Soạn bài Viết văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội trong tác phẩm nghệ thuật hoặc tác phẩm văn học - ngắn nhất Chân trời sáng tạo
Soạn bài Viết văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội trong tác phẩm nghệ thuật hoặc tác phẩm văn học trang 54, 55, 56 ngắn nhất mà vẫn đủ ý được biên soạn bám sát sách Ngữ văn lớp 11 Chân trời sáng tạo giúp học sinh soạn văn 11 dễ dàng hơn.
* Tri thức văn bản:
- Khái niệm:
Nghị luận về một vấn đề xã hội là kiểu bài dùng lí lẽ, bằng chứng để bàn luận và làm sáng tỏ về một vấn đề xã hội (một ý kiến, một tư tưởng đạo lí hay một hiện tượng xã hội), giúp người đọc nhận thức đúng về vấn đề và có thái độ, giải pháp phù hợp đối với vấn đề đó.
* Yêu cầu đối với kiểu văn bản:
- Có luận điểm rõ ràng, chặt chẽ, thể hiện quan điểm của người viết về vấn đề.
- Đưa ra hệ thống lí lẽ, bằng chứng thuyết phục, chính xác, tin cậy, thích hợp, đầy đủ, để làm sáng tỏ luận điểm.
- Nêu và phân tích, trao đổi về các ý kiến trái chiều.
- Bố cục bài viết gồm ba phần:
Mở bài |
Giới thiệu vấn đề xã hội cần bàn luận, thể hiện rõ quan điểm của người viết về vấn đề đó. |
Thân bài |
Trình bày hệ thống luận điểm, lí lẽ, bằng chứng để làm sáng tỏ cho quan điểm của người viết, phản biện các ý kiến trái chiều. |
Kết bài |
Khẳng định lại quan điểm của người viết về vấn đề, đưa ra những đề xuất giải pháp phù hợp. |
* Hướng dẫn phân tích kiểu văn bản:
* Văn bản 1: Bức tranh Đám cưới chuột và bài học về sự hòa nhập, gắn bó (Theo Hồng Minh)
Câu 1 (trang 54 sgk Ngữ Văn 11 Tập 2): Đặc điểm nội dung, nghệ thuật của tác phẩm liên quan đến vấn đề xã hội được tóm tắt trong luận điểm thứ nhất và luận điểm thứ hai (2a - 2b).
Trả lời:
- Về nội dung:
+ “sự tương phản mèo - chuột” phản ánh mặt trái ở làng quê xưa như chuyện “mãi lộ”, “làm luật”, “lệ làng” ... của tầng lớp thống trị trong xã hội nông nghiệp thôn quê ngày xưa.
+ Hình ảnh phản ánh tích cực mối quan hệ của mèo - chuột, dù mèo là kẻ thù “không đội trời chung” của chuột nhưng đã tán đồng ngày lễ lớn của đôi vợ chồng chuột trẻ; chuyện thù hận đã lắng xuống, nhạt đi, phần nào được “hóa giải”.
+ Đó còn là lời khuyên về sự hòa giải, hòa nhập để “chung sống hòa bình” trong cộng đồng.
- Về nghệ thuật:
+ “...tác giả đã tối ưu hóa khả năng thể hiện trên bề mặt hạn hẹp của tờ giấy bằng một khung cảnh sinh hoạt hoành tráng” .
=> Vấn đề xã hội được tóm tắt: “một cảnh tượng vừa là nghi lễ trang nghiêm vừa là hội hè náo nhiệt, tưng bừng”.
Câu 2 (trang 54 sgk Ngữ Văn 11 Tập 2): Vấn đề xã hội qua tranh Đám cưới chuột được nêu lên trong bài viết là vấn đề gì và được phân tích trên các khía cạnh nào?
Trả lời:
- Vấn đề xã hội được nêu lên trong bài viết: Thực trạng xã hội nông thôn Việt Nam thời phong kiến, phong tục cưới hỏi, không khí hội hè đình đám…
- Những vấn đề xã hội ấy được phân tích trên những khía cạnh: nghệ thuật hội họa dân gian, tinh hoa văn hóa dân gian và văn hóa.
Câu 3 (trang 54 sgk Ngữ Văn 11 Tập 2): Mối quan hệ giữa luận điểm thứ ba với luận điểm thứ nhất và luận điểm thứ hai.
Trả lời:
- Mối quan hệ giữa luận điểm thứ ba với luận điểm thứ nhất và luận điểm thứ hai là: mối quan hệ không thể tách rời, chúng song hành và bổ trợ lẫn nhau.
Câu 4 (trang 54 sgk Ngữ Văn 11 Tập 2): Với mỗi luận điểm, lí lẽ và bằng chứng có sự kết hợp như thế nào?
Trả lời:
- Sự kết hợp giữa luận điểm, lí lẽ và bằng chứng được thể hiện thông qua cách trình bày và lập luận của người đưa ra.
+ Với luận điểm 1: tác giả nêu lên vấn đề xã hội mà người viết quan tâm. Tác giả đã đưa ra những lí lẽ về việc “con người không bao giờ có thể sống riêng lẻ, đơn độc” và bằng chứng cụ thể trong đại dịch Covid 19, mọi người cùng hợp sức chiến thắng đại dịch.
+ Với luận điểm 2: “khát vọng về sự hòa nhập, chung sống hòa bình cũng gắn liền với mong muốn buông bỏ thù hận”. Tác giả đưa ra lý lẽ “cuộc đời đa sự, con người đa đoan, khó tránh khỏi những xung đột….” và bằng chứng thông qua câu nói của A-thơ Uy-li-am U-a-rơ.
+ Với luận điểm 3: Bản sắc văn hóa của cộng đồng như là một giải pháp hiệu quả. Tác giả với lí lẽ và bằng chứng trích dẫn từ giá trị nội dung, nghệ thuật đặc sắc của bức tranh Đám cưới chuột đã làm sáng tỏ luận điểm đưa ra.
Câu 5 (trang 54 sgk Ngữ Văn 11 Tập 2): Bạn rút ra được những điểm tương đồng, khác biệt nào trong cách viết về một vấn đề xã hội và một vấn đề xã hội trong tác phẩm nghệ thuật hoặc trong tác phẩm văn học?
Trả lời:
|
Kiểu bài viết về một vấn đề xã hội |
Kiểu bài viết về một vấn đề xã hội trong tác phẩm nghệ thuật hoặc trong tác phẩm văn học |
Điểm tương đồng |
- Tập trung vào việc phân tích, trình bày, đánh giá các vấn đề xã hội. - Sử dụng các lí lẽ, bằng chứng, thống kê, số liệu, điều tra để minh chứng cho quan điểm của tác giả. - Đều có thể sử dụng các kỹ thuật như ví dụ, trích dẫn, gián tiếp để truyền đạt thông điệp. |
|
Điểm khác biệt |
+ Vấn đề xã hội mang tính chất cá nhân, lựa chọn vấn đề theo bản thân mình muốn. + Tập trung vào khai thác, triển khai luận đề xung quanh các mặt đời sống. + Có tính chất khách quan, dành cho mọi người đọc và có thể dễ dàng tiếp cận |
+ Vấn đề xã hội xoay quanh thông điệp truyền tải một tác phẩm nghệ thuật hoặc tác phẩm văn học. + Có tính chất chuyên môn, đòi hỏi kiến thức về lĩnh vực đó và chỉ dành cho đối tượng đọc hẹp hơn. |
* Văn bản 2: Tính chất phi thường trong con người bình thường Thúy Kiều (Vũ Hạnh)
Câu 1 (trang 56 sgk Ngữ văn 11 Tập 2): Tác giả bài viết đã nêu và giải quyết vấn đề gì trong tác phẩm Truyện Kiều? Theo bạn, đó là một vấn đề văn học hay một vấn đề xã hội?
Trả lời:
- Tác giả bài viết đã nêu và giải quyết vấn đề: tính chất phi thường trong con người bình thường.
- Đây là một vấn đề xã hội: con người không ai đều như nhau, nhờ sự phát triển và hoàn thiện bản thân để trở thành một người thành công, phi thường…
Câu 2 (trang 56 sgk Ngữ văn 11 Tập 2): Với mỗi luận điểm, lí lẽ và bằng chứng có sự kết hợp với nhau như thế nào? Những ví dụ nào có thể giúp bạn làm rõ điều đó?
Trả lời:
- Với mỗi luận điểm, lí lẽ và bằng chứng có sự kết hợp tương trợ, bổ sung làm rõ nội dung lẫn nhau.
- Ví dụ:
• Luận điểm 1: Không ai sinh ra như một kẻ phi thường hoặc tầm thường mà cuộc sống bên ngoài phối hợp với những phản ứng bên trong của nội giới làm ta trở thành người phi thường hay tầm thường.
+ Lí lẽ: Con người bình thường chính là con người đông đảo, con người phổ biến, ai cũng giống ai. Nhưng nhờ những khó khăn, phức tạp của đời sống đã tôi luyện nên tính chất phi thường trong con người bình thường…
+ Bằng chứng: nội dung Truyện Kiều: Dù Kiều có trải qua biết bao thử thách, vùi dập, khốn đốn của cuộc sống dành cho mình nhưng nàng vẫn giữ được lẽ kinh nguyền, đó chính là kẻ phi thường.
→ Như vậy, tác giả muốn đưa những lí lẽ và bằng chứng để chứng minh quan điểm về những con người nhỏ bé, bình thường nhưng lại mang tính chất phi thường.
Câu 3 (trang 56 sgk Ngữ văn 11 Tập 2): Điểm giống nhau, khác nhau trong cách nêu lí lẽ và đưa bằng chứng khi nghị luận về một vấn đề xã hội trong bài viết về tranh Đám cưới chuột (tác phẩm hội hoạ) và về nhân vật Thuý Kiều trong Truyện Kiều (tác phẩm văn học).
Trả lời:
|
Nghị luận về một vấn đề xã hội trong bài viết về tranh Đám cưới chuột |
Nghị luận về một vấn đề xã hội về nhân vật Thúy Kiều trong Truyện Kiều |
Điểm giống nhau |
Những lí lẽ và bằng chứng đều được khai thác dựa vào nét đặc sắc từ nội dung của tác phẩm. |
|
Điểm khác nhau |
- Tác giả bài viết sử dụng những hình ảnh, màu sắc, kí hiệu để truyền tải thông điệp về vấn đề xã hội - Đồng thời, tác giả sử dụng những hình ảnh biểu tượng và trừu tượng để đưa ra các lí lẽ và bằng chứng. - Các bằng chứng thường được đưa ra qua các hình ảnh và ký hiệu trực quan |
- Tác giả bài viết sử dụng văn phong và diễn đạt ngôn ngữ để truyền tải thông điệp về vấn đề xã hội. - Tác giả sử dụng các tình tiết và hành động của nhân vật để đưa ra các lí lẽ và bằng chứng. - Các bằng chứng thường được đưa ra qua các tình tiết và lời thoại của nhân vật. |
* Thực hiện viết theo quy trình
Đề bài (trang 56 sgk Ngữ Văn 11 Tập 2): Hãy viết bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội gợi ra từ một tác phẩm văn học hoặc tác phẩm nghệ thuật mà bạn quan tâm.
Bài viết tham khảo:
Trong xã hội suy tàn, người ta thường thấy xuất hiện những kiểu người kì quái, lạ lùng, không chỉ gây tò mò mà có khi làm vẩn đục không khí cuộc sống, đem lại tai họa cho những người xung quanh. Bê-li-cốp trong tác phẩm Người trong bao là một kiểu người kì quái như thế. Viết truyện ngắn này, nhà văn đã đặt ra nhiều vấn đề nhức nhối trong xã hội xưa và nay khiến chúng ta phải suy nghĩ.
Đọc truyện, chúng ta thấy thầy giáo Bê-li-cốp vừa là sản phẩm vừa là nạn nhân, một nạn nhân bi thảm của cái xã hội ngột ngạt của chế độ chuyên chế Nga Hoàng thời bấy giờ. Chân dung của Bê-li-cốp, là bức chân dung dị thường. Con người này lúc nào cũng vậy, luôn đi giày cao su, cầm ô, mặc áo bành tô ấm cốt bông, giấu mặt sau chiếc cổ áo bành tô bẻ đứng lên, đeo kính râm, lỗ tai nhét bông, luôn kéo mui khi ngồi xe ngựa,đồ đạc lúc nào cũng cất kĩ trong bao. Đã thế khi ngủ thì hắn kéo chăn trùm đầu kín mít… thời tiết nào hắn cũng ăn mặc như vậy. Cái bộ dạng này dường như ngay lập tức khiến độc giả cảm thấy hài hước bởi sự phi lí quá đáng. Dường như cả bộ mặt của hắn “cũng để ở trong bao”. Cả ý nghĩ của mình, Bê-li-cốp cũng cố giấu vào bao. Hắn không nói những điều mình nghĩ, hắn nói theo thông tư, chỉ thị, những lời nói rao giảng, giáo điều. Sự khô khan cứng nhắc của Bê-li-cốp được tái hiện trong từng lời kể tỉ mỉ của Bu-rơ-kin như một thước phim quay chậm chạp. Để trốn tránh thực tại, Bê-li-cốp lúc nào cũng ngợi ca, tôn sùng quá khứ, muốn trở về những cái không có thật. Hắn chỉ biết đến bản thân, một lối sống ích kỉ; không chỉ có vậy, hắn áp đặt mọi người, mọi chuyện xung quanh mình theo suy nghĩ cực đoan.
Có thể khái quát con người và tính cách cửa Bê-li-cốp bằng những hình ảnh, từ ngữ như hèn nhát, cô độc, máy móc, giáo điều, thu mình trong “bao”, trong vỏ ốc và cảm thấy yên tâm, mãn nguyện về lối sống đó. Anh chị em giáo viên trong trường nơi y làm việc, dân cư trong thành phố nơi y sống, tất cả mọi người đều sợ y, ghét y, tránh xa y, ghê tởm y. Khi Bê li cốp chết, mọi người thấy nhẹ nhàng, thoải mái, nhưng một tuần sau người ta thấy xuất hiện nhiều người như hắn. Cuộc sống chẳng tốt đẹp gì hơn trước. Rõ ràng Bê-li-cốp không phải là một con người cụ thể, một trường hợp duy nhất mà đã trở thành nhân vật điển hình trong xã hội. Lối sống, kiểu người Bê-li-cốp là một lối sống mang tính phổ biến trong xã hội. Lối sống ấy đã đầu độc không khí trong sạch, lành mạnh của đạo đức, văn hoá nước Nga đương thời.
Kết thúc truyện, tác giả mượn lời bác sĩ I-van-nứt để bày tỏ thái độ, quan điểm: “không thể sống mãi như thế được”. Qua truyện ngắn này, Sê-khốp phê phán mạnh mẽ kiểu “người trong bao”, “lối sống trong bao” cùng tác hại của nó đối với hiện tại và tương lai nước Nga; đồng thời cảnh báo và kêu gọi mọi người cần phải thay đổi cách sống, không thể sống tầm thường, hèn nhát, ích kỉ, vô vị và hủ lậu mãi như thế.
Đó là bài học về cách sống, còn nguyên giá trị đến ngày hôm nay với một số bộ phận thanh niên nước ta. Bê-li-cốp đã vĩnh viễn nằm trong bao cách đây hơn thế kỉ, nhưng kiểu “người trong bao” và lối sống “trong bao” cùng những biến thể của nó vẫn tồn tại đây đó trong xã hội hiện đại. Trong xã hội hiện nay vẫn còn nhiều biểu hiện giống Bê li cốp: Còn một bộ phận thanh niên sống thu mình, hèn nhát, ích kỉ. Họ chỉ biết đến mình, lo vun vén cho bản thân mình, không quan tâm chia sẻ, giúp đỡ những người xung quanh. Đôi khi, họ sống cô độc, không tham gia vào các hoạt động tập thể, không hi sinh vì lợi ích chung. Mặt khác, xã hội ngày nay thường sản sinh ra những con người vô cảm, lạnh lùng, làm việc như một cái máy, không hề quan tâm đến suy nghĩ của những người xung quanh. Có nhiều bạn trẻ sống lạc hậu, không hòa nhập với cộng đồng…Chúng ta ít nhiều đều có phần giống với Bê Li cốp. Tất cả những biểu hiện của lối sống Bê li cốp đều xuất hiện phổ biến quanh ta, trong bạn, trong tôi, và trong tất cả mọi người, .
Tác hại của lối sống ấy trong xã hội ngày nay là gì? Chắc không cần nói nhiều mọi người cũng có thể nhận rõ: nó ảnh hưởng sâu săc, nặng nề tới những người xung quanh và đối với toàn xã hội.
Vậy phải làm gì để loại bỏ lối sống ấy ra khỏi cộng đồng? Rõ ràng vấn đề không phải là chống lại, tiêu diệt những “người trong bao” mà là phải thay đổi, xoá bỏ môi trường đã sản sinh ra những “người trong bao” ấy. Chừng nào cái chế độ tàn bạo, thối nát, bất công còn tồn tại thì những sản phẩm và cũng là nạn nhân của nó vẫn không thể mất đi. Trong xã hội ngày nay, muốn xóa bỏ lối sống Bê li cốp thì mỗi chúng ta trước hết phải xây dựng cho mình lối sống lành mạnh, dám thử sức, dám đấu tranh, dám tiếp thu cái mới,gần gũi, giúp đỡ những kẻ sống hèn nhát. Đồng thời chúng ta cần lên án, bài trừ lối sống đó, hãy đừng thờ ơ, vô cảm, và thụ động, thu mình như người trong bao để rồi cuộc đời bị bóp nghẹt trong cái bao của chính mình.
Đọc truyện Người trong bao, chúng ta cần nhận thức đúng đắn về tác hại của lối sống Bê-li-cốp để xây dựng cho mình một lối sống lành mạnh, nhân ái, hòa đồng. Là học sinh, trước hết mỗi chúng ta cần rèn luyện cho mình lối sống đoàn kết, gắn bó với tập thể lớp, tích cực tham gia các hoạt động chung để giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, kết bạn bốn phương. Đồng thời chúng ta cũng nên lắng nghe những ý kiến góp ý của tập thể để tự hoàn thiện mình.
Xem thêm các bài Soạn văn lớp 11 Chân trời sáng tạo ngắn nhất, hay khác:
Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 11 hay khác:
- Soạn văn 11 Chân trời sáng tạo (hay nhất)
- Soạn văn 11 Chân trời sáng tạo (ngắn nhất)
- Soạn Chuyên đề Văn 11 Chân trời sáng tạo
- Giải lớp 11 Chân trời sáng tạo (các môn học)
- Giải lớp 11 Kết nối tri thức (các môn học)
- Giải lớp 11 Cánh diều (các môn học)
- Soạn văn 11 (hay nhất) - CTST
- Soạn văn 11 (ngắn nhất) - CTST
- Giải sgk Toán 11 - CTST
- Giải Tiếng Anh 11 Global Success
- Giải sgk Tiếng Anh 11 Smart World
- Giải sgk Tiếng Anh 11 Friends Global
- Giải sgk Vật Lí 11 - CTST
- Giải sgk Hóa học 11 - CTST
- Giải sgk Sinh học 11 - CTST
- Giải sgk Lịch Sử 11 - CTST
- Giải sgk Địa Lí 11 - CTST
- Giải sgk Giáo dục KTPL 11 - CTST
- Giải sgk Hoạt động trải nghiệm 11 - CTST
- Giải sgk Âm nhạc 11 - CTST