Thơ tự do là gì (chi tiết nhất)

Bài viết Thơ tự do là gì chi tiết nhất, đầy đủ khái niệm, đặc điểm, cách đọc hiểu & bài tập có đáp án chi tiết giúp bạn nắm vững kiến thức trọng tâm về Thơ tự do.

1. Khái niệm thơ tự do

- Thơ tự do là thể thơ không quy định số tiếng trong mỗi dòng thơ và số dòng trong mỗi khổ thơ.

2. Đặc điểm thơ tự do

- Thơ tự do là thể thơ không quy định số tiếng trong mỗi dòng thơ và số dòng trong mỗi khổ thơ.

- Thơ tự do có thể có vẫn hoặc không vẫn. Khi có vần, cách giao vần trong bài thơ tự do rất linh hoạt: vần chân hoặc vần lưng, vần liền hoặc vần cách. Nhịp điệu của thơ tự do được tạo nên bởi cách ngắt các vế trong dòng thơ, số tiếng của từng dòng, cách bố trí thanh điệu hoặc vẫn ở các tiếng được nhấn mạnh trong dòng thơ.

- Tính chất phóng khoáng về hình thức giúp thơ tự do có thể diễn tả sinh động cảm xúc của nhà thơ trước những biểu hiện mới mẻ, đa dạng, phong phú của cuộc sống.

3. Ví dụ 1 số tác phẩm thơ tự do

- Đồng chí (Chính Hữu)

- Đất nước, Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ (Nguyễn Khoa Điềm)

- Nói với con (Y Phương).

- Bài thơ về tiểu độ xe không kính (Phạm Tiến Duật)

- ….

4. Cách đọc hiểu một văn bản thơ tự do

- Khi đọc hiểu bài thơ tự do, cần chú ý đến nhịp điệu, cảm xúc, và hình ảnh trong từng câu chữ, cách tác giả sử dụng từ ngữ và cấu trúc để truyền tải ý nghĩa và tâm trạng.

+ Nhịp điệu: Dù không có cấu trúc cố định, thơ tự do vẫn có nhịp điệu riêng, giúp tạo nên cảm xúc và âm điệu của bài thơ.

+ Cảm xúc: Cảm nhận được tâm trạng và cảm xúc của tác giả thông qua từ ngữ và hình ảnh mà họ sử dụng.

+ Hình ảnh: Chú ý đến các hình ảnh, biểu tượng và phép ẩn dụ mà tác giả dùng để diễn tả ý tưởng và tình cảm.

+ Từ ngữ: Chú ý đến cách chọn từ và cách sử dụng từ ngữ độc đáo của tác giả để tạo nên sức mạnh cho bài thơ.

+ Ý nghĩa: Tìm hiểu ý nghĩa sâu xa, thông điệp mà bài thơ muốn truyền tải.

5. Một số bài tập liên quan đến thể loại thơ tự do

5.1. Trắc nghiệm

Câu 1: Thơ tự do được hiểu là:

A. Không bị ràng buộc vào các quy tắc nhất định về số câu.

B. Không bị ràng buộc vào các quy tắc nhất định về số khổ.

C. Không nhất thiết phải có vần.

D. Không bị ràng buộc vào các quy tắc nhất định về số câu, số chữ, niêm, đối,… Nhưng có phân dòng, có nhịp điệu, có thể có vần.

Đáp án: D

Câu 2: Dòng nào không nói lên căn cứ để xác định một văn bản thơ?

A. Về hình thức: số tiếng trong một dòng thơ, số khổ, có vần, nhịp hài hòa…

B. Về nội dung: giãi bày, bộc lộ cảm xúc.

C. Về nhân vật : không hiện diện bằng diện mạo, lai lịch mà bằng cảm xúc, tâm trạng, ước mơ hoặc khát khao…

D. Về nghệ thuật kể chuyện.

Đáp án: D

Câu 3: Nhạc tính trong thơ được tạo nên từ:

A. Thanh điệu phong phú của tiếng Việt.

B. Nhiều yếu tố như nhịp điệu, cách gieo vần, phối thanh.

C. Hiệp vần đa dạng.

D. Âm hưởng của dòng thơ.

Đáp án: B

Câu 4. Thơ có khả năng thể hiện:

A. Cách tính cách, nhân cách khác nhau của con người.

B. Những biến động phức tạp/thăng trầm của đời sống xã hội.

C. Thế giới nội tâm, từ các cung bậc của tình cảm cho tới những chính kiến, những tư tưởng triết học.

D. Những ước mơ về khoa học kỹ thuật của con người.

Đáp án: C

Câu 5: “Ý tại ngôn ngoại” trong thơ được hiểu như thế nào?

A. Lời ít, ý nhiều, chứa đựng và gợi ra ý ở ngoài lời, lời hết mà ý chưa hết…

B. Nói được những điều ngoài tác phẩm.

C. Nói được những điều không ai nghĩ tới.

D. Tất cả các ý trên.

Đáp án: D

Câu 6: Yếu tố nào tạo nên “ý tại ngôn ngoại” trong thơ?

A. Dấu chấm lửng.

B. Ngôn ngữ thơ hàm súc, hình ảnh thơ đa nghĩa, giàu sức gợi…

C. Câu hỏi tu từ.

D. Câu đặc biệt.

Đáp án: B

Câu 7.  Ngôn ngữ thơ có đặc điểm:

A. Tràn đầy cảm xúc.

B. Hàm xúc, giàu hình ảnh nhạc điệu.

C. Thể hiện phong cách người viết.

D. Cầu kỳ, sáng tạo, đậm dấu ấn cá nhân.

Đáp án: C

Câu 8: Thơ có khả năng thể hiện:

A. Cách tính cách, nhân cách khác nhau của con người.

B. Những biến động phức tạp/thăng trầm của đời sống xã hội.

C. Thế giới nội tâm, từ các cung bậc của tình cảm cho tới những chính kiến, những tư tưởng triết học.

D. Những ước mơ về khoa học kỹ thuật của con người.

Đáp án: C

Câu 9: Tính hàm súc của ngôn ngữ thơ được hiểu là:

A. Khả năng miêu tả cuộc sống thần kỳ nhất.

B. Hàm súc cũng có nghĩa là phải chính xác, giàu hình tượng, có tính truyền cảm và thể hiện cá tính của người nghệ sĩ.

C. Khả năng của ngôn ngữ có thể miêu tả cuộc sống, thể hiện cảm xúc một cách cô đọng, ít lời mà nói được nhiều ý/ ý tại ngôn ngoại.

D. Cả b & c.

Đáp án: D

Câu 10: Dòng nào nói lên sự biểu hiện của tình cảm, cảm xúc trong thơ?

A. Luôn vận động từ rung động trực tiếp đến chiều sâu của nhận thức bởi sự kết hợp giữa cảm xúc và suy nghĩ.

B. Luôn đồng nhất, tĩnh tại.

C. Luôn thể hiện trong sự kết hợp giữa cảm xúc và suy nghĩ.

D. Luôn thể hiện gián tiếp qua mạch cảm xúc của nhân vật trữ tình.

Đáp án: A

5.2. Tự luận

Câu 1: Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi:

Người đồng mình thương lắm con ơi
Cao đo nỗi buồn
Xa nuôi chí lớn
Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn
Sống trên đá không chê đá gập ghềnh
Sống trong thung không chê thung nghèo đói
Sống như sông như suối
Lên thác xuống ghềnh
Không lo cực nhọc

(Trích Nói với con, Y Phương, Ngữ văn 9, tập 1. NXB GDVN)

1: Xác định thể thơ của đoạn trích trên

2: Qua đoạn trích, em thấy cuộc sống người đồng mình hiện lên như thế nào?

3: Chỉ ra và nêu tác dụng của hai biện pháp tu từ được sử dụng trong các câu thơ sau:

Sống như sông như suối
Lên thác xuống ghềnh
Không lo cực nhọc

4: Xác định thành ngữ trong khổ thơ trên. Em hiểu ý nghĩa của thành ngữ đó như thế nào?

Đáp án:

1: Thể thơ của đoạn trích trên là thể thơ tự do.

2: Qua đoạn trích, em thấy cuộc sống người đồng mình hiện lên:

- Lối sống hồn nhiên, trong sáng, mạnh mẽ, phóng khoáng, vượt lên mọi gập ghềnh của cuộc đời.

- Cuộc sống không dễ dàng, bằng phẳng, nhưng họ dũng cảm đối mặt.

3:

- Biện pháp tu từ được sử dụng trong câu thơ

Sống như sông như suối
Lên thác xuống ghềnh
Không lo cực nhọc

+ So sánh: sống như sông như suối

+ Ẩn dụ: lên thác xuống ghềnh

- Tác dụng của biện pháp tu từ đó là:

+ Cho thấy cuộc sống cực nhọc, vất vả của người đồng mình.

+ Nhấn mạnh lối sống tự nhiên, phóng khoáng, đầy nghị lực và ý chí, mạnh mẽ của “người đồng mình”

+ Bộc lộ niềm tự hào về “người đồng mình”

4:

Thành ngữ được sử dụng trong khổ thơ trên là: “Lên thác xuống ghềnh”.

Ý nghĩa của thành ngữ: Đó là nỗi vất vả, lam lũ, những khó khăn mà con người nơi đây phải trải qua.

Câu 2: Đọc văn bản:

BÀN GIAO

Rồi ông sẽ bàn giao cho cháu

Bàn giao gió heo may

Bàn giao góc phố

Có mùi ngô nướng bay

 

Ông sẽ chẳng bàn giao những tháng ngày vất vả

Sương muối đêm bay lạnh mặt người

Đất rung chuyển, xóm làng loạn lạc

Ngọn đèn mờ, mưa bụi rơi

 

Ông bàn giao tháng giêng hương bưởi

Cỏ mùa xuân xanh dưới chân giày

Bàn giao những mặt người đẫm nắng

Đẫm yêu thương trên trái đất này

 

Ông chỉ bàn giao một chút buồn

Ngậm ngùi một chút, chút cô đơn

Câu thơ vững gót làm người ấy(1)

Ông cũng bàn giao cho cháu luôn.

 (Theo Vũ Quần Phương”(2)

Văn nghệ quân đội Xuân Giáp Ngọ 2014, tr.86)

Chú thích:

(1) Câu thơ Cắn răng mà chịu thiệt, vững gót để làm người.

(2) Vũ Quần Phương (sinh năm 1940) tên thật là Vũ Ngọc Chúc, quê cha ở Nam Định nhưng ông hầu như sinh sống và gắn bó cả đời với mảnh đất Hà Nội quê mẹ. Ông là một bác sĩ nhưng yêu thích văn chương, ông sáng tác thơ và viết phê bình văn học. Thơ ông giản dị, sâu sắc mà hóm hỉnh, khoa học, suy tưởng mà ăm ắp trữ tình.

Thực hiện các yêu cầu sau:

1. Trong bài thơ, nhân vật người ông sẽ bàn giao cho cháu những thứ gì?

2. Trích dẫn câu thơ có cụm từ vững gót làm người mà người ông muốn bàn giao cho cháu.

3. Ở khổ thơ thứ hai, có những thứ mà người ông chẳng bàn giao cho cháu. Theo em, vì sao người ông lại không muốn bàn giao cho cháu những thứ đó?

4. Hãy chỉ ra và phân tích biện pháp điệp ngữ được sử dụng trong bài thơ?

5. Chúng ta hôm nay đã nhận bàn giao từ thế hệ cha ông đi trước rất nhiều điều quý giá, thiêng liêng. Theo em, chúng ta cần có thái độ gì trước những điều được bàn giao ấy?

Đáp án:

1. Trong bài thơ Bàn giao, nhân vật người ông bàn giao cho cháu những thứ sau: gió heo may; góc phố có mùi ngô nướng bay; tháng giêng hương bưởi - cỏ mùa xuân xanh dưới chân giày; những mặt người đẫm nắng - Đẫm yêu thương trên trái đất này; một chút buồn; ngậm ngùi một chút, chút cô đơn; câu thơ vững gót làm người.

2. Câu thơ có cụm từ vững gót làm người mà người ông muốn bàn giao cho cháu là: Cắn răng mà chịu thiệt, vững gót để làm người.

3. Người ông chẳng bàn giao cho cháu vì:

- Những thứ đó là những dấu hiệu của sự lam lũ, vất vả: những tháng ngày vất vả; sương muối đêm bay lạnh mặt người; của cuộc sống chiến tranh, loạn lạc, đau thương: đất rung chuyển, xóm làng loạn lạc; ngọn đèn mờ, mưa bụi rơi mà thế hệ ông đã phải trải qua, ông không muốn cháu phải hứng chịu những điều ấy.

- Vì ông rất yêu thương cháu, mong cháu và thế hệ của cháu được sống cuộc sống hoà bình, ấm no, hạnh phúc.

4.

- Biện pháp điệp ngữ được sử dụng trong bài thơ: Bàn giao

- Tác dụng:

+ Tạo liên kết, tạo nhịp điệu, giúp cho cách diễn đạt trở nên sinh động, hấp dẫn,

lôi cuốn.

+ Từ bàn giao được điệp đi điệp lại xuyên suốt bài thơ, từ nhan đề tới từng khổ thơ, đã nhấn mạnh nội dung chủ đề của bài thơ, nhấn mạnh những điều mà người ông muốn và không muốn bàn giao, trao gửi lại cho người cháu.

+ Qua đó, thể hiện tình cảm yêu thương, mong muốn tốt đẹp mà người ông - cũng là thế hệ đi trước dành cho người cháu - thế hệ sau.

5. Chúng ta cần có thái độ trước những điều được bàn giao ấy là:

- Biết ơn những gì thế hệ cha ông đã để lại cho mình;

- Trân trọng, tự hào về những điều đó;

- Có ý thức gìn giữ, bảo vệ những thứ đã được nhận bàn giao từ thế hệ trước.

- Cần cố gắng phát huy những gì đã được tiếp nhận để tiếp tục bàn giao cho những thế hệ mai sau;

Câu 3: Đọc đoạn trích:

CHIM NGÓI

(Ngô Văn Phú)

Không hiểu từ đâu

Cứ mùa thu

Chúng bay về khắp cánh đồng,

siêng năng nhặt đỗ,

Những đàn chim ngói,

mặc áo màu nâu,

đeo cườm ở cổ,

chân đất hồng hồng,

như nung qua lửa.

Mang theo ngọn gió mùa đông bắc đầu tiên

Mùa màng bỗng rực rỡ lên những sắc màu đẹp nhất.

Chúng đem những tinh chất xa xôi từ

hững khoảng trời

Về hoà với sức mỡ màu của đất.

 

Hương đồng, hi vọng tràn trong mắt,

những tiếng cười bay dọc xóm vui.

 

Sao tôi thấy chúng giống những cô gái làng tôi,

Những cô gái báo hiệu những mùa màng bát ngát.

(Trích tuyển tập Thơ Việt Nam 1945 – 1975, NXB Tác phẩm mới, 1970, tr. 283)

Thực hiện các yêu cầu sau:

1. Xác định nhân vật trữ tình trong bài thơ.

2. Chỉ ra những chi tiết, hình ảnh miêu tả vẻ bề ngoài của những đàn chim ngói mùa thu.

3. Nêu tác dụng của biện pháp tu từ nhân hóa được sử dụng trong hai dòng thơ:

Chúng đem những tinh chất xa xôi từ những khoảng trời

Về hoà với sức mỡ màu của đất.

4. Nhận xét vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật trữ tình được thể hiện qua bài thơ.

5. Thông điệp sâu sắc nhất mà em rút ra qua bài thơ là gì? Vì sao?

Đáp án:

1: Nhân vật trữ tình là nhân vật tôi

2: Những chi tiết, hình ảnh miêu tả vẻ bề ngoài của những đàn chim ngói mùa thu là: mặc áo màu nâu; đeo cườm ở cổ; chân đất hồng hồng.

3.

- Biện pháp nhân hoá: Chúng (những đàn chim ngói mùa thu) đem những tinh chất xa xôi từ những khoảng trời về hoà với sức mỡ màu của đất.

- Tác dụng:

+ Nhấn mạnh những đàn chim ngói siêng năng, chăm chỉ, quấn quýt với mùa màng, làm đẹp thêm cho những cánh đồng mùa thu.

+ Thể hiện sự gắn bó, tình yêu của nhân vật trữ tình dành cho những đàn chim ngói trên cánh đồng quê hương.

+ Làm cho cách diễn đạt thêm sinh động, giàu hình ảnh, gợi cảm xúc.

4.

- Nhân vật trữ tình có tâm hồn yêu thiên nhiên, gắn bó với thiên nhiên; có cách cảm nhận thiên nhiên tinh tế, giàu cảm xúc. Vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật trữ tình được thể hiện qua việc cảm nhận vẻ đẹp và ý nghĩa của những đàn chim ngói bay đến những cánh đồng vào mùa thu.

- Nhận xét vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật trữ tình: Đó là một tâm hồn đẹp đẽ, tinh tế, được bắt nguồn từ sự quan sát, gắn bó và giao cảm với thiên nhiên. Trước vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật trữ tình, em nhận thấy mình cần phải biết yêu thiên nhiên và trân trọng thiên nhiên quanh mình hơn.

5. Thông điệp sâu sắc qua đoạn trích:

- Cần giao cảm với thiên nhiên, cảm nhận vẻ đẹp của thiên nhiên quanh mình.

- Cần biết trân trọng và bảo về thiên nhiên quanh mình.

- Yêu quý và gắn bó với quê hương.

Câu 4: Đọc văn bản sau:

THÁNG NĂM CỦA BÀ

Tháng năm có đàn chim ngói về ăn hạt trên cánh đồng bà ngoại

Trời thì xanh như không thể biếc hơn

Cháu đội nón đôi chân trần trên đất

Gặt về phơi cả ba tháng nhọc nhằn

 

Ba tháng nhọc nhằn nuôi mày lớn lúa ơi

Hoa cỏ may đan chéo bàn chân bà tứa máu

Mồ hôi xuống như mưa là tháng sáu

Lưng bà còng lưng lúa trĩu như nhau

 

Bà ngoại trồng lúa, bà ngoại nhai trầu

Suốt một đời không đi ra ngoài mái đình bến nước

Nỗi vất vả ấy lấy gì mà đo được

Như hạt thóc nảy mầm trổ bông

 

Tháng năm này cánh đồng bà có nhiều chim ngói không

Lưng bà mỗi ngày lại gần hơn mặt đất

Cháu mong lắm được trở về đi gặt

Phơi giúp bà hạt giống để mùa sau

 (Bình Nguyên Trang, Chi em và chiếc bình pha lê biết,

NXB Hội nhà văn 2003, tr.87-88)

Thực hiện các yêu cầu sau:

1. Xác định đối tượng trữ tình của văn bản.

2. Liệt kê những hình ảnh xuất hiện trên cánh đồng bà ngoại vào thời điểm tháng năm.

3. Chỉ rõ cách gieo vần của tác giả trong đoạn thơ:

Ba tháng nhọc nhằn nuôi mày lớn lúa ơi

Hoa cỏ may đan chéo bàn chân bà tứa máu

Mồ hôi xuống như mưa là tháng sáu

Lưng bà còng lưng lúa trĩu như nhau

4. Anh chị hiểu nội dung hai câu thơ sau như thế nào?:

Ba tháng nhọc nhằn nuôi mày lớn lúa ơi

Hoa cỏ may đan chéo bàn chân bà tứa máu

5. Nêu tác dụng của biện pháp tu từ so sánh trong hai câu thơ:

Mồ hôi xuống như mưa là tháng sáu

Lưng bà còng lưng lúa trĩu như nhau

6. Nội dung hai câu thơ Cháu mong lắm được trở về đi gặt/ Phơi giúp bà hạt giống để mùa sau gợi cho anh/chị những suy nghĩ gì?

7. Từ bài thơ Tháng năm của bà, em hãy lí giải vì sao hình ảnh người bà luôn gắn liền với kí ức tuổi thơ của con người?

Đáp án:

1. Đối tượng trữ tình: bà ngoại

2. Những hình ảnh xuất hiện “trên cánh đồng bà ngoại” vào thời điểm tháng năm: Đàn chim ngói về ăn hạt; Trời thì xanh; Cháu dội nón đôi chân trần trên đất; Gặt về phơi cả ba tháng nhọc nhằn

3. Cách gieo vần trong những dòng thơ: Gieo vần chân au: máu, sáu, nhau; Gieo vần lưng ưa: tửa, mưa

4. Nội dung của hai câu thơ:

- Nhấn mạnh những vất vả, cơ cực, nhọc nhằn của người bà trong quá trình chăm sóc cây lúa từ lúc gieo trồng đến lúc trổ bông chín vàng.

- Thể hiện tình yêu thương bà sâu đậm; sự đồng cảm, thấu hiểu, xót thương; biết ơn và trân trọng của người cháu đối với bà.

5. Biện pháp tư từ so sánh: mồ hôi xuống như mưa, lưng bà còng như lưng lúa trĩu. Tác dụng:

- Làm rõ nỗi vất vả, khổ cực của bà trong cuộc sống, sự đánh đổi sức khoẻ, tuổi tác của bà để có được một vụ mùa bội thu.

- Từ đó tác giả bộc lộ niềm thương cảm cũng như thái độ trân trọng, biết ơn dành cho người bà đáng kính của mình.

- Làm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.

6.

- Nội dung hai câu thơ: thể hiện niềm mong ước của cháu được trở về bên bà, được đỡ đần bà làm lụng và được giữ gìn cho hạt giống mùa sau.

- Suy nghĩ:

+ Nhận ra vai trò quan trọng của bà và những người thân yêu ruột thịt, nhận ra giá trị của gia đình, của yêu thương chia sẻ giúp đỡ với những người mình yêu quý; biết ơn, nhận ra trách nhiệm của mình trong việc gìn giữ và trao truyện những tình cảm tốt đẹp ấy đến thế hệ tương lai.

Câu 5:  Đọc văn bản sau:

Việt Nam

Đẹp tựa dòng suối trong

Trái tim hồng chảy máu

Bởi cuộc sống các bạn

Đau thương vì bom đạn

Của kẻ giết người

Nhưng đôi bàn tay

Vẫn không ngừng tranh đấu

Người bạn nhỏ Việt Nam

Vắng nụ cười trên môi

Bạn không có bát cơm

Đế xua cái đói xanh người

Bạn thiếu cả cốc nước

Để đuổi cái khát

Việt Nam! Việt Nam yêu dấu

Tôi dù ở nơi xa

Vẫn gần gũi với nhau, người tranh đấu

Tôi kêu gào thiết tha

Cả thế giới đòi thét vang

Tự do

Hạnh phúc

Cho Việt Nam.

(Miraya Hilimet, Bức thư ngỏ Việt Nam, in trong phần chú thích của bài thơ Gửi bạn Chi Lê của tác giả Trần Đăng Khoa, in trong Tuyển tập thơ Trần Đăng Khoa. Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật đợt I, NXB Lao động, 2004, tr.5)

Chú thích:

Miraya Hilimet 15 tuổi ở Santigo Chi Lê có bài thơ “Bức Thư Ngỏ Gửi Việt Nam” được đăng trên báo Thiếu niên Tiền phong số 524. Nhà thơ Trần Đăng Khoa đã viết bài thơ Gửi bạn Chi Lê để hồi đáp bức thư của Miraya Hilimet.

Thực hiện các yêu cầu sau:

1. Xác định thể thơ của văn bản.

2. Tìm các từ ngữ, hình ảnh thể hiện hoàn cảnh của đất nước Việt Nam được nhắc tới trong bài thơ.

3. Xác định biện pháp tu từ được sử dụng trong các câu thơ:

Bạn không có bát cơm

Để xua cái đói xanh người

Bạn thiếu cả cốc nước

Để đuổi cái khát

4. Nhận xét hiệu quả của biện pháp tu từ được sử dụng trong các câu thơ:

Việt Nam

Đẹp tựa dòng suối trong

Trái tim hồng chảy máu

5. Nhận xét về tình cảm của nhân vật trữ tình được thể hiện trong bài thơ.

6. Những câu thơ cuối của bài thơ gợi cho em những suy nghĩ gì?

Tôi dù ở nơi xa

Vẫn gần gũi với nhau, người tranh đấu

Tôi kêu gào thiết tha gia thất

Sao anh lại về vào lúc này?

Cả thế giới đòi thét vang

Tự do

Hạnh phúc

Cho Việt Nam...

7. Từ bài thơ và liên hệ với kiến thức cuộc sống, em hãy nhận xét về một vẻ đẹp của con người Việt Nam trong thời kì chiến tranh. Trả lời trong một đoạn văn khoảng từ 5 – 7 câu.

Đáp án:

1.

Thể thơ: Tự do

2.

Các từ ngữ, hình ảnh chỉ hoàn cảnh của đất nước Việt Nam trong bài thơ: trái tim hồng chảy máu, bom đạn, không có bát cơm, cái đói, cái khát.

3.

 Phép điệp cấu trúc cú pháp: Bạn ... để...

4.

Biện pháp tu từ: So sánh Việt Nam đẹp - dòng suối trong; ẩn dụ: Trái tim hồng chảy máu ẩn dụ cho hoàn cảnh đau thương của đất nước thời kì chiến tranh. Tác dụng:

- Tăng sức gợi hình, gợi cảm cho câu thơ, làm cho câu thơ giàu tính hình tượng.

- Nhấn mạnh vẻ đẹp của đất nước Việt Nam qua biện pháp so sánh, nhấn mạnh hoàn cảnh đau thương bởi chiến tranh qua biện pháp nghệ thuật ẩn dụ.

- Thể hiện cái nhìn ưu ái của tác giả trước cảnh đẹp của đất nước Việt Nam đồng thời thể hiện niềm đồng cảm, thương xót trước cảnh bị thương của đất nước Việt Nam.

5.

Tình cảm của nhân vật trữ tình thể hiện trong bài thơ:

- Dành tình cảm yêu mến đặc biệt đối với đất nước và con người Việt Nam: yêu vẻ đẹp tựa như dòng suối trong, yêu những em bé ngây thơ, yêu những con người tranh đấu.

- Đồng cảm, thương xót khi đất nước Việt Nam lâm vào hoàn cảnh khói lửa chiến tranh, khi chứng kiến những em bé Việt Nam đói, khát.

- Khâm phục con người Việt Nam đau thương vì bom đạn chiến tranh nhưng không ngừng tranh đấu.

- Khát vọng độc lập, tự do, hạnh phúc cho đất nước Việt Nam, mong mỏi Việt Nam trở thành một quốc gia hoà bình.

6.

- Nội dung của những dòng thơ cuối: Mặc dù là con người ở một đất nước khác xa xôi nhưng nhân vật trữ tình khẳng định mình luôn kề vai sát cánh bên những người tranh đấu, bên dân tộc Việt Nam và tha thiết kêu gọi thế giới cùng chung tay đòi lại tự do, hạnh phúc cho người dân Việt Nam.

- Những dòng thơ gợi suy nghĩ:

+ Nhân vật trữ tình trong bài thơ là người có trái tim nhân ái, có tình yêu thương to lớn đối với đồng loại, dù ở một đất nước xa xôi, dù không cùng màu da sắc tộc nhưng luôn dành những tình cảm đặc biệt cho đất nước và con người Việt Nam.

+ Mỗi con người sống trên Trái Đất này, dù bất kể là ai đều cần có trách nhiệm chung tay về một thế giới hoà bình.

+ Chiến tranh dù xảy ra ở bất kì nơi đâu đều gây ra những hậu quả khó lường, cướp đi tự do, hạnh phúc của con người. Vì vậy, chúng ta cần lên án mạnh mẽ với những cuộc đấu tranh vũ trang đáng sợ này.

7.

Vẻ đẹp nổi bật của con người Việt Nam trong chiến tranh là tinh thần đoàn kết. Tinh thần đoàn kết được thể hiện rất rõ trong tất cả các cuộc kháng chiến của chúng ta trong quá khứ: Tinh thần ấy được bắt nguồn từ lòng yêu nước sâu sắc. Bất cứ ai sinh ra là con người Việt Nam đều có lòng tự tôn dân tộc, lòng yêu nước nồng nàn nên khi có kẻ thù xâm lược, tất cả mọi người đều đồng lòng vì một mục tiêu chung. Tinh thần đoàn kết được thể hiện ở mối quan hệ chặt chẽ giữa tiền tuyến và hậu phương, giữa hậu phương với hậu phương, giữa tiền tuyến với tiền tuyến. Tinh thần đoàn kết đó không chỉ có ý nghĩa trong cuộc chiến mà còn có ý nghĩa rất lớn với cuộc sống hoà bình hôm nay.

Xem thêm các bài viết về định nghĩa và khái niệm môn Văn chọn lọc, hay khác:


Đề thi, giáo án các lớp các môn học