Soạn bài Kiến thức ngữ văn trang 12 Tập 1 - Cánh diều

Với soạn bài Kiến thức ngữ văn trang 12 Tập 1 trang 12, 13 Ngữ văn lớp 8 Cánh diều sẽ giúp học sinh trả lời câu hỏi từ đó dễ dàng soạn văn 8.

1. Truyện ngắn

Truyện ngắn là thể loại cỡ nhỏ của tác phẩm văn xuôi hư cấu, thường phản ánh một “khoảnh khắc”, một tình huống độc đáo, một sự kiện gây ấn tượng mạnh, có ý nghĩa nhất trong cuộc đời nhân vật. Kết cấu truyện ngắn không chia thành nhiều tuyến nhân vật; sử dụng chi tiết cô đúc và lối hành văn mang nhiều ẩn ý. Có truyện ngắn khai thác cốt truyện kì lạ, lại có truyện ngắn viết về câu chuyện giản dị, đời thường; có truyện ngắn giàu tính triết lí, trào phúng, châm biếm, hài hước, lại có truyện ngắn rất giàu chất thơ,…

2. Tưởng tượng trong tiếp nhận tác phẩm văn học

Tưởng tượng là tạo ra trong tâm trí hình ảnh những cái không có trước mắt hoặc chưa hề có. Tưởng tượng gắn với nhiều công việc và lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống con người. Văn học phản ánh cuộc sống bằng hình tượng nghệ thuật. Vì thế, khi sáng tác, các nhà văn sáng tác phải vận dụng trí tưởng tượng để tạo ra cuộc sống như thật trong tác phẩm của mình. Không chỉ các nhà văn mà độc giả khi đọc văn bản văn học cũng phải tưởng tượng. Nhờ có tưởng tượng mà tất cả những hình ảnh, âm thanh, hoạt động,… của sự vật (con người, vật, phong cảnh,…) trong tác phẩm đều có thể hiện lên trước mắt người đọc như thật. Ví dụ, nhờ tưởng tượng, người đọc như nhập vào được cảnh sắc yên ả, thanh bình và hòa cùng tâm trạng “nao nức” của nhà văn Thanh Tịnh trong truyện Tôi đi học: “Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỉ niệm mơn man của buổi tựu trường.”.

3. Nhan đề và cách đặt nhan đề văn bản văn học

Nhan đề là tên của văn bản, thường do tác giả đặt. Có những nhan đề có ý nghĩa gắn với chủ đề của văn bản, gợi mở cho người đọc nhiều suy nghĩ,...Ví dụ, với nhan đề Tắt đèn, Ngô Tất Tố gợi lên hình ảnh cuộc sống tối tăm, nghèo đói và số phận bi thảm của người nông dân trong xã hội cũ. Nhan đề Bệnh sĩ (Lưu Quang Vũ) thể hiện rõ chủ đề trung tâm của vở kịch: phê phán thói háo danh, sĩ diện hão, “bệnh” thành tích. Nhan đề bài thơ Quê người (Vũ Quần Phương) gợi cho người đọc liên tưởng và nghĩ đến quê nhà,…Tuy nhiên, cần lưu ý, không phải nhan đề nào cũng hàm chứa ý nghĩa, thông điệp của tác phẩm.

Có nhiều cách đặt nhan đề văn bản văn học, sau đây chỉ nêu một số cách phổ biến:

- Lấy tên một nhân vật chính trong tác phẩm như: Lão Hạc (Nam Cao), Lượm (Tố Hữu), Vũ Như Tô (Nguyễn Huy Tưởng),…

- Lấy tên một sự vật, sự kiện, hiện tượng, hình ảnh cụ thể,…có trong tác phẩm như: Tôi đi học (Thanh Tịnh), Tiếng gà trưa (Xuân Quỳnh), Cái kính (A-dít Nê-xin), Buổi học cuối cùng (An-phông-xơ Đô-đê (Alphonse Daudet)),…

- Lấy tên một địa danh cụ thể được nói tới trong tác phẩm như: Qua Đèo Ngang (Bà Huyện Thanh Quan), Việt Bắc (Tố Hữu), Đất rừng phương Nam (Đoàn Giỏi), Nếu mai em về Chiêm Hóa (Mai Liễu),…

- Dựa vào ý khái quát của toàn bộ nội dung tác phẩm như: Bước đường cùng (Nguyễn Công Hoan), Mẹ và quả (Nguyễn Khoa Điềm), Búp sen xanh (Sơn Tùng),…

- Các tác phẩm trung đại thường lấy nhan đề để gắn với thể loại như: Hịch tướng sĩ (Trần Quốc Tuấn), Đại cáo bình Ngô (Nguyễn Trãi), Chiếu dời đô (Lý Công Uẩn),…

- Có khi dùng Không đề, Vô đề hoặc nhan đề bằng chữ số,…để cho người đọc tự suy ngẫm.

4. Trợ từ và thán từ

- Trợ từ là những từ được thêm vào câu để nhấn mạnh hoặc biểu thị thái độ, tình cảm, sự đánh giá hay mục đích phát ngôn của người nói (người viết). Trợ từ gồm hai nhóm:

+ Trợ từ đi kèm các từ ngữ trong câu (chính, đích, ngay cả, chỉ, những,…). Ví dụ: Từ chính trong câu “Chính mắt con trông thấy nó.” (Nguyễn Công Hoan) nhấn mạnh vào sự vật nêu ở chủ ngữ (mắt con).

+ Trợ từ ở cuối câu (à, ạ, ư, nhỉ, nhé, nào, cơ, cơ mà, thôi,…). Ví dụ: Từ nhé trong câu “Em thắp đèn lên chị nhé?” (Thạch Lam) vừa thể hiện mục đích hỏi, vừa biểu thị tình cảm thân mật của người nói.

- Thán từ là những từ dùng để biểu lộ tình cảm, cảm xúc của người nói (người viết) hoặc dùng để gọi đáp. Thán từ thường được dùng ở đầu câu nhưng cũng có thể được tách ra thành một câu đặc biệt. Thán từ gồm hai nhóm:

+ Thán từ biểu lộ tình cảm, cảm xúc (a, ái, a ha, ối, ô hay, than ôi,…). Ví dụ: “Ôi, con đã cho bố một bất ngờ quá lớn.” (Tạ Duy Anh), “Ô hay! Mợ giận tôi đấy à?” (Nguyễn Công Hoan).

+ Thán từ gọi đáp (này, ơi, dạ, vâng, ừ,…). Ví dụ: “Vâng! Ông giáo dạy phải!” (Nam Cao).

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 8 Cánh diều hay nhất, ngắn gọn khác:

Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 8 hay khác:


Giải bài tập lớp 8 Cánh diều khác