Soạn bài Kể một câu chuyện tưởng tượng (trang 26) - Cánh diều

Với soạn bài Kể một câu chuyện tưởng tượng trang 26, 27, 28 Ngữ văn lớp 9 Cánh diều sẽ giúp học sinh trả lời câu hỏi từ đó dễ dàng soạn văn 9.

1. Định hướng

1.1. Câu chuyện tưởng tượng là một câu chuyện không có thật, do người kể tự hình dung, tưởng tượng ra. Tuy nhiên, câu chuyện tưởng tượng phải có cơ sở từ thực tế cuộc sống; nghĩa là tình huống, bối cảnh, nhân vật, sự việc… trong câu chuyện phải gắn với cuộc sống, có thể đã, đang và sẽ xảy ra trong cuộc sống. Câu chuyện tưởng tượng ấy cũng phải có ý nghĩa, mang đến một thông điệp về cuộc sống và con người…

Câu chuyện tưởng tượng có thể do các em tạo ra nhưng cũng có thể dựa vào một câu chuyện đã có sẵn để kể theo cách của mình như phần Viết đã học.

1.2. Muốn kể một câu chuyện tưởng tượng, các em cần chú ý xác định một số yếu tố quan trọng tạo nên câu chuyện:

- Chuyện kể về việc gì, xảy ra trong bối cảnh nào? (Bối cảnh gồm không gian, thời gian xảy ra câu chuyện).

- Có những ai (nhân vật nào) tham gia câu chuyện? Ai là nhân vật chính? Nhân vật chính có gì đặc biệt (ngoại hình, ngôn ngữ, hành động, suy nghĩ, tâm trạng…)?

- Câu chuyện xảy ra thế nào (cốt truyện)? (Kể lại câu chuyện bằng cách nêu sự việc, nhân vật, diễn biến các sự việc theo một trình tự nào đó).

Để rèn kĩ năng kể một câu chuyện tưởng tượng, các em có thể bắt đầu từ việc kể một câu chuyện đã học hoặc đã đọc, đã nghe bằng cách thay đổi mở đầu, thêm, bớt các chi tiết, sự việc, nhân vật hoặc điều chỉnh cách kết thúc câu chuyện. Khi đã thuần thục, các em có thể sáng tạo câu chuyện hoàn toàn do mình tưởng tượng.

2. Thực hành

Bài tập (trang 27 sgk Ngữ Văn lớp 9 Tập 2): Lựa chọn một trong hai đề sau:

(1) Hãy nhập vai một trong ba nhân vật: Me-ri, cha dượng hoặc mẹ Me-ri trong văn bản “Vụ cải trang bất thành” (trích “Sơ-lốc Hôm” của Đoi-lơ) đề kể lại câu chuyện trong phần (3) của văn bản.

(2) Hãy kể lại theo lời của Trương Sinh về cuộc trò chuyện giữa chàng và Phan Lang (trong văn bản "Chuyện người con gái Nam Xương" của Nguyễn Dữ).

a) Chuẩn bị (ví dụ với đề 1)

- Xác định đối tượng người nghe và bối cảnh trình bày để chuẩn bị nội dung kể phù hợp.

- Chuẩn bị các phương tiện trình chiếu (nếu có).

b) Tìm ý và lập dàn ý

Dựa vào dàn ý đã làm trong phần Viết, có thể thêm, bớt các ý mới phù hợp với yêu cầu bài nói (kể lại một câu chuyện tưởng tượng).

c) Nói và nghe

Hoạt động nói và nghe cần đảm bảo được các yêu cầu sau:

Người nói

Người nghe

- Nội dung câu chuyện cần được kể rõ ràng, cụ thể, dễ theo dõi.

- Giọng kể diễn cảm, có ngữ điệu theo diễn biến nội dung, tình huống, cảm xúc của nhân vật.

- Tôn trọng, hướng về phía người nghe.

- Sử dụng ngôn ngữ cơ thể sinh động và phù hợp.

- Tốc độ kể vừa phải, không nên quá nhanh hay quá chậm khiến người nghe khó theo dõi hoặc cảm thấy mệt mỏi.

- Bảo đảm yêu cầu về thời gian kể.

- Lắng nghe, xác định và ghi lại nội dung chính của câu chuyện, chú ý yếu tố tưởng tượng.

- Thể hiện thái độ chú ý lắng nghe; sử dụng cử chỉ, nét mặt, ánh mắt để khích lệ người kể.

- Hỏi lại những điểm chưa rõ (nếu cần); có thể trao đổi quan điểm cá nhân về nội dung, cách thức kể chuyện.

* Bài nói tham khảo:

(1) Hãy nhập vai một trong ba nhân vật: Me-ri, cha dượng hoặc mẹ Me-ri trong văn bản “Vụ cải trang bất thành” (trích “Sơ-lốc Hôm” của Đoi-lơ) đề kể lại câu chuyện trong phần (3) của văn bản.

Xin chào các bạn! Tôi là Me-ri, sống cùng mẹ và cha dượng. Tôi có vị hôn phu là Hót-mơ En-giô nhưng đã bị mất tích vào đúng hôm cử hành hôn lễ. Tôi đã tìm đến thám tử Hôm và nhờ giúp đỡ. Hôm nay, tôi đến nhà thám tử để xem kết quả tìm người đến đâu.

Vừa đến cửa, tôi đã nghe thấy tiếng nói của Hôm ở trong phòng vọng ra. Nhìn qua khe cửa, tôi thấy Uyn-đi-banh (cha dượng tôi) đang thu mình trong ghế bành, đầu gọc xuống, sụp đổ hoàn toàn khi nghe Hôm kể lại toàn bộ sự việc. Hoá ra hắn (Uyn-đi-banh) đã lừa dối tôi bằng cách: lợi dụng sự đồng loã của vợ là mẹ tôi, cùng tình trạng cận thị nặng của tôi, để đóng giả làm Hót-mơ En-giô và tán tỉnh, tỏ tình với tôi. Hắn đã cải trang thành một người đàn ông khác, luôn phải đeo kính màu để che đậy cặp mắt vốn thân quen, đeo râu tóc giả, biến giọng nói thông thường thành một giọng nói thì thâm khó nghe. Hắn đã thành công trở thành một anh chàng Hót-mơ Ên-giô để gạt ra ngoài lề tất cả những đối thủ lăm le tán tỉnh tôi. Tôi đã tin tưởng và đính hôn với gã. Thật đáng thương cho tôi!

Nghe hết câu chuyện của Hôm, tôi đẩy cửa đi vào, nhìn chằm chằm vào gã cha dượng. Tôi thật sự không dám tin vào sự thật này. Gã cha dượng nhìn thấy tôi liền hốt hoảng, sợ hãi bỏ chạy ra khỏi căn nhà của Hôm. Tôi rất cảm ơn Hôm đã giúp mình làm sáng tỏ vụ việc, tránh được một sai lầm khủng khiếp trong đời.

(2) Hãy kể lại theo lời của Trương Sinh về cuộc trò chuyện giữa chàng và Phan Lang (trong văn bản "Chuyện người con gái Nam Xương" của Nguyễn Dữ).

Xin chào thầy cô và các bạn. Hôm nay em sẽ kể về một câu chuyện tưởng tượng của em về cuộc gặp gỡ của Trương Sinh và Phan Lang theo lời của Trương Sinh.

Ngày hôm ấy, lòng tôi nặng trĩu với nỗi đau và sự ân hận khôn nguôi về cái chết của Vũ Nương, tôi lang thang bên bờ sông Hoàng Giang, nơi nàng đã gieo mình xuống để chứng minh sự trong sạch. Từ xa, tôi thấy một chiếc thuyền lớn đang cập bến. Trên thuyền, một người đàn ông trung niên, dáng vẻ trang nghiêm, bước xuống. Đó là Phan Lang, người mà tôi chưa từng gặp, nhưng ánh mắt ông ấy đã khiến tôi cảm thấy có điều gì đó đặc biệt.

Khi Phan Lang bước đến gần, ông ấy nhìn tôi với ánh mắt đầy thương cảm. Chúng tôi bắt đầu câu chuyện, và tôi kể cho ông nghe về nỗi đau mất mát Vũ Nương. Ông lặng lẽ lắng nghe, rồi khẽ nói: "Ta từng gặp nàng dưới thủy cung. Nàng không chết, nàng chỉ rời bỏ dương gian mà thôi."

Tôi sững sờ, không thể tin vào tai mình. Phan Lang tiếp tục kể về cuộc gặp gỡ kỳ lạ của ông với Vũ Nương dưới thủy cung, về những lời nàng nhắn gửi và mong muốn tôi hiểu ra sự thật. Ông kể rằng, sau khi rơi xuống sông, Vũ Nương đã được các tiên nữ cứu và đưa về thế giới dưới nước. Nàng sống ở đó, vẫn nhớ về gia đình, về tôi và con trai Đản, và mong rằng tôi sẽ hiểu rõ lòng nàng.

Lòng tôi như tan nát thêm một lần nữa khi nhận ra sự nghi ngờ mù quáng của mình đã đẩy nàng vào tình cảnh này. Phan Lang trao cho tôi chiếc trâm ngọc và dặn dò rằng đó là vật nàng gửi lại để minh chứng cho lòng chung thủy và trong sạch của nàng.

Khi Phan Lang rời đi, tôi ngồi lại bên bờ sông, nhìn vào chiếc trâm ngọc lấp lánh trong tay. Tôi thầm nhủ, mình đã quá ngu muội và nóng vội, để rồi đánh mất người vợ hiền lành, đức hạnh. Từ đó, tôi quyết tâm sống tốt, chăm sóc con trai và luôn nhớ về Vũ Nương với lòng kính trọng và hối tiếc vô hạn.

Cuộc trò chuyện với Phan Lang đã mở ra trong tôi một sự thật đau đớn nhưng cần thiết. Đó là bài học về niềm tin, lòng chung thủy và sự tôn trọng lẫn nhau trong hôn nhân. Dù Vũ Nương không thể trở về, nhưng ký ức về nàng sẽ mãi mãi sống trong lòng tôi, như một ngọn đèn sáng dẫn lối cho những ngày tháng còn lại của cuộc đời.

Câu chuyện của em đến đây là kết thúc. Rất cảm ơn thầy cô và các bạn đã lắng nghe.

d) Kiểm tra, chỉnh sửa

Người nói

Người nghe

- Lắng nghe nhận xét của các bạn và thầy cô về câu chuyện vừa kể.

- Rút kinh nghiệm về nội dung, cách thức và thái độ trình bày…

- Tự đánh giá:

+ Em hài lòng về câu chuyện mình vừa kể ở những điểm nào?

+ Em muốn thay đổi điều gì trong phần kể vừa rồi?

- Kiểm tra xem việc nghe và ghi chép nội dung câu chuyện đã chính xác chưa?

- Đánh giá:

+ Em thấy câu chuyện mà bạn vừa kể có hấp dẫn, thú vị không? Vì sao?

+ Em tâm đắc với yếu tố tưởng tượng, hư cấu nào của câu chuyện?

+ Em học được điều gì từ câu chuyện và cách kể chuyện của bạn?

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 9 Cánh diều hay nhất, ngắn gọn khác:

Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 9 hay khác:


Giải bài tập lớp 9 Cánh diều khác