, tác giả đã khai thác chủ đề này ở góc độ khác. Mượn hình ảnh bếp lửa quen thuộc, ông bày tỏ tình yêu thương cùng nỗi nhớ nhung sâu nặng dành cho người bà kính mến. Và điều này cũng đã được thể hiện rất rõ qua khổ thơ đầu tiên của bài:

Ngay khi mới bước vào tìm hiểu tác phẩm, người đọc đã được thấy chiếc bếp lửa thân quen, giản dị:

"Một bếp lửa chờn vờn sương sớm
Một bếp lửa ấp iu nồng đượm"

Chính hình ảnh ấy đã gợi lên biết bao xúc cảm của nhân vật cháu. Đây vốn là một công cụ để đun nấu của con người. Nó đặc biệt thân thuộc với những gia đình nông thôn khi xưa. Người ta dùng củi để nhóm bếp, từ đó đun nước, nấu cơm, thậm chí dùng nó để sưởi ấm trong những đêm đông giá lạnh. Với nhân vật trữ tình, hình ảnh ấy lại càng thân thương, gần gũi biết bao. Điệp ngữ "Một bếp lửa" được lặp lại hai lần liên tiếp, lại ở vị trí đầu câu, thể hiện sự nhớ nhung, hoài niệm khôn nguôi của người cháu. Nỗi nhớ đó gợi lên kỉ niệm về bà, về những ngày tháng tuổi thơ được bà che chở, yêu thương.

Những cụm từ "chờn vờn sương sớm", "ấp iu nồng đượm" đã góp phần đưa hình ảnh bếp lửa đến gần hơn với độc giả. Chúng đem đến ấn tượng về cái bình dị, yên ắng của làng quê Việt Nam. Mỗi sớm ban mai, nhà nhà lại nhóm lửa để chuẩn bị nấu nướng. Ánh lửa "chờn vờn", lúc ẩn lúc hiện trong làn sương sớm tạo nên một khung cảnh vô cùng nên thơ. Hình ảnh đầy lãng mạn này còn là ẩn dụ cho nỗi nhớ bà cứ "chờn vờn" trong lòng cháu. Nhân vật trữ tình không thể ngừng nghĩ về người bà kính yêu. Đôi bàn tay bà "ấp iu", chăm chút cho ngọn lửa, cũng là chăm chút chính đứa cháu bé bỏng khi xưa. Nhờ sự ân cần, dịu dàng đó, bếp lửa lại càng thêm "nồng đượm".

Trong dòng hồi tưởng ấy, nhân vật trữ tình không kìm được mà trực tiếp bày tỏ nỗi nhớ, tình yêu thương của mình đến bà:

"Cháu thương bà biết mấy nắng mưa"

Cả cuộc đời bà tần tảo, chăm lo cho đứa cháu nhỏ. Hình ảnh "nắng mưa" tượng trưng cho những vất vả, nhọc nhằn trong cuộc sống mà người bà đáng kính đã phải trải qua. Nhưng chúng đâu đủ sức để cản bước chân bà. Tình yêu thương vô bờ bến đã biến thành sức mạnh, thành động lực để bà tiếp tục cần mẫn, chăm chỉ, miệt mài. Chính nhờ sự chăm sóc đó, đứa cháu năm nào giờ đã lớn khôn, trưởng thành, dang rộng đôi cánh của mình để bay đến những chân trời xa. Nhân vật trữ tình không ngần ngại mà bày tỏ lòng mình, gửi chữ "thương" đến người bà tần tảo, giàu đức hi sinh. Chỉ một chữ thôi cũng đủ cô đọng, gói trọn sự biết ơn, kính trọng và nỗi nhớ da diết của một người cháu với bà.

Khổ thơ đầu tiên với ba câu ngắn gọn đã thành công giới thiệu đến người đọc chủ đề của cả tác phẩm. Đó chính là tình yêu, sự nhớ nhung gửi đến người bà thân thương cùng hình ảnh bếp lửa quen thuộc, giản dị. Bằng ngôn ngữ cô đọng, hàm súc, Bằng Việt đã tạo nên một khúc dạo đầu mùi mẫn, dẫn dắt độc giả đến gần hơn với những thông điệp sâu sắc về tình cảm gia đình và tình yêu quê hương đất nước.

Phân tích khổ 1 bài thơ Bếp lửa (mẫu 12)

"Bếp lửa" của Bằng Việt là những kỉ niệm về tuổi thơ gian khó, nhọc nhằn nhưng cũng đầy ấm áp bên người bà tần tảo, giàu yêu thương của tác giả. Ngay trong phần đầu của bài thơ, nhà thơ Bằng Việt đã gợi mở ra hình ảnh bếp lửa và cũng là khởi nguồn cho những tình cảm dạt dào, tha thiết của người cháu dành cho bà.

"Một bếp lửa chờn vờn sương sớm
Một bếp lửa ấp iu nồng đượm
Cháu thương bà biết mấy nắng mưa"

Hình ảnh bếp lửa "chờn vờn sương sớm" gợi ra trong tâm trí nhà thơ những gì gần gũi, ấm áp, thân thuộc nhất về tuổi thơ, về những ngày tháng bên bà. Điệp ngữ "Một bếp lửa" không chỉ gợi ra hình ảnh sống động của bếp lửa mà nó còn thể hiện được những cảm xúc tha thiết, trào dâng trong lòng tác giả. Ngọn lửa gọi về những kí ức thân thuộc, sưởi ấm tâm hồn nhà thơ bằng hơi ấm bình dị mà ấm áp bởi nó gắn với tình thương của bà. Bếp lửa "ấp iu nồng đượm" được thắp lên bởi sự ân cần, kiên nhẫn và bằng tình yêu của bà. Tình thương ấy đã giúp cháu lớn khôn, trưởng thành và giờ đây, ở một nơi xa xôi, người cháu nhớ về bà bằng tất cả sự biết ơn, kính trọng 'Cháu thương bà biết mấy nắng mưa". Trong những tháng ngày tuổi thơ gian khó, bà đã luôn ở bên, lo cho cháu từng bữa ăn giấc ngủ, bà không quản ngại nắng mưa, gian khó để nuôi cháu lớn khôn. Tình cảm của nhà thơ Bằng Việt dành cho bà cũng đã khơi dậy trong lòng người đọc những cảm xúc gần gũi, thân thương mà trên hết đó chính là tình thương dành cho bà.

Xem thêm các bài văn mẫu lớp 9 hay, chọn lọc khác:

Mục lục Văn mẫu | Văn hay 9 theo từng phần:


Giải bài tập lớp 9 sách mới các môn học