Top 20 Thuyết minh về một di tích lịch sử (hay, ngắn gọn)



Tổng hợp Top 20 bài Thuyết minh về một di tích lịch sử hay, chọn lọc từ những bài văn hay của học sinh lớp 9 trên cả nước giúp học sinh lớp 9 có thêm tài liệu tham khảo từ đó biết cách viết Thuyết minh về một di tích lịch sử dễ dàng hơn.

Dàn ý Thuyết minh về một di tích lịch sử

1. Mở bài

- Giới thiệu về di tích lịch sử đã tìm hiểu, lựa chọn để thuyết minh: Văn Miếu - Quốc Tử Giám

- Đưa ra một vài nhận xét chung về di tích đó: là cụm di tích lịch sử - kiến trúc nổi tiếng; là trường đại học đầu tiên của Việt Nam, nơi học của con vua chúa, quan lại; nơi thờ Khổng Tử, vinh danh những người đỗ đạt của các khoa thi thời phong kiến.

2. Thân bài

- Vị trí, địa điểm di tích:

+ Địa chỉ: hiện nay cổng chính của Văn Miếu nằm tại số 58 phố Văn Miếu, quận Đống Đa, Hà Nội.

+ Cách di chuyển: có thể đi bằng xe du lịch, xe bus; nếu ở gần thì đi xe đạp.

- Giới thiệu về những nét đặc biệt của di tích:

+ Có lịch sử lâu đời: Văn Miếu được xây dựng từ năm 1070, đời Lý Thánh Tông; Năm 1076 vua Lý Nhân Tông cho xây trường Quốc Tử Giám bên cạnh Văn Miếu; Đến đời nhà Trần đổi tên thành Quốc họa viện, thu nhận cả những học sinh con nhà dân thường có sức học tốt; Từ năm 1448, vua Lê Thánh Tông cho dựng bia những người đỗ tiến sĩ qua các khoa thi tại đây. Bia đá được đặt trên lưng rùa, cho tới nay vẫn được trưng bày bên trong Quốc Tử Giám

⇒ Qua nhiều năm, Văn Miếu – Quốc Tử Giám bị bom đạn tàn phá nhiều, cho tới nay được phục dựng lại, trở thành nơi lưu giữ truyền thống hiếu học của dân tộc, trở thành một địa điểm tham quan văn hóa lớn.

+ Cảnh quan: hiện khu di tích bao gồm 3 khu vực chính là hồ Văn, vườn Giám và khu nội tự Văn Miếu – Quốc Tử Giám

⇒ Khách tới tham quan chủ yếu trong khu nội tự

+ Nổi bật trong khu nội tự Văn Miếu – Quốc Tử Giám: gồm có cổng Văn Miếu, cổng Đại Trung, Khuê Văn các, cổng Đại Thành, khu điện thờ, cổng Thái Học và khu Thái Học; ấn tượng nhất trong em là nhà bia tiến sĩ, minh chứng cho sự tài giỏi của cha ông; bái đường Văn Miếu rộng đẹp, là nơi các tốp học sinh, các anh chị sinh viên thường chụp ảnh kỉ yếu.

⇒ Mỗi khu đều mang vẻ đẹp riêng, ý nghĩa riêng.

- Vai trò của khu di tích:

+ Lưu giữ, thể hiện truyền thống hiếu học của dân tộc

+ Trở thành nơi tổ chức những hoạt động văn học, nghệ thuật: xin chữ đầu năm, hội chữ xuân, hội thơ...

+ Nơi đến tham quan của học sinh, sinh viên, du khách trong và ngoài nước.

3. Kết bài

- Nêu cảm nghĩ: khu di tích là nơi tôn nghiêm, là một nét đẹp văn hóa, kiến trúc của dân tộc; cần phát huy tinh thần hiếu học của dân tộc.

Thuyết minh về một di tích lịch sử - Di tích Kiêm Liên

Nghệ An vốn từ ngàn đời nay vẫn nổi danh là vùng đất của những người con hiếu học và tài năng, trong thế kỷ XX đầy biến động của đất nước vùng đất xứ Nghệ lại trở thành cái nôi của Cách mạng là khởi thủy của phong trào cách mạng vô sản với cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Đồng thời miền đất này cũng là nơi sinh ra những người con ưu tú, có nhiều đóng góp to lớn cho Tổ quốc với một loạt các cái tên nổi tiếng như: Phan Bội Châu, Nguyễn Xuân Ôn, Đặng Thái Thân, Phan Đình Phùng; các lãnh đạo Cộng sản như: Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Trần Quốc Hoàn, Nguyễn Phong Sắc, Nguyễn Duy Trinh…

Và trong số đó nổi bật và sáng hơn cả chính là vị lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh, người đã có công lãnh đạo Cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi bằng cả cuộc đời mình. Chính vì thế khi về với Nghệ An, hầu hết những người con tứ xứ đều mong muốn được một lần ghé thăm khu di tích Kim Liên, thường gọi chung là làng Sen, nơi gắn bó với tuổi thơ của Hồ Chủ tịch để tìm chút hoài niệm và tỏ lòng thành kính với người anh hùng bậc nhất của dân tộc.

Làng Sen là tên thường gọi, còn tên chính thức của ngôi làng mà Bác sinh sống khi ấu thơ là làng Kim Liên, thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, là quê cha của Bác. Ngôi làng cách trung tâm thành phố Vinh khoảng 16 km về phía Tây, nằm gần hai ngọn núi Chung và núi Đại Huệ. Quy mô của khu di tích nằm trong khoảng 205 ha, với các điểm di tích cách nhau từ 2-10km. Làng Sen hiện nay được xem là một trong 4 khu di tích quan trọng bậc nhất trong gắn bó với cuộc đời và sự nghiệp của chủ tịch Hồ Chí Minh, được thủ tướng chính phủ xếp vào một trong 23 di tích quốc gia đặc biệt, cần giữ gìn và bảo tồn chặt chẽ.

Sở dĩ được gọi là làng Sen bởi nơi đây ngoài khung cảnh quen thuộc như bến nước, gốc đa, sân đình, lũy tre làng như bất cứ làng quê nào ở Việt Nam, thì làng Sen còn đặc biệt nổi bật với những hồ Sen, đầm Sen dày đặc, không chỉ là sinh kế gắn liền với cuộc sống của con người nơi đây. Mà còn trở thành một dạng cảnh quan đặc biệt, với những bông sen hồng bung nở khi vào mùa, tỏa hương thơm thoang thoảng cả một vùng, khí tiết thanh bình như chốn ở của tiên của phật.

Đối với những du khách từ xa tới, đi du lịch vừa muốn được ngắm sen nở, vừa muốn tham quan cụm di tích gắn liền với Bác, thì nên cân nhắc thời gian đi. Xét theo mùa sen nở rộ thì thời điểm tháng 5 ngay vừa lúc giữa mùa hạ, chính là lúc hoa nở nhiều và đẹp nhất. Khi di chuyển đến làng Sen chúng ta sẽ không phải mất nhiều thì giờ tìm kiếm đầm sen bởi nó nằm ở ngay đầu làng, nếu đi đúng dịp thì đó quả thực là một khung cảnh tuyệt vời, đủ nét nên thơ trữ tình, khiến du khách không khỏi trầm trồ, thán phục.

Đi qua hồ Sen là tới giếng Cốc, là nơi cung cấp nước sinh hoạt cho cả làng, thuở thơ ấu cậu bé Nguyễn Sinh Cung cũng từng nhiều lần vâng lệnh cha đi gánh nước về sinh hoạt, đồng thời cũng là nơi thuở nhỏ Bác vui chơi đùa nghịch với bạn bè cùng trang lứa. Đi một đoạn không xa nước, ta thấy thấp thoáng sau lũy tre già xanh mát ấy chính là ngôi nhà đơn sơ, giản dị của gia đình Bác, nơi Bác từng có khoảng thời gian 5 năm gắn bó. Phía trước căn nhà là một lối đi nhỏ hai bên được trang trí bằng hàng râm bụt cắt tỉa gọn gàng, mùa nào cũng cho những đóa hoa đỏ hồng rực rỡ, đầy sức sống.

Tiến vào trong sân một không gian làng quê, cổ kính lập tức hiện ra trước mắt ta với một gian nhà 5 gian lợp mái tranh, vách nứa của cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Ngôi nhà này vốn là món quà thưởng do dân làng Sen dựng lên bằng tiền công quỹ, để mừng cụ đỗ đạt, mang lại vinh dự cho làng, với tấm lòng trân trọng, mến mộ tài năng thân phụ của Bác. Ngôi nhà được cụ phó bảng dành ra hai gian, một gian đặt bàn thờ người vợ mất sớm là bà Hoàng Thị Loan, gian còn lại để tiếp khách khứa.

Một gian dành cho bà Nguyễn Thị Thanh – con gái cả của cụ, một gian để cụ đặt án thư dạy học cho các con, và kê thêm một chiếc phản gỗ lớn để cụ nghỉ ngơi, cũng như là nơi quây quần bà con trong những buổi uống trà nói chuyện. Gian cuối cùng là nơi ở của Nguyễn Sinh Khiêm và Nguyễn Sinh Cung, tức hai con trai của cụ phó bảng. Ngoài 5 gian nhà chính thì bên cạnh còn một gian nhà ngang, ấy là nơi nấu nướng.

Tuy là người đỗ đạt, có vai vế thế nhưng nếp sống và nếp sinh hoạt của cả nhà cụ Nguyễn Sinh Sắc hết sức giản dị đơn sơ, từ cái bàn thờ làm bằng liếp tre, trên có mảnh chiếu nhỏ, bát hương với đôi nến và một tấm bài vị bằng gỗ, cho đến những chiếc chõng tre, chum vại mộc mạc được dân làng yêu mến biếu tặng. Tất cả đều bộc lộ một nếp sống đơn sơ, giản dị, gắn bó với làng quê của cả gia đình người lãnh tụ vĩ đại. Và cũng có lẽ rằng sự gắn bó và am hiểu nhân dân ấy đã sớm rèn rũa cho Bác một đức tính cần kiệm, liêm khiết, một lòng vì nhân dân phục vụ.

Ngoài hồ sen và gian nhà của Bác, thì mộ của cụ Hoàng Thị Loan, mẹ ruột Bác cũng là một trong những điểm đáng chú ý của cụm di tích Kim Liên. Ngôi mộ nằm trên lưng núi Động Tranh, thuộc dãy núi Đại Huệ, được xây dựng từ ngày 19 tháng 5 năm 1984 đến ngày 16 tháng 5 năm 1985. Với phần mái che cách điệu trông giống hình chiếc khung cửi, vật vẫn gắn bó với bà thuở sinh thời, làm kế sinh nhai để bà nuôi các con thơ, bên trên phần mộ hiện nay được phủ bởi hoa giấy, trông rất nhẹ nhàng, yên bình.

Khu di tích làng Sen (Kim Liên) là một trong những khu di tích quan trọng, mỗi năm hấp dẫn hàng triệu lượt du khách về thăm không chỉ bởi vẻ đẹp sự yên bình của làng Sen. Mà nơi đâu còn in dấu những ký ức đầu đời của vị lãnh tụ kính yêu, vĩ đại bậc nhất của dân tộc, cho những người con đất Việt được một chút lòng tưởng nhớ, thương yêu về người cha già của dân tộc dựa trên những chứng tích còn sót lại từ văn thư, đồ dùng, tất cả đều có hơi thở của Hồ Chí Minh.

Thuyết minh về một di tích lịch sử - Đền thờ Chu Văn An

Đã thành lệ, mỗi khi có dịp về thăm quê ngoại ở Chí Linh – Hải Dương, tôi thường cùng mẹ đi thăm viếng một số đền, chùa nằm trong quần thể di tích ở đây, như Côn Sơn – Kiếp Bạc, đền thờ Nguyễn Trãi, đền Sinh và đền thờ Chu Văn An… Với Đền thờ Chu Văn An, mỗi khi về đây, tôi đều có cảm nghĩ sâu sắc hơn về đạo làm thầy, về đạo học mà Nhà giáo Chu Văn An đã gửi lại cho hậu thế từ hơn 600 năm trước.

Từ Quốc lộ 18, vượt qua con đường đất khoảng 3km, với dốc núi quanh co giữa bạt ngàn những vườn nhãn, na, bưởi, tiếp đến là những rặng thông xanh mướt, chúng tôi đến núi Phượng Hoàng, thuộc xã Văn An (trước đây là xã Kiệt Đặc), huyện Chí Linh, Hải Dương, nơi có quần thể di tích đền thờ Chu Văn An. Đền được Nhà nước xếp hạng Khu di tích lịch sử quốc gia năm 1998 và được trùng tu, tôn tạo, khánh thành vào đầu năm 2008.

Bước vào khuôn viên khu di tích, ngay từ cổng lên đền chính nổi bật chữ “Học” được viết theo nét bút thư pháp trông xa như một tấm thảm nhung trải lên các bậc đá để bước lên Đền. Kế tiếp là hàng chữ “Vạn thế sư biểu” bằng Hán tự in trên nền đá thể hiện tấm lòng tôn kính của bao thế hệ người Việt dành cho nhà giáo Chu Văn An.

Ngôi đền chính được thiết kế theo kiểu “chồng diêm” tám mái thể hiện sự tôn vinh đẳng cấp và tầm vóc của danh nhân theo tập quán người Việt. Nhà gỗ lim lợp ngói liệt, nhà bia cũ, bậc thềm đá, đồ thờ sơn son thiếp vàng… Hai bên Đền là nhà giải vũ, sân thượng, sân trung, sân hạ, đôi rồng đá, hai nhà bia…

Nguyên khởi của ngôi đền chính “Điện lưu quang”, nơi 600 năm trước thầy Chu Văn An sau khi từ bỏ mũ áo chốn quan trường, trở về mở trường dạy học, viết sách, làm thơ, nghiên cứu y dược, sống cuộc đời của một ‘‘tiều ẩn” (ông ví mình như một tiều phu ẩn dật chốn rừng sâu) an nhàn, thanh bạch, vui với cỏ cây, mây nước. Nhìn bao quát, ngôi đền không nguy nga hoành tráng, cầu kì, mà được thiết kế, xây dựng, bài trí độc đáo, đậm màu sắc truyền thống vừa toát lên vẻ nghiêm cẩn, vừa ấm áp, trang trọng.

Người coi đền, với khuôn mặt hiền từ phúc hậu, đang lúi húi quét dọn lá rơi trên khoảng sân rộng, thấy chúng tôi lên Đền liền chắp tay chào. Ông cho biết, vào mỗi dịp lễ tết đến hay tuần rằm, mùng một, đặc biệt là vào mùa thi cử, nơi đây luôn có đông đảo người địa phương và du khách đến chiêm bái, thành lễ.

Những lúc ấy, tại thư phòng phía trái Đền thường có các cụ đồ Nho trong trang phục xưa, ngồi thảo những con chữ giàu ý nghĩa bằng màu mực đỏ đặc trưng, tương truyền là màu mực nhà giáo Chu Văn An thường sử dụng ngày trước hàm ý về tấm lòng trung trinh, son sắc của mình với dân với nước. Trong những dịp này, các bậc phụ huynh, các em học sinh, hoặc các văn nhân, thi sĩ nặng nợ nghiệp bút nghiên thường đến đền xin chữ, cũng là cầu mong sự học, sự viết luôn được suôn sẻ, đỗ đạt, đơm hoa kết nụ.

Tôi cùng mẹ vào chính điện thành kính làm lễ. Vì đang là ngày thường nên nơi đây khá vắng vẻ, không có nhiều khách thập phương đến thăm viếng, chiêm bái. Khói hương trầm mặc, bảng lảng. Sư thầy trong sắc áo nâu sồng thỉnh một hồi chuông dài khiến không gian vốn yên ả, thanh bình nơi đây như càng tĩnh lặng hơn, hoài cảm theo tiếng chuông vẳng vào thinh không. Cả ngôi đền nằm giữa bát ngát thông xanh trong ánh chiều vàng thu cũng như lung linh trong sắc màu huyền thoại về một Nhà giáo tài, đức vẹn toàn: Vạn thế sư biểu Chu Văn An.

Thuyết minh về một di tích lịch sử - Chùa Hương

Nói về văn hóa tâm linh của người Việt không thể không nhắc đến những đền chùa cổ kính, linh thiêng mang nét đẹp đặc trưng, trầm lắng, nơi bày tỏ niềm thành kính, biết ơn với người xưa, với tín ngưỡng tôn giáo. Một trong những ngôi chùa cổ, nổi tiếng của nước ta phải kể đến chùa Hương – danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa và tín ngưỡng của Việt Nam.

Chùa Hương hay còn gọi là Hương Sơn là cả một quần thể văn hóa – tôn giáo Việt Nam, gồm hàng chục ngôi chùa thờ Phật, vài ngôi đền thờ thần, các ngôi đình, thờ tín ngưỡng nông nghiệp, nằm ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội, được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ 17 vào thời kỳ Đàng Trong – Đàng Ngoài, sau đó bị hủy hoại trong kháng chiến chống Pháp năm 1947, sau đó được phục dựng lại năm 1988 do Thượng Tọa Thích Viên Thành dưới sự chỉ dạy của cố Hòa thượng Thích Thanh Chân.

Nơi đây gắn liền với với tín ngưỡng dân gian thờ Bà Chúa Ba, theo phật thoại xưa kể lại rằng người con gái thứ ba của vua Diệu Trang Vương nước Hương Lâm tên là Diệu Thiện chính là chúa Ba hiện thân của Bồ Tát Quan Thế m, trải qua nhiều thử thách, gian nan với chín năm tu hành bà đã đắc đạo thành Phật để cứu độ chúng sinh.

Dưới đôi bàn tay khéo léo của người xưa cùng với những nét đẹp tạo hóa mà thiên nhiên ban tặng, mà vẻ đẹp của chùa Hương mang một dấu ấn rất riêng, đưa ta đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Quần thể chùa Hương có nhiều công trình kiến trúc rải rác trong thung lũng suối Yến. Khu vực chính là chùa Ngoài, còn gọi là chùa Trò, tên chữ là chùa Thiên Trù. Chùa nằm không xa bến Trò nơi khách hành hương đi ngược suối Yến từ bến Đục vào chùa thì xuống đò ở đấy mà lên bộ. Tam quan chùa được cất trên ba khoảng sân rộng lát gạch. Sân thứ ba dựng tháp chuông với ba tầng mái.

Đây là một công trình cổ, dáng dấp độc đáo vì lộ hai đầu hồi tam giác trên tầng cao nhất. Tháp chuông này nguyên thủy thuộc chùa làng Cao Mật, tỉnh Hà Đông, năm 1980 được di chuyển về chùa Hương làm tháp chuông.Chùa Chính, tức chùa Trong không phải là một công trình nhân tạo mà là một động đá thiên nhiên. Ở lối xuống hang động có cổng lớn, trán cổng ghi bốn chữ “Hương Tích động môn”. Qua cổng là con dốc dài, lối đi xây thành 120 bậc lát đá. Vách động có năm chữ Hán“Nam thiên đệ nhất động” là bút tích của Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm. Ngoài ra động còn có một số bia và thi văn tạc trên vách đá.

Lễ hội chùa Hương được tổ chức vào ngày mồng sáu tháng giêng, thường kéo dài đến hạ tuần tháng ba âm lịch. Vào dịp lễ, hàng triệu phật tử cùng du khách tứ phương lại nô nức trẩy hội chùa Hương. Đỉnh cao của lễ hội là từ rằm tháng giêng đến 18 tháng hai âm lịch.Đây là ngày lễ khai sơn của địa phương nhưng ngày nay nghi lễ khai sơn được hiểu theo nghĩa mở- mở cửa chùa. Lễ hội chùa Hương trong phần lễ thực hiện rất đơn giản.

Một ngày trước khi khai hội, tất cả các đền, chùa, đình, miếu đều được thắp hương nghi ngút.Ở trong chùa Trong có lễ dâng hương, gồm hương, hoa, đèn, nến, hoa quả và thức ăn chay. Lúc cúng có hai tăng ni mặc áo cà sa mang đồ lễ chay đàn rồi mới tiến dùng đồ lễ lên bàn thờ. Từ ngày mở hội cho đến hết hội, chỉ thỉnh thoảng mới có sư ở các chùa trên đến gõ mõ tụng kinh chừng nửa giờ tại các chùa, miếu, đền. Còn hương khói thì không bao giờ dứt. Về phần lễ có nghiêng về “thiền”. Nhưng ở chùa ngoài lại thờ các vị sơn thần thượng đẳng với đủ màu sắc của đạo giáo.

Đền Cửa Vòng là “chân long linh từ” thờ bà chúa Thượng Ngàn, người cai quản cả vùng rừng núi xung quanh với cái tên là “tì nữ tuý Hồng” của sơn thần tối cao. Chùa Bắc Đài, chùa Tuyết Sơn, chùa Cả và đình Quân thờ ngũ hổ và tín ngưỡng cá thần. Ta có thể thấy phần lễ là tổng hợp toàn thể hệ thống tín ngưỡng, gần như là tổng thể những tín ngưỡng tôn giáo của Việt Nam.

Trong lễ hội có rước lễ và rước văn. Người làng dinh kiệu tới nhà ông soạn văn tế, rước bản văn ra đền để chủ tế trịnh trọng đọc, điều khiển các bô lão của làng làm lễ tế rước các vị thần làng. Lễ hội chùa Hương còn là nơi hội tụ các sinh hoạt văn hóa dân tộc độc đáo như bơi thuyền, leo núi và các chiếu hát chèo, hát văn.

Không chỉ có vẻ đẹp độc đáo của kiến trúc, phong cảnh chùa cùng với nét đặc sắc của ngày lễ mà chùa Hương còn chứa đựng những giá trị sâu sắc về văn hóa tâm linh, lịch sử dân tộc và còn là giá trị sống của chuỗi phát triển con người từ xa xưa đến ngày nay, cần được bảo tồn, duy trì và gìn giữ di sản mà ông cha ta để lại.

Như vậy, với những giá trị đó, chùa Hương chính là niềm tự hào của người Hà Nội nói chung và người Việt Nam nói riêng, đến với chùa Hương là đến với không gian thanh tịnh, sống chậm lại để cảm nhận sự nhẹ nhõm trong tâm hồn, buông bỏ mọi áp lực, căng thẳng trong cuộc sống ngoài kia.

Thuyết minh về một di tích lịch sử - Đền Cuông

Diễn Châu (Nghệ An) được biết đến không chỉ là nơi sản sinh ra nhiều nhân vật lịch sử nổi tiếng như Phùng Chí Kiên, Nguyễn Xuân Ôn, Đặng Văn Thụy, Cao Xuân Dục.. mà còn là vùng đất có nhiều di tích lịch sử và các danh lam thắng cảnh. Theo thống kê trong số 91 di tích lịch sử văn hóa thì đã có tới 13 di tích được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Một trong số các di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng là Đền Cuông nơi gắn liền với Thục An Dương Vương – vị vua huyền thoại của lịch sử dựng nước thời xa xưa.

Đền Cuông thuộc địa bàn xã Diễn An, huyện Diễn Châu, cách thành phố Vinh khoảng 30 km về phía Bắc, nằm trên núi Mộ Dạ, một ngọn núi thuộc dãy Đại Hải, cận kề quốc lộ 1A. Đền Cuông là một di tích lịch sử đã được Nhà nước xếp hạng, đồng thời cũng là một danh thắng nổi tiếng – nơi kết hợp hài hòa giữa kiến trúc và cảnh sắc thiên nhiên như thể đã có một sự thỏa thuận trước giữa tạo hóa và bàn tay con người.

Đền Cuông thuộc địa bàn xã Diễn An, huyện Diễn Châu, cách thành phố Vinh khoảng 30 km về phía Bắc, nằm trên núi Mộ Dạ, một ngọn núi thuộc dãy Đại Hải, cận kề quốc lộ 1A. Đền Cuông là một di tích lịch sử đã được Nhà nước xếp hạng, đồng thời cũng là một danh thắng nổi tiếng – nơi kết hợp hài hòa giữa kiến trúc và cảnh sắc thiên nhiên như thể đã có một sự thỏa thuận trước giữa tạo hóa và bàn tay con người.

Nhìn về tổng thể kiến trúc Đền Cuông được xây dựng theo kiểu chữ “Tam”. Trải qua hàng nghìn năm, tam quan hiện nay đã chằng chịt rễ cây si leo bám, càng tạo nên nét cổ kính cho ngôi đền. Tòa trung điện theo kiểu chồng diêm 8 mái, các tòa khác trong đền đều có kiến trúc 4 mái, đầu đao cong vút. Các công trình đều đồ sộ, cột to, tường dày vững chắc nhưng không thô vì các chi tiết, hoa văn được đắp, chạm tinh tế, mà lại toát lên vẻ đẹp nhẹ nhàng, thanh thoát.

Thượng điện đặt ban thờ Thục An Dương Vương, qua khoảng sân hẹp sang trung điện đặt ban thờ Cao Lỗ, tướng giúp vua chế tác nỏ thần. Đền Cuông có nhiều di vật quý: trống, chiêng, tượng thờ, đồ tế khí… Nơi đây còn lưu giữ nhiều tư liệu bằng chữ Hán trên các bức hoành phi, cột, trụ biểu nhắc nhở con cháu, muôn dân luôn nhớ ân đức Thục An Dương Vương.

Đền Cuông được xây dựng trên một vị trí thông thoáng, giàu chất sử thi. Trên núi Mộ Dạ ngày nay là cả một cánh rừng thông bạt ngàn. Sau núi là biển cả mênh mông, ngày đêm rì rào sóng vỗ. Ở phía Bắc chân núi là cửa Tư Hiền gắn với sự kiện bi hùng của đất nước – nơi cha con Thục An Dương Vương trên đường chạy giặc gặp bước đường cùng đã được Rùa Vàng hiển linh rẽ sóng mở đường cho vua cha về với biển. Tục truyền ở trên núi này có hơn 50 tướng sĩ của vua Thục trong bước đường cùng đã tuẫn tiết ở đây.

Theo truyền thuyết, sau khi chém Mỵ Châu, An Dương Vương phi ngựa lên đỉnh núi Mộ Dạ. Từ trên đó, Ngài đã cởi mũ, cởi cờ, cởi áo bào, tháo kiếm và yên ngựa rồi tung ra bốn phía. Kỳ lạ thay, tất cả các thứ đó biến thành 5 ngọn núi có hình giống như cái mũ, cái kiếm, chiếc vành khăn… châu tuần quanh núi Mộ Dạ. Không những thế, Ngài còn dẫm mạnh chân xuống một tảng trên đỉnh núi và để lại một vết chân rồi mới gieo mình xuống biển tự vẫn. Nơi ấy một thời gian sau nổi lên phiến đá có hình bàn cờ tướng và dân đi biển thi thoảng vẫn thấy hình bóng An Dương Vương cùng thần Kim Quy ngồi đánh cờ trên đó…

Thăm Đền Cuông trên núi Mộ Dạ bất chợt ngẫm câu thơ của Tố Hữu “… Trái tim lầm chỗ để trên đầu/ Nỏ thần vô ý trao tay giặc/ Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu” lại thấy thương cho Mỵ Châu và mối tình oan nghiệt của nàng. Vào ngày đẹp trời, đứng trên núi Mộ Dạ phóng tầm mắt ra bốn phương mới thấy được hết những điều kỳ thú của một vùng non xanh nước biếc hữu tình. Sách xưa đã từng liệt kê trong số 8 cảnh đẹp của “Đông Yên Nhị Châu” (vùng đất thuộc tổng Yên Thành xưa) thì có 6 cảnh đẹp thuộc về Diễn Châu, một trong số các cảnh đẹp đó là Dạ Sơn Linh Tích (Dấu thiêng núi Mộ Dạ).

Hằng năm, vào các ngày 14, 15,16 tháng Hai âm lịch diễn ra lễ hội Đền Cuông. Đây là lễ hội lớn không chỉ của cộng đồng cư dân vùng Diễn Châu mà còn cả đối với cộng đồng cư dân cả nước để nhớ tới ân đức của Thục An Dương Vương. Vào dịp lễ hội, khách thập phương ở mọi miền đất nước tụ hội về đây. Những người con Diễn Châu xa quê cũng cố gắng thu xếp để về thăm quê vào đúng dịp này.

Theo lễ tục, chiều ngày 14 tháng Hai là Lễ yết cáo để tạ ơn Thục An Dương Vương và trời đất; đêm ngày 14 là Lễ yến vị diễn ra mang đậm màu sắc tâm linh đồng thời phản ánh rõ nét văn hóa ẩm thực của cả vùng; sáng ngày 15 diễn ra hoạt động khá quan trọng của lễ hội Đền Cuông, đó là phần rước kiệu từ đình Xuân Ái (Diễn An), nhà thờ họ Cao (Diễn Thọ) ra Đền Cuông, lễ rước thường diễn ra rất sôi động, thu hút sự chú ý của mọi người; chiều 15 tháng Hai là phần Lễ tạ…

Sau phần lễ tục là phần hội, phần này diễn ra từ ngày 15 đến hết ngày 16 tháng Hai âm lịch. Ở lễ hội Đền Cuông, có nhiều hoạt động văn hóa dân gian như: chọi gà, cờ người, vật, đánh đu… cùng các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao như hát chầu văn, thi nét đẹp Đền Cuông, bóng bàn, kéo co, chọi gà, leo núi…

Người dân Diễn Châu cũng như người dân khác trong tỉnh và cả nước đến với lễ hội Đền Cuông không chỉ là dịp cầu phúc cầu tài mà còn là dịp để lòng người ghi nhớ đoạn kết của câu chuyện Loa Thành: An Dương Vương đem công chúa Mỵ Châu trốn kẻ thù, tới Diễn Châu thì dừng lại. Nhận ra sự thật, vua chém con gái yêu rồi theo thần Kim Quy đi về phía biển… Truyền thuyết và lịch sử, thực và hư, những dấu tích đã rêu phong, đã hoen mờ cùng thời gian, chỉ còn lại đó là một Đền Cuông linh thiêng và lòng ngưỡng vọng của nhân dân cũng đủ để rút ra bao điều đáng chiêm nghiệm…

Đến với lễ hội Đền Cuông du khách còn có thể đi thăm các chứng tích, nhất là các địa danh như núi Kiếm, núi Đầu Cân ở xã Nghi Thiết (Nghi Lộc), núi Mụa (núi Mũ) ở xã Diễn Phú, núi Mã Yên (Yên Ngựa) ở xã Diễn Thọ (Diễn Châu)… Đến với Đền Cuông là đến với một danh thắng có nhiều phong cảnh đẹp, đắm trong huyền thoại thiêng liêng đậm chất bi hùng lịch sử. Đó cũng là cách trở về cội nguồn, được hòa mình vào hồn thiêng sông núi của nước non Âu Lạc.

Thuyết minh về một di tích lịch sử - Di tích Thành nhà Hồ

Thành Nhà Hồ thuộc địa phận của tỉnh Thanh Hóa ngày nay từng là kinh đô của nước Việt Nam từ năm 1398 đến 1407. Đây là một trong những thành lũy bằng đá hiếm hoi còn sót lại tại Đông Nam Á.

Thành Nhà Hồ đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vì những giá trị văn hóa, lịch sử cùng kỹ thuật xây dựng độc đáo của công trình này mang lại. Thành Nhà Hồ do Hồ Quý Ly cho xây dựng vào năm 1397, dưới thời vua Trần Thuận Tông. Trong lịch sử, thành còn được biết đến với các tên gọi khác là thành An Tôn, Tây Đô, Tây Kinh, Tây Nhai, Tây Giai. Thành được xây dưới sự chỉ đạo của Hồ Quý Ly lúc ông đương nhậm chức tể tướng dưới thời nhà Trần.

Sau khi thành xây xong, Hồ Quý Ly buộc vua Trần Thuận Tông dời đô từ Thăng Long (nay là Hà Nội) về Thanh Hóa. Năm 1400, Hồ Quý Ly lên ngôi vua thay cho nhà Trần, Thành Nhà Hồ chính thức trở thành kinh đô, và Hồ Quý Ly lấy quốc hiệu là Đại Ngu, tức niềm hạnh phúc, an vui. Tuy vậy triều đại này chỉ kéo dài vỏn vẹn 7 năm, là triều đại ngắn nhất trong lịch sử Việt Nam.

Thành Nhà Hồ đáp ứng đầy đủ hai tiêu chí về văn hóa mà UNESCO đưa ra để xếp hạng Di sản cho công trình. Tiêu chí thứ hai “Thể hiện các giá trị nhân văn quan trọng và sự ảnh hưởng của chúng qua một thời kỳ lịch sử quốc gia hay trong một khu vực của thế giới, những đóng góp này có tính phát triển trong kiến trúc, công nghệ, nghệ thuật điêu khắc, và cách quy hoạch thành phố”. Tiêu chí thứ tư “Trở thành ví dụ nổi bật về một loại hình công trình, một quần thể kiến trúc, kỹ thuật hoặc cảnh quan minh họa được giá trị của một (hoặc nhiều) giai đoạn trong lịch sử nhân loại”.

Công trình này được đánh giá cao về mặt kỹ thuật xây dựng các khối đá được cho là có một không hai ở Việt Nam nói riêng và toàn khu vực Đông Á, Đông Nam Á nói chúng vào khoảng thời gian từ cuối thế kỉ XIV, đầu thế kỷ XV. Các nhà nghiên cứu đánh giá, kiến trúc Thành Nhà Hồ được xây rất khoa học, với các phiến đá lớn được đục đẽo một cách vuông vức, xếp đan xen với nhau theo hình múi bưởi để tránh các rung chấn lớn như động đất.

Đặc biệt là giữa các phiến đá này không hề có bất kỳ chất kết dính nào nhưng tòa thành vẫn đứng vững hơn 600 năm, vượt qua nhiều tác động của địa chấn và bom đạn tàn phá. Ngoài ra khối công trình đồ sộ, vững chắc này chỉ được xây dựng vẻn vẹn trong vòng 3 tháng đầu năm 1397. Theo các tài liệu để lại cùng công việc khảo cổ, nghiên cứu hiện trạng thì quần thể di sản Thành Nhà Hồ bao gồm Thành nội, Hào thành, La thành và Đàn tế Nam Giao nằm phía ngoài thành. Trong đó, Hoàng thành là công trình đồ sộ nhất đồng thời nguyên vẹn nhất còn lại cho đến nay.

Toàn bộ mặt ngoài tường thành là sự kết hợp của bốn cổng chính làm từ những phiến đá vôi màu xanh, được đục đẽo tinh xảo, chồng khít lên nhau. Những khối đá lớn này có phiến dài tới hơn 6 mét, nặng khoảng 20 tấn. Lý giải về cách vận chuyển các khối đá khổng lồ này, các nhà khảo cổ cho rằng người ta đã dùng các hòn bi đá để lăn chuyển chúng. Những khối đá lớn này có phiến dài tới hơn 6 mét, nặng khoảng 20 tấn khít với nhau mà không hề có bất kỳ chất kết dính nào

Trước kia, bên trong thành còn có nhiều công trình nguy nga như Điện Hoàng Nguyên, Cung Diên Thọ (chỗ ở của Hồ Quý Ly), Đông cung, Tây Thái Miếu, Đông Thái Miếu… không thua gì kinh thành Thăng Long. Tuy nhiên, qua khoảng thời gian dài hơn 6 thế kỷ với nhiều sự tác động chủ quan và khách quan đã khiến cho hầu hết các công trình kiến trúc này bị phá hủy hoàn toàn.

Trước kia bên trong thành còn có nhiều công trình nguy nga nhưng đã bị phá hủy. Một trong những bí ẩn lớn liên quan đến công trình là sự mất tích của đầu rồng trên cặp rồng được chạm khắc tỉ mỉ bên trong hoàng thành. Đôi tượng rồng đá này được các nhà sử học đánh giá thuộc loại tượng rồng lớn và đẹp nhất còn sót lại ở Việt Nam. Chúng có hình dạng thân thon nhỏ dần về phía đuôi, uốn bảy khúc, phủ kín vảy. Đôi rồng này còn mang giá trị nghệ thuật chạm khắc đặc thù của thời Trần lúc hưng thịnh.

Có khá nhiều giả thiết về việc lý giải tại sao đầu rồng lại bị biến mất nhưng giả thiết sau khi xâm lược nước ta, quân Minh cho chặt đầu rồng mang về báo công được nhiều người chấp nhận.

Thành Nhà Hồ là di tích lịch sử quan trọng có giá trị cao về mặt văn hóa, kiến trúc thời xưa. Đến với di tích này du khách có cơ hội chiêm ngưỡng sự độc đáo của công trình xưa cũ và tìm hiểu về kỹ thuật công phu này. Đây là điểm đến ngày càng thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến.

Thuyết minh về một di tích lịch sử - Kinh thành Huế

Huế được biết đến là nơi phong cảnh hữu tình với những nét đặc sắc về danh lam, thắng cảnh của một kinh thành cổ xưa. Tuy nhiên, nếu nói đến vẻ đẹp đặc trưng nhất ở Huế, chắc hẳn phải kể đến kiến trúc của Kinh thành Huế.

Kiến trúc kinh đô Huế là một quần thể kiến trúc rộng lớn bao gồm: Hoàng thành, các cung điện, lăng tẩm… được xây dựng dựa trên sở thích của các vua. Kiến trúc cung đình đa phần sử dụng những mẫu trang trí mang tính quy phạm gắn với tư tưởng Nho giáo. Bên cạnh kiến trúc cung đình là những làng cổ được xây dựng cách không xa Hoàng thành. Rất nhiều làng nghề thời này làm ra những sản phẩm để sử dụng trong cung đình. Một số nghệ thuật thời này đã phát triển đa dạng như điêu khắc, đồ hoạ, hội hoạ nhằm trang trí cho cung đình nơi cố đô.

Kinh Thành Huế được xây dựng vào năm 1805 dưới thời vua Gia Long và được kéo dài gần 30 năm đến thời vua Minh Mạng. Kinh Thành được quy hoạch bên bờ Bắc sông Hương, xoay mặt về hướng Nam, với diện tích mặt bằng 520ha. Vòng thành có chu vi khoảng 10km, cao 6,6m và dài 21m. Bên ngoài vòng thành có một hệ thống hào bao bọc. Thành gồm có mười cửa chính. Bên trong kinh thành bao gồm: Phòng thành (xây dựng từ những năm 1805 - 1817), Hoàng thành và Tử cấm thành (1840), đàn Nam Giao… Và cả những lăng tẩm, phủ chúa nổi tiếng như lăng Gia Long (1814 - 1820) lăng Minh Mạng (1820 - 1840), lăng Tự Đức (1864 -1867) rất uy nghi, tráng lệ.

Hoàng Thành là vòng thành thứ hai bên trong kinh thành Huế. Đây là ở của vua và hoàng gia, cũng là nơi làm việc của triều đình. Ngoài ra Hoàng thành cũng là nơi thờ tự tổ tiên và các vị vua nhà Nguyễn. Kế tiếp là Tử Cấm Thành là vòng thành trong cùng, nằm trong Hoàng thành. Tử Cấm thành nguyên gọi là Cung Thành, được khởi công xây dựng từ năm Gia Long thứ 2 (1803), năm Minh Mạng thứ 2 (1821) đổi tên thành Tử Cấm Thành. Thành có hình chữ nhật, cạnh nam và bắc dài 341m, cạnh đông và tây dài 308m, chu vi 1298m. Bên trong Tử Cấm thành bao gồm hàng chục công trình kiến trúc với quy mô lớn nhỏ khác nhau, được phân chia làm nhiều khu vực. Ngoài ra, còn có nhiều di tích khác bên trong kinh thành như: Kỳ Đài, Trường Quốc Tử Giám, Điện Long An, Bảo tàng Mỹ Thuật cung đình Huế...

Một vài nét độc đáo khác như: Cửa Ngọ Môn cũng là một tác phẩm lớn, trang nghiêm. Hơn nữa thiên nhiên và cảnh quan luôn được coi trọng, tạo ra một nét riêng của kiến trúc cung đình Huế. Bên lăng Tự Đức, hàng trăm cây lớn bé, xanh um. Ở đây có những hồ rộng khoảng vài chục mét vuông, uốn lượn. Bên hồ là lầu để trước đây vua đến chơi nghỉ; những tảng đá phẳng được dùng như những bộ bàn ghế kê ở ven hồ. Những tranh ghép sứ kính trong lăng Khải Định gồm những bức lớn, màu sắc ẩn hiện rất độc đáo. Những hình trang trí thì cầu kỳ, màu sắc sặc sỡ. Hình bao gồm chủ yếu là rồng vây quanh cột, in trên tương và rải rác theo dọc tường là những khung chữ Nho.

Kiến trúc của kinh thành Huế đã trở thành một nét đẹp độc đáo thu hút khách du lịch khám phá và tìm hiểu khi đến với thành phố Huế.

Thuyết minh về một di tích lịch sử - Thành Cổ Loa

“Ai về đến huyện Đông Anh,
Ghé xem phong cảnh Loa Thành Thục Vương.
Cổ Loa hình ốc khác thường,
Trải qua năm tháng, nẻo đường còn đây.”

Mỗi khi nghe bài ca dao này, em không khỏi cảm thấy tự hào khi nghĩ về quê hương mình. Chắc hẳn, là một người dân Việt Nam, ai cũng đã từng nghe đến truyền thuyết về vua An Dương Vương xây dựng thành Cổ Loa với sự giúp đỡ của thần Kim Quy. Trải qua năm tháng, thành Cổ Loa vẫn còn nguyên những giá trị về lịch sử, văn hóa.

Thành Cổ Loa được xây dựng vào khoảng thế kỷ III TCN, dưới thời trị vì của An Dương Vương, do sự chỉ đạo trực tiếp của Cao Lỗ. Thành tọa lạc tại một khu đất đồi nằm ở tả ngạn sông Hoàng - vốn là một nhánh lớn của sông Hồng. Ở thời Âu Lạc thì vị trí của Cổ Loa nằm ngay tam giác châu thổ sông Hồng, là nơi giao lưu giữa đường thủy và đường bộ. Đây được coi là vị trí có thể kiểm soát được cả đồng bằng lẫn vùng núi nên được chọn làm kinh đô.

Có lẽ, nếu nói đến nét đặc sắc nhất khi nhắc đến thành Cổ Loa, ai cũng sẽ phải công nhận đó là ở kiến trúc của thành. Theo tương truyền, thành bào gồm chín vòng xoáy trôn ốc. Tuy nhiên,căn cứ trên dấu tích hiện còn, các nhà khoa học nhận thấy thành chỉ có ba vòng. Trong đó, vòng thành nội rất có thể được làm về sau, dưới thời Ngô Quyền. Chu vi vòng ngoài là 8km, vòng giữa là 6,5km, vòng trong là 1,6 km, diện tích trung tâm lên tới 2km². Thành được xây theo phương pháp đào đất đến đâu, khoét hào đến đó, thành đắp đến đâu, lũy xây đến đó. Mặt ngoài lũy, dốc thẳng đứng, mặt trong xoải để đánh vào thì khó, trong đánh ra thì dễ. Lũy cao trung bình từ 4m - 5m, có chỗ cao đến 8m - 12 m. Chân lũy rộng 20m - 30m, mặt lũy rộng 6m - 12 m. Khối lượng đất đào đắp ước tính 2,2 triệu mét khối.

Thành có cấu tạo gồm ba phần: thành nội, thành chung và thành ngoại. Thành nội có hình chữ nhật, cao trung bình 5m so với mặt đất, mặt thành rộng từ 6m -12m, chân rộng từ 20m - 30m, chu vi 1.650 m và có một cửa nhìn vào tòa kiến trúc “Ngự triều di quy”. Kế tiếp là thành trung xây dựng theo một vòng thành không có khuôn hình cân xứng, dài 6.500 m, nơi cao nhất là 10m, mặt thành rộng trung bình 10m. Thành có năm cửa ở các hướng đông, nam, bắc, tây bắc và tây nam, trong đó cửa đông ăn thông với sông Hoàng. Thành ngoài cũng không có hình dáng rõ ràng, dài hơn 8.000m, cao trung bình 3m - 4m (có chỗ tới hơn 8m). Mỗi vòng thành đều có hào nước bao quanh bên ngoài, hào rộng trung bình từ 10m đến 30m, có chỗ còn rộng hơn. Các vòng hào đều thông với nhau và thông với sông Hoàng.

Bên trong thành là các khu đình, đền bao gồm: đền Thượng (đền thờ An Dương Vương) được dựng trên khu đất rộng 19.138,6m2. Tại vị trí lối lên cửa giữa của đền đặt đôi rồng đá, mang phong cách nghệ thuật thời Lê - Mạt. Trong đền còn lưu giữ năm tấm bia đá và năm mươi ba hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc sắc. Kiến trúc đền bao gồm tiền tế theo kiểu ba gian, hai chái. Hệ khung kết cấu gỗ, mái lợp ngói mũi hài. Trên hệ mái đắp các đầu đao cong, tượng nghê chầu. Các bộ vì chính được làm theo kiểu giá chiêng, sơn son thếp vàng, chạm họa tiết “rồng vờn mây”; trung đường đấu mái liền với hậu cung, tạo thành dạng thức kiến trúc kiểu “chuôi vồ”, bên trong đặt tượng An Dương Vương, bằng đồng, nặng khoảng 200kg, đúc năm 1897. Tiếp đến là đình Cổ Loa (hay còn gọi là Ngự Triều Di Quy) có bố cục mặt bằng nền hình chữ “Đinh”, gồm đại đình và hậu cung. Đại đình gồm năm gian, hai chái. Kết cấu khung gỗ, mái lợp ngói mũi hài, với bốn góc đao cong vút. Các bộ vì nóc được kết cấu theo kiểu “giá chiêng, chồng rường”, với sáu hàng chân cột. Hậu cung nối liền với đại đình qua bộ cửa bức bàn phía dưới và đấu mái ở phía trên. Các đề tài trang trí trên kiến trúc này mang phong cách nghệ thuật của thế kỷ XVIII. Kế tiếp là Am Mỵ Châu (am Bà Chúa hay đền thờ Mỵ Châu) nằm tọa lạc trên khu vực rộng 925,4m2. Mặt bằng kiến trúc được bố cục theo dạng “tiền Nhất, hậu Đinh”, gồm các tòa tiền tế, trung đường và hậu cung. Chùa Cổ Loa hay Bảo Sơn tự được khởi dựng vào khoảng đầu thế kỷ XVII. Bố cục mặt bằng nền theo dạng “nội Công, ngoại Quốc”, gồm các hạng mục với tiền đường, thiêu hương, thượng điện, hậu cung, gác chuông, tháp mộ, cổng hậu, nhà Tổ, nhà ni, nhà khách. Chùa Mạch Tràng (Quang Linh tự) được dựng vào thời Hậu Lê, trên diện tích rộng 4.922,4m2. Chùa quay hướng Nam, bao gồm các hạng mục: Tam bảo, tiền đường, thượng điện, nhà Mẫu, giải vũ, hành lang… Cuối cùng, đình Mạch Tràng: tọa lạc trên một khu đất cao, có diện tích 6.198,4m2, gồm các hạng mục tiền tế, đại đình và hậu cung.

Thành Cổ Loa có giá trị về nhiều mặt. Về quân sự, thành Cổ Loa thể hiện sự sáng tạo độc đáo của người Việt cổ trong công cuộc bảo vệ đất nước. Về văn hóa, thành Cổ Loa trở thành một di sản văn hóa. Một bằng chứng về sự sáng tạo cũng như trình độ kỹ thuật cũng như văn hóa của người Việt cổ.

Thành Cổ Loa chính là di tích lịch sử thể hiện nét đẹp không chỉ của quê hương em mà còn là của đất nước Việt Nam.

Thuyết minh về một di tích lịch sử - chùa Một Cột

Chỉ riêng trong lòng Hà Nội, cái nôi của văn chương văn hiến, từng mảnh đất hay phố phường cũng có thể làm tâm hồn ta rung cảm và ngẫm nghĩ... Hà Nội bây giờ đã khác xưa, ồn ã và tấp nập hơn nhưng vẫn mang trong mình nét cổ kính, trầm mặc mà vang ngân với những mái chùa rêu phong cổ kính như chùa Trấn Quốc, chùa Quán Sứ... Trong số đó có một ngôi chùa mà khi nghe tên người ta đã nghĩ ngay đến một Hà Nội sâu lắng, một “hồn sâu Hà Nội”: chùa Một Cột.

Chùa Một Cột xưa nằm ở phía Tây thành Thăng Long, thuộc thôn Ngọc Thanh, Ngọc Hà, nay là địa điểm phía sau Lăng Bác. Chùa Một Cột là một quần thể kiến trúc gồm chùa và tòa đài giữa hồ, được biết đến cái tên chùa Diên Hựu và đài Liên Hoa. Chùa được dựng trên một hồ hình vuông. giữa hồ có một cột đá, cao chừng hai trượng, chu vi chín thước; đầu trụ đặt một tòa chùa ngói nhỏ, hình trông như một đóa sen dưới nước mọc lên vì thế chùa có tên là chùa Nhất Trụ hay chùa Một Cột.

Chùa được xây dựng từ năm 1049, tức năm đầu niên hiệu Sùng Hưng Đại Bảo vua Lí Thái Tông. Tục truyền khi ấy vua Thái Tông tuổi đã cao mà chưa có con nên thường đến cầu tự ở các chùa. Một đêm vua nằm chiêm bao thấy Đức Phật Quan Âm hiện trên đài hoa sen trong một cái hồ vuông ở phía Tây thành, tay bế một bé trai kháu khỉnh trao cho nhà vua. Sau đó quả nhiên nhà vua sinh con trai. Thấy ứng nghiệm, vua liền cho lập chùa để thờ Phật Bà Quan Âm. Khi chùa làm xong, vua triệu tập tất cả các tăng ni phật tứ ở kinh thành đứng chầu xung quanh, tụng kinh suốt bảy ngày đêm và dựng thêm một ngôi chùa lớn bên cạnh để thờ Phật gọi là chùa Diên Hựu (kéo dài cõi phúc). Đến năm 1105, chùa được tu bổ hoàn toàn. Quá trình xây dựng tiếp chùa Một Cột đã được Binh bộ Thượng thư Nguyễn Công Bật viết và mô tả tỉ mỉ: “...Đào hồ thơm Linh Chiêu, giữa hồ trồi lên cột đá, đỉnh cột nở đóa hoa sen nghìn cánh, trên hoa sen dựng tòa điện màu xanh đặt pho tượng. Vòng quanh hồ là dẫy hành lang. Lại đào ao Bích Trì, mỗi bên đều có cầu vồng để bắc đi qua. Phía sân cầu đằng trước, hai bên tả hữu xây tháp lưu li”. Hai tháp báu này xây bằng gạch nung đất trắng, một cạnh gạch có chạm rồng (kiểu rồng thời Lí), ngoài cũng phủ men trắng mà khoảng năm 1954 đã được tìm thấy trong khuôn viên chùa Diên Hựu. Như vậy thì quy mô Liên Hoa Đài thời Lí to hơn bây giờ nhiều, cả những bộ phận hợp thành và hình dạng cũng phong phú hơn.

Thực tế chùa Một Cột đã qua nhiều lần sửa chữa. Đúng vào ngày 11-9- 1954 đen tối ấy, dưới bàn tay quái ác của thực dân Pháp, chùa Một Cột di tích liệt hạng của Hà Thành đã sụp đổ sau một tiếng nổ long trời lở đất. May mắn thay, sau ngày tiếp quản Thủ đô, để đáp ứng nguyện vọng của toàn dân, Chính phủ đã cho sửa chữa, phục chế lại toàn bộ chùa Một Cột. Và đến tháng 4-1955, chùa Một Cột đã được dựng lại hoàn toàn như cũ. Bông sen quý của cả dân tộc ấy đã hồi sinh lại. Để ghi nhớ những đóng góp to lớn của chùa Một Cột cho toàn dân tộc, ngày 28-4-1962, chùa đã được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng di tích lịch sử, nghệ thuật kiến trúc.

Chùa Một Cột không chỉ là biểu tượng cho Thăng Long Hà Nội ngàn năm văn hiến mà còn mang rất nhiều ý nghĩa tâm linh của các bậc tiền bối gửi gắm cho con cháu đời sau. Hình tượng chùa Một Cột gắn liền với hình tượng một bông hoa sen trong sạch, cao quý của cõi Phật. Nơi nào có hoa sen là nơi đó có Phật Bồ Tát ngự trị; nơi nào có dấu sen là nơi đó có hiền nhân; nơi nào có hồ sen nhất định phải là nơi thanh tịnh. Và chính hoa sen đã được người đời tôn quý để ví với những người có tâm hồn thanh cao, sống nơi bụi trần đầy danh lợi mà không bị những thứ ô uế cám dỗ, ràng buộc. Hoa sen có một ý nghĩa vô cùng quan trọng, đến nỗi nó đã được dùng làm tựa đề cho một bộ kinh cao thâm của Phật giáo Bại thừa: Kinh Diệu Pháp Liên hoa. Như vậy, chùa Một Cột quả là một tác phẩm nghệ thuật thần kì, thể hiện trọn vẹn cái tâm linh độc đáo của dân tộc.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, chùa Một Cột vẫn đứng đó như một bông sen nhỏ bé hết tàn lại nở. Và cùng với Hồ Gươm, chùa Một Cột đã trở thành biểu tượng cho Thăng Long ngàn năm văn hiến. Ai đến thăm chùa cũng không khỏi ngạc nhiên: “Chùa bé thế thôi ư?”. Vâng chỉ bé thế thôi. Nhưng cái giá trị về vật chất lẫn tinh thần mà ngôi chùa đó đem lại thì thật to lớn biết bao!

Thuyết minh về một di tích lịch sử - Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Trong số hàng nghìn di tích lịch sử tại Hà Nội, có hơn 500 di tích đã được xếp hạng, và trong số này, Văn Miếu - Quốc Tử Giám nổi bật lên như một biểu tượng không thể tách rời với sự hình thành của kinh đô Thăng Long dưới triều đại Lý. Đây là một di tích có lịch sử gần nghìn năm, mang quy mô tinh tế và uy nghi, tượng trưng cho Hà Nội và là biểu tượng văn hóa và lịch sử của Việt Nam.

Theo sử sách Đại Việt, vào mùa thu năm Canh Tuất - 1070, Vua Lý Thánh Tông đã quyết định khởi công xây dựng Văn Miếu để tôn vinh các tiền nhân, các học giả và những người đã có đóng góp to lớn cho đất nước. Trong danh sách những người được tôn thờ tại đây, không thể không nhắc đến Khổng Tử - người sáng lập nho giáo phương Đông và Chu Văn An - một trong những thầy giáo nổi tiếng, đạo đức và tri thức của nền giáo dục Việt Nam. Chỉ sau sáu năm, năm 1076, Vua Lý Nhân Tông đã quyết định xây dựng Quốc Tử Giám - một trường đại học Nho học hàng đầu thời bấy giờ, với mục tiêu đào tạo nhân tài cho đất nước. Đây là một sự kiện quan trọng đánh dấu sự lựa chọn đầu tiên của triều đình phong kiến Việt Nam trong việc đầu tư và quản lý giáo dục theo mô hình Nho học châu Á.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám hiện nay vẫn lưu giữ 82 tấm bia đá, trên đó ghi tên của 1306 người đã đỗ tiến sĩ trong 82 kỳ thi từ năm 1484 đến năm 1780. Trong số những người này, người đỗ tiến sĩ ở tuổi cao nhất trong lịch sử là ông Bàn Tử Quang, khi đó đã 82 tuổi. Ngược lại, người trẻ nhất là Nguyễn Hiền, quê ở Nam Trực (Nam Định), đỗ trạng nguyên năm Đinh Mùi, tức là năm 1247, khi chỉ mới 13 tuổi. Từ đó, Văn Miếu và Quốc Tử Giám - được xem như trường đại học đầu tiên của Việt Nam đã tồn tại suốt đến thế kỷ 19.

Vị trí của Văn Miếu - Quốc Tử Giám tọa lạc trên một khuôn viên rộng hơn 54.000m2, nằm giữa bốn con đường: cổng chính ở đường Quốc Tử Giám (phía Nam), phía Bắc tiếp giáp đường Nguyễn Thái Học, phía Đông giáp phố Tôn Đức Thắng, và phía Tây là phố Văn Miếu. Khu di tích này được chia thành 5 khu vực. Khu vực 1 bao gồm Văn hồ, cổng tam quan ngoại cùng (cổng lớn) và Văn Miếu môn, với cổng lớn có ba cửa và hai tầng, tầng trên với ba chữ Văn Miếu môn. Khu vực thứ hai bao gồm Đại Trung môn, Thánh Dực môn bên trái và Đạt Tài môn bên phải. Khu vực 3 chứa giếng Thiên Quang (tên có nghĩa là giếng trời trong sáng), với 82 bia Tiến sĩ nằm ở hai hàng, mặt bia hướng về giếng, là một di tích có giá trị đặc biệt. Vượt qua cửa Đại Thành, bạn sẽ vào khu vực thứ 4, nơi có dãy Tả Vu và Hữu Vu, với một dãy đặc biệt giữa là Toà Đại Bái đường, tạo thành một kiến trúc hình chữ U truyền thống. Khu vực cuối cùng là nơi dùng để giảng dạy trong trường Quốc Tử Giám thời Lê, nơi đào tạo nhiều thế hệ người tài "nguyên khí của nước nhà."

Mặc dù đã trải qua nhiều biến động và biến cố trong lịch sử, Văn Miếu - Quốc Tử Giám không còn nguyên vẹn như xưa. Các công trình từ thời kỳ Lý và Lê hầu như không còn tồn tại. Tuy nhiên, nó vẫn tồn tại với sự trang nghiêm và tôn kính của một trường đại học có gần 1000 năm lịch sử của Hà Nội. Đây chính là khu di tích văn hóa hàng đầu và nguồn tự hào của người dân Thủ đô khi nhắc đến truyền thống văn hiến hàng nghìn năm của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội.

Thuyết minh về một di tích lịch sử - Hồ Gươm

Hồ Gươm không chỉ là một di tích lịch sử của đất nước mà còn là một danh lam thắng cảnh vô cùng đặc biệt của Việt Nam. Mỗi ngày, đây là điểm đến của rất nhiều du khách, cùng với những người dân sống xung quanh, họ đến đây để tận hưởng không gian thoáng đãng và hòa mình vào bầu không khí tươi mát của Hồ Gươm.

Khi nhắc đến Hồ Gươm, chúng ta không thể không nghĩ đến sự tích lịch sử mà chúng ta đã học qua trong chương trình Ngữ Văn lớp 6. Sự tích kể về thời kỳ đánh đuổi giặc Minh dưới triều đại của Lê Lợi. Giặc Minh đã xâm chiếm và áp bức nước ta, khiến người dân sống trong cảnh khốn khó. Nhiều lần, lực lượng nghĩa quân Lam Sơn đã cố gắng chống lại giặc, nhưng không thành công. May mắn thay, Lê Lợi được ban cho một thanh kiếm thần, từ đó, nghĩa quân Lam Sơn cùng với Long Vương Lê Lợi đã đánh đuổi giặc Minh ra khỏi lãnh thổ nước ta. Sau một thời gian, khi Lê Lợi đang đi thuyền trên Hồ Gươm, anh đã gặp thần Kim Quy và trả lại thanh kiếm thần cho thần Kim Quy. Từ đó, Hồ Gươm được đặt tên là "Hồ Gươm."

Hồ Gươm hiện nay vẫn là một bức tranh thiên nhiên tươi đẹp, được ví như "lá phổi xanh" của Hà Nội. Trên bề mặt của hồ, có hai hòn đảo nhỏ, trong đó đảo Rùa nổi tiếng với tháp Rùa, biểu tượng lịch sử của thủ đô kéo dài hàng nghìn năm. Đảo Ngọc là nơi nằm Đền Ngọc Sơn, một điểm đến thường xuyên được người dân và du khách đến để cảm nhận cảnh đẹp và thực hiện lễ cúng. Đền Ngọc Sơn xây dựng trên đảo, nơi xung quanh bốn bể nước. Để đến được đền, người ta phải đi qua cây cầu đáng yêu có tên là cầu Thê Húc, được làm bằng gỗ sơn màu đỏ rực rỡ, tạo nên một bức tranh tương phản độc đáo trên nền nước xanh biếc. Cầu Thê Húc có một kỷ lục lịch sử với 15 nhịp và 32 chân cột gỗ tròn.

Tuy nhiên, Hồ Gươm vẫn chưa thể hiện hết vẻ đẹp và đặc sắc của mình. Chúng ta còn biết đến Hồ Gươm thông qua quần thể di tích Tháp Bút - Đài Nghiên. Tháp Bút được xây dựng hoàn toàn bằng đá, có năm tầng và được xây trên một ngọn núi đá. Bên cạnh Tháp Bút là Đài Nghiên, được thiết kế theo hình dáng của một cây nghiên đựng mực trước đây. Dưới nghiên, có ba con thiềm thừ. Tháp Bút và Đài Nghiên đại diện cho tinh thần văn chương, cho tình yêu với tri thức và sự hiếu học của con người. Vì vậy, các học sinh và sinh viên thường đến Hồ Gươm, chạm tay vào Tháp Bút, để cầu mong cho sự thành công trong học tập và văn chương.

Trước đây, dưới lòng Hồ Gươm, còn tồn tại một số con Rùa. Những người dân sống gần đây đôi khi còn nhìn thấy chúng nổi lên mặt nước. Tuy nhiên, theo thời gian, các con Rùa này đã biến mất, và việc tìm thấy một con Rùa khác để thay thế không phải là điều dễ dàng. Sự mất mát của các con Rùa là một thiệt thòi lớn cho Hồ Gươm. Tuy nhiên, hồ vẫn giữ được vẻ đẹp và sự tích lịch sử của mình.

Ngoài các di tích lịch sử, xung quanh Hồ Gươm còn trồng nhiều cây xanh, tạo ra một môi trường xanh mát và hài hòa. Các cây không chỉ cung cấp bóng mát mà còn giúp tô điểm cảnh quan. Đặc biệt, những chiếc ghế đá được đặt xung quanh hồ cho phép người dân và du khách dừng chân nghỉ ngơi và thư giãn.

Một người Hy Lạp từng mô tả Hồ Gươm như một bông hoa, và thật sự, bông hoa này mang vẻ đẹp hiếm có. Tuy nhiên, nếu chúng ta không bảo vệ và giữ gìn, thì một ngày nào đó, bông hoa đó có thể tàn phai. Vì vậy, chúng ta, cùng nhau hãy bảo vệ Hồ Gươm của chúng ta để nó mãi mãi giữ được vẻ đẹp thần tiên và sự quý báu như thế này.

Xem thêm các phần Dàn ý và văn mẫu lớp 9 hay khác:

Mục lục Văn mẫu | Văn hay 9 theo từng phần:


viet-bai-tap-lam-van-so-1.jsp


Giải bài tập lớp 9 sách mới các môn học