(30+ mẫu) Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội (cực hay)

Tổng hợp trên 30 bài Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội hay nhất giúp học sinh có thêm tài liệu tham khảo để viết văn hay hơn.

Dàn ý Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội

- Mở đầu: Nêu vấn đề cần trình bày

- Thân bài:

Lần lượt trình bày các nội dung đã chuẩn bị:

+ Nội dung văn bản

+ Đặc điểm của vấn đề

+ …

- Kết bài: Khái quát ý nghĩa vấn đề.

Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội - mẫu 1

Em chào cô và các bạn. Em là …. Trên thế giới, có rất nhiều người đã đạt được thành công của riêng mình, họ đều có bí quyết, nhưng họ cũng không ngần ngại mà chia sẻ cho mọi người để học tập theo. Công thức thành công của họ cũng vô cùng đơn giản nhưng không phải ai cũng có thể thực hiện được: "Thành công chỉ đến khi chúng ta cố gắng hết sức và không ngừng hoàn thiện bản thân mình".

Thành công là thành tựu, kết quả tốt đẹp mà ai cũng mong muốn đạt được. Khi thành công, con người ta sẽ cảm thấy tự hào, hạnh phúc với chính bản thân mình. Muốn thành công đến, thì bạn ít nhất cũng phải trang bị cho chính mình hai yếu tố: Cố gắng hết sức và luôn hoàn thiện bản thân.

Cố gắng hết sức là khi bạn không bao giờ bỏ cuộc khi khó khăn ập tới, luôn tìm ra những cách giải quyết để vượt qua những thử thách đó. Bởi hành trình để đến thành công vô cùng gian lao và vất vả, hết khó khăn này, khó khăn kia lại kéo đến, cứ chồng chất lên nhau. Thất bại không chỉ đến lần một, lần hai mà còn nhiều hơn thế nữa, vậy nên bạn vẫn phải tiếp tục đối mặt, bền bỉ, kiên trì mà vượt qua nó. Kết hợp với sự cố gắng đó là một nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc hoàn thiện bản thân mình. Dù bạn có cố gắng tới mức nào mà không chịu hoàn thiện bản thân, thì thành công cũng khó mà đến nhanh với bạn được. Vì sao? Vì xã hội ngày càng phát triển, con người ta không thể chỉ giỏi về một lĩnh vực mà có thể thành công ngay được, bạn cần phải có những kỹ năng mềm cần thiết như sự tự tin, tinh thần tự lực tự cường,... Rồi không ngừng trau dồi thêm kiến thức, tìm tòi sáng tạo ra cái mới để làm sao phù hợp với xu hướng phát triển của thời đại. Khi bạn nắm vững được kiến thức cơ bản này hãy bắt tay vào hành động tức khắc, rồi thành công sẽ gõ cửa.

Có rất nhiều tấm gương về quá trình dẫn đến thành công, Bác Hồ thân yêu của chúng ta là một trong những tấm gương sáng đó. Người đã phải trải qua bao nhiêu năm bôn ba nước ngoài, nhiều lần bị bắt vào tù, nhưng Người không hề nản chí mà vẫn tiếp tục đấu tranh tìm con đường giải phóng cho dân tộc. Trong những năm tháng đó, Người cũng không ngừng nỗ lực rèn luyện bản thân, học tập nhiều cái mới của đất nước phát triển để áp dụng cho dân tộc mình. Hay một nhân vật đang rất nổi tiếng trên thế giới hiện nay, ông Jack Ma - một tỷ phú người Trung Quốc, là người đã phải trải qua hàng nghìn lần thất bại. Ông trượt đại học hai lần, nhưng ông vẫn không bỏ cuộc mà vẫn ôn thi tiếp và đỗ. Sau khi tốt nghiệp, ông đã nộp đơn cho hơn 30 công việc và lại bị từ chối tiếp. Nhưng không dừng lại ở đó, ông tiếp tục nỗ lực và phát triển công ty của chính mình và giờ nó trở thành một tập đoàn lớn mạnh của Trung Quốc. Bác Hồ hay Jack Ma hay những người thành công khác, tất cả họ đều là những người truyền cho ta cảm hứng. Ta học hỏi ở họ sự cố gắng bền bỉ, kiên trì, nỗ lực không ngừng nghỉ để rồi ta cũng có thành công của riêng mình.

Sự cố gắng, nỗ lực để đạt được thành công là vô cùng đúng nhưng không có nghĩa là bạn bất chấp đúng sai để đạt được điều bạn muốn, điều mà bạn cho đó là thành công. Bên cạnh đó, cũng cần chê trách một số người hễ cứ thấy khó khăn là bỏ cuộc hay khi đã đạt được một điều mình mong muốn mà lại trì trệ, không chịu trau dồi thêm, khi đó thành công của họ sẽ không thể đứng vững lâu được mà nó chỉ là tạm thời mà thôi. Là học sinh, thế hệ trẻ tương lai của đất nước, việc đầu tiên chúng ra cần làm đó là học tập thật tốt, rèn luyện đạo đức không ngừng và quan trọng hơn cả là trang bị cho mình những kỹ năng sống để sau này có thể tự tin bước vào đời.

Cố gắng hết sức và không ngừng nỗ lực, hai tiền đề này sẽ mang ánh sáng thành công đến với bạn, bởi "Thành công chỉ đến khi chúng ta cố gắng hết sức và không ngừng hoàn thiện bản thân mình". Từ đó, khi bạn đạt được thành công mình mong muốn, bạn đã khẳng định được bản thân trong cuộc đời, hơn thế nữa bạn còn góp phần giúp cho gia đình và xã hội ngày một tươi đẹp hơn.

Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội - mẫu 2

Xin chào thầy cô và các bạn. Ở phần Đọc của Bài 1 Truyện ngắn chúng ta đã từng được tìm hiểu về truyện ngắn “Gió lạnh đầu mùa”. Đây là tác phẩm nổi tiếng của Thạch Lam đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng bạn đọc và gợi ra nhiều suy ngẫm cho mỗi người về tình yêu thương trong cuộc sống.

Với giọng văn nhẹ nhàng, sâu lắng, nhà văn đã khắc họa một cách rõ nét hình ảnh các nhân vật xuất hiện xuyên suốt truyện ngắn với chân dung đẹp đẽ, sống động. Hai chị em Lan và Sơn vì thương đám trẻ nghèo mà mang áo của em gái mình ra cho cô bạn nhỏ. Để rồi sợ mẹ mắng mà khép nép không dám nhìn mẹ. Đó chính là khoảnh khắc đẹp đẽ của trẻ em – khoảnh khắc chứa chan tình người khiến cho người đọc chúng ta cũng rưng rưng xúc động. Con người thường chỉ nghĩ đến mình mà khó nghĩ được cho người khác, và người mà có cuộc sống đủ đầy lại càng khó nghĩ cho những người khốn khó hơn mình vì họ không hiểu được những gánh nặng của những người khó khăn. Thế nhưng, những em bé trong câu chuyện dù sống trong nhung lụa vẫn hiểu và thương những mảnh đời khó khăn thì đó thực sự là vẻ đẹp quý giá của tình người.

Truyện không dừng lại ở đó. Phần cuối truyện, mẹ Hiên đã đem cái áo bông đến trả mẹ của Sơn. Hành động này thể cho thấy có những con người trong xã hội xưa, dù sống khó khăn, khổ cực nhưng vẫn giữ vững phẩm chất tốt đẹp: “Đói cho sạch, rách cho thơm”. Mẹ Sơn sau khi nghe rõ việc, đã cho mẹ Hiên mượn năm hào về may áo ấm cho con. Còn với hai chị em Sơn, bà chẳng những không tức giận mà còn “vẫy hai con lại gần, rồi âu yếm”. Cả mẹ Sơn hay mẹ Hiên đều là những người phụ nữ đức hạnh, giàu lòng tự trọng. Có thể khẳng định rằng truyện ngắn là một câu chuyện nhẹ nhàng, nhưng lại chan chứa tình yêu thương và lòng nhân ái giữa con người với nhau trong xã hội.

Có thể thấy, bức tranh đầu mùa đông được nhà văn Thạch Lam miêu tả rất chính xác, tinh tế. Cảnh vật như nổi hình, nổi khối trước mắt người đọc. Còn bức tranh tình người hiện lên vừa ấm áp, vừa đơn sơ, vừa quen thuộc nhưng rộn ràng, hạnh phúc, dạt dào tình cảm, cảm xúc.

Với ngòi bút tài hoa của nhà văn Thạch Lam, truyện ngắn Gió lạnh đầu mùa đã để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả trong suốt mấy mươi năm qua vì vẻ đẹp tình người.

Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội - mẫu 3

Xã hội ngày nay đã phát triển và thay đổi rất nhiều, dấu vết thời xưa cũng đã dần phai nhòa. Vậy tại sao chúng ta có thể biết được xã hội, con người cuộc sống ngày xưa như thế nào? Để biết được tất cả những điều đó chúng ta phải cần đến sách. Vậy sách có vai trò gì với nhân loại?

Sách đã đi vào cuộc sống của chúng ta từ rất lâu rồi. Nó đã trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu của mỗi người. Đọc sách giúp ta tích lũy được nhiều kinh nghiệm, mở mang kiến thức và đặc biệt đọc sách giúp ta cảm thấy thoải mái, yêu đời hơn. Giống như Môngtexkiơ đã nói: “ thích đọc sách tức là biết đánh đổi những giờ phút buồn tẻ không thể tránh được trong cuộc đời lấy những giờ phút kì thú”. Đọc sách có thể làm thay đổi cả một con người, một cuộc đời.

Nói tóm lại, đọc sách có rất nhiều lợi ích. Đọc sách để thành công như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Mao Trạch Đông, như Thủ tướng Chu Ân Lai. Đọc sách để trở thành những nhà lãnh đạo như cựu Tổng thống Mĩ Ronald Reagan hay thống đốc bang giàu có hàng đầu của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, California. Mỗi lần tìm hiểu về những người thành đạt, sự liên quan giữa sự thành đạt và sách, chúng ta lại càng hiểu thêm mối quan hệ này, càng hiểu thêm giá trị của sách.

Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả tốt, cần phải có những quyển sách hay, phù hợp với lứa tuổi , và việc cần chú trọng nhiều nhất đó chính là cách đọc sách. Đọc sách phải nghiên cứu, suy ngẫm, tìm tòi, chắt lọc những điều hay để áp dụng vào cuộc sống chứ không phải đọc để lấy thành tích. Đọc sách nhiều mà không hiểu chỉ làm cho chúng ta cảm thấy thêm mệt mỏi, chứ không giúp chúng ta mở mang thêm kiến thức. Vì vậy, cầm trong tay một quyển sách hay chưa phải là tốt, mà tất cả phụ thuộc vào việc chúng ta có biết đọc quyển sách đó hay không.

Hiện nay sách tràn ngập khắp mọi nơi. Nhưng để tìm được một quyển sách hay, phù hợp với hoàn cảnh, lứa tuổi thì không phải là dễ. Nếu muốn tìm được một quyển sách vừa ý, chúng ta phải mất hàng giờ ở nhà sách để tìm kiếm. Công việc này mất rất nhiều thời gian và hầu như chẳng mấy lần mang lại được hiệu quả. Vì vậy “Khi gặp được một quyển sách hay, nên mua liền dù đọc được hay không đọc được, vì sớm muộn gì cũng cần tới nó” đó là câu nói quen thuộc của Thủ tướng Anh Winston.

Sách mang lại cho chúng ta nhiều lợi ích, nó còn được coi là kho tàng cất giữ di sản tinh thần của nhân loại. Biết đọc sách tức là chúng ta đã thoát khỏi sự chán ghét của cuộc sống, và hướng tới một tương lai tươi sáng, tốt đẹp hơn. sách sẽ trở thành một người bạn của tất cả những ai trân trọng nó.

Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội - mẫu 4

Em chào cô và các bạn. Em là ….Trong cuộc đời chúng ta ai cũng sẽ mắc phải những lỗi lầm, nhưng sau khi mắc lỗi chúng ta cần phải biết nhận lỗi và sửa lỗi không thể chỉ biết đổ lỗi cho người khác. Nếu việc đổ lỗi diễn ra thường xuyên nó sẽ trở thành một thói xấu khiến ta trở nên xấu xí trong mắt người khác.

Hay đổ lỗi cho người khác là một thói hư tật xấu cần tránh. Khi chúng ta mắc lỗi, dù là lớn hay nhỏ thì điều đầu tiên cần làm đó là nhìn nhận, xem xét lại chính bản thân mình. Những lỗi lầm trong cuộc đời ta luôn xuất phát từ chính bản thân ta, chính vì vậy ta cần phải biết nhận lỗi và sửa lỗi có như thế ta mới có thể vững vàng, trưởng thành hơn trong cuộc sống. Thói hư tật xấu là tổng hợp của nhiều thói xấu khác nhau trong đó có đổ lỗi. Chúng ta luôn luôn phải nhìn nhận sự việc dưới nhiều góc độ để nhận thức rõ những sai lầm của mình. Nếu ta chỉ biết đổ lỗi thì mãi mãi ta sẽ không thể khá lên được. Thử tưởng tượng nếu một người cả đời chỉ biết đổ lỗi thì liệu rằng anh ta có thể trở nên cứng cáp, vững chãi trước cuộc sống đầy những bất trắc này? Nếu chỉ biết đổ lỗi ta mãi mãi không thể trưởng thành và sẽ chẳng có ai muốn ở cạnh người hay đổ lỗi cả. Khi ta biết nhận lỗi cuộc sống của ta trở nên yên bình hơn rất nhiều, không cần phải lo lắng hay làm người khác khó chịu khi tiếp xúc. Người hay đổ lỗi là người không bao giờ nhận ra khuyết điểm của mình, luôn tự cho mình là đúng và đổ lỗi cho người khác sau mọi thất bại của mình. Một lời xin lỗi không khiến chúng ta trở nên kém cỏi, một hành động thể hiện sự biết lỗi không khiến chúng ta trở nên hèn mọn. Có sai có sửa, ta luôn cần cố gắng phát huy những điều này để hoàn thiện bản thân ngày càng trở nên tốt đẹp hơn.

Khi chúng ta biết nhận lỗi, sửa lỗi chúng ta sẽ trưởng thành hơn rất nhiều. Vì vậy mong rằng sẽ không có ai mắc phải căn bệnh “đổ lỗi” này nữa.

Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội - mẫu 5

Em chào cô và các bạn. Tên em là ... Trong tiết học ngày hôm nay, em xin trình bày bài nói thuyết phục người khác từ bỏ thói quen xả rác, chất thải không đúng nơi quy định.

Các bạn thân mến, Bộ Tài nguyên và Môi trường từng đưa ra một thống kê như sau "Mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường, 0,28 triệu đến 0,73 triệu tấn trong số đó bị thải ra biển - nhưng chỉ 27% trong số đó được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở, doanh nghiệp". Đây đều là những con số biết nói, phản ánh chân thực hiện trạng xả rác, chất thải không đúng nơi, đúng chỗ.

Dù là thành phố hay nông thôn, miền ngược hay miền xuôi, việc người dân ngang nhiên vứt rác khắp mọi nơi đã trở thành hình ảnh quen thuộc. Cứ chỗ nào thuận tiện là họ sẵn sàng xả rác ở đó, miễn sao nhà cửa của mình luôn sạch bóng. Chính kiểu tư duy chỉ biết nghĩ về mình như này đã làm môi trường ngày càng ô nhiễm.

Có thể nói, thói quen xả rác, chất thải không đúng nơi quy định mang đến nhiều hậu quả nghiêm trọng. Trước hết, nó gây ảnh hưởng xấu tới các môi trường như đất, nước, không khí. Một số loài động vật, thực vật bị đe dọa sự sống, làm mất cân bằng đa dạng sinh học và tác động nặng nề đến tự nhiên. Tiếp đó, chúng ta phải đối mặt với các căn bệnh nguy hiểm: ung thư, tổn thương gan,... Tất cả những điều này đều bắt nguồn từ việc xả thải không đúng chỗ, khiến môi trường ô nhiễm nặng nề.

Nếu chúng ta có thể từ bỏ được thói quen xấu này thì không gian sống sẽ trở nên trong lành, xanh - sạch - đẹp. Con người cũng tránh khỏi mắc các bệnh liên quan đến hô hấp, tiêu hóa,... Cuối cùng, cuộc sống sẽ ngày càng tươi đẹp, văn minh hơn.

Để từ bỏ thói quen, mỗi người cần tự nâng cao ý thức về việc bảo vệ môi trường. Đồng thời, rèn cho bản thân thói quen phân loại và tái chế rác thải. Hãy chung tay, gắn kết với cộng đồng để giữ gìn nơi ở của chính mình.

Bài thuyết trình của em đến đây là kết thúc. Cảm ơn cô và các bạn đã chú ý theo dõi, lắng nghe.

Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội - mẫu 6

Trong cuộc sống, không ai tránh khỏi việc mắc phải những sai lầm. Tuy nhiên, điều quan trọng là chúng ta phải biết chấp nhận lỗi và sửa chữa, thay vì đổ lỗi cho người khác. Đổ lỗi là một thói quen xấu mà chúng ta cần tránh. Khi chúng ta mắc lỗi, dù lớn hay nhỏ, điều quan trọng là tự xem xét và tự đánh giá bản thân. Những sai lầm trong cuộc sống thường bắt nguồn từ chính chúng ta, do đó chúng ta phải có khả năng nhận lỗi và sửa chữa để trưởng thành hơn trong cuộc sống.

Việc đổ lỗi là kết tập của nhiều thói quen xấu khác nhau. Chúng ta cần nhìn nhận sự việc từ nhiều góc độ để nhận ra sai lầm của mình. Nếu chúng ta chỉ biết đổ lỗi, chúng ta sẽ không bao giờ tiến bộ. Hãy tưởng tượng một người suốt đời chỉ biết trách phạt người khác, liệu họ có thể trở nên kiên cường và vững chắc trước những khó khăn của cuộc sống? Nếu chỉ biết đổ lỗi, chúng ta sẽ không thể phát triển và không ai muốn ở bên cạnh một người luôn tránh trách nhiệm. Khi chúng ta biết chấp nhận lỗi, cuộc sống trở nên yên bình hơn rất nhiều, không gây phiền toái hay căng thẳng cho người khác trong giao tiếp.

Người thường đổ lỗi là những người không nhìn thấy điểm yếu của bản thân, luôn cho rằng mình đúng và đổ lỗi cho người khác sau mỗi thất bại. Một lời xin lỗi không làm chúng ta trở nên yếu đuối, mà ngược lại, nó thể hiện sự trưởng thành. Việc nhận lỗi và sửa chữa không làm chúng ta suy yếu, mà ngược lại, nó giúp chúng ta hoàn thiện và trở nên tốt hơn.

“Mỗi năm vứt bỏ một thói quen xấu, rồi sẽ đến lúc khiến ngay cả người tồi tệ nhất cũng trở nên tốt đẹp” - Benjamin Franklin. Hãy luôn cố gắng nhận lỗi và sửa chữa, để chúng ta ngày càng hoàn thiện và trở nên tốt đẹp hơn. Điều này không chỉ làm cho cuộc sống của chúng ta trở nên tốt hơn, mà còn mang lại sự hoàn thiện cho bản thân, để cuộc sống trở nên tốt hơn và thuận lợi hơn.

Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội - mẫu 7

Môi trường học đường của chúng ta hiện nay đang đứng trước nhiều thói hư tật xấu như: bạo lực học đường, nói tục chửi thề, gian lận trong thi cử, bệnh thành tích trong giáo dục. Một trong những vấn đề thách thức hàng đầu hiện nay đó chính là hiện tượng học sinh “nói tục chửi thề”. Đây là một hiện tượng xấu có nhiều tác hại mà ta cần lên án và loại bỏ.

Trước hết ta cần hiểu “nói tục chửi thề” là gì? Nói tục chửi thề là hiện tượng học sinh dùng những từ ngữ thiếu văn hóa, thiếu chuẩn mực để giao tiếp với nhau hằng ngày. Biểu hiện của hiện tượng này, là việc học sinh dùng những từ ngữ thô tục để lăng mạ, xúc phạm nhân phẩm người khác hoặc đôi khi chỉ nói quen miệng nhưng gây nên sự phản cảm lớn đối với người nghe.

Theo cách giải thích ở trên, ta thấy hiện tượng nói tục chửi thề là hiện tượng có nhiều tác hại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhân cách, đạo đức của thế hệ học sinh nói riêng và xã hội hiện nay nói chung. “Nói tục chửi thề” làm đạo đức và nhân cách của người học sinh bị suy đồi. Biến con người mình thành kẻ thiếu học thức, bị đánh giá là vô văn hóa, bị mọi người xa lánh, ghê tởm như căn bệnh. Việc nói tục chửi thề làm cho kỹ năng giao tiếp của học sinh trở nên yếu kém vì những phát ngôn lệch chuẩn. Từ đó khiến cho các cuộc giao tiếp trở nên thiếu lịch sự, đôi khi trở thành “thảm họa”.

Không chỉ vậy, việc nói tục, chửi thề còn ảnh hưởng rất lớn đến người khác. Nhất là trong các trường hợp nói tục chửi thề với mục đích lăng mạ, sỉ nhục người đối diện. Hành động đó làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, lòng tự trọng của người bị lăng mạ. Nếu việc này lặp đi lặp lại xảy ra nhiều lần, có thể gây ra tâm lý bức bối, không kiểm soát được bản thân, có những hành động có thể gây hậu quả nghiêm trọng. Thực sự đã có nhiều vụ bạo lực học đường đau lòng xảy ra cũng chỉ vì một lời nói tục, một cái nhìn đểu. Nguy hiểm hơn nữa là nếu không ngăn chặn thói xấu này, dần sẽ tạo nên một hệ lụy khôn lường. Từ một người nói tục, cả bàn nói tục, cả lớp nói tục, cả trường nói tục rồi lan ra cả ngoài xã hội. Khi đó xã hội văn minh sẽ biến mất mà thay vào đó là một xã hội thiếu văn hóa trầm trọng.

Từ việc phân tích tác hại đã nêu ở trên, ta cần tìm ra nguyên nhân. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến “nói tục chửi thề” nhưng chủ yếu là những nguyên nhân sau. Nhiều học sinh xuất thân trong gia đình có bố mẹ, anh chị làm nghề tự do. Do có mối quan hệ xã hội phức tạp nên đôi khi mang những lời nói tục tĩu về nhà. Từ đây, việc học cái tốt thì rất khó, nhưng học điều xấu thì lại rất dễ bởi “nghe quen tai, nói quen miệng”. Chắc chắn lời nói của người lớn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến ngôn ngữ của giới trẻ. Cũng một phần do học sinh tiếp xúc với nhiều phần tử xấu trong xã hội hoặc học sinh cá biệt. Cũng có thể là do nói quen miệng, khi trở thành thói quen rất khó bỏ. Phía nhà trường chưa có những sự tác động tích cực đến việc giáo dục học sinh.

Từ tác hại và những nguyên nhân trên, ta thấy cần phải có những biện pháp để khắc phục tình trạng nói tục chửi thề này. Trước hết là trong gia đình, cha mẹ phải cẩn trọng với từng lời nói của mình. Phải giáo dục trẻ, để trẻ không giao du với các thành phần xấu. Trong trường lớp thì cần phải tổ chức thêm nhiều hoạt động Đoàn, Đội lành mạnh để các em vui chơi, giao lưu học hỏi những điều tốt đẹp. Bản thân mỗi người cần rèn luyện nhân cách phẩm giá của mình để tránh xa những thói hư tật xấu.

Tóm lại, nói tục chửi thề là một hiện tượng xấu, có nhiều tác hại ảnh hưởng lớn đến môi trường học đường và đời sống xã hội. Mỗi cá nhân và tập thể cần lên án, đấu tranh và loại bỏ thói xấu ấy ra khỏi môi trường sống của chúng ta. Vì một môi trường học đường văn minh, tất cả hãy nói không với “Nói tục chửi thề”.

Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội - mẫu 8

Xã hội ngày một phát triển giúp con người có được cuộc sống thoải mái, tiện nghi hơn. Tuy nhiên song hành cùng với sự phát triển của xã hội thì ô nhiễm môi trường lại là một vấn đề đáng lo ngại ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của con người cũng như trái đất. Một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường chính là thói quen vứt rác bừa bãi và sử dụng vô tội vạ các loại vật liệu nhựa sử dụng một lần.

Vứt rác bừa bài là một thói quen xấu của một số bộ phận người. Thói quen này có thể hình thành do lối sinh hoạt truyền lại từ những đời trước, hoặc chưa được giáo dục về việc để rác đúng nơi quy định cũng như nhận thức của người dân về ô nhiễm môi trường còn hạn chế.

Ở nông thôn, sông hồ ao chẳng của ai nên người dân cứ ngang nhiên mang rác ra đổ. Một người đổ, hai người đổ kéo theo cả làng, cả xóm đổ. Vô tình thì cái hiệu ứng đám đông đó đã biến những nơi vốn trong sạch thành điểm tập kết rác thải. rác cứ vứt, cứ đổ bừa bãi mà chẳng bị làm sao. Phải chăng là chính quyền các địa phương chưa có chế tài xử phạt hợp lí, còn buông lơi, lỏng lẻo với vấn đề môi trường.

Vứt rác bừa bãi gây ra rất nhiều tác hại khôn lường. Trên đường phố,ở cơ quan, trong trường học, trên bãi biển ... nơi nào cũng thấy rác thì nơi đã trở thành khu vực mất vệ sinh và mất mĩ quan vốn có. rác thải tràn lan trên đường còn gây cản trở giao thông thậm chí là gây ra những vụ tai nạn thương vong vì người điều khiển phương tiện trong đêm tối bị bất ngờ khi gặp các chướng ngại vật nên phanh gấp.

Để loại bỏ thói quen vứt rác bừa bãi thì đó không phải là trách nhiệm của riêng cá nhân hay tổ chức nào. các cơ quan chức năng cần tích cực tuyên truyền giúp người dân nhận thức rõ. Các biện pháp nghiêm cấm và xử phạt đối với các hành vi vi phạm cũng cần được đẩy mạnh. Bên cạnh đó thì các công ty thu gom rác cần có những biện pháp xử lí rác đúng quy trình để giảm ô nhiễm môi trường. Về phía những người dân thì mỗi người cần ý thức được trách nhiệm của mình để từ bỏ thói quen xấu.

Chìa khóa cho một cuộc sống an lành và một sức khỏe bền vững đó chính là môi trường trong sạch. Mỗi công dân trên toàn cầu vì thế mà hãy chung tay xây dựng một môi trường xanh sạch đẹp, bài trừ thói quen vứt rác bừa bãi.

Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội - mẫu 9

Để trở thành một người có nhân cách tốt và thành công trong cuộc sống, chúng ta phải rèn luyện những thói quen tích cực và loại bỏ những thói quen tiêu cực. Thói quen tốt sẽ dẫn đến thành công, trong khi thói quen xấu sẽ dẫn đến thất bại và tác hại khôn lường. Một trong những thói quen không tốt mà người lớn và trẻ em cần tránh khi tham gia giao thông là không đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp điện hoặc xe gắn máy.

Tuy chính phủ và Nhà nước đã áp đặt nhiều hình phạt nghiêm khắc đối với những người không đội mũ bảo hiểm, nhưng thói quen này vẫn còn rất phổ biến và gây ảnh hưởng đến sự an toàn của người tham gia giao thông, đặc biệt là các em học sinh. Nhiều em đội những chiếc mũ bán ở vỉa hè không đảm bảo chất lượng hoặc không đội mũ vì cho rằng mũ rất nặng và cản trở tầm nhìn. Hơn nữa, nhiều bậc phụ huynh cũng không quan tâm đến sự an toàn của con em mình khi tham gia giao thông và thiếu trách nhiệm trong việc giáo dục các em phải đội mũ bảo hiểm để bảo vệ tính mạng của mình.

Sau khi thực hiện khảo sát và nghiên cứu, đã xác định được rằng thói quen không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông của người lớn bắt nguồn từ việc cảm thấy khó chịu và bí bách khi đội mũ trong những ngày nắng nóng, hoặc do quên đội mũ khi vội. Còn đối với học sinh như chúng ta, nguyên nhân không đội mũ bảo hiểm thường liên quan đến thẩm mỹ và cảm giác khó chịu. Tuy nhiên, thói quen này đã dẫn đến nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng và đe dọa tính mạng con người. Để giảm thiểu nguy cơ chấn thương đầu và tử vong trong tai nạn giao thông, cần bỏ thói quen không đội mũ bảo hiểm khi lái xe đạp điện hay xe gắn máy. Tôi từng có thói quen này và đã nhận ra sự nghiêm trọng của nó sau một vụ tai nạn. Những vụ tai nạn liên quan đến xe đạp điện hay xe gắn máy thường xảy ra với những người không đội mũ bảo hiểm, đặc biệt là học sinh lái xe quá nhanh. Do đó, việc hình thành thói quen đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông là cực kỳ quan trọng.

Để từ bỏ thói quen không đội mũ bảo hiểm, cần thực hiện những việc gì? Ngoài việc áp dụng các luật và hình phạt của Chính phủ và Nhà nước để đối phó với những người không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, chúng ta cần phải hình thành thói quen đội mũ bảo hiểm trong bản thân mỗi người. Thường thì một số người có thể không muốn đội mũ bảo hiểm vì mũ không đạt chuẩn thẩm mỹ hoặc không phù hợp với gu thẩm mỹ của họ, đặc biệt là những người trẻ tuổi. Tuy nhiên, để khắc phục vấn đề này, các bậc phụ huynh có thể trang trí thêm một số hình dán lên mũ bảo hiểm để làm cho nó trông đẹp hơn.

Hơn nữa, để hình thành thói quen đội mũ bảo hiểm, chúng ta nên luôn ghi nhớ mang theo mũ bảo hiểm khi ra đường và treo mũ ở những nơi dễ thấy, dễ cầm, ví dụ như treo ở xe hoặc để mũ ở trên tủ giày gần cửa. Việc này sẽ giúp cho chúng ta hình thành thói quen đội mũ bảo hiểm dễ dàng hơn và tránh tình trạng quên không đội mũ khi ra ngoài.

Đối với trẻ em, nếu người lớn đã có thói quen đội mũ bảo hiểm, thì trẻ em cũng sẽ học theo thói quen này. Ngoài ra, để bảo vệ tính mạng và hạn chế chấn thương ở đầu, mỗi người dân cần thực hiện nghiêm quy định đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, bất kể đó là điều khiển hoặc ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện. Việc đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp điện, xe mô tô hay xe máy có thể giảm được 42% nguy cơ tử vong, tùy thuộc vào tốc độ của từng loại xe. Do đó, tất cả chúng ta, kể cả các học sinh trên ghế nhà trường, cần phải có ý thức, tự hình thành thói quen đội mũ bảo hiểm và tuyên truyền thói quen tốt đến với mọi người xung quanh ta để bảo vệ an toàn tính mạng của bản thân mình.

Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội - mẫu 10

Trong thế giới công nghệ 4.0 ngày nay, game online hiện đang phát triển với tốc độ chóng mặt với sự đa dạng về thể loại cũng như chiến thuật và lối đồ họa khác nhau. Trên thực tế trò chơi điện tử ra đời nhằm giúp chúng ta có những phút giây thư giãn sau những giờ học, giờ làm căng thẳng. Tuy nhiên khi trò chơi điện tử phát triển và trở nên phổ biến thì dường như có một số bộ phận học sinh đã quá sa đà với trò chơi này và để lại những hậu quả xấu.

Game được hiểu là những trò chơi điện tử được các lập trình viên có đầu óc máy tính, sáng tạo phong phú tạo nên. Nghiện game là hiện tượng đang phổ biến rộng khắp. Nó còn được cảnh báo nguy hiểm như nghiện thuốc phiện, khiến cho người chơi mê muội vào nó, không còn để ý xung quanh.

Tại Việt Nam, hiện trạng học sinh nghiện game vô cùng phổ biến. Ta có thể bắt gặp những quán nét đầy những thanh thiếu niên còn đang mặc bộ đồng phục trắng ngồi trong các quán nét chơi hàng giờ liền, có nhiều người chơi qua ngày. Hay có thể thấy những clip trên mạng quay lại cảnh những quán net đầy những học sinh, hay cảnh bố mẹ cầm roi, quát mắng mà vẫn cố chơi cho nốt. Những quán điện tử xuất hiện tần số nhiều hơn, được trang bị nhiều máy tính công nghệ cao hơn, phục vụ cho “nhu cầu” của học sinh.

Hiện tượng nghiện game ngày càng phổ biến bởi nhiều lý do. Game ngày càng được sáng tạo đầy phong phú. Theo thị yếu của người chơi, những người tạo ra nó không ngừng sáng tạo những trò điện tử đầy màu sắc, đầy hấp dẫn. Trò chơi đa dạng nhiều thể loại: trí tuệ, hành động,… Tính đa dạng, mới mẻ của game thu hút, hấp dẫn với lứa tuổi học sinh thích tìm hiểu điều mới. Học sinh ý thức còn kém trong việc quản lý thời gian chơi của mình, không thể ngừng chơi, không thể làm chủ bản thân mình. Học sinh cũng còn thiếu nhận thức về tính nguy hại của các trò điện tử. Hơn thế cha mẹ quản lý lỏng lẻo, buông thả con cái. Nhiều bậc phụ huynh mải mê với công việc mà quên mất quan tâm đến con khiến nhiều học sinh vì cô đơn mà tìm đến trò chơi điện tử.

Đây là hiện tượng đáng báo động buộc chúng ta phải lên tiếng và đề ra những biện pháp ngăn chặn. Với nhà trường phải có những cách thức ngăn chặn, dạy bảo và tổ chức nhiều các hoạt động ngoại khoá thú vị để học sinh tham gia. Với phụ huynh phải thường xuyên theo dõi, quản lý thời gian sử dụng máy tính của con cái. Và với học sinh, phải có ý thức tự giác, tự quản lý bản thân và không ngừng học tập, rèn luyện.

Xã hội ngày một phát triển, con người có nhiều cách để giải trí khác nhau. Vậy tại sao ta không tham gia những hoạt động giải trí lành mạnh mà lại để hiện tượng game ngày một phổ biến như vậy? Điều này chúng ta thật cần quan tâm và loại bỏ.

Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội - mẫu 11

Mỗi chúng ta được xuất hiện trên cõi đời với hình hài khỏe mạnh là một diễm phúc. Thế nhưng, không phải ai cũng có may mắn sở hữu một cơ thể lành lặn. Họ phải chịu những khiếm khuyết và những di chứng bệnh tật đến suốt đời. Tuy nhiên, những khiếm khuyết đó không thể đánh gục được họ. Thay vì chấp nhận và đầu hàng với số phận của mình, họ luôn tìm cách vươn lên trong cuộc sống như những bông hoa hướng dương luôn hướng về ánh mặt trời.

Vượt lên số phận của chính mình là dũng cảm vượt qua mọi khó khăn, nghịch cảnh trong cuộc sống, luôn cố gắng, nỗ lực hoàn thiện bản thân, biến những khiếm khuyết của bản thân thành điểm mạnh. Những tấm gương vượt lên trên số phận thường được ví như những cây xương rồng trên sa mạc. Dù đất có cằn cỗi, khí hậu có khắc nghiệt thì xương rồng vẫn mạnh mẽ sống và vươn lên. .

Những nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần đã rèn luyện cho họ ý chí kiên cường, không chịu khuất phục trước gian nan để trở thành một cây xương rồng gai góc. Họ thường phải đối diện với những ánh mắt khinh bỉ, coi thường của mọi người khi sinh ra đã bị thiếu một bộ phận trên cơ thể. Chính vì vậy, họ buộc phải đối diện với nỗi sợ hãi trong chính bản thân để vượt lên trên số phận. Bên cạnh đó, sự giúp sức, động viên của gia đình, người thân chính là động lực to lớn giúp họ có thể đứng vững bằng sức lực của mình.

Họ là những thanh âm trong trẻo, nghị lực cất lên từ số phận bất hạnh và đau khổ nhưng vẫn giữ được tinh thần lạc quan, tràn đầy sức sống. Họ không nản chí, đầu hàng trước mọi khó khăn, luôn kiên định với mục tiêu mình đề ra và nỗ lực tìm cách khắc phục những yếu điểm của bản thân để tiếp thêm sức mạnh cho những mảnh đời kém may mắn. Và hơn hết, họ tự ý thức sâu sắc về số phận và quyết tâm vượt lên hoàn cảnh để tạo dựng một cuộc sống tốt đẹp cho bản thân, gia đình, cộng đồng. .

Có lẽ, câu chuyện cảm động về thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký đã khiến cho bao bạn đọc phải cảm thấy khâm phục vì tài năng và sức mạnh phi thường của thầy. Thầy bị bại liệt cả hai tay từ nhỏ, thuở đi học thường bị bạn bè chê cười nhưng thầy đã dùng đôi chân của mình để "viết số phận", chẳng những vậy mà thầy còn viết chữ rất đẹp. Chắc hẳn các bạn đã từng nghe qua câu chuyện "Người hùng chinh phục đỉnh Phan - xi - păng cùng chiếc nạng gỗ"? Đó chính là anh Nguyễn Sơn Lâm, một người mắc hội chứng loãng xương từ nhỏ, bị teo cả hai chân nhưng đã trở thành một diễn giả nổi tiếng và đã chinh phục được đỉnh Phan - xi - păng cùng chiếc nạng gỗ của mình. Chúng ta là một người khỏe mạnh nhưng việc chinh phục "nóc nhà Đông Dương" là một điều rất khó khăn vì nó đòi hỏi con người phải có sức khỏe và sự kiên trì. Anh Nguyễn Sơn Lâm đã tạo nên chiến tích của chính cuộc đời mình, anh chỉ nặng 27 kg và không thể di chuyển bằng hai chân như người bình thường nhưng anh đã làm nên một điều phi thường.

Vượt lên trên số phận của chính mình sẽ giúp cho bạn trở thành một phiên bản tốt nhất có thể, từ đó thấy được rằng này cuộc sống này sẽ vô cùng ý nghĩa và đáng sống. Những tấm gương vượt lên số phận của chính mình là những người truyền lửa, họ đem đến cho chúng ta niềm tin, niềm hi vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn. Khi bạn dám bước ra khỏi vùng an toàn của mình cũng chính là lúc bạn thấy rằng chân trời phía trước luôn rộng mở để chào đón bạn khám phá.

Thế nhưng, bên cạnh những tấm gương sáng về nghị lực vượt lên trên số phận của chính mình thì vẫn còn một bộ phận nhỏ những người sống không có ý chí nghị lực, thấy khó khăn đã vội chùn bước. Chúng ta cần phê phán những người luôn giữ trong mình những suy nghĩ tiêu cực, không dám hành động và sống không có ước mơ.

Cuộc sống của chúng ta luôn ẩn chứa vô vàn điều thú vị cho nên bạn hãy thật mạnh dạn để thoát ra khỏi chiếc vỏ bọc của chính mình. Hãy trở thành người dám nghĩ dám làm, dám ước mơ thì chắc chắn bạn sẽ nhận được những thành quả xứng đáng. Bạn cần cảm thấy may mắn khi mình là một người "bình thường" cho nên nhất định không nên kì thị mà phải biết giúp đỡ những người kém may mắn hơn trong cuộc sống. Bạn hãy vạch ra cho mình những mục tiêu cần hoàn thành và không được ỷ lại vào người khác khi bản thân có thể làm được, khi đó thành công sẽ mỉm cười với chính bạn.

"Không có số phận, chỉ có những quyết định của con người làm nên số phận mà thôi". Quả đúng là như vậy, những tấm gương vượt lên số phận chính mình chính là những tấm gương sáng mà chúng ta cần noi theo. Chính những suy nghĩ và hành động đúng đắn của những tấm gương vượt lên trên số phận đã giúp họ khẳng định giá trị của bản thân mình rằng họ không thua kém bất kì ai trong thế giới rộng lớn này.

Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội - mẫu 12

Mỗi chúng ta khi sinh ra đời chúng ta không thể tự lựa chọn cha mẹ hay số phận cho chính mình được. Tạo hóa cho mỗi con người một số phận khác nhau. Có những người vừa sinh ra đã gặp nhiều may mắn hạnh phúc có ba mẹ yêu thương, sinh ra trong một gia đình giàu có sung túc. Ngược lại có những người vừa sinh ra đã thiệt thòi bởi hoàn cảnh của gia đình khó khăn, hoặc bị ba mẹ bỏ rơi không cha không mẹ, có những người sinh ra đã không được khỏe mạnh bằng chúng bạn của mình, thiệt thòi hơn các bạn rất nhiều. Nhưng dù trong hoàn cảnh nào thì những con người chúng ta đều cố gắng vươn lên trong cuộc sống. Có những người dù bị thiệt thòi trong cuộc sống nhưng họ không vì thế mà buông xuôi cuộc đời mình mà luôn cố gắng vươn lên trong cuộc sống để không thua kém bạn bè. Những con người đó thật sự là tấm gương sáng để cho chúng ta noi theo, thái độ sống tích cực của họ.

Trong xã hội của chúng ta còn nhiều con người chịu nhiều thiệt thòi đó họ không đầu hàng số phận không chấp nhận mình sẽ là gánh nặng của gia đình và xã hội họ cố gắng vươn lên trong cuộc sống của chính mình quả là một điều thật sự đáng ngưỡng mộ. Như thầy giáo Nguyễn Ngọc Kí một con người đã chịu rất nhiều trong cuộc sống khi sinh ra đã bị liệt hai tay. Nhưng bằng nghị lực phi thường của mình thầy đã cố gắng học viết chữ bằng chân. Những ngày đầu tập viết những nét chữ viết bằng tay còn khó khăn thì những nét chữ bằng chân vô cùng khó. Nhưng thầy Nguyễn Ngọc Kí vẫn kiên nhẫn tập viết mỗi ngày để rồi thầy có thể theo đuổi sự nghiệp học hành của mình. Rồi thầy Nguyễn Ngọc Kí đã thi đỗ đại học rồi trở thành một thầy giáo. Một thầy giáo dạy giỏi viết chữ bằng chân. Đó chính là một nỗ lực phi thường của mỗi con người.

Những con người thiệt thòi, khi họ sinh ra đã không được lành lặn nhưng chính nhờ ý chí, nghị lực sống phi thường của mình mà họ đã vươn lên trở thành những con người thành đạt không hề thua kém những người lành lặn. Thậm chí, nhiều bạn trẻ khỏe mạnh lành lặn nhưng sự nỗ lực trong cuộc sống lại không. Họ để cho những thói hư tật xấu trong cuộc sống cám dỗ mình rồi trở thành những kẻ tội phạm gây ra những tội ác ghê rợn. Những bạn trẻ này thật sự là gánh nặng của xã hội, họ thật sự không biết tận dụng những lợi thế mà cuộc sống, tạo hóa đã ban tặng cho mình sống hoài sống phí tuổi trẻ tương lai của mình. Trong khi đó nhiều người vừa sinh ra do những ảnh hưởng của chất độc màu da cam, hoặc do tạo hóa nên khi vừa chào đời họ đã thiệt thòi, nhưng họ vẫn luôn sống có ích, có ước mơ hoài bão của mình.

Cái đáng quý nhất của mỗi con người này chính là nghị lực sống kiên cường, phi thường của họ. Dù cuộc sống có nhiều khắc nghiệt nhưng họ vẫn vươn lên trong cuộc sống với những ước mơ, hoài bão vô cùng lớn lao. Những con người này thường phải nỗ lực gấp hai, ba lần thậm chí mười lần so với người khỏe mạnh bình thường nhưng họ lại tạo ra những kỳ tích mà người khỏe mạnh bình thường cũng không làm được. Dù tạo hóa không công bằng với họ nhưng họ không trông chờ vào lòng từ bi, thương hại của người khác mà luôn chủ động trong cuộc sống của mình. Thậm chí họ còn tạo nên nhiều thành công khiến cho người khác phải nể phục. Họ sinh ra có thể thiếu đi một bộ phận nào đó trên cơ thể nhưng bằng bàn tay khối óc của mình họ đã kiên cường vươn lên trong cuộc sống. Họ quyết khẳng định vị trí của mình không làm gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Chính trái tim khối óc, ý chí của con người đã chiến thắng mọi thứ trong cuộc sống. Những con người có nghị lực sống thì không có khó khăn nào có thể làm họ gục ngã.

Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội - mẫu 13

"Chỉ cần có ước mơ đủ lớn, ý chí sẽ đưa bạn đến thành công". Quả đúng là như vậy, khi bạn dám ước mơ, dám đặt ra mục tiêu lý tưởng cho mình thì chắc chắn ý chí sẽ là liều thuốc tiếp thêm sức mạnh để bạn chạm tay tới cánh cửa thành công. Sau khi học xong hai văn bản "Hê-ra-clét đi tìm táo vàng" và "Chiến thắng Mtao Mxây" đã cho ta thấy rằng sức mạnh ý chí đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với mỗi con người.

Ý chí không phải từ khi sinh ra chúng ta đã sở hữu nó mà ý chí được sinh ra trong quá trình chúng ta rèn luyện bản thân. Ý chí là nghị lực vươn lên trong cuộc sống, khi gặp khó khăn cũng không lùi bước, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành mục tiêu. Sức mạnh ý chí sẽ giúp cho con người vượt qua khó khăn một cách dễ dàng hơn và nhận được sự kính phục từ mọi người.

Người có sức mạnh ý chí là người luôn lạc quan trong cuộc sống, khi gặp khó khăn họ sẽ tìm cách để vượt qua chứ không chịu đầu hàng. Dẫu biết trên đời này không có ai là hoàn hảo nhưng chúng ta đều có thể cố gắng, trau dồi tri thức, làm đẹp cho bản thân để trở thành một phiên bản tốt nhất. Trong văn học, ta bắt gặp một Hê-ra-clét là người người phàm nhưng lại mang ý chí, sức mạnh phi thường. Sức mạnh ý chí chính là động lực giúp Hê-ra-clét chiến thắng các vị thần trong các cuộc giao đấu, vượt qua mọi khó khăn, thử thách để đem táo vàng về cho nhà vua. Bên cạnh đó, nhân vật Đăm Săn trong "Chiến thắng Mtao Mxây" cũng là người anh hùng mà chúng ta đáng ngưỡng mộ. Đăm Săn đã chiến đấu oanh liệt để cứu vợ khi bị Mtao Mxây bắt vợ và trở thành tù trưởng đáng kính của buôn làng. Không chỉ trong văn học, ở cuộc sống đời thường ta vẫn luôn bắt gặp những tấm gương có ý chí, nghị lực phi thường. Chắc hẳn mỗi chúng ta đều nhớ câu chuyện về người thầy Nguyễn Ngọc Ký. Thầy Nguyễn Ngọc Ký bị bại liệt cả hai tay nhưng bằng một sức mạnh phi thường thầy đã học viết bằng chân và trở thành một người thầy giáo đáng kính. Có lẽ, những khiếm khuyết trên cơ thể cũng không thể làm khó được thầy bởi thầy luôn nuôi trong mình một ngọn lửa tràn đầy nhiệt huyết, một ngọn lửa của ý chí vững vàng. Bởi vậy, sức mạnh ý chí có vai trò vô cùng to lớn và quan trọng trong việc khẳng định bản thân và sự thành công của mỗi người. Sức mạnh ý chí giúp con người sống có mục tiêu, hành động rõ ràng và luôn luôn biết cố gắng để đạt được mục tiêu. Sức mạnh ý chí còn giúp cho con người đứng vững trước những phong ba, bão táp của cuộc đời.

Bên cạnh những tấm gương về sức mạnh ý chí thì vẫn còn tồn tại một bộ phận nhỏ những người không nhận ra tầm quan trọng của sức mạnh ý chí. Thật đáng phê phán những người hèn nhát, dám nghĩ nhưng không dám làm, những người không có ý chí, nghị lực, thấy khó khăn đã vội nản chí, có lối sống ích kỉ và chỉ biết dựa dẫm vào người khác để đạt được mong muốn.

Để cho cuộc sống của chúng ta tươi đẹp hơn và để cho mỗi ngày trôi qua là một ngày ý nghĩa thì mỗi chúng ta cần trau dồi, rèn luyện bản thân để không bị gục ngã khi gặp khó khăn, thất bại. Bên cạnh đó, chúng ta cần chọn cho mình một thái độ sống tích cực, biết vươn lên để khẳng định chính mình.

Sức mạnh ý chí đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự thành công của mỗi người. Dù bất cứ trong hoàn cảnh nào, khi bạn vấp ngã hay gặp khó khăn thì sức mạnh ý chí sẽ là nút gỡ giúp bạn vượt qua mọi trở ngại. Do vậy, bạn hãy tự tin khẳng định chính mình và bước ra khỏi "vùng an toàn" của mình để đem lại những năng lượng tích cực cho chính mình và mọi người xung quanh.

Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội - mẫu 14

Động cơ học tập không chỉ thể hiện thái độ ở người học mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả, thành tích. Để có thể rèn luyện và phát triển cho bản thân những động cơ trong quá trình học, mỗi người chúng ta cần phải làm gì?

Ngày nay, "động cơ học tập" không còn là khái niệm mới mẻ. Nhiều bạn học sinh thường chia sẻ rằng bản thân có động lực học là nhờ vào ước mơ công việc, . Như vậy, hiểu một cách đơn giản thì động cơ học tập chính là động lực học tập. Các yếu tố này được thúc đẩy và duy trì bởi một mục đích nào đó. Theo cách hiểu sâu rộng hơn, động cơ học tập sẽ sản sinh ra các hành vi, nhằm kích thích người học hướng tới kết quả hoặc nhu cầu nào đó.

Có thể nói, động cơ học mang vai trò hết sức quan trọng. Nó giúp mỗi cá nhân xác định rõ ràng phương hướng, mục tiêu học đúng đắn, từ đó dễ dàng đi đến ước mơ đã đề ra. Có động lực, người học trở nên chủ động trong việc tiếp cận và lĩnh hội tri thức. Từ đây, họ ngày càng hăng say tìm hiểu, khám phá chân trời tri thức với tinh thần thoải mái, tự nguyện. Ngoài ra, động cơ học còn thúc đẩy mỗi người chăm chỉ rèn luyện để đạt được kết quả tốt nhất. Chúng ta từng thấy được rất nhiều tấm gương về việc có ý chí học tập. Khi đất nước bị kìm kẹp trong ách nô lệ của thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước với hai bàn tay trắng. Sống ở nơi đất khách quê người nhiều khó khăn, vất vả, Người vẫn cần mẫn vừa học vừa làm. Cuối cùng, Người đã xác định được con đường đúng đắn cho cách mạng, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào năm 1945. Hay đó còn là rất nhiều bạn trẻ với lí tưởng cao đẹp đang siêng năng học hành nhằm xây dựng đất nước giàu mạnh. Từng ngày từng giờ, họ ra sức trau dồi, tích lũy bài vở. Họ luôn sẵn sàng hành động để vươn tới hoài bão, ước mơ của bản thân.

Tuy động cơ học tập có quan trọng như vậy nhưng hiện nay, một số người không nhận ra được ý nghĩa to lớn đó. Vài bạn đi học trong tâm thế thụ động, bắt ép. Họ không thể tự xác định cho bản thân mục đích, phương hướng phù hợp. Số khác lại ở trạng thái mơ hồ, hời hợt, không có chí tiến thủ chỉ vì học cho mong ước của người khác. Những trường hợp trên đây xảy ra bởi rất nhiều nguyên nhân. Có thể là vì người học không tự xác định được mục tiêu học nên dễ chán nản, dễ bỏ cuộc. Hoặc tình trạng phụ huynh bắt ép con cái học theo ý của chính họ cũng là một nguyên do.

Không ai có thể học hộ, học giúp người khác. Vì thế, mỗi người cần rèn luyện, bồi dưỡng động lực học tập phù hợp cho chính mình. Để làm được điều đó, trước hết, chúng ta cần xác định rõ phương hướng "đường đi, nước bước" trên hành trình tích lũy tri thức nhân loại. Tiếp đến, trong quá trình học, nếu gặp khó khăn, thử thách, chúng ta không vội nản chí mà bỏ cuộc. Hãy suy nghĩ, tìm ra vấn đề và tự giải quyết chúng. Đặc biệt, chúng ta phải biết kiên định với lập trường ban đầu, không để các yếu tố bên ngoài tác động mà lung lay ý chí, quyết tâm ở bản thân.

Như vậy, động cơ học tập có sức mạnh nội tại mạnh mẽ, vừa kích thích tinh thần ham học, vừa duy trì hứng thú mở rộng kho báu kiến thức. Bởi vậy, mỗi người hãy tự đề ra những động lực đúng đắn, xây dựng kế hoạch cụ thể để dễ dàng đạt được kết quả mình mong muốn.

Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội - mẫu 15

Trong thời đại hội nhập toàn cầu, các quốc gia và vùng lãnh thổ đang tăng cường giao lưu, trao đổi trên nhiều lĩnh vực như văn hóa, nghệ thuật, lịch sử,... Điều này dẫn đến sự sản sinh các trào lưu, "hot trend" được vô vàn người hưởng ứng. Đây chính là những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp tới thị hiếu của thanh nhiên ngày nay.

Vậy, như thế nào là thị hiếu? Khi chúng ta chiết tự tiếng "thị", "hiếu" thì cả hai đều có nghĩa tương tự nhau, chỉ "thích, ham, ưa thích". Như vậy, "thị hiếu" - một từ chỉ sự ham thích, thích thú trước một thứ, một việc gì đó. Từ đây, con người không chỉ thưởng thức mà còn áp dụng các điều ấy vào chính cuộc sống hàng ngày.

Các thiết bị điện tử thông minh ra đời đã mang đến những bước chuyển mới trong đời sống nhân loại. Đâu đâu, ta cũng bắt gặp Internet tốc độ cao, phủ sóng khắp mọi nơi. Nhờ đó, con người dễ dàng tiếp cận với nhiều thị hiếu khác nhau. Nếu các bậc phụ huynh có xu hướng tìm về giá trị xưa cũ thì thế hệ thanh niên, lớp trẻ lại lựa chọn sự năng động, hiện đại. Thị hiếu của thanh niên được thể hiện qua nhiều phương diện: thời trang, nghệ thuật,... Họ có thể tiếp thu và nắm bắt trào lưu thịnh hành hay các cơn sốt gây bão cộng đồng mạng. Tuy nhiên, chính bởi sự mơ hồ trong nhận thức đã dẫn đến một vài hành vi tiêu cực. Đó là việc vài bạn trẻ ăn mặc lập dị theo kiểu "thiếu vải", tạo nên sự phản cảm. Có người thì lại phát ngôn gây sốc, mang tính xúc phạm, nhằm câu view, câu like. Trong bối cảnh hội nhập, giao lưu, một số thanh niên thường "sính ngoại", đề cao phong tục, tập quán của dân tộc khác. Họ sẵn sàng chê bai, chối bỏ văn hóa nước nhà. Bên cạnh những người có thị hiếu lệch lạc như vậy, vẫn còn nhiều bạn trẻ tiếp nhận trào lưu, sản phẩm văn hóa một cách tích cực. Các bạn đó luôn biết dung hòa mọi giá trị, biết lựa chọn điều phù hợp với bản thân, xã hội. Ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh những tập thể, cá nhân đang ra sức khôi phục lại trang phục cổ của nước nhà từ thời Lí, Trần, Hậu Lê và Nguyễn. Hay còn là một số người ngày ngày giữ gìn và kế thừa, khôi phục truyền thống, văn hóa dân gian.

Nguyên nhân của việc lan truyền, tiếp thu các thị hiếu mang tính tiêu cực đến từ chính con người. Trước hết là do các bạn trẻ thiếu hiểu biết, dẫn đến có cái nhìn lệch lạc và quan điểm sai lầm. Một vài cá nhân thì dễ bị kích thích, cuốn vào thú vui mới mẻ nhưng chưa trang bị đầy đủ kiến thức. Số khác thích "a-dua" theo trào lưu, theo "mốt" nhưng không chịu tìm tòi kĩ càng.

Có thể nói, các trào lưu độc hại ngày càng gia tăng sẽ làm xã hội văn minh tồn tại nhiều giá trị thẩm mĩ, văn hóa "rác". Từ đây, con người dễ bị bóp méo về tư tưởng, đạo đức, lệch lạc trong tam quan. Không chỉ vậy, khi thanh niên tiếp tục xu hướng "sính ngoại", đất nước có nguy cơ đánh mất những bản sắc tốt đẹp, hòa nhập trở thành "hòa tan".

Như vậy, chúng ta cần tự ý thức trong lựa chọn và tiếp nhận các giá trị văn hóa, thẩm mỹ. Cái gì tốt đẹp, văn mình thì hãy niềm nở đón nhận, điều gì lệch lạc, phản cảm thì phải lên án, gạt bỏ. Ngoài ra, các đơn vị truyền thông, các nhà quản lý nên tổ chức giao lưu văn hóa nghệ thuật, chuyên đề tìm hiểu lịch sử, văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc. Đặc biệt, những người làm giáo dục cần phối hợp với gia đình để có định hướng đúng đắn về thị hiếu cho học sinh.

Thị hiếu của thanh niên vẫn đang tác động rất nhiều tới đời sống xã hội. Do đó, chúng ta - thế hệ trẻ mà đất nước kì vọng cần chăm chỉ học tập, tu dưỡng đạo đức, biết lựa chọn và tiếp thu những giá trị tốt đẹp, văn minh.

Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội - mẫu 16

Trong nhiều năm trở lại đây, con người đã không ít lần phải chứng kiến, đối mặt với dịch bệnh. Kể từ sau Covid-19, chưa bao giờ chúng ta thấy rõ được hậu quả mà dịch bệnh để lại đến thế. Trong bài viết này, tôi sẽ đem đến cho các bạn một cái nhìn toàn diện về ảnh hưởng của đại dịch đối với đời sống xã hội. 

Trước hết, chúng ta cần làm rõ và giải thích khái niệm đại dịch. Khi có sự lây lan trên phạm vi rộng của một loại bệnh mới thì ta gọi đó là đại dịch. 

Trải qua hơn 2 năm chiến đấu với Covid 19, chắc hẳn mỗi người đều sẽ có cho mình những kỉ niệm, suy nghĩ và cảm xúc khác nhau. Để đến ngày hôm nay, khi tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát và trạng thái “bình thường mới” được thiết lập, ta mới thấy trân trọng cuộc sống. “Rùng mình”, “sợ hãi” chính là những từ ngữ để diễn tả nỗi ám ảnh của tất cả chúng ta khi nghĩ về những hậu quả to lớn mà đại dịch để lại. 

Trước hết, đối với mỗi cá nhân, việc lây lan các loại virus, vi khuẩn trên phạm vi rộng với tốc độ nhanh chóng đã làm gia tăng nguy cơ nhiễm bệnh. Nếu ai đó mắc phải, virus sẽ tấn công vào cơ thể, gây suy giảm miễn dịch và để lại những di chứng nặng nề sau khi khỏi bệnh. Đặc biệt, nó còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới tính mạng nếu không được chữa trị kịp thời. Vào những lúc đỉnh điểm của đợt dịch, Nhà nước, chính quyền buộc phải ban bố tình trạng khẩn cấp và yêu cầu người dân cách li trong nhà. Phải ở nhà suốt thời gian dài, không có cơ hội gặp gỡ, giao tiếp với người khác, một số người rơi vào trầm cảm, khủng hoảng. Dịch bệnh là nguyên nhân chính gây nên một số bất ổn về mặt tâm lí, kéo theo đời sống của mỗi người cũng bị đảo lộn xáo trộn theo. 

Không chỉ ảnh hưởng tới mỗi cá nhân, dịch bệnh còn tác động trực tiếp tới mọi mặt của xã hội. Giáo dục bị trì trệ, học sinh, sinh viên phải nghỉ học ở nhà. Đại dịch làm thay đổi hình thức học tập, giảng dạy từ trực tiếp sang trực tuyến, buộc mỗi người phải thích ứng, nắm bắt nhanh chóng, kịp thời. Đại dịch xảy ra, ngành nghề phải “đứng mũi chịu sào” nhiều nhất chính là y tế. Nhiều bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải, không đủ xe vận chuyển, thiết bị y tế và nguồn nhân lực trong các trường hợp cần thiết. Nhiều cán bộ công nhân viên thường xuyên phải túc trực, làm việc hết công suất. Đặc biệt, các nhà khoa học phải chạy đua với thời gian để nghiên cứu, điều chế và sản xuất ra các loại vắc-xin kịp thời. 

Khi đại dịch bùng nổ, nền kinh tế của các nước trên thế giới gặp rất nhiều khó khăn. Mọi người không thể giao thương, buôn bán trực tiếp. Các cơ sở sản xuất bị đình trệ. Nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản và phá sản. Vì thế, người lao động không có việc làm, phải nhận hỗ trợ từ địa phương, nhà nước. Đặc biệt, trong thời gian đại dịch diễn ra, tình trạng bạo lực gia đình và xâm hại trẻ em luôn ở mức báo động. Rất nhiều câu chuyện đau buồn, đáng tiếc đã xảy ra. 

Để thích ứng với đại dịch, mọi người cần tuân thủ các biện pháp, quy định của nhà nước trong phòng chống và ứng phó với dịch bệnh; luôn luôn đeo khẩu trang, sát khuẩn tay thường xuyên. Khi mắc bệnh, mỗi người cần có ý thức bảo vệ bản thân, cộng đồng bằng cách theo dõi biểu hiện bệnh và nhờ đến sự can thiệp, trợ giúp của nhân viên y tế. Không lan truyền những thông tin sai sự thật, gây hoang mang dư luận và làm ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch. Chúng ta cũng cần xây dựng thói quen lành mạnh, chăm tập thể dục, vận động thân thể thường xuyên, uống nhiều nước và ăn nhiều rau xanh. 

Sự tác động của biến đổi khí hậu cũng khiến cho tình trạng dịch bệnh ngày một gia tăng. Có thể thấy, dịch bệnh có thể xảy ra bất cứ lúc nào mà không cần báo trước. Điều chúng ta cần làm là nâng cao nhận thức, ứng phó chủ động và thích nghi kịp thời trước những yêu cầu cấp thiết của cuộc sống. 

Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội - mẫu 17

Việc sử dụng rượu trong xã hội Việt Nam từ lâu đã trở thành nét văn hóa, thành phong tục, lễ nghĩa. Ở đâu chúng ta cũng có thể gặp người uống rượu, từ thành thị cho đến nông thôn, từ đám cưới đến đám ma, trong những dịp bạn bè, người thân lâu ngày mới gặp, rượu cũng thường được sử dụng trong việc ngâm rượu thuốc để chữa một số bệnh. Có thể thấy rằng rượu có rất nhiều công dụng nếu chúng ta biết dùng đúng lúc, đúng chừng mực, đúng liều lượng: thể hiện sự hiếu kính của con trẻ với tổ tiên, ông bà, cha mẹ, thể hiện sự quan tâm chia sẻ của bạn bè dành cho nhau khi vui cũng như lúc buồn, thậm chí rượu còn có thể dùng để chữa bệnh. Người ta uống rượu để lấy tinh thần vươn lên, vượt qua những nỗi buồn, chia sẻ niềm vui trong cuộc sống. Tuy nhiên, có một bộ phận người trong chúng ta đã lạm dụng rượu, biến bản thân thành những “con ma men” mà cứ ngỡ mình là những “tiên tửu”. Hẳn là chúng ta cũng sẽ giật mình, sợ hãi khi biết những tác hại mà rượu mang lại khi con người sử dụng một cách quá đà.

Đầu tiên, chúng ta cần biết thế nào là rượu? Rượu là thức uống được tạo ra từ ngũ cốc như: gạo, ngô, sắn hoặc từ các loại trái cây, được lên men tự nhiên bằng cách ủ sau đó đem đi chưng cất và thu được một lượng nhất định. Mỗi loại rượu có mùi hương đặc trưng, đem lại cho người sử dụng cảm giác thích thú, sảng khoái trong một thời gian nhất định, việc sử dụng lâu dài, thường xuyên có thể gây nghiện, vì thế rượu cũng được xếp vào một trong những thứ chất kích thích, chất gây nghiện. Việc ai đó lạm dụng rượu trong thời gian dài có thể gây ra những tổn hại nghiêm trọng về sức khỏe, không chỉ vậy nó còn kéo theo hàng loạt vấn đề về xã hội.

Như vậy, bản chất của rượu không hề xấu, quan trọng là con người sử dụng chúng như thế nào. Và nếu nói đến tác hại của rượu, trước tiên ta phải nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với sức khỏe người uống. Trong thực tế, chúng ta thấy những người say rượu không bao giờ thừa nhận là mình say, như vậy việc dùng rượu quá đà, đầu tiên sẽ khiến người ta rơi vào trạng thái ảo giác, tạm thời mất đi ý thức tự chủ, sau đó rượu tác động lên hệ thần kinh gây ra tình trạng choáng váng. Lâu dài rượu làm khiến cho con người mắc phải nhiều căn bệnh nguy hiểm như: huyết áp cao, ung thư dạ dày, xơ gan, ung thư gan, tim mạch, thậm chí nhiều người còn trở thành bệnh nhân trong những bệnh viện tâm thần và trại tâm thần. Nói đến vấn đề này, có nhiều kiểm chứng khoa học cho thấy rượu ảnh hưởng lên tất cả hệ thống cơ quan trên cơ thể chúng ta.

Trước tiên là hệ thần kinh là cơ quan chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Rượu làm giãn mạch máu não, tăng khối lượng não, sinh ra nói nhiều, tiếp đến là làm tăng độ ức chế gây mất thăng bằng dễ gây tai nạn giao thông, thậm chí còn có thể làm giảm nhịp tim, hạ thân nhiệt, thiếu oxy dễ dẫn đến tình trạng đột tử do tai biến hoặc đứt mạch máu não. Cơ quan chịu ảnh hưởng tiếp theo là hệ tiêu hóa. Việc uống quá nhiều rượu làm giảm tiết dịch ở dạ dày, lâu dần sẽ dẫn đến chán ăn, có thể gây tình trạng viêm và ung thư dạ dày. Kế tiếp là tim mạch, một người thường xuyên dùng bia rượu nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch cao gấp 3 đến 4 lần so với người bình thường, khả năng người nghiện rượu bị đột tử do tăng huyết áp và nhồi máu cơ tim có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Một cơ quan khác cũng chịu ảnh hưởng nặng nề khi dùng bia rượu là gan. Có đến 90% lượng rượu hấp thụ vào máu được chuyển hóa ở gan. Vì thế người thường xuyên uống rượu các tế bào gan sẽ bị tàn phá gây ra hiện tượng xơ gan, viêm gan, nặng hơn là ung thư gan. Không chỉ thế rượu còn làm giảm khả năng sinh sản ở cả nam và nữ, làm thoái hóa giống nòi, phá hủy những mầm non tương lai của chúng ta. Thai phụ tốt nhất nên tránh xa các loại bia rượu vì nó có thể ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi, làm thai nhi không nhận được oxy và chất dinh dưỡng, có thể gây dị tật thai nhi như các dị tật trên khuôn mặt hoặc ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ của em bé sau này.

Tác hại của rượu chưa dừng lại ở đó. Bởi vì, rượu cũng đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến vấn đề đạo đức trong xã hội, chúng phá hủy dần nếp sống cũng như nhân cách con người. Chúng ta đã quá quen thuộc với hình ảnh những con sâu rượu nhếch nhác, bê tha nơi vỉa hè, quán nhậu. Chúng ta cũng không còn lạ lẫm khi đi đường bắt gặp những “tiên tửu” đang trong tình trạng loạng choạng, mất kiểm soát, lè nhè mắng chửi, thậm chí là đánh đuổi mọi người xung quanh, điều đó gây tình trạng mất đoàn kết trong gia đình và chòm xóm, làm gia tăng tình trạng bạo lực gia đình, mất an ninh thôn xóm, đã có rất nhiều vụ án thương tâm xảy ra bên bàn tiệc sau những “chén chú chén anh” đầy khí thế. Và đã có biết bao vụ tai nạn giao thông đau lòng khiến bao người trở nên tàn phế, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội, thậm chí đã cướp đi những người cha, người chồng, những trụ cột gia đình để cho những người ở lại những nỗi đau cùng khó khăn chồng chất. Việc mê mải bên những cuộc vui bàn nhậu kéo theo sự lười lao động khiến cho kinh tế gia đình và xã hội ngày càng đi xuống. Câu nói “rượu làm đỏ mặt nhưng làm đen nhân cách” thật chẳng sai.

Có lẽ khó mà kể hết những tác hại mà rượu gây ra đối với sức khỏe và cuộc sống con người. Vì thế, dẫu vẫn biết sống là phải có tập thể, phải có bạn bè, phải có những cuộc vui thì đời mới thực sự có nghĩa, thế nhưng chúng ta cần phải luôn nhớ rằng những cuộc vui là cái trước mắt nhưng phía sau chúng ta là cả một tương lai dài với biết bao dự định, ước mơ cùng gia đình, cha mẹ cần chúng ta khi tuổi cao sức yếu, con cái cần chúng ta làm điểm tựa cả về vật chất và tinh thần để lớn lên. Không nên vì niềm vui trước mắt mà biến mình thành tấm gương xấu cho người khác và hủy hoại cuộc đời của chính mình. Đặc biệt, chúng ta cũng không nên kích bác, châm chọc, hay ép ai đó uống rượu trong những cuộc vui vì họ cũng giống như chúng ta vậy, có tương lai cần dựng xây, có gia đình cần chăm sóc. Cuộc sống sẽ đẹp hơn nếu chúng ta biết chừng mực, “biết uống rượu chứ không để rượu uống chúng ta”.

Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội - mẫu 18

Cách đây không lâu, cư dân mạng truyền tay nhau một đoạn clip tại một bến xe buýt ở Hà Nội. Nhân vật trong clip là một thanh niên gầy gò, gương mặt vô cùng khắc khổ, đã bị kẻ gian lấy cắp chiếc ví. Dẫu rằng, chiếc ví ấy không hề có tiền mà chỉ có một giấy phép lái xe, nhưng giấy phép lái xe này lại là một vật vô cùng có giá trị với người thanh niên ấy nên anh ta thảm thiết nhìn ra xung quanh van nài kẻ trộm: “Cho em xin…không có tiền đâu, chỉ có bằng lái xe thôi…”. Vậy mà trước hoàn cảnh đáng thương của anh thanh niên, không ai dám lên tiếng, không ai hỏi han hay có ý giúp đỡ người đàn ông tội nghiệp. Câu chuyện này để lại trong tôi nhiều suy nghĩ, suy nghĩ về cách sống và thái độ ứng xử của con người trong xã hội hiện nay. Cũng bàn về vấn đề này, Martin Lutherking - nhà hoạt động nhân quyền Mĩ gốc Phi, từng đoạt giải Nobel Hòa Bình năm 1964, cho rằng: “Trong thế giới này, chúng ta không chỉ xót xa trước lời nói và hành động của kẻ xấu mà còn cả vì sự im lặng đến đáng sợ của người tốt.”

Con người sinh ra và lớn lên, họ luôn đối diện với nhiều cung bậc cảm xúc, nhiều trạng thái khác nhau trong cuộc sống. Xót xa là một cảm giác đau đớn, nuối tiếc vô cùng sâu sắc. Còn im lặng tức là không có hành động hay phản ứng cụ thể trước những tình huống, sự việc đáng lẽ cần có thái độ, có phản ứng. Sự im lặng ấy trở nên đáng sợ khi nó là một biểu hiện bất thường trong cách ứng xử của con người có thể gây ra cảm giác bất an cho người khác. Thực tế, chúng ta sống trong một xã hội luôn tồn tại hai loại người: kẻ xấu là người kém đạo đức, đáng khinh ghét, có thể gây hại, mang lại những điều không hay. Lời nói và hành động của họ đều không phù hợp với các quy tắc chuẩn mực đạo đức, làm tổn thương người khác và có những tác động tiêu cực đến xã hội. Ngược lại, người tốt luôn có những biểu hiện đáng quý về tư cách đạo đức, về thái độ hành vi trong các mối quan hệ và được mọi người đánh giá cao. Như vậy, thông qua câu nói của mình, Martin Lutherking muốn gửi gắm tới người đọc một thông điệp sâu sắc: Nỗi đau đớn nuối tiếc do những lời nói và hành động của người xấu không xót xa bằng việc người tốt không có hành động thái độ hay bất kì phản ứng nào trước việc làm sai trái ấy.

Khi còn nhỏ, ta không mấy khi quan tâm đến những thứ xung quanh mình mà chỉ thường quan tâm tới chính bản thân: Hôm nay sẽ được ăn món gì, sẽ học gì, sẽ có phim hoạt hình gì, có truyện tranh gì sắp ra…Lớn lên một chút, bước vào tuổi biết nghĩ, ta thấy bạn bè quay cóp trong giờ kiểm tra trong khi chính mình phải học cật lực, ta thấy bãi gửi xe gần trường thu 3.000 đồng một chiếc xe đạp trong khi đó quy định là 2.000 đồng. Rồi ta còn thấy người ta vượt đèn đỏ, lượn lách đánh võng, thấy đám côn đồ dối trá, lừa lọc bà cụ bán nước ven đường. Chứng kiến những hành động như thế, thử hỏi ai mà không bất bình? Bởi lẽ, những hành động ấy là biểu hiện của sự thấp kém về nhận thức và ý thức, nó gây ra những tổn thất cả về vật chất và tinh thần cho mọi người và xã hội. Hơn thế nữa, sự tồn tại của những lời nói và hành động của kẻ xấu cũng là biểu hiện của sự bất ổn của xã hội ở một mức độ nhất định.

Xót xa trước hành động của người xấu là lẽ tất nhiên. Nhưng tại sao chúng ta lại xót xa hơn trước sự im lặng đến đáng sợ của người tốt? Trong suy nghĩ của mọi người, người tốt luôn có tư cách đạo đức, có khả năng và trách nhiệm trong việc thực hiện những hành vi đem lại lợi ích cho cộng đồng xã hội. Với phẩm chất vốn có ấy,  họ không thể nào không có phản ứng trước cái xấu, cái tiêu cực, những điều “chướng tai gai mắt” trong xã hội. Vậy nên, thái độ im lặng của họ chính là một biểu hiện bất thường. Sự im lặng ấy xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Họ im lặng bởi họ bất lực khi thấy phản ứng của mình không hề có hiệu quả. Họ im lặng khi cảm thấy cô độc, lạc lõng vì những việc tốt mình làm không nhận được sự ủng hộ của số đông. Chăm lo làm kinh tế khiến đời sống khá giả, nhưng mê mải quá nhiều lại đẩy người ta ra xa nhau hơn, lo cho lợi ích của mình hơn là lợi ích người khác. Có rất ít người sẽ la lên khi thấy một tên trộm đang trộm xe trên vỉa hè hay đứng ra bênh vực nạn nhân trong một vụ va chạm trên đường phố - nhất là kẻ gây sự lại là đám côn đồ, lưu manh. Người tốt im lặng khi họ mất niềm tin, khi họ thấy kết quả của những lời nói, hành động xuất phát từ lương tâm và trách nhiệm lại trở thành sự coi nhẹ, chế nhạo của người khác, thậm chí còn gây ra những tổn thương không đáng có cho chính họ. Quay trở lại câu chuyện của anh thanh niên trên chuyến xe buýt không ít người cảm thấy buồn và xót xa. Xung quanh đó có rất nhiều người đang chờ xe, nhưng đáp lại lời khẩn cầu của anh thanh niên là sự im lặng. Cuối cùng người đàn ông bơ vơ đành phải bước đi với gương mặt tuyệt vọng. Rõ ràng, muốn bắt tên trộm kia không phải là chuyện khó. Tài xế đóng cửa xe lại, yêu cầu tất cả mọi người bảo quản hành lí, gọi điện cho cơ quan chức năng khám xét từng người. Nhưng sao không ai dám lên tiếng? Phải chăng chúng ta không dám bênh vực người lương thiện, phải chăng nỗi sợ hãi cái xấu, cái ác đang giết chết dần lương tâm chúng ta? Xét cho cùng, im lặng vì bất kì lí do nào đi nữa thì đó cũng là biểu hiện của sự tha hóa ở mỗi cá nhân và cho thấy dấu hiệu bất ổn của xã hội. Nói cách khác, khi người tốt im lặng là khi xã hội đang đứng trên bờ vực của sự phá sản những giá trị tinh thần.

Vậy làm thế nào để người tốt không im lặng nữa? Hãy trao quyền và khuyến khích người tốt cất lên tiếng nói của mình bằng cách lắng nghe tiếp thu ý kiến và sẵn sàng sửa đổi theo những ý kiến đóng góp đúng đắn của họ. Hãy đưa ra những chính sách bảo vệ để tránh tối đa những tổn thất mỗi khi người tốt cất tiếng nói. Chúng ta không phải lúc nào cũng có thể đứng lên bảo vệ chính nghĩa, ủng hộ cái tốt điều hay, bởi có thể cá nhân ấy không đủ sức mạnh. Nhưng không có nghĩa chúng ta phải thỏa hiệp với cái xấu, cái ác. Bởi ngay cả khi không đủ sức mạnh để thay đổi nó, ta vẫn luôn có đủ quyết tâm để không đồng tình và không bị nó lôi kéo. Chúng ta đang sống trong một xã hội mà những mối quan hệ với cộng đồng đã trở nên không thể thiếu. Không ai có thể đơn độc trong cuộc sống được, vì vậy, trong quá trình đấu tranh chống lại cái ác, cần xây dựng những hiệp hội của những người cùng chí hướng mục đích để phấn đấu cho sự phát triển chung của xã hội, để người tốt có chỗ đứng và điểm tựa. Khi đó họ sẽ không ngần ngại bày tỏ ý kiến quan điểm của mình. Tất cả những gì chúng ta cần làm là sống dũng cảm, là làm những điều tốt đẹp cho cuộc sống, và để nó tự nhân bản.

Ý kiến của Martin Lutherking là một lời cảnh báo nghiêm khắc để cảnh tỉnh con người trước nguy cơ về sự băng hoại của những giá trị tinh thần, biểu hiện những hành vi ứng xử của con người trong đời sống. Có người đã nói: “Lùi bước cho cái xấu cũng là một tội ác”. Hãy nhớ rằng, cái xấu chỉ mạnh khi nó thấy cái tốt dường như đồng tình với nó. Và nó sẽ bị rút hết không khí và tắt thở khi chúng ta nhìn nó với ánh mắt khinh miệt và xa lánh. Đây là một ý kiến thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với sự phát triển chung của toàn xã hội. Đó cũng là một thái độ đúng, tích cực, xuất phát từ nhận thức về yêu cầu đối với hành vi của con người trong một xã hội tiến bộ, nhân văn. Khi đơn độc một mình, người tốt sẽ trở nên yếu đuối, nhu nhược và thất bại cay đắng. Họ chỉ đủ mạnh khi họ kết nối với nhau trong một tập thể, trong một xã hội biết coi trọng giá trị nhân văn đích thực của con người. Trước sự im lặng của người tốt, xót xa là điều khó tránh song điều đó là chưa đủ mà ta còn phải hành động, phải có những giải pháp tích cực để thay đổi hiện trạng đó trong mỗi cá nhân con người và toàn xã hội.

Mỗi chúng ta luôn mong muốn xây dựng một xã hội ngày càng tốt đẹp hơn, mà ở đó con người được sống trong yên vui hạnh phúc. Hãy coi câu nói của Martin Lutherking là một bài học, hãy xắn tay áo lên và hành động ngay từ hôm nay, bắt đầu từ những việc nhỏ bé nhất mà chúng ta có thể. Tôi tin rằng điều đó không phụ thuộc vào tuổi tác, mạnh yếu hay giàu nghèo, mà bất kì ai cũng làm được. Đừng bao giờ thỏa hiệp và làm ngơ trước cái xấu, bạn nhé!

Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội - mẫu 19

Bảo vệ môi trường tự nhiên đang là mối quan tâm hàng đầu của các nước trên thế giới. Tài nguyên thiên nhiên dần bị khai thác một cách cạn kiệt. Tất cả các hoạt động ấy đều dẫn đến một hệ quả tất yếu đấy là sự suy yếu của môi trường. Trong cuộc sống ngày nay, biến đổi khí hậu đang là vấn đề cấp bách, được cả thế giới quan tâm và chung tay giải quyết. 

Theo điều 1 của Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu: “Biến đổi khí hậu nghĩa là biến đổi của khí hậu được quy định cho trực tiếp hoặc gián tiếp do hoạt động của con người làm thay đổi thành phần của khí quyển toàn cầu và sự thay đổi này được cộng thêm vào khả năng biến động tự nhiên của khí hậu quan sát được trong những thời kì có thể so sánh được”.

Nguyên nhân dẫn đến biến đổi khí hậu bao gồm: nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan. Sự thay đổi, dịch chuyển vị trí trên bề mặt Trái Đất và hoạt động của Mặt Trời cũng gây ra tình trạng biến đổi khí hậu. Ngoài ra, hoạt động nhân sinh gián tiếp hoặc trực tiếp đã làm gia tăng khí nhà kính tự nhiên, thải ra khí nhà kính nhân tạo, gây gia tăng hiệu ứng nhà kính. Các khí nhà kính làm giảm lượng bức xạ của trái đất thoát ra vũ trụ, do đó làm nóng tầng bên dưới khí quyển và bề mặt trái đất.

Biến đổi khí hậu không còn là nỗi lo riêng của bất cứ quốc gia hay vùng lãnh thổ nào mà nó đã trở thành vấn đề toàn cầu cần sự chung tay của tất cả mọi người trên thế giới. Tác động và hậu quả của nó đang diễn ra trước mắt, ảnh hưởng trực tiếp đến tự nhiên và đời sống xã hội. 

Trước hết, biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến tài nguyên đất, nước. Biến đổi khí hậu với các trạng thái thời tiết cực đoan đã gây ra hạn hán, xâm nhập mặn, lũ lụt trong thời gian dài và trên diện rộng. Điều này làm ảnh hưởng đến chất lượng đất. Quá trình oxi hóa gây thoái hóa đất do nhiệt độ tăng lên vào mùa khô. Lượng mưa kết hợp với cường độ mưa lớn đã làm sạt lở đất. Đặc biệt là những vùng thực vật bị tàn phá, đất rừng bị mất đi lớp che phủ, bảo vệ. Ngoài ra, biến đổi khí hậu gây ra tình trạng thiếu nước. Việc không đủ nước tưới tiêu, vun trồng cho cây trái làm thiệt hại hoa màu của nông dân. Không có nước sinh hoạt, người dân phải sống trong tình cảnh đi mua nước với giá cao mới có nước dùng. Các loại động, thực vật cũng đứng trước nguy cơ mất đi nguồn thức ăn, nơi trú ẩn trước tác động của môi trường cũng như sự tàn phá của con người.

Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu tác động tiêu cực đến hoạt động giao thông vận tải, ảnh hưởng đến nhiều hoạt động cần thiết. Cơ sở hạ tầng nhanh bị xuống cấp, hư hỏng do thời tiết khắc nghiệt, cực đoan. Nhiều tuyến đường bị chia cắt, phá hủy bởi sạt lở, ngập lụt. Thời tiết cực đoan còn đe dọa đến đời sống con người, làm lây lan nhanh chóng các bệnh truyền nhiễm, virus, vi trùng; tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh sinh sôi, phát triển tấn công vào hệ miễn dịch của con người. Đồng thời, gia tăng các bệnh gây đột biến gen, tăng tỉ lệ ung thư và trẻ hóa ung thư. Trẻ em dễ bị mắc các bệnh về đường hô hấp do bụi mịn, ô nhiễm không khí trong thời gian dài. 

Để làm chậm quá trình biến đổi khí hậu, chúng ta cần nâng cao nhận thức, tích cực tái chế các đồ dùng từ nhựa, giấy,...; hạn chế sử dụng túi ni-lon, đồ làm bằng nhựa; không xả rác bừa bãi và đốt rác tùy tiện. Chúng ta cũng có thể sử dụng các phương tiện công cộng thay cho phương tiện cá nhân. 

Con người đang dần phải gánh chịu hậu quả sau khi khai thác tài nguyên một cách quá mức mà không có những biện pháp cải tạo, sử dụng hợp lí. Môi trường biến đổi không ngừng, theo chiều hướng tiêu cực, không có lợi. Con người cần tìm ra những phương pháp mới, vừa có thể phát triển được đời sống, kinh tế, xã hội vừa có thể bảo vệ, xây dựng môi trường tự nhiên nói chung

Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội - mẫu 20

Xả rác bừa bãi là một vấn đề xã hội không xa lạ gì với chúng ta. Tuy nhiên, dù đã được quan tâm trong một thời gian dài, nhưng vấn đề này vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Hiện tượng xả rác bừa bãi chỉ các hành động vứt rác thải không đúng nơi quy định. Chỉ cần tiện tay, người đó sẽ vứt rác ở bất kì đâu, như giữa đường, vạt cỏ, bàn ăn, hành lang… Các hành động này không chỉ gây mất mĩ quan, mà còn khiến cho những người có nhiệm vụ dọn dẹp phải vất vả hơn rất nhiều khi đi thu gom rác. Đồng thời cũng khiến cho người vứt rác bừa bãi trở thành một đối tượng có hình ảnh xấu, đáng bị lên án. Ngoài ra, có một tác hại rất nặng nề của hiện tượng này, chính là nó gián tiếp gây nên ô nhiễm môi trường. Các rác thải nhựa, nilong… vứt lung tung bị gió thổi đi, sẽ rơi xuống ống thoát nước, ống cống gây tắc nghẽn dẫn đến ngập úng. Chúng rơi xuống đất, thảm cỏ không được dọn dẹp thì sẽ nằm mãi trong đất không phân hủy được, ảnh hưởng đến cây trồng. Chúng rơi xuống nước, thì làm ô nhiễm nguồn nước và nếu các sinh vật ăn phải thì sẽ tai hại vô cùng. Vì vậy, chúng ta cần phải chung tay đẩy lùi vấn nạn này. Và để làm được điều đó thì cần phải đánh trực tiếp vào nguyên nhân của điều này: ý thức con người. Trước hết, nên có các biện pháp xử phạt phù hợp với những hành vi xả rác bừa bãi. Cùng với đó là tăng cường các biện pháp tuyên truyền, giáo dục về việc vứt rác đúng nơi quy định. Ngoài ra, các địa phương nên đầu tư lắp đặt các thùng rác công cộng ở các vị trí đông người qua lại. Nhưng quan trọng nhất, vẫn là sự nhận thức của chính mỗi người trong chúng ta.

Chỉ cần mỗi người đều có ý thức bảo vệ môi trường, quyết không vứt rác bừa b

Xem thêm các bài văn mẫu 8 Cánh diều hay khác:

Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 8 hay khác:


Giải bài tập lớp 8 Cánh diều khác