Soạn bài Viết bài văn phân tích một nhân vật văn học yêu thích trong cuốn sách đã đọc - Kết nối tri thức

Với soạn bài Viết bài văn phân tích một nhân vật văn học yêu thích trong cuốn sách đã đọc trang 112, 113, 114, 115 Ngữ văn lớp 7 Kết nối tri thức sẽ giúp học sinh trả lời câu hỏi từ đó dễ dàng soạn văn 7.

* Yêu cầu đối với bài văn phân tích một nhân vật văn học trong cuốn sách đã đọc:

- Giới thiệu được nhân vật trong tác phẩm văn học: lại lịch, hoàn cảnh, tình huống xuất hiện và những ấn tượng đặc biệt ban đầu (nếu có). 

- Chỉ ra được đặc điểm, tính cách nhân vật qua bằng chứng cụ thể về ngoại hình, hành động, ngôn ngữ, tâm trạng của nhân vật được miêu tả trong tác phẩm. 

- Nhận xét, đánh giá nghệ thuật xây dựng nhân vật của nhà văn: biện pháp nghệ thuật, cách sử dụng hoặc nhấn mạnh những chi tiết làm rõ đặc điểm nhân vật. 

- Nêu được ý nghĩa của hình tượng nhân vật trong việc thể hiện chủ đề tác phẩm hoặc quan niệm đời sống của tác giả.

* Phân tích bài viết tham khảo:

- Tên bài viết: Hoàng tử bé: trò chuyện để thấu hiểu và yêu thương

- Giới thiệu nhân vật: Hoàng tử bé là nhân vật của nhà văn Ăng-toan đơ Xanh-tư Ê-xu-pe-ri, đã trở thành người bạn của rất nhiều bạn nhỏ.

- Nghệ thuật miêu tả nhân vật:

+ Hoàng tử bé được miêu tả bằng một bức vẽ minh họa trong tác phẩm: “một cậu bé thật khác thường”

+ Theo tác giả, bức vẽ không bằng một nửa sự quyến rũ của người mẫu

+ Hoàng tử bé xuất hiện bất ngờ, tự nhiên bằng giọng nói nhỏ nhẹ, kì lạ

- Đặc điểm nhân vật:

+ Cậu bé luôn cố gắng để trò chuyện với tất cả

+ Cậu không ngừng tìm kiếm để lắng nghe, thì thầm, chia sẻ

- Ý nghĩa hình tượng nhân vật trong việc thể hiện chủ đề:

+ Hoàng tử bé chính là biểu tượng cho tình yêu thương, lòng vị tha và khát khao được sẻ chia, thấu hiểu.

* Thực hành viết theo các bước:

a. Lựa chọn đề tài: 

- Em cần quan tâm đến những đặc điểm nổi bật, sự độc đáo hoặc những phẩm chất tích cực của nhân vật vì cách chọn nhân vật để phân tích phản ánh quan niệm, suy nghĩ của người viết.

b. Tìm ý:

Em có thể đặt ra và trả lời các câu hỏi như:

- Nhân vật xuất hiện trong cuốn sách, tác phẩm nào?

- Vì sao em yêu thích nhân vật?

- Điều gì khiến em quyết định chọn phân tích nhân vật này?

- Nhân vật có đặc điểm nào nổi bật? Những đặc điểm đó cho thấy điều gì về phẩm chất, giá trị của nhân vật?

- Nghệ thuật xây dựng nhân vật có gì đặc sắc?

- Nhân vật gợi cho em liên tưởng, suy nghĩ và rút ra bài học gì?

c. Lập dàn ý:

* Em có thể chọn phân tích nhân vật Tấm trong “Tấm Cám”

* Dàn ý:

I. Mở bài

- Giới thiệu về truyện cổ tích Tấm Cám: Là truyện cổ tích tiêu biểu và hấp dẫn của truyện cổ tích Việt Nam.

- Khát quát về nhân vật Tấm: Là nhân vật trung tâm của truyện, có số phận bất hạnh. Tấm có sự trưởng thành, phát triển về nhận thức và hành động trong quá trình chiến đấu với cái ác để giành và giữ lấy hạnh phúc.

Vì thế em rất yêu thích nhân vật Tấm.

II. Thân bài

1. Hoàn cảnh của Tấm.

- Mẹ Tấm chết khi Tấm còn nhỏ

- Cha lấy vợ khác sau đó cũng sớm qua đời. Tấm ở cùng dì ghẻ và em gái cùng cha khác mẹ là Cám.

- Tấm phải làm việc suốt ngày đêm, trăn trâu cắt cỏ, mò cua bắt ốc, xay cám, giã giạo.

→ Là con riêng, lại là phận gái, Tấm phải chịu bao cay đắng, tủi nhục. Hoàn cảnh của Tấm thương tâm, tội nghiệp.

- Tấm hiền lành, nết na, chịu khó là hiện thân cho cái thiện. Mẹ con Cám lười biếng, độc ác gây ra bao nỗi bất hạnh cho Tấm, họ là hiện thân cho cái ác.

→ Sống với cái ác, vẻ đẹp của Tấm càng nổi bật. Quá trình chiến đấu với cái ác của Tấm là cuộc đấu tranh để giành và giữa lấy hạnh phúc.

2. Tấm – cô gái hiền lành, yếu đuối, cam chịu.

- Đi bắt tép: Tấm chăm chỉ bắt được đầy giỏ nhưng bị Cám lười biếng lừa lấy hết sạch giỏ tép, cướp lấy phần thưởng.

→ Tấm ngồi khóc và được ông Bụt tặng cho con cá bống

- Đi trăn trâu: Tấm bị mẹ con Cám lừa đi trăn trâu ở cánh đồng xa rồi ở nhà làm thịt cá bống ăn

→ Tấm khóc và bụt hiện lên mách Tấm cho xương cá vào bốn cái lọ chôn vào bốn chân giường.

- Đi xem hội: Tấm bị mẹ con Cám bắt ở nhà nhặt thóc ra thóc, gạo ra gạo, không có quần áo mới

→ Tấm lại khóc, Bụt hiện lên, sai đàn chim sẻ xuống nhặt thóc, cho Tấm quần áo, giày, xe ngựa đi trảy hội. Tấm gặp vua và trở thành hoàng hậu

⇒ Tấm bị mẹ con Cám tước đoạt trắng trợn cả vật chất và tinh thần. Nhưng Tấm chỉ biết cam chịu, bật khóc mỗi lần bị ức hiếp, trà đạp. Tấm luôn trong thế bị động và không có ý thức phản kháng.

⇒ Sự xuất hiện của Bụt là yếu tố kì ảo, là sự hóa thân của nhân dân bênh vực, bảo vệ kẻ yếu, đứng về phía cái thiện

3. Tấm – cô gái mạnh mẽ, quyết liệt chống lại cái ác

- Tấm về ăn giỗ cha: Bị mẹ con Cám lừa trèo lên cây cau rồi chặt gốc cau. Tấm ngã lăn ra chết.

- Tấm hóa thành chim vàng anh hót cho vua nghe, chui vào tay áo vua. Tiếng hót của chim “Giặt áo chồng tao thì giặt cho sạch...chớ phơi bờ rào, rách áo chồng tao” là lời báo hiệu cho sự trở về của Tấm. Mẹ con Cám giết thịt chim vàng anh.

- Tấm hóa thành cây xoan đào tỏa bóng mát cho nhà vua. Mẹ con Cám chặt cây làm khung cửi

- Tấm hóa thành con ác trên khung cửi, trực tiếp tuyên chiến với kẻ thù “Cót ca cót két, lấy tranh chồng chi, chị khoét mắt cho”. Mẹ con Cám sợ hãi đem đốt khung cửi.

- Tấm hóa thành quả thị, hằng ngày bước ra giúp bà hàng nước quét dọn, têm trầu, gặp lại nhà vua và trở về cung làm hoàng hậu.

⇒ Tấm vẫn luôn ở cạnh nhà vua, thực hiện bổn phận của một người vợ.

⇒ Quá trình đấu tranh, phản kháng mạnh mẽ, quyết liệt không khoan nhượng của Tấm. Tấm không còn nhu mì, yếu đuối, chỉ biết khóc khi bị bắt nạt, biết trông cậy vào sự giúp đỡ của Bụt mà đã kiên cường chống lại.

⇒ Những lần hóa thân của Tấm cho thấy sức sống mãnh liệt của cái thiện trước cái ác.

4. Tấm ra tay trừng trị cái ác.

- Tấm trở về cung trong sự ngỡ ngàng và sợ hãi của mẹ con Cám

- Hành động trừng phạt: Cho Cám xuống hố, dội nước sôi cho trắng đẹp cho đến chết. Cho dì ghẻ ăn mắm làm từ thịt con gái, kinh khiếp mà chết

⇒ Hành động trừng phạt này phù hợp với quá trình trưởng thành, đấu tranh của Tấm

⇒ Thể hiện ước mơ của nhân dân về một xã hội công bằng, về quan niệm sống “ở hiền gặp lành, ác giả ác báo”.

5. Nghệ thuật xây dựng nhân vật

- Xây dựng những mẫu thuẫn có sự tăng tiến để thể hiện sự phát triển trong hành động nhân vật

- Xây dựng hai tuyến nhân vật đối lập để khắc họa nhân vật

- Sử dụng các yếu thần kì.

III. Kết bài

- Khẳng định tình cảm em dành cho nhân vật cô Tấm

- Tấm là hiện thân của cái đẹp và cái thiện. Hình tượng cô tấm nết na, thùy mị, hiền lành từng là biểu tượng cho vẻ đẹp người phụ nữa Việt Nam với những ví von “Hiền như Tấm”, “Cô Tấm Làng Mai”.

2. Viết bài:

- Em cần chú ý vai trò của mở bài, thân bài, kết bài

- Có thể tách thân bài thành các đoạn theo các ý chính đã dự kiến

- Sử dụng các chi tiết, bằng chứng làm rõ đặc điểm nhân vật

3. Chỉnh sửa bài viết:

- Sau khi viết, em cần đọc lại để kiểm tra lỗi: chính tả, cách dùng từ, cách tổ chức câu văn, …

Viết bài văn phân tích một nhân vật văn học trong cuốn sách mà em đã đọc.

* Bài mẫu tham khảo

Viết bài văn phân tích một nhân vật văn học trong cuốn sách mà em đã đọc - mẫu 1

Ai đó đã từng nói: "Truyện cổ tích là thế giới hiện thực biết ước mơ". Vâng, truyện cổ tích nói riêng và văn học dân gian Việt Nam nói chung là tiếng nói, là nỗi niềm, tiếng lòng của người bình dân trong xã hội cũ. Song những tiếng lòng ấy không hề ủy mị, không hề mềm yếu dẫu rằng nó được cất lên trong bùn đen cơ cực. "Tấm Cám" là một truyện cổ tích thể hiện rõ niềm lạc quan, niềm tin của nhân dân lao động. Tấm là nhân vật chính trong truyện hiện lên với số phận bất hạnh nhưng ngời sáng vẻ đẹp tâm hồn.

"Tấm Cám" là một truyện cổ tích thần kỳ. Truyện kể về cuộc đời số phận của Tấm - cô gái mồ côi, bất hạnh nhưng có phẩm chất tốt đẹp, trải qua nhiều gian nan cuối cùng được hưởng hạnh phúc. Thông qua số phận bất hạnh của Tấm, nhân dân gửi gắm ước mơ, khát vọng lí tưởng xã hội của mình về sự chiến thắng của cái thiện với cái ác.

Tấm là một cô gái có số phận bất hạnh. Tấm mồ côi từ nhỏ: "Tấm và Cám là hai chị em cùng cha khác mẹ. Tấm là con vợ cả, Cám là con vợ lẽ. Mẹ Tấm đã chết từ hồi Tấm còn bé. Sau đó mấy năm thì cha Tấm cũng chết. Tấm ở với dì ghẻ là mẹ của Cám". Tác giả dân gian đã đưa người đọc đến với số phận rất quen thuộc trong truyện cổ tích: đó là người mồ côi. Ở với dì ghẻ, Tấm phải sống một cuộc sống khổ cực, bị mẹ con Cám hành hạ. Tấm phải làm lụng suốt ngày đêm trong khi Cám thì thảnh thơi. Đâu chỉ có thế, Tấm còn bị Cám lừa lấy mất giỏ cá. Mất giỏ cá là Tấm mất đi phần thưởng của dì, mất đi cái yếm đẹp, mất đi tình yêu thương mà Tấm khao khát có được. Không chỉ có vậy, khi chỉ còn con cá bống bầu bạn, Tấm cũng bị mẹ con Cám bắt lấy và giết thịt. Cuộc đời Tấm dường như bị bủa vây trong sự hãm hại. Bống là con cá duy nhất còn sót lại trong giỏ cá. Bị lấy mất cá là Tấm mất đi người bạn ngày ngày tâm sự, sẻ chia, mất một niềm an ủi cuối cùng. Tấm là hiện thân của một cuộc đời đày đoạ, tước đoạt, một hình ảnh tiêu biểu cho những số phận thấp cổ bé họng, chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội phân chia giai cấp. Bởi vậy tiếng khóc tội nghiệp của Tấm mỗi khi bị chèn ép, áp bức có sức lay động mỗi trái tim nhân hậu, khơi dậy niềm cảm thông chia sẻ ở mọi người.

Nhờ Bụt, Tấm từ một cô gái mồ côi đã trở thành hoàng hậu. Bụt xuất hiện mỗi khi Tấm khóc, buồn tủi cần sự an ủi, giúp đỡ. Tấm bị mất chiếc yếm đỏ, Bụt cho hi vọng là con cá bống. Tấm bị mất cá bống, Bụt lại cho hi vọng. Tấm không được đi xem hội, Bụt cho một cho đàn chim sẻ đến giúp để đi hội làng gặp nhà vua. Lúc đi hội, Tấm làm rơi giày. Chính chiếc giày giúp Tấm gặp lại được vua trở thành hoàng hậu. Đó chính là ước mơ của người xưa về một sự đổi đời trở thành hoàng hậu, bước lên ngôi vị tối cao, là ước mơ, khát vọng lớn lao của người dân bị đè nén, áp bức. Hạnh phúc ấy chỉ dành cho những con người hiền lành, lương thiện.

Tấm là một con người sẵn sàng đấu tranh để giành lại hạnh phúc cho chính mình. Thông qua các cuộc đấu tranh của Tấm, nhân dân lao động gửi gắm niềm tin, ước muốn về khát khao đổi đời,về cuộc chiến thắng của cái thiện trước cái ác. Tấm phải nhiều lần hóa thân: Tấm bị giết hóa thành chim Vàng Anh, Vàng Anh bị giết mọc lên cây xoan đào, xoan đào bị chặt, Tấm hóa khung cửi, khung cửi bị đốt, Tấm hóa quả thị, từ quả thị Tấm bước ra làm người. Cuộc đấu tranh giành lại quyền sống của Tấm là vô cùng gian nan, quyết liệt, không khoan nhượng. Cuộc đấu tranh cho thấy cái ác luôn hiện hữu, luôn xuất hiện đầy ắp hành hạ cái thiện. Khi Tấm trở thành hoàng hậu, mẹ con Cám vẫn đeo bám tiêu diệt Tấm tới cùng. Sự đày đoạ của Tấm đã đến tận cùng, bị tước đoạt cả hạnh phúc lẫn tính mạng.

Lần hóa thân cuối cùng, cô Tấm bước ra làm người đã gửi gắm những quan niệm về hạnh phúc. Có lẽ hạnh phúc nơi trần thế mới là hạnh phúc đích thực và đáng trân trọng. Hạnh phúc giữa cuộc sống đời thực, được bên cạnh những người mình thương yêu. Đặc biệt, để có được hạnh phúc ấy, Tấm đã phải đấu tranh rất nhiều lần. Nếu như lúc trước lúc khó khăn, đau khổ, Tấm có Bụt hiện ra giúp đỡ thì lúc này đây, Tấm chủ động đấu tranh giành lấy hạnh phúc cho mình. Gửi hồn mình vào chim Vàng Anh, cây xoan đào, khung cửi, quả thị,... sau bao lần hóa thân, bị hãm hại, Tấm trở lại làm người. Tấm lại trở về là Tấm - một hoàng hậu xinh đẹp. Nhưng hạnh phúc sẽ chẳng bền lâu khi cái ác chưa bị diệt trừ tận gốc. Tấm tự tay trừng trị mẹ con Cám, để mẹ con cám phải nhận cái kết thích đáng. Nhân dân đã đứng về phía Tấm, công lý đứng về phía Tấm, hạnh phúc lại trở về bên cô Tấm nết na.

"Tấm Cám" là một truyện cổ tích mà ở đó mà không hề thấy người nông dân bi quan. Cái hiện thực với xã hội bất công vẫn cứ hiện ra thông qua số phận của nhân vật Tấm nhưng cũng qua nhân vật Tấm, nhân dân gửi gắm những ước mơ, khát vọng về cuộc sống hạnh phúc, được thể hiện bằng cốt truyện chặt chẽ, có sự tham gia của các yếu tố thần kì tạo hấp dẫn cho truyện. Thông qua nhân vật Tấm, người đọc hiểu được những ước mơ, khát vọng mà nhân dân gửi gắm, ta thấy được sự đấu tranh của tầng lớp thấp cổ bé họng trong xã hội xưa.

Trải qua biết bao thăng trầm lịch sử, văn học dân gian đã và mãi có chỗ đứng trong lòng bạn đọc và có giá trị sâu sắc trong kho tàng văn học Việt Nam nói chung. Bởi thông qua văn học dân gian, người đọc hiểu được đời sống cũng như tâm tư tình cảm người nông dân xưa, càng thêm trân trọng hơn kho tàng văn học dân gian Việt Nam.

Soạn bài Viết bài văn phân tích một nhân vật văn học yêu thích trong cuốn sách đã đọc | Hay nhất Soạn văn 7 Kết nối tri thức

Viết bài văn phân tích một nhân vật văn học trong cuốn sách mà em đã đọc - mẫu 2

Trong truyện "Gió lạnh đầu mùa" người đọc sẽ rất ấn tượng với nhân vật Sơn. Chính cậu bé thân thiện, tốt bụng, giàu tình cảm và ấm áp này đã khiến tác phẩm trở nên cuốn hút hơn.

Sáng sớm ngủ dậy khi gió lạnh đầu mùa đã thổi về, trời trắng đục, gió vi vu, khóm lan trong chậu “rung động và hình như sắt lại vì rét”. Sơn cũng thấy lạnh, em kéo chăn lên đầu rồi cất tiếng gọi mẹ. Một chén nước nóng mẹ đưa cho em “ấp vào mặt, vào má cho ấm”, một chiếc áo dạ chỉ đỏ lẫn áo vệ sinh, ngoài lại phủ cái áo vải thâm, em mặc vào, đứng trên giường quay đi quay lại bốn lần để mẹ ngắm… Những chi tiết ấy cho biết Sơn còn bé nhỏ, ngây thơ, em rất được mẹ yêu. Không một tiếng khóc, một lời vòi vĩnh, Sơn đã cùng chị Lan đi chơi vì em biết lũ bạn con nhà nghèo xóm láng “đang đợi mình ở cuối chợ để đánh khăng, đánh đáo”. Gặp các bạn, khi chúng nó đến ngắm cái áo đẹp của Sơn, em cũng hồn nhiên ngây thơ như bất cứ đứa trẻ con nào, Sơn cũng “ưỡn ngực” khoe áo mới: “Mẹ tôi còn hẹn mua cho tôi một chiếc áo nhiều tiền hơn nữa kia’. Đúng là tâm lí đáng yêu: “Già được bát canh, trẻ được manh áo mới”.

Sơn là một em bé rất giàu tình cảm. Anh em như thể chân tay… Sơn đối với em đầy tình thương. Ngủ dậy thấy lạnh, Sơn “kéo chăn lên đắp cho em” đang ngủ. Khi mẹ giơ cái áo bông cánh cũ của em Duyên – đã chết năm lên bốn tuổi – ‘Sơn nhớ em, cảm động và thương em quá’. Những cử chỉ ấy, những cảm xúc ấy cho thấy Sơn có một tâm hồn rất đẹp, rất trong sáng, còn bé nhỏ đã biết quan tâm săn sóc đến mọi người xung quanh. Em rất yêu mẹ, vâng lời mẹ, lễ phép với vú già, biết tôn trọng chị. Sơn là một đứa bé được mẹ chăm sóc và dạy bảo nên em rất ngoan. Sơn là một em bé sống với bạn bè rất có tình người.

Trong lúc mấy đứa em họ của Sơn thì “kiêu kì và khinh khỉnh” với các bạn, trái lại Sơn và chị Lan rất chan hòa với chúng. Vì thế mới thấy chị em Sơn đến, chúng nó “lộ vẻ vui mừng”. Gặp bạn, buổi sớm trong gió lạnh đầu mùa, cái nhìn của Sơn đối với bạn nhỏ, những thằng Cúc, thằng Xuân, con Tí, con Túc,… là cái nhìn yêu thương, cám thông với cảnh nghèo của bạn. Trời lạnh mà chúng nó vẫn ‘ăn mặc không khác ngày thường, vần những bộ quần áo nâu bạc đã rách vá nhiều chỗ’, và “môi chúng nó tím lại…”, chỗ áo quần rách “da thịt thâm đi”. Mỗi lần làn gió lạnh thổi qua, các bạn nhỏ của Sơn “lại run lên” và “hai hàm răng đập vào nhau”. Biết quan tâm tới đồng loại, biết san sẻ, cảm thông với bạn bè chỉ có ở những trái tim nhân ái, những tấm lòng nhân hậu. Sơn đã chơi, đã sống với bạn bằng trái tim nhân ái, bằng tấm lòng nhân hậu như thế!

Tình thương và sự quan tâm của Sơn đối với bạn còn được thể hiện bằng những cử chỉ, hành động cụ thể. Thấy cái Hiên, đứa con gái bên hàng xóm, bạn chơi với Lan và Duyên “co ro dứng bên cột quán”, chỉ mặc có ‘manh áo rách tả tơi hở cả lưng và tay’, chị Lan gọi, “nó cũng không đến… Nghe cái Hiên ? “bịu xịu” nói với chị Lan là ‘hết áo rồi, chỉ còn cái áo này’, bấy giờ Sơn mới chợt nhớ ra ‘mẹ cái Hiên rất nghèo, chỉ có nghề mò cua bắt ốc thì lấy đâu ra tiền mà sắm áo cho con nữa”. Sơn đã “động lòng thương” bạn và một “ý nghĩ tốt thoảng qua”… Sơn đã nói thầm với chị Lan về lấy chiếc áo bông cũ của em Duyên đem cho cái Hiên mặc khi gió lạnh đầu mùa đã thổi về. Sơn thấy lòng mình “ấm áp vui vui” khi đứng lặng yên chờ chị Lan chạy về lấy áo. Sao không “ấm áp vui vui” được vì một miếng khi đói bằng một gói khi no.Đâu phải là một sự bố thí ban ơn! Đó là một nghĩa cử san sẻ tình thương đồng loại “lá lành đùm lá rách”.Tấm lòng của Sơn đối với bạn nhỏ rất chân thành. Tinh cảm nhường cơm sẻ áo cho bạn rất mãnh liệt! Mặc dù đó là chiếc áo bông của em Duyên, kỉ vật thiêng liêng của mẹ, mặc dù sau đó mẹ cái Hiên đã đem áo đến trả cho mẹ Sơn, nhưng nhờ thế mà mẹ em đã biết cảnh ngộ mẹ cái Hiên, cho mẹ cái Hiên vay năm hào đem về mua áo cho con.

Sơn và chị Lan đã “cúi đầu lặng im” nhận lỗi. Mẹ đã ôm hai em vào lòng, âu yếm nhẹ trách: “dám tự do lấy áo đem cho người ta không sợ mẹ mắng ư?”. Hai chị em Lan và Sơn đã được dạy bảo, được sống trong lòng mẹ, được mẹ yêu thương nên Sơn và chị mới biết thương bạn, mới biết “thương người như thể thương thân” vậy.

Sơn là một trong những gương mặt tuổi thơ trong truyện Thạch Lam rất đáng yêu, đáng mến. Thạch Lam đôn hậu, tinh tế nên văn ông mới đậm đà và cho ta nhiều nhã thú. Trong gió lạnh đầu mùa mà lòng Sơn ấm áp biết bao!

Viết bài văn phân tích một nhân vật văn học trong cuốn sách mà em đã đọc - mẫu 3

“Lão Hạc” là một trong những truyện ngắn tiêu biểu của nhà văn Nam Cao viết về số phận người nông dân trước cách mạng mà em được đọc và cảm thấy vô cùng ấn tượng. Nổi bật lên trong truyện là hình ảnh lão Hạc đã trở thành một trong những biểu tượng cho người nông dân Việt Nam.

Đầu tiên, lão Hạc cũng sống trong hoàn cảnh chung giống như biết bao người nông dân trước cách mạng - phải đối mặt với cuộc sống nghèo đói khổ cực. Nhưng lão cũng có hoàn cảnh riêng của mình. Vợ lão mất sớm. Con trai lão bỏ đi đồn điền cao su vì không có đủ tiền cưới vợ. Lão chỉ có con Vàng là kỷ vật của con bầu bạn. Không chỉ vậy, thiên tai còn đẩy lão vào cảnh đói nghèo. Lão phải đối mặt với: cái đói, giàu yếu, và sự cô đơn. Để rồi cuối cùng lão phải bán con chó trong niềm khổ đau tột cùng: “Mặt co rúm lại, những nếp nhăn xô lại với nhau, ép cho nước mắt chảy ra, cái đầu ngoẹo về một bên, cái miệng móm mém mếu như con nít”, “lão hu hu khóc”...

Sống trong hoàn cảnh đó, nhưng lão Hạc vẫn có những phẩm chất tốt đẹp. Lão Hạc là một người cha hết mực yêu thương con. Vì thương con, lão chấp nhận đối mặt với cô đơn, với tuổi già để con ra đi cho thỏa chí. Con đi rồi, lão dồn cả yêu thương vào con chó Vàng. Bởi đó con chó là kỉ vật duy nhất mà con trai lão để lại. Nhìn con chó, lão tưởng như được thấy con mình. Lão thương con đến mức chấp nhận cái đói, rồi cả cái chết chứ không chịu bán đi mảnh vườn là của hồi môn của con. Nếu lão bán mảnh vườn, ắt lão sẽ đủ ăn tiêu để vượt qua thời khốn khó. Nhưng lão lại lo khi con trai về không có đất sinh sống làm ăn.

Đói nghèo như thế, khổ đau như thế nhưng lão không vì vậy mà tha hóa về nhân phẩm. Lão quyết không nhận sự giúp đỡ của ông giáo, bởi lão nghĩ hoàn cảnh của ông giáo có khá hơn mình đâu. Ban đầu là “luôn mấy hôm lão chỉ ăn khoai”, “khoai cũng hết, lão chế tạo được món gì, ăn món ấy. Hôm thì lão ăn củ chuối, hôm thì lão ăn sung luộc, hôm thì ăn rau má, với thỉnh thoảng một vài củ ráy hay bữa trai, bữa ốc”. Rồi đến mức chẳng còn gì để ăn, để sống. Trong hoàn cảnh này, con người ta rất dễ đánh mất đi sự trong sạch của mình. Nhưng lão Hạc thì không như vậy. Lão quyết định tìm đến cái chết. Lão đến xin Binh Tư một ít bả chó.Binh Tư đã nghi ngờ lão. Ông giáo cũng vậy. Nhưng không, Lão Hạc vẫn giữ được vẹn nguyên tâm hồn dào dạt yêu thương đáng quý, đáng trọng của người nông dân và cả sự tự trọng cao đẹp của mình.

Lòng tự trọng của lão Hạc rực sáng nhất ngay khi thân xác lão đau đớn nhất. Lão Hạc đã chọn cái chết, một cái chết khốc liệt để tâm hồn mình được trong sạch, được trọn vẹn tình nghĩa với tất thảy mọi người - kể cả với con chó Vàng tội nghiệp.

Với ngòi bút xây dựng nhân vật độc đáo, qua nhân vật lão Hạc, người đọc mới thấm thía được số phận bất hạnh của người nông dân Việt Nam trước cách mạng, cũng như nổi bật lên cả là phẩm chất tốt đẹp của họ.

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 7 Kết nối tri thức với cuộc sống hay nhất, ngắn gọn khác:

Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 7 hay khác:


Giải bài tập lớp 7 Kết nối tri thức khác