Soạn bài Kể một câu chuyện tưởng tượng (trang 35) - ngắn nhất Kết nối tri thức
Soạn bài Kể một câu chuyện tưởng tượng trang 35, 36 ngắn nhất mà vẫn đủ ý được biên soạn bám sát sách Ngữ văn lớp 9 Kết nối tri thức giúp học sinh soạn văn 9 dễ dàng hơn.
Đề bài (trang 35 sgk Ngữ văn 9 Tập 2): Câu chuyện tưởng tượng là câu chuyện do người kể hư cấu (có thể dựa vào những điều có thật rồi tưởng tượng thêm cho thú vị). Phần Nói và nghe của bài học này sẽ hướng dẫn các em cách kể một câu chuyện như vậy.
1. Trước khi nói
- Lựa chọn một câu chuyện tưởng tượng mà em muốn kể. Chuyện tưởng tượng không có sẵn trong sách vở hay trong thực tế mà do em nghĩ ra bằng trí tưởng tượng của mình.
- Em có thể tham khảo một số đề tài gợi ý sau:
+ Việc em sống ở thế giới tương lai trong thế kỉ tiếp theo.
+ Em gặp gỡ một nhân vật văn học.
+ Cuộc trò truyện của em với một sự vật (bàn ghế ở lớp học, chiếc máy tình, chiếc đồng hồ, cái cây trong sân trường,…).
+ Sáng tạo một kết thúc khác cho truyện ngắn đã đọc.
- Ghi chú ngắn gọn một số ý quan trọng không thể bỏ qua khi kể như: nhan đề của câu chuyện tưởng tượng em muốn kể, bối cảnh diễn ra câu chuyện, nhân vật trong truyện (trang phục, ngoại hình, lời nói, hành động,…), hệ thống sự kiện,…
2. Trình bày bài nói
- Kể lại câu chuyện tưởng tượng một cách diễn cảm.
- Nhấn mạnh những chi tiết tưởng tương về thười gian, không gian, nhân vật và sự kiện.
- Điều chỉnh giọng nói, sử dụng cử chỉ, điệu bộ và các phương tiện hỗ trợ một cách phù hợp để câu chuyện được kể thêm hấp dẫn, thuyết phục; lưu ý phân biệt rõ ngữ điệu của lời người kể với lời nhân vật
* Bài nói mẫu tham khảo:
Xin chào các bạn! Tôi tên là …… học sinh lớp ……. Hôm nay tôi sẽ kể cho các bạn nghe câu chuyện về cuộc gặp gỡ của tôi với ông Hai trong truyện ngắn Làng của nhà văn Kim Lân.
Mỗi nhân vật văn học đều ghi lại trong tôi nhiều ấn tượng khác nhau. Khi câu chuyện về họ khép lại, lòng tôi lại gợi mở ra nhiều suy nghĩ. Nhân vật ông Hai trong truyện ngắn “Làng” có lẽ là người gây cho tôi nhiều ám ảnh nhất. Nỗi ám ảnh ấy theo tôi cả vào giấc mơ.
Trong mơ, tôi thấy mình đang ở một ngôi làng nhỏ miền trung du, mấy chục ngôi nhà đứng cạnh nhau. Không điện đường, không khói bụi ồn ào, tất cả bình yên trong treo trông như làng quê nhiều năm về trước. Tôi mơ màng bước đi trên con đường đất nhỏ. Dưới gốc đa xù xì, người đứng người ngồi, trò chuyện râm ran. Xa xa có cánh đồng lúa rộng bao la, đàn cò bay lượn trắng cả một vùng…
Tôi lang thang hết đoạn đường dài, đến khi chân mỏi định tìm một nơi nghỉ tạm. Bất ngờ tôi nhìn thấy một ông cụ khoảng chừng sáu mươi tuổi, dáng người mảnh khảnh ngồi trong quán nước vừa hút thuốc lào vừa uống nước chè, miệng chóp chép ra điều đắc ý lắm. Càng nhìn, tôi càng thấy giống dáng vẻ ông Hai mà nhà văn Kim Lân miêu tả. Không lẽ tôi đi vào giấc mơ gặp ông Hai? Nghĩ vậy, tôi mạnh dạn bước tới chỗ quán nước, hỏi ông:
- Cháu chào ông ạ! Ông có phải ông Hai người làng chợ Dầu không ạ?
Nghe tôi nhắc tới làng chợ Dầu, ông liền ngẩng mặt nhìn tôi, hai mắt sáng rỡ:
- Đúng rồi cháu, ông là người làng chợ Dầu. Cháu là ai? Cũng là người làng tản cư lên ư? Sao ông lại chưa thấy cháu bao giờ?
Bấy giờ tôi mới vỡ lẽ, ông đúng là ông Hai thật. Nhưng nơi này không phải làng của ông mà là nơi tản cư. Tôi lễ phép đáp lại câu hỏi của ông:
- Dạ cháu từ nơi khác đến đây. Cháu có nghe nói đến làng chợ Dầu nên muốn hỏi ông vài điều ạ.
- Cháu ngồi xuống đây, uống miếng nước rồi ông cháu mình nói chuyện. - Nghe nhắc tới làng của mình, ông Hai phấn khởi ra mặt, ông rót cho tôi một chén nước rồi bảo tôi ngồi xuống.
Tôi không biết bắt đầu câu chuyện từ đâu, đành hỏi ông làng Chợ Dầu của ông cách đây bao xa, làng có giống như nơi này không. Ông như chỉ chờ có vậy, nói một hơi dài không nghỉ, ông khoe:
- Làng ông có phòng thông tin tuyên truyền sáng sủa rộng rãi nhất vùng, chòi phát thanh cao bằng ngọn tre, chiều chiều phát thanh cả làng đều nghe thấy. Làng ông nhà ngói san sát, sầm uất như tỉnh. Đường trong làng toàn lát đá xanh, trời mưa trời gió tha hồ đi khắp đầu làng cuối xóm, buồn không hề dính tới gót chân. Tháng năm ngày mười phơi rơm, phơi thóc thì tốt thượng hạng, không có lấy một hạt thóc đất. – Mắt ông sang lên, nói rành mạch không sai một chữ, giống như ông đã ghi nhớ hết, chỉ cần có ai hỏi là ông có thể nói ngay.
Dừng một lát, như nhớ ra điều gì đó, ông lại nói:
- Chết! Còn cái dinh cơ cụ thượng làng ông. Có lắm là của. Vườn hoa cây cảnh nom như động ấy. Có cái tượng đá ông Hoàng Thạch Công đánh rơi giày, bát tiên quá hải bằng người sứ. Cả cái cọc sắt cắm vào cái bầu rượu có đắp 4 con giơi quét vôi vàng mãi tít trên ngọn sinh phần là cột thu lôi, thu cả sấm sét vào. Khiếp lắm!
Ông mải mê khoe mãi, khoe hết mọi thứ trong làng ông. Nhân lúc ông dừng lại uống nước, tôi liền hỏi:
- Làng tốt như vậy, sao ông lại tản cư đến đây ạ?
Không hào hứng như trước đó, khuôn mặt ông như trầm hẳn xuống, ông không trả lời tôi ngay mà hướng ánh mắt ra xa, chậm rãi nói:
- Kháng chiến nổ ra, ông cũng không muốn xa làng, muốn ở lại cùng anh em bộ đội và dân quân kháng chiến bảo vệ làng. Nhưng sau cùng, ông vẫn phải mang theo gia đình đi tản cư. Ông nhớ làng, nhớ cả những ngày tháng cùng anh em đào đường đắp ụ, mệt nhưng mà vui lắm… Nhớ làng nên ngày nào ông cũng ra phòng thông tin để nghe tin tức kháng chiến. Ông vừa mới từ nơi đó ra đây ngồi thì gặp cháu.
Cảm nhận được nỗi nhớ nặng trĩu qua giọng nói của ông, tôi vừa thương vừa khâm phục tình yêu làng của ông. Để ông không quá đau lòng khi nhớ làng mà vẫn chưa thể trở về, tôi vội hỏi:
- Hẳn là có nhiều tin tức thắng trận từ làng lắm đúng không ạ?
- Có chứ cháu, tin quân ta giết địch, rồi tin thằng bé nhỏ tuổi dám bơi ra giữa hồ cắm cờ của ta. Nghe mà ruột gan ông cứ múa hết cả lên. – Nét mặt ông lại rạng rỡ hẳn lên. Có lẽ tình yêu làng tha thiết đã hun đúc lên tình yêu nước mãnh liệt trong ông.
Tôi thấy ông lại lặng người đi, không hiểu vì sao cũng không dám lên tiếng hỏi. Một lát sau đó, ông lại tiếp tục kể:
- Cách đây ít lâu, ông nghe tin dữ từ làng Chợ Dầu. Hôm ấy, ông gặp tốp người tản cư từ Gia Lâm, người ta nói cả làng Chợ Dầu Việt gian theo Tây. Cảm giác đó vẫn còn nguyên, cổ họng nghẹn đắng lại, da mặt tê rân rân. Ông lặng đi, tưởng như không thể thở được. Ông cố hỏi lại nhưng người ta vẫn khăng khăng đó là sự thật. Sau đó, người ta nói gì ông cũng không nghe rõ, cúi mặt mà đi về.
Ông Hai yêu làng như vậy, ngày nào cũng chờ mong tin tức về làng, đến khi nghe tin lại là tin như thế. Chắc hẳn khi ấy, ông đau đớn bàng hoàng lắm. Tôi chỉ nghĩ thầm trong lòng mà không dám ngắt lời ông. Dù là chuyện đã qua và không phải sự thật nhưng nỗi đau khi ấy nhớ lại vẫn làm ông nghẹn ngào:
- Khoảng thời gian đó rất khó khăn. Ông không tin người làng lại đổ đốn ra đến vậy. Nhưng không có lửa làm sao có khói? Nhìn lũ con ông lại càng đau đớn hơn, nếu là thật chẳng phải chúng là trẻ con làng Việt gian sao? Rồi ông lại hay tin người làng Chợ Dầu đi đến đâu là đuổi đến đó. Gia đình ông cũng là người làng Chợ Dầu, lại đang tản cư. Mụ chủ nhà hôm ấy cũng tới đuổi khéo. Ông bế tắc không biết làm thế nào cho phải…
- Ông có nghĩ sẽ quay về làng không ạ? – Tôi hỏi
Ông Hai lại nhấp thêm một ngụm chè:
- Suy nghĩ ấy có thoáng qua, nhưng làng thì yêu thật nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù. Thằng con út ông ấy vậy mà thông minh lắm, những ngày tin làng theo giặc đồn ra, xấu hổ nhục nhã ông nào dám đi đâu. Ở nhà, ông thủ thỉ nói chuyện với nó, thằng bé muốn về làng nhưng nó ủng hộ cụ Hồ. Tâm bố con ông là vậy, bên trên cụ Hồ, an hem soi xét cho bố con ông.
Đoạn, nét mặt ông vui tươi hẳn lên:
- Nhưng may mắn cháu ạ, mấy hôm sau, tin làng Chợ Dầu theo Tây được cải chính. Bọn Tây nó đốt nhà ông, ông chủ tịch làng ông lên tận nơi cải chính. Ông vui quá cháu ạ.
Tôi thấy nước mắt ông tràn qua kẽ mắt, thầm cảm động lòng yêu làng của ông. Dù ông nói phải thù vì làng theo Tây mất rồi, nhưng ông vẫn chưa từng thôi hy vọng tin tức kia là giả, làng của ông vẫn là làng kháng chiến. Tôi định hỏi tiếp thì nghe thấy tiếng loa phát thanh ở xa, ông Hai đứng dậy rồi chạy đi. Tôi gọi với theo thì chỉ nghe tiếng ông vọng lại:
- Chắc là có tin ta thắng trận, ông phải ra xem mới được…
Tôi choàng tỉnh. Nhìn bầu trời đầy sao bên ngoài cửa sổ tôi mới hay mình ngủ quên trên bàn học, quyển sách giáo khoa mở đúng truyện ngắn “ Làng”. Dù chỉ là một giấc mơ nhưng tôi vẫn cảm nhận được tình cảm yêu làng, yêu nước đáng quý của ông Hai. Ông chính là đại diện cho tầng lớp nông dân yêu nước, kháng chiến giành độc lập dân tộc, đáng trân trọng, ngợi ca.
3. Sau khi nói
Người nghe |
Người nói |
Trao đổi về bài kể chuyện với tinh thần xây dựng và thái độ tôn trọng. Có thể tập trung vào một số nội dung sau: - Diễn biến câu chuyện. - Những chi tiết tưởng tượng trong câu chuyện. - Ý nghĩa câu chuyện. - Sự phù hợp của các yếu tố phi ngôn ngữ (điệu bộ, cử chỉ, nét mặt,…) với nội dung câu chuyện. |
Lắng nghe, phản hồi những ý kiến của người nghe với thái độ tôn trọng và tinh thần cầu thị: - Tiếp thu những ý kiến góp ý mà em cho là xác đáng. - Trả lời các câu hỏi, giải thích thêm về những sự kiện cho tiết mà người nghe chưa rõ. - Tự rút kinh nghiệm để hoàn thiện nội dung câu chuyện và nâng cao kĩ năng kể chuyện. |
Xem thêm các bài Soạn văn lớp 9 Kết nối tri thức ngắn nhất, hay khác:
Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 9 hay khác:
- Soạn văn 9 Kết nối tri thức (hay nhất)
- Soạn văn 9 Kết nối tri thức (ngắn nhất)
- Giải lớp 9 Kết nối tri thức (các môn học)
- Giải lớp 9 Chân trời sáng tạo (các môn học)
- Giải lớp 9 Cánh diều (các môn học)
- Soạn văn 9 (hay nhất) - KNTT
- Soạn văn 9 (ngắn nhất) - KNTT
- Giải sgk Toán 9 - KNTT
- Giải Tiếng Anh 9 Global Success
- Giải sgk Tiếng Anh 9 Smart World
- Giải sgk Tiếng Anh 9 Friends plus
- Giải sgk Khoa học tự nhiên 9 - KNTT
- Giải sgk Lịch Sử 9 - KNTT
- Giải sgk Địa Lí 9 - KNTT
- Giải sgk Giáo dục công dân 9 - KNTT
- Giải sgk Tin học 9 - KNTT
- Giải sgk Công nghệ 9 - KNTT
- Giải sgk Hoạt động trải nghiệm 9 - KNTT
- Giải sgk Âm nhạc 9 - KNTT
- Giải sgk Mĩ thuật 9 - KNTT