SBT Ngữ văn 12 Kết nối tri thức Bài tập 6 trang 7

Với giải sách bài tập Văn 12 Bài tập 6 trang 7 sách Kết nối tri thức hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh dễ dàng làm bài tập trong SBT Ngữ Văn 12.

Bài tập 6 trang 7 SBT Ngữ văn 12 Tập 1: Đọc nhận định sau về tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh và trả lời các câu hỏi:

Song điều khiến tôi kinh ngạc trong tiểu thuyết này, không chỉ là sự tàn khốc của chiến tranh cũng như sự huỷ diệt của nó đối với tâm hồn con người, mà còn là cách thức xử lí hình thức nghệ thuật trong văn bản tiểu thuyết – tức phương pháp sáng tác tiểu thuyết: sáng tác của nhà văn Bảo Ninh và sáng tác của nhân vật chính của tiểu thuyết – Kiên, câu chuyện chiến tranh về Kiên và các nhân vật khác mà Bảo Ninh kể, câu chuyện về thân phận trong tiểu thuyết mà Kiên sáng tác cho đến cả việc đọc và sắp xếp cuốn tiểu thuyết trong tiểu thuyết của người viết ở cuối tác phẩm, tất cả tạo nên một cốt truyện ghép mảnh và sáng tác chồng xếp, khiến cho Nỗi buồn chiến tranh đạt đến kết cấu gấp hộp một cách vô cùng thành công. Chính lối tự sự có thể gọi là kết cấu gấp hộp này đã làm cân bằng và trì hoãn một cách hầu như hoàn mĩ đối với sự mạo hiểm của tính trữ tình quá độ trong cốt truyện tiểu thuyết, khiến cho phong cách trữ tình và nghị luận kiểu sân khấu kịch trong văn học truyền thống phương Đông trở thành thứ màu sắc phương Đông trong văn học thế giới [...].

(Diêm Liên Khoa, Tầm cao của văn học chiến tranh phương Đông, Thiên Thai dịch, tạp chí Tia sáng, ngày 19/5/2016)

Câu 1 trang 7 SBT Ngữ Văn 12 Tập 1: Xác định vấn đề chính được đề cập trong nhận định trên.

Trả lời:

Vấn đề chính: Phương pháp sáng tác tiểu thuyết độc đáo và sáng tạo của nhà văn Bảo Ninh.

Câu 2 trang 7 SBT Ngữ Văn 12 Tập 1: Hiện tượng “cốt truyện ghép mảnh và sáng tác chồng xếp” mà tác giả Diêm Liên Khoa khen ngợi đã được biểu hiện cụ thể như thế nào ở tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh? (Dựa vào nội dung văn bản và phần giới thiệu tác phẩm trong SGK để trả lời.)

Trả lời:

Có thể nói Nỗi buồn chiến tranh là cuốn tiểu thuyết có “cốt truyện ghép mảnh và sáng tác chồng xếp” vì các biểu hiện cụ thể sau:

- Nỗi buồn chiến tranh là cuốn tiểu thuyết viết về một cuốn tiểu thuyết khác. Cuốn tiểu thuyết khác đó do nhân vật Kiên viết mà trong đó Kiên cũng là nhân vật chính. Sự “chồng xếp” của các sáng tác được thể hiện ở đây rất rõ.

- Cuốn tiểu thuyết do Kiên viết có “mạch chuyện không ngừng đứt gãy”, “không hề có nổi một tuyến chung” như lời nhận xét của nhân vật “tôi” khi đọc bản thảo Kiên để lại. Rõ ràng truyện là sự chắp nối của nhiều đoạn hồi ức hay bị điều phối bởi sự bất thường của tâm trí cộng với những tác động đôi khi ngẫu nhiên của một số yếu tố ngoại cảnh. Do vậy, “ghép mảnh” chính là một nét đặc thù của cốt truyện ở tác phẩm này - điều khiến nhân vật “tôi”, sau đó là độc giả cuốn tiểu thuyết của Bảo Ninh thoạt tiên cảm thấy bối rối, khó theo dõi.

- Đọc gần hết tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh, người đọc từ chỗ ngỡ nhân vật Kiên sẽ trực tiếp hiện diện cho đến cuối tác phẩm, bỗng nhiên có chút “hụt hẫng” khi thế vào chỗ của anh là nhân vật “tôi”. Lúc đó, Kiên trở thành một “ca” tâm lí được chính nhân vật trong cuốn tiểu thuyết tìm hiểu, nghiên cứu. Điều này làm cho tính chất “ghép mảnh” của cốt truyện Nỗi buồn chiến tranh càng trở nên rõ rệt hơn.

Câu 3 trang 7 SBT Ngữ Văn 12 Tập 1: Bạn hiểu như thế nào về ý sau đây của tác giả nhận định: “Chính lối tự sự có thể gọi là kết cấu gấp hộp này đã làm cân bằng và trì hoãn một cách hầu như hoàn mĩ đối với sự mạo hiểm của tính trữ tình quá độ trong cốt truyện tiểu thuyết”?

Trả lời:

“Chính lối tự sự có thể gọi là kết cấu gấp hộp này đã làm cân bằng và trì hoãn một cách hầu như hoàn mĩ đối với sự mạo hiểm của tính trữ tình quá độ trong cốt truyện tiểu thuyết” được hiểu:

- “Tính trữ tình” là một phẩm chất cần có, thường có của sáng tác, giúp sáng tác có thể tác động mạnh vào cảm xúc của người tiếp nhận, tạo nên sự đồng cảm giữa nghệ sĩ và công chúng nghệ thuật khi cùng hướng tới một vấn đề nào đó. Mặc dù tính trữ tình có mặt tích cực, nhưng nếu bị lạm dụng, nó dễ hướng người tiếp nhận đi tới những phản ứng cảm tính, thiếu suy xét và không nhận thức được vấn đề một cách thấu đáo. Trong trường hợp này, tính trữ tình thông thường đã chuyển sang “tính trữ tình quá độ” – một điều mà các tác phẩm của nghệ thuật hiện đại rất muốn tránh.

- Từ điều nêu trên, có thể thấy, một yêu cầu đặt ra đối với các tác phẩm của nghệ thuật hiện đại là phải làm sao giảm bớt tính trữ tình để tạo nên sự cân bằng giữa cảm xúc và lí trí; không chi phối, thao túng tâm lí người tiếp nhận mà khơi gợi ở họ ý thức truy xét vấn đề, tìm hiểu bản chất của sự vật, sự việc.

- “Kết cấu gấp hộp” là một trong những thủ pháp mà các tác phẩm thuộc văn học hiện đại thường sử dụng để kích thích sự năng động của người đọc, không bày sẵn những lời giải mà chỉ đưa ra một số dữ kiện cần thiết để người đọc tự xác định, tự tìm lấy câu trả lời thích hợp. Theo đó, các yếu tố tình cảm và lí trí đều được huy động trong quá trình độc giả tiếp xúc với tác phẩm. Có thể lấy một ví dụ rất sát với vấn đề này ngay trong tác phẩm Nỗi buồn chiến tranh: nhân vật “tôi” thoạt đầu đã có những đánh giá không tích cực về đống bản thảo mà Kiên bỏ lại, nhưng sau đó, nhân vật “tôi” đã tìm được cách đọc phù hợp để cuối cùng đồng cảm hoàn toàn với Kiên, hiểu rõ những gì mà Kiên muốn thể hiện qua các trang viết của mình.

Câu 4 trang 7 SBT Ngữ Văn 12 Tập 1: Từ những điều được Diêm Liên Khoa gợi ý, hãy tìm những biểu hiện của tính trữ tình ở đoạn trích Nỗi buồn chiến tranh trong SGK và nêu cảm nhận của bạn.

Trả lời:

Những biểu hiện của tính trữ tình ở đoạn trích Nỗi buồn chiến tranh trong SGK và nêu cảm nhận:

- Giọng điệu toát lên từ các câu văn là giọng điệu xót thương, gợi lên ở người đọc thái độ gương nhẹ, nâng niu, trân trọng đối với con người đang phải gánh cả một núi nỗi buồn chiến tranh.

- Tác giả sử dụng rất nhiều tính từ khi miêu tả trạng thái cảm xúc của nhân vật cũng như các sắc thái của ngoại cảnh tương hợp với nỗi sầu của nhân vật.

- Có những câu văn dài, nhiều tầng bậc như muốn đưa người đọc nhập vào dòng hồi tưởng miên man của nhân vật Kiên.

Câu 5 trang 7 SBT Ngữ Văn 12 Tập 1: Qua cách nhìn nhận của Diêm Liên Khoa đối với tác phẩm Nỗi buồn chiến tranh, bạn hiểu thêm được điều gì về mối quan hệ giữa nội dung viết và cách viết trong hoạt động sáng tác tiểu thuyết?

Trả lời:

Qua cách nhìn nhận của Diêm Liên Khoa đối với tác phẩm Nỗi buồn chiến tranh, chúng ta hiểu thêm được điều gì về mối quan hệ giữa nội dung viết và cách viết trong hoạt động sáng tác tiểu thuyết: ở tiểu thuyết hiện đại điều hấp dẫn không nhất thiết phải đến từ sự li kì, lắt léo, gay cấn của câu chuyện được kể, cũng không hẳn đến từ sự độc đáo, dị biệt của các tính cách, mà thường đến từ cách tổ chức câu chuyện, cách khơi gợi vấn đề, cách sử dụng giọng điệu và ngôn từ của tác giả. Như vậy, đối với nhà văn hiện đại, trong đó có nhà tiểu thuyết, đổi mới cách viết là điều cần phải được đặc biệt quan tâm.

Lời giải sách bài tập Ngữ Văn 12 Bài 1: Khả năng lớn lao của tiểu thuyết hay khác:

Xem thêm giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 12 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:


Giải bài tập lớp 12 Kết nối tri thức khác