Top 30 Viết truyện kể sáng tạo lớp 9 (điểm cao)
Viết truyện kể sáng tạo lớp 9 hay nhất, ngắn gọn với dàn ý chi tiết giúp học sinh có thêm tài liệu tham khảo để viết văn hay hơn.
- Viết truyện kể sáng tạo (mẫu 1)
- Viết truyện kể sáng tạo (mẫu 2)
- Viết truyện kể sáng tạo (mẫu 3)
- Viết truyện kể sáng tạo (mẫu 4)
- Viết truyện kể sáng tạo (mẫu 5)
- Viết truyện kể sáng tạo (mẫu 6)
- Viết truyện kể sáng tạo (mẫu 7)
- Viết truyện kể sáng tạo (mẫu 8)
- Viết truyện kể sáng tạo (mẫu 9)
- Viết truyện kể sáng tạo (các mẫu khác)
Viết truyện kể sáng tạo - mẫu 1
Trong họ hàng nhà gió, với tuổi đời của mình tôi chỉ được xếp vào hàng trẻ con, mà trẻ con thì luôn thích vui chơi. Tôi cũng vậy, tôi thích bay nhảy khắp nơi, thích đi hết chỗ này tới chỗ kia, thích khám phá mọi thứ. Mọi ngày tôi chỉ hay loanh quanh trong những cánh rừng, bên bờ suối, trên những ngọn đồi cao. Nhưng hôm nay tôi muốn đến những nơi xa hơn, đến nơi gần với cuộc sống của con người hơn. Mới sáng sớm tôi đã chuẩn bị cho chuyến đi thú vị của mình.
Tôi đang bay giữa bầu trời thành phố, không khí lúc sáng sớm vô cùng mát mẻ. Đập vào mắt tôi đầu tiên là những tòa nhà cao chọc trời liên tiếp nhau. Tôi băn khoăn suy nghĩ không hiểu sao loài người có thể xây được những tòa nhà cao như thế. Soi mình trong tấm kính lớn trên một tòa nhà cao: “Oa, sao họ lại làm được tấm kính sáng như vậy nhỉ”. Tôi bay sà xuống thấp hơn nữa, những hàng cây xanh xanh hiện ra trước mắt. Tôi thích cây xanh, tôi bay nhanh luồn lách qua từng nhành cây kẽ lá, tôi thích cảm giác những chiếc lá mướt xanh vỗ về thân thể mình, tôi cũng thích mùi hương thoang thoảng của những hoa bưởi này nữa. Bay thêm chút nữa, tôi thấy phố xá dần trở nên đông đúc, nhộn nhịp hơn, à chẳng phải bây giờ là giờ đi làm đi học của con người hay sao. Tôi thấy những đứa trẻ khoác trên mình cái cặp nặng trĩu đang trên đường đến trường, có đứa được bố mẹ chở tay còn cầm miếng bánh mì đang ăn dở, có đứa vừa đi bộ lại vừa gà gật. Ôi chúng thật đáng yêu làm sao! Trẻ con thì vậy mà người lớn cũng tất bật đi làm, những người làm công sở vội vội vàng vàng để còn kịp giờ. Những người tiểu thương cũng lục đục dọn hàng. Tất cả mọi người ai cũng tất bật, chắc hẳn đây là đặc trưng của nơi thành phố rồi. Những âm thanh huyên náo, tiếng còi xe, tiếng nói chuyện, tiếng mua hàng,.. tất cả hòa vào nhau tạo nên cái sự nhộn nhịp ngay từ lúc sáng sớm. Bay quá nửa buổi, càng đi xa hơn tôi lại càng thấy nhiều thứ hay ho, tôi thấy những màn hình lớn đầy hình ảnh âm thanh trên các tòa nhà cao, tôi thấy những máy bán hàng tự động không cần có người bán, rất nhiều những thiết bị hiện đại.. Quả thật cuộc sống con người ở đây tốt thật.
Mới thoáng cái đã hết nửa ngày, cảnh vật thành phố trong mắt tôi dần lùi xa. Đón ánh mắt tôi bây giờ là một khung cảnh yên bình hơn của một vùng quê nào đó. Những ngọn đồi xanh xanh nối tiếp nhau, những rặng tre đung đưa, những bờ sông trong vắt. Nhìn kĩ hơn là những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi xếp san sát nhau. Khung cảnh ở đây quả thực khác biệt với nơi phố xá đông đúc mà tôi đã thấy qua ban sáng. Trời về chiều, từng đám trẻ kéo nhau lên những ngọn đồi rộng lớn để chơi thả diều. Chúng chạy lấy đà, tay thả từ từ dây diều, rồi cánh diều đón gió làm một đường đẹp mắt rồi vút lên cao. Đám trẻ hò reo thích thú, rồi cứ í ới gọi nhau. Lại có một đám nghịch ngợm hơn mà ra con suối nhỏ bên cạnh làng mà nghịch nước, chúng té nước nhau ướt sũng, rồi một đứa lội hẳn xuống, rồi kéo theo những đứa khác. Cả một đoạn suối ầm ĩ những tiếng nô đùa. Thoáng xa xa là những người nông dân đi làm đồng về, quần áo lấm lem những bùn đất nhưng họ vẫn cười nói chào nhau rất vui vẻ. Rồi mùi bếp rạ nhà ai đang đốt, cả mùi khoai nướng ở đâu thơm phức, ở đây người ta kết thúc một ngày như thế. Trời tối hẳn, đèn từng nhà được thắp lên, không phải thứ ánh đèn sáng choang khắp phố phường mà là thứ ánh sáng hiu hắt tỏa ra ở từng nhà..
Tôi đã đi qua nơi phố xá thành thị đông đúc, tấp nập, cũng đã đến nơi thôn quê thanh bình, yên ả, và tôi nhận ra ở đâu con người cũng phải thích nghi với nơi mình đang sống. Nơi đô thị phồn hoa thì họ cũng phải khiến bản thân nhanh chóng cho kịp với cuộc sống hối hả, và họ sống chậm lại ở cái nơi vùng quê yên bình. Họ đều phải sống, làm việc, tận hưởng cuộc sống. Mỗi nơi có một cách sống khác nhau, chẳng thể so ra từng chút xem cuộc sống ở đâu sẽ tốt hơn, sẽ đem lại nhiều hạnh phúc hơn, mỗi lựa chọn của con người sẽ đem lại kết quả khác nhau. Vậy nên con người hãy chỉ cần sống thật tốt, dù mình ở nơi đâu cũng hãy biến đó thành một nơi đáng sống.
Viết truyện kể sáng tạo - mẫu 2
Tôi là một con cáo nhỏ rất thích đi chơi xung quanh khu rừng nơi tôi sinh ra. Hôm đó, trời nắng rất đẹp, tôi quyết định không chỉ đi ở gần ở khu mình sống nữa mà phải đi xa hơn. Bố mẹ tôi biết ý định của tôi đã dặn tôi:
- Con đi đâu thì đi nhớ quan sát thật kĩ kẻo gặp nguy hiểm.
Tôi đáp lại:
- Dạ con đã nhớ kĩ lời bố mẹ dặn.
Sau đó tôi rất vui vẻ đi thoăn thoắt đã tới khu rừng bên kia, nghe mọi người kể bên này thường tập trung nhiều loài động vật hơn trong đó có cả sư tử. Đi một đoạn tôi nhìn thấy một con hươu đang tất tả chạy qua, tôi liền gọi với theo hỏi:
- Anh Hươu ơi, anh đi đâu mà vội thế?
Anh Hươu ngoái lại đáp:
- Có một con sư tử già ngã bệnh, tôi đang đến đó thăm. Có nhiều bạn khác cũng đến đó, anh anh có rảnh thì đến đó nhé.
Sau đó anh Hươu chạy vụt mất. Cùng với đó tôi nghe tiếng phía xa có tiếng rên la đau đớn. Tôi đi theo đó để đến chỗ bác Sư Tử.
Đến gần cửa hang, tôi định vào nhưng nhớ lại lời bố mẹ dặn phải quan sát thật kĩ trước khi làm mọi việc. Tôi vểnh tai lên, thu lại chân trước vốn đã bước vào trong hang, rồi bước đi thong thả xung quanh sau đó leo tót lên cây cao ung dung ngồi ăn quả táo gần đó. Sư Tử nhìn thấy tôi lùi lại không bước vào mà lại leo lên cây, không nhịn được mà hỏi:
- Cáo ơi! Đã đến đây rồi, sao lại không vào?
Tôi bình tĩnh nhai nốt miếng táo và trả lời:
- Tôi chỉ nhìn thấy dấu chân mấy con vật bước vào, nhưng lại không thấy dấu chân đi ra, thế nên tôi sao dám bước vào?
Nói xong tôi nhảy vút xuống và chạy về hướng khu rừng quen thuộc.
Viết truyện kể sáng tạo - mẫu 3
Chuyến phiêu lưu của chú bé Rồng
Mùa hè năm ấy, khi những bông hoa phượng nở rộ rực rỡ, tôi được ba mẹ cho đi du lịch Đà Lạt. Nơi đây không chỉ có khí hậu mát mẻ, cảnh quan thơ mộng mà còn là nơi lưu giữ một truyền thuyết kỳ bí về chú bé Rồng.
Theo lời kể của người dân địa phương, vào thuở xa xưa, có một chú bé Rồng sống trong hang động bí mật trên đỉnh núi Langbiang. Chú bé Rồng có thân hình màu xanh ngọc bích, đôi mắt long lanh toả sáng và khả năng bay lượn trên bầu trời. Chú bé Rồng rất hiền lành, tốt bụng và luôn âm thầm giúp đỡ người dân trong những lúc khó khăn.
Một ngày nọ, một con quỷ dữ xuất hiện gieo rắc nỗi kinh hoàng cho người dân Đà Lạt. Quỷ dữ to lớn, hung hãn, phun ra lửa và tàn phá mọi thứ. Người dân vô cùng sợ hãi, không biết phải làm gì để chống lại con quỷ dữ. Lúc này, chú bé Rồng dũng cảm quyết tâm tiêu diệt con quỷ dữ để bảo vệ người dân.
Trận chiến diễn ra vô cùng ác liệt. Chú bé Rồng dùng sức mạnh phi thường của mình để chống lại con quỷ dữ. Cuối cùng, sau bao nỗ lực, chú bé Rồng đã chiến thắng và tiêu diệt con quỷ dữ. Người dân Đà Lạt vô cùng biết ơn và ca ngợi chú bé Rồng như một vị anh hùng
Để tưởng nhớ công ơn của chú bé Rồng, người dân đã lập đền thờ trên đỉnh núi Langbiang. Ngôi đền uy nghi, tráng lệ và là điểm đến thu hút du khách khi đến Đà Lạt.
Đứng trước đền thờ chú bé Rồng, tôi cảm thấy vô cùng xúc động và lòng tràn đầy niềm tự hào. Hình ảnh chú bé Rồng dũng cảm, tốt bụng đã trở thành biểu tượng cho tinh thần quật cường và ý chí chiến thắng của người dân Đà Lạt.
Chuyến du lịch Đà Lạt đã cho tôi biết thêm về một truyền thuyết kỳ bí và ý nghĩa. Hình ảnh chú bé Rồng sẽ mãi là một kỷ niệm đẹp đẽ trong tâm trí tôi.
Viết truyện kể sáng tạo - mẫu 4
Vào một đêm mùa đông lạnh giá, tại thành phố nhỏ Riverton, những cơn gió thổi mạnh khiến các cành cây trơ trụi va vào nhau, tạo nên những âm thanh rùng rợn. Cảnh sát trưởng Thomas Hardy ngồi trong văn phòng ấm áp của mình, lơ đãng nhìn ra cửa sổ khi điện thoại đột ngột reo lên. Anh nhấc máy, giọng nói lo lắng của người trực ban vọng ra:
- Thưa sếp, có một vụ án mạng tại biệt thự cũ trên đồi Elm. Ông James Blackwood, chủ nhân ngôi nhà, được tìm thấy đã chết trong phòng làm việc của mình.
Thomas ngay lập tức đứng dậy, lấy áo khoác và vội vã lái xe đến hiện trường. Biệt thự trên đồi Elm là một ngôi nhà cổ, từ lâu đã gắn liền với những câu chuyện kỳ bí và rùng rợn. Khi đến nơi, anh thấy ngôi nhà được bao phủ trong một màn sương mờ ảo, ánh đèn lờ mờ hắt ra từ các cửa sổ.
Cảnh sát địa phương đã có mặt, họ chỉ cho Thomas vào phòng làm việc của ông Blackwood. Căn phòng rộng lớn, bừa bộn với hàng đống sách và giấy tờ. Trên bàn làm việc, ông James Blackwood nằm ngã ngửa, đôi mắt mở to vô hồn. Trên ngực ông là một con dao cắm sâu, máu chảy loang lổ.
Thomas bắt đầu điều tra xung quanh. Không có dấu hiệu xâm nhập từ bên ngoài, cửa sổ và cửa ra vào đều khóa chặt. Ai đó trong nhà có thể là hung thủ. Thomas yêu cầu tất cả người trong nhà tập trung lại: bà quả phụ Emily, con trai trưởng Peter, con gái út Lily, và quản gia lâu năm Mr. Smith.
- Tối qua mọi người ở đâu và làm gì? - Thomas hỏi, mắt lướt qua từng người.
Bà Emily, với khuôn mặt nhợt nhạt, nói:
- Tôi ở trong phòng mình, đọc sách. Tôi không nghe thấy gì cả.
Peter, vẻ mặt căng thẳng, đáp:
- Tôi ở phòng ngủ của mình, tôi đã đi ngủ sớm vì mệt.
Lily, ánh mắt lo lắng, nói nhỏ:
- Tôi ở thư viện, đang đọc sách.
Quản gia Smith, vẻ mặt điềm tĩnh, trả lời:
- Tôi ở nhà bếp, chuẩn bị một số đồ ăn khuya cho ông chủ.
Thomas biết rằng có điều gì đó không ổn. Anh quay lại phòng làm việc, tìm kiếm thêm manh mối. Trên bàn, anh phát hiện một lá thư nửa cháy dở trong lò sưởi. Nội dung thư nói về một khoản nợ lớn mà ông Blackwood đang phải đối mặt. Một người nào đó đe dọa sẽ lấy đi mọi thứ của ông nếu không trả nợ.
Thomas trở lại phòng khách, ánh mắt sắc bén:
- Ông Blackwood đang mắc nợ ai đó rất lớn. Điều này có liên quan đến cái chết của ông. Ai trong số các vị biết về điều này?
Peter bước lên, vẻ mặt căng thẳng:
- Đúng, cha tôi có nói về việc này. Ông đang nợ một số tiền lớn từ một đối tác làm ăn cũ.
Thomas cảm thấy có điều gì đó còn ẩn giấu. Anh quyết định lục soát phòng của mọi người. Trong phòng của Lily, anh phát hiện một chiếc khăn tay dính máu được giấu kỹ dưới gối.
- Lily, giải thích về chiếc khăn này. - Thomas hỏi.
Lily bật khóc, thừa nhận:
- Tôi không giết cha! Tôi chỉ tình cờ phát hiện ra ông ấy bị giết khi đi qua phòng làm việc. Tôi hoảng sợ và vô tình dính máu vào khăn. Tôi sợ quá nên giấu đi.
Thomas vẫn còn nghi ngờ, nhưng không có bằng chứng cụ thể nào. Anh tiếp tục điều tra và phát hiện một chi tiết quan trọng trong nhật ký của ông Blackwood. Ông đã có một cuộc gặp gỡ bí mật với một người không rõ danh tính, và họ đã tranh cãi kịch liệt.
Sau nhiều giờ điều tra và tìm kiếm, Thomas tìm thấy một chiếc nhẫn đặc biệt dưới gầm bàn làm việc của ông Blackwood. Đó là chiếc nhẫn của quản gia Smith. Anh ta bị gọi vào và không thể giải thích việc chiếc nhẫn của mình có mặt ở hiện trường.
Thomas cẩn thận hỏi:
- Tại sao chiếc nhẫn của ông lại ở đây, Mr. Smith?
Mr. Smith lúng túng, sau cùng cũng thừa nhận:
- Ông chủ đã phát hiện tôi biển thủ tiền của gia đình. Ông đe dọa sẽ tố cáo tôi. Trong lúc tranh cãi, tôi mất bình tĩnh và... tôi đã đâm ông ấy.
Vụ án đã được giải quyết. Mr. Smith bị bắt giữ, và sự thật đã sáng tỏ. Thomas rời khỏi ngôi biệt thự, cảm thấy nhẹ nhõm nhưng cũng buồn bã. Ông James Blackwood đã phải trả giá cho lòng tham và sự phản bội, và gia đình ông sẽ mãi mãi không quên đêm kinh hoàng đó.
Viết truyện kể sáng tạo - mẫu 5
Ở vùng đồng cỏ này, ai cũng biết đến Dế Mèn hào hiệp và tốt bụng, thường giúp đỡ, bênh vực kẻ yếu. Dế Mèn thích phiêu lưu đây đó để thưởng thức vẻ đẹp thiên nhiên và tìm người kết bạn.
Một hôm, Dế Mèn đi qua vạt cỏ xước xanh mướt, chợt nghe thấy tiếng khóc tỉ tê. Đưa mắt nhìn quanh, Dế Mèn thấy chị Nhà Trò gục đầu bên tảng đá cuội. Chị Nhà Trò bé nhỏ, gầy yếu quá, lẩy bẩy như vừa mới lột. Chị mặc chiếc áo thân dài điểm những chấm màu vàng. Đôi cánh ngắn cũn, mỏng như cánh bướm, chắc là chị chưa bay được xa. Dế Mèn thương tình, dừng chân hỏi:
- Có chuyện gì mà khóc lóc thế hả Nhà Trò?
Tủi thân, chị Nhà Trò càng nức nở. Dế Mèn gạn mãi, chị mới kể rằng năm ngoái, mẹ con chị đói quá phải đến gặp nhện để vay lương ăn. Thế rồi chẳng may mẹ chị ốm chết, còn chị thì kiếm chẳng đủ ăn nên vẫn chưa trả được nợ cho mụ nhện. Mấy hôm nay, mụ cho đám đàn em chặn đường, khăng khăng đòi món nợ cũ. Chị Nhà Trò xin khất thì chúng đánh chẳng tiếc tay. Ghê gớm hơn nữa là chúng chăng tơ chặn đường ở đằng kia, nếu Nhà Trò đến là chúng vặt cánh, vặt chân ăn thịt.
Nghe Nhà Trò kể xong, Dế Mèn giận lắm quát lớn:
- Chà! Mụ nhện độc ác kia dám lộng hành đến thế sao! Được! Cứ để đấy, xem mụ giở trò gì nào!
Dế Mèn xoè hai chiếc càng mẫm bóng, thứ vũ khí lợi hại làm nhiều kẻ ác khiếp sợ, rồi bảo chị Nhà Trò:
- Em đừng sợ ! Hãy trở về với tôi đây. Đứa độc ác không thể cậy khoẻ mà ăn hiếp kẻ yếu được!
Rồi Dế Mèn dắt Nhà Trò đi. Chị Nhà Trò đã yên tâm nên thôi khóc. Hai người đi được một quãng thì đến chỗ mai phục của bọn nhện.
Viết truyện kể sáng tạo - mẫu 6
Đã lâu lắm rồi, tôi không gặp anh Dế Mèn. Đến bây giờ tôi vẫn nhớ mãi chuyện xảy ra giữa họ nhà Nhện chúng tôi với anh Mèn.
Họ Nhện chúng tôi vốn sống thành bầy đàn và giăng tơ để kiếm mồi. Cũng may, nhờ trời phù hộ mà họ hàng nhà tôi có của ăn của để, còn cho vay nữa. Trong đó có mẹ con chị Nhà Trò đã vay mà không chịu trả. Bà mẹ mất đi, để lại cô con gái yếu ớt. Nó chẳng có khả năng trả nợ nên tôi tức giận lắm. Mấy bận đã cho người đánh nó và còn đe dọa sẽ chăng tơ ngang đường, bắt nó vặt chân vặt cánh ăn thịt. Tôi lấy thế làm hả dạ lắm. Vì tôi vốn ghét những kẻ vay mượn mà ăn quỵt.
Chiều hôm đó, biết Nhà Trò sẽ đi ngang qua nên họ Nhện chúng tôi đã vây lưới giăng bắt. Tất cả đang chờ Nhà Trò đến. Nhưng từ xa tôi thấy Nhà Trò không đi một mình mà đi cùng một chàng Dế khỏe mạnh. Không lui bước, tôi vẫn ra lệnh cho bọn Nhện ra nghênh chiến. Bao nhiêu Nhện mẹ, Nhện con, Nhện già, Nhện nước, Nhện tường…đủ cả. Nhà trò và anh chàng Dế Mèn cũng vừa đến nơi. Nhà Trò sợ hãi nấp sau lưng Dế Mèn. Tôi nhìn thấy nó mà nỗi căm giận trong lòng càng tăng lên. Nó không những không chịu trả nợ mà còn lôi kéo một tên Dế đến để dọa nạt nhà Nhện chúng tôi. Anh chàng Dế Mèn lên tiếng hỏi lớn. Từ trong hốc đá, tôi nhảy ra, hai bên có hai Nhện vách nhảy kèm. Tôi chưa kịp hành động gì thì Dế Mèn đã quay phắt lưng, phóng càng đạp vào đầu tôi một cái đau điếng. Bất ngờ và không kịp phòng thủ, tôi hốt hoảng, co người lại. Bao nhiêu khí thế ban đầu tự nhiên đi đâu mất. Lúc bấy giờ, tôi nhận ra anh chàng Dế này không phải là tay vừa, nếu làm căng thì thiệt hại chỉ về phần mình thôi. Hơn nữa còn bao nhiêu họ Nhện đang ở đây, tôi lại là Nhện chỉ huy nên cũng không đành nhìn nhà mình bị kẻ khác phá hoại. Trách nhiệm của một người chỉ huy khiến tôi phải suy nghĩ. Cuối cùng, tôi rập đầu xuống đất và tỏ ý hối hận, ăn năn và sợ hãi. Hy vọng Dế Mèn sẽ bỏ qua. Tôi cứ rập đầu mãi nên không biết anh ta có đồng ý hay không, chỉ nghe thoáng bên tai tiếng anh ta thét. Lắng nghe điều anh Dế Mèn nói tôi cũng thấy thật chí lí. Gia đình Nhện chúng tôi đã đủ đồ ăn lại có dự trữ, Nhà Trò thì cô độc, yếu ớt thế mà còn cứ đòi nợ mãi. Hơn nữa, tôi không nghĩ rằng, trên đời vẫn có những người nghĩa hiệp, giúp người khác như anh Mèn. Anh ấy quả là người nghĩa khí và hiểu biết. Anh dùng những lời lẽ phải trái để giúp tôi thức tỉnh. Và tôi cũng biết rằng, nếu dùng sức chắc thế nào anh Mèn cũng thắng. Thế là cả nhà tôi mau mau phá hết các vòng vây đã giăng lúc trước, đốt hết văn tự nợ của nhà Trò theo lời Dế Mèn. Nhìn Nhà Trò hạnh phúc khiến tôi cũng rưng rưng. Bọn Nhện nhà tôi chạy ra nắm chân Nhà Trò nhảy múa, hát ca ầm ĩ…
Anh Dế Mèn đã để lại cho tôi một ấn tượng rất sâu sắc. nếu không có anh hôm đó ra tay cứu giúp Nhà Trò thì không biết chúng tôi đã gay ra sai lầm gì. Từ đó, tôi hiểu thế nào là yêu thương, bênh vực kẻ yếu và không được cậy mạnh để bắt nạt người khác.
Viết truyện kể sáng tạo - mẫu 7
Buổi sáng hôm ấy, vừa ngủ dậy, tôi đã nhận được một tờ thông cáo do xã trưởng sai đem tới. Lướt mắt qua tờ thông cáo, tôi choáng váng. Quân khốn nặn! Quân thầm độc! Chúng muốn huỷ diệt dân tộc Pháp vĩ đại và chân chính của chúng tôi bằng việc gạt tiếng mẹ đẻ ra khỏi tiềm thức những đứa con của dân tộc Pháp vùng An-dát và Lo-ren!
Hôm nay là buổi học Pháp văn cuối cùng mà tôi được dạy các học trò thân yêu của mình ư? Ngày mai, chúng sẽ phải học bằng tiếng Đức ư? Rồi chúng sẽ chẳng bao giờ biết đọc biết viết bằng tiếng mẹ đẻ của mình ư? Nghĩ đến điều đó, tôi thật đau lòng. Nước mắt tôi trào ra, chảy qua môi, mặn chát.
Tôi quyết định chọn bộ lễ phục thường mặc khi đi lễ nhà thờ vào ngày chủ nhật làm trang phục cho buổi lên lớp cuối cùng của mình. Và tôi bước vào lớp học, sớm hơn mọi ngày.
Các học trò đã đến khá đông đủ. Nhưng lạ chưa, mọi ngày chúng la hét om sòm khiến tôi cố gào to mới lập lại được trật tự, mà hôm nay chúng ngồi im lặng, nét mặt buồn rầu Có lẽ chúng đã biết chuyện — Tôi nhủ thầm — Thật tội nghiệp cho chúng!.
Điều làm tôi ngạc nhiên hơn cả là trông thấy ở cuối lớp, trên những hàng ghế thường bỏ trống, dân làng đang ngồi lặng lẽ.
Thấy tôi bước vào lớp, cụ già Hô-de (trước đây là xã trưởng) đứng dậy, giọng trang nghiêm run run:
- Thưa thầy Ha-men, dân làng xưa nay không coi trọng việc học hành, đã bỏ phí nhiều thì giờ, giờ hôi cũng không kịp. Xin phép thầy cho dân làng chúng tôi được học buổi học cuối cùng này.
Quá xúc động trước lời đề nghị ấy, tôi không nói được câu nào, chỉ lặng lẽ gật đầu.
Tôi định bắt đầu buổi học sớm hơn thường lệ để học trò của tôi và dân làng được học nhiều hơn. Nhưng lướt nhanh các dãy bàn, một chỗ trống. Phrăng vẫn chưa đến. Cậu học trò nghịch ngợm và lười học của tôi vẫn thế, chắc là đang đùa nghịch dọc đường.
Tôi quyết định chờ Phrăng. Tôi không muốn một học trò nào của tôi không được học bài học cuối cùng này.
Đã quá giờ vào lớp như thường lệ. Vừa lúc đó Phrăng xuất hiện, mặt đỏ bừng, thở hổn hển. Tôi bước lại, âu yếm nắm tay cậu bé, dịu dàng nói:
- Phrăng, vào chỗ nhanh lên con; lớp sắp bắt đầu học mà vắng mặt con.
Sau khi Phrăng đã ngồi vào chỗ của em, tôi bước lên bục, rồi hướng xuống phía lớp học:
- Các con ơi, đây là lần cuối cùng thầy dạy các con. Lệnh từ Béc-lin là từ nay chỉ dạy tiếng Đức ở các vùng An-dát và Lo-ren. Cổ họng tôi tự dưng nghẹn lại. Đám học trò nhỏ của tôi cúi đầu xuống, không khí im lặng bao trùm, đến nỗi nghe được cả tiếng gió thổi và tiếng lá cây xào xạc.
Tôi cố trẫn tĩnh nói tiếp:
- Thầy giáo mới ngày mai sẽ đến. Hôm nay là bài học Pháp văn cuối cùng của các cn. Thầy mong các con hết sức chú ý.
Phía dưới lớp học mấy em gái khóc thành tiếng. Còn đám học trò trai thì nhìn tôi đăm đăm, ánh mắt thảng thốt. Cụ già Hô-de bỏ kính ra, lấy tay áo chấm vào khóe mắt.
Bốn mươi năm nay, tôi đã dạy Pháp văn ở cái làng nhỏ này. Bao nhiêu lớp học trò đã đi qua cuộc đời tôi. Tôi đã phạt không biết bao nhiêu học trò lười học. Tôi đã vụt thước kẻ vào tay chúng khi chúng viết như giun bò. Tuy vậy, chúng thân thương và gắn bó vởi tôi như cha con. Thế mà ngày mai tôi đã phải xa chúng, ra đi rồi không bao giờ trở lại vùng này nữa... Tim tôi nhói lên. Nhìn xuống lớp học, tôi thấy những ánh mắt buồn rầu đang chờ đợi tôi, đang chờ bài Pháp văn cuối cùng!
Tôi gọi học trò đọc bài. Đến lượt Phrăng, cậu không thuộc bài. Nhưng tôi không giận cậu bé. Tôi chỉ trách cha mẹ chúng đã không tha thiết lắm với việc thấy các con có học thức. Cha mẹ chúng chỉ thích cho các con làm việc đồng áng hoặc làm nhà máy sợi để kiếm thêm dăm xu. Rồi tôi tự trách mình. Cả tôi nữa. Tôi đã chẳng sai chúng tưới vườn thay cho việc học đó hay sao? Và khi tôi muốn đi câu cá hương, tôi có ngại ngùng cho chúng nghỉ học đâu?...
Tôi giảng giải cho lũ học trò nhỏ của tôi về tiếng Pháp, bảo chúng rằng đó là thứ ngôn ngữ hay nhất thế giới, trong sáng nhất, vững vàng nhất:
- Các con ạ, phải giữ lấy tiếng Pháp trong chúng ta và đừng bao giờ quên lãng nó, bởi vì khi một dân tộc rơi vào vòng nô lệ, chừng nào họ vẫn giữ vững tiếng nói của mình thì chẳng khác gì nắm được chìa khoá chốn lao tù...
Rồi tôi cầm một quyển ngữ pháp và đọc bài học. Chưa bao giờ tôi đọc say sưa và xúc động đến thế. Dường như bao nhiêu tình cảm với học trò, với bốn mươi năm dạy học, với Tổ quốc dồn cả vào bài học cuối cùng này. Trước khi ra đi, tôi muốn truyền thụ lại toàn bộ tri thức của mình cho học trò, tôi muốn đưa toàn bộ những tri thức ấy vào đầu óc chúng. Đám học trò chăm chú nghe tôi đọc bài. Chúng như uống lấy từng lời của tôi.
Xong bài giảng, chuyển sang viết tập. Tôi đã chuẩn bị cho học trò những từ mẫu mới tinh, viết thật đẹp: Pháp, An-dát, Pháp, An-dát.. Chưa bao giờ bọn trẻ chú tập viết đến thế! Lớp học im phăng phắc! Chỉ nghe tiếng ngòi bút sột soạt trên giấy. Có lúc mấy con bọ dừa bay vào, bọn trẻ vẫn không để ý. Cả những đứa nhỏ nhất cũng vậy, chúng cặm cụi vạch từng nét sổ với một tấm lòng, một ý thức, như thể cái đó cũng là tiếng Pháp... Trên mái nhà trường, chim bồ câu gù thật khẽ. Phrăng ngẩng lên, lắng tai nghe, vẻ nghĩ ngợi.
Tôi ôn tồn bảo cậu bé
- Phrăng, con nghĩ gì thế? Viết bài đi con!
- Thưa thầy, liệu người ta có bắt cả chim bồ câu cũng phải hót bằng tiếng Đức không nh
Tôi bàng hoàng vì câu hỏi của cậu bé. Những trò khác cũng thẫn thờ nhìn tôi!
.... Bỗng đồng hồ nhà thờ điểm mười hai giờ, rồi đến tiếng chuông cầu nguyện buổi trưa. Cùng lúc đó, tiếng kèn của bọn lính Phổ đi tập về vang lên ngoài cửa sổ...
Tôi giật mình vì những âm thanh đó. Tôi đứng dậy, người tái nhợt.
- Các bạn, tôi nói, hỡi các bạn, tôi... tôi...
Nhưng tôi nghẹn ngào không nói được hết câu.
Viết truyện kể sáng tạo - mẫu 8
Tôi vốn là người cùng làng với lão Hạc và ông giáo, cũng chỉ là người nông dân bình thường. Hàng ngày đi làm ruộng, có rảnh rỗi thì sang hút điếu thuốc lào cũng lão. Mọi chuyện vẫn sẽ trôi qua như thế, nếu hôm đó tôi không được chứng kiến câu chuyện giữa lão và ông giáo.
Làng quê khi ấy còn nhiều đói kém lắm, ăn không đủ no, áo không đủ mặc. Người ta vật lộn với miếng ăn cũng đã đủ khổ sở. Vậy nhưng mà cả làng này không ai là không biết lão quý con chó Vàng như quý một báu vật. Lão ăn gì cậu ăn nấy, mà có khi còn ăn hơn. Phần vì sống một mình lắm nỗi buồn, phần vì đó là con chó của cậu con trai để lại, nên lão cũng không nỡ bán. Cứ thỉnh thoảng tôi chạy sang, lại thấy lão ngồi vuốt ve nói chuyện với nó. Thế nhưng lạ thật, mấy hôm nay lại thấy lão cứ thỉnh thoảng tặc lưỡi: “Thôi thì bán phắt đi”. Lão túng thiếu quá rồi sao? Nghĩ vậy, nhưng tôi vẫn tin là lão sẽ không chịu để mất cậu Vàng.
Chiều hôm ấy, tôi ngồi bên nhà ông giáo, khề khà hút thuốc tâm sự. Chợt thấy cái dáng lòng khòng quen thuộc chạy sang. Hình như là lão Hạc rồi. Lão bình thường đã gầy, nay trông lại càng khắc khổ hơn. Đôi mắt đục ngầu lại đỏ hoe như vừa làm điều gì có lỗi. Tức thì, lão nói ngay:
- Cụ Vàng đi đời rồi ông giáo ạ
Tôi và ông giáo như không tin vào tai mình. Một người coi cả con chó ấy là tài sản, lại nỡ lòng nào bán nó. Ông giáo hỏi lại:
- Cụ bán rồi?
- Bán rồi. Họ vừa bắt xong
Lão trả lời chúng tôi, miệng cười nhưng mà như mếu. Hình như lão đang cố tỏ ra vui vẻ, đôi mắt lại còn ầng ậc nước. Tội nghiệp lão quá! Chưa bao giờ tôi thấy xót xa cho một phận người thế này. Không biết ông giáo có còn tiếc năm quyển sách của ông nữa không, nhưng giờ tôi chỉ thấy ái ngại cho lão. Tôi toan đến ôm lấy lão mà an ủi thì ngừng lại, sợ lão khó xử. Tôi và ông giáo lân la hỏi cho có chuyện:
- Thế nó cho bắt à?
Lúc này, biểu hiện của lão càng làm chúng tôi ngạc nhiên hơn nữa. Mặt lão đột nhiên co rúm lại. Những vết nhăn xô lại với nhau, ép cho nước mắt chảy ra. Cái đầu lão ngoẹo về một bên và cái miệng móm mém của lão mếu như con nít. Lão hu hu khóc...
- Khốn nạn... Ông giáo ơi! Nó có biết gì đâu! Nó thấy tôi gọi về thì chạy ngay về, vẫy đuôi mừng. Tôi cho nó ăn cơm. Nó đang ăn thì thằng Mục nấp trong nhà, ngay đằng sau nó, tóm lấy hai cẳng sau nó dốc ngược nó lên. Cứ thế là thằng Mục với thằng Xiên, hai thằng chúng nó chỉ loay hoay một lúc đã trói chặt cả bốn chân nó lại. Bấy giờ cu cậu mới biết là cu cậu chết! Này! Ông giáo ạ! Cái giống nó cũng khôn! Nó cứ làm in như nó trách tôi; nó kêu ư ử, nhìn tôi như muốn bảo tôi rằng: “A! Lão già tệ lắm! Tôi ăn ở với lão như thế mà lão xử với tôi như thế này?”. Thì ra tôi già bằng này tuổi đầu rồi còn đánh lừa một con chó, nó không ngờ tôi nỡ tâm lừa nó!
Lão nói đến đâu mà tôi và ông giáo phải câm lặng đến đó. Trước tình thế ấy, chúng tôi biết phải nói gì? Phải an ủi lão như một đứa con nít, hay hùa theo mà trách lão? Cũng may, ông giáo kịp mở lời:
- Cụ cứ tưởng thế đấy chứ nó chả hiểu đâu! Vả lại ai nuôi chó mà chả bán hay giết thịt? Ta giết nó chính là hóa kiếp cho nó đấy, hóa kiếp để cho nó làm kiếp khác.
Lão giờ cũng đã xuôi xuôi hơn rồi, nhưng giọng nghe vẫn còn chua chát lắm. Có chăng, tiếng kêu cứu hay cái nhìn của cậu Vàng kia vẫn còn ám ảnh lão. Lão lắc đầu nói:
- Ông giáo nói phải! Kiếp con chó là kiếp khổ thì ta hóa kiếp cho nó để nó làm kiếp người, may ra có sung sướng hơn một chút... kiếp người như kiếp tôi chẳng hạn!...
Hai con người khốn khổ ấy cứ ngồi nói chuyện với nhau về kiếp sướng kiếp khổ. Tôi cũng tham gia đôi lời, để lão Hạc tạm yên lòng quên đi chuyện con chó. Nói vậy thôi chứ tôi cũng thầm nghĩ rằng, đêm về lão sẽ còn ân hận nhiều lắm, mà có khi còn làm chuyện dại dột cũng nên. Nghĩ đến đó, tôi chợt rùng mình, chỉ mong sao lão đừng làm những chuyện ấy. Chứng kiến câu chuyện bán chó của lão Hạc mà lòng tôi cũng không yên. Tôi phải suy nghĩ lại xem vì sao lão sẵn sàng bán con chó ấy? Có khi vì lão sợ động đến tiền của đứa con trai? Lão thà để bản thân khổ chứ không để con khổ. Lòng người cha, cũng chỉ rộng đến thế mà thôi!
Biết bao năm trôi qua, nhưng hình ảnh lão Hạc ngày hôm ấy thì tôi vẫn không thể quên được. Thương lão một phần, nhưng cũng vì qua đó, tôi nhận thức được nhiều điều về con người. Lão Hạc đã ra đi ngay đêm đó, nhưng đó phải chăng cũng là cách giải thoát cho lão?
Viết truyện kể sáng tạo - mẫu 9
Tôi luôn ao ước sẽ có một tuổi thơ thật đẹp với những người bạn tuyệt vời mà tôi không hề nhớ rằng tôi đã có một tuổi thơ đẹp đến thế nếu không gặp lại cậu ấy...
Cứ mỗi lần đọc những câu chuyện viết về tuổi thơ trên sách báo tôi lại càng khao khát được như họ. Tôi luôn thắc mắc tự hỏi ''Sao tuổi thơ của họ đẹp thế'', ''Sao tôi lại không có tuổi thơ đẹp như vậy... ?''. Và rồi tôi đã biết ''Tôi là người hạnh phúc''... Tuổi thơ của tôi đã đi xa nay bỗng trở về gõ cửa tâm hồn tôi, tôi đã bàng hoàng, ngỡ ngàng và giật mình vì tôi không thể ngờ tuổi thơ của mình lại tuyệt vời đến thế. Cậu ấy đã xuất hiện - tuổi thơ trong tôi đã quay về...
Đã mười năm kể từ ngày tôi xa quê, xa mọi thứ gắn bó lúc nhỏ và xa cậu ấy. Cái ngày ấy tôi còn nhỏ lắm, cậu ấy cũng vậy. Tôi chẳng còn nhớ đã quen cậu ấy như thế nào, chơi với cậu ấy từ khi nào... chỉ còn nhớ, nhớ rất rõ rằng tôi và cậu ấy đã rất thân nhau. Ngày nào cậu ấy cũng sang nhà và rủ tôi đi nhặt những chiếc vỏ kẹo cao su. Chắc mọi người chẳng ai còn nhớ về loại kẹo ấy nữa,còn đối với tôi đó là thứ không thể quên được. Những chiếc kẹo ấy có hai lớp vỏ, lớp bên ngoài có nền màu xanh, vàng, đỏ với hình những quả bóng tròn to nhỏ khác nhau, lớp vỏ bên trong bọc trực tiếp cái kẹo là mảnh giấy trắng nhỏ được in hình những người máy nhỏ xíu, đẹp đẽ và sống động. Nhà tôi ở ngay cạnh Nhà Văn Hóa, nơi mà nhiều người ra vào và những chiếc vỏ kẹo cũng rất nhiều .Cậu ấy ham mê người máy và ham mê vẽ. Chính vì vậy những chiếc vỏ kẹo với những người máy hùng dũng luôn là chủ đề để cậu ấy vẽ. Từ một người máy mẫu nhỏ xíu bằng đốt ngón tay cậu ấy đã tạo ra một bản sao to cao bằng cả bàn tay người lớn. Cứ mỗi lần vẽ xong cậu ấy lại sang khoe ngay với tôi để được một độc giả trung thành là tôi khen: ''Chà, cậu vẽ đẹp thật''. Những lúc như thế Hùng luôn cười hạnh phúc và rất mãn nguyện với tác phẩm của mình.
Ngày tháng cứ trôi đi với những lần đi nhặt vỏ kẹo, nhặt những chiếc lá khô về đốt hay những khi hai đứa hý hoáy chui trong gầm giường để thử ánh sáng của chiếc đèn pin nhỏ... Chúng tôi luôn vui vẻ,luôn bên nhau. Trong hai cái đầu thơ dại ấy chẳng bao giờ tồn tại ý nghĩ: ''Rồi một ngày nào đó sẽ phải xa nhau và không còn nhớ về nhau nữa !''. Con nhóc sáu tuổi là tôi đã đi xa mà chẳng thèm chào cậu ấy một câu. Mười năm với không một lá thư,không một lần gặp mặt... Tôi đã quên mất sự hiện diện, sự tồn tại của cậu ấy trên cuộc sống này. Tôi đã quá vô tâm, quá lạnh lùng với tuổi thơ để rồi đã bất ngờ, đã hạnh phúc khi gặp lại cậu ấy. Cả hai đều đã khác, đã không còn là những đứa bé sáu tuổi mà đã trở thành cô cậu mười sáu tuổi.
Giờ đây, hơn bao giờ hết tôi luôn thấy mình hạnh phúc vì cũng như những người đã viết về tuổi thơ của mình tôi cũng tự hào và tự hào hơn thế bởi tôi biết: "Tuổi thơ của tôi cũng rất đẹp!''.
Thời gian đã trôi đi và chẳng bao giờ quay trở lại nhưng nếu có một điều ước tôi sẽ ước được quay lại ngày xưa ấy để được cùng cậu ấy nhặt những chiếc vỏ kẹo cao su...
Dù bạn sống trong môi trường nào, dù bạn ở đâu, bạn cũng luôn có một thời thơ ấu với những kỷ niệm ngọt ngào, ấm áp. Tôi tin chắc là vậy bởi cũng giống tôi, tuổi thơ của bạn đã được cất ở một góc nhỏ nào đó trong trái tim mà bạn đã quên mất nó - một phần rất đẹp, rất quan trọng trong cuộc đời mình. Hãy tìm lại nó nhé, chắc chắn bạn sẽ thấy hạnh phúc vì bất ngờ đấy!
Viết truyện kể sáng tạo - mẫu 10
Ngày xưa, ở một gia đình nọ, cha mẹ sinh được hai người con trai. Lúc nhỏ, hai anh em luôn yêu thương, đùm bọc lẫn nha. Thế nhưng, lớn lên, anh có vợ, em có chồng, tình cảm anh em không còn như xưa nữa. Tuy ở cùng một nhà nhưng vẫn hay va chạm.
Thấy các con là anh em lại chẳng yêu thương nhau. Người cha rất buồn lòng. Một hôm, cha gọi cả bốn người con, con trai, con gái, con dâu, con rể lại phòng. Ông đặt trên bàn một bó đũa và một túi tiền rồi nói với các con rằng:
- Ai bẻ gãy được bó đũa này thì cha thưởng cho túi tiền.
Nghe lời cha, bốn người con lần lượt bẻ bó đũa. Thế nhưng cho dù họ có cố gắng thế nào cũng không sao bẻ gãy được cả bỏ đũa.
Đến lúc này, người cha mới cởi bó đũa ra. Ông thong thả bẻ gãy từng chiếc đũa một cách dễ dàng.
Thấy vậy, bốn người con cùng nói:
- Thưa cha, lấy từng chiếc mà bẻ thì có khó gì!
Người cha bèn nói:
- Đúng vậy! Chia lẻ ra thì yếu, hợp lại mới mạnh. Cha hy vọng anh em con cũng như vậy. Các con là anh em cùng một nhà thì cần phải yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Có đoàn kết thì mới có sức mạnh.
Viết truyện kể sáng tạo - mẫu 11
Tạ Duy Anh là một trong những nhà văn nổi tiếng của thế hệ nhà văn trước đây. Văn của ông giàu cảm xúc và làm lay động lòng người bằng tính chân thực, bằng những trải nghiệm và cảm xúc thật sự của con người. Và một trong những tác phẩm nổi tiếng của ông chính là “Bức tranh của em gái tôi”. Tác phẩm đã làm lay động người đọc bởi sự ngây thơ, hồn nhiên trong sáng của một đứa trẻ đã khơi gợi lên tình thương trong lòng của người anh trai.
Câu chuyện bắt đầu với hình ảnh của Kiều Phương, một cô bé có năng khiếu về hội họa nhưng lại rất thích lục lọi đồ và làm bôi bẩn lên mặt nên đã được người anh trai đặt biệt danh là Mèo. Qua những lời bộc bạch, tâm sự đó, chúng ta có thể cảm nhận được những suy nghĩ, những cách đánh giá và những tâm sự thầm kín trong lòng của người anh trai.
Khi thấy em tự sáng tạo ra màu vẽ thì người anh cho rằng đó là những việc làm rất bình thường, trò chơi của những đứa trẻ con vẫn hay làm. Vậy nên sẽ không có gì là ngạc nhiên nếu em mình làm như vậy. Tuy nhiên, khi người họa sĩ Lê Tiến phát hiện được tài năng thực sự của đứa em gái thì người anh trai bắt đầu cảm nhận được sự mặc cảm, tự ti và có chút ghen tị, thua thiệt hơn so với chính đứa em gái thân thiết của mình. Những lời bộc bạch của người anh hay việc xem lén những bức tranh của em gái đều thể hiện được điều đó. Người anh cảm thấy bản thân bị lãng quên, khi mà mọi sự chú ý đều tập trung vào người em gái, mọi sự quan tâm và mọi lời ngợi khen luôn được dành cho em gái. Điều đó khiến người anh trở nên mặc cảm, tự ti và ngày càng xa lánh em của mình hơn.
Đến khi người anh nhận ra nhân vật chính trong bức ảnh đạt giải nhất của Kiều Phương chính là mình, người anh đã đi từ ngỡ ngàng đến hãnh diện và sau cùng là xấu hổ. Đó là cái ngỡ ngàng vì không nghĩ rằng trong mắt em gái mình lại toàn mỹ đến thế. Hãnh diện vì tài năng của em mình, vì sự hoàn hảo của mình trong bức tranh. Bức tranh “Anh trai tôi” là hình ảnh một cậu bé đang nhìn ra ngoài cửa sổ, nơi bầu trời trong xanh. Mặt chú bé như tỏa ra một thứ ánh sáng rất lạ, toát lên ở tư thế ngồi là sự mộng mơ của một tâm hồn thơ bé. Đó là một người anh trong những suy nghĩ và có cả sự tưởng tượng của người em gái. Chính điều đó đã làm cho niềm vui, niềm hạnh phúc của người anh chuyển thành xấu hổ. Dưới con mắt của em gái, người anh thật hoàn hảo, nhưng thực tế người anh chưa làm được những gì xứng đáng với suy nghĩ của người em. Trước bức tranh của em gái, người anh đã nhận ra những khuyết điểm của mình đồng thời cũng hiểu được tình cảm của em.
Bức tranh của em gái tôi là một câu chuyện cảm động về tình cảm anh em sâu đậm. Truyện đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng những độc giả yêu thích tác phẩm của Tạ Duy Anh.
Xem thêm các bài văn mẫu 9 Kết nối tri thức hay khác:
Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 9 hay khác:
- Soạn văn 9 Kết nối tri thức (hay nhất)
- Soạn văn 9 Kết nối tri thức (ngắn nhất)
- Giải lớp 9 Kết nối tri thức (các môn học)
- Giải lớp 9 Chân trời sáng tạo (các môn học)
- Giải lớp 9 Cánh diều (các môn học)
- Soạn văn 9 (hay nhất) - KNTT
- Soạn văn 9 (ngắn nhất) - KNTT
- Giải sgk Toán 9 - KNTT
- Giải Tiếng Anh 9 Global Success
- Giải sgk Tiếng Anh 9 Smart World
- Giải sgk Tiếng Anh 9 Friends plus
- Giải sgk Khoa học tự nhiên 9 - KNTT
- Giải sgk Lịch Sử 9 - KNTT
- Giải sgk Địa Lí 9 - KNTT
- Giải sgk Giáo dục công dân 9 - KNTT
- Giải sgk Tin học 9 - KNTT
- Giải sgk Công nghệ 9 - KNTT
- Giải sgk Hoạt động trải nghiệm 9 - KNTT
- Giải sgk Âm nhạc 9 - KNTT
- Giải sgk Mĩ thuật 9 - KNTT