5+ Nghị luận phân tích Ai tư vãn (điểm cao)

Viết bài văn nghị luận phân tích tác phẩm Ai tư vãn (Lê Ngọc Hân) hay nhất giúp học sinh có thêm tài liệu tham khảo để viết văn hay hơn.

Nghị luận phân tích Ai tư vãn - mẫu 1

Bài thơ Ai tư vãn được công chúa Lê Ngọc Hân sáng tác để khóc thương chồng – vua Quang Trung. Bài thơ là dòng huyết lệ của nỗi buồn đau tưởng nhớ, tiếng khóc thành thơ của một bà hoàng, một trong những tác phẩm sáng giá nhất (và có thể là sớm nhất) viết về người anh hùng kiệt xuất Quang Trung Nguyễn Huệ.

Trong "Từ điển văn học" (bộ mới. NXB Thế giới, 2004), ở mục từ "Ai tư vãn", nhà nghiên cứu Nguyễn Lộc viết: "Lê Ngọc Hân (1770 - 1799) là con gái thứ 21 của vua Lê Hiển Tông. Mẹ đẻ là người làng Phù Ninh, huyện Từ Sơn, trấn Kinh Bắc, nay thuộc ngoại thành Hà Nội. Từ bé đã thông kinh sử và biết làm thơ văn. Năm 1786, mới 16 tuổi nàng được vua cha cho kết duyên với Nguyễn Huệ lúc Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc với danh nghĩa phù Lê diệt Trịnh. Sau đó, Nguyễn Huệ lên làm vua. Năm Kỷ Dậu (1789) chiến thắng quân Thanh, vua Quang Trung lập Ngọc Hân làm Bắc cung Hoàng hậu. Năm Nhâm Tý (1792) nhà vua qua đời, để lại cho Ngọc Hân hai con nhỏ. Ngọc Hân rất đau khổ, nàng làm bài "Ai tư vãn" để khóc chồng. Sau khi Ngọc Hân mất, triều đình Tây Sơn truy tặng miếu hiệu là Như ý Trang Thận Trinh Nhất Vũ Hoàng hậu".

Từ một vài thông tin ngắn gọn về tác giả tác phẩm như trên, có thể Lê Ngọc Hân là một bà hoàng làm thơ. Đây là trường hợp hy hữu trong lịch sử thi ca Việt Nam: văn chương trung đại ở ta không hiếm những ông hoàng làm thơ (Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Minh Tông, Lê Thánh Tông, Tự Đức...), nhưng bà hoàng làm thơ - và lại là loại thơ có thể lưu truyền hậu thế - thì cực ít. Ngoài ra, đây là "nhà thơ một bài". Vì, tuy nhà nghiên cứu Nguyễn Lộc viết: "Từ bé đã thông kinh sử và biết làm thơ văn", nhưng về mặt tư liệu, cho đến nay vẫn chưa ai tìm thấy tác phẩm nào khác của Ngọc Hân công chúa ngoài "Ai tư vãn".

"Ai tư vãn" được Ngọc Hân công chúa viết ra có lẽ không với dụng ý "làm thơ", mà đó là tiếng khóc thành thơ, là tâm trạng buồn đau khôn xiết đã mượn được cấu trúc âm điệu sẵn có của thể song thất lục bát mà cất lên lời. "Ai tư vãn", như chính tên gọi của nó - Bài vãn ca về nỗi buồn đau tưởng nhớ - là tác phẩm nói lên một tâm trạng, chứ không phải tác phẩm chuyển tải một luận đề hay kể lại một câu chuyện. Và đây là tâm trạng của chính tác giả - Ngọc Hân công chúa, một con người cụ thể, được lưu lại trong biên niên sử - chứ không phải tâm trạng của một nhân vật văn chương (người vợ có chồng đi lính trong "Chinh phụ ngâm", hay người cung nữ bị thất sủng trong "Cung oán ngâm").

Tâm trạng ấy khởi lên từ mối quan hệ với một con người cũng rất cụ thể, được lưu lại trong biên niên sử - hoàng đế Quang Trung - chứ không phải từ một nhân vật của văn chương (người chinh phụ trong "Chinh phụ ngâm", hay đấng thiên tử háo sắc và bạc bẽo trong "Cung oán ngâm").

Mạch tâm trạng của chủ thể trữ tình trong "Ai tư vãn", theo chiều thời gian, chạy suốt từ quá khứ tới hiện tại, từ nỗi nhớ về hình ảnh lúc sinh thời của người đã khuất tới những cảm nhận về sự mất mát đang hiện hữu quanh mình. Thoạt tiên là nỗi nhớ về "khởi điểm của mọi khởi điểm", tức lúc đôi trai tài gái sắc kết duyên phu phụ: "Từ cờ thắm trỏ vời cõi Bắc/ Nghĩa tôn phù vằng vặc bóng dương/ Xe dây vâng mệnh phụ hoàng/ Thuyền lan chèo quế thuận đường vu quy".

Ngọc Hân công chúa không "giấu giếm" sự thật về cuộc hôn nhân của mình: bốn chữ "vâng mệnh phụ hoàng" đã cho thấy đó là cuộc hôn nhân vương giả với không ít những ý đồ, những mưu toan chính trị của cả hai bên được ẩn vào bên trong. Dẫu vậy, vượt qua những toan tính thực dụng ban đầu của cuộc hôn nhân vương giả, Lê Ngọc Hân và Nguyễn Huệ đã sống một đời sống vợ chồng chứa chan tình nghĩa (Nhờ hồng phúc gội cành hòe quế/ Đượm hơi dương dây rễ cùng tươi) và mơ ước tới sự lâu bền của hạnh phúc ấy (Những ao ước chập trung tuổi hạc/ Nguyền trăm năm ngõ được vầy vui). Thế nhưng: "Ngán thay máy Tạo đất bằng/ Bóng mây thoắt đã ngất chừng xe loan!". Quang Trung băng hà, để lại một sự nghiệp hiển hách với bao hoài bão to lớn chưa kịp thực hiện, để lại trên đời vợ góa con côi. Người thác, nhưng còn dư ảnh. Và chính cái dư ảnh ấy đã khiến cho người đang sống không ít phen phải rơi vào trạng thái nửa thực nửa mộng, tựa như bị thôi miên: "Khi trận gió hoa bay thấp thoáng/ Ngỡ hương trời bảng lảng còn đâu/ Vội vàng sửa áo lên chầu/ Thương ôi quạnh quẽ trước lầu nhện giăng/ Khi bóng trăng lá in lấp lánh/ Ngỡ tàn vàng nhớ cảnh ngự chơi/ Vội vàng dạo bước tới nơi/ Thương ôi vắng vẻ giữa trời sương sa!". Đọc những câu Ngọc Hân công chúa ghi lại sự trải nghiệm cá nhân này, không hồ nghi gì nữa, cái tình thực của cổ nhân đã hằn trên dòng chảy thời gian, như một minh chứng cho nỗi đau khôn xiết.

Trong hồi tưởng của Ngọc Hân công chúa, bằng những câu thơ cực tả, vua Quang Trung đã hiện lên lồng lộng với kích thước của những vĩ nhân trong huyền thoại: "Nghe trước có đấng vương Thang, Võ/ Công nghiệp nhiều, tuổi thọ thêm cao/ Mà nay áo vải cờ đào/ Giúp dân dựng nước biết bao công trình/ Nghe rành rành trước vua Nghiêu, Thuấn/ Công đức dầy ngự vận càng lâu/ Mà nay lượng cả ơn sâu/ Móc mưa tưới khắp chín châu đượm nhuần!". Xét từ quan điểm ý thức hệ, cách nhìn nhận đánh giá về Quang Trung Nguyễn Huệ như vậy tuyệt nhiên không thể có ở những người phò Lê hay theo Nguyễn - nó gần với quan điểm của nhà sử học cách mạng hơn nhiều! Dù sao chăng nữa, qua đoạn thơ này, ít nhất tác giả cũng đã lưu lại được dấu ấn của mình trong văn học sử dân tộc với một cụm từ định tính (có sức phổ biến rất rộng và lâu bền) cho nhân vật lịch sử Quang Trung: "Áo vải cờ đào".

Từ hồi tưởng quá khứ tới những cảm nhận hiện tại là cả một niềm đau đớn, một "đích lịch trình khổ nạn" với tác giả "Ai tư vãn". Bà cho hậu thế thấy điều đó bằng sự đối lập Xưa/ Giờ: "Xưa sao sớm hỏi khuya bầy/ Nặng lòng vàng đá, cạn lời tóc tơ/ Giờ sao bỗng thờ ơ lặng lẽ/ Tình cô đơn ai kẻ xét đâu/ Xưa sao gang tấc gần chầu/ Trước sân phong nguyệt trên lầu sinh ca/ Giờ sao bỗng cách xa đôi cõi/ Tin hàn huyên khôn hỏi thăm lênh/ Nửa cung gẫy, phiếm cầm lành/ Nỗi con côi cút, nỗi mình bơ vơ".

Nếu xét tới "thân thế sự nghiệp" của tác giả, người đọc tất sẽ không tránh khỏi cảm giác ngậm ngùi khi đọc đoạn thơ này. Không còn là một bà hoàng sống trong nhung lụa và đau nỗi đau vương giả nữa. Tuyệt nhiên không. Chỉ còn là một góa phụ, một người đàn bà hết sức bình thường đang sống trong tâm trạng đầy sợ hãi khi phải đối diện với viễn cảnh mẹ góa con côi bơ vơ giữa biển đời dông tố!

"Đời" hơn nên đau hơn, nên hoang mang hơn, mờ mịt hơn khi người viết tự đặt mình trong cái mênh mông của không gian: "Trông mái đông lá buồm xuôi ngược/ Thấy mênh mông những nước cùng mây/ Đông rồi thời lại trông tây/ Thấy non ngân ngất, thấy cây rườm rà/ Trông nam thấy nhạn sa lác đác/ Trông bắc thôi ngàn bạc màu sương/ No trông trời đất bốn phương/ Cõi tiên khơi thẳm biết đường nào đi". Phóng tầm mắt, cũng là trải lòng mình ra khắp bốn phương trời, đây là điều thật ra Ngọc Hân công chúa, dù muốn hay không, đã học được từ người vợ lính trong "Chinh phụ ngâm" của Đặng Trần Côn. Thế nhưng, là tâm sự của một con người cụ thể trong hoàn cảnh cụ thể, có thể nói, nỗi thấm thía về cái mất mát mà "Ai tư vãn" của Lê Ngọc Hân đặt trên người đọc đã có được một sức lan truyền đặc biệt.

Thế kỷ XVIII - tiền bán thế kỷ XIX, giai đoạn "vàng" của văn học Việt Nam trung đại. Tính chất "vàng" của giai đoạn này đã được các nhà nghiên cứu lịch sử văn học chứng minh trên nhiều phương diện (đội ngũ tác giả, cảm hứng nhân văn, sự xuất hiện các thể loại mới bằng chữ Nôm v.v...), người viết chỉ xin nhắc đến một điểm nhỏ: đây là giai đoạn bừng nở của những tác giả nữ sáng giá, điều dường như không thể có trong bảy, tám thế kỷ văn chương trước kia: Hồ Xuân Hương, Bà huyện Thanh Quan, Đoàn Thị Điểm, và Ngọc Hân công chúa.

"Nhà thơ một bài" Lê Ngọc Hân, nếu xét từ giác độ một sự nghiệp văn chương cũng như sự độc đáo trong phong cách nghệ thuật thì có thể "lép" hơn một chút so với ba tác giả kể trên - ấy là kẻ hậu nhân bạo gan mà làm cái việc "cân đo" như vậy - song bà vẫn có một vị thế riêng.

"Ai tư vãn", dòng huyết lệ của nỗi buồn đau tưởng nhớ, tiếng khóc thành thơ của một bà hoàng, một trong những tác phẩm sáng giá nhất (và có thể là sớm nhất) viết về người anh hùng kiệt xuất Quang Trung Nguyễn Huệ. Bấy nhiêu đó có lẽ đã là quá đủ để Ngọc Hân công chúa lưu danh trong lịch sử văn chương dân tộc.

5+ Nghị luận phân tích Ai tư vãn (điểm cao)

Dàn ý Nghị luận phân tích Ai tư vãn

a. Mở bài

- Giới thiệu khái quát về tác giả Lê Ngọc Hân và bài thơ Ai tư vãn.

b. Thân bài

- Phân tích hoàn cảnh ra đời của bài thơ Ai tư vãn.

- Phân tích nội dung (ý nghĩa, thông điệp,...) của bài thơ.

- Phân tích nghệ thuật (ngôn từ, BPTT,...) của bài thơ.

c. Kết bài

- Khái quát nội dung và nghệ thuật của bài thơ.

Xem thêm các bài Soạn văn 9 Kết nối tri thức hay nhất, ngắn gọn khác:

Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 9 hay khác:


Giải bài tập lớp 9 Kết nối tri thức khác