Soạn bài (Nói và nghe trang 75) Nghe và tóm tắt nội dung thuyết trình về một nhân vật lịch sử hoặc tác phẩm văn học - Cánh diều

Với soạn bài Nói và nghe: Nghe và tóm tắt nội dung thuyết trình về một nhân vật lịch sử hoặc tác phẩm văn học trang 75, 76 Ngữ văn lớp 8 Cánh diều sẽ giúp học sinh trả lời câu hỏi từ đó dễ dàng soạn văn 8.

Soạn bài: Nghe và tóm tắt nội dung thuyết trình về một nhân vật lịch sử hoặc tác phẩm văn học - Cô Phương Thảo (Giáo viên VietJack)

1. Định hướng

1.1. Các em đã được học kĩ năng nghe và tóm tắt nội dung người khác thuyết trình ở Bài 3, Bài 5 và Bài 7. Bài học này tiếp tục rèn luyện kĩ năng nghe và tóm tắt nội dung thuyết trình về một nhân vật lịch sử hoặc một tác phẩm văn học.

1.2. Để nghe và tóm tắt được nội dung người khác giới thiệu về một nhân vật lịch sử hoặc một tác phẩm văn học, các em cần xem lại các yêu cầu đã nêu ở Bài 3, Bài 5, Bài 7 và chú ý thêm:

- Nghe kĩ nội dung giới thiệu về đối tượng mà người nói đã trình bày.

- Ghi lại các ý chính theo hệ thống (ý lớn, ý nhỏ, các ví dụ minh hoạ tiêu biểu,...) mà người trình bày đã nêu lên.

- Trình bày bản tóm tắt ý chính theo từng mức độ

2. Thực hành

Đề bài (trang 75 sgk Ngữ Văn lớp 8 Tập 2):

Chọn một trong hai đề bài sau:

(1) Nghe và tóm tắt nội dung giới thiệu về nhân vật Trần Bình Trọng với câu nói bất hủ: “Ta thà làm ma nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc”.

(2) Nghe và tóm tắt nội dung giới thiệu về một tiểu thuyết đã học hay đã đọc.

a) Chuẩn bị (với đề 1)

Xem lại nội dung truyện lịch sử Bên bờ Thiên Mạc (Hà Ân) liên quan đến danh tướng Trần Bình Trọng.

- Xem lại mục b) Tìm ý và lập dàn ý ở phần Viết, thêm, bớt các nội dung cho phù hợp với yêu cầu của hoạt động nói và nghe (đối tượng, thời gian,...).

Chú ý các hướng dẫn trong mục 1. Định hướng để nắm được cách tóm tắt ý chính khi nghe.

b) Nói và nghe

Thực hành nghe và ghi lại các ý chính của bài thuyết trình. Bài này tập trung nhiều về kĩ năng nghe và tóm tắt nội dung đã nghe.

Tham khảo các yêu cầu đã nêu ở Bài 6, phần Nói và nghe, mục c (trang 31). bài này, chú ý rèn luyện kĩ năng nghe nhiều hơn.

Bài nói tham khảo:

Đề 1:

         Trong lịch sử nước Việt ta còn ghi lại rất nhiều câu nói bất hủ của các bậc anh hùng dân tộc, làm rạng danh nước nhà. Một trong những câu nói bất hủ phải kể đến là lời mắng: "Ta thà làm ma nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc" của danh tướng Trần Bình Trọng thời nhà Trần.

         Trần Bình Trọng sinh năm Kỷ Mùi (1259), là người xã Bảo Thái (nay thuộc huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam). Ông vốn là hậu duệ của vua Lê Đại Hành. Do cha Trần Bình Trọng làm quan dưới triều Trần Thánh Tông lập được nhiều công trạng lớn, nên được nhà vua ân sủng ban cho quốc thích (cho mang theo họ vua). Bởi vậy, Trần Bình Trọng mới có họ Trần, thay vì mang họ Lê. Về chuyện này, sách Toàn thư, quyển V, kỷ Nhân Tông hoàng đế có đoạn viết: "Bình Trọng dòng dõi Lê Đại Hành, chồng sau của công chúa Thụy Bảo, do ông cha làm quan đời Trần Thái Tông, nên được cho quốc tính nhà họ Trần".

         Câu chuyện Trần Bình Trọng hy sinh oanh liệt sau lời mắng nhiếc lũ giặc ngoại xâm xảy ra dưới thời vua Trần Nhân Tông, trong cuộc chiến chống quân Nguyên - Mông lần thứ 2 do sự chênh lệch quá lớn về quân số, mũi quân đánh chặn của Trần Bình Trọng thất bại, Trần Bình Trọng bị bắt sống. Tuy nhiên, Trần Bình Trọng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cầm chân địch khi chúng hoàn toàn mất dấu vết nhà Trần sau trận đánh này.

Để moi móc thông tin, tướng giặc đã dùng mọi cách với Trần Bình Trọng, từ dọa dẫm tới mềm mỏng. Nhưng Trần Bình Trọng quyết không nói nửa lời. Cuối cùng, tướng giặc dụ dỗ sẽ xin phong vương nếu Trần Bình Trọng quy hàng, nhưng ông đã khẳng khái thét mắng vào mặt chúng: "Ta thà làm ma nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc". Lời thét mắng ấy thể hiện rõ quan điểm khẳng định Đại Việt là một nước độc lập và có ý coi thường triều đình phương Bắc khi ông chỉ gọi nhà Nguyên Mông là "đất Bắc". Lời thét mắng ấy của Trần Bình Trọng khiến quân giặc giận tím mặt. Chúng giết ông ngay tức khắc. Sử sách còn ghi lại thời điểm ấy là tháng Chạp năm Ất Dậu (1285). Năm ấy, Trần Bình Trọng mới có 26 tuổi. Câu nói của ông đã thể hiện tinh thần bất khuất và tấm lòng yêu nước to lớn của một vị chính nhân quân tử. Câu nói ấy đến ngày nay vẫn còn truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ thanh niên Việt Nam, để học biết sống và cống hiến cho Tổ quốc.

         Nhờ sự chiến đấu anh dũng và sự hy sinh oanh liệt, thà chết chứ không chịu làm lộ thông tin quân sự của triều đình, của Trần Bình Trọng, triều đình nhà Trần mới có thời gian và điều kiện để chuẩn bị lực lượng phản công. Sau đó chỉ vài tháng, quan quân nhà Trần đã dốc toàn lực phản công, đập tan quân Nguyên Mông. Nhiều tướng giặc bị chém đầu tại trận, trong đó có Toa Đô, Lý Hằng, Lý Quán. Riêng Thoát Hoan hoảng sợ phải chui vào ống đồng để tránh tên bắn, bắt quân lính khiêng chạy chối chết về nước.

Cuộc chiến chống giặc Nguyên Mông lần thứ 2 thắng lợi ròn rã nhờ công đóng góp không nhỏ của Trần Bình Trọng. Bởi thế, khi xét công trạng, vua Nhân Tông đã truy phong ông là Bảo nghĩa vương.

         Tưởng nhớ công ơn và cảm khí tiết của Bảo nghĩa vương Trần Bình Trọng, ngày nay, tên của ông được đặt cho nhiều đường, phố ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Riêng ở Hà Nội, tên của Trần Bình Trọng được đặt cho tuyến phố nối từ phố Trần Hưng Đạo tới phố Trần Nhân Tông - hai nhân vật anh hùng cùng thời với Trần Bình Trọng gắn liền với chiến thắng vang dội trong 2 cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông, lần thứ 2 và lần thứ 3.

Đề 2:

         Tiểu thuyết “Tiếng chim hót trong bụi mận gai” xuất bản hồi mùa xuân 1977 cùng một lúc ở New York, San Francisco, London và Sydney. Ít lâu sau nó được dịch ra bảy thứ tiếng, được bạn đọc nhiệt liệt hoan nghênh và giới phê bình đánh giá cao. Suốt mấy năm trời, nó là tác phẩm ăn khách nhất ở phương Tây. Điều đó cũng là công bằng, vì đây thực sự là một tác phẩm đặc sắc, có giá trị trong văn học phương Tây hiện nay.

         Một điều đặc sắc nữa là tác giả của nó - Colleen McCullough không phải là nhà văn chuyên nghiệp, trước đó hầu như không ai biết tiếng. Khi tiểu thuyết Tiếng chim hót trong bụi mận gai đem lại vinh dự cho tác giả thì McCullough vẫn chỉ là một nhân viên y tế bình thường. Bà sinh ra ở Úc, bang New South Wales, trong gia đình một công nhân xây dựng xuất thân từ Ireland. Thời thanh xuân McCullough ở Sydney, đã từng học trường của nhà thờ Công giáo, từ bé đã mơ ước trở thành bác sĩ, nhưng không có điều kiện để qua đại học Y. Bà đã thử làm một số nghề - làm báo, công tác thư viện, dạy học, rồi trở lại nghề Y, qua lớp đào tạo chuyên môn về sinh lý học thần kinh. Sau đó, bà đã làm việc tại các bệnh viện ở Sydney, London, Birmingham, rồi sang Mỹ, làm việc tại một trường Y thuộc trường đại học Yale. Năm 1974 bà viết cuốn tiểu thuyết đầu tiên, không có tiếng vang gì hết. Tiếng chim hót trong bụi mận gai được thai nghén trong ngót bốn năm, rồi đầu mùa hè 1975, bà bắt tay vào viết liền một mạch trong mười tháng. Suốt thời gian ấy, bà vẫn bận túi bụi công việc ở bệnh viện, chỉ viết tác phẩm vào ban đêm và ngày chủ nhật.

Tác phẩm này có thể gọi là “Saga về gia đình Cleary”. Saga là hình thức văn xuôi cổ có tính chất anh hùng ca, kể chuyện một cách điềm đạm về những con người hùng dũng. Cuốn tiểu thuyết này viết về lịch sử của nửa thế kỷ của ba thế hệ một gia đình lao động - gia đình Cleary. Loại tiểu thuyết lịch sử gia đình từ trước đã có những thành công lớn như thiên sử thi vè dòng họ Foocsaito của Gonsuocthy, “Gia đình Thibaults” của Roger Martin du Gard, “Gia đình Artamonov” của M. Gorky. Đặc điểm chung của các tác phẩm đó là số phận gia đình tiêu biểu cho số phận của giai cấp tư sản, nó phản ánh sự phát triển và suy tôn của giai cấp tư sản, các thế hệ sau đoạn tuyệt với nền tảng truyền thống của gia đình. So sánh với những tác phẩm trên thì tác phẩm của McCullough có sự khác biệt, có cái độc đáo riêng của nó. Trước hết, đây là lịch sử của một gia đình lao động. Sự phát triển tính kế thừa và đổi mới của ba thế hệ gia đình này là hình mẫu thu nhỏ của lịch sử dân tộc. Các thế hệ sau kế thừa những nét tốt đẹp nhất của gia đình - tính cần cù, tự chủ, tính kiên cường đón nhận những đòn ác liệt của số phận, lòng tự hào gia đình, song đồng thời có những đổi khác nhịp bước với thời đại. Nếu Fiona gan góc chịu đựng mọi tai họa nhưng cam chịu số phận thì con gái bà là Meggie đã tìm cách cướp lấy hạnh phúc của mình từ tay Chúa Trời, và Justine, con gái của Meggie là một cô gái hiện đại, có những chuẩn mực đạo đức hoàn toàn khác. Cuốn tiểu thuyết xây dựng như truyện sử biên gia đình, tác giả tập trung vào những xung đột tâm lý - đạo đức nhiều hơn là những vấn đề giai cấp - xã hội. Các nhân vật tuy vẫn chịu ảnh hưởng của hoàn cảnh, nhưng chủ yếu là ứng xử theo tính cách riêng của mình nhiều hơn. Trong số nhiều nhân vật, nổi bật hơn cả là ba nhân vật - Fiona, Meggie, con gái bà và cha đạo Ralph de Bricassart. Meggie có thể coi là nhân vật trung tâm của tác phẩm. Trong tiểu thuyết có nhiều tuyến tình tiết, nhiều môtíp, đề tài, song tất cả đều phục vụ câu chuyện chính: mối tình lớn lao trong sáng của Meggie và cha de Bricassart.

Trong tác phẩm quy mô lớn này, những xung đột tâm lý - tinh thần của các nhân vật quyện chặt với sự miêu tả tỉ mỉ toàn cảnh lịch sử, địa lý, thiên nhiên. Thiên nhiên bao la, dữ dội nhưng có cái đẹp hoang sơ riêng của nó như hiện ra trước mắt bạn đọc. Giá trị nhận thức của tác phẩm do đó càng thêm đầy đủ. Mối quan hệ giữa thiên nhiên và con người ở đây mang tính chất chung sống hài hòa, thiên nhiên chưa bị uy hiếp đến nguy cơ hủy diệt.

Tính hiện thực và tính lãng mạn trong tác phẩm này hòa lẫn vào nhau tới mức nhuần nhị. Sự miêu tả tỉ mỉ bằng hình thức của bản thân đời sống, cả từ cách ăn mặc, lời ăn tiếng nói của nhân vật, cho đến cách xén lông cừu, nếp sống hàng ngày..., lối kể chuyện thong thả theo trình tự thời gian khiến cho tác phẩm gần với loại tiểu thuyết hiện thực thế kỷ 19.      Nhưng những tính cách phi thường rực rỡ biểu hiện trong những biến cố đột ngột, đầy hấp dẫn tạo nên màu sắc lãng mạn rất rõ nét. Môt tác phẩm văn học Mỹ thời nay xa lạ với những cảnh hung bạo, với “sex”, với “phản nhân vật” đưa bạn đọc trở về với những vấn đề “nhà” (theo nghĩa quê hương), “cội nguồn”, “cha và con” mà lại được ham chuộng như thế ở phương Tây thì đó chứng tỏ những vấn đề muôn thuở của nhân loại bao giờ cũng làm rung động lòng người ở bất cứ nơi nào trên hành tinh chúng ta.

c) Kiểm tra và chỉnh sửa

Tham khảo các yêu cầu đã nêu ở Bài 6, phần Nói và nghe, mục d (trang 32) và đối chiếu với dàn ý đề văn đã làm ở bài này.

Bài giảng: Nghe và tóm tắt nội dung thuyết trình về một nhân vật lịch sử hoặc tác phẩm văn học - Cô Phương Thảo (Giáo viên VietJack)

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 8 Cánh diều hay nhất, ngắn gọn khác:

Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 8 hay khác:


Giải bài tập lớp 8 Cánh diều khác