Soạn bài Tri thức ngữ văn lớp 7 trang 32 Tập 1 - Ngắn nhất Chân trời sáng tạo

Soạn bài Tri thức ngữ văn lớp 7 trang 32 Tập 1 ngắn nhất mà vẫn đủ ý được biên soạn bám sát sách Ngữ văn lớp 7 Chân trời sáng tạo giúp học sinh soạn văn 7 dễ dàng hơn.

* Truyện ngụ ngôn

Truyện ngụ ngôn là những truyện kể ngắn gọn, hàm súc, bằng văn xuôi hoặc văn vần. Truyện thường đưa ra bài học về cách nhìn sự việc, cách ứng xử của con người trong cuộc sống.

Đề tài trong truyện ngụ ngôn: thường là những vấn đề đạo đức hay những cách ứng xử trong cuộc sống.

Nhân vật trong truyện ngụ ngôn có thể là loài vật, đồ vật, cây cối hoặc con người. Các nhân vật hầu như không có tên riêng, thường được người kể chuyện gọi bằng danh từ chung như: rùa, thỏ, sói, cừu, cây sậy, thầy nói, bác nông dân,... Từ suy nghĩ, hành động, lời nói của nhân vật ngụ ngôn, người nghe, người đọc có thể rút ra những bài học sâu sắc.

Sự kiện (hay sự việc) là yếu tố quan trọng góp phần làm nên câu chuyện. Trong truyện ngụ ngôn, một câu chuyện thường xoay quanh một sự kiện chính. Chẳng hạn, ở truyện Thỏ và rùa, sự kiện chính là cuộc chạy thi giữa hai nhân vật thỏ và rùa. 

Cốt truyện của truyện ngụ ngôn thường xoay quanh một sự kiện (một hành vị ứng xử, một quan niệm, một nhân thức phiến diện, sai lầm,...) nhằm đưa ra bài học hay lời khuyên nào đó.

Tình huống truyện là tình thế được tạo nên bởi một sự kiện đặc biệt; qua đó đặc điểm, tính cách của nhân vật và tư tưởng của nhà văn được thể hiện rõ nét.

Không gian trong truyện ngụ ngôn là khung cảnh, môi trường hoạt động của nhân vật ngụ ngôn, nơi xảy ra sự kiện, câu chuyện (một khu chợ, một giếng nước, một khu rừng,...)

Thời gian trong truyện ngụ ngôn là một thời điểm, khoảnh khắc nào đó mà sự việc, câu chuyện xảy ra, thường không xác định cụ thể.

* Tóm tắt văn bản và yêu cầu của việc tóm tắt văn bản

Văn bản có thể được tóm tắt bằng lời hoặc bằng sơ đồ, bằng đoạn văn hoàn chỉnh hay bằng một dàn ý. Nhưng dù theo cách nào thì văn bản tóm tắt phải ngắn gọn, cô đúc. Khi tóm tắt văn bẩn, ta phải lược bỏ các yếu tố phụ, ý phụ, giữ lại những yếu tố chính, ý chính của văn bản.

* Dấu chấm lửng

Dấu chấm lửng được kí hiệu bởi ba dấu chấm (...), còn gọi là dấu ba chấm, là một trong những loại dấu câu thường gặp trong văn viết.

Dấu chấm lửng có các công dụng:

+ Biểu đạt ý còn nhiều sự vật, hiện tượng tương tự chưa liệt kê hết khi kết hợp với dấu phẩy đứng trước nó.

+ Thể hiện chỗ lời nói bỏ dở hay ngập ngừng, ngắt quãng.

+ Làm giãn nhịp điệu câu văn, chuẩn bị cho sự xuất hiện của một từ ngữ biểu thị nội dung bất ngờ hay hài hước, châm biếm.

+ Biểu thị lời trích dẫn bị lược bớt.

+ Mô phỏng âm thanh kéo dài, ngắt quãng.

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 7 Chân trời sáng tạo ngắn nhất, hay khác:

Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 7 hay khác:


Giải bài tập lớp 7 Chân trời sáng tạo khác