Cách viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một câu chuyện lớp 5 (hay nhất)
Cách viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một câu chuyện lớp 5 hay nhất dàn ý chi tiết và các bài văn mẫu giúp học sinh có thêm tài liệu tham khảo để viết văn hay hơn.
- Cách viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một câu chuyện
- Đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một câu chuyện (mẫu 1)
- Đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một câu chuyện (mẫu 2)
- Đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một câu chuyện (mẫu 3)
- Đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một câu chuyện (mẫu 4)
- Đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một câu chuyện (mẫu 5)
- Đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một câu chuyện (mẫu 6)
- Đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một câu chuyện (mẫu 7)
- Đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một câu chuyện (mẫu 8)
- Đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một câu chuyện (mẫu 9)
- Đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một câu chuyện (mẫu 10)
I. Cách viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một câu chuyện
- Đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một câu chuyện thường có 3 phần:
+ Mở đầu: Giới thiệu tên câu chuyện, tên tác giả và nêu ấn tượng chung về câu chuyện.
+ Triển khai: Kể tóm tắt nội dung câu chuyện, nêu những điểm yêu thích ở câu chuyện (nhân vật, sự việc, ý nghĩa của câu chuyện,…) và thể hiện tình cảm, cảm xúc đối với câu chuyện.
+ Kết thúc: Khẳng định một lần nữa giá trị, ý nghĩa của câu chuyện hoặc nhấn mạnh tình cảm, cảm xúc đối với câu chuyện.
II. Bài văn mẫu
Viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một câu chuyện - mẫu 1
Đề 1. Đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về câu chuyện “Con Rồng cháu Tiên”
“Con Rồng cháu Tiên” là câu chuyện hay khắc sâu trong tâm trí em. Câu chuyện giải thích về nguồn gốc của người Việt Nam. Tất cả các dân tộc trên đất nước ta đều cùng một mẹ sinh ra với nguồn gốc cao quý là con Rồng, cháu Tiên. Mỗi trang sách như mở ra một cánh cửa kì diệu, dẫn em vào một thế giới huyền bí, nơi nguồn gốc thiêng liêng của cộng đồng người Việt được tôn vinh. Từ bọc trăm trứng, một trăm người con ra đời, nửa theo cha lên rừng, nửa theo mẹ xuống biển, khiến em cảm thấy rưng rưng xúc động. Dù cách xa muôn trùng, từ những cánh đồng xanh mướt đến những ngọn núi hùng vĩ, từ miền ngược đến miền xuôi, tất cả chúng ta vẫn hòa chung một dòng máu, từ một cội nguồn, như những nhánh cây vươn xa từ cùng một gốc rễ. Câu chuyện không chỉ mang lại cho em những suy nghĩ sâu sắc về nguồn gốc thiêng liêng của cộng đồng người Việt, mà còn khiến em cảm nhận được niềm tự hào và lòng yêu nước mãnh liệt.
Viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một câu chuyện - mẫu 2
Đề 2. Đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về câu chuyện cổ tích “Cây khế”
“Cây khế” là câu chuyện cổ tích hay và ý nghĩa khiến em vô cùng yêu thích ngay từ lần đọc đầu tiên. Câu chuyện kể về hai anh em có tính cách hoàn toàn trái ngược nhau. Người em hiền lành, chăm chỉ, còn người anh tham lam, lười biếng. Sau khi chiếm hết gia sản, người anh tiếp tục sống thảnh thơi. Còn người em phải làm việc vất vả, chăm sóc cây khế - tài sản duy nhất của anh – khiến em rất cảm phục. Khi cây khế ra quả chín vàng, đại bàng đến ăn khế và mang đến cho người em cơ hội đổi đời. Ngược lại, sự tham lam của người anh, khi thấy em giàu có, đã dẫn đến kết cục bi thảm, thật xót xa. Câu chuyện là bài học đạo đức sâu sắc cho mỗi con người, nhằm khuyên răn chúng ta sống đẹp hơn từng ngày.
Viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một câu chuyện - mẫu 3
Đề 3. Đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về câu chuyện “Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên”
“Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên” của Laura Ingalls Wilder là một tác phẩm đã gieo vào lòng em những ấn tượng sâu sắc từ thuở ấu thơ. Qua từng trang sách, em được đồng hành cùng cô bé Laura trong hành trình trưởng thành, trải nghiệm những khó khăn, thử thách và niềm vui bình dị của cuộc sống nơi thảo nguyên hoang dã. Câu chuyện đã mang đến cho em những bài học quý giá về cuộc sống. Dù phải đối mặt với bất kì khó khăn nào, chúng ta cũng cần phải luôn giữ cho mình thái độ lạc quan, yêu đời. Hãy trân trọng những giá trị tốt đẹp của cuộc sống và luôn yêu thương gia đình, những người xung quanh. “Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên” sẽ mãi là một tác phẩm tuyệt vời trong lòng em.
Viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một câu chuyện - mẫu 4
Đề 4. Đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về câu chuyện “Nỗi dằn vặt của An-đrây-ca”
Mẩu chuyện “Nỗi dằn vặt của An-đrây-ca” của nhà văn Xu-Khôm-Lin-Xki luôn khiến em xúc động mỗi khi đọc. Câu chuyện xoay quanh cậu bé An-đrây-ca, vì mải chơi bóng đá mà quên mua thuốc cho ông ngoại đang ốm nặng. Khi trở về nhà, cậu bé phát hiện ông đã qua đời nên rất ân hận, dằn vặt bản thân suốt quãng đời còn lại. Qua câu chuyện, tác giả đã khắc họa thành công hình ảnh cậu bé An-đrây-ca với những nét tính cách hồn nhiên, ham chơi, nhưng cũng rất hiếu thảo và biết hối lỗi. Nỗi dằn vặt của An-đrây-ca là một bài học quý giá cho tất cả chúng ta, đặc biệt là trẻ em. Câu chuyện nhắc nhở chúng ta cần phải biết trân trọng những người thân yêu xung quanh, luôn ghi nhớ lời hứa và hoàn thành trách nhiệm của bản thân. Đây quả thật là một câu chuyện khiến em day dứt mãi không nguôi.
Viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một câu chuyện - mẫu 5
Đề 5. Đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về câu chuyện “Những ngày thơ ấu” của Nguyên Hồng
“Những ngày thơ ấu” của Nguyên Hồng là một tác phẩm tự truyện đã để lại trong em những ấn tượng sâu sắc và những cảm xúc khó phai. Tác phẩm vẽ nên bức tranh chân thực về cuộc sống của cậu bé Hồng, hay chính là tác giả Nguyên Hồng, trong những năm tháng tuổi thơ đầy gian khổ, thiếu thốn nhưng cũng đầy ắp những tình cảm yêu thương và những kỉ niệm đẹp đẽ. Câu chuyện quả thật đã khơi gợi trong em nhiều cảm xúc. Em xót xa cho số phận của cậu bé Hồng, cho những tháng ngày tuổi thơ đầy gian khổ, thiếu thốn. Em cảm động trước tình yêu thương tha thiết của Hồng dành cho mẹ, cho những kỉ niệm đẹp đẽ bên mẹ. Em cũng trân trọng sự lạc quan, kiên cường của Hồng trước những khó khăn, thử thách trong cuộc sống. Có thể nói, “Những ngày thơ ấu” là một tác phẩm hay, ý nghĩa, đáng để đọc và suy ngẫm. Nó là một lời nhắc nhở chúng ta về những giá trị tốt đẹp của cuộc sống, về tầm quan trọng của tình yêu thương và lòng nhân ái.
Viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một câu chuyện - mẫu 6
Đề 6. Đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về đoạn trích “Bài học đường đời đầu tiên” của nhà văn Tô Hoài
Đoạn trích “Bài học đường đời đầu tiên” của nhà văn Tô Hoài đã chạm đến trái tim em, khiến em không thể ngừng suy nghĩ về những bài học quý giá mà nó mang lại. Em cảm thấy xót xa cho số phận của Dế Choắt, yếu đuối nhưng lại đầy tình cảm. Sự kiêu ngạo, hống hách và tự cho mình là kẻ mạnh nhất của Dế Mèn khiến em không khỏi cảm thấy tức giận và đau lòng. Chính sự ích kỉ, không quan tâm đến người khác của Dế Mèn đã khiến Dế Choắt một mình đối mặt với chị Cốc. Kết quả, Dế Choắt đã chết vì kiệt sức. Sau khi chôn cất Dế Choắt, Dế Mèn nhận ra những tội lỗi của mình và cảm thấy ân hận. Chắc hẳn, Dế Mèn đã cảm nhận được sức nặng của mất mát và đau thương. Qua đoạn trích, em học được rằng, trong cuộc sống, cần có sự chia sẻ và từ bỏ những thói quen xấu để sống một cuộc sống ý nghĩa.
Viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một câu chuyện - mẫu 7
Đề 7. Đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về câu chuyện “Bánh chưng, bánh dày”
Em rất thích câu chuyện “Bánh chưng, bánh dày”. Nó giải thích rõ nguồn gốc của hai loại bánh chưng và bánh dày, đồng thời thể hiện lòng kính trọng đối với Trời, Đất và tổ tiên. Câu chuyện có lời kể sinh động. Người kể chuyện đã tận dụng các từ gợi tả âm thanh, màu sắc, hình ảnh,... để tạo nên một bức tranh hết sức sống động và sinh động trong đầu người đọc hoặc nghe. Nội dung câu chuyện hấp dẫn và có yếu tố kì ảo nhưng lại nói về ước mơ của con người. Câu chuyện không chỉ đơn thuần là một kì quan cổ tích mà còn rút ra được những bài học ý nghĩa về sự kiên trì, dũng cảm và lòng hiếu thảo. Bên cạnh đó, đây còn là truyền thống, phong tục của người dân Việt Nam. “Bánh chưng, bánh dày” là một câu chuyện nổi tiếng về sự hiếu thảo, mang giá trị tinh thần cao.
Viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một câu chuyện - mẫu 8
Đề 8. Đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về câu chuyện “Sự tích hoa cúc trắng”
Câu chuyện “Sự tích hoa cúc trắng” đã để lại trong em những cảm xúc sâu sắc và ấm áp về tình cảm gia đình. Dù khép lại trang sách nhưng bài học về lòng hiếu thảo vẫn chiếm lấy tâm trí em. Em cảm thấy rằng không phải nhờ bông hoa thần mà chính tấm lòng hiếu thảo của người con đã tạo ra kì tích cứu sống mẹ của bạn ấy. Nếu không có sự hiếu thảo thì đã không thể cảm động trời xanh và được thần linh ra tay cứu giúp. Đây quả thật là một câu chuyện tình cảm gia đình thiêng liêng, quý giá và vô cùng ý nghĩa.
Viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một câu chuyện - mẫu 9
Đề 9. Đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về câu chuyện “Về thăm bà” của nhà văn Thanh Tịnh
Câu chuyện về tình cảm bà cháu mà em yêu thích nhất gần đây, chính là “Về thăm bà” của nhà văn Thanh Tịnh. Cả câu chuyện kể về một chuyến về thăm bà của một người cháu xa nhà đã lâu. Theo chân nhân vật Thanh bước vào nhà bà, em như cảm nhận được tâm hồn bình yên đến lạ kì của người cháu ấy. Chẳng có những bữa cỗ linh đình hay những cuộc gặp mặt náo nhiệt. Về với bà, Thanh được đến với miền không gian bình yên, mát mẻ, dịu dàng của bà. Biết bao khó nhọc, vất vả đều dừng lại bên ngoài cánh cửa. Mọi thứ ở trong nhà bà đều thật đẹp, thật yên bình, thật trong lành và bình dị. Ở đây, Thanh lại được là người cháu nhỏ để bà yêu thương, chiều chuộng. Chính vì tại ngôi nhà này có bà của Thanh, nên anh mới có những cung bậc cảm xúc ấy. Những tình cảm giản dị, mộc mạc mà đáng trân quý đó giữa hai bà cháu, đã thu hút em vào từng dòng của câu chuyện.
Viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một câu chuyện - mẫu 10
Đề 10. Đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về câu chuyện cổ tích “Cây tre trăm đốt”
“Cây tre trăm đốt” là một truyện cổ tích rất quen thuộc, gần gũi. Truyện kể về cuộc đời anh chàng Khoai gắn với hình ảnh cây tre có trăm đốt - một hình ảnh mang tính biểu tượng cao. Đọc truyện, em ấn tượng nhất với câu thần chú “khắc nhập - khắc xuất” và hình ảnh cây tre trăm đốt. Qua câu chuyện, tác giả muốn gửi gắm bài học về thiện, ác. Anh chàng Khoai tốt bụng, chăm chỉ đã được ông Bụt giúp đỡ khi bị phú ông làm khó. Còn lão phú ông tham lam, độc ác thì nhận phải quả báo. Truyện đã để lại bài học cho chúng ta rằng phải biết phân biệt đúng sai, cũng như thiện ác. Con người cần sống có lí tưởng cho riêng mình, phải biết đấu tranh cho sự công bằng, phải bênh vực kẻ yếu. Sống lương thiện thì sẽ nhận được điều tốt.
Xem thêm các bài viết hướng dẫn làm văn mẫu lớp 5 hay khác:
- Cách viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một bài thơ
- Cách viết đoạn văn giới thiệu nhân vật trong một bộ phim hoạt hình
- Cách viết bài văn tả người
- Cách viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một sự việc
- Cách viết chương trình hoạt động
Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 5 hay khác:
- Giải sgk Tiếng Việt lớp 5 Kết nối tri thức
- Giải Vở bài tập Tiếng Việt lớp 5 Kết nối tri thức
- Giải lớp 5 Kết nối tri thức (các môn học)
- Giải lớp 5 Chân trời sáng tạo (các môn học)
- Giải lớp 5 Cánh diều (các môn học)
- Giải sgk Tiếng Việt lớp 5 - KNTT
- Giải Vở bài tập Tiếng Việt lớp 5 - KNTT
- Giải sgk Toán lớp 5 - KNTT
- Giải Vở bài tập Toán lớp 5 - KNTT
- Giải Tiếng Anh lớp 5 Global Success
- Giải sgk Tiếng Anh lớp 5 Smart Start
- Giải sgk Tiếng Anh lớp 5 Family and Friends
- Giải sgk Đạo đức lớp 5 - KNTT
- Giải sgk Khoa học lớp 5 - KNTT
- Giải sgk Lịch Sử và Địa Lí lớp 5 - KNTT
- Giải sgk Hoạt động trải nghiệm lớp 5 - KNTT
- Giải sgk Tin học lớp 5 - KNTT
- Giải sgk Công nghệ lớp 5 - KNTT
- Giải sgk Âm nhạc lớp 5 - KNTT
- Giải sgk Mĩ thuật lớp 5 - KNTT