Soạn bài Tri thức ngữ văn trang 9 - Kết nối tri thức

Với soạn bài Tri thức ngữ văn trang 9 Ngữ văn lớp 9 Kết nối tri thức sẽ giúp học sinh trả lời câu hỏi từ đó dễ dàng soạn văn 9.

1. Truyện truyền kì

- Truyện truyền kì: là thể loại văn xuôi tự sự, phát triển mạnh mẽ từ thời trung đại, dùng yếu tố kì ảo làm phương thức nghệ thuật để phản ánh cuộc sống. Truyện truyền kì thuộc bộ phận văn học viết, tuy nhiên, trong quá trình sáng tạo, các tác giả cũng sử dụng nhiều yếu tố của văn học dân gian. Trong mỗi truyện truyền kì, yếu tố kì ảo và yếu tố hiện thực kết hợp, đan xen một cách linh hoạt. Qua những chi tiết kì ảo, người đọc có thể nhận thấy những vấn đề cốt lõi của hiện thực cũng như quan niệm và thái độ của tác giả.

- Cốt truyện: Truyện truyền kì có khi mô phỏng cốt truyện dân gian hoặc dã sử lưu truyền rộng rãi trong nhân dân; có khi mượn từ truyện truyền kì Trung Quốc. Cốt truyện của truyện truyền kì được tổ chức chủ yếu dựa trên chuỗi sự kiện sắp xếp theo trật tự tuyến tính, có quan hệ nhân quả.

- Nhân vật: Thế giới nhân vật trong truyện truyền kì khá đa dạng, phong phú, trong đó nổi bật nhất là ba nhóm: thần tiên, người trần và yêu quái. Các nhân vật thường có những nét kì lạ, biểu hiện ở nguồn gốc ra đời, ngoại hình hay năng lực siêu nhiên...

- Không gian và thời gian: Không gian trong truyện truyền kì thường có sự pha trộn giữa cõi trần, cõi tiên, cõi âm; các hình thức không gian này không tồn tại tách biệt mà liên thông với nhau. Thời gian cũng có sự kết hợp chặt chẽ giữa thời gian thực và thời gian kì ảo. Thời gian thực với các điểm mốc, các niên đại xác định góp phần tạo nên giá trị hiện thực của truyện truyền kì. Thời gian kì ảo thường được sử dụng khi nói về cõi tiên, cõi âm – nơi mọi thứ ngưng đọng, không biến đổi, không giới hạn.

- Ngôn ngữ: Truyện truyền kì sử dụng nhiều điển tích, điển cố.

2. Điển tích, điển cố

- Điển tích, điển cố: là câu chuyện, sự việc hay câu chữ trong sách xưa, được dẫn lại một cách cô đúc trong văn bản của các tác giả đời sau.

- Những tích truyện, kinh sách, từ ngữ, lời thơ,... khi đã thành điển tích, điển cố đều được xem là mẫu mực, giàu ý nghĩa, cho nên các tác giả thường sử dụng trong văn bản để gia tăng tính hàm súc, uyên bác, trang nhã, gợi liên tưởng phong phú cho người đọc. Điển tích, điển cố có quá trình hình thành và phát triển lâu dài, gắn với văn hoá, văn học của thời xa xưa. Do đó, để hiểu được ý nghĩa của điển tích, điển cố trong tác phẩm, người đọc cần tìm hiểu qua chú giải hoặc tra cứu tài liệu có liên quan.

3. Sự khác biệt về nghĩa của một số yếu tố Hán Việt dễ nhầm lẫn

Trong lớp từ Hán Việt, nhiều từ có những yếu tố đồng âm hoặc gần âm. Các yếu tố này có nghĩa khác nhau, do đó cần lưu ý để tránh nhầm lẫn khi sử dụng.

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 9 Kết nối tri thức hay nhất, ngắn gọn khác:

Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 9 hay khác:


Giải bài tập lớp 9 Kết nối tri thức khác