Ôn tập một số biện pháp tu từ: tương phản, so sánh, câu hỏi tu từ, ẩn dụ... lớp 7 (Lý thuyết, Bài tập)

Tài liệu Ôn tập một số biện pháp tu từ: tương phản, so sánh, câu hỏi tu từ, ẩn dụ... lớp 7 chọn lọc với lý thuyết chi tiết (định nghĩa, phân loại, tác dụng) và bài tập đa dạng có hướng dẫn giải chi tiết giúp Giáo viên có thêm tài liệu giảng dạy Tiếng Việt lớp 7.

Xem thử

Chỉ từ 300k mua trọn bộ Chuyên đề Tiếng Việt lớp 7 (Lý thuyết + Bài tập) bản word có lời giải chi tiết:

I. Biện pháp tu từ là gì?

- Khái niệm: Là cách sử dụng ngôn ngữ theo một cách đặc biệt trong văn nói, trong văn viết và được sử dụng tùy theo ngữ cảnh nhằm tăng sức gợi hình, gợi cảm trong diễn đạt.

- Tác dụng:

+ Tăng sự gợi hình, gợi cảm cho con người, cảnh vật và thiên nhiên.

+ Nhằm thu hút người đọc, người nghe.

+ Thể hiện sự đa dạng, độc đáo về từ vựng và ngữ pháp tiếng Việt.

+ Giúp người đọc, người nghe dễ nhớ và tạo ấn tượng độc đáo cho người đọc.

+ Thể hiện trọn vẹn tâm tư, tình cảm, cảm xúc, nguyện vọng của tác giả.

II. Tương phản là gì?

– Khái niệm: Phép tương phản (cũng gọi là đối lập) trong nghệ thuật là việc tạo ra những hành động, những cảnh tượng, những tính cách trái ngược nhau để qua đó làm nổi bật một ý tưởng bộ phận trong tác phẩm hoặc tư tưởng chính của tác phẩm.

– Ví dụ: Trong tác phẩm “Sống chết mặc bay”.

=> Sự trái ngược: Người dân đằm mình bỏ mạng khi đê vỡ > < quan sung sướng khi thắng ván bài to.

- Tác dụng: Tạo nên những hành động, cảnh vật, tính cách tương phản, từ đó làm nổi bật một ý, một bộ phận của tác phẩm hoặc tư tưởng chủ đạo của tác giả.

III. So sánh là gì?

- Khái niệm: Là đối chiếu sự vật, sự việc này với sự vật, sự việc khác có nét tương đồng để làm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.

- Ví dụ: Cô gái ấy xinh như nàng tiên vậy!

- Tác dụng: làm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự vật được nhắc tới, giúp câu văn trở nên sinh động, gây hứng thú với người đọc.

IV. Câu hỏi tu từ là gì?

- Câu hỏi tu từ là loại câu hỏi được đặt ra không để tìm kiếm câu trả lời mà thường được sử dụng để gợi mở, tạo cảm xúc, hoặc thể hiện một ý nghĩa sâu sắc nào đó.

V. Ẩn dụ là gì?

- Khái niệm: Là phương thức biểu đạt gọi tên sự vật, hiện tượng này bằng tên sự vật, hiện tượng khác có nét tương đồng với sự vật chính

- Ví dụ: “Vân xem trang trọng khác vời. Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang.”

=> Ẩn dụ “Khuôn trăng đầy đặn”: gương mặt sáng như trăng rằm.

- Tác dụng:

+ Làm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt

+ Mang tính hàm súc, cô đọng, giá trị biểu đạt cao gợi những sự liên tưởng ý nhị, sâu sắc.

VI. Điệp ngữ là gì?

- Khái niệm: là một biện pháp tu từ trong văn học chỉ việc lặp đi lặp lại một từ hoặc một cụm từ, nhằm nhấn mạnh, khẳng định, liệt kê … 

- Ví dụ: Học, học nữa, học mãi.

- Tác dụng: để làm nổi bật vấn đề khi muốn nói đến đến.

VII. Nhân hóa là gì?

- Khái niệm: Là biện pháp tu từ để chỉ hoạt động, tính cách, suy nghĩ…vốn chỉ được dành cho con người để miêu tả đồ vật, sự vật, cây cối…

- Ví dụ: “Heo hút cồn mây súng ngửi trời”

- Tác dụng: Làm cho sự vật, cây cối trở nên gần gũi và sinh động hơn.
VIII. Nói quá là gì?

- Khái niệm: là cách nói phóng đại quy mô, mức độ, tính chất của sự vật, sự việc hay hiện tượng có thật trong thực tế

- Ví dụ: 

“Chọc trời khuấy nước mặc dầu

Dọc ngang nào biết trên đầu có ai” 

(Nguyễn Du)

- Tác dụng: Giúp hiện tượng, sự vật miêu tả được nhấn mạnh, gây ấn tượng, tăng sức biểu cảm cho người nghe, người đọc.

IX. Nói giảm, nói tránh là gì?

- Khái niệm: là biện pháp tu từ dùng cách diễn đạt ý nghĩa tế nhị hơn và uyển chuyển.

- Ví dụ: Bà nội của em đã ra đi được một khoảng thời gian.

- Tác dụng: tránh gây cảm giác quá đau buồn, nặng nề, tránh thô tục, mất lịch sự.

X. Bài tập ôn tập các biện pháp tu từ đã học

Bài 1. Hãy tìm phép ẩn dụ trong những câu thơ dưới đây:

“Trăng cứ tròn vành vạnh

Kể chi người vô tình”

(Ánh trăng – Nguyễn Duy)

Trả lời:

Hình ảnh “trăng cứ tròn vành vạnh” ẩn dụ: trước sau như một, sự chung thủy, vẹn nguyên của thiên nhiên quê hương.

Bài 2. Tìm những hình ảnh so sánh trong các khổ thơ sau:

a.

Bế cháu ông thủ thỉ:

Cháu khỏe hơn ông nhiều.

Ông là buổi trời chiều

Cháu là ngày rạng sáng.

Phạm Cúc

b.

Ông trăng tròn sáng tỏ

Soi rõ sân nhà em

Trăng khuya sáng hơn đèn

Ơi ông trăng sáng tỏ.

Trần Đăng Khoa

Em hãy tìm các sự vật có nét giống nhau được so sánh trong các câu trên.

Trả lời:

a. Các hình ảnh so sánh:

- Sức cháu được so sánh với sức ông: Cháu khỏe hơn ông nhiều.

- Ông được so sánh với buổi trời chiều vì ông đã già.

- Cháu được so sánh với ngày rạng sáng vì cháu ngày càng lớn và khỏe mạnh.

b. Hình ảnh so sánh:

- Trăng được so sánh với đèn: Trăng khuya sáng hơn đèn.

Bài 3. Cho các từ sau: chiếc bút, tán lá xanh. Em hãy đặt câu với những từ nêu trên, có sử dụng biện pháp tu từ nhân hóa.

Trả lời:

- Chiếc bút chăm chỉ nắn nót viết bài.

- Tán lá xanh rung rinh nhảy máy trong làn gió mới.

Bài 4. Sử dụng biện pháp tu từ nói giảm nói tránh để thay đổi câu sau: Chiếc khăn len này được đan thật xấu.

Trả lời:

Chiếc khăn len này được đan thật xấu. → Chiếc khăn len này được đan chưa khéo lắm.

Bài 5. Đặt câu với các thành ngữ dùng biện pháp nói quá sau đây: nghiêng nước nghiêng thành, dời non lấp biển.

Trả lời:

Đặt câu với thành ngữ:

- Kiều có vẻ đẹp nghiêng nước nghiêng thành.

- Việc xây dựng các nhà máy thủy điện, có khác gì chúng ta dời non lấp biển.

Bài 6. Đặt câu miêu tả khung cảnh trên sân trường vào giờ ra chơi có sử dụng phép điệp từ có tác dụng liệt kê.

Trả lời:

Trên sân trường, là những em học sinh đang chơi đá bóng, chơi nhảy dây, chơi đá cầu, chơi đuổi bắt vui vẻ.

Xem thử

Xem thêm tài liệu Chuyên đề Tiếng Việt lớp 7 chọn lọc, hay khác:


Đề thi, giáo án các lớp các môn học