Soạn bài Viết bài nghị luận về vai trò của văn học đối với tuổi trẻ - Cánh diều

Với soạn bài Viết bài nghị luận về vai trò của văn học đối với tuổi trẻ trang 152, 153, 154 Ngữ văn lớp 12 Cánh diều sẽ giúp học sinh trả lời câu hỏi từ đó dễ dàng soạn văn 12.

1. Định hướng

1.1. Ở Bài 4, các em đã được luyện tập viết bài nghị luận bàn về lối sống, hoài bão, khát vọng, cống hiến,.... của tuổi trẻ. Bài này hướng dẫn các em viết bài văn nghị luận về vấn đề văn học có vai trò như thế nào đối với tuổi trẻ.

Vấn đề trọng tâm của bài văn là nêu lên và làm sáng tỏ vai trò, tác dụng của văn học với đời sống tâm hồn, cũng như văn học đã góp phần bồi dưỡng phẩm chất, nhân cách người đọc như thế nào. Như vậy, viết bài văn nghị luận về vai trò của văn học với tuổi trẻ thực chất là trả lời một số câu hỏi sau:

- Văn học là gì?

- Văn học có tác dụng như thế nào đối với đời sống tâm hồn và sự phát triển phẩm chất, nhân cách của con người nói chung và đặc biệt đối với tuổi trẻ nói riêng?

- Vì sao văn học lại có tác dụng ấy?

- Liệu trong tương lai, khi khoa học và công nghệ phát triển mạnh, văn hoá nghe nhìn lấn át văn hoá đọc,.... văn học có còn vai trò và tác dụng nữa không?

      Trong thực tế, có rất nhiều cách nêu vấn đề với phạm vi và mức độ khác nhau tuỳ thuộc vào yêu cầu của người ra đề văn. Ví dụ, các đề văn sau đây đều thuộc dạng nghị luận về vai trò của văn học với tuổi trẻ:

- Đề 1: Thơ văn với việc bồi đắp tâm hồn thế hệ trẻ.

- Đề 2: Bàn luận về một tác phẩm đã làm thay đổi cuộc sống của bản thân.

- Đề 3: Văn học góp phần phát triển trí tưởng tượng của tuổi trẻ thế nào?

1.2. Để viết bài nghị luận về vai trò của văn học đối với tuổi trẻ, các em cần chú ý:

- Xem lại các ý đã nêu ở Bài 4, mục 1. Định hướng (trang 127 - 128).

- Chuẩn bị tư liệu liên quan đến vấn đề trọng tâm cần bàn luận (các tác phẩm thơ, văn, những bằng chứng từ đời sống, những câu danh ngôn và những kiến thức lí luận văn học,...).

- Xác định rõ thái độ, tình cảm khi bàn luận về vấn đề đã nêu. Vận dụng được kiến thức và những trải nghiệm của cá nhân người viết.

2. Thực hành

2.1. Thực hành viết theo các bước

Bài tập: Từ kinh nghiệm đọc sách của bản thân, hãy viết bài văn bàn luận về vai trò của tác phẩm văn học đối với cá nhân em

a) Chuẩn bị

- Đọc kĩ các nội dung nêu lên ở mục 1. Định hướng. Tìm hiểu đề bài để biết các thông tin chính trước khi viết như: trọng tâm vấn đề, kiểu văn bản, phạm vi bàn luận,...

- Xác định tác phẩm đã để lại dấu ấn sâu đậm trong thời đi học của em. Nhớ lại nội dung chính của tác phẩm văn học ấy.

b) Tìm ý và lập dàn ý

- Tìm ý cho bài viết bằng cách đặt ra các câu hỏi sau:

+ Đó là tác phẩm nào? Nội dung chính của tác phẩm là gì? Hình thức nghệ thuật của tác phẩm có gì đặc sắc?

+ Tác phẩm đã để lại trong tâm hồn em ấn tượng sâu đậm như thế nào?

+ Vì sao tác phẩm ấy lại có tác động mạnh mẽ đến tâm hồn em?

+ Tác phẩm ấy đã làm thay đổi nhận thức, hành động, suy nghĩ, tình cảm,... của em như thế nào?

- Lập dàn ý cho bài viết bằng cách lựa chọn, sắp xếp các ý theo bố cục ba phần.

c) Viết

Dựa vào dàn ý đã làm, viết bài văn hoặc đoạn văn theo các yêu cầu khác nhau.

* Bài viết mẫu tham khảo :

         Tác phẩm văn học là kết tinh của tâm hồn người sáng tác. Mỗi tác phẩm văn học là tiếng nói của tác giả trong cuộc đời. Bởi vậy, mỗi tác phẩm đều để lại trong em những bài học và giá trị sâu sắc. Trong đó, có truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” của nhà văn Nguyễn Minh Châu

        “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu là bức tranh hiện thực đầy màu sắc, ẩn sau đó chứa đựng câu chuyện về số phận cuộc đời con người.

       Tác phẩm nổi bật lên với nhiều giá trị nghệ thuật đặc sắc. Đầu tiên phải kể đến nghệ thuật xây dựng tình huống truyện tài tình. Tác giả đã xây dựng tình huống truyện chứa đầy nghịch lý, éo le. Trong nền nghịch lý ấy, nhân vật bộc lộ những đặc điểm tính cách, góc nhìn đời và tư tưởng của mình.

Bên cạnh đó, nghệ thuật xây dựng nhân vật sinh động, khéo léo. Nhân vật đã được khắc họa vô cùng chân thực, sống động thông qua hành động, thông qua những hình ảnh, ngôn ngữ vô cùng giản dị mà lại giàu ý vị, triết lý. Hình ảnh người đàn bà làng chài có làm da ngăm rám nắng, thân hình chắc khoẻ, hình ảnh người chồng mạnh mẽ, hung tợn. Tất cả những chi tiết đó đều phù hợp với những con người ngày đêm lam lũ trên mặt biển.

Đi sâu hơn vào các chi tiết, ta nhận ra nổi bật lên tất cả là bút pháp tả thực. Một điều khiến em ám ảnh ghê gớm nhất có lẽ là những dòng văn đầy bạo lực : “Lão đàn ông lập tức trở nên hùng hổ, mặt đỏ gay, lão rút trong người ra một chiếc thắt lưng của lính ngụy ngày xưa, …, lão vừa đánh vừa thở hồng hộc, hai hàm răng nghiến ken két, cứ mỗi nhát quất xuống lão lại nguyền rủa bằng cái giọng rên rỉ đau đớn: “Mày chết đi cho ông nhờ. Chúng mày chết hết đi cho ông nhờ!”. Những câu văn miêu tả chân thực vô cùng và tỉ mỉ đến từng chi tiết, gợi lên một cảm giác rất đời, rất thực. Đó cũng chính là cuộc sống thật đang diễn ra ở một gia đình nào đó trên đất nước ta thời bấy giờ.  Cuộc sống sau chiến tranh vẫn chất chứa rất nhiều hậu quả, không chỉ về vật chất mà còn là những tổn thương tâm lý không thể chữa lành.

Qua khung cảnh bạo lực ấy, trong cái đen tối ấy lại sáng lên chất nghệ thuật tài ba của tác giả. Đoạn văn giàu chất tạo hình, tựa như một thước phim cận cảnh cuộc đời đầy cay xót, trái ngang của người phụ nữ làng chài.

       Tác phẩm để lại rất nhiều ấn tượng trong em, không chỉ là về những đặc sắc nghệ thuật mà còn về giá trị hiện thực mà nó đem lại. Khung cảnh ấn tượng đậm sâu nhất cho em có lẽ là cảnh bạo lực gia đình, người chồng đánh vợ như súc vật. Nếu như trước đó nghệ sĩ Phùng đã bắt gặp một “cảnh đắt trời cho”, đẹp đến mê hồn, thậm chí được ví như “bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ”, làm rung động tâm hồn người nghệ sĩ thì giờ đây, bức tranh ấy đã nhuốm màu sắc đớn đau, cơ cực. Chính sự đổi thay ngang trái ấy khiến em ấn tượng mãi không thôi về sự thật - sự thật đằng sau bề ngoài đẹp đẽ, mê hồn có thể xù xì, gai góc đến như vậy.

Tác phẩm làm em cảm thấy ấn tượng thêm một lần nữa chính là ở quyết định của người đàn bà làng chài. Hứng chịu chiếc thắt lưng quật tới tấp, “người đàn bà với một vẻ cam chịu đầy nhẫn nhục, không hề kêu một tiếng, không chống trả, cũng không tìm cách chạy trốn”. Phản ứng của người đàn bà ở đây thật kì lạ đến thảm thương. Thông thường, lúc bị áp bức thì vùng lên, không được thì trốn chạy, van xin. Liệu có ai mà sống được với những trận đòn như cơm bữa “ba ngày một trận nhẹ, năm ngày  một trận nặng”. Tuy nhiên, người đàn bà trong truyện của Nguyễn Minh Châu chính là như vậy. Quả là một nghịch lí trong cuộc sống đời thường. Tủi nhục, đớn đau bởi bạo hành, đánh đập, nhưng cô cũng không chịu buông bỏ, dứt nghĩa vợ chồng. Người đàn bà ấy có những lí lẽ cho riêng mình, tưởng chừng như đơn giản nhưng ở cô mang cái nhìn thấu suốt một cuộc đời, mang trải nghiệm mà Đẩu và Phùng chưa bao giờ thấy được: “các chú đâu có thể hiểu được cái việc của các người làm ăn lam lũ, khó nhục…”, “ chưa bao giờ các chú biết như thế nào là nỗi vất vả của người đàn bà trên một chiếc thuyền không có đàn ông…”

         Tác phẩm đã đưa giúp cho em có cái nhìn vô cùng thực tế về bản thân và cuộc sống. Mọi chuyện không chỉ đơn giản như vẻ ngoài của nó, trước khi suy xét cần phải thấu hiểu tường tận, nhìn xuyên qua những cái bề ngoài đẹp đẽ để nhận ra được bản chất của sự vật, hiện tượng bên trong cái vỏ ngoài ấy. Nhìn nhận về con người cũng vậy. Con người vốn là một thực thể bề bộn và phức tạp, không đơn chiều, nhất phiến. Vì vậy, không nên nhìn con người hay số phận con người một cách đơn giản xuôi chiều mà cần nhìn nhận một cách đa chiều, đa diện mới hiểu hết bản chất đích thực của con người.

Tác giả đã đem đến một truyện ngắn có chiều sâu nhận thức và có giá trị cuộc sống lớn lao, thông qua phát hiện những nghịch lí của đời thường.

Đọc truyện, em cảm thấy nhói đau cho số phận con người trong cuộc sống mưu sinh vất vả, nhọc nhằn. Câu chuyện đã giúp em giác ngộ nhiều bài học sâu sắc từ những nghịch lí cuộc đời. Bản thân em nhận ra rằng những kiến thức sách vở chỉ là kẻ ngây thơ trước thực tế muôn màu, muôn sắc, phức tạp.

Tác phẩm đã khơi dậy lòng thương cảm, sự thấu hiểu và sẻ chia trước số phận vất vả, khổ cực của kiếp người nghèo khổ, bế tắc bị cầm tù bằng nỗi đau về thể xác và tinh thần. Thông qua tác phẩm, em phát hiện ra những vẻ đẹp đời thường hết sức nhân văn trong mỗi con người và từ đó, thêm trân trọng con người, trân trọng những phẩm chất đáng quý và cao cả ấy

         Mỗi tác phẩm văn học đều mang một thứ ánh sáng nhiệm màu, ánh sáng ấy chiếu rọi vào trong tâm hồn ta, nuôi dưỡng tâm hồn. Ánh sáng kì diệu ấy, chiếu tỏa lên mọi ngóc ngách cuộc đời và tạo nên những cảm xúc tốt đẹp, làm cho cuộc sống trở nên tươi đẹp và ý nghĩa hơn.

d) Kiểm tra và chỉnh sửa

- Đọc lại bài văn hoặc đoạn văn đã viết, đối chiếu với các nội dung đã nêu ở mỗi bước.

- Tham khảo các yêu cầu kiểm tra và chỉnh sửa đã nêu ở Bài 1, phần Viết, mục d

(trang 39-40).

2.2. Rèn luyện kĩ năng viết: Diễn đạt và trình bày bài văn nghị luận

a) Cách thức

       Để hoàn thành bài văn, sau khi đã xác định và sắp xếp được các ý, cần phải biết diễn đạt và trình bày ý của mình thành lời văn cụ thể. Một bài văn hay phải có những ý sâu sắc, mới mẻ, phù hợp với yêu cầu của đề bài, đồng thời được diễn đạt, trình bày bằng những từ ngữ, câu văn, đoạn văn chính xác, sinh động, truyền cảm và giàu sức thuyết phục.

      Để diễn đạt và trình bày đúng, người viết cần chú ý đến một số yêu cầu sau:

       - Lời văn nghị luận cần đảm bảo tính chặt chẽ, chuẩn xác; tránh lối dùng từ khuôn sáo, lối viết khoa trương, khoe chữ, nhận định đánh giá cực đoan, dùng hình ảnh hoặc từ cảm thán một cách tràn lan,...

       - Hình thức trình bày cần đầy đủ bố cục ba phần, các luận điểm rõ ràng, bảo đảm tính thẩm mĩ (chữ viết rõ ràng, không sai chính tả, không tẩy xoá), trích dẫn đúng quy cách,... Chú ý khắc phục một số lỗi như: dùng từ thiếu chính xác, đặt câu sai ngữ pháp, thiếu lô gích, mạch liên kết đứt đoạn hoặc các ý trùng lặp....

b) Bài tập

Chỉ ra lỗi diễn đạt trong hai đoạn văn sau đây được trích từ bài làm của học sinh và nêu cách sửa.

(1) Bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải là một tác phẩm nghệ thuật, bằng lối sử dụng từ ngữ tinh tế, rõ ràng, những từ gợi tả, gợi cảm, từ láy và điệp từ hoà cùng với nhịp thơ vui cho ta thấy một bức tranh mùa xuân thật đẹp trong bức tranh ấy chứa đựng cả tấm lòng, tình cảm của tác giả.

 (2) Tuy Nguyễn Du xuất thân từ tầng lớp quyền quý. Cha và anh trai ông đều làm quan to trong triều. Bản thân ông cũng từng tham gia bộ máy cai trị phong kiến. Trong những năm loạn lạc, ông có điều kiện sống gần dân, nếm trải đủ mùi cay đắng. Vì thế, ông rất đồng cảm với người dân cùng khổ.

Trả lời:

(1) Các lỗi diễn đạt trong đoạn văn và cách sửa :

- Lỗi lô-gic. Không thể chỉ ghi là tác phẩm nghệ thuật mà cần phải nhận định đây là tác phẩm nghệ thuật có đặc điểm gì, nhằm tạo tiền đề nội dung cho vế sau triển khai. Vì vậy cần thêm từ đặc sắc/ độc đáo kết hợp với dấu chấm câu để ngắt vế câu. Sau khi sửa, câu văn sẽ trở thành “ Bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Bằng lối...”

- Lỗi thiếu từ ngữ và sử dụng dấu câu : Từ ngữ “điệp từ” cần bổ sung đầy đủ thành “biện pháp điệp từ”, kết hợp dấu phẩy, ngắt vế câu. Câu văn sau khi sửa: “những từ gợi tả, gợi cảm, từ láy và biệp pháp điệp từ , hoà cùng với nhịp thơ vui”

- Lỗi dùng từ : “nhịp thơ vui” sửa thành “ nhịp điệu vui tươi”. Câu văn sau khi sửa: “hoà cùng với nhịp điệu vui tươi..”

- Lỗi dấu câu : Sử dụng dấu chấm ngăn cách vế câu “bức tranh mùa xuân thật đẹp trong bức tranh ấy”. Sau khi sửa : “bức tranh mùa xuân thật đẹp. Trong bức tranh ấy…”

 (2) Các lỗi diễn đạt trong đoạn văn và cách sửa :

- Lỗi dùng sai quan hệ từ “tuy...nhưng”. Cần sửa lại : bỏ quan hệ từ “tuy”

- Lỗi sử dụng giấu câu : “Tuy Nguyễn Du xuất thân từ tầng lớp quyền quý. Cha và anh trai ông đều làm quan to trong triều”. Sử dụng dấu phẩy thay dấu chấm bởi lẽ, vế câu sau là ý nghĩa bổ sung cho vế trước. Sau khi sửa : “Tuy Nguyễn Du xuất thân từ tầng lớp quyền quý, cha và anh trai ông đều làm quan to trong triều”

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 12 Cánh diều hay nhất, ngắn gọn khác:

Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 12 hay khác:


Giải bài tập lớp 12 Cánh diều khác