Bài 17: Thư gửi các học sinh - Tiếng Việt lớp 5 Kết nối tri thức
Lời giải Tiếng Việt lớp 5 Bài 17: Thư gửi các học sinh sách Kết nối tri thức giúp học sinh dễ dàng làm bài tập Tiếng Việt lớp 5 Bài 17.
Đọc: Thư gửi các học sinh
Nội dung chính Thư gửi các học sinh:
Tình yêu thương và sự quan tâm, kì vọng của Bác Hồ vào các em học sinh là vô cùng lớn. Giáo dục là mấu chốt quyết định sự phát triển, đi lên của đất nước – và học sinh là những người quyết định sự phát triển đó.
* Khởi động
Trả lời:
Em rất nhớ về lễ khai giảng để lại nhiều ấn tượng đẹp đối với em là khai giảng đầu tiên lớp 1. Trong lễ khai giảng, em được cô giáo đón từ cổng, tặng mỗi bạn một quả bóng bay, xếp hàng và đi vào sân trường dự lễ khai giảng. Em được nhiều anh chị chào đón, không khí náo nức, vui tươi, dù lạ lẫm những em rất vui.
Văn bản: Thư gửi các học sinh
Các em học sinh,
Ngày hôm nay là ngày khai trường đầu tiên ở nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Tôi đã tưởng tượng thấy trước mắt cái cảnh nhộn nhịp tưng bừng của ngày tựu trường ở khắp các nơi. Các em hết thảy đều vui vẻ vì sau mấy tháng giời nghỉ học, sau bao nhiêu cuộc chuyển biến khác thường, các em lại được gặp thầy gặp bạn. Nhưng sung sướng hơn nữa, từ giờ phút này giở đi, các em bắt đầu được nhận một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam. [...]
Các em được hưởng sự may mắn đó là nhờ sự hi sinh của biết bao nhiêu đồng bào các em. Vậy các em nghĩ sao? [...]
Trong năm học tới đây, các em hãy cố gắng, siêng năng học tập, ngoan ngoãn, nghe thầy, yêu bạn. Sau 80 năm giời nô lệ làm cho nước nhà bị yếu hèn, ngày nay chúng ta cần phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta, làm sao cho chúng ta theo kịp các nước khác trên toàn cầu. Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em. [...]
Ngày hôm nay, nhân buổi tựu trường của các em, tôi chỉ biết chúc các em một năm đầy vui vẻ và đầy kết quả tốt đẹp.
|
Chào các em thân yêu Hồ Chí Minh (Theo Hồ Chí Minh toàn tập) |
* Trả lời câu hỏi
Câu 1 trang 90 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 1: Câu nào trong thư của Bác Hồ cho thấy ngày khai trường tháng 9 năm 1945 rất đặc biệt?
Trả lời:
Câu trong thư của Bác Hồ cho thấy ngày khai trường tháng 9 năm 1945 rất đặc biệt là: Ngày hôm nay là ngày khai trường đầu tiên ở nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Câu 2 trang 90 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 1: Chi tiết nào trong thư cho thấy Bác vui cùng niềm vui của học sinh nhân ngày khai trường?
Trả lời:
Chi tiết trong thư cho thấy Bác vui cùng niềm vui của học sinh nhân ngày khai trường là: Tôi đã tưởng tượng thấy trước mắt cái cảnh nhộn nhịp tưng bừng của ngày tựu trường ở khắp các nơi.
Câu 3 trang 90 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 1: Bác nhắc học sinh nhớ đến ai, nghĩ đến điều gì trong giờ phút hạnh phúc của ngày tựu trường?
Trả lời:
Bác nhắc học sinh nhớ đến những đồng bào – những người đã hi sinh. Trong giờ phút hạnh phúc của ngày tựu trường, Bác nhắc học sinh nghĩ đến nghĩ đến trách nhiệm của bản thân: phải cố gắng, siêng năng học tập, ngoan ngoãn, nghe thầy, yêu bạn.
Câu 4 trang 90 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 1: Vì sao Bác khuyên các em học sinh phải cố gắng, siêng năng học tập,... trong những năm học tới?
Trả lời:
Bác khuyên các em học sinh phải cố gắng, siêng năng học tập,... trong những năm học tới vì: Sau 80 năm giời nô lệ làm cho nước nhà bị yếu hèn, ngày nay chúng ta cần phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta, làm sao cho chúng ta theo kịp các nước khác trên toàn cầu. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em.
Trả lời:
Sau khi đọc thư Bác Hồ gửi các học sinh, em có cảm nghĩ Bác rất vui mừng vì Việt Nam có một nền giáo dục dân chủ, riêng Việt Nam. Bác rất thương yêu và lo lắng cho học sinh, sự nghiệp giáo dục nước nhà. Kì vọng của Bác với các em học sinh là rất lớn, phải học tập và giáo dục tốt, mới có thể đưa nước nhà tới con đường phát triển, sánh vai với các cường quốc thế giới.
* Học thuộc lòng đoạn thư từ Sau 80 năm giời nô lệ đến nhờ một phần lớn ở công học tập của các em.
Luyện từ và câu: Sử dụng từ điển
Câu 1 trang 90 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 1: Sắp xếp các bước sau theo trình tự tra cứu nghĩa của từ đọc trong từ điển.
a. Tìm từ đọc.
b. Tìm mục từ bắt đầu bằng chữ Đ.
c. Chọn từ điển phù hợp.
d. Đọc ví dụ để hiểu thêm ý nghĩa và cách dùng từ đọc.
e. Đọc nghĩa của từ đọc.
Trả lời:
Các bước là trình tự tra cứu nghĩa của từ đọc trong từ điển:
1 – c. Chọn từ điển phù hợp.
2 – b. Tìm mục từ bắt đầu bằng chữ Đ.
3 – a. Tìm từ đọc.
4 – e. Đọc nghĩa của từ đọc.
5 – d. Đọc ví dụ để hiểu thêm ý nghĩa và cách dùng từ đọc.
Câu 2 trang 91 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 1: Đọc các thông tin về từ đọc trong từ điển dưới đây và trả lời câu hỏi.
a. Từ đọc là danh từ, động từ hay tính từ?
b. Nghĩa gốc của từ đọc là gì?
c. Từ đọc có mấy nghĩa chuyển?
d. Nghĩa gốc và nghĩa chuyển của từ được sắp xếp như thế nào?
Trả lời:
Theo từ điển phía dưới, từ đọc có các thông tin gồm:
a. Từ đọc là động từ.
b. Nghĩa gốc của từ đọc là: Phát thành lời những điều đã được viết ra theo đúng trình tự.
c. Từ đọc có 3 nghĩa chuyển.
d. Nghĩa gốc của từ được sắp ở đầu, ngay sát với từ, từ loại của từ; nghĩa chuyển của từ được xếp sau nghĩa gốc, lần lượt cho tới hết nghĩa chuyển.
Câu 2 trang 91 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 1: Tra cứu nghĩa của các từ dưới đây:
học tập |
tập trung |
trôi chảy |
Trả lời:
– Học tập: động từ. 1. Học và luyện tập để hiểu biết, để có kĩ năng. Học tập văn hoá.
2. Làm theo gương tốt. Học tập tinh thần của các liệt sĩ.
– Tập trung: động từ. 1. Dồn vào một chỗ, một điểm. Nơi tập trung đông người. 2. Dồn sức hoạt động, hướng các hoạt động vào một việc gì. Tập trung sản xuất lương thực.
– Trôi chảy: tính từ. 1. Được tiến hành thuận lợi, không bị vấp váp, trở ngại gì. Mọi việc đều trôi chảy, êm đẹp. 2. Được tiến hành một cách dễ dàng, không có vấp váp. Trả lời trôi chạy.
Câu 3 trang 91 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 1: Đặt câu với 1 nghĩa chuyển của mỗi từ ở bài tập 3.
Trả lời:
– Thầy cô dạy em học tập theo gương Bác Hồ, chăm chỉ, khiêm tốn.
– Bố em tập trung làm việc suốt đêm.
– Giọng đọc của diễn viên rất trôi chảy.
Viết: Tìm hiểu cách viết đoạn văn giới thiệu nhân vật trong một cuốn sách
Câu 1 trang 91 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 1: Đọc đoạn văn dưới đây và trả lời câu hỏi.
Truyện kể hằng đêm dành cho các cô bé cá tính của tác giả Ê-lê-na Pha-vi-li và Phran-xét-ca Ca-va-lô là cuốn sách thú vị kể về 100 phụ nữ nổi tiếng toàn cầu. Trong đó, người để lại ấn tượng mạnh nhất là Mi-lô – nữ nghệ sĩ trống người Cu-ba. Ngay từ nhỏ, Mi-lô đã bộc lộ rõ năng khiếu âm nhạc của mình. Trống tim-pan-ni, công-ga, bông-gô,.., loại nào cô cũng chơi được. Mi-lô mơ ước trở thành một nghệ sĩ trống, mặc dù ở quê hương cô, chỉ con trai mới được chơi trống. Cô quyết tâm theo đuổi ước mơ của mình. Hằng ngày, cô rèn khả năng cảm nhận âm thanh bằng cách lắng nghe những tiếng động xung quanh: tiếng lá đu đưa, tiếng chim ruồi vỗ cánh,... Với sự kiên trì, cô đã thuyết phục được cha cho tham gia lớp học nhạc. Trải qua bao khó khăn, Mi-lô vẫn tin: “Sẽ đến một ngày mình được chơi trong một ban nhạc thứ thiệt!". Nhờ tài năng, sự nỗ lực và niềm tin của Mi-lô, thế giới đã có một nghệ sĩ trống nổi tiếng. Mi-lô đã trở thành tấm gương về lòng quyết tâm theo đuổi ước mơ. (Vũ Mạnh Huy) |
a. Đoạn văn trên có nội dung chính là gì? Chọn đáp án đúng.
A. Nêu tình cảm, cảm xúc của người viết đối với nhân vật Mi-lô.
B. Giới thiệu về nhân vật Mi-lô trong cuốn sách Truyện kể hằng đêm dành cho các cô bé cá tính.
C. Nêu lí do người viết yêu thích cuốn sách Truyện kể hằng đêm dành cho các cô bé cá tính.
D. Kể về 100 phụ nữ nổi tiếng trên thế giới.
b. Tìm phần mở đầu và kết thúc của đoạn văn. Mỗi phần cho biết thông tin gì?
c. Phần triển khai nói về những đặc điểm nào của nhân vật Mi-lô? Với mỗi đặc điểm, người viết đã đưa những dẫn chứng gì (về hành động, suy nghĩ,... của nhân vật)?
Trả lời:
a. Đoạn văn trên có nội dung chính là: B. Giới thiệu về nhân vật Mi-lô trong cuốn sách Truyện kể hằng đêm dành cho các cô bé cá tính.
b. Phần mở đầu của đoạn văn là: Truyện kể hằng đêm dành cho các cô bé cá tính của tác giả Ê-lê-na Pha-vi-li và Phran-xét-ca Ca-va-lô là cuốn sách thú vị kể về 100 phụ nữ nổi tiếng toàn cầu. Trong đó, người để lại ấn tượng mạnh nhất là Mi-lô – nữ nghệ sĩ trống người Cu-ba.
Phần mở đầu cho biết thông tin về tên cuốn sách, tác giả viết cuốn sách và nhân vật ấn tượng trong cuốn sách.
Phần kết thúc của đoạn văn là: Nhờ tài năng, sự nỗ lực và niềm tin của Mi-lô, thế giới đã có một nghệ sĩ trống nổi tiếng. Mi-lô đã trở thành tấm gương về lòng quyết tâm theo đuổi ước mơ.
Phần kết thúc cho biết thông tin về kết quả của Mi-lô sau những nỗ lực và hình tượng Mi-lô trở thành tấm gương.
c. Phần triển khai nói về những đặc điểm của nhân vật Mi-lô: năng khiếu, ước mơ, lòng quyết tâm, tham gia lớp học nhạc, niềm tin của Mi-lô.
Với mỗi đặc điểm, người viết đã đưa những dẫn chứng:
năng khiếu |
trống tim-pan-ni, công-ga, bông-gô,.., loại nào cô cũng chơi được. |
ước mơ |
trở thành một nghệ sĩ trống, mặc dù ở quê hương cô, chỉ con trai mới được chơi trống. |
lòng quyết tâm |
hằng ngày, cô rèn khả năng cảm nhận âm thanh bằng cách lắng nghe những tiếng động xung quanh: tiếng lá đu đưa, tiếng chim ruồi vỗ cánh. |
tham gia lớp học nhạc |
thuyết phục được cha cho tham gia lớp học nhạc. |
niềm tin của Mi-lô |
thế giới đã có một nghệ sĩ trống nổi tiếng |
Câu 2 trang 93 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 1: Trao đổi về những điểm cần lưu ý khi viết đoạn văn giới thiệu nhân vật trong một cuốn sách.
– Bố cục của đoạn văn (mở đầu, triển khai, kết thúc)
– Cách lựa chọn đặc điểm của nhân vật để giới thiệu
– Cách đưa dẫn chứng làm rõ đặc điểm của nhân vật
– Tình cảm, cảm xúc của người đọc đối với nhân vật
Trả lời:
Những điểm cần lưu ý khi viết đoạn văn giới thiệu nhân vật trong một cuốn sách:
– Bố của đoạn văn phải đủ 3 phần: mở đoạn, triển khai, kết đoạn.
– Lựa chọn những đặc điểm nổi bật của nhân vật, có dẫn chứng minh hoạ cho các đặc điểm đó.
– Dẫn chứng đưa vào làm rõ đặc điểm của nhân vật phải rõ ràng, cụ thể, diễn đạt trôi chảy, thuyết phục.
– Tình cảm, cảm xúc của người đọc đối với nhân vật phải thực tế, có góc nhìn riêng của cá nhân.
Ghi nhớ
Đoạn văn giới thiệu nhân vật trong một cuốn sách thường có 3 phần:
– Mở đầu: Giới thiệu tên sách, tên tác giả, tên nhân vật và nêu ấn tượng chung về nhân vật.
– Triển khai: Cung cấp những thông tin về đặc điểm nổi bật của nhân vật (về ngoại hình, hành động, lời nói, suy nghĩ,...) và đưa ra dẫn chứng minh hoạ.
– Kết thúc: Nêu nhận xét hoặc cảm nghĩ về nhân vật,...
* Vận dụng
Câu 1 trang 93 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 1: Thực hiện dự án: Sổ tay từ ngữ tiếng Việt của em.
Trả lời:
Em sắp xếp các từ ngữ vào một quyển sổ tay, trình bày và trang trí thật đẹp:
+ dân lập (tt): Do dân ở địa phương lập ra và đài thọ các chi phí: Giáo viên dập lập.
+ gai ốc (dt): Nốt nhỏ nổi lên ở mặt da khi bị lạnh hay sợ: Chân tay nổi gai ốc.
+ lão luyện (tt): Có nhiều kinh nghiệm, già dặn, thành thạo trong nghề nghiệp, chuyên môn: Cây bút lão luyện.
+ ngang ngược (tt): Bất chấp lẽ phải, tỏ ra không kể gì đến bất cứ ai: Hành động ngang ngược.
+ tài ba (dt, tt): Khả năng đặc biệt làm một việc nào đó: Một nghệ sĩ tài ba.
+ tổ quốc (dt): Đất nước, được bao đời trước xây dựng và để lại, trong quan hệ với những người dân có tình cảm gắn bó với nó: Xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
+ trốn tránh (đt): Trốn để khỏi phải gặp, phải làm hoặc phải chịu điều không hay, không thích điều nào đó: Trốn tránh không chịu gặp.
Câu 2 trang 93 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 1: Tìm đọc câu chuyện về nhà trường, thầy cô, học sinh
Trả lời:
Câu chuyện về nhà trường, thầy cô, học sinh:
Người thầy và chiếc đồng hồ
Một thanh niên nhìn thấy người thầy thời tiểu học của mình tại một đám cưới. Anh ta đến chào người thầy với tất cả sự kính trọng:
– Thầy có nhớ em không ạ?
Thầy giáo nói:
– Thầy không nhớ lắm, hãy nói về em xem nào.
Người học trò nói: Em đã học lớp 3 của thầy hồi đó, em đã ăn cắp chiếc đồng hồ của một bạn trong lớp. Em chắc là thầy nhớ chuyện đó mà.
Nghề giáo cần rất nhiều tình thương yêu, lòng nhiệt huyết, đam mê, và cả sự cống hiến cho sự nghiệp giáo dục con người.
Một bạn trong lớp có một chiếc đồng hồ rất đẹp, vì vậy em đã ăn trộm nó. Bạn ấy khóc và méc với thầy có người lấy cắp đồng hồ của bạn. Thầy bảo cả lớp đứng cho thầy soát túi. Em nhận ra rằng, hành động của mình trước sau sẽ bị phơi bày ra trước mặt tất cả các bạn. Em sẽ bị gọi là thằng ăn cắp, một kẻ nói dối và hạnh kiểm của em sẽ bị hoen ố mãi mãi.
Thầy đã bắt chúng em đứng quay mặt vào tường và nhắm mắt lại. Thầy soát từng chiếc túi, và khi lấy chiếc đồng hồ từ túi của em, thầy tiếp tục soát đến túi của bạn cuối cùng. Xong xuôi, thầy kêu chúng em mở mắt ra và thầy ngồi xuống ghế. Giây phút đó em thật sự lo sợ là thầy sẽ bêu tên em ra trước các bạn.
Thầy giơ cái đồng hồ cho cả lớp thấy và đưa trả lại cho bạn ấy. Thầy đã không nêu tên người ăn cắp chiếc đồng hồ. Thầy không nói với em một lời nào và cũng không bao giờ đề cập chuyện đó với bất cứ ai. Suốt những năm tiểu học, không một giáo viên hay học sinh nào nói với em về chuyện ăn cắp đồng hồ.
Em nghĩ Thầy đã cứu vớt cho danh dự của em ngày đó. Thầy không nhớ em sao? Sao thầy lại không nhớ em được, thưa thầy? Em chắc là thầy phải nhớ câu chuyện em đã ăn cắp cái đồng hồ và thầy không muốn làm em xấu hổ. Đó là một câu chuyện không thể nào quên.
Đừng để chữ “tâm” của người thầy ngày càng mai một, vơi đi.
Người thầy đáp: – Thầy không thể nào nhớ được ai đã lấy cắp cái đồng hồ ngày đó, bởi vì khi thầy soát túi các em, thầy cũng… nhắm mắt!
Thầy nghĩ rằng việc lấy chiếc đồng hồ đó là một hành động nhất thời bồng bột của các em. Thầy không muốn hành vi đó lưu lại trong trí nhớ của các em như một vết nhơ mà muốn đó như là một bài học để rút kinh nghiệm. Cho nên tốt nhất thầy không nên biết người đó là ai và cũng không nên nhắc lại việc đó vì thầy tin rằng, em nào đã lấy sẽ tự biết sửa đổi để trở thành người tốt hơn.
(Sưu tầm)
Bàn chân kì diệu
Ký bị liệt hai cánh tay từ nhỏ. Thấy các bạn được cắp sách đến trường, Ký thèm lắm. Em quyết định đến lớp xin vào học.
Sáng hôm ấy, cô giáo Cương đang chuẩn bị viết bài học vần lên bảng thì thấy một cậu bé thập thò ngoài cửa. Cô bước ra, dịu dàng hỏi:
– Em muốn hỏi gì cô phải không?
Cậu bé khẽ nói:
– Thưa cô, em xin cô cho em vào học. Có được không ạ?
Cô giáo cầm tay Ký. Hai cánh tay em mềm nhũn, buông thõng, bất động. Cô giáo lắc đầu: Khó lắm em ạ. Em hãy về nhà. Đợi lớn lên ít nữa xem sao đã.
Cô thoáng thấy đôi mắt Ký nhòe ướt. Em quay ngoắt lại, chạy về nhà. Hình như em vừa chạy, vừa khóc.
Cô giáo trở vào lớp. Suốt buổi học hôm ấy, hình ảnh cậu bé với hai cánh tay buông thõng luôn hiện lên trước mắt cô.
Mấy hôm sau, cô giáo đến nhà Ký. Bước qua cổng cô vừa ngạc nhiên, vừa xúc động: Ký đang ngồi giữa sân hí hoáy tập viết. Cậu cặp một mẩu gạch vào ngón chân và vẽ xuống đất những nét chữ ngoằn ngoèo. Cô giáo hỏi thăm sức khỏe của Ký rồi cho em mấy viên phấn.
Thế rồi, Ký lại đến lớp. Lần này em được nhận vào học. Cô giáo dọn một chỗ ở góc lớp, trải chiếu cho Ký ngồi tập viết ở đó. Em cặp cây bút vào ngón chân và tập viết vào trang giấy. Cây bút không làm theo ý muốn của Ký. Bàn chân em giẫm lên trang giấy, cựa quậy một lúc là giấy nhàu nát, mực giây bê bết. Mấy ngón chân Ký mỏi nhừ. Cô giáo thay bút chì cho Ký. Ký lại kiên nhẫn viết. Mấy ngón chân quắp lại giữ cho được cây bút đã khó, điều khiển cho nó viết thành chữ còn khó hơn, nhưng Ký vẫn gắng sức đưa bút theo nét chữ. Bỗng cậu nằm ngửa ra, chân giơ lên, mặt nhăn nhó, miệng xuýt xoa đau đớn. Cô giáo và mấy bạn chạy vội tới. Thì ra, bàn chân Ký bị chuột rút, co quắp lại, không duỗi ra được. Các bạn phải xoa bóp mãi mới ổn. Cái giống “chuột rút” làm khổ Ký rất nhiều. Nó đã rút một lần thì sau quen cứ rút mãi. Có lần đau tái người, Ký quảng bút vào góc lớp định thôi học. Nhưng cô giáo Cương an ủi, khuyến khích em hãy kiên nhẫn tập dần từng tí một. Các bạn cũng mỗi người nói một câu. giúp một việc. Lời khuyến khích dịu dàng của cô giáo, những cử chỉ thân thương của bè bạn tiếp sức cho Ký. Ký lại quắp bút vào ngón chân hì hục tập viết.
Ký kiên nhẫn, bền bỉ. Ngày nắng cũng như ngày mưa, người mệt mỏi, ngón chân đau nhức, có lúc chân bị chuột rút liên hồi... nhưng Ký không nản lòng. Buổi học nào cũng vậy, trong góc lớp, trên mảnh chiếu nhỏ không bao giờ vắng mặt Nguyễn Ngọc Ký.
Nhờ luyện tập kiên trì, Ký đã thành công. Hết lớp Một, Ký đã đuổi kịp các bạn. Chữ Ký viết ngày một đều hơn, đẹp hơn. Có lần Ký được 8 điểm, 9 điểm rồi 10 điểm về môn Tập viết. Bao năm khổ công, thế rồi Ký thi đại học, trở thành sinh viên Trường Đại học Tổng hợp.
Nguyễn Ngọc Ký là tấm gương sáng về ý chí vượt khó. Ngày Bác Hồ còn sống, đã hai lần gửi tặng huy hiệu của Người cho cậu học trò dũng cảm giàu nghị lực ấy.
(Nguyễn Ngọc Ký)
Xem thêm lời giải bài tập Tiếng Việt lớp 5 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:
Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 5 hay khác:
- Giải sgk Tiếng Việt lớp 5 Kết nối tri thức
- Giải Vở bài tập Tiếng Việt lớp 5 Kết nối tri thức
- Giải lớp 5 Kết nối tri thức (các môn học)
- Giải lớp 5 Chân trời sáng tạo (các môn học)
- Giải lớp 5 Cánh diều (các môn học)
- Giải sgk Tiếng Việt lớp 5 - KNTT
- Giải Vở bài tập Tiếng Việt lớp 5 - KNTT
- Giải sgk Toán lớp 5 - KNTT
- Giải Vở bài tập Toán lớp 5 - KNTT
- Giải Tiếng Anh lớp 5 Global Success
- Giải sgk Tiếng Anh lớp 5 Smart Start
- Giải sgk Tiếng Anh lớp 5 Family and Friends
- Giải sgk Đạo đức lớp 5 - KNTT
- Giải sgk Khoa học lớp 5 - KNTT
- Giải sgk Lịch Sử và Địa Lí lớp 5 - KNTT
- Giải sgk Hoạt động trải nghiệm lớp 5 - KNTT
- Giải sgk Tin học lớp 5 - KNTT
- Giải sgk Công nghệ lớp 5 - KNTT
- Giải sgk Âm nhạc lớp 5 - KNTT
- Giải sgk Mĩ thuật lớp 5 - KNTT