Soạn bài Viết bài văn nghị luận xã hội về một vấn đề cần giải quyết (trang 69) - Cánh diều

Với soạn bài Viết bài văn nghị luận xã hội về một vấn đề cần giải quyết trang 69, 70, 71 Ngữ văn lớp 9 Cánh diều sẽ giúp học sinh trả lời câu hỏi từ đó dễ dàng soạn văn 9.

1. Định hướng

1.1. Trong Bài 5 (sách Ngữ văn 9, tập một), các em đã được rèn luyện kĩ năng viết bài văn nghị luận xã hội về một vấn đề cần giải quyết, trình bày được giải pháp khả thi và có sức thuyết phục. Bài 8 tiếp tục rèn luyện cách viết kiểu bài nghị luận này. Vấn đề cần gải quyết ở đây là: Làm thế nào để giữ gìn và phát huy giá trị của các di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh một cách hiệu quả? Nội dung bài này liên quan chặt chẽ với các văn bản thông tin mà các em đã học ở Bài 3 và Bài 8.

1.2. Để viết bài văn nghị luận xã hội bàn về vấn đề giữ gìn và phát huy giá trị của các di sản văn hóa (di tích lịch sử hoặc danh lam thắng cảnh) một cách hiệu quả, các em cần chú ý:

- Xác định vấn đề cụ thể cần bàn luận xung quanh đề tài giữ gìn và phát huy giá trị của giá trị của các di sản.

- Xem lại các văn bản đọc hiểu về di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh đã học, liên hệ với những hiểu biết thực tiễn của em về các di sản trong nước và quốc tế, ghi lại thông tin quan trọng cần bàn luận về các di sản đó.

- Biết cách triển khai bài văn nghị luận bàn về một vấn đề xã hội theo bố cục ba phần, phát triển nội dung cụ thể của mỗi phần và chú ý yêu cầu kết hợp nghị luận với các phương thức biểu đạt khác (thuyết minh, tự sự, miêu tả, biểu cảm,…)

2. Thực hành

2.1. Thực hành viết theo các bước

Bài tập (trang 71 sgk Ngữ Văn lớp 9 Tập 2): Suy nghĩ của em khi đứng trước một di sản văn hóa (di tích lịch sử hoặc danh lam thắng cảnh) đang bị xuống cấp.

a) Chuẩn bị

- Đọc kĩ và tìm hiểu yêu cầu của bài tập để biết các thông tin chính trước khi viết:

+ Trọng tâm cần làm rõ: phát biểu những suy nghĩ của cá nhân trước một di sản đang bị xuống cấp (hư hỏng dần).

+ Kiểu văn bản chính: nghị luận xã hội (bàn về một vấn đề cần giải quyết); xác định các phương thức biểu đạt kết hợp để triển khai nội dung bài viết đa dạng và phong phú.

+ Phạm vi bằng chứng cần huy động: kiến thức địa lí, lịch sử về di sản và những biểu hiện cụ thể đang bị xuống cấp của di sản đó.

- Đọc và ghi chép các thông tin đã thu thập được từ sách, báo, Internet… về sự cần thiết bào vệ và phát huy các giá trị của di sản.

b) Tìm ý và lập dàn ý

- Tìm ý: Từ yêu cầu nội dung của văn bản nghị luận đã nêu ở mục a) Chuẩn bị, có thể đặt ra một số câu hỏi để tìm ý cho bài nghị luận. Chẳng hạn:

+ Di sản đang bị xuống cấp là một di tích lịch sử hay danh lam thắng cảnh? Di sản ấy ở đâu?

=> Di sản đang bị xuống cấp là một di tích lịch sử đồng thời cũng là một danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Đó là Hồ Gươm – Hà Nội.

+ Di sản có những gì đặc sắc và có giá trị như thế nào?

=> Nước Hồ Gươm bốn mùa đều xanh. Có rùa quý sông trong hồ. Trong lòng hồ có hai đảo nổi: đảo Ngọc và đảo Rùa.

Quần thể di tích và lối kiến trúc độc đáo đã tạo nên vẻ đẹp của Hồ Gươm: Tháp Bút, Đài Nghiên (do nhà nho Nguyễn Văn Siêu tu bổ, xây dựng). Tháp được xây bằng đá, đỉnh tháp hình ngọn bút lông; Cầu Thê Húc (nghĩa là giữ lại ánh sáng đẹp của mặt trời) dẫn đến cổng đền Ngọc Sơn. Cầu làm bằng gỗ, sơn màu đỏ, cong cong như hình con tôm; Đền Ngọc Sơn: xây trên Đảo Ngọc; Tháp Rùa: xây trên Đảo Rùa giữa sóng nước lung linh với vẻ đẹp rêu phong cổ kính.

+ Hiện nay, di sản ấy đang bị hư hỏng như thế nào? Nguyên nhân là gì?

=> Tình trạng mất vệ sinh, rác thải bừa bãi quanh khu vực bờ hồ lại tăng cao.

+ Em suy nghĩ gì về sự việc này? Cần phải làm gì để bảo vệ, gìn giữ những di sản đang bị xuống cấp?

=> Đó là một thực trạng đáng buồn khiến cho hình ảnh về một Hồ Gươm- trái tim của thủ đô trở nên thật khác. Vì vậy, muốn đảm bảo vệ sinh môi trường, tạo mỹ quan đô thị cần nâng cao ý thức của mỗi người dân.

- Lập dàn ý: Từ các thông tin về di sản đã nêu và các câu hỏi tìm ý, em hãy lập dàn ý cho bài viết theo ba phần của bài văn nghị luận.

Mở bài

Giới thiệu về di sản đang bị xuống cấp

Thân bài

- Đặc điểm và giá trị của di sản:

+ Nước Hồ Gươm bốn mùa đều xanh. Có rùa quý sông trong hồ. Trong lòng hồ có hai đảo nổi: đảo Ngọc và đảo Rùa.

+ Quần thể di tích và lối kiến trúc độc đáo đã tạo nên vẻ đẹp của Hồ Gươm: Tháp Bút, Đài Nghiên (do nhà nho Nguyễn Văn Siêu tu bổ, xây dựng). Tháp được xây bằng đá, đỉnh tháp hình ngọn bút lông; Cầu Thê Húc (nghĩa là giữ lại ánh sáng đẹp của mặt trời) dẫn đến cổng đền Ngọc Sơn. Cầu làm bằng gỗ, sơn màu đỏ, cong cong như hình con tôm; Đền Ngọc Sơn: xây trên Đảo Ngọc; Tháp Rùa: xây trên Đảo Rùa giữa sóng nước lung linh với vẻ đẹp rêu phong cổ kính.

- Hiện trạng: Tình trạng mất vệ sinh, rác thải bừa bãi quanh khu vực bờ hồ lại tăng cao. Hồ Gươm đang bị ô nhiễm nghiêm trọng và mất khả năng tự làm sạch. Chất lượng nước hồ ngày một suy giảm, mật độ tảo lớn, độ pH ở mức cao.

- Nguyên nhân: Do ý thức giữ gìn của người dân.

- Giải pháp: Muốn đảm bảo vệ sinh môi trường, tạo mỹ quan đô thị cần nâng cao ý thức của mỗi người dân.

Kết bài

Phát biểu những suy nghĩ của cá nhân về vấn đề bảo vệ di sản trước sự xuống cấp.

c) Viết

- Dựa vào dàn ý đã làm, viết bài văn nghị luận nêu lên những suy nghĩ và đề xuất giải pháp khả thi có tính thuyết phục.

- Trong khi viết, chú ý vận dụng kĩ năng nhận xét, đánh giá (bình luận) trong bài nghị luận.

* Bài văn tham khảo

Có lẽ trong mỗi chúng ta không ai là không biết đến Hồ Gươm. Hồ Gươm là một di tích lịch sử, một thắng cảnh nổi tiếng của Hà Nội. Nếu ai đã từng đến đây chắc hẳn phải ghé thăm hồ để chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính độc đáo của nó.

Hồ Gươm nằm tại trung tâm của thủ đô. Hồ hình bầu dục, bao quanh đó là những vườn hoa. Nhìn từ xa, hồ như lẵng hoa xinh xắn. Hồ Gươm còn có tên gọi là hồ Lục Thuỷ vì nước rất trong và xanh. Ngoài ra nó còn được gọi là hồ Hoàn Kiếm hay hồ Tả Vọng. Hai tên gọi này có từ thời Lê. Truyền thuyết kể rằng: năm đó, sau khi đánh tan quân Minh xâm lược, vua Lê Lợi ngự trên thuyền rồng thì bỗng Rùa Vàng từ dưới hồ hiện lên để đòi lại gươm. Nhà vua trả lại gươm. Tên hồ Hoàn Kiếm, hay Hoàn Gươm cũng được gọi từ đó thay cho tên hồ Tả Vọng.

Đến thăm Hồ Gươm, không thể không thấy hình ảnh tượng trưng của nó. Đó là tháp Rùa. Tháp Rùa được xây dựng nằm ở trung tâm hồ chịu ảnh hưởng của đặc trưng kiến trúc Pháp. Tháp hình chữ nhật, có bốn tầng. Kiến trúc từng tầng khá giống nhau. Các mặt được xây dựng đều có cửa uốn thon gọn. Tháp Rùa được coi là kiến trúc có tính chất lịch sử và thiêng liêng đối với không chỉ người dân Hà Nội mà còn là cả con người Việt Nam. Đặc biệt, đến với Hồ Gươm thì hầu như ai cũng dành chút thời gian để bước chân lên chiếc cầu Thê Húc màu son dẫn vào đền Ngọc Sơn. Sự kết hợp giữa đền Ngọc Sơn và hồ Hoàn Kiếm đã tạo thành một tổng thể kiến trúc Thiên - Nhân hợp nhất tạo vẻ đẹp cổ kính hài hòa cho đền và hồ, gợi nên những cảm giác chan hòa giữa con người và thiên nhiên. Ngoài ra, Hồ Gươm còn gắn liền với các địa danh khác như Tháp Bút, Đài Nghiên, Đền thờ vua Lê....

Hồ Gươm rất đặc biệt. Nó có một màu sắc riêng, khác hẳn các hồ khác. Hồ Gươm xưa kia trong lắm, đẹp lắm, có màu nước xanh biêng biếc… Các bạn có biết màu xanh ấy là do đâu khống? Trong lớp bùn của Hồ Gươm, có sự sinh sống của một loài tảo. Nhờ sự quang hợp của loài tảo đó mà Hồ Gươm có màu xanh như vậy! Đã có lần, các nhà khoa học đã thử lấy thứ tảo ấy đem đi nơi khác trồng nhưng chúng không sống được! Phải chăng Hồ Gươm có một điều đặc biệt khác?… Nhưng bây giờ, màu xanh trong trẻo ấy đã bị ô nhiễm mà nguyên nhân chính là do con người gây ra. Chính những người dân không ý thức, vứt rác bừa bãi xuống hồ và Nhà nước không có biện pháp làm sạch hồ thường xuyên nên đã làm cho nước hồ đục hơn và bên bờ hồ vương vãi những túi rác mà người dân đã vứt xuống. Điều đó sẽ dẫn đôn hậu quả gì? Trước hết, Hồ Gươm đã không còn đẹp như trước nữa mà đã mất đi vẻ tự nhiên của nó. Và hậu quả thứ hai là sự ra đi của “cụ Rùa” Hồ Gươm hàng trăm tuổi đã khiến người dân không khỏi bàng hoàng và suy tư, bởi cụ gắn liền với truyền thuyết hào hùng suốt những năm tháng dựng nước và giữ nước của dân tộc. Có lẽ nào những người vứt rác xuống hồ không thể hiểu được những điều này? Và vài ba năm trước, việc làm sạch Hồ Gươm đã bắt đầu được chú trọng. Tất cả chúng ta đều đã nhận thấy một điều rằng, mặc dù Nhà nước và Chính phủ đã đưa ra những biện pháp để giải quyết vấn đề này nhưng thực sự là nước hồ ngày càng bẩn thêm.

Vì vậy, điều quan trọng vẫn là ý thức của người dân, chúng ta phải giữ gìn hồ sạch sẽ để không làm mất đi vẻ đẹp của Hồ Gươm nói riêng và vẻ đẹp của Thủ đô Hà Nội và hình ảnh tốt đẹp của con người Việt Nam nói chung.

d) Kiểm tra và chỉnh sửa

Đọc lại bài viết, đối chiếu với dàn ý đã lập để xem xét:

- Bài viết có đúng kiểu văn nghị luận không? Nội dung đã đầy đủ chưa?

- Có đủ các phần mỏ bài, thân bài và kết bài không?

- Bài viết còn mắc phải những lỗi gì (diễn đạt, dùng từ, chính tả, ngữ pháp…)?

- Em thấy phần nào của bài viết có nhiều ưu điểm nhất?

2.2. Rèn luyện kĩ năng viết: Bình luận (nhận xét và đánh giá) trong bài văn nghị luận

a) Cách thức

Trong bài văn nghị luận, người viết không chỉ nêu lên những nội dung khách quan cần làm rõ mà còn phải có những nhận xét, đánh giá về nội dung đang được bàn luận. Những nhận xét, đánh giá đó là bình luận của cá nhân người viết để làm rõ thêm vấn đề nghị luận. Ví dụ, sau khi làm rõ luận điểm “Đọc sách không cốt để lấy nhiều, quan trọng nhất là phải chọn cho tinh, đọc cho kĩ.”, tác giả Chu Quang Tiểm đưa ra bình luận: “Thế gian có biết bao người đọc sách chỉ để trang trí bộ mặt, như kẻ trọc phú khoe của, chỉ biết lấy nhiều làm quý. Đối với việc học tập, cách đó chỉ là lừa mình dối người, đối với việc làm người thì cách đó thể hiện phẩm chất tầm thường, thấp kém.” (Bàn về đọc sách).

b) Bài tập (trang 71 sgk Ngữ Văn lớp 9 Tập 2): Từ bài văn đã làm, em hãy dẫn ra một đoạn văn trong đó có nêu ý kiến bình luận của mình.

Trả lời:

Hồ Gươm rất đặc biệt. Nó có một màu sắc riêng, khác hẳn các hồ khác. Hồ Gươm xưa kia trong lắm, đẹp lắm, có màu nước xanh biêng biếc… Các bạn có biết màu xanh ấy là do đâu khống? Trong lớp bùn của Hồ Gươm, có sự sinh sống của một loài tảo. Nhờ sự quang hợp của loài tảo đó mà Hồ Gươm có màu xanh như vậy! Đã có lần, các nhà khoa học đã thử lấy thứ tảo ấy đem đi nơi khác trồng nhưng chúng không sống được! Phải chăng Hồ Gươm có một điều đặc biệt khác? … Nhưng bây giờ, màu xanh trong trẻo ấy đã bị ô nhiễm mà nguyên nhân chính là do con người gây ra. Chính những người dân không ý thức, vứt rác bừa bãi xuống hồ và Nhà nước không có biện pháp làm sạch hồ thường xuyên nên đã làm cho nước hồ đục hơn và bên bờ hồ vương vãi những túi rác mà người dân đã vứt xuống. Điều đó sẽ dẫn đôn hậu quả gì? Trước hết, Hồ Gươm đã không còn đẹp như trước nữa mà đã mất đi vẻ tự nhiên của nó. Và hậu quả thứ hai là sự ra đi của “cụ Rùa” Hồ Gươm hàng trăm tuổi đã khiến người dân không khỏi bàng hoàng và suy tư, bởi cụ gắn liền với truyền thuyết hào hùng suốt những năm tháng dựng nước và giữ nước của dân tộc. Có lẽ nào những người vứt rác xuống hồ không thể hiểu được những điều này? Và vài ba năm trước, việc làm sạch Hồ Gươm đã bắt đầu được chú trọng. Tất cả chúng ta đều đã nhận thấy một điều rằng, mặc dù Nhà nước và Chính phủ đã đưa ra những biện pháp để giải quyết vấn đề này nhưng thực sự là nước hồ ngày càng bẩn thêm.

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 9 Cánh diều hay nhất, ngắn gọn khác:

Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 9 hay khác:


Giải bài tập lớp 9 Cánh diều khác