Bài 17: Ngưỡng cửa Tiếng Việt lớp 3 Kết nối tri thức

Lời giải Tiếng Việt lớp 3 Bài 17: Ngưỡng cửa sách Kết nối tri thức giúp học sinh dễ dàng làm bài tập Tiếng Việt lớp 3 Tập 1 Bài 17.

Đọc: Ngưỡng cửa trang 82, 83

Nội dung chính Ngưỡng cửa:

Ngưỡng cửa ngôi nhà là nơi chứng kiến tất thảy mọi hoạt động của gia đình. Từ khi con lớn lên, con học tập, vui chơi cho tới cả khi vào giấc ngủ, ngưỡng cửa vẫn ở cạnh, song hành cùng gia đình mình.

* Khởi động:

Câu hỏi trang 82 sgk Tiếng Việt lớp 3: Trao đổi với bạn để trả lời câu hỏi: Em cảm thấy thế nào nếu phải xa ngôi nhà của mình nhiều ngày?

Trả lời:

- Nếu phải xa ngôi nhà của mình nhiều ngày, em sẽ rất buồn. Xa nhà, em sẽ rất nhớ bố mẹ, nhớ những món đồ chơi và chú cún con ở trước cửa.

Văn bản: Ngưỡng cửa

Đọc: Ngưỡng cửa lớp 3 | Tiếng Việt lớp 3 Kết nối tri thức

Đọc: Ngưỡng cửa lớp 3 | Tiếng Việt lớp 3 Kết nối tri thức

* Trả lời câu hỏi:

Câu 1 trang 83 sgk Tiếng Việt lớp 3: “Nơi ấy” trong bài thơ chỉ cái gì?

Trả lời:

- Nơi ấy trong bài thơ chỉ ngưỡng cửa nhà.

Câu 2 trang 83 sgk Tiếng Việt lớp 3: Nơi ấy đã chứng kiến những điều gì trong cuộc sống của bạn nhỏ?

Đọc: Ngưỡng cửa lớp 3 | Tiếng Việt lớp 3 Kết nối tri thức

Trả lời:

- Ngưỡng cửa đã chứng kiến: con chập chững tập đi, con cùng bạn bè chơi đùa vui vẻ, con đi học từ những ngày đầu tiên.

Câu 3 trang 83 sgk Tiếng Việt lớp 3: Theo em, hình ảnh “con đường xa tắp” muốn nói đến điều gì? Chọn câu trả lời hoặc nêu ý kiến khác của em.

a. Hành trình học tập còn dài lâu.

b. Nhiều điều mới mẻ chờ đón em ở phía trước.

c. Đường đến tương lai còn xa.

Trả lời:

- Hình ảnh “con đường xa tắp” muốn nói còn nhiều điều mới mẻ chờ đón em ở phía trước. Xa tắp đó chưa hề nhìn thấy, cũng chưa hiện ra trong tâm trí em. Đó là sự mới mẻ và hấp dẫn mà em chờ được chạm đến.

Câu 4 trang 83 sgk Tiếng Việt lớp 3: Ngưỡng cửa đã nhắc bạn nhỏ nhớ tới những ai, giúp bạn nhỏ cảm nhận điều gì về những người đó?

Trả lời:

Ngưỡng cửa đã nhắc bạn nhỏ tới những người, cảm nhận về họ của bạn nhỏ như sau:

- Người bà: bà của bạn nhỏ ân cần, thương và lo cho cháu.

- Bố mẹ: bố mẹ bận bịu với công việc.

- Bạn bè: bạn bè luôn thân thiết, vô tư chơi đùa với bạn nhỏ.

Nói và nghe: Kể chuyện Sự tích nhà sàn trang 84

Câu chuyện: Kể chuyện Sự tích nhà sàn

          Ngày xưa, người Mường chưa biết làm nhà, phải sống trong hang đá, hốc cây. Cuộc sống của họ rất khổ cực vì gió rét, mưa lũ, thú dữ…

          Ở bản nọ có hai vợ chồng ông lão tên là Cài. Một ngày nọ, trong lúc làm rẫy, ông Cài bắt được một con rùa nằm phơi nắng trên một tảng đá. Lạ thay, con rùa biết nói. Nó xin ông tha chết. Ông Cài thương tình thả rùa. Rùa từ từ đứng dậy và nói:

- Cảm ơn ông. Tôi xin mách cho ông cách làm nhà ở. Ông hãy nhìn xem: toàn thân tôi là một ngôi nhà đấy!

          Ông Cài hiểu ý, cảm ơn rùa. Trở về, ông cùng vợ chặt cây, chọn gỗ, tìm nơi đất cao dựng nên một ngôi nhà sàn giống hình một chú rùa. Ngôi nhà che mưa, chắn gió, phòng tránh được thú dữ… Mọi người khen ông Cài sáng dạ và có đôi tay khéo léo.

          Theo gương ông, mọi người đã dựng nhà sàn để ở. Từ đó, dân bản có cuộc sống an toàn, ấm no, hạnh phúc hơn xưa.

Câu 1 trang 84 sgk Tiếng Việt lớp 3: Dựa vào tranh, đoán nội dung câu chuyện.

Sự tích nhà sàn

Nói và nghe: Kể chuyện Sự tích nhà sàn trang 86 Tiếng Việt lớp 3 Tập 1 | Kết nối tri thức

Trả lời:

- Dựa vào thứ tự tranh, ta đoán được nội dung câu chuyện như sau:

Bức tranh 1. Người dân phải sống ở hang đá.

Bức tranh 2. Con người nói chuyện với rùa.

Bức tranh 3. Người dân dựng gỗ, lợp rạ làm nhà sàn.

Bức tranh 4. Nhà sàn trở nên phổ biến, thay cho hang đá trước kia.

Câu 2 trang 84 sgk Tiếng Việt lớp 3: Nghe kể chuyện.

Trả lời:

- Học sinh lắng nghe thầy cô kể chuyện, ghi nhớ lại các chi tiết, tình huống truyện nổi bật.

Sự tích nhà sàn

Ngày xưa, người ta chưa biết làm nhà, phải ở trong hang đá, chưa có làng mạc, thành phố như bây giờ. Ở một vùng nọ, có một ông tên là Cài làm lụng vất vả mà vẫn đói, vì thú rừng phá hoại nương rẫy. Ông Cài đặt bẫy bắt thú rừng. Lần ấy, ông bắt được một chú Rùa gầy. Ông định đem về ăn thịt cho bõ tức.

Rùa xin ông tha chết và hứa mách ông cách làm nhà ở. Nghe hay hay, ông liền cởi trói cho Rùa. Rùa gầy từ từ đứng dậy và nói:

− Ông là người sáng dạ. Ông nhìn xem: Toàn thân tôi là một ngôi nhà đấy!

Ông Cài ngắm nhìn hồi lâu, hình dung một ngôi nhà trong đầu, rồi nói:

− Bốn chân Rùa là bốn cái cột. Mu Rùa là mái nhà. Miệng Rùa là lối vào nhà. Hai mắt Rùa là hai cửa sổ. Có phải thế không?

Rùa gật đầu khen và xin được về với họ hàng. Từ đó con người có nhà sàn để ở, tránh được mưa nắng.

Câu 3 trang 84 sgk Tiếng Việt lớp 3: Kể lại từng đoạn của câu chuyện theo tranh.

Trả lời:

- Tranh 1: Ngày xưa, người ta chưa biết làm nhà, phải ở trong hang đá, chưa có làng mạc, thành phố như bây giờ. Ở một vùng nọ, có một ông tên là Cài làm lụng vất vả mà vẫn đói, vì thú rừng phá hoại nương rẫy.

- Tranh 2: Ông Cài đặt bẫy bắt thú rừng. Lần ấy, ông bắt được một chú Rùa gầy. Ông định đem về ăn thịt cho bõ tức.

Rùa xin ông tha chết và hứa mách ông cách làm nhà ở. Nghe hay hay, ông liền cởi trói cho Rùa. Rùa gầy từ từ đứng dậy và nói:

− Ông là người sáng dạ. Ông nhìn xem: Toàn thân tôi là một ngôi nhà đấy!

- Tranh 3: Ông Cài ngắm nhìn hồi lâu, hình dung một ngôi nhà trong đầu, rồi nói:

− Bốn chân Rùa là bốn cái cột. Mu Rùa là mái nhà. Miệng Rùa là lối vào nhà. Hai mắt Rùa là hai cửa sổ. Có phải thế không?

Rùa gật đầu khen và xin được về với họ hàng.

- Tranh 4: Từ đó con người có nhà sàn để ở, tránh được mưa nắng.

Viết trang 85

Câu 1 trang 85 sgk Tiếng Việt lớp 3: Nghe – viết: Đồ đạc trong nhà

Trả lời:

Đồ đạc trong nhà

(trích)

Em yêu đồ đạc trong nhà

Cùng em trò chuyện như là bạn thân.

Cái bàn kể chuyện rừng xanh

Quạt nan mang đến gió lành trời xa.

Đồng hồ giọng nói thiết tha

Nhắc em ngày tháng thường là trôi mau.

Ngọn đèn sáng giữa trời khuya

Như ngôi sao nhỏ gọi về niềm vui.

(Phan Thị Thanh Nhàn)

- Học sinh nghe giáo viên đọc thơ rõ ràng, viết chính xác, không sai chính tả.

- Biết cách trình bày của thể thơ lục bát 6 – 8: Dòng thơ có 6 chữ thì lùi vào, dòng thơ có 8 chữ thì tiến ra lề sách. Các dòng thơ 6 và 8 tương ứng thẳng lề với nhau.

- Viết hoa chữ cái đầu mỗi dòng thơ khi xuống dòng.

Câu 2 trang 85 sgk Tiếng Việt lớp 3: Làm bài tập a hoặc b.

a. Tìm từ ngữ chỉ sự vật, hoạt động có tiếng chứa iêu hoặc ươu.

b. Chọn en hoặc eng thay cho ô vuông.

Trả lời:

a. Sự vật, hoạt động có tiếng chứa iêu: Đà điểu; thả diều

Sự vật, hoạt động có tiếng chứa ươu: Hươu cao cổ; chim khướu

b. Điền từ en hoặc eng phù hợp, ta có:

hoa loa kèn

bác thợ rèn

giấy khen

tiếng kèn

kêu reng reng

hứa hẹn

nguyên vẹn

dế mèn

chen chúc

ven sông

* Vận dụng:

Câu hỏi trang 85 sgk Tiếng Việt lớp 3: Kể câu chuyện hoặc đọc bài thơ nói về mái ấm gia đình cho người thân nghe.

Trả lời:

- Câu chuyện: Chú gấu con ngoan

Bác Voi tới nhà Gấu con chơi và tặng Gấu con một rổ lê thơm. Gấu con mừng lắm và không quên cám ơn bác Voi. Gấu con chọn quả lê to nhất mang đến cho ông nội. Ông nội rất vui, xoa đầu Gấu con và bảo:

– Gấu con thật ngoan, đáng yêu nhất nhà!

Gấu con mang quả lê to thứ nhì đưa cho mẹ. Mẹ cũng rất vui, ôm hôn Gấu con và bảo:

– Gấu con của mẹ thật ngoan, mẹ thương nhất nhà!

Gấu con lại chọn quả lê to thứ ba mang đến cho Gấu em. Gấu em thích quá, ôm lấy quả lê, cười khúc khích. Gấu con thấy Gấu em vui cũng vui theo. Thế là hai anh em Gấu con vừa cười vừa lăn khắp nhà.

- Bài thơ: Gia đình hạnh phúc

Xuân qua én cũng đi qua

Niềm vui ở lại với ta suốt đời

Công thành danh toại rạng ngời

Gia đình êm ấm ơn trời riêng ban.

Đâu là hạnh phúc thế gian

Có Cha có Mẹ muôn vàn yêu thương

Con cái hiếu thảo bốn phương

Vui lòng Cha Mẹ vượt tường khổ đau.

Hạnh phúc ơi đến mau mau

Và luôn ở lại cho nhau tiếng cười

Gia đình là lộc bởi trời

Con cái là lộc trong người Mẹ Cha.

Bài giảng: Bài 17: Ngưỡng cửa - Cô Hoàng Thị Thơ (Giáo viên VietJack)

Xem thêm lời giải bài tập Tiếng Việt lớp 3 Kết nối tri thức với cuộc sống hay, chi tiết khác:

Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 3 hay khác:


Giải bài tập lớp 3 Kết nối tri thức khác