Soạn bài Tri thức ngữ văn trang 125 - Chân trời sáng tạo

Với soạn bài Tri thức ngữ văn trang 125, 126 Ngữ văn lớp 12 Chân trời sáng tạo sẽ giúp học sinh trả lời câu hỏi từ đó dễ dàng soạn văn 12.

1. Hài kịch là một thể loại kịch dùng tiếng cười phê phán thói hư tật xấu, suy đồi đạo đức, tệ nạn xã hội, tống tiễn những gì không phù hợp với đời sống, từ đó nỗ lực thay đổi nhận thức của khán giả, hướng đến một nhân sinh quan tốt đẹp hơn. Nếu bi kịch gợi lên cảm xúc xót thương và sợ hãi trong khán giả thông qua sự mất mát hay cái chết của những nhân vật cao quý thì hài kịch dùng tiếng cười để phê phán những giá trị lỗi thời, khẳng định sự chiến thắng của những giá trị mới mẻ, tiến bộ. Đặc diểm của hài kịch thể hiện qua tình huống, xung đột, hành động, nhân vật, các sắc điệu của tiếng cười, thủ pháp trào phúng, ngôn ngữ hài kịch,…

- Cốt truyện hài kịch thường là câu chuyện đời thường, dựa trên tình huống gây cười (hiểu lầm, nhầm lẫn, trùng hợp ngẫu nhiên,…) dẫn đến nghịch cảnh trớ trêu, bộc lộ bản chất, tính cách đáng chê cười của nhân vật, nhiều khi có kết cục dở khóc, dở cười,… Câu chuyện thường bắt đầu bằng sự mất cân bằng, lệch chuẩn nào đó và kết thúc khi sự cân bằng được thiết lập lại, hợp đạo lí.

- Xung đột trong hài kịch thường phát sinh từ sự sai lệch với chuẩn mực đạo đức và thẩm mĩ mà cộng đồng công nhận, đòi hỏi lập lại sự hài hòa và hợp lí.

- Hành động trong hài kịch là toàn bộ hoạt động của các nhân vật thông qua lời thoại, ngữ điệu, cử chỉ, biểu cảm,… nhằm thể hiện thế giới nội tâm và kết nối sự kiện, làm nên sự phát triển của cốt truyện hài kịch. Hành động trong hài kịch thường gắn với tình huống hài kịch và góp phần thể hiện các thủ pháp trào phúng.

- Nhân vật hài kịch có thể thuộc mọi tầng lớp trong xã hội, là những người có tính cách, tâm lí, lối sống, đam mê, ứng xử trái với lẽ thường, tạo nên những tình huống, hành vi, lời lẽ nực cười.

- Tiếng cười trào phúng có nhiều cung bậc: hài hước, mỉa mai, châm biếm, đả kích tùy theo đối tượng trào phúng có được thông cảm hay không.

- Thủ pháp trào phúng: Hài kịch thường sử dụng các thủ pháp trào phúng như phóng đại, nghịch lí, nghịch dị, tương phản, tăng cấp, nói mỉa, từ nhiều nghĩa, chơi chữ, tự lật tẩy (tự bóc trần),…

- Ngôn ngữ và hiệu ứng “chữa trị” của hài kịch

Ngôn ngữ trong hài kịch gần với ngôn ngữ đời sống và đậm tính gây cười. Là một trong những thể loại nghệ thuật có khả năng tác động và định hình ý thức cộng đồng, ngoài chức năng giải trí, làm hưng phấn tâm trạng, hài kịch còn giúp khán giả lạc quan và tỉnh táo nhận thức thực tế, bảo vệ mình trước cái tiêu cực, dấy lên mong muốn chữa trị những khiếm khuyết, bất cập trong đời sống xã hội và cá nhân.

2. Biện pháp tu từ nghịch ngữ: đặc điểm và tác dụng

Nghịch ngữ là biện pháp tu từ kết hợp các từ ngữ biểu thị những khái niệm mâu thuẫn nhau để tạo ra những cách nói, cách viết trái với cách nói, cách viết thông thường nhằm mục đích làm nổi bật bản chất vấn đề, gây ấn tượng mạnh đối với người tiếp cận đồng thời làm tăng ức biểu cảm cho sự diễn đạt.

Ví dụ: Biện pháp tu từ nghịch ngữ trong tiêu đề tác phẩm Kẻ sát nhân lương thiện (Lại Văn Long), Âm thanh im lặng (Vũ Quần Phương), Tuyết bỏng (Bôn-đa-rép),…

Trong các tiêu đề trên, việc kết hợp các từ ngữ biểu thị những khái niệm mâu thuẫn nhau: “kẻ sát nhân” và “lương thiện”, “âm thanh” và “im lặng”, “tuyết” và “bingr” đã tạo ra những cách diễn đạt độc đáo, gây ấn tượng với người đọc.

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 12 Chân trời sáng tạo hay nhất, ngắn gọn khác:

Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 12 hay khác:


Giải bài tập lớp 12 Chân trời sáng tạo khác