SBT Ngữ văn 12 Kết nối tri thức Bài tập 5 trang 6

Với giải sách bài tập Văn 12 Bài tập 5 trang 6 sách Kết nối tri thức hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh dễ dàng làm bài tập trong SBT Ngữ Văn 12.

Bài tập 5 trang 6 SBT Ngữ văn 12 Tập 1: Đọc lại văn bản Nỗi buồn chiến tranh trong SGK Ngữ văn 12, tập một (tr. 23 – 24), đoạn từ “Nhưng chúng tôi còn có chung” đến “trong trắng và chân thành” và trả lời các câu hỏi:

Câu 1 trang 6 SBT Ngữ Văn 12 Tập 1: Người kể chuyện xưng “tôi” đã bày tỏ sự đồng cảm như thế nào với “nỗi buồn chiến tranh” của nhân vật Kiên?

Trả lời:

Người kể chuyện xưng “tôi” đã bày tỏ sự đồng cảm với “nỗi buồn chiến tranh” của nhân vật Kiên:

- Người kể chuyện xưng “tôi” đã chia sẻ và thấu hiểu “nỗi buồn chiến tranh” của nhân vật Kiên, không xem đó là biểu hiện của cái gì dị thường, cá biệt.

- Người kể chuyện xưng “tôi” có cùng nhận thức với Kiên về giá trị tích cực của nỗi buồn.

- Người kể chuyện xưng “tôi”, xét từ quan điểm sống thông thường của đa số người đời, tỏ thái độ xót xa trước việc “Nỗi buồn ấy ngăn không cho anh cảm thấy một chút nhẹ lòng trong đời sống hiện tại”…

- Người kể chuyện xưng “tôi” thực sự hiểu niềm hạnh phúc mà Kiên được hưởng “trên con đường hướng mãi về quá khứ – một niềm hạnh phúc mà “tôi” phải cảm thấy “ghen tị”.

Câu 2 trang 6 SBT Ngữ Văn 12 Tập 1: Nêu cách hiểu của bạn về ý nghĩ sau đây của nhân vật “tôi”: “Chính nhờ nỗi buồn mà chúng tôi đã thoát khỏi chiến tranh, thoát khỏi bị chôn vùi trong cảnh chém giết triền miên, trong cảnh khốn khổ của những tay súng, những đầu lê, trong ám ảnh bạo lực và bạo hành, để bước trở lại con đường riêng của mỗi cuộc đời”. Theo bạn, ở đoạn giới thiệu về tác phẩm trong SGK (tr. 24), có câu nào liên quan đến ý nghĩ này?

Trả lời:

- Ý nghĩ của nhân vật “tôi” có thể làm HS cảm thấy khó hiểu, vì theo logic thông thường, nỗi buồn là hậu quả của chiến tranh chứ không phải cái gì tồn tại độc lập với nó, như một phương tiện để có thể đưa những người lính thoát khỏi chiến tranh. Điều này cho thấy phải suy nghĩ lại nội dung khái niệm nỗi buồn theo cách nhìn nhận của tác giả, trước khi nêu cách hiểu về ý nghĩ mà nhân vật “tôi” đã bộc lộ.

- Theo tôi, ở đoạn giới thiệu về tác phẩm trong SGK (tr. 24), có những câu sau liên quan đến ý nghĩ này:

+ Theo tác giả, cũng như theo nhân vật Kiên, nỗi buồn không đơn thuần là một trạng thái tâm lí, cảm xúc có thể biểu lộ ở bề mặt khiến người ngoài dễ nhận thấy. Nhìn sâu xa hơn, nó đích thực là cơ chế tự vệ của tính người (nhân tính) trước những tác động tiêu cực có thể làm con người đánh mất bản thân mình.

+ Nỗi buồn khiến con người biết chán ghét chiến tranh mặc dù đã tham gia chiến tranh. Với nỗi buồn, con người bảo vệ được mình, vẫn còn là con người, thoát khỏi tình trạng bị chiến tranh đồng hoá, sai khiến đến nỗi chỉ còn tồn tại như một công cụ chém giết. Cũng với nỗi buồn, những tổn thương tinh thần sẽ mau được chữa lành để người ta có thể hoà nhập với cuộc sống bình thường sau khi chiến tranh kết thúc.

+ Theo diễn giải ở trên, nỗi buồn có một giá trị nhân bản rất lớn, cần được tôn trọng và bảo vệ, để đến lượt nó, nỗi buồn sẽ bảo vệ con người tránh được tha hoá để tồn tại vững vàng ngay cả trong hoàn cảnh đầy những điều phi nhân, tàn bạo.

Câu 3 trang 6 SBT Ngữ Văn 12 Tập 1: Người kể chuyện xưng “tôi” biết rõ nỗi buồn chiến tranh nặng nề của Kiên mà vẫn nói rằng Kiên có niềm lạc quan đáng phải ghen tị. Cần giải đáp như thế nào về nghịch lí này?

Trả lời:

Người kể chuyện xưng “tôi” biết rõ nỗi buồn chiến tranh nặng nề của Kiên mà vẫn nói rằng Kiên có niềm lạc quan đáng phải ghen tị.

- Nỗi buồn chiến tranh liên quan đến niềm tin vào ý nghĩa của những gì người lính đã nếm trải. Dù nếm trải đó có cay đắng bao nhiêu thì nó vẫn có ý nghĩa tích cực, cho người ta một cơ hội để hiểu rõ bản thân mình, hiểu rõ những gì cần từ bỏ hay cần gìn giữ. Rõ ràng, việc truy ngược hành trình đã từng trải qua bằng kí ức là điều hoàn toàn cần thiết.

- Nỗi buồn chiến tranh đưa lại cho nhân vật niềm hạnh phúc thật sự khi “mãi mãi được sống trong mùa xuân của những tình cảm mà ngày nay đã mai một hoặc đã già cỗi và biến tướng”. Nhìn tổng thể, chiến tranh gắn với sự hung bạo, huỷ diệt, tàn phá, chết chóc. Nhưng để thắng được chiến tranh, chất người của con người phải mạnh hơn. Chính vì thế, với nỗi buồn chiến tranh, nhân vật Kiên đã “vĩnh viễn được sống trong những ngày tháng đau thương nhưng huy hoàng”. Như vậy, Kiên đã tin và đã gặp cái cần gặp. Đây rõ ràng là niềm lạc quan của anh.

Câu 4 trang 6 SBT Ngữ Văn 12 Tập 1: Qua đoạn văn bản này, bạn hiểu như thế nào về ý nghĩa của một câu xuất hiện ở phần một của văn bản: “Kiên tin rằng anh đã phục sinh, nhưng là một sự phục sinh lùi về sâu xa”?

Trả lời:

“Kiên tin rằng anh đã phục sinh, nhưng là một sự phục sinh lùi về sâu xa” được hiểu:

- Việc Kiên để cho nỗi buồn chiến tranh vây bủa toàn bộ trạng thái tinh thần của mình cần được hiểu là một sự lựa chọn đầy ý thức. Anh nhìn thấy ở đó một sứ mệnh cao cả: không để những năm tháng của quá khứ bị tuột trôi mà không lưu lại được bài học gì đáng giá về cuộc đấu tranh gian khổ nhằm bảo vệ nhân tính. Rõ ràng, anh đã tìm được ý nghĩa của cuộc đời mình trong công việc nhớ và viết đầy nhọc nhằn này. Đó chính là cách anh làm cho cõi tinh thần hoang tàn của mình được phục sinh (sống lại).

- Khi thực hiện sứ mệnh cao cả như đã nêu, chính Kiến cũng được hưởng niềm hạnh phúc đặc biệt, bởi anh “được trở lại với tình yêu, tình bạn, tình đồng chí những tình cảm đã giúp chúng ta vượt qua muôn ngàn đau khổ của chiến tranh”.

Câu 5 trang 6 SBT Ngữ Văn 12 Tập 1: Nỗi buồn đậm đặc trong tác phẩm Nỗi buồn chiến tranh phải chăng phản ánh cái nhìn một chiều của tác giả về hiện thực cuộc sống? Đoạn văn bản này có thể giúp bạn giải đáp vấn đề vừa nêu như thế nào?

Trả lời:

Nỗi buồn đậm đặc trong tác phẩm Nỗi buồn chiến tranh phải chăng phản ánh cái nhìn một chiều của tác giả về hiện thực cuộc sống. Một cuộc chiến tranh vì mục đích cao cả (cứu nước, bảo vệ độc lập dân tộc), bên cạnh mặt bi còn có mặt hùng. Tiểu thuyết của Bảo Ninh, như nhan đề của nó dường như chỉ phản ánh mặt bi với rất nhiều chấn thương tinh thần nặng nên những người đã trực tiếp trải qua cuộc chiến. Nhưng điều đó không có nghĩa là tác giả đã có cái nhìn phiến diện về một hiện thực vĩ đại trên đất nước ta trong khoảng thời gian từ năm 1954 đến năm 1975. Một tác phẩm có quyền chỉ chọn thể hiện riêng một mặt nào đó mà tác giả thấy có thể nêu được những thông điệp có ý nghĩa nhất. Điều này, nhà văn Bảo Ninh ý thức rất rõ. Chính đoạn văn bản được đề cập ở đây chứng minh điều đó. Nói nhiều về nỗi buồn không có nghĩa là tác phẩm thiếu niềm lạc quan.

Lời giải sách bài tập Ngữ Văn 12 Bài 1: Khả năng lớn lao của tiểu thuyết hay khác:

Xem thêm giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 12 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:


Giải bài tập lớp 12 Kết nối tri thức khác