10+ Phân tích đoạn Thúc Sinh từ biệt Thúy Kiều trong Truyện Kiều
Viết bài văn phân tích đoạn Thúc Sinh từ biệt Thúy Kiều trong Truyện Kiều hay nhất giúp học sinh có thêm tài liệu tham khảo để viết văn hay hơn.
- Phân tích đoạn Thúc Sinh từ biệt Thúy Kiều trong Truyện Kiều (mẫu 1)
- Dàn ý Phân tích đoạn Thúc Sinh từ biệt Thúy Kiều trong Truyện Kiều
- Phân tích đoạn Thúc Sinh từ biệt Thúy Kiều trong Truyện Kiều (mẫu 2)
- Phân tích đoạn Thúc Sinh từ biệt Thúy Kiều trong Truyện Kiều (mẫu 3)
- Phân tích đoạn Thúc Sinh từ biệt Thúy Kiều trong Truyện Kiều (mẫu 4)
Phân tích đoạn Thúc Sinh từ biệt Thúy Kiều trong Truyện Kiều - mẫu 1
“Truyện Kiều” của thi hào dân tộc Nguyễn Du có nói đến nhiều cảnh biệt li - mỗi cảnh là một trang đời thấm đầy lệ trong nỗi đoạn trường của người con gái tài sắc Thuý Kiều. Đoạn thơ Thúc Sinh từ biệt Thúy Kiều là một đoạn thơ tả cảnh ngụ tình tuyệt bút, ghi lại giây phút từ biệt và nỗi buồn của Kiều đối với Thúc Sinh cũng như đối với số phận mình. Nỗi buồn li biệt từ lòng người như thấm sâu vào cảnh vật, tỏa rộng trong không gian và thời gian vô tận.
Thuý Kiều đã được Thúc Sinh “chuộc” ra khỏi lầu xanh. Thúc Sinh không “tài mạo tót vời” như Kim Trọng, và cũng chẳng phải là anh hùng “Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo” như Từ Hải, nhưng là một con người đã yêu thương, say mê nàng Kiều hết mực. Thúc Sinh mãi mãi là ân nhân của Kiều đã cứu vớt nàng ra khỏi vũng bùn nhơ nhớp hôi tanh. Trải qua nhiều trắc trở, hai người đã có một cuộc sồng hạnh phúc thật sự:
Huệ lan sực nức một nhà,
Từng cay đắng, lại mặn mà hơn xưa.
Sau biết bao nhiêu “rày lần mai lữa”: “Cầm tay dài ngắn thở than - Chia phôi ngừng chén, hợp tan nghẹn lời”, Thúc Sinh chia tay Thuý Kiều về nhà gặp Hoạn Thư, để thu xếp chuyện “vườn mới thêm hoa”. Bằng tám câu thơ lục bát, Nguyễn Du đã thông cảm với tình nghĩa gắn bó hai người và nói lên nỗi niềm lưu luyến, tâm trạng cô đơn của họ trong li biệt. Đây là chuyến đi đầy lưu luyến và tràn đầy hi vọng: “Chén đưa nhớ bữa hôm nay - Chén mừng xin đợi ngày rày năm sau”.
Mở đầu đoạn thơ là giây phút đưa tiễn: “Người lên ngựa, kẻ chia bào”. Câu thơ được ngắt thành hai vế tiểu đối, lứa đôi bịn rịn và lưu luyến như bị tách rời ra hai phía của không gian. Sau bao nhiêu dùng dằng trì hoãn, Thúc Sinh đành phải lên ngựa. Và Thúy Kiều đành buông vạt áo của chàng ra. Câu thơ đã làm hiện lên cảnh đưa tiễn trang trọng, lưu luyến của vợ chồng những đại gia, những quý tộc thời xưa. Thời gian chia li ấy đã làm cho không gian và cảnh vật biến đổi:
Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san.
Một bức tranh thiên nhiên bao la, bát ngát với.“rừng phong thu”. Cả một miền quan san - cửa ái, núi non trùng điệp bỗng chốc nhuốm bởi màu sắc đỏ ối của rừng phong. Nơi tiễn biệt này là Lâm Trí, thuộc nước Tề ngày xưa (nay là Sơn Đông), để Thúc Sinh đi về Vô Tích thăm Hoạn Thư. Đây không phải là nơi quan ải, thế nhưng lứa đôi vừa chia tay thì cả rừng phong như đã nhuộm màu biệt li cách trở. Kiều vừa buông áo bào chàng ra, nàng như ngẩn ngơ đứng lặng theo dõi bóng ngựa đi xa dần. Giữa hai người là một vùng quan san hiện ra, ảm đạm, hoang biệt, buồn thấm thìa. Cảnh sắc xa dần, mờ dần:
Dặm hồng bụi cuốn chinh an,
Trông người đã khuất mấy ngàn dâu xanh.
Quan san, dặm hồng, chinh an, ngàn dâu xanh vốn là những từ ngữ giàu sắc thái trữ tình, diễn tả những tâm trạng nảy sinh trên cơ sở chinh chiến tha hương của những binh lính tướng tá xưa, nay được mở rộng vào lĩnh vực tình cảm chia biệt nói chung và ở trong văn cảnh này là sự chia cắt đầy lưu luyến giữa đôi lứa trẻ trung.
Con đường từ Lâm Tri đi về Vô Tích bụi đỏ (dặm hồng) cuồn cuộn bốc lên mờ mịt, cuốn bọc lấy chiếc yên ngựa của người đi xa (chinh yên). Bóng Thúc Sinh dần dần mất hút sau mấy ngàn dâu xanh. Rõ ràng màu sắc của cảnh vật, từ màu đỏ của rừng phong, màu hồng của bụi cuốn theo yên ngựa, đến màu xanh của ngàn dâu vô tận là cả một sắc màu tâm lí, màu của chia li, cách biệt xa xôi. Tâm tư con người ẩn dấu, hiển hiện dưới hình bóng của cảnh vật thiên nhiên, vừa nhẹ nhàng thấp thoáng, vừa cô đơn buồn tủi. Câu thơ “Kiều” như gợi lại cảnh biệt li, dõi trông và thương nhớ của “đôi lứa thiếu niên” trong “chinh phụ ngâm” thuở nào:
Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu
Ngàn dâu xanh ngắt một màu,
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?
Hai câu thơ tiếp theo là hai hình ảnh đối ngẫu: “người về” với “kẻ đi”, đã đặc tả tâm trạng Kiều:
Người về chiếc bóng năm canh
Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi.
Đây là cảm nhận của Kiều về cảnh ngộ và số phận hai người. Cả hai đều cô đơn và nhỏ bé như nhau, thấm thía một cảm giác lẻ loi, bất lực: người về thì “chiếc bóng”, kẻ đi xa thì “một mình”, người thì “năm canh” vò võ thao thức, kẻ thì “muôn dặm... xa xôi”. Lứa đôi ở hai phía chân trời cách trở. Kiều vừa thương mình, vừa thương kẻ đi xa, buồn tủi cho thân phận. Cấu trúc câu thơ rất đặc sắc được thể hiện ở cách sử dụng các số từ đặt trong thế đối lập, tương phản: “chiếc” với “năm”, “muôn” với “một” đã làm nổi bật nỗi buồn thao thức, đơn chiếc, lẻ bóng của nàng Kiều... là vô cùng, vô tận.
Người đời chẳng bao giờ quên được vầng trăng thề nguyền trong cảnh tình giữa “người quốc sắc, kẻ thiên tài”. Người đọc cũng từng bị ám ảnh về vầng trăng li biệt trong đêm thu đầu tiên khi Thúc Sinh từ biệt Thuý Kiều. vầng trăng ai xẻ làm đôi Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường.
Đây là hai câu thơ tuyệt bút, Nguyễn Du đã lấy ngoại cảnh (vầng trăng) để đặc tả tâm cảnh Thuý Kiều. Có phải Kiều và Thúc Sinh, hai người như một vầng trăng tròn bị cắt, bị “xẻ” làm hai nửa? Hay từ nay trở đi, mỗi người một phuơng trời chỉ soi lẻ một vầng trăng mà chỉ thấy một nửa? Trăng thượng huyền hay trăng hạ huyền mà chỉ có một nửa: nửa thì soi gối chiếc của nàng Kiều cô đơn, nửa thì soi dặm trường, một mình lẻ loi của Thúc Sinh?
Câu thơ vừa xót xa, vừa ai oán. Chữ “ai” trong câu thơ “Vầng trăng ai xẻ làm đôi” như một tiếng thở dài ngao ngán về sự bất lực trước số phận. Ai đã đang tâm chia rẽ hạnh phúc tròn đầy, êm thấm của Kiều? Số phận lẽ mọn buộc nàng phải cam chịu và chấp nhận? Vì ai mà Thúc Sinh phải đi về Vô Tích “muôn dặm một mình xa xôi?”. Cuộc chia tay không thể tránh khỏi. Kiều như dự cảm một cuộc chia tay vĩnh biệt đã bắt đầu. Không phải là từ biệt mà là sự chấm dứt của tình duyên. Có thể họ còn gặp nhau nhưng chẳng bao giờ tái hợp nữa. Tràn ngập cả không gian và thời gian là nỗi buồn nhớ xa xôi đến muôn dặm. Thúc Sinh với chuyến đi này sẽ phải “đối diện” với người vợ cả “Ở ăn thì nết cũng hay - Nói điều ràng buộc thì tay cũng già”. Kiều phấp phỏng lo âu, nàng cảm thấy cô đơn hơn bao giờ hết!
Hai câu thơ cuối đoạn đã thể hiện sâu sắc lòng thương cảm xót xa của thi hào Nguyễn Du đỗi với số phận và hạnh phúc của nàng Kiều và cho thấy ngòi bút tài hoa của ông. Gần 200 năm trôi qua, người đọc thật khó phân định nguồn gốc, nguồn cảm hứng của hai câu thơ này. Phải chăng Nguyễn Du đã mượn ca dao để nói lên cảm hứng của mình? Hay là nhà thơ dân gian đã mượn câu thơ “Kiều” để khơi nguồn thi hứng? Rõ ràng “Truyện Kiều” đã thâm sâu vào hồn dân tộc, đã trở thành lời ru, câu hát dân gian:
Vầng trăng ai xẻ làm đôi,
Đường trần ai vẽ ngược xuôi hỡi chàng?
Đưa nhau một bước lên đàng,
Cỏ xanh hai dãy mấy hàng châu sa...
(Ca dao)
Đoạn thơ “Thúc Sinh từ biệt Thuý Kiều” có kẻ ở, người đi, có chia tay bịn rịn, nhưng chủ yếu là sự hòa nhập giữa cảnh vật với con người, giữa tình người và cảnh vật. Cảnh từ biệt, tình chia li đã thể hiện tài tình, cảm hứng sáng tạo về yêu cầu hạnh phúc của tuổi trẻ. Giọng thơ nhẹ nhàng, mênh mang, lan tỏa. Hình tượng vầng trăng bị ai đó “xẻ làm đôi” để lại trong lòng ta bao xót thương ám ảnh. Đặc biệt trong cuộc từ biệt này, nhà thơ không gọi đây là nàng Kiều, kia là chàng Thúc Sinh mà gọi bằng “người”, “kẻ”, những đại từ phiếm chỉ ấy xuất hiện năm lần trong đoạn thơ ở trong hai cảnh ngộ giữa không gian: “người về - kẻ đi” làm cho tình thơ về nỗi buồn chia li, chia lìa mang tầm phổ quát của muôn đời. Đây là cuộc chia tay của tình yêu muôn đời. Nó đã “ngang giá với một thiên phú biệt li”. Đó là lời bình hay nhất, thấm thìa nhất, đích đáng nhất, lời bình của nhà nho Vũ Trinh (1759-1828) đời Nguyễn về tám câu thơ “Thúc Sinh từ biệt Thuý Kiều”.
Dàn ý Phân tích đoạn Thúc Sinh từ biệt Thúy Kiều trong Truyện Kiều
I. Mở bài:
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm.
- Giới thiệu đoạn trích Thúc Sinh từ biệt Thúy Kiều và vị trí của đoạn trích đối với bài thơ.
II. Thân bài:
- Khái quát nhân vật và nội dung chính của đoạn trích.
- Phân tích 4 câu thơ đầu:
"Người lên ngựa, kẻ chia bào,
Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san.
Dặm hồng, bụi cuồn chinh an,
Trông người đã khuất mấy ngàn dâu xanh."
+ Đây là một trong những câu thơ mở đầu của cảnh tượng từ biệt giữa Thúy Kiều và Kim trọng đầy đau lòng. Đó chính là khi cô rơi vào hoàn cảnh cuộc đời là một cô kĩ nữ lầu xanh, đã chung chăn gối biết bao nhiêu người đàn ông, nhục nhã khiến cho lương tâm cô lúc nào cũng không yên nhưng chàng trai tưởng rằng thói trăng hoa Thúc Sinh ấy lại mang lại những ngày tháng hạnh phúc cho Kiều.
- 4 câu thơ tiếp theo:
"Người về chiếc bóng năm canh,
Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi,
Vầng trăng ai xẻ làm đôi,
Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường."
+ Tất cả như nhuốm một màu tâm trạng vừa buồn tủi lại vừa thương thay cho số kiếp của mình, đó là một nỗi buồn thương vô hạn, tất cả sự chung đôi như tan biến vĩnh viễn, tất cả những niềm vui, niềm hạnh phúc cũng theo chàng Thúc Sinh. ở lại bên cạnh Thúy Kiều chỉ còn lại đây những tàn tạ của cảnh vật của tâm trạng. Thúy kiều như mong mỏi, thức trắng nhớ thương hay thiếu bóng chàng Thúc Sinh. Giờ đây khi người thương đã đi khuất bóng thì chỉ còn mình nàng ngồi đây với những buồn thương tủi phận. Vầng trăng không còn nguyên vẹn mà nó nhuốm màu của sự chia lynhư bị xẻ làm đôi và không biết rằng ai sẻ. Sự trống trải lẻ bóng và tâm trạng buồn phiền của Kiều đã nhuốm lấy mọi vật xung quanh
- Đánh giá giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật của đoạn trích.
3. Kết bài.
- Cảm nhận của em về đoạn trích trên.
Phân tích đoạn Thúc Sinh từ biệt Thúy Kiều trong Truyện Kiều - mẫu 2
Thúc Sinh từ biệt Thuý Kiều là một trong những trích đoạn tả cảnh đẹp nhất không chỉ riêng trong Truyện Kiều, mà còn của cả văn chương cổ điển Việt Nam nhiều thế kỷ.
Mối tình của Thúc Sinh và Thuý Kiều ban đầu vốn là mối tình của một nhà buôn đã có vợ và một kỹ nữ xinh đẹp chốn thanh lâu, bề ngoài không có gì khác với những mối tình trăng gió. Nhưng rồi số phận, nỗi đa đoan, sự đa cảm và chiều sâu trong tâm hồn Kiều cùng sự mê đắm của Thúc Sinh đã khiến mối tình đó, trong cái hiện thực khắc nghiệt và khao khát ở thời đại Nguyễn Du và Truyện Kiều, có một giá trị khác biệt.
Nếu cảm nhận sâu hơn về thân thế Nguyễn Du - con của vợ thứ ba quan Tể tướng Nguyễn Nghiễm, và người mẹ sinh ra ông vốn là một phụ nữ nết na xinh đẹp xứ Kinh Bắc nổi tiếng hát hay, bà chết ở tuổi 39, khi Nguyễn Du mới 11 tuổi; ta sẽ hiểu vì sao Nguyễn Du lại dành cho Kiều và mối tình éo le của nàng một sự ưu ái sâu sắc đến như vậy. Và tình yêu, mối liên tài, sự quý trọng vô bờ đối với người phụ nữ đã tạo nên vẻ đẹp kiều diễm và chất thơ đầy lãng mạn trong các Thiên diễm tình của nhân vật Kiều, mà mối tình với Thúc sinh là một.
Trích đoạn miêu tả cảnh Thúc sinh từ biệt Thuý Kiều, khi Thúc sinh theo lời Kiều lên đường từ Lâm Tri, phải trở về Vô Tích trần tình cùng vợ cả, một tiểu thư con quan họ Hoạn.
Bản chất đắm say trong mối tình của họ đã khiến phong cảnh và tâm hồn nhân vật thấm đẫm một nỗi buồn ly biệt:
“Người lên ngựa, kẻ chia bào
Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san
Dặm hồng bụi cuốn chinh an
Trông người đã khuất mấy ngàn dâu xanh
Người về chiếc bóng năm canh
Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi
Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường”
Không một chút dấu vết của những đau thương khổ nhục khi Kiều vừa thoát khỏi lầu xanh của mụ Tú Bà!
Trích đoạn biểu hiện Kiều đã sống hết mình cho Thúc sinh, cho mối tình mây nước của nàng, cho ân nhân, người đã chuộc nàng ra khỏi lầu xanh, người đã say mê nàng và lấy nàng làm vợ. Trong mối tình đó, ta chỉ đọc thấy niềm rung động và vẻ đẹp của một trang tài tử hào hoa với một giai nhân tuyệt sắc.
“Người lên ngựa, kẻ chia bào
Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san”
Ta như hình dung thấy Thúc sinh vừa lên ngựa, lưu luyến không nỡ dứt, còn nàng Kiều vừa phải buộc buông áo của chàng. Cuộc chia tay diễn ra giữa một khung cảnh rừng phong thu đã trở nên đỏ rực.
Người đọc hẳn có thể liên tưởng tới bóng non vàng lộng lẫy trong một áng thơ Kiều:
“Long lanh đáy nước in trời
Thành xây khói biếc, non phơi bóng vàng”
Nhưng dưới con mắt của đôi trai gái chia ly thì rừng phong thu đã tắt đi cái ánh vàng huy hoàng rực rỡ, bởi đã nhuốm một màu quan san tê tái. “Quan san” đấy chính là cửa ải, nơi bên kia con đường sẽ dẫn chàng Thúc, người yêu của nàng Kiều tới Vô Tích, cũng là nơi về sau cả Kiều và Thúc sinh sẽ gặp nhau trong khổ đau và nước mắt.
Có thể cảm nhận được nỗi đau xót của hai người, trong phút chót của cuộc chia tay không thể nào trì hoãn, vì Kiều đã tiễn Thúc sinh tới nơi cửa ải cuối cùng và nàng không thể đi xa thêm được nữa. Nàng cứ nhìn mãi theo con đường đất đỏ mà bụi hồng cuốn theo chân ngựa, và còn nhìn theo mãi ngay cả khi hình bóng Thúc sinh đã khuất qua bao dặm đường trường:
“Dặm hồng bụi cuốn chinh an
Trông người đã khuất mấy ngàn dâu xanh
Có thể khi đọc câu thơ trên, một bạn trẻ thời hiện đại sẽ ngạc nhiên: Có phải nơi “biên ải” ngày xưa người ta trồng dâu? và người ta trồng dâu xanh liền mạch với rừng phong chăng?
Có lẽ rằng không phải. Cho dù cảnh vật ở cuối Lâm Tri có rừng phong và ngàn dâu, thì khi vào thơ, sẽ trở thành ước lệ. Cũng bởi tại chưa một nhà nghiên cứu, một nhà thực vật học nào tìm đến Lâm Tri, suốt chặng đường nơi Thúc sinh từ biệt Thuý Kiều. Ta chỉ hiểu được thiên tiểu thuyết này như là tưởng tượng; và có lẽ là chính Nguyễn Du đã tưởng tượng, đã hoà màu vào bức tranh cổ điển, để dặm hồng biến thành dặm xanh nơi đã xa ngút mắt. Và như vậy là để màu xanh ngắt trở thành cõi vô cùng của biệt ly và xa cách, như hình tượng thơ được điệp lên bởi sự đánh thức trong tâm khảm cái màu xanh trùng trùng trong khúc ngâm não nề của người chinh phụ:
“Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu
Ngàn dâu xanh ngắt một màu
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai”
Nguyễn Du đã láy lại hình ảnh ngàn dâu trong Chinh phụ ngâm khúc nổi tiếng đương thời, để khắc đậm hơn vẻ sầu muộn, vốn là cái mỹ học sâu sắc căn bản của thơ cổ điển phương Đông, khiến không gian và tâm trạng nhân vật được nhuốm một sắc diện u buồn.
Trên cái nền tự sự của cảnh chia ly ấy, hai câu tiếp mô tả tâm trạng hai người trong nỗi chia phôi:
“Người về chiếc bóng năm canh
Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi
Người về/ Kẻ đi - chừng đó diễn tả hai phương của sự xa cách, và hình ảnh chiếc bóng năm canh gợi ra một dung nhan vò võ âm thầm. Hình bóng cô đơn lặng lẽ của nàng Kiều hiện lên giữa một không gian thao thức, còn phía bên kia thời gian hiện lên hình ảnh lẻ loi của Thúc sinh trên con đường muôn dặm. Bằng vào cách đó, Nguyễn Du đã diễn tả một cách thầm kín tấm thương vốn là bản chất rất sâu sắc trong tâm hồn người đàn bà.
Hai câu trên nếu dừng coi làm đoạn kết thì đoạn thơ chỉ có ý nghĩa của chia ly và xa cách, chưa có cái sắc thái đặc sắc của tình yêu. Nhưng cũng như những nhà thơ lớn của nhân loại - những thi sĩ đã viết nên thiên tình ca Tơritxtan và Izơ,…, và cũng như Sêcxpia, như Tônxtôi, Nguyễn Du đã cho trăng về làm ngời sáng cả vòm trời của đôi trai gái đang yêu và khiến nỗi nhớ nhung trở nên thao thiết và bất tử; đồng thời mang đến cho người đọc một hình tượng thơ hay vào bậc nhất, kiều diễm vào bậc nhất trong hình tượng những câu thơ Việt:
“Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường”
Vầng trăng xẻ nửa là vầng trăng tượng lên nỗi phân ly, bị cắt chia đau đớn, không trọn vẹn, không hạnh phúc; nhưng vầng trăng ấy lại sáng soi vằng vặc và đầy thương cảm, nửa cho chiếc gối cô đơn khôn nguôi thao thức của nàng Kiều, nửa cho dặm đường xa xôi vời vợi của Thúc sinh. Riêng ngôn ngữ câu 8 có nhịp điệu 4/4 (một sự đổi nhịp kỳ diệu của câu bát trong lục bát), cộng thêm cấu trúc đối ứng như một tương tư!
Thúc Sinh từ biệt Thuý Kiều cả đoạn vẻn vẹn 8 câu, chỉ thông qua miêu tả, không trực tiếp biểu hiện nỗi lòng nhân vật. Vậy mà đã làm hiện lên cả khung cảnh, con người, cảnh vật, tâm trạng, cùng với những diễn biến của cuộc chia ly, từ lúc bắt đầu, trông theo, trở về, rồi thao thức. Nhân vật chính – nhân vật - cảm xúc là Kiều.
Cứ hai câu lại hiện lên một bức tranh, và Nguyễn Du đã vượt qua những thử thách, những nguyên tắc “thi trung hữu hoạ” bằng thiên tài của mình, để màu sắc, ánh sáng, đường nét và vẻ đẹp ước lệ, vẻ đẹp ngụ tình trong những bức tranh ấy vẫn làm xao xuyến, vẫn làm thổn thức tim ta.
Bức thứ nhất Nguyễn Du lấy màu vàng rực, màu đỏ rực – tức màu vàng đỏ u trầm lộng lẫy của rừng phong làm chủ đạo, bởi sắc diện có pha màu quan tái, để diễn tả cái khung cảnh huy hoàng tê tái của cuộc chia lý. Bức thứ hai Nguyễn Du lấy bụi hồng và màu xanh ngắt (tức dặm xanh) (của ngàn dâu) làm chủ đạo, diễn tả con đường xa muôn dặm và cái nhìn dõi theo đầy thương xót của Kiều; bức thứ ba lấy không gian giãn cách, không gian khuya vắng làm chủ đạo, diễn tả nỗi âu lo xa cách; bức thứ tư lấy ánh trăng - vầng trăng làm chủ đạo, diễn tả nỗi thao thức nhớ nhung. Thời gian trong 4 bức tranh nhất quán, được xếp theo tuyến tính, phù hợp với các lớp lang “truyện kể” nôm và diễn biến tâm trạng nhân vật; đường nét, bút pháp chấm phá, lãng mạn, nên thơ. Bộ tứ 4 bức tranh liên tiếp (cũng như 4 lần Kiều đánh đàn, 4 lần Kiều nhớ nhà) phản ánh cấu trúc mỹ học cân đối, hài hoà của thẩm mỹ cổ điển đương thời, và như ta thường thấy trong bộ bốn bức tranh Tố nữ tuyệt đẹp qua nét vẽ của các hoạ sĩ dân gian.
Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã mô tả ba mối tình của Kiều: Kiều với Kim Trọng, Kiều với Thúc sinh, Kiều với Từ Hải. Mối tình nào cũng sét đánh, cũng si mê ngay từ thuở ban đầu, khi thì dưới trời xuân “Cỏ non xanh dợn chân trời”, khi thì bởi nhan sắc và tiếng cầm ca, khi thì vì lời truyền tụng về cặp mắt xanh cao ngạo của Kiều. Ở nơi nào trong tuổi thanh xuân trong sáng và trong chuỗi trầm luân của cuộc đời Kiều, tình yêu cũng cứu chuộc nàng!
Trước Nguyễn Du đã có những truyện Nôm khuyết danh xuất hiện từ cuối thế kỷ thứ XVII đến giữa thế kỷ thứ XVIII, ca ngợi tình yêu vượt ra ngoài lễ giáo phong kiến, như “Phan Trần”, “Lâm tuyền kỳ ngộ”, “Bạch Viên, Tôn Các”,”Bích Câu kỳ ngộ” … Là một nhà thơ lớn, Nguyễn Du đã viết về tình yêu nam nữ trong khuynh hướng tự do và nhân đạo của thời đại, như một đòi hỏi tự thân và như một nỗi khát khao chính đáng của những đôi trai gái yêu đương. Thiên tài của ông đã để lại trong Truyện Kiều những vần thơ hay nhất về những say đắm và những nỗi nhớ nhung sầu muộn của một tình yêu không trọn vẹn, lãng mạn và đầy bi kịch.
Đoạn trích Thúc Sinh từ biệt Thuý Kiều càng trở nên vô giá vì nó đã ghi lại được một trong những khoảnh khắc tốt đẹp nhất, quý giá nhất của cuộc đời Kiều: - khoảnh khắc được sống trong tình yêu và những giới hạn mong manh của tự do.
Phân tích đoạn Thúc Sinh từ biệt Thúy Kiều trong Truyện Kiều - mẫu 3
Có một người đã từng nhận xét Truyện Kiều của Nguyễn Du là “ mực biết múa, bút biết bay, văn biết nhảy”. thật sự câu nói đó chẳng ngoa chút nào. Đến với Truyện Kiều chúng ta không thể không công nhận sự hấp dẫn của nó. Nói về cuộc đời đầy gian truân của Kiều thì ngòi bút Nguyễn Du như thăng hoa cảm xúc đồng cảm với số phận người phụ nữ. có thể nói trong cuộc đời Kiều đã có những bóng chàng trai đến bên Kiều làm cho Kiều hạnh phúc. Ngoài Kim Trọng, người mà Kiều thật sự yêu thương và kính trọng nhất, ngoài Từ Hải anh hùng cứu vớt đời Kiều thì còn có chàng Thúc Sinh. Tuy rằng chàng Thúc đã có vợ nhưng chính chàng đã có công cứu vớt Kiều ra khỏi lầu xanh. Nhưng thật không may khi cuộc tình ấy cũng đến lúc phải chia đôi vì hoàn cảnh không thể cho phép. Sự chia ly quyến luyến ấy được nhà thơ Nguyễn Du thể hiện rất rõ qua đoạn Thúc Sinh từ biệt Thúy Kiều.
Mở đầu đoạn thơ Nguyễn Du đã mang đến cho người đọc một cảm giác thật chua xót với số phận nàng Kiều:
“Người lên ngựa, kẻ chia bào,
Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san.
Dặm hồng, bụi cuồn chinh an,
Trông người đã khuất mấy ngàn dâu xanh. ”
Trước mắt chúng ta hiện lên một cảnh tượng đầy đau lòng, đó chính là sự biệt li giữa hai con người. Đối với Kiều mà nói tình yêu duy nhất và người yêu mà Kiều yêu nhất đó chính là Kim Trọng thế nhưng trong cái hoàn cảnh cuộc đời là một cô kĩ nữ lầu xanh, nàng đã chung chăn gối biết bao nhiêu người đàn ông. Cái sự nhục nhã khiến cho lương tâm cô lúc nào cũng không yên nhưng chàng trai tưởng rằng thói chăng hoa Thúc Sinh ấy lại mang lại những ngày tháng hạnh phúc cho Kiều. Điều đầu tiên có ý nghĩa rất lớn với Kiều đó chính là được cứu thoát ra khỏi nơi buôn thịt bán người ấy.
Sống với Thúc Sinh không theo một danh nghĩa nào cả, kiều không có một thân phận gì nhưng ít ra Kiều không phải tiếp khách nữa. Và chính sự biết ơn cũng khiến cho Kiều mên chàng. Không những thế chàng như chỗ dựa tinh thần cho Kiều vậy. Nhưng khổ một nỗi chàng lại là người có vợ và người vợ ấy lại rất co uy quyên khiến cho Kiều không thể không e ngại. Kiều khuyên chàng thúc trở về bên Hoạn Thư để tự thú nhưng thâm tâm nàng vẫn như muốn níu lấy chàng lại. Dù gì thì cũng đã mang chút gì đó giống la vợ chồng. Vậy mà nay đôi ngã, Kiều chính là người quyết định nhưng chính cái quyết định ấy cũng khiến cho Kiều không thoải mái. Hình ảnh nàng Kiều níu lấy vạt áo chàng Thúc bịn rịn khó rứt ra rồi khi chàng Thúc lên đến ngựa thì nàng mới chịu buông tay “chia bào”. Có thể nói đó là một hình ảnh đầy nỗi buồn của Kiều. Rừng thu trong thơ cổ lại một lần nữa hiện lên ở đây và nó nhuốm màu quan san. Nhà thơ dùng thủ pháp ước lệ để cho thấy sự xa xôi cách trở của hai người. Và khi những bước chân ngựa xa vạn dặm, bụi cuốn theo những bước ngựa phi ấy thì dần dần hình ảnh chàng Thúc cũng khuất dần sau ngàn dâu xanh.
Thế rồi nàng Kiều ở lại với những trăn trở buồn thương, vậy là từ này chỉ còn mình Kiều mà thôi, không còn ai cho nàng một bờ vai để nàng dựa vào cả:
“Người về chiếc bóng năm canh,
Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi,
Vầng trăng ai xẻ làm đôi,
Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường. ”
Những câu thơ vẽ lên một tâm trạng buồn thương vô hạn, tất cả sự chung đôi như tan biến vĩnh viễn, tất cả những niềm vui, niềm hạnh phúc cũng theo chàng Thúc mà ra đi chỉ còn lại đây những tàn tạ của cảnh vật của tâm trạng. Người con gái năm canh như thức trắng nhớ thương hay thiếu bóng chàng Thúc Sinh. Người thương người nhớ ấy đã vạn dặm mà xa nàng rồi chỉ còn mình nàng ngồi đây với những buồn thương tủi phận. Không chỉ người mà đến cảnh vật cũng nhuốm màu phôi pha của tâm trạng. Vầng trăng ngày nào giờ đây cũng không còn nguyên vẹn mà nó nhuốm màu của sự chia ly. Nó cũng như được xẻ làm đôi và không biết rằng ai sẻ. Có thể nói chính tâm trạng chia ly của Kiều đã làm cho cảnh vật vốn vĩnh hằng cũng không thể trọn vẹn. Nó gợi lên sự tan đàn sẻ nghé buồn tủi của Kiều. Ngay cả đến chiếc giường, cái gối cũng vậy, nó không bị xẻ nhưng nó thiếu đi một người nằm. Sự trống trải khiến cho nhân vật càng chìm trong sự cô đơn.
Qua đây ta thấy được những nét tâm trạng và cảnh chia ly đau khổ của nàng Kiều với chàng Thúc. Hai người có duyên đến với nhau nhưng lại không có phận làm vợ làm chống. Chính điều đó quyết định đến hành động của Kiều. Nhưng qua đoạn trích trên ta thấy là do Kiều bị hoàn cảnh ép buộc chứ bản thân Kiều không hề mong muốn điều đó. Bằng biện pháp nghệ thuật của thơ xưa ước lệ Nguyễn Du đã mang đến cho chúng ta những cảm xúc khó quên về sự khó khăn của nàng Kiều.
Phân tích đoạn Thúc Sinh từ biệt Thúy Kiều trong Truyện Kiều - mẫu 4
Chia li và hội ngộ, hội ngộ và chia li, hai sự kiện trái ngược và nối tiếp chia cái đời thường của mỗi con người ra thành những đoạn, những chặng giàu ý nghĩa hơn. Phải, nếu không có chia li và hội ngộ thì cuộc sống sẽ chỉ là một dòng chảy đơn điệu và nhàm tẻ. Nếu hội ngộ là sướng vui, thì chia li là sầu muộn, đau buồn. Có lẽ vì thế mà thơ ca viết về chia li nhiều hơn, thấm thía hơn, kết tình được nhiều giá trị hơn?
Nói đến những áng thơ ca hay nhất của chia li tiễn biệt, có lẽ không ai quên được đoạn Thúc Sinh từ biệt Thuý Kiều của Nguyễn Du. Cảnh biệt lị, thơ biệt li ở đây đã vĩnh viễn trở thành cổ điển - thêm một lý do để Truyện Kiều bất hủ muôn đời.
Cuộc chia li này được nhìn từ phía người ở, phía Thúy Kiều được Nguyễn Du đã nhập thân vào nàng Kiều để cảm nhận và tải hiện cuộc biệt li một cách sống động và chi li (vì thế, mà nên chăng nhan đề của đoạn trích cần chỉnh lại một chút thì chuẩn xác hơn: Thuý Kiều tiễn biệt Thúc Sinh). Nhà thơ không chịu là người đứng giữa làm nhân chứng, mà nghiêng hẳn về phía Kiều, thương cà đôi lứa, nhưng thương người phụ nữ tài sắc suốt đời bất hạnh nhiều hơn.
Ngay câu mở đầu đã là sự chia phối, đôi câu đầu đã mở thẳng vào cái thế giới của li biệt:
Người lên ngựa, kẻ chia bào,
Rừng phong thu đã Nhuộm màu quan san.
Trong cả đoạn thơ này không còn một từ nào biểu thị sự gắn bó đôi lứa nữa. Kể từ cái câu đầu kia, sự li biệt đã len vào giữa để chia lia lứa đôi rồi. Câu thơ đi nhịp 3/3 không phải tạo ra một cặp gắn kết mà tạo ra sự tan vỡ, câu thơ ngắt đôi để biểu hiện sự trái ngang chia uyên rẽ thuý. Đôi đã vỡ ra thành "người" và "kè", hai nửa chia lìa, hai mảnh cô đơn. Bắt đầu từ đây, mỗi người bị ném vào một thế giới của chia li - "Người lên ngựa/ kẻ chia bào". Họ hãy còn bên cạnh nhau, nhưng mỗi người đã bắt đầu dạt về một thế giới. Câu thứ hai là khung cảnh thiên nhiên mùa thu với sắc màu của li biệt. Chỗ đặc sắc là Nguyễn Du tả chia biệt trước, vẽ thiên nhiên sau. Trật tự tuyến tính của lời thơ cũng như hiệu ứng của nhịp điệu thơ đã tạo ra một hiệu quà nghệ thuật không ngờ. Không phải mùa thu có trước, chia lì xảy ra sau - mùa thu xui khiến buồn sầu. Mà ngược lại, mùa thu bắt đầu hiển hiện, bắt đầu dâng lên từ chính cái giây phút "Người lên ngựa kẻ chia bào". Mùa thu ra đời vào đúng các lúc bàn tay kẻ tiễn buông rời vạt áo người đi. Mùa thu từ đó tràn ra xâm chiếm trời đất, Nhuộm màu cỏ cây. Có phải cứ đọc lên, ta sẽ thấy theo đà của nhịp thơ một thứ sắc thu nào đó vừa mơ hồ vừa hiện hữu cứ loang ra Nhuộm màu lên cả một chuỗi âm thanh trong cập lục bát này? Chỉ "Nhuộm” là chỗ tình diệu của ngòi bút Nguyễn Du. Hai thế kỷ sau, cũng viết về sự biến đổi sắc màu trong cây cỏ, Nguyễn Bính viết:
Ngày qua ngày lại qua ngày,
Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng
(Tương tư)
Trong nỗi tương tư này phải là "nhuộm". Nó đã xong rồi, tĩnh rồi. Anh chờ em từ ngày lá hãy còn xanh, đằng đẵng thời gian đến nỗi đã đủ nhuộm lá xanh thành hẳn cây lá vàng rối! Vậy mà em vẫn hững hờ - cây thì héo úa, người thì héo hon. Còn ở cuộc chia tay Kiều - Thúc lại phải là "nhuộm". Xuân Diệu rất tình khi thấy "nhuộm" là vật chất, "nhuộm" là tình thần. "Nhuộm" còn động hơn, chưa hoàn tất, sự biến màu đang diễn ra. "Nhuộm” còn là cái sắc thái, cái sắc màu vốn từ cuộc chia li của lứa đôi ánh xạ sang cây cỏ, phổ vào mỗi một lá phong! Và "màu quan san" cũng là một thứ màu huyền diệu. Đó là màu đỏ của lá phong, đó cũng là màu của xa xôi diệu vợi, màu cứa lưu luyến lo âu. Các thi sĩ đời sau sẽ còn tạo ra những gam màu lạ nữa. Tế Hanh thi "Trời vẫn xanh một màu xanh Quảng Trị”, Chế Lan Viên thì "Cỏ bên trời xanh một sắc Đạm Tiên"... Nhưng lối pha màu ở đó xem ra để gần gũi với cái "màu quan san” của Nguyễn Tiên Điền.
Dường như tôi đã có phần "quyến luyến" với hai câu đầu? Nhưng làm sao khác được, chỉ riêng hai câu đầu ấy đủ sánh với cả một bài thơ hay!
Thế rồi, theo với vó ngựa của kẻ ra đi, nỗi buồn cứ tràn ra mãi.
Dặm hồng bụi cuốn chinh an,
Trông người đã khuất mấy ngàn dâu xanh.
Ta thấy đôi mắt nàng Kiều nuối nhìn đầy quyến luyến cũng đầy lo âu. Cái bóng của Thúc Sinh là nơi nương tựa, bấu víu duy nhất của nàng Kiều trên cõi đời này vào hoàn cảnh này. Còn thấy bóng người là còn đó chút chơ vơ
Phải nói rằng Nguyễn Du đã phát huy tận độ phép tương xứng của ngôn từ thơ. Và cũng phải thấy rằng lối tương xứng, đối xứng của thể lục bát thật là biến ảo kỳ lạ. Có lúc sự đối xứng tạo ra sự sánh đôi, sóng đôi, gắn kết. Có lúc đối xứng lại tạo ra sự chia rẽ, phân li, lúc thì hợp, lúc lại tan... Trong đoạn thơ này, khi hình thức "đối" xuất hiện là lúc lứa đôi bị đầy về hai cực, hai đầu mút của sự chia lìa. Mỗi người hiện ra như một cá thể trơ trọi, bơ vơ, đơn lẻ Có thể đôi nằm trong tương quan giữa - câu Lục và câu Bát, có thể tiểu đối trong câu Lục, Tiều đối trong câu Bát... thậm chí, bằng lối nói thành ngữ, thi hào Nguyễn Du còn tạo ra phép đối ngay trong từng về nhỏ:
Người về chiếc bóng năm canh,
Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi.
Câu lục: "Người về" - Câu hát: "Kẻ đi", "chiếc bóng năm canh: thời gian - "Muôn dặm một mình": Không gian. Ấy là những câu lớn, về lớn.
Nhìn sâu vào từng vẽ, còn thấy tương phân chi li hơn: "chiếc bóng - năm canh", và "muôn dặm - một mình”. Với hình thức ấy, thi hào đã tạo ra được hai khung trời cô đơn đối với nhau, và thấm thía hơn nữa, trong mỗi một vòm trời ấy mỗi người lại thui thủi trong gánh nặng đơn côi với chính mình. Nhưng cứ đọc kỹ vào câu thư kia mà xem, Nguyễn Du đã hiểu thấu lòng Kiều; cho nên Kiều thương thân một phần, thương chàng Thúc muôn phần. Thúc Sinh được bao bọc trong nhớ nhung và trong lo âu không ngớt của Thuý Kiều. "Muôn dặm một mình xa xôi", đâu chỉ có buồn tủi, có khó nhọc, mà còn đầy những bất trác nữa. Nỗi đời là thế, biệt li bao giờ cũng đong đầy nhớ thương. Nhất là thương!
Đoạn thơ khép lại bằng hai câu vừa Cổ điển vừa rất đỗi hiện đại:
Vầng trăng ai xẻ làm đôi,
Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường.
Đến đây, chúng ta đã thấy thật rõ: hai nửa cô đơn lia xa từ câu đầu và đến lúc này một nửa ấy đã trôi dạt đến tận cùng của xa cách, biệt li. Nỗi sầu chia phôi nhuộm màu quan san, tràn theo vó ngựa loang khắp xứ này. và bây giờ theo với vầng trăng đã giăng mác cả trong bầu trời. Cả vũ trụ đã Nhuốm màu chia li. Dường như họ thấy trong cả vũ trụ chỉ có hai người thôi, và hai người đang trôi dạt ở hai đầu tương tư! Vầng trăng sum hop, đoàn viên đã bị sự chia li ngang trái xẻ thành hai nửa. Đôi câu lục bát này cũng vẽ ra một khung trời, một thế giới riêng phù hợp với người đàn bà Thuý Kiều. Ấy là một khung trời lứa đôi gắn liền với chăn gối. Nỗi nhớ mà Thuý Kiều dành cho chàng Thúc không giống với cái thời còn e ấp với chàng Kim. Nỗi cô đơn gối chiếc gắn liền với những khát khao thầm kín Người đàn bà trông trăng in gối chiếc mà vò võ nhớ mong. Ngày xưa, Trương Cửu Linh cũng viết về sự trông đợi hao mòn cùng với vầng trăng của người thiếu phụ:
Nhớ chàng như mảnh trăng đầy
Đêm đêm vắng sáng hao gầy đêm đêm.
Nhà thơ đời Đường này nghiêng về sự mỏi mòn hao khuyết, còn thi hào Nguyễn Du thì thấy cái nghịch lý của trăng trong nỗi cô đơn. Tràng vẫn đấy, trăng vẫn đấy, nhưng là với những kẻ không cô đơn! Còn với đôi lứa này, mỗi đau xa cách họ vẫn thấy trăng, nhưng họ mang theo bên mình một nửa trăng thôi. Mỗi người chỉ có một nửa trăng khuyết. Chỉ khi nào sum họp hai nửa kia hợp lại mới có một vầng trăng đầy! Lối liên tưởng táo bạo ấy về trăng thật gần gũi với lối tư duy thơ hiện đại. Vậy là Thúc Sinh đã ra đi, từ câu đầu tiên cho đến câu cuối cùng là đi trong lưu luyến, trong lo âu, trong nhung nhớ và cả trong nỗi khát mong đang thầm kín dày vò Thuý Kiều. Thế mới biết Nguyễn Du hiểu những điều sâu kín của con người biết bao, ngòi bút của thi hào nhân bản biết bao!
Là một nhà thơ Cổ điển, Nguyễn Du phải sử dụng những vật liệu ước lệ, cách điệu là điều đương nhiên. Chúng ta có thể thấy thật nhiều, những "chia bào", "dặm hồng", "ngàn dâu xanh", "chiếc bóng, "gối chiếc", "năm canh", "dặm trường"... trong cảnh tiễn biệt này, loại thi liệu ấy rất dễ bị xơ cứng, trơ lì. Và cả trong thực tế, ở không ít tác phẩm Cổ điển, loại thi liệu ấy đã không chở nổi cảm xúc của tác giả vượt qua được thời gian Xúc cảm cứ rơi dần cơ hổ chỉ còn xác chữ.
Còn trong thơ Nguyễn Du không thế. Với một bầu tâm huyết lớn, ông đã gửi xúc cảm của mình vào ngôn từ, chất đầy cảm xúc vào từng câu chữ. Cho nên, cả những chữ có nguy cơ mòn sáo cũng đã được cảm xúc hỏi sinh. Tất cả vẫn có hồn. Lời nào cũng thấm thía. Dưới ngòi bút Nguyễn Du những chữ ấy như mới lần đầu sinh ra. Nó vẫn rung được lòng người đọc Hôm nay, những người sống sau Nguyễn Du hơn hai thế kỷ, cách Nguyễn Du cà một thời đại văn học. Phải chăng đó chính là chỗ khác nhau của ngòi bút thiên tài với ngòi bút khác.
Xem thêm các bài Soạn văn 9 Kết nối tri thức hay nhất, ngắn gọn khác:
Viết bài văn phân tích đoạn miêu tả vẻ đẹp của chị em trong Truyện Kiều
Viết bài văn phân tích đoạn Kiều thề nguyền cùng Kim Trọng trong Truyện Kiều của Nguyễn Du
Viết bài văn phân tích đoạn Kiều ở lầu Ngưng Bích trong Truyện Kiều của Nguyễn Du
Viết bài văn phân tích bi kịch của người phụ nữ trong Chuyện người con gái Nam Xương
Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 9 hay khác:
- Soạn văn 9 Kết nối tri thức (hay nhất)
- Soạn văn 9 Kết nối tri thức (ngắn nhất)
- Giải lớp 9 Kết nối tri thức (các môn học)
- Giải lớp 9 Chân trời sáng tạo (các môn học)
- Giải lớp 9 Cánh diều (các môn học)
- Soạn văn 9 (hay nhất) - KNTT
- Soạn văn 9 (ngắn nhất) - KNTT
- Giải sgk Toán 9 - KNTT
- Giải Tiếng Anh 9 Global Success
- Giải sgk Tiếng Anh 9 Smart World
- Giải sgk Tiếng Anh 9 Friends plus
- Giải sgk Khoa học tự nhiên 9 - KNTT
- Giải sgk Lịch Sử 9 - KNTT
- Giải sgk Địa Lí 9 - KNTT
- Giải sgk Giáo dục công dân 9 - KNTT
- Giải sgk Tin học 9 - KNTT
- Giải sgk Công nghệ 9 - KNTT
- Giải sgk Hoạt động trải nghiệm 9 - KNTT
- Giải sgk Âm nhạc 9 - KNTT
- Giải sgk Mĩ thuật 9 - KNTT