Soạn bài (Nói và nghe trang 141) Trình bày ý kiến đánh giá, bình luận về một hiện tượng đời sống - ngắn nhất Cánh diều
Soạn bài Nói và nghe: Trình bày ý kiến đánh giá, bình luận về một hiện tượng đời sống trang 141 ngắn nhất mà vẫn đủ ý được biên soạn bám sát sách Ngữ văn lớp 11 Cánh diều giúp học sinh soạn văn 11 dễ dàng hơn.
1. Định hướng
a) Trình bày ý kiến đánh giá và bình luận về một hiện tượng đời sống là đưa ra các quan điểm, nhận xét, trao đổi về một hiện tượng nào đó trong đời sống, có liên quan đến nhiều người.
b) Để trình bảy ý kiến một cách thuyết phục và trao đổi có hiệu quả, các em cần lưu ý:
- Xác định đúng vấn đề cần đánh giá, bình luận (tỉnh thời sự, ý nghĩa đối với nhóm người, giới hoặc cộng đồng....).
- Nội dung trình bày cần phù hợp với đối tượng người nghe.
- Người trình bảy cần có thái độ tôn trọng người nghe.
- Ngôn ngữ, giọng điệu phải phù hợp với đối tượng người nghe và nội dung trình bày.
- Cần tập trung vào nội dung của cuộc thảo luận, lắng nghe ý kiến, nhận xét, giọng điệu riêng của những người tham gia, chú ý quan sát thái độ, điệu bộ, cử chỉ của người nói để hiểu đúng và đầy đủ suy nghĩ, quan điểm của họ, từ đó, có những phản hồi, trao đổi phù hợp.
2. Thực hành
Bài tập (trang 141 sgk Ngữ Văn 11 Tập 2 – Cánh diều): Hãy trình bày ý kiến của em về hiện tượng dùng tiếng nước ngoài trong giao tiếp hằng ngày của giới trẻ Việt Nam hiện nay.
a) Chuẩn bị
- Tìm ý và lập dàn ý cho bài thuyết trình:
+ Tham khảo phần Viết, bổ sung, điều chỉnh nội dung cho phủ hợp với yêu cầu bài nói.
+ Chỉ ra những mong muốn, băn khoăn, thắc mắc muốn được trình bày, trao đổi.
- Chuẩn bị các phương tiện cần thiết để bài nói trở nên sinh động và hấp dẫn hơn.
b) Nói và nghe
Tham khảo các yêu cầu đã nêu ở Bài 5, phần Nói và nghe, mục e (trang 29); đổi chiếu với dàn ý đề văn đã làm ở bài này.
* Bài nói mẫu tham khảo:
Xin chào thầy cô và các bạn, trong buổi thảo luận hôm nay, em sẽ trình bày về một hiện tượng nổi cộm trong xã hội hiện nay, đặc biệt là trong giới trẻ, đó là vấn đề dùng tiếng nước ngoài trong giao tiếp hằng ngày của giới trẻ Việt Nam hiện nay.
Chúng ta đang dần hòa nhịp cùng với sự phát triển của thế giới. Bên cạnh sự hòa nhập về kinh tế thì sự giao thoa về văn hóa và ngôn ngữ là điều không thể tránh khỏi đòi hỏi chúng ta phải thay đổi để dễ dàng tiếp cận hơn với nhu cầu giao tiếp hiện nay. Hơn thế nữa, hòa trong xu hướng hội nhập đó, việc phát triển của các trang mạng xã hội cũng như việc tìm kiếm và trao đổi thông tin trên internet đã trở thành phổ biến, ngôn ngữ “chat”, trò chuyện qua mạng ra đời đáp ứng nhu cầu “sống nhanh” đặc biệt là nhu cầu viết cũng nhanh trong giới trẻ hiện nay. Điều đó đã dẫn đến sự xuất hiện những ngôn ngữ sính ngoại để giao tiếp của giới trẻ hiện nay và nó đang ngày càng rộng khắp. Đây chính là điều rất đáng lo ngại và ảnh hưởng không nhỏ đến bản sắc vốn có của Tiếng Việt.
Chúng ta đều biết phương tiện giao tiếp hữu hiệu nhất của con người chính là ngôn ngữ. Vì thế mà việc sử dụng ngôn ngữ sao cho đúng đắn, dễ hiểu là điều vô cùng cần thiết. Với sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của internet hiện nay cũng như tiếp cận sớm các thiết bị công nghệ hiện đại đã hình thành nên những phong cách giao tiếp, trao đổi kiểu mới của giới trẻ hiện nay. Ngôn ngữ chat được hiểu là ngôn ngữ sử dụng trên mạng xã hội của các bạn trẻ qua việc viết tắt, đơn giản hóa từ ngữ, biến âm một cách cảm tính, tùy tiện và thậm chí là viết sai chính tả vì vui thú. Một trong những biểu hiện của sự thay đổi ấy là ngôn ngữ “chat”, tiếng lóng đã xuất hiện trong quá trình giao tiếp và ngày càng có xu hướng lan rộng trong giới trẻ. Nó đã lan rộng như một trào lưu từ nông thôn cho đến thành thị. Ban đầu, những từ mới, cách diễn đạt mới chỉ được một bộ phận giới trẻ chấp nhận. Thế nhưng sau đó, nhờ sự trợ giúp của các phương tiện công nghệ hiện đại như: điện thoại di động, mạng internet… tiếng lóng và ngôn ngữ “chat” nhanh chóng được lan rộng và trở nên phổ biến khắp giới trẻ. Và ngay trong việc giao tiếp hàng ngày, tiếng lóng cũng được giới trẻ “hồn nhiên” sử dụng. Mà tình trạng giới trẻ ngày nay, đặc biệt là các bạn trong lứa tuổi học sinh, sinh viên thường sử dụng ngôn ngữ theo kiểu viết tắt, viết ký hiệu, những ngôn ngữ “tự chế” nửa tây, nửa ta, nửa chữ, nửa số, tiếng lóng… để nhắn tin trên điện thoại, mạng xã hội ngày càng nhiều để truyền thông điệp một cách nhanh hơn, thể hiện biểu cảm, cá tính của tuổi mới lớn… là một thứ “tín hiệu” giữa những người cùng độ tuổi. Với nhịp sống ngày càng hiện đại và lối sống nhanh, năng động, thì hiện nay, không ít người đã mặc nhiên sử dụng tiếng lóng khi giao tiếp với mục đích tạo ra cảm giác mới mẻ, gần gũi cho những người xung quanh. Thế nhưng, tiếng lóng lại được sử dụng một cách tùy hứng, bừa bãi, không phù hợp với ngữ cảnh giao tiếp lại thành ra sự phản cảm. Chính những cách nói vô tình này khiến cho đối tượng giao tiếp và cả những người xung quanh lắm lúc cảm thấy khó chịu, phật lòng. Không chỉ dừng lại ở đó, một hiện tượng lệch lạc khác trong việc sử dụng tiếng lóng của giới trẻ ngày nay chính là sự lai căng, pha tạp giữa tiếng “Tây” với tiếng “Ta” như là cách để thể hiện “đẳng cấp” và khả năng ngoại ngữ khiến một số người đã không ngần ngại đệm tiếng “Tây” vào trong lời nói của mình ngay cả khi đang giao tiếp với những người lớn tuổi. Chẳng hạn như: thay vì dùng cảm ơn hoặc xin lỗi thì giới trẻ lại dùng “Thanh kiu bác”, “sorry chị”, thậm chí là “ô kê thầy”… Việc sử dụng ngôn ngữ bừa bãi, tùy tiện như vậy không chỉ ảnh hưởng đến giao tiếp mà nó còn ảnh hưởng rất lớn đến sự trong sáng của tiếng Việt. Bên cạnh việc sử dụng tiếng lóng, ngôn ngữ “chat” cũng đang xuất hiện và lây lan với tốc độ nhanh trong giới trẻ và điều đáng nói ở đây là, ngôn ngữ “chat” đã thâm nhập cả vào đời sống học đường gây ảnh hưởng rất lớn cho giáo dục. Giới trẻ không chỉ sử dụng trong quá trình giao tiếp qua lời nói hằng ngày mà nó còn xuất hiện cả trong diễn đạt bằng ngôn ngữ viết của học sinh khi chép bài. Thậm chí, nó còn được sử dụng trong các bài kiểm tra. Không chỉ trong các bài kiểm tra thông thường trên lớp, ngay cả trong những kỳ thi quan trọng, vẫn có những học sinh sử dụng ngôn ngữ “chat” trong bài làm của mình.
Việc giới trẻ sử dụng ngôn ngữ sính ngoại đã và đang gây ra rất nhiều hậu quả khác nhau. Ngôn ngữ nửa tây nửa ta đã và đang khiến cho chúng ta mất đi sự giàu đẹp vốn có của Tiếng Việt. Không ít trường hợp ta nhận thấy các bạn trẻ không biết viết từ sao cho đúng. Các bạn đang sử dụng ngôn ngữ sính ngoại như một thói quen sai lệch để dần dần vốn từ của các bạn bị mai một theo thời gian. Thậm chí, tư duy, thói quen hình thành ngôn ngữ sính ngoại cũng làm con người đang bị biến chất đi một phần nào đó về nhận thức, về suy nghĩ. Ngôn ngữ giàu đẹp của chúng ta bị tác động tiêu cực và trở nên nhí nhố, trở nên xấu xí trong nhận thức, tiềm thức của mọi người. Nếu cứ tiếp tục thì điều này sẽ làm Tiếng Việt mất đi sắc thái đẹp tươi sẵn có và đánh mất đi bản sắc văn hóa Việt. Thời đại càng hiện đại, càng xô bồ, sử dụng ngôn ngữ chat lạm dụng sẽ làm xấu cuộc đời và làm xấu chính chúng ta.
Nguyên nhân việc sử dụng ngôn ngữ như vậy có thể nói là do sự bùng nổ của công nghệ thông tin là “mảnh đất” để lệch chuẩn văn hóa ngôn ngữ có cơ hội phát triển (Internet, điện thoại…). Các phương tiện thông tin đại chúng trong xã hội gây ảnh hưởng lớn đối với sự hình thành các giá trị, thế giới quan, đạo đức của thế hệ trẻ ngày nay. Việc tiếp cận các văn hóa lệch lạc cũng dễ dàng khiến cho giới trẻ mất kiểm soát bản thân. Và có một số người có nhận thức sai trái cũng đang ra sức cổ xúy cho sự lệch lạc văn hóa ngôn ngữ của giới trẻ qua những câu nói, những bài viết lạm dụng một cách có ý thức nhằm câu khách, gây ấn tượng đối với độc giả trẻ. Đặc biệt là hiện tượng ăn theo sự kiện, vụ lợi của các kênh truyền hình vô tình biến một hình tượng lệch lạc trở thành trào lưu nóng, thu hút giới trẻ quan tâm và bắt chước. Chính các trang mạng xã hội và việc hấp thu các yếu tố của ngôn ngữ nước ngoài, nhu cầu muốn thể hiện bản sắc, cái tôi riêng là nguyên nhân chính dẫn đến sự thay đổi ngôn ngữ của giới trẻ.
“Lời nói chẳng mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”
Bác Hồ đã khẳng định: “Tiếng Việt của ta rất phong phú, ta phải làm giàu thêm cho tiếng của ta, nhưng không nên vay mượn lu bù để lòe thiên hạ”. Chúng ta cần phải có những giải pháp thiết thực từ gia đình cho tới nhà trường để giáo dục lại cho giới trẻ nhận thức được sự lệch lạc này. Bố mẹ cần phải làm gương cho con cái trong việc sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ cũng như tiếng nước ngoài, những lệch lạc trong văn hóa ngôn ngữ (viết, nói, giao tiếp) để trẻ dễ dàng tiếp thu, bắt chước. Bên cạnh đó cũng cần nhà trường, xã hội giáo dục cho học sinh ý thức bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt khi giao tiếp qua điện thoại, mạng xã hội và tự trau dồi cho bản thân, làm phong phú vốn ngôn ngữ cả tiếng Việt và tiếng nước ngoài để nâng tầm văn hóa trong giao tiếp và tư duy, dạy đúng chuẩn tiếng Việt, không sử dụng tiếng lóng khi giao tiếp với học sinh, nghiêm cấm các hành vi chửi bậy, nói bậy trong nhà trường. Hơn nữa chúng ta phải có những biện pháp cứng rắn để bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt. Kiên quyết loại bỏ những chương trình phát sóng trên truyền hình không đảm bảo chất lượng và trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc. Kiểm soát chặt chẽ thông tin mạng, sàng lọc thông tin kỹ lưỡng trước khi người đọc tiếp cận. Những ngôn từ không chuẩn mực có thể sẽ là dòng nước bẩn tưới mỗi ngày vào tâm hồn giới trẻ, gây ảnh hưởng xấu tới hành vi của chúng ta. Vừa qua, sự việc đài truyền hình nhà nước chỉ đích danh một số streamer có những phát ngôn tục tĩu, trái thuần phong mỹ tục trên các nền tảng mạng xã hội vừa qua đã tạo nên dư luận trái chiều. Điều tích cực là các streamer nổi tiếng như Độ Mixi, Pew Pew đã thừa nhận những lời góp ý rất hữu ích và hứa sẽ thay đổi phong cách vì một cộng đồng mạng lành mạnh hơn. Đây có thể là bước ngoặt dẫn đến một sự thay đổi lớn về nhận thức, phát ngôn và hành vi của các ngôi sao, người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội.
Tiếng Việt là tiếng của dân tộc Việt, là tài sản quốc gia, việc sử dụng tiếng Việt gồm cả chữ viết và tiếng nói. Đây là của cải vô cùng quan trọng và quý giá của bất kỳ dân tộc nào trên thế giới, là niềm tự hào của mỗi dân tộc được cha ông ta sáng tạo, gìn giữ, cải tiến trong hành trình tạo dựng cuộc sống, phát triển cộng đồng xã hội. Chúng ta không ngừng giữ gìn, cải tiến tiếng Việt, làm cho tiếng nói của dân tộc ngày càng giàu và đẹp, luôn là niềm tự hào của con người Việt Nam trước bạn bè quốc tế. Giữ gìn và làm giàu tiếng Việt là trách nhiệm của toàn thể dân tộc. Song, cho dù xã hội, khoa học công nghệ có thay đổi đến đâu thì mỗi chúng ta đều phải nhận thức sâu sắc và xác định không được làm méo mó, lai căng tiếng Việt trong quá trình sử dụng. Mỗi chúng ta cần phải ý thức được việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt phải trên cơ sở lời nói và chữ viết đúng chuẩn mực về phát âm, chính tả chữ viết, từ ngữ, ngữ pháp và phong cách ngôn ngữ. Cần loại bỏ những yếu tố không phù hợp, làm ảnh hưởng đến sự chuẩn mực, trong sáng của tiếng Việt. Mỗi một người dân cần phải nêu cao trách nhiệm giữ gìn và làm giàu tiếng Việt để chúng ta luôn tự hào về tiếng của dân tộc Việt Nam, như lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp”.
Như vậy thế hệ trẻ chúng ta – những chủ nhân tương lai của đất nước, cũng là đối tượng nhạy cảm nhất với những cái mới càng cần tỉnh táo, bản lĩnh trước thời kỳ hội nhập, để góp phần giữ vững bản sắc ngôn ngữ của dân tộc mình. Bên cạnh đó phải luôn cập nhật, tiếp thu có chọn lọc những giá trị mới, hiện đại của thế giới, hòa nhập nhưng vẫn giữ được phẩm chất trong sáng của người học sinh. Không ngừng trau dồi và rèn luyện tiếng mẹ đẻ và tiếng nước ngoài để có vốn từ phong phú và sử dụng đúng chuẩn mực. Không nên chạy theo lối giao tiếp dễ dãi, lệch lạc mà làm mất đi văn hóa giao tiếp của chính mình. Bởi lẽ, tiếng Việt là niềm tự hào của dân tộc ta, là dòng chảy trong tâm trí của mỗi người ngay từ thuở nằm nôi – như nhà thơ Lưu Quang Vũ đã viết:
“Mỗi sớm dậy nghe bốn bề thân thiết
Người qua đường chung tiếng Việt cùng tôi
Như vị muối chung lòng biển mặn
Như dòng sông thương mến chảy muôn đời…”
Bài trình bày của em về hiện tượng sính ngoại trong giao tiếp hằng ngày của giới trẻ Việt Nam hiện nay đến đây là kết thúc. Rất cảm ơn thầy cô và các bạn đã lắng nghe, rất mong nhận được những ý kiến đóng góp để bài trình bày của em được hoàn thiện hơn.
d) Kiểm tra và chỉnh sửa
Tham khảo các yêu cầu đã nêu ở Bài 5, phần Nói và nghe, mục d (trang 29); đối chiếu với dàn ý đề văn đã làm ở bài này.
Xem thêm các bài Soạn văn lớp 11 Cánh diều ngắn nhất, hay khác:
Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 11 hay khác:
- Soạn văn 11 Cánh diều (hay nhất)
- Soạn văn 11 Cánh diều (ngắn nhất)
- Soạn Chuyên đề Văn 11 Cánh diều
- Giải lớp 11 Cánh diều (các môn học)
- Giải lớp 11 Kết nối tri thức (các môn học)
- Giải lớp 11 Chân trời sáng tạo (các môn học)
- Soạn văn 11 Cánh diều (hay nhất)
- Soạn văn 11 Cánh diều (ngắn nhất)
- Giải sgk Toán 11 - Cánh diều
- Giải Tiếng Anh 11 Global Success
- Giải sgk Tiếng Anh 11 Smart World
- Giải sgk Tiếng Anh 11 Friends Global
- Giải sgk Vật Lí 11 - Cánh diều
- Giải sgk Hóa học 11 - Cánh diều
- Giải sgk Sinh học 11 - Cánh diều
- Giải sgk Lịch Sử 11 - Cánh diều
- Giải sgk Địa Lí 11 - Cánh diều
- Giải sgk Giáo dục KTPL 11 - Cánh diều
- Giải sgk Tin học 11 - Cánh diều
- Giải sgk Công nghệ 11 - Cánh diều
- Giải sgk Hoạt động trải nghiệm 11 - Cánh diều
- Giải sgk Giáo dục quốc phòng 11 - Cánh diều
- Giải sgk Âm nhạc 11 - Cánh diều