Top 20 Viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một bài thơ lớp 5 (điểm cao)

Viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một bài thơ lớp 5 hay nhất, ngắn gọn với dàn ý chi tiết giúp học sinh có thêm tài liệu tham khảo để viết văn hay hơn.

Viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một bài thơ - mẫu 1

Bài thơ “Con là…” của Y Phương đã giúp người đọc cảm nhận được tình cảm sâu sắc của người cha dành cho đứa con của mình. Tác giả đã sử dụng biện pháp tu từ điệp ngữ “Con là” để nhấn mạnh vai trò của con đối với cha trong cuộc sống. Khi con là “nỗi buồn”, dù có to lớn bằng “trời” thì nhờ có con thì mọi nỗi buồn cũng sẽ được lấp đầy. Khi con là niềm vui, dù chỉ nhỏ bé như “hạt vừng” thì niềm vui ấy lúc nào cũng hiện hữu trong ngôi nhà ấm áp. Đó là những niềm vui bất tận và vĩnh cửu của cha. Đặc biệt nhất, con chính là “sợi dây hạnh phúc” gắn kết cha và mẹ. Trong cuộc sống có nhiều sóng gió, nhưng nhờ có con mà cha và mẹ sẽ luôn ở bên nhau, cùng nhau bảo vệ và che chở con. Có thể thấy rằng, đối với người cha, con là những điều vừa to lớn, vừa nhỏ bé nhưng lại có ý nghĩa thật lớn lao. Với giọng thơ chân thành và tha thiết, chúng ta phần nào hiểu rõ hơn, cảm nhận sâu sắc hơn những tình cảm của người cha dành cho con. Lời nhắn nhủ yêu thương cũng chính là bài học đầu đời để con khắc ghi, trân trọng tình cảm gia đình.

Dàn ý Viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một bài thơ

a. Mở đầu:

- Tên bài thơ, tên tác giả: Bài thơ “Dừa ơi” của nhà thơ Lê Anh Xuân.

- Ấn tượng về bài thơ: Để lại trong em những cảm xúc sâu sắc về tinh thần chiến đấu, ý chí tự cường của nhân dân miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

b. Triển khai:

- Nêu những cái hay, cái đẹp của bài thơ:

+ Hình ảnh thơ:

· Hình ảnh cây dừa được lập lại nhiều lần.

· Cây dừa kiên cường, anh dũng, đó là phẩm cách của người dân nơi đây.

=> Tác giả thể hiện tình cảm với quê hương đất nước thông qua hình ảnh biểu tượng cây dừa.

+ Ngôn ngữ thơ: Trữ tình, nhẹ nhàng đi sâu vào tâm khảm của người đọc.

- Tình cảm, cảm xúc đối với bài thơ:

+ Là một bài thơ hay, chạm đến trái tim người đọc.

+ Được hòa mình vào thế giới cảm xúc của ông, tự hào về thế hệ đi trước quá đỗi anh hùng.

c. Kết thúc:

- Nhấn mạnh tình cảm, cảm xúc của em:

+ Mang đến cho em những phút giây lắng đọng về một thời xa xưa.

+ Nhắc nhở chúng ta hãy luôn biết ơn những người đã cho chúng ta cuộc sống hoà bình như hôm nay.

Viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một bài thơ - mẫu 2

Tôi đã thực sự xúc động khi đọc bài thơ "Ngưỡng cửa". Lời thơ giản dị nhưng thật sâu sắc. Nhà thơ Vũ Quần Phương đã giúp tôi hiểu ý nghĩa của tình cảm gia đình. Bước qua ngưỡng cửa là được về với nơi đầy ắp tình yêu thương của người thân. Hình ảnh ngưỡng cửa đã tượng trưng cho căn nhà gần gũi, thân thiết với mỗi người qua bao tháng năm. Ấm áp và bình yên biết mấy!

Viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một bài thơ - mẫu 3

“Mây và sóng” là một trong những tác phẩm tiêu biểu của nhà thơ Ta-go. Bài thơ đã gợi ra cho người đọc cảm nhận sâu sắc về tình mẫu tử thiêng liêng. Em bé trong bài thơ được mời gọi đến thế giới kỳ diệu ở “trên mây” và “trong sóng”. Với sự hiếu kỳ của một đứa trẻ, em đã cất tiếng hỏi: “Nhưng làm thế nào mình lên đó được?”, “Nhưng làm thế nào mình ra ngoài đó được?”. Nhưng khi em bé nhớ đến mẹ vẫn luôn chờ đợi mình ở nhà, em đã từng chối đầy kiên quyết: “Làm sao có thể rời mẹ mà đến được?”, “Làm sao có thể rời mẹ mà đi được?”. Chẳng có niềm hạnh phúc nào bằng được ở bên cạnh mẹ mặc dù thế giới ngoài kia nhiều hấp dẫn. Để rồi, em bé đã sáng tạo ra những trò chơi còn thú vị hơn của những người “trên mây” và “trong sóng”. Trong trò chơi đó, em sẽ là mây, là sóng tinh nghịch nô đùa; còn mẹ sẽ là vầng trăng, là bờ biển dịu hiền, ôm ấp và che chở con. Những câu thơ giàu tính tự sự và miêu tả nhưng lại góp phần bộc lộ cảm xúc của nhân vật trong bài thơ. Ta-go đã sử dụng trong bài thơ những lời thoại, chi tiết được kể tuần tự, vừa lặp lại vừa biến hóa kết hợp với hình ảnh giàu tính biểu tượng. Bài thơ chính là một câu chuyện cảm động về tình mẫu tử thiêng liêng, bất diệt.

Viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một bài thơ - mẫu 4

“Những cánh buồm” là bài thơ mà tôi cảm thấy yêu thích nhất. Trong những câu thơ mở đầu, Hoàng Trung Thông đã khắc họa một không gian khoáng đãng của biển cả, với ánh mắt trời rực rỡ. Hình ảnh người cha và đứa con bước đi trên cát cho thấy sự gắn bó, gần gũi. Cha bỗng trở nên già dặn hơn, tuổi đời như trải dài trong chiếc bóng dài lênh khênh. Còn đứa con thì lại trở nên thật bé bỏng, đáng yêu trong chiếc bóng tròn chắc nịch. Hình ảnh đối lập của bóng cha và bóng con thật ngộ nghĩnh, dễ thương càng khắc sâu thêm sự khác biệt của hai thế hệ cha - con. Khi nhìn về phía chân trời, đứa trẻ đã hỏi cha răng ở đó có những gì. Câu trả lời của người cha đã khơi gợi trí tò mò của đứa trẻ về một thế giới mà ngay cả người lớn như cha của mình vẫn chưa hề đi đến. Điều đó làm con khao khát được khám phá, vì vậy mà con đã mong muốn cha mượn một cánh buồm “trắng” để con đi. Người con muốn đi khắp nơi, muốn chinh phục thế giới rộng lớn ngoài kia. Và cha đã bắt gặp chính mình trong ước muốn của con. Vậy là, giờ đây, ước mơ chưa thể thực hiện của cha sẽ được gửi gắm nơi con. Bài thơ “Những cánh buồm” được đánh giá là một trong những tác phẩm hay về ngôn từ, âm hưởng và có sức gợi cảm.

Viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một bài thơ - mẫu 5

Bài thơ “Chuyện cổ nước mình” của Lâm Thị Mỹ Dạ đưa người đọc bước vào thế giới của những câu chuyện cổ. Từ đó, mỗi người sẽ thêm yêu mến hơn kho tàng văn học quý giá của nước mình. Những câu chuyện đó đem đến những giá trị nhân văn cao đẹp. Đó là tinh thần tương thân tương ái, tình nghĩa thủy chung son sắc và ở hiền gặp lành. Tất cả chính là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam từ ngàn đời để thế hệ sau giữ gìn và học tập theo. Từ đó, nhà thơ khẳng định “chuyện cổ” đã trở thành hành trang quan trọng trong cuộc sống. Và những câu chuyện cổ gửi gắm bài học nhân văn sâu sắc chắc chắn sẽ còn mãi với thời gian. Chuyện cổ nước mình giúp người đọc nhận ra những bài học ý nghĩa. Với lời thơ giản dị, giọng điệu sâu lắng - bài thơ quả là một tác phẩm ý nghĩa.

Viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một bài thơ - mẫu 6

Tôi rất thích bài thơ Đánh thức trầu của Trần Đăng Khoa. Tác phẩm bao gồm lời hát của bà và lời hát của cháu. Mở đầu lời của bà là câu “Mày làm chúa tao/Tao làm chúa mày” như lời nhắc nhở rằng con người cần biết tôn trọng tự nhiên, không nên coi mình là chúa tể có thể thống trị, điều khiển thiên nhiên. Câu thơ tiếp “Tao không hái ngày/ Thì tao hái đêm” nhắc đến một quan niệm trong dân gian. Khi muốn hái trầu vào ban đêm, phải gọi cho trầu tỉnh ngủ rồi mới xin “hái vài lá”. Quan niệm trên tuy chưa có căn cứ về tính xác thực nhưng tôi đã cảm nhận được sự trân trọng, nâng niu của con người trong cách đối xử với cây cối. Tiếp đến là những câu hát của cháu, với cách xưng hô “mày - tao” tạo cảm giác gần gũi thân thiết giữa con người và cây trầu. Những lời hỏi han, động viên trầu “Đã ngủ rồi hả trầu?, “Trầu ơi, hãy tỉnh lại/Mở mắt xanh ra nào”, “Đừng lụi đi trầu ơi”. Lời thơ gợi ra tình cảm yêu mến, gắn bó và coi trọng như một người bạn. Đánh thức trầu là bài thơ tuy đơn giản nhưng sâu sắc, ý nghĩa.

Viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một bài thơ - mẫu 7

Việt Nam đất nước ta ơi

Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn

Cánh cò bay lả rập rờn

Mây mờ che đỉnh Trường Sơn sớm chiều

Vẻ đẹp của Việt Nam qua bài thơ thật sự làm cho em xúc động, mê mẩn bởi vẻ đẹp của Việt Nam, đất trời Việt Nam dâng lên ngập lòng. Nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã rất yêu quê hương Việt Nam, rất mặn mà với cuộc sống cấy cày, đồng ruộng, những ngọn núi ngọn đồi trải khắp Việt Nam. Không cảnh gì đẹp bằng những cánh đồng lúa rộng mênh mông xa tít tới đường chân trời, hương lúa thơm đưa khắp một miền quê; những cánh cò bay vỗ cánh chao liệng trên những cánh đồng, những khoảng trời trong xanh; quanh những ngọn núi Trường Sơn, mây mờ giăng phủ lấy cả lúc bình minh sương sớm, cả lúc hoàng hôn chiều tà. Cảnh đẹp Việt Nam ta đẹp và bình yên đến vậy, yêu và thương biết bao quê hương Việt Nam ta!   

Viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một bài thơ - mẫu 8

Bài thơ “Hoa bìm” của Nguyễn Đức Mậu đã gợi cho tôi cảm nhận về vẻ đẹp của làng quê Việt Nam. Tác giả đã nhắc đến một hình ảnh vô cùng quen thuộc nơi làng quê Việt Nam - giậu hoa bìm. Đây là loài hoa gợi nhắc cho tác giả những kỉ niệm về tuổi thơ. Hình ảnh chú chuồn chuồn ớt lơ ngơ đậu hờ trên nhành gai ươm hồng cả một trời tuổi thơ của trẻ em. Mảnh vườn đầy nắng với cây hồng trĩu quả ngọt ngào ru êm cho buổi trưa mùa hè yên ả. Cánh diều tuổi thơ vẫn bay lượn trên bầu trời. Cả bến nước, con thuyền và những con côn trùng cất bản đồng ca cho tuổi thơ thêm thi vị. Đến hai câu thơ cuối, tác giả đã bộc lộ cảm xúc qua câu hỏi tu từ “Mười năm chốn cũ, em chưa hẹn về…?”. Hỏi đấy mà dường như không có câu trả lời, gợi lên nỗi lòng chất chứa. Câu thơ phảng phất nỗi lòng thương nhớ người bạn thơ ấu, và quê hương của nhà thơ. Đọc bài thơ, chúng ta cảm nhận được vẻ đẹp thật bình dị của làng quê Việt Nam, cũng như nỗi lòng yêu mến quê hương và trân quý những kỉ niệm bình yên của mình.

Viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một bài thơ - mẫu 9

Bài thơ để lại cho em nhiều ấn tượng nhất là bài thơ “Đêm nay Bác không ngủ” của nhà thơ Minh Huệ. Bài thơ là lời của một anh đội viên trong đêm hành quân mưa gió. Khi tất cả mọi người đều say giấc nồng sau một ngày hành quân vất vả, anh đội viên phát hiện Bác Hồ vẫn ngồi trầm ngâm bên bếp lửa. Trong ba lần tỉnh giấc giữa đêm, anh đội viên phát hiện thêm nhiều khía cạnh khác ở Bác mà trước đây anh chưa nhận ra. Anh nhìn thấy ở Bác, hình dáng một người cha già hiền từ, giàu lòng nhân ái đang đi nhém chăn cho những đứa con của mình. Anh nhìn thấy nỗi lòng vì nước vì dân, lắng lo trằn trọc mãi không ngủ được ở bên trong Bác. Bởi vậy mà lúc đầu, anh còn khuyên Bác nên đi ngủ. Nhưng sau khi thấu hiểu những trăn trở của Bác, thì anh quyết định xin được thức cùng với Bác, để được đồng hành và chia sẻ những nỗi lo toan ấy. Có thể nói, bài thơ “Đêm nay Bác không ngủ” đã giúp người đọc đến gần hơn, thấu hiểu hơn sự vĩ đại và tình yêu thương to lớn của Bác Hồ dành cho nhân dân, đất nước.

Viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một bài thơ - mẫu 10

Bài thơ “Lượm” của nhà thơ Tố Hữu là một thơ để lại cho em nhiều cảm xúc và suy nghĩ. Bài thơ kể về một cậu bé giao liên tên là Lượm. Tuy còn nhỏ tuổi nhưng em đã thực hiện các nhiệm vụ nguy hiểm, cam go. Bất chấp mưa bom, bão đạn, Lượm vẫn xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ của mình. Hình ảnh cậu bé có đôi má bồ quân ửng hồng, có đôi mắt đen láy sáng ngời, đội chiếc mũ ca lô lệch vừa đi vừa nhảy chân sáo thật đẹp biết bao. Cậu bé ấy có sự dũng cảm, dạn dĩ, can trường của một chiến sĩ, nhưng cũng giữ nguyên những ngây thơ, trong sáng của một cậu bé. Ấy vậy mà một thiên thần như thế đã phải hi sinh dưới nòng súng của kẻ thù. Sự ra đi của Lượm khiến em bất ngờ, nghẹn lại trong lồng ngực. Xót xa quá, tiếc thương quá. Chẳng từ ngữ nào có thể diễn tả trọn vẹn nỗi đau của em lúc đọc đến khổ thơ đó. Lượm ra đi nhưng không phải là biến mất khỏi thế gian này. Cậu bé ấy vẫn sống, sống trong hình hài non sông, sống trong lòng triệu triệu người dân Việt. Em thương tiếc trước sự ra đi đột ngột của Lượm bao nhiêu. Thì lại càng yên mến và kính trọng, tự hào trước sự dũng cảm, hi sinh quên mình vì tổ quốc của Lượm bấy nhiêu. Những vẫn thơ Lượm của nhà thơ Tố Hữu đã đánh thức trong em những cung bậc cảm xúc tha thiết, quý mến ấy với cậu bé anh hùng nhỏ tuổi.

Viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một bài thơ - mẫu 11

“Mưa” là một bài thơ rất thú vị mà em vừa được đọc gần đây. Nhà thơ Trần Đăng Khoa đã nhân hóa tất cả những sự vật có trong bài thơ, tạo nên rất nhiều những hình ảnh sinh động và hấp dẫn. Đặc biệt, bài thơ còn sử dụng thể thơ tự do với các câu thơ dài ngắn khác nhau, gợi lên nhịp điệu của những giọt mưa rả rích. Trong bài thơ, một cơn mưa rào ập đến bật chợt. Dưới đôi mắt của trẻ thơ, ông trời như mặc áo giáp đen, sấm thì ghé xuống sân nhà cười khanh khách. Những cây mía ngả nghiêng trong gió được nhân hóa như đang múa lưỡi gươm dài. Cây bưởi thì khệ nệ bồng bế những đứa con đầu tròn trộc lốc. Bụi tre thì tần ngần gỡ tóc cho kịp tắm trong làn mưa mát rượi. Những sự vật tưởng là bình thường nay bỗng hóa thú vị và hấp dẫn hơn trong bài thơ.

Viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một bài thơ - mẫu 12

“Chuyện cổ tích về loài người” là một bài thơ rất hay và ý nghĩa của nữ thi sĩ Xuân Quỳnh. Là một bài thơ dành cho thiếu nhi, tác giả không sử dụng nhiều các từ ngữ hoa mĩ hay những biện pháp tu từ bóng bẩy. Từng hình ảnh trong bài thơ đều rất mộc mạc, giản dị và sáng trong. Đọc bài thơ, em như được nghe bà kể chuyện từ ngày xửa ngày xưa. Rằng thuở ấy trái đất mới hình thành, chẳng có gì cả, chỉ đặc một màu tối tăm. Sau đó, trẻ em đã đến với trái đất. Rồi mới xuất hiện những ánh sáng, cỏ cây, dòng sông, bố mẹ, ông bà, thầy cô, mái trường. Tất cả đều xuất hiện bởi trẻ em “cần”. Từ đó, bài thơ không chỉ là một cách lí giải dí dỏm và thú vị về nguồn gốc của con người. Mà hơn hết, bài thơ còn là nơi thi sĩ Xuân Quỳnh gửi gắm những yêu thương dành cho các bạn nhỏ. Bà mong rằng, cũng như trong bài thơ, tất cả mọi người hãy quan tâm, yêu thương các bạn nhỏ thật nhiều. Vì các bạn ấy chính là tương lai của chúng ta. Với giai điệu thơ nhẹ nhàng như đang kể chuyện, cùng hình ảnh thơ trong sáng, “Chuyện cổ tích về loài người” đã đem đến cho em những cung bậc cảm xúc thật tuyệt vời.

Viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một bài thơ - mẫu 13

“Bài thơ Quả ngọt cuối mùa” là bài thơ mà em học từ hồi lớp 4, nhưng đến nay vẫn còn nhớ như in. Tác giả Võ Thanh An đã khắc họa hình dáng của một người bà hiền từ, yêu thương con cháu. Tuổi đã cao nhưng vì thương con, yêu cháu mà bà tần tảo sớm hôm chăm sóc cho vườn cây ăn quả. Khi đã có trái chín, bà lại lắng lo, bảo vệ quả khỏi sương giá, khỏi chim ăn. Dáng vẻ của người bà với mái tóc phù sương, phải chống gậy ra vào kiểm tra chùm quả khiến em rơm rớm nước mắt vì quá xúc động. Không chỉ người bà trong bài thơ, mà người bà của em, của rất nhiều những người khác cũng vậy. Lúc nào bà cũng yêu thương con cháu, có gì ngon cũng để dành cho con cháu. Sự hi sinh cao cả, tình yêu thương bao la ấy của bà đã chạm đến trái tim của em, khiến em luôn nhớ mãi những vần thơ ấy về bà.

Viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một bài thơ - mẫu 14

Bài thơ mà em đặc biệt yêu thích là bài thơ “Quạt cho bà ngủ” của tác giả Thanh Quỳ. Bài thơ là lời của bạn nhỏ ngoan ngoãn với nhưng sự vật xung quanh mình. Bạn nhỏ ấy đã ngồi quạt mát cho bà yêu dấu nằm nghỉ. Hình ảnh đôi bàn tay bé nhỏ cầm chiếc quạt nan phe phẩy vừa mộc mạc, lại đáng yêu. Cùng với bạn nhỏ, mọi sự vật trong ngồi nhà đều nằm im, cùng bạn nhỏ giữ sự yên tĩnh cho giấc ngủ của bà. Những vần thơ ấy đã khắc họa được sự hiếu thảo của bạn nhỏ dành cho người bà của mình. Đọc bài thơ, em bỗng nhớ về người bà yêu quý của mình. Lần tới, khi về thăm bà, em cũng sẽ giống như bạn nhỏ, ngồi quạt cho bà ngủ ngon.

Viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một bài thơ - mẫu 15

Bài thơ “À ơi tay mẹ” của nhà thơ Bình Nguyên để lại cho em những ấn tượng sâu sắc về tình mẫu tử thiêng liêng, cao đẹp. Trong bài thơ, tác giả đã mượn hình ảnh “bàn tay mẹ” để nói về điều kì diệu, lớn lao, đó là tình yêu thương bao la, vô bờ mẹ dành cho con. Đôi bàn tay ấy nhỏ bé là vậy lại có sức mạnh kì diệu che chở, chắn gió mưa, bão táp, giúp con vượt qua những giông tố cuộc đời. Kể từ khi lọt lòng, con đã được nằm trong vòng tay âu yếm của mẹ, đi vào giấc ngủ say trong những lời ru ngọt ngào. Mẹ gọi con bằng những cái tên thật trìu mến, thân thương làm sao. Đó là “cái trăng vàng”, “cái trăng tròn”, “cái Mặt trời bé con” của mẹ. Lại một lần nữa, nhà thơ sử dụng những câu từ giản gị, nhưng chứa đựng tình cảm ấm áp vô cùng để khắc họa rõ nét những hi sinh cao cả của mẹ: “Bàn tay mang phép nhiệm mầu/ Chắt chiu từ những dãi dầu đấy thôi”. Con bé bỏng là thế đó nhưng lại đem đến động lực to lớn, để mẹ chẳng sợ dãi dầu mưa nắng, cổ vũ cho mẹ mạnh mẽ  chiến đấu với những khó khăn, gian nan để con được ăn no, ngủ ngon. Tình yêu ấy hóa thành những câu thơ lục bát đầy sâu lắng và thân thương. Đọc bài thơ em càng thấy thương và biết ơn mẹ thật nhiều.

Viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một bài thơ - mẫu 16

Bài thơ “Tuổi Ngựa” của Xuân Quỳnh là một bức tranh sinh động về tuổi thơ hồn nhiên, tươi sáng và khát vọng khám phá thế giới rộng lớn của một đứa trẻ. Qua hình ảnh chú ngựa con, tác giả đã thể hiện niềm tự hào về tuổi thơ của mình và gửi gắm thông điệp về tình yêu thương mẹ tha thiết. Hình ảnh chú ngựa con tượng trưng cho tuổi thơ đầy sức sống, hăng hái, không ngừng khám phá thế giới xung quanh. Khát vọng này thể hiện sự tò mò, ham học hỏi và mong muốn được trải nghiệm những điều mới mẻ của tuổi thơ. Thế nhưng, dù đi đến đâu, ngựa con vẫn luôn nhớ về mẹ. Bài thơ “Tuổi Ngựa” đã khơi gợi trong lòng người đọc những cảm xúc đẹp đẽ về tuổi thơ và tình cảm gia đình. Tuổi thơ là khoảng thời gian quý giá mà mỗi người cần trân trọng. Dù đi đâu, về đâu, ta cũng luôn hướng về gia đình, quê hương và nhớ về những kỉ niệm đẹp đẽ của tuổi thơ.

Viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một bài thơ - mẫu 17

“Tiếng hạt nảy mầm” của nhà thơ Tô Hà là một bài thơ vô cùng ý nghĩa, khơi gợi trong lòng người đọc những cảm xúc thiêng liêng về sự sống và lòng yêu thương trẻ thơ. Bài thơ vẽ nên một bức tranh sinh động về giờ học đầy lí thú của các em học sinh khiếm thính, đồng thời thể hiện tình cảm yêu mến, trân trọng của tác giả đối với những em bé đặc biệt này. Bài thơ mở đầu bằng hình ảnh các em học sinh “mắt sáng, nhìn lên bảng”, “lớp mươi nụ môi hồng” cùng với "”ôi tay cô cụp mở” tạo nên một bầu không khí học tập sôi nổi, háo hức. Hình ảnh “bảo tưng bừng thanh âm” như khơi gợi sự tò mò, thích thú của các em khi được khám phá thế giới âm thanh đầy màu sắc. Tiếng chim sẻ “vút qua song”, “hót nắng vàng ánh ỏi”, tiếng lá “động trong vườn”, tiếng “sớm mai mẹ gọi”, tiếng “cuộc đời sâu vợi”,… tất cả những âm thanh ấy được cô giáo truyền tải một cách sinh động, giúp các em học sinh hình dung và cảm nhận được thế giới xung quanh. Bài thơ “Tiếng hạt nảy mầm” không chỉ là một bài ca về thế giới âm thanh diệu kì mà còn là bài ca về lòng yêu thương trẻ thơ và hi vọng vào tương lai tươi sáng của các em học sinh khiếm thính.

Viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một bài thơ - mẫu 18

Bài thơ “Sang thu” của Hữu Thỉnh là một bức tranh thiên nhiên mùa thu tinh tế và đầy gợi cảm, đồng thời cũng là biểu hiện cho những suy tư, cảm xúc tinh tế của nhà thơ trước sự đổi thay của đất trời và cuộc sống. Bài thơ đã khơi gợi trong tôi nhiều cảm xúc, suy nghĩ sâu lắng và ấn tượng. Hình ảnh đám mây như đang lơ lửng, nửa còn mùa hạ, nửa đã sang thu, tạo nên một cảm giác mơ hồ, bảng lảng, báo hiệu sự giao mùa tinh tế. Hay hình ảnh cánh chim bay vội vã báo hiệu sự thay đổi của mùa thu, gợi lên cảm giác bâng khuâng, xao xuyến trong lòng người. “Sang thu” là một bài thơ ngắn gọn nhưng chứa đựng nhiều hình ảnh thơ đẹp, giàu sức gợi cảm. Bài thơ đã khơi gợi trong em nhiều cảm xúc, suy nghĩ sâu lắng về mùa thu và cuộc sống.

Xem thêm các bài viết Tập làm văn lớp 5 hay khác:

Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 5 hay khác:


Giải bài tập lớp 5 Kết nối tri thức khác