5+ Tóm tắt một truyện kể dân gian có sử dụng yếu tố kì ảo

Tóm tắt một truyện kể dân gian có sử dụng yếu tố kì ảo và cho biết tác dụng của yếu tố kì ảo trong tác phẩm hay nhất giúp học sinh có thêm tài liệu tham khảo để viết văn hay hơn.

Tóm tắt một truyện kể dân gian có sử dụng yếu tố kì ảo - mẫu 1

Tóm tắt truyện Thánh Gióng:

Vào đời Hùng Vương thứ sáu, ở làng Gióng có hai vợ chồng chăm chỉ làm ăn và có tiếng là phúc đức nhưng mãi vẫn chưa có nổi một mụn con. Một hôm, bà lão đi ra đồng trông thấy một vết chân rất to liền đặt bàn chân mình lên ướm thử, không ngờ về nhà liền mang thai. Mười hai tháng sau, bà sinh ra được một cậu con trai. Cậu bé lên ba tuổi mà vẫn không biết nói biết cười. Lúc bấy giờ, giặc Ân đến xâm lược nước ta, nhà vua muốn tìm người tài đánh giặc cứu nước. Sứ giả đi đến làng Gióng thì kì lạ thay, cậu bé bỗng cất tiếng nói: “Mẹ mời sứ giả vào đây”. Cậu bảo sứ giả về tâu với vua sắm cho một con ngựa sắt, một cái roi sắt và một tấm áo giáp sắt để đánh giặc. Từ sau hôm đó, cậu bé lớn nhanh như thổi, cơm ăn mấy cũng không no, áo mặc mấy cũng không vừa. Giặc đến, vừa lúc sứ giả mang ngựa sắt, roi sắt và áo giáp sắt đến, cậu bé vươn vai biến thành tráng sĩ đánh tan quân giặc. Tráng sĩ đánh giặc xong cởi bỏ áo giáp sắt, cưỡi ngựa bay lên trời. Vua nhớ công ơn tôn là Phù Đổng Thiên Vương và cho lập đền thờ tại quê nhà.

Tóm tắt một truyện kể dân gian có sử dụng yếu tố kì ảo - mẫu 2

Tóm tắt truyện “Cây khế”

Ở một làng nọ có hai anh em, người anh thì vô cùng tham lam, người em thì hiền lành chịu khó. Sau khi ba mẹ qua đời người anh lấy vợ ra ở riêng và cố gắng vơ vét hết tài sản chỉ để lại cho người em một cây khế ở góc vườn. Người em bị người anh chèn ép như vậy nhưng không hề nói một lời phàn nàn nào, anh đã dựng túp liều gần cây khế, hàng ngày anh chăm bón cây khế và đi làm thuê để kiếm tiền nuôi thân. Cây khế càng ngày càng lớn dần, năm ấy bỗng sai trĩu quả, người em mừng vô cùng. Mấy hôm sau, bỗng dưng có một con chim lạ bay tới cây khế và ăn khế của người em, người em thấy vậy buồn lòng than thở với chim. Chim lạ mới nói lại rằng: “Ăn một quả trả cục vàng may túi ba gang mang đi mà đựng”. Hôm sau như lời hứa chim đến đón người em tới một hòn đảo có rất nhiều vàng bạc, châu báu. Người em xuống lấy vàng và chỉ lấy vừa đầy túi ba gang rồi lên lưng chim trở về. Người em về nhà dùng số vàng bạc lấy được mang đi đổi lấy lúa thóc để giúp đỡ cho người dân ở trong làng. Thấy người em bỗng có nhiều vàng bạc nên người anh đã âm mưu sang đòi đổi nhà lấy cây khế, lại lần nữa người em đồng ý đổi với người anh mà không một lời phàn nàn. Cây khế lại sai quả, chim lạ lại đến ăn người anh cũng cố ý than thở với chim. Mấy hôm sau chim đến đón người anh đi đến hòn đảo vàng bạc, vốn bản tính tham lam nên người anh đã lấy rất là nhiều bỏ vào túi sáu gang mang theo. Trên đường về vì vàng bạc quá nhiều, chim bảo người anh vứt bớt nhưng người anh không chịu, chim đã quá mỏi cánh nên đã nghiêng cánh hất người anh tham lam cùng vàng bạc xuống biển. Thế là người anh tham lam ấy không còn trở về được nữa.

- Tác dụng của yếu tố kì ảo xuất hiện trong truyện “Cây khế”

+ Khiến cho câu chuyện trở nên hấp dẫn, cuốn hút người đọc.

+ Thể hiện quan niệm sống “ở hiền gặp lành, ác giả ác báo”.

Xem thêm các bài văn mẫu lớp 12 hay nhất khác:

Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 12 hay khác:


Giải bài tập lớp 12 Chân trời sáng tạo khác