10+ Thuyết minh về cây ở quê em (hay, ngắn gọn)
Thuyết minh về cây ở quê em hay nhất, ngắn gọn gồm dàn ý chi tiết, sơ đồ tư duy và các bài văn mẫu được tổng hợp và chọn lọc từ những bài văn hay đạt điểm cao của học sinh lớp 9.
- Thuyết minh về cây ở quê em - cây tre
- Dàn ý Thuyết minh về cây ở quê em
- Thuyết minh về cây ở quê em - cây dừa
- Thuyết minh về cây ở quê em - cây dừa
- Thuyết minh về cây ở quê em - cây tre
- Thuyết minh về cây ở quê em - cây vải
- Thuyết minh về cây ở quê em - cây xoài
- Thuyết minh về cây ở quê em - cây cao su
Thuyết minh về cây ở quê em - cây tre
Có lẽ đối với mỗi người Việt Nam, cây tre đã trở thành một phần của cuộc sống. Đặc biệt với mỗi con người ra đi từ làng quê thì hình ảnh những luỹ tre xanh đã ăn sâu vào tiềm thức, do vậy dù có đi đâu đến nơi đâu họ cũng đều nhớ về luỹ tre xanh như nhớ về kỉ niệm gắn bó, thân thương nhất. Và đó chính là niềm tự hào của họ hàng nhà tre chúng tôi.
Sự gắn bó, gần gũi của họ hàng nhà tre chúng tôi được thể hiện ở chỗ đi bất cứ nơi đâu, đồng bằng hay miền núi thì bạn cũng đều thấy chúng tôi nghiêng mình trên những con đường hay trong những cánh rừng bát ngát. Họ nhà tre chúng tôi rất đông đúc, nào là: Tre Đồng Nai, nứa, mai, vầu Việt Bắc, trúc Lam Sơn, tre ngút ngàn rừng cả Điện Biên, rồi dang, rồi hóp và cả luỹ tre thân thuộc đầu làng...
Khác với các loài cây khác, từ khi mới bắt đầu sinh ra, chúng tôi đã thể hiện sự ngay thẳng, điều đó các bạn có thể thấy ngay khi nhìn những mầm tre mọc thẳng tắp và dù trong bất cứ môi trường nào chúng tôi cũng vẫn vươn lên để sống mạnh mẽ và xanh tốt. Thân tôi gầy guộc hình ống rỗng bên trong,màu xanh lục, đậm dần xuống gốc. Tôi bền bỉ hiên ngang chẳng dễ gì bị ngã dưới các anh mưa chị gió. Vả lại trên thân tôi có rất nhiều rất nhiều gai nhọn như những chiếc kim giúp tôi tự vệ ,bảo vệ cuộc sống của mình trước những bàn tay ác quỷ dám chặt phá tôi một cách vô lí. Lá của tôi mỏng manh một màu xanh non mơn mởn với những hình gân song song trên lá như những chiếc thuyền nan rung rinh theo những cơn gió thoảng. Rễ tôi thuộc loại rễ chùm, gầy guộc và cằn cỗi nhưng bám rất chắc chắn vào đất giúp giữ mình không bị đổ trước những cơn gió dữ.
Vào những ngày khô hạn nóng nực vô cùng. Cả nhà chúng tôi đung đưa theo gió, dang những cành tre che mát cho đàn con - những đàn con thân yêu. Đến thời kì mưa gió bão bùng,chúng tôi kết thành lũy dày kiên cố ra sức chống gió cản mưa. Chính nhờ đặc điểm này mà chúng tôi sống được ở nhiều vùng khí hậu khác nhau, ở những nơi gần nước hay những nơi xa nước. Vì thế mà câu thơ này ra đời:
"Ở đâu tre cũng xanh tươi
Cho dù đất sỏi đá vôi bạc màu"...
Trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc, chúng tôi luôn cùng con người đấu tranh cho độc lập, tự do. Chẳng thế mà từ lâu, người Việt đã ví chúng tôi với phẩm chất quật khởi của dân tộc ngàn đời.Những ngày đất nước Việt Nam còn sơ khai, chúng tôi đã giúp ông Gióng diệt lũ giặc Ân bạo tàn, đem lại hạnh phúc cho muôn dân. Rồi trong cuộc chiến chống quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, chính chúng tôi đã dìm chết bao tàu chiến của địch khiến cho chúng khiếp sợ phải thua cuộc. Thuở đất nước còn chưa có vũ khí hiện đại như bây giờ, chúng tôi là vũ khí mạnh nhất được dùng để tiêu diệt quân thù. Và trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mĩ, chúng tôi cũng tích cực tham gia kháng chiến bằng cách góp một phần bé nhỏ cơ thể mình để làm ra những cây chông nhọn hoắt sẵn sàng tiêu diệt kẻ thù. Bởi vững vàng trong chiến đấu mà họ mà tre tôi đã được phong danh hiệu anh hùng bất khuất.
Không chỉ trong đánh giặc giữ nước, loài tre nhà chúng tôi còn rất có ích trong cuộc sống hàng ngày. Mỗi khi về thăm một thôn xóm, một bản làng nào bạn cũng sẽ thấy vòng tay của chúng tôi dang rộng, ôm trọn và toả bóng mát cho cho cả dân làng. Trong vòng tay của chúng tôi, những ngôi nhà trở nên mát mẻ, những chú trâu mới có bóng râm để nhởn nhơ gặm cỏ. Những trưa hè, chúng tôi thật hạnh phúc khi được ngắm những khuôn mặt trẻ thơ say nồng giấc ngủ trong tiếng võng kẽo kẹt dưới khóm tre. Hơn thế chúng tôi còn là những vật liệu để bà con dựng nhà, những ngôi nhà được làm từ tre rất mát mẻ và sạch sẽ.
Dưới bóng chúng tôi là cả một nền văn hoá lâu đời đang từng ngày được nâng niu và gìn giữ. Trong đời sống sinh hoạt, chúng tôi còn làm ra những đồ dùng thân thuộc với mỗi người: đó là đôi đũa, là chiếc chõng tre, chiếc giường tre. Đối với mỗi gia đình nông dân, tre tôi là người bạn vô cùng thân thiết. Ngoài ra cây danh, nứa, một trong những họ nhà trẻ còn giúp con người chẻ lạt buộc nhà, nứa giúp cắm sào làm giàn cho bầu bí leo quấn quýt vào nhau. Tre còn gắn với tuổi già, cho họ chiếc ống điếu hút thuốc làm vui.
Đối với trẻ con ở miền thôn quê thì tre còn có thể làm nên những trò chơi thú vị, bổ ích. Dưới những bãi đất rộng, được chúng tôi che hết ánh nắng oi ả của mùa hè, các bạn tha hồ chơi đùa thoả thích. Các bạn nữ còn trò gì thú vị hơn ngồi đánh chuyền với những que chắt bằng tre. Còn các bạn nam lại chạy nhảy reo hò theo tiếng sáo vi vút trên chiếc diều cũng được làm ra từ tre. Những cánh diều đó sẽ đem ước mơ của các bạn về nơi xa.
Tre chúng tôi còn làm nên những tiếng nhạc réo rắt từ những cây sáo tre, sáo trúc, làm vơi đi bao nỗi vất vả nhọc nhằn của người nông dân chân lấm tay bùn.
Ngày nay loài tre của chúng tôi còn vươn xa hơn nữa. Có một giáo sư là Việt Kiều sống ở Pháp đã đưa anh em chúng tôi sang trồng thử trên đất Pháp. Thế mà ở xứ lạ, chúng tôi vẫn sống vững vàng. Ngày sau, dẫu nước mình có hiện đại hơn, loài tre chúng tôi cũng vẫn sẽ ngay thẳng, thuỷ chung và can đảm để tôn lên những đức tính của người hiền - đức tính Việt Nam.
Dàn ý Thuyết minh về cây ở quê em
I. Mở bài:
Giới thiệu khái quát về mối quan hệ và công dụng thiết thực của cây tre với người dân Việt Nam
II. Thân bài:
1. Nguồn gốc:
- Cây tre đã có từ lâu đời, gắn bó với người dân Việt Nam qua hàng nghìn năm lịch sử.
- Tre xuất hiện cùng bản làng trên khắp đất Việt, đồng bằng hay miền núi...
2. Các loại tre:
- Tre có nhiều loại: tre Đồng Nai, nứa, mai, vầu Việt Bắc, trúc Lam Sơn, tre ngút ngàn rừng cả Điện Biên, và cả lũy tre thân thuộc đầu làng...
3. Đặc điểm:
- Tre không kén chọn đất đai, thời tiết, mọc thành từng lũy, khóm bụi
- Ban đầu, tre là một mầm măng nhỏ, yếu ớt; rồi trưởng thành theo thời gian và trở thành cây tre đích thực, cứng cáp, dẻo dai
- Thân tre gầy guộc, hình ống rỗng bên trong, màu xanh lục, đậm dần xuống gốc. Trên thân tre còn có nhiều gai nhọn.
- Lá tre mỏng manh một màu xanh non mơn mởn với những gân lá song song hình lưỡi mác.
- Rễ tre thuộc loại rễ chùm, cằn cỗi nhưng bám rất chắc vào đất -> giúp tre không bị đổ trước những cơn gió dữ.
- Cả đời cây tre chỉ ra hoa một lần và vòng đời của nó sẽ khép lại khi tre "bật ra hoa"...
4. Vai trò và ý nghĩa của cây tre đối với con người Việt Nam:
a. Trong lao động:
- Tre giúp người trăm công nghìn việc, là cánh tay của người nông dân.
- Làm công cụ sản xuất: cối xay tre nặng nề quay.
b. Trong sinh hoạt:
- Bóng tre dang rộng, ôm trọn và tỏa bóng mát cho bản làng, xóm thôn. Trong vòng tay tre, những ngôi nhà trở nên mát mẻ, những chú trâu mới có bóng râm để nhởn nhơ gặm cỏ, người nông dân say nồng giấc ngủ trưa dưới khóm tre xanh...
- Dưới bóng tre, con người giữ gìn nền văn hóa lâu đời, làm ăn, sinh cơ lập nghiệp.
- Tre ăn ở với người đời đời kiếp kiếp:
+ Khi chưa có gạch ngói, bê tông, tre được dùng để làm những ngôi nhà tre vững chãi che nắng che mưa, nuôi sống con người.
+ Tre làm ra những đồ dùng thân thuộc: từ đôi đũa, rổ rá, nong nia cho đến giường, chõng, tủ...
+ Tre gắn với tuổi già: điếu cày tre.
+ Đối với trẻ con ở miền thôn quê thì tre còn có thể làm nên những trò chơi thú vị, bổ ích: đánh chuyền với những que chắt bằng tre, chạy nhảy reo hò theo tiếng sáo vi vút trên chiếc diều cũng được làm bằng tre...
c. Trong chiến đấu:
- Tre là đồng chí...
- Gậy tre, chông tre chống lại sắt thép quân thù.
- Tre xung phong... giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh...
- Tre hi sinh để bảo vệ con người
III – Kết bài:
- Cây tre trở thành biểu tượng của dân tộc Việt Nam. Trong đời sống hiện đại ngày nay, chúng ta vẫn không thể rời xa tre.
Thuyết minh về cây ở quê em - cây dừa
Dừa không chỉ một loại cây ăn quả, cây cảnh mà còn là loại cây quen thuộc của nhiều làng quê Việt Nam. Cây dừa đã gắn bó với đời sống của người Việt, và trở thành biểu tượng của làng quê, trong đó phải nói đến vùng đất dừa Bến Tre.
Có thể nói, bất kì ở vùng quê nào trên đất nước Việt ta đều thấy thấp thoáng những bóng dừa. Có 2 loại dừa: Dừa cao và dừa lùn. Dừa lùn thường trồng để làm cảnh, loại dừa cao được phân ra thành các loại dừa như: Dừa xiêm, dừa bị, dừa nếp, dừa lửa, dừa dâu, dừa dứa, dừa sáp.
Các bộ phận của cây dừa gồm: Thân, lá, hoa, buồng, trái. Thân dừa cao khoảng 20 – 25m, trên thân dừa có những đốt như hổ vằn, thường có màu nâu sậm, đường kính khoảng 45 cm. Với những loại dừa cảnh, thân dừa thường có màu xanh, nhiều đốt, đốt trên cùng là nơi xuất phát những phiến lá ôm lấy thân rồi tỏa ra. Lá dừa to, có màu xanh, gồm nhiều tàu, khi già lá sẽ vàng dần rồi héo và có màu hơi nâu. Hoa dừa có màu trắng, nhỏ, kết thành chùm.
Cây dừa ra hoa rồi kết trái, quả dừa có lớp vỏ dày bên ngoài. Bên trong mỗi lớp vỏ cứng là cùi dừa và nước dừa. Cây dừa có rất nhiều quả, quả của chúng kết thành buồng, mỗi cây có rất nhiều buồng và mỗi buồng dừa có nhiều quả, trung bình mỗi buồng từ 5 đến 10 trái dừa, có loại trên 20 trái.
Dừa không phải chỉ để ăn quả mà các bộ phận của nó được dùng vào rất nhiều việc. Nhiều người đã dùng thân dừa để bắc ngang con mương nhỏ làm cầu. Do thân dừa rất chắc nên người ta đã dùng nó làm cột, làm kèo xây nhà, hoặc sáng tạo ra các mặt hàng thủ công mỹ nghệ khác hoặc làm chén đũa. Bông dừa tươi được dùng làm vật trang trí rất đẹp mắt. Đọt dừa non có thể làm gỏi, lăn bột, xào rất thích hợp với người ăn chay. Có một món ăn đặc biệt mà nhiều người không biết đó là con sâu sống trên cây dừa (còn gọi là đuông dừa. Do ăn đọt dừa non nên đuông dừa béo múp míp nên được chế biến thành nhiều món ăn khoái khẩu và bổ dưỡng.
Trái dừa luôn được coi là phần giá trị nhất trên cây dừa. Trái dừa non được cắt ra lấy nước uống, là loại nước giải khát thơm ngon. Ngoài ra nước dừa dùng để kho cá, kho thịt, thắng nước màu. Phần cùi dừa dùng để làm mứt, cơm dừa dày được xay nhuyễn, vắt nước cốt làm kẹo dừa, nấu dầu dừa, làm xà phòng. Bã dừa dùng làm bánh dầu, để bón phân hoặc làm thức ăn cho gia súc. Phần vỏ cứng của trái dừa được sử dụng làm than hoạt tính, chất đốt hoặc làm các mặt hàng thủ công mỹ nghệ rất được ưa chuộng ở các nước phương Tây. Xơ dừa được đánh tơi ra dùng làm thảm, làm nệm, làm dép đặc trị cho những người bệnh thấp khớp hoặc bện làm dây thừng, lưới bọc các bờ kè chống sạt lở ven sông. Lá dừa có thể dùng để lợp nhà, làm phên liếp, chằm nón, mà còn là chất đốt thường dùng để đun nấu phổ biến ở thôn quê, lá dừa khô bó lại làm đuốc để đi trong đêm tối trời.
Có thể thấy cây dừa không chỉ mang lại cảnh đẹp cho cuộc sống thêm phần tươi đẹp, cho con người những món ăn thơm ngon bổ dưỡng mà nó còn có rất nhiều công dụng với đời sống của con người. Cây dừa cũng trở thành biểu tượng của người dân Việt Nam bởi sự kiên cường bất khuất, giám đối mặt với mọi gian nan để vươn cao, vươn xa hơn
Thuyết minh về cây ở quê em - cây dừa
Dừa là loại cây dễ trồng ở nước ta. Xu hướng dùng hàng thủ công mĩ nghệ từ cây dừa ngày càng được ưa chuộng trên thế giới. Các sản phẩm từ dừa đang có tiềm năng xuất khẩu rất lớn, đem nhiều ngoại tệ về cho đất nước.
Dừa được trồng rải rác khắp các làng quê Nam Bộ, nhiều nhất là ở tỉnh Bến Tre, Bình Định. Tiềm năng sản xuất và xuất khẩu của cây dừa rất lớn, đã hình thành cả công nghệ chế biến: Ngâm tẩm chống mối, tạo dáng, đánh bóng, phủ lớp nhựa chống thấm lên bề mặt sản phẩm.
Xu hướng dùng hàng thủ công mỹ nghệ từ cây dừa: Giỏ xách, dĩa, chén, bình, tách, đũa, khay, hộp. Ở các nước phương Tây ngày càng được ưa chuộng.
Từ dừa có thể làm vô vàn thứ: cọng dừa tước bỏ lá, đan giỏ xách, làm chổi; gáo dừa làm than hoạt tính, làm chén, dĩa, tô, thân dừa lão làm đũa, làm cột nhà, vỏ dừa làm dây buộc. Mùa nắng nước dừa là một thứ giải khát tuyệt chiêu vừa sạch vừa bổ. Cơm dừa già làm nguyên liệu chế biến các món ăn và thức uống, nấu dầu dừa và chế biến xà phòng. Nước ta chê biến được nhiều sản phẩm như: bánh dừa, kẹo dừa, các loại mứt dừa và còn nhiều món ăn truyền thống dân tộc chế biến từ dừa: Bánh tét, chuối nướng.
Đặc biệt, nước dừa được tạo thành sản phẩm thông qua quy trình công nghệ sinh học. Nước dừa nuôi nấm men Saccharomyces tạo ra prô-tê-in đơn bào bổ sung nguồn đạm thực vật dùng cho người. Giấm ăn hoặc các sản phẩm nước uống lên men từ nước dừa như nước giải khát đóng chai, nước dừa có ga. Nước dừa còn chế biến thành rượu có hương vị đặc trưng. Nước cốt dừa tạo sữa dừa đóng hộp, sản phẩm chiết từ cơm dừa nạo chế biến sữa đặc có đường. Gần đây các nhà khoa học còn dùng vi khuẩn tạo ra thạch dừa.
Thạch dừa là đặc sản ăn vừa dai, vừa giòn, góp phần tăng cường các chất xơ giúp cơ thể bài tiết, kích thích tiêu hóa, gây cảm giác khoái khẩu.
Doanh nghiệp Trường Ngân ở Bến Tre đã thành công trong việc tìm được thị trường riêng cho sản phẩm của mình bằng hàng trăm mặt hàng gia dụng như: Giỏ xách đi chợ, giỏ đựng hoa (lẵng hoa) và đựng quà cáp, rổ rá, bình hoa, cùng nhiều chủng loại: Tách, chén, dĩa, khay trà và đồ dùng trang trí nội thất khác như: Voi khỉ, ngựa, gà, và các tranh treo tường.
Sản phẩm dừa của Trường Ngân đã có mặt tại một số cửa hàng lớn ở Đài Loan, Nhật, Mĩ, Ca-na-đa, từ những dụng cụ bếp núc, đồ gia dụng: Hộp đựng hành, tỏi, khay đựng trái cây, bộ bàn ghế nhỏ, đến những dụng cụ văn phòng: Hộp đựng viết, khay đựng giấy tờ, hộp đựng danh thiếp, kệ đựng sách báo, kệ đựng đĩa nhạc CD. Mỗi tháng cơ sở Trường Ngân xuất xưởng ít nhất là 30 sản phẩm từ cây dừa lão, chào hàng khách nước ngoài thu về một khoản tiền lớn.
Thuyết minh về cây ở quê em - cây tre
Một những loài cây có sự gắn bó lâu đời và mật thiết đời sống, văn hóa của dân tộc Việt Nam phải kể đến là cây tre. Khi nhắc đến cây tre, chúng ta không khỏi tư hào gọi là cây tre Việt Nam như sự thừa nhận, khẳng định cây tre là một phần không thể thiếu được của nước nhà.
Tre thường được thấy ở cổng làng, cổng đình cùng với những hình ảnh như cây đa, giếng nước, sân đình, là một điều không thể thiếu nơi làng quê. Chúng đứng thành bụi, giăng thành hàng, thành lũy. Những lũy tre mọc cao, dày vươn lên như có ý che chắn cả cả một vùng sinh hoạt bên dưới. Dáng tre mọc thẳng, cao, nhìn có vẻ “gầy gò” mà thực chất rất dẻo dai. Rễ tre thuộc loại rễ chùm, gầy guộc và cằn cỗi nhưng bám rất chắc chắn vào đất giúp giữ cây không bị đổ trước những cơn gió dữ. Thân tre tròn, xanh thẫm, nhỏ nhắn nhưng dẻo dai, không dễ gì đổ, gãy. Trên thân có các đốt được phân ra, nhìn kĩ có màu vàng nhạt. Các nhánh tre thường không mọc trên cao mà mọc ngay gần dưới đất, chúng có rất nhiều gai gồ ghề và thường rất nhỏ. Lá dài, thon, nhọn, chỉ bằng nửa lá xoài, nhìn mong manh nhưng không dễ bị úa tàn. Họ nhà tre phải đến cả trăm họ, đông đúc, nào là: Tre Đồng Nai, nứa, mai, vầu Việt Bắc, trúc Lam Sơn, tre ngút ngàn rừng cả Điện Biên,… Dù là họ nào thì từ khi còn là măng tre, đã có dáng mọc thẳng, hiên ngang như vươn lên phía bầu trời không chịu cong bao giờ.
Cấu tạo thì có vẻ đơn giản như vậy nhưng cây tre có rất nhiều công dụng, là một phần rất quan trọng trong đời sống của bà con nông dân. Dân ta xưa kia chưa thể xây nhà gạch, mái ngói, tre trở thành chất liệu lợp mái, lát vách che nắng che mưa cho bao gia đình. Tre còn được tận dụng trong nghề thủ công, đan lát, trở thành những chiếc rổ, chiếc rá xinh xắn, tiện dụng theo các cô, các chị ra chợ, ra đồng. Tre làm cán cuốc, cán cày một nắng hai sương với người nông dân để được những mùa gặt bội thu. Tre gắn bó trở thành những thứ đồ hàng cho tụi trẻ chăn trâu, trở thành cái điếu cày làm bạn tuổi già với các cụ già,… Không chỉ thế, các chị, các mẹ còn trở nên duyên dáng hơn nhiều trong chiếc guốc tre thoải mái. Tre đã trở thành người bạn thân thiết với nông dân ta từ xưa đến nay.
Khi thời bình, tre trở thành những vật dụng thường ngày của người nông dân nhưng vào lúc nước ta gặp nỗi gian truân, tre lại trở thành một vũ khí vô cùng lợi hại của dân ta. Ở đó, “tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín” (Thép Mới). Trong lúc mà dân ta chưa có vũ khí hiện đại, vũ khí sử dụng đều phụ thuộc cả vào thiên nhiên. Tre với tính chất dẻo dai mà cứng rắn đã trở thành một vũ khí vô cùng lợi hại của dân ta. Từ ngày còn bé ta đã được biết đến truyền thuyết về vị anh hùng Thánh Gióng, bẻ tre bên đường, đánh cho quân xâm lược không còn manh giáp. Hay sự kiện lịch sử quan trọng, Ngô Quyền dùng cọc tre và lợi dụng thủy triều đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng vào năm 938, chấm dứt một nghìn năm Bắc thuộc trong lịch sử Việt Nam, mở ra một thời kỳ độc lập tự chủ cho Việt Nam. Đó là minh chứng rất cụ thể cho vai trò to lớn của cây tre trong những trận chiến khốc liệt giành độc lập dân tộc.
Tre cũng mang trong mình những ý nghĩa biểu tượng rất đáng tự hào, tiêu biểu cho những đức tính tốt đẹp của dân tộc. Tre luôn mọc thành lũy, thành hàng chứ không bao giờ mọc một mình, đó là tinh thần đoàn kết, đồng lòng, là một truyền thống quý báu từ bao đời của cha ông. Tre mọc thẳng, mọc cao, không bao giờ mọc nghiêng, cùng sự dẻo dai dễ sống của cây là biểu hiện rõ nhất cho sự kiên cường, bất khuất, giống như những con người Việt Nam dù phải chịu bao nhiêu sương gió, nhọc nhằn hay bị áp bức vẫn không mất đi sự cao quý trong tâm hồn và sự kiên cường trong tính cách. Đó đều là những phẩm chất đáng quý của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam, nên mới nói, nhắc đến cây tre là nhắc đến con người Việt Nam. Bởi vậy, cả dân tộc đều gọi tre là cây tre Việt Nam.
Tre thật đẹp, thật có ích. Tre là biểu tượng không thể phai đổi, không thể mất đi, tre già măng mọc, thế hệ này sẽ tiếp nối nhựa sống của thế hệ kia, sẽ còn mãi đến mai sau. Dù là chiến tranh đã lùi xa, cuộc sống trở nên hiện đại hơn, nhiều loại vật liệu được sinh ra thay thế cho tre nhưng cây tre vẫn mãi giữ một vị trí quan trọng trong tâm hồn người Việt và mãi là tài sản vô giá của cả dân tộc.
Trên mảnh đất Việt Nam của cha ông, tre và người và đã gắn bó, cùng đồng cam cộng khổ, nâng đỡ nhau qua bao năm tháng lịch sử có giá trị to lớn và vĩnh hằng. Hình ảnh cây tre đã trở thành hình ảnh không thể thiếu trong những trang văn hóa bất diệt của dân tộc, là người bạn lớn đáng tôn vinh của cả dân tộc.
Thuyết minh về cây ở quê em - cây vải
Nếu mùa xuân là mùa của trăm hoa đua nở thì mùa hè là mùa của cây trái ngọt lành. Đó là trái bưởi thanh mát, chôm chôm thơm ngon, dưa hấu ngọt thanh và không thể không nhắc đến hương vị đậm đà của vải thiều quê hương. Cây vải không biết tự bao giờ đã trở nên gần gũi và gắn bó với bao người dân Việt Nam.
Cây vải còn có tên gọi khác là cây lệ chi, đây là một một loài thực vật thuộc họ Bồ hòn, có hoa. Năm 1782, được Pierre Sonnerat miêu tả khoa học đầu tiên. Là loại cây ăn quả nổi tiếng ở Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung, cây vải có nguồn gốc từ miền Bắc nước ta. Trên thế giới, vải được trồng nhiều ở khu vực Đông Nam Á, miền nam Nhật Bản hay miền đông Australia. Ở Việt Nam, vải được trồng nhiều ở miền Bắc, đặc biệt ở các tỉnh như Bắc Giang, Hải Dương...
Vải là thực vật thân gỗ, có kích thước trung bình, mỗi cây cao tầm 5-10m. Thân cây vừa, vỏ cây có màu nâu, khá xù xì và thô. Lá vải hình lông chim, mỗi lá dài tầm 15-25 cm và mọc so le nhau, ngoài ra còn có các lá chét ở hai bên. Lá vải khi còn non thì có màu đỏ sáng bóng, sau dần theo thời gian chuyển thành màu xanh đậm, lá khô có màu nâu. Hoa vải rất nhỏ, màu trắng sữa, được mọc thành chùm. Mỗi chùm có thể dài tới 30 cm. Hoa vải có mùi thơm nồng đặc trưng. Quả vải hình cầu, thuộc loại quả hạch, đường kính khoảng tầm 3 xăng-ti-mét. Quả vải gồm vỏ, lớp cùi dày và hạt bên trong, khi nhỏ có màu xanh, lớn lên và chín dần chuyển thành màu đỏ sẫm, khoảng 100 ngày sau khi cây ra hoa thì quả vào độ chín. Hương vị của vải thơm ngon, thanh mát, Lê Quý Đôn từng khen ngợi: "Quả vải vừa ngon, vừa đẹp, cổ nhân đã ngợi khen: mã ngoài như lụa hồng, tơ tía, thịt vải như thủy tinh, như giáng tuyết. Bạch Lạc Thiên, Thái Quân Mô đều đã ngợi khen trong các sách đồ phả, tự ký. Nước Nam nhiều vải nhất, nhất là vải sản xuất ở xã An Nhân, huyện Đường Hào là thật ngon: vừa ngọt, vừa thơm, không thể nói hết được..."
Cây vải có rất nhiều công dụng. Cây vải cho trái ngọt, cũng có thể cho bóng mát, quả vải dùng làm món tráng miệng, ăn trực tiếp. Cũng có thể sử dụng làm bánh kem, làm chè rất ngon và hấp dẫn. Ngoài ra, các sản phẩm như vải sấy khô, ướp lạnh, tẩm gia vị,.. được sản xuất hấp dẫn và thu hút người tiêu dùng. Vải khô dùng để ngâm rượu cũng rất ngon. Vải còn được dùng làm thuốc, cùi vải giúp ích khí, bổ huyết, hạt vải có thể trị các chứng như đau bụng sau sinh hay đau dạ dày, ruột non. Tuy nhiên, vải ăn nhiều rất dễ gây nóng, chướng bụng nhiệt miệng,..vì vậy cần sử dụng phù hợp và dùng khi quả vải đã chín đều. Vải là loài cây mang lại giá trị kinh tế khá cao, nhu cầu vải ngày càng tăng cũng như chất lượng tốt nên hiện nay lượng vải xuất khẩu vải thiều ra các nước khá lớn, nhờ đó mà thu nhập người dân được cải thiện. Vào tháng 3, mặc dù tình hình dịch bệnh phức tạp nhưng các nhà kinh doanh vẫn xuất khẩu được hơn 50 tấn vải thiều sang Nhật Bản, đó là một tín hiệu đáng mừng cho người dân Bắc Giang nói riêng và nghề trồng vải nói chung.
Để có được mùa vải bội thu không phải là điều dễ dàng, trồng vải cũng phải chú ý quy trình chăm sóc để cây đạt chuẩn. Thời điểm thích hợp nhất để trồng vải là vào mùa xuân hoặc vụ thu. Trước khi trồng, người nông dân phải bón lót bằng phân chuồng hoại mục, vôi rồi để phơi ải tầm 15 đến 20 ngày nhằm loại trừ các mầm bệnh. Vào mùa khô, cần cung cấp đủ nước cho cây, đặc biệt là khi trái đang lớn hay khi quả vào độ chín. Hàng năm cây cần được bón thúc khoảng 3 đến 4 đợt, phun thuốc diệt trừ sâu và quét dọn cành lá khô nhằm giảm thiểu thấp nhất sâu bọ hại cây.
Có thể nói, vải là thức quả nổi bật mà thiên nhiên ban tặng cho con người. Dưới bàn tay chăm sóc, vun trồng của người nông dân, vải càng trở nên ngọt lành và đậm đà hơn bao giờ hết. Mong rằng, trong tương lai sẽ có nhiều sản phẩm chất lượng hơn được chế biến từ vỉa để đem thương hiệu Vải Việt Nam ra khắp thế giới.
Thuyết minh về cây ở quê em - cây xoài
Đất nước Việt Nam với khí hậu nóng ẩm là nơi thích hợp cho nhiều loài cây sinh sống, mỗi mùa lại cho ta những thức quả khác nhau. Nếu xuân là hồng xiêm thơm nức, thu là quả ổi dân dã, đông là lê thanh mát thì hạ là những trái xoài lúc lắc trên cây. Xoài vừa là loại trái cây quen thuộc, vừa là hình ảnh gắn liền với tuổi thơ của những đứa trẻ thôn quê.
Người ta không biết xoài có nguồn gốc từ đâu, nhưng nhiều phát hiện chỉ ra xoài có nguồn gốc ở Nam Á và Đông Nam Á, từ đó nó đã được phân bố trên rộng khắp thế giới và trở thành loài cây quen thuộc tại các vùng đất nhiệt đới.
Xoài là cây thân gỗ lớn, khỏe và chắc, một cây trưởng thành có thể cao từ mười đến hai mươi mét. Để có thể giúp cây cao lớn và vững chắc như vậy không thể không kể đến bộ rễ của cây. Rễ cây xoài là rễ cọc có thể dễ dàng ăn sâu xuống dưới đất, hút nước và các chất khoáng để nuôi dưỡng sự sống cho cây. Không chỉ là một loài cây cho trái, xoài, cũng như bàng, phượng hay bằng lăng, được trồng để lấy bóng mát. Tán của xoài rất rộng bởi cành lá xum xuê, nhìn từ xa trông như chiếc dù xanh mát rộng lớn rợp bóng râm cả một khoảng sân, che mát trong những ngày hè nóng nực. Khác với phượng, xoài là cây lá đơn với những phiến lá thuôn dài, bề mặt nhẵn và có mùi thơm riêng biệt độc đáo. Khi còn non, lá xoài có màu tím pha đỏ; khi lá đã trưởng thành thì có màu xanh nhạt; còn lúc đã về ”xế chiều” thì lá lại mang sắc xanh đậm đà.
Xoài cho bóng mát, cho lá, cho cành còn cho cả hoa. Hoa xoài nhỏ xíu như ngôi sao trên bầu trời rộng lớn nhưng không đứng riêng lẻ mà mọc thành chùm ở ngọn cành, mỗi chùm hoa dài tầm ba mươi centimet, cứ mỗi chùm như thế là xoài đơm nở cho ta hai trăm đến bốn trăm bông hoa. Cũng như nhiều loài cây cho trái khác, có hoa xoài rồi mới có quả. Khi hoa già, rụng xuống đất cũng là lúc xoài kết trái. Trái xoài thon ở hai đầu và phình to hơn ở giữa. Khi mới còn là trái non thì xoài có màu xanh đậm, nhưng khi đã chín và có thể thu hoạch thì thường mang sắc vàng hoặc xanh pha vàng. Chính màu vàng ươm như màu nắng hạ này khiến cho trái xoài trở thành loại hoa quả được ưa chuộng mỗi khi hè về, với vị chua và ngọt rất hài hòa, không ngọt sắc như mía hay chua gắt như quất, như chanh. Vẻ ngoài đẹp mắt cùng vị thơm ngon hài hòa, kết hợp với mùi hương dịu nhẹ nhưng đầy hấp dẫn, đã khiến cho loại trái cây này như một đặc sản không thể thiếu mỗi khi hè về.
Xoài có thể được chia ra thành nhiều loại như xoài Cát, xoài Tượng, xoài Thái,… với nhiều hương vị khác nhau phù hợp với sở thích và gu ăn uống của từng người.
Được trồng phổ biến không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia khác, xoài là một loài cây có nhiều giá trị sử dụng. Tán rộng nên được trồng để lấy bóng mát. Nhưng chiều hè nắng chói, được ngồi dưới gốc xoài, nhìn nhưng quả xoài mới nảy lúc lắc trên cây khi gió thổi qua cũng là thú vui của nhiều người muốn yên tĩnh sau những giờ làm việc căng thẳng. Những ai đã đi qua thời học sinh la cà quán ăn vặt cổng trường hẳn cũng không thể nào quên hương vị của những túi xoài muối ớt, ăn vừa cay vừa chua mà vẫn rất nghiền. Xoài cũng được trồng như một loại cây xanh đô thị bởi không cần phải quan tâm nhiều đến việc chăm bón. Nhưng giá trị nhất ở xoài là lấy trái, ăn rất ngọn và bổ. Bởi vậy mà không chỉ được yêu thích trong nước mà xoài còn là loại trái cây được xuất khẩu, đóng góp một phần không nhỏ cho nguồn thu ngoại tệ của đất nước. Người dân không chỉ ăn xoài khi đã chín mà còn lấy xoài xanh để ăn sống, nhai rồn rột và có vị chua không quá gắt, chấm với mắm đường ăn rất ngon và có hương vị độc đáo. Chưa có loại quả nào được ăn với loại nước chấm như vậy cả. Bên cạnh đó, với thân to và chắc, gỗ xoài cũng được dùng làm bàn ghế, tủ giường,…
"Một vườn xoài rung rinh lá sáng
Một vườn xoài chạy dài thăm thẳm
Một vườn xoài rợp mát tuổi thơ ngây
Một vườn xoài xanh biếc dưới mây bay"
Đó là những câu thơ Lưu Quang Vũ viết trong “Mùa xoài chín”. Xoài từ lâu đã trở thành loài cây quen thuộc với người dân Việt Nam, là dấu hiệu mỗi khi hè về và cành lá rung rinh trong gió cũng gọi về cả một miền kí ức tuổi thơ tươi đẹp
Thuyết minh về cây ở quê em - cây cao su
Từ xa xưa, thiên nhiên đã gắn bó mật thiết với người dân Việt Nam trong cuộc sống cũng như trong lao động. Thiên nhiên đã ban phát cho chúng ta những loại cây mang lại lợi ích to lớn, trong đó có cây cao su- loại cây mang lại lợi nhuận cao.
Cây cao su là một trong những loại cây quen thuộc, chúng xuất hiện và mọc thành rừng ở khu vực rừng mưa Amazon. Chính vì vậy, nó có những đặc điểm riêng biệt để thích nghi với môi trường.
Cây cao su là cây thân gỗ thuộc họ Đại kích, cao thẳng, chiều cao của nó trung bình từ 15 mét đến 30 mét, đường kính thân cây khoảng 50 cm. Cây có rễ cọc cắm sâu vào lòng đất và có nhiều dễ nhánh để hút chất dinh dưỡng. Lá cây cao su là lá kép có màu xanh đậm, mỗi năm lá rụng một lần. Có hoa nhưng không mọc thành chùm mà là hoa đơn và thụ phấn chéo. Quả cao su hình bầu dục hoặc hình cầu, màu xanh, một quả chứa rất nhiều dầu có thể dùng để pha sơn trong kỹ nghệ. Cây cao su thường sống và phát triển tốt ở các vùng khí hậu nhiệt đới ẩm, nhiệt độ thấp và mưa nhiều, nhưng khi úng nước và có gió , cây dễ dàng chết hoặc bị gãy đổ. Ngoài ra cây cao su là một loaị cây khá độc có thể là ô nhiễm nguồn nước ở khu vực xung quanh và sức khỏe của những người trồng cao su cũng bị ảnh hưởng.
Cây cao su được trồng ở những cánh rừng ít gió. Thường cây cao su được 4 đến 5 năm tuổi , người ta bắt đầu thu hoạch mủ cao su. Thời gian thu hoạch chỉ trong 9 tháng, trong 3 tháng còn lại không được thu hoạch vì đây là thời gian cây đang rụng lá, nếu thu hoạch sẽ làm cây chết. Người ta thu hoạch mủ hay còn gọi là những cao su bằng cách rạch các đường trên thân cây cao su. Các vết rạch vuông góc với mạch nhựa, rạch từ trái sang phải, độ sâu phù hợp để nhựa chảy vào xô sao cho không cạo phải tầng sinh gỗ làm vỏ cây không thể tái tạo và gây tổn hải cho sự phát triển của cây. Thời gian để thu nhựa mủ vào trước 7 giờ sáng là thích hợp nhất. Thèo người công nhân trên những đồi cao su thì những cây càng già càng cho ra nhiều nhựa và chất lượng nhựa cũng rất tốt.
Cây cao su là một trong loại cây công nghiệp lâu năm rất quen thuộc và phổ biến ở Việt Nam, nhất là các khu vực như Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, trung tâm phía Bắc, duyên hải miền Trung… Người ta trồng cao su nhằm mục đích lấy nhựa mủ dùng để sản xuất cao su tự nhiên, lốp cao su,..Bên cạnh đó , gỗ cao su cũng được sử dụng trong mỹ nghệ vì gỗ của nó có màu sắc đẹp, độ co ít, nó được đánh giá là loại gỗ thân thiện với môi trường vì người ta chỉ thu thập gỗ cao su sau khi hết thời kì lấy nhựa mủ. Lượng dầu trong quả cao su có thể làm nguyên liệu để chiết xuất ra sơn trong mỹ nghệ. Cây cao su được công nhận là cây công nghiệp thu lại lợi nhuận kinh tế rất cao, cải thiện nâng cao đời sống con người, phát triển kinh tế quốc dân, bảo đảm an ninh quốc phòng….
Như vậy, cây cao su là một trong những cây quan trọng trong lao động sản xuất và phát triển kinh tế của Việt Nam. Chúng ta cần chung tay bảo vệ những rừng cao su xanh tươi.
Xem thêm các bài văn mẫu lớp 9 được xem nhiều nhất chọn lọc hay khác:
[Năm 2021] Thuyết minh Một loài động vật hay vật nuôi ở quê em xem nhiều nhất
[Năm 2021] Thuyết minh Một nét đặc sắc trong di tích, thắng cảnh ở quê em xem nhiều nhất
[Năm 2021] Tưởng tượng 20 năm sau em về thăm trường cũ, hãy viết thư cho xem nhiều nhất
[Năm 2021] Kể lại giấc mơ, trong đó em được gặp lại người thân đã xa cách lâu ngày xem nhiều nhất
[Năm 2021] Kể lại một trận chiến đấu ác liệt mà em đã đọc, đã nghe kể xem nhiều nhất
- Giải Tiếng Anh 9 Global Success
- Giải sgk Tiếng Anh 9 Smart World
- Giải sgk Tiếng Anh 9 Friends plus
- Lớp 9 Kết nối tri thức
- Soạn văn 9 (hay nhất) - KNTT
- Soạn văn 9 (ngắn nhất) - KNTT
- Giải sgk Toán 9 - KNTT
- Giải sgk Khoa học tự nhiên 9 - KNTT
- Giải sgk Lịch Sử 9 - KNTT
- Giải sgk Địa Lí 9 - KNTT
- Giải sgk Giáo dục công dân 9 - KNTT
- Giải sgk Tin học 9 - KNTT
- Giải sgk Công nghệ 9 - KNTT
- Giải sgk Hoạt động trải nghiệm 9 - KNTT
- Giải sgk Âm nhạc 9 - KNTT
- Giải sgk Mĩ thuật 9 - KNTT
- Lớp 9 Chân trời sáng tạo
- Soạn văn 9 (hay nhất) - CTST
- Soạn văn 9 (ngắn nhất) - CTST
- Giải sgk Toán 9 - CTST
- Giải sgk Khoa học tự nhiên 9 - CTST
- Giải sgk Lịch Sử 9 - CTST
- Giải sgk Địa Lí 9 - CTST
- Giải sgk Giáo dục công dân 9 - CTST
- Giải sgk Tin học 9 - CTST
- Giải sgk Công nghệ 9 - CTST
- Giải sgk Hoạt động trải nghiệm 9 - CTST
- Giải sgk Âm nhạc 9 - CTST
- Giải sgk Mĩ thuật 9 - CTST
- Lớp 9 Cánh diều
- Soạn văn 9 Cánh diều (hay nhất)
- Soạn văn 9 Cánh diều (ngắn nhất)
- Giải sgk Toán 9 - Cánh diều
- Giải sgk Khoa học tự nhiên 9 - Cánh diều
- Giải sgk Lịch Sử 9 - Cánh diều
- Giải sgk Địa Lí 9 - Cánh diều
- Giải sgk Giáo dục công dân 9 - Cánh diều
- Giải sgk Tin học 9 - Cánh diều
- Giải sgk Công nghệ 9 - Cánh diều
- Giải sgk Hoạt động trải nghiệm 9 - Cánh diều
- Giải sgk Âm nhạc 9 - Cánh diều
- Giải sgk Mĩ thuật 9 - Cánh diều