Soạn bài Viết văn bản nghị luận về một tác phẩm văn học (Bài thơ) hoặc tác phẩm nghệ thuật (Bức tranh, pho tượng) - ngắn nhất Chân trời sáng tạo
Soạn bài Viết văn bản nghị luận về một tác phẩm văn học (Bài thơ) hoặc tác phẩm nghệ thuật (Bức tranh, pho tượng) trang 69, 70, 71, 72, 73 ngắn nhất mà vẫn đủ ý được biên soạn bám sát sách Ngữ văn lớp 11 Chân trời sáng tạo giúp học sinh soạn văn 11 dễ dàng hơn.
* Tri thức về kiểu bài:
- Khái niệm:
Nghị luận về một tác phẩm văn học (bài thơ) hoặc một tác phẩm nghệ thuật (bức tranh, pho tượng) là kiểu bài nghị luận dùng lí lẽ, bằng chứng để làm rõ giá trị nội dung và một số nét đặc sắc về nghệ thuật của một bài thơ hoặc một bức tranh, pho tượng.
- Yêu cầu đối với kiểu bài:
• Về nội dung:
+ Nêu được một số nét đặc sắc về nội dung của tác phẩm (từ ngữ, hình ảnh, chủ đề tư tưởng, cảm hứng, thông điệp...) và nghệ thuật của tác phẩm (từ ngữ, hình ảnh, bố cục, thể thơ, vần, nhịp, các biện pháp nghệ thuật trong bài thơ; chất liệu, bố cục, màu sắc, chi tiết nghệ thuật... của bức tranh/ pho tượng).
+ Có những lí lẽ xác đáng, hợp lí dựa trên các bằng chứng tiêu biểu từ tác phẩm.
• Về hình thức, đảm bảo các yêu cầu của kiểu bài nghị luận: lập luận chặt chẽ; kết hợp các thao tác nghị luận; diễn đạt mạch lạc; sử dụng các phương tiện liên kết hợp lí để giúp người đọc nhận ra mạch lập luận.
• Bố cục đảm bảo ba phần:
Mở bài |
Giới thiệu vấn đề nghị luận (tên tác phẩm, tác giả, khái quát nội dung, ý nghĩa của tác phẩm hoặc nêu định hướng của bài viết). |
Thân bài |
Lần lượt trình bày các luận điểm về những nét đặc sắc về nội dung và hình thức nghệ thuật; đưa ra lí lẽ và bằng chứng đa dạng, thuyết phục để làm sáng tỏ luận điểm; các luận điểm, lí lẽ, bằng chứng được sắp xếp theo trình tự hợp lí. |
Kết bài |
Khẳng định giá trị của tác phẩm hoặc nếu ý nghĩa của tác phẩm đối với bản thân/ người đọc. |
* Hướng dẫn phân tích tác phẩm:
* Văn bản 1: Con chào mào, một thông điệp đa nghĩa (Theo Đỗ Lai Thúy)
Câu 1 (trang 70 sgk Ngữ Văn 11 Tập 2): Cách mở bài của văn bản trên có gì đặc sắc?
Trả lời:
Cách mở bài đã dẫn dắt từ việc hủy hoại môi trường sang hình ảnh chim chào mào.
Câu 2 (trang 70 sgk Ngữ Văn 11 Tập 2): Các luận điểm trong văn bản bàn về vấn đề gì? Những câu nào là câu chủ đề của mỗi luận điểm?
Trả lời:
- Có hai luận điểm trong văn bản:
+ Luận điểm 1 bàn về nét đặc sắc của nội dung.
+ Luận điểm 2 bàn vẽ nét đặc sắc của nghệ thuật.
- Câu chủ đề của mỗi luận điểm:
+ Luận điểm 1: “Về nội dung, bài thơ gợi ra những thông điệp đa nghĩa.”
+ Luận điểm 2: “ Về hình thức nghệ thuật, bài thơ có nhiều nét đặc sắc”.
Câu 3 (trang 70 sgk Ngữ Văn 11 Tập 2): Tác giả đã sử dụng những lí lẽ, bằng chứng nào để làm sáng tỏ luận điểm?
Trả lời:
- Luận điểm 1: có 2 lí lẽ
+ Câu chuyện về mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên;
+ Giúp người đọc phân biệt được cái đẹp và cái có ích.
- Luận điểm 2: có 2 lí lẽ
+ Hình ảnh tượng trưng, giàu ý nghĩa;
+ Ngôn ngữ thơ giản dị, gần gũi, có sức gợi cảm, kết hợp tự sự, miêu tả và biểu cảm.
- Các bằng chứng được lấy từ bài thơ: khung nắng, khung gió, nhành cây xanh; con chào mào đầm trắng mũ đỏ; tôi ôm khung nắng, khung gió…
* Văn bản 2: Thiếu nữ chơi đàn nguyệt - tranh lụa của Mai Trung Thứ
Câu 1 (trang 71 sgk Ngữ Văn 11 Tập 2): Nội dung luận điểm thứ nhất và luận điểm thứ hai là gì?
Trả lời:
- Luận điểm 1: Nội dung bức tranh
- Luận điểm 2: Kĩ thuật vẽ tranh
Câu 2 (trang 71 sgk Ngữ Văn 11 Tập 2): Tác giả đã dùng những lí lẽ, bằng chứng nào để làm sáng tỏ luận điểm?
Trả lời:
- Luận điểm 1: Lí lẽ, bằng chứng là trọng tâm bức tranh, sự hoà quyện đầy uyển chuyển và trữ tình giữa hình ảnh và âm thanh, mời gọi người xem trải nghiệm khoảnh khắc được lưu lại trong bức tranh.
- Luận điểm 2: Lí lẽ, bằng chứng là bố cục bức tranh, hướng nhìn của cô gái và phông nền bức tranh.
Câu 3 (trang 71 sgk Ngữ Văn 11 Tập 2): Cách kết luận của bài viết này có điểm gì khác với cách kết luận của bài viết “Con chào mào”, một thông điệp đa nghĩa?
Trả lời:
- Cách kết luận của bài viết “Con chào mào”, một thông điệp đa nghĩa là tóm tắt nội dung nghệ thuật của bài thơ.
- Cách kết luận của "Thiếu nữ chơi đàn nguyệt” – tranh lụa của Mai Trung Thứ khẳng định giá trị cũng như vai trò của bức tranh trong việc mở ra một chương mới trong lịch sử nghệ thuật Việt Nam.
* Hướng dẫn quy trình viết
Đề bài (trang 71 sgk Ngữ Văn 11 Tập 2): Hãy viết bài văn nghị luận về một bài thơ hoặc một bức tranh/ pho tượng mà bạn yêu thích.
Bước 1: Chuẩn bị viết
- Xác định để tài
• Tìm bài thơ hay tên bức tranh/ pho tượng mà bạn yêu thích hoặc có ấn tượng mạnh mẽ.
• Liệt kê một vài lí do khiến bạn thích hoặc có ấn tượng về tác phẩm đó.
Xác định mục đích viết, đối tượng người đọc
Để bài viết đạt được hiệu quả giao tiếp, bạn hãy tự hỏi: Tôi viết bài này nhằm mục đích gì? Người đọc bài này có thể là những ai? Họ mong chờ điều gì từ bài viết của tôi?
Thu thập tư liệu
• Để có ý tưởng viết bài nghị luận về một bài thơ, bạn hãy:
– Thu thập thông tin về tác giả, thời đại, chủ đề và cảm hứng sáng tác.
– Tìm hiểu thể thơ, bố cục, cấu tứ, từ ngữ, hình ảnh, cách gieo vần, ngắt nhịp, các biện pháp tu từ giọng điệu.... và hiệu quả của các yếu tố này đối với việc thể hiện nội dung bài thơ.
– Ghi chép những suy nghĩ của bản thân về tác phẩm.
– Tìm đọc các bài viết về bài thơ (nếu có), tham khảo các ý kiến nhận xét, đánh giá của người viết về tác phẩm, ghi chép những ý kiến sâu sắc, những ý kiến trái chiều về tác phẩm.
• Để có ý tưởng viết bài nghị luận về một bức tranh/ pho tượng bạn hãy:
– Thu thập thông tin về tác giả, thời đại, chủ đề và cảm hứng sáng tác; xác định thể loại (tranh chân dung lịch sử/ tĩnh vật/ phong cảnh/...; tượng đài/ tượng tròn).
- Quan sát kĩ bức tranh/ pho tượng trên những phương diện như: kích thước (khổ tranh, kích cỡ tượng); chất liệu tranh (sơn dầu hay sơn mài, màu nước,...)/ chất liệu tượng (cẩm thạch, đồng gỗ, thạch cao,...); hình ảnh con người/ sự vật (được thể hiện theo bút pháp tả thực hay trừu tượng); màu sắc (sáng hay tối, nóng hay lạnh, rực rỡ hay êm dịu); đường nét và hình khối (thô ráp hay mượt mà, có ranh giới rõ ràng hay mờ nhoè); bố cục; không gian được thể hiện (rộng lớn hay nhỏ hẹp, sâu hay nông, khoáng đạt, tự do hay chật chội, ngột ngạt,...).
– Tác động của các thành tố đó đối với việc thể hiện nội dung bức tranh/ pho tượng. – Tìm đọc các bài viết về bức tranh pho tượng (nếu có), tham khảo các ý kiến nhận xét, đánh giá của người viết về tác phẩm, ghi chép những ý kiến sâu sắc, những ý kiến trái chiều về tác phẩm.
• Xác định các yếu tố của bài thơ, bức tranh/ pho tượng đã kết hợp với nhau như thế nào để tạo ra một tổng thể toàn vẹn và tổng thể đó có tác động như thế nào đối với bạn.
Lưu ý: Khi ghi chép thông tin về bài thơ/ bức tranh/ pho tượng, bạn cần ghi đầy đủ nguồn tài liệu: tên tác giả, tên bài viết, tên sách/ tạp chí/ trang web, năm công bố bài viết. Nếu thông tin được tìm trên trang web thì cần ghi rõ thời điểm bạn truy cập trang web đó.
Bước 2: Tìm ý, lập dàn ý
Tìm ý
PHIẾU TÌM Ý Nghị luận về một bài thơ Tên bài thơ: ................................................................Thể loại: ................................. Tên tác giả: ..............................................................................................................
|
PHIẾU TÌM Ý Nghị luận về một bức tranh/ pho tượng Tên bức tranh/ pho tượng: ....................................Chất liệu: ................................. Tên tác giả: .........................................................Thể loại: .....................................
|
Lưu ý: Bạn không cần nêu tất cả các yếu tố về nội dung và hình thức của tác phẩm mà chỉ cần nêu một số nét mà bạn cho là đặc sắc nhất để bàn luận.
Lập dàn ý
Sắp xếp các ý đã tìm thành một dàn ý.
• Giới thiệu tên tác phẩm, tác giả, khái quát nội dung ý nghĩa của tác phẩm.
• Lần lượt nêu từng luận điểm (ít nhất là hai luận điểm).
• Luận điểm thứ nhất: nêu và nhận xét về nội dung tác phẩm.
• Luận điểm thứ hai: nêu và nhận xét một số nét đặc sắc về nghệ thuật của tác phẩm.
• Mỗi luận điểm cần được làm sáng tỏ bằng lí lẽ và bằng chứng.
Lưu ý: Có thể hoán đổi vị trí của luận điểm thứ nhất và thứ hai.
• Khẳng định giá trị của tác phẩm hoặc nêu ý nghĩa của tác phẩm đối với bản thân/ người đọc.
Bước 3: Viết bài
Từ dàn ý đã lập, bạn hãy viết bài văn theo một số gợi ý:
• Nêu rõ luận điểm trong câu chủ đề.
• Sắp xếp các ý theo một trình tự hợp lí.
Ví dụ: Nếu những nét đặc sắc về nghệ thuật được xếp là luận điểm thứ nhất thì bạn cần làm rõ những nét đặc sắc đó đã góp phần làm rõ nội dung tác phẩm như thế nào (luận điểm thứ hai).
• Có thể trích dẫn một số ý kiến đánh giá về tác phẩm của các nhà phê bình văn học/nghệ thuật để tăng sức thuyết phục cho lí lẽ và bằng chứng.
Lưu ý: Cách triển khai luận điểm khi nghị luận về một bài thơ và nghị luận về một bức tranh/ pho tượng có sự khác nhau (xem lại "Con chào mào”, một thông điệp đa nghĩa và "Thiếu nữ chơi đàn nguyệt” – tranh lựa của Mai Trung Thứ) để thấy rõ sự khác biệt này.
Bài viết tham khảo:
Trong văn chương, tình bạn được xem là chủ đề gợi nhiều cảm hứng đối với các thi nhân. Ta hơn một lần xúc động trước tình bạn tri kỉ giữa Bá Nha, Tử Kì cùng nhau hòa hợp trong tiếng nhạc, tình cảm gắn bó thủy chung giữa Lí Bạch và Mạnh Hạo Nhiên trong cảnh đưa tiễn đầy nước mắt ở lầu Hoàng Hạc. Văn học trung đại Việt Nam cũng có những mối tình tri âm như thế, trong đó phải kể đến tình bạn giữa Nguyễn Khuyến và Dương Khuê. “Bạn đến chơi nhà” của Nguyễn Khuyến là bài thơ đặc sắc đầy hóm hỉnh nhưng chứa đựng tình bạn đậm đà, thắm thiết.
Nguyễn Khuyến quê ở Hà Nam, được mệnh danh “Tam nguyên yên đổ” và là nhà thơ lớn của dân tộc Việt Nam. Bài thơ “bạn đến chơi nhà” được sáng tác sau khi Nguyễn Khuyến về quê ở ẩn ca ngợi tình bạn đậm đà, trong sáng, chân thành vượt lên trên mọi thứ vật chất tầm thường của thi nhân với người bạn của mình. Mở đầu bài thơ là lời reo vui chào mời đầy phấn khởi, hồ hởi của tác giả khi bạn đến thăm nhà: “Đã bấy lâu nay, bác tới nhà”
Trạng ngữ chỉ thời gian “đã bấy lâu nay” để nói về khoảng thời gian dài nhà thơ không được gặp lại bạn, nó như một tiếng reo vui để khỏa lấp nỗi nhớ nhung sau bao lâu xa cách. Đại từ xưng hô “bác” giản dị tự nhiên thể hiện thái độ thân mật, gần gũi, niềm nở của nhà thơ đối với bạn của mình. Người tri kỉ được gặp lại có ai không vui mừng khôn xiết, chỉ một câu chào tự nhiên thôi cũng đủ cho thấy niềm sung sướng , hạnh phúc vô hạn của Nguyễn Khuyến khi được bạn đến thăm.
Sau lời chào mời thân thiết ấy, ngỡ rằng sẽ là mâm cao cỗ đầy, không ít nhất cũng sẽ là vài ba món thịnh soạn để đón khách quý nhưng thực tế lại không có gì. Chủ nhà bỗng chuyển sang giọng lúng túng khi nói về gia cảnh mình:
“Đã bấy lâu nay, bác tới nhà
Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa.
Ao sâu nước cả, khôn chài cá,
Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà.
Cải chửa ra cây, cà mới nụ,
Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa.
Đầu trò tiếp khách, trầu không có,
Bác đến chơi đây ta với ta!”
Với cách nói đầy hóm hỉnh, Nguyễn Khuyến đã cường điệu hóa những cái không có: Ông cũng muốn có một mâm cơm thịnh soạn để tiếp đón bạn nhưng chẳng may trẻ không có nhà, không có ai để sai bảo mà chợ thì ở xa ông không thể tự đến đó. Lúc này, nhà chủ lại bắt đầu nghĩ đến những món ăn cây nhà lá vườn sẵn có để thiết đãi bạn, nhưng trớ trêu thay nhà có cá nhưng ao sâu nước lớn không thể câu được, nhà có gà nhưng vườn rộng rào thưa không thể đuổi bắt, có cải, có cà, có bầu, có mướp nhưng tất cả đều còn mới mọc.
Nhà thơ rất quý mến bạn, muốn tiếp đón bạn chu đáo, thịnh soạn nhưng hoàn cảnh éo le của thực tại không cho phép ông làm điều đó. Đến cả miếng trầu, nét đẹp văn hóa của người Việt để khởi đầu cho mọi câu chuyện mà nhà chủ cũng không có nốt, ý thơ mở rộng như khẳng định sự tuyệt đối cái không có.
Qua cách nói dí dỏm của nhà thơ, có vẻ như gia đình ông có rất nhiều thứ nhưng thực chất lại chẳng có gì. Cách nói ấy vừa khéo léo trình bày hoàn cảnh của mình để bạn có thể hiểu và cảm thông, cũng vừa là cách để nhà thơ thi vị hóa cái nghèo, cái khó của mình, ông bằng lòng với cuộc sống ấy, tuy khổ cực nhưng thanh thản, an nhiên.
Ông luôn yêu đời và trân trọng cuộc sống ấy. Với nhịp thơ 4/3 tạo âm hưởng nhịp nhàng, khoan thai cùng phép liệt kê, đối lập, các tính từ, từ phủ định đoạn thơ đã cho thấy cuộc sống nghèo mà sang của một bậc ẩn sĩ, đồng thời cho thấy sự vui tươi, hóm hỉnh của một cuộc thiết đãi bạn hiền thiếu thốn vật chất nhưng chan chứa tình cảm chân thành, thắm thiết. Qua đoạn thơ, bức tranh làng quê Việt Nam hiện lên thật đẹp, thật thanh bình, giản dị, gần gũi.
Đến câu thơ cuối, cảm xúc như lắng lại, mọi thứ vật chất lùi về chỉ còn tình bạn tri kỉ chân thành sâu sắc lên ngôi: “Bác đến chơi đây ta với ta”. Một lần nữa từ “bác” lại xuất hiện thể hiện niềm trân trọng, quý mến của tác giả đối với vị khách đặc biệt của mình.
Bác từ phương xa tới đây, còn gì quý hơn, bác đến với tôi bằng tấm chân tình, bằng lòng tri âm chứ đâu phải vì vật chất. Chính vì thế tình bạn giữa nhà thơ và bạn hiền càng trở nên cao đẹp và thiêng liêng, tình bạn vượt lên trên mọi thứ vật chất tầm thường. Chữ “ta” được nhắc lại hai lần để nói về tôi, về bác, về hai chúng ta. Hai người khác nhau nhưng có trái tim và tâm hồn cùng đồng điệu, hòa hợp như không còn khoảng cách, hai ta mà là một. Câu thơ như một tiếng cười xòa hồn hậu để khẳng định tình bạn trong sáng, đậm đà của hai người tri kỉ.
Trong bài thơ “Bạn đến chơi nhà” bằng việc sáng tạo tình huống bất ngờ, ngôn ngữ giản dị, tự nhiên, giọng thơ hóm hỉnh nhà thơ đã cho người đọc cảm nhận được về một tình bạn đẹp đáng quý, đáng trọng trong thi ca Việt Nam. Tình bạn như thế cho đến thời đại ngày nay vẫn là một tấm gương sáng, một bài học quý để cho chúng ta noi theo.
Bước 4: Xem lại và chỉnh sửa
• Sau khi viết xong hãy kiểm tra lại bài viết của mình theo mẫu bảng kiểm ở Bài 3. Khát khao đoàn tụ (Ngữ văn 11, tập một), lưu ý đến một số khác biệt về đặc điểm của kiểu bài.
• Sau khi chỉnh sửa những điểm chưa đạt, hãy chia sẻ bài viết của mình với các bạn trong lớp.
Xem thêm các bài Soạn văn lớp 11 Chân trời sáng tạo ngắn nhất, hay khác:
Giới thiệu về một bài thơ hoặc một bức tranh/ pho tượng theo lựa chọn cá nhân
Nghe và phản hồi về bài giới thiệu một tác phẩm văn học hoặc tác phẩm nghệ thuật
Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 11 hay khác:
- Soạn văn 11 Chân trời sáng tạo (hay nhất)
- Soạn văn 11 Chân trời sáng tạo (ngắn nhất)
- Soạn Chuyên đề Văn 11 Chân trời sáng tạo
- Giải lớp 11 Chân trời sáng tạo (các môn học)
- Giải lớp 11 Kết nối tri thức (các môn học)
- Giải lớp 11 Cánh diều (các môn học)
- Soạn văn 11 (hay nhất) - CTST
- Soạn văn 11 (ngắn nhất) - CTST
- Giải sgk Toán 11 - CTST
- Giải Tiếng Anh 11 Global Success
- Giải sgk Tiếng Anh 11 Smart World
- Giải sgk Tiếng Anh 11 Friends Global
- Giải sgk Vật Lí 11 - CTST
- Giải sgk Hóa học 11 - CTST
- Giải sgk Sinh học 11 - CTST
- Giải sgk Lịch Sử 11 - CTST
- Giải sgk Địa Lí 11 - CTST
- Giải sgk Giáo dục KTPL 11 - CTST
- Giải sgk Hoạt động trải nghiệm 11 - CTST
- Giải sgk Âm nhạc 11 - CTST