SBT Ngữ văn 12 Cánh diều Đàn ghi ta của Lor-ca
Với giải sách bài tập Văn 12 Đàn ghi ta của Lor-ca sách Cánh diều hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh dễ dàng làm bài tập trong SBT Ngữ Văn 12.
Câu 1 trang 12 SBT Ngữ Văn 12 Tập 2: Hãy giải thích ý nghĩa nhan đề của bài thơ.
Trả lời:
Đàn ghi ta là một loại đàn có sáu dây, mặt cộng hưởng hình thắt cổ bồng, trên có lỗ thoát âm. Ghi ta không chỉ là nhạc cụ truyền thống của Tây Ban Nha mà còn được coi là biểu tượng cho nền nghệ thuật ở đất nước này. Không phải ngẫu nhiên mà nó còn được gọi là Tây Ban cầm.
Gar-xi-a Lor-ca (1898 – 1936) là nhà thơ, nhạc sĩ nổi tiếng người Tây Ban Nha. Ông vừa là một nhà hoạt động xã hội có tiếng trong cuộc đấu tranh chống lại mọi thế lực phản động, vừa là người khởi xướng và thúc đẩy mạnh mẽ những cách tân trong các lĩnh vực nghệ thuật. Lor-ca cũng là người nghệ sĩ có những quan niệm nghệ thuật mới mẻ và tiến bộ. Sự nghiệp nghệ thuật của ông có ảnh hưởng sâu rộng đối với nhiều thế hệ nghệ sĩ Tây Ban Nha.
Đàn ghi ta của Lor-ca được coi là biểu tượng cho nghệ thuật của Lor-ca, cho những cách tân nghệ thuật và quan niệm nghệ thuật của người nghệ sĩ tài danh này. Và trên hết, nó chính là hiện thân của Lor-ca.
Nhưng nhan đề còn là một phần của sinh thể tác phẩm – sản phẩm tinh thần của người nghệ sĩ. Cùng với tác phẩm, nó bộc lộ tư tưởng nghệ thuật của người viết. Đàn ghi ta của Lor-ca, do đó, không chỉ là dòng tưởng niệm mà Thanh Thảo muốn dành cho Lor-ca với tất cả lòng kính trọng mà còn là cách phát biểu quan niệm nghệ thuật của nhà thơ: nghệ thuật phải sáng tạo, nghệ thuật phải không ngừng đổi mới.
Trả lời:
Trong bài thơ, hình tượng “tiếng đàn” mang ý nghĩa tượng trưng sâu sắc. Nó không phải là một tiếng đàn cụ thể nào mà là biểu tượng đa nghĩa.
- Tiếng đàn là biểu tượng cho số phận của Lor-ca — số phận mong manh của người nghệ sĩ giàu khát vọng cao đẹp nhưng “đơn độc”, “mỏi mòn” trong cuộc chiến với các thế lực đen tối: “những tiếng đàn bọt nước”.
- Tiếng đàn đủ các cung bậc như cuộc đời Lor-ca đã nếm trải đủ các ngọt ngào, cay đắng, hạnh phúc và khổ đau: “tiếng ghi ta nâu / bầu trời cô gái ấy / tiếng ghi ta lá xanh biết mấy / tiếng ghi ta ròng ròng / máu chảy”.
- Tiếng đàn tượng trưng cho nghệ thuật của Lor-ca, cho khát vọng đổi mới nghệ thuật của người nghệ sĩ: “khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn”, “không ai chôn cất tiếng đàn”.
Và trên hết, tiếng đàn là biểu tượng cho cái Đẹp cao cả, cho những giá trị chân chính trong cuộc đời.
Trả lời:
Hình tượng Gar-xi-a Lor-ca không xuất hiện trực tiếp trong những câu thơ mở đầu thi phẩm mà ẩn hiện thấp thoáng qua một thi ảnh có tính chất hoán dụ: “những tiếng đàn bọt nước”. “Những tiếng đàn” ở đây là tiếng đàn ghi ta, liên quan đến sự ra đi của Lor-ca qua câu nói nổi tiếng của ông mà sau đã trở thành đề từ của thi phẩm: “khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn”. Tiếng đàn ở đây có một sắc diện thật lạ: “bọt nước”. Bọt nước là một hình ảnh (đám bong bóng nhỏ kết lại trên bề mặt nước) mang vẻ đẹp lung linh nhưng cũng rất mong manh, dễ tan và phiêu tán. “Những tiếng đàn bọt nước” phải chăng là một ám chỉ về số phận mong manh của Lor-ca?
- Lor-ca tiếp tục hiện ra một cách gián tiếp qua hình ảnh: “Tây Ban Nha ... áo choàng đỏ gắt ”. Nếu Tây Ban Nha là một hoán dụ nghệ thuật về Lor-ca – công dân ưu tú, người nghệ sĩ xuất sắc của đất nước ở Nam Âu này thì hình ảnh các võ sĩ đấu bò tót lại có thể tượng trưng cho cuộc chiến đấu giữa khát vọng cách tân nghệ thuật trong lòng người nghệ sĩ tài danh với nền nghệ thuật già nua.
- “Tiếng ghi ta ròng ròng / máu chảy” là hình ảnh tượng trưng cho cái chết của Lor-ca. Đây là sự tiếp nối mạch hình tượng Lor-ca đã được miêu tả trong những câu trước: “Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt / áo choàng bê bết đỏ / tiếng ghi ta ròng ròng / máu chảy”.
- Tiếng đàn là biểu tượng của nghệ thuật. Gắn với di chúc của Lor-ca (“khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn”), dòng thơ “không ai chôn cất tiếng đàn” có nghĩa là không ai dám “chôn” nghệ thuật của Lor-ca để đi tới. “Cỏ mọc hoang” là có dại, cỏ mọc tự do, tự phát, không có ai chăm sóc, cắt tỉa. “Tiếng đàn như cỏ mọc hoang” phải chăng là nền nghệ thuật “hậu Lor-ca” thiếu vắng người dẫn đường, không có người định hướng? Kì vọng của người nghệ sĩ giàu khát vọng sáng tạo đã chuyển thành nỗi thất vọng bởi dường như không ai thực sự hiểu Lor-ca, hiểu những suy nghĩ sâu sắc của người nghệ sĩ thiên tài gửi lại cho hậu thế.
- “Đường chỉ tay” là hiện thân của thiên mệnh. “Đường chỉ tay đã đứt” tượng trưng cho số mệnh đã hết của Lor-ca. Hành động “ném lá bùa”, “ném trái tim” của Lor-ca mang hàm ý tượng trưng về sự giã từ, về sự giải thoát nhưng là một sự giã từ và giải thoát chủ động. Lor-ca không thụ động đón đợi cái chết. Cái chết là tất yếu và Lor-ca chủ động chọn nó khi ông thấy mình cần phải ra đi để không trở thành “bệ thờ” cho những thế hệ đi sau.
Ý nghĩa tượng trưng của những hình ảnh thơ trên đã cho thấy tình cảm yêu mến, xót thương, trân trọng của Thanh Thảo đối với Lor-ca.
Trả lời:
Yếu tố siêu thực được thể hiện qua:
- Những hình ảnh thơ mơ hồ, trừu tượng, khó hình dung, lí giải một cách tường minh. Chẳng hạn như:
giọt nước mắt vầng trăng
long lanh trong đáy giếng
hay:
đường chỉ tay đã đứt
dòng sông rộng vô cùng
Lor-ca boi sang ngang
trên chiếc ghi ta màu bạc
hoặc:
chàng ném trái tim mình
vào lặng yên bất chợt
- Những câu thơ không cần sử dụng dấu chấm câu, không tuân thủ trật tự ngữ pháp, các kết hợp từ theo hướng lạ hoá, mở ra những trường liên tưởng khác nhau, khó cắt nghĩa một cách tường minh, cụ thể: vầng trăng chếnh choáng, tiếng ghi ta nâu, tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan, giọt nước mắt vầng trăng,...
- Những yếu tố trên đã góp phần thể hiện những cảm nhận, cảm xúc còn mơ hồ, khó định nghĩa, tường giải của Thanh Thảo về Lor-ca, về vẻ đẹp, cái chết của người thi sĩ này. Đối với Thanh Thảo, cũng như bất cứ ai, bên cạnh những tình cảm, cảm xúc rõ ràng, còn có những trạng thái tâm lí, tình cảm khó diễn tả một cách tường minh, nhất là trong những khoảnh khắc xuất thần, đột hứng của sáng tạo thi ca. Đó là những trạng thái có thật nhưng ở một thế giới tinh thần không dễ nắm bắt và diễn giải. Về nghệ thuật, yếu tố siêu thực đã đem lại những nét mới lạ cho văn bản thơ, tạo ra những lớp ngôn từ khác thường, mở ra những trường nghĩa vô cùng phong phú. Những yếu tố siêu thực này không chỉ giúp các nhà thờ mở rộng khả năng tái hiện và tái tạo thế giới – thế giới ở phần sâu thẳm, khó nắm bắt, mà còn giải phóng trí tưởng tượng, vượt thoát khỏi những ước lệ trói buộc cảm xúc, đưa thơ trở về với một trong những chức năng nguyên thuỷ của nó, đó là phương thức thể hiện một cách tự do đời sống tâm hồn, tình cảm của con người.
Câu 5 trang 12 SBT Ngữ Văn 12 Tập 2: Nhạc tính của bài thơ được tạo nên từ những yếu tố nào?
Trả lời:
Không chỉ là một nhà thơ lớn, Lor-ca còn là một nhạc sĩ. Ông thường thích đi khắp xứ như một gã Di-gan (Digan) đơn độc để hát lên những bài thơ của mình như những khúc rô-man (romance), ba-lát (ballad). Cũng bởi vậy mà nhiều bài thơ của Lor-ca thường sống cuộc đời kép thi phẩm và nhạc phẩm. Nghệ sĩ vốn dễ đồng bệnh tương lân. Do đồng bệnh mà đồng điệu. Cho nên, viết về Lor-ca, Thanh Thảo cũng chọn một hình thức thơ mà ở đó lời thơ đã cườm vào nét nhạc, nhạc đã lồng trong thơ để cùng bay lên.
Biểu hiện đầu tiên và rõ nét nhất là việc tác giả khám vào lời thơ những âm thanh như cách diễn tấu của nhạc công khi đệm đàn cho người hát. Đó là hai chuỗi “li-la li-la li-la” ở phần đầu và cuối bài thơ. Nếu chuỗi “li-la li-la li-la” đầu giống như một chuỗi nốt đần buông do người đệm đàn ghi ta lướt qua hàng dây để kết thúc phần dạo đầu, đánh dấu khoảng ngắt để người hát chính thức bắt lời trình diễn ca khúc thì chuỗi “li-la li-la li-la” cuối bài tựa như những tiếng đệm cuối cùng nhằm tạo ra những dư âm sau khi lời hát đã ngừng
Bài thơ còn có sự lặp lại giống như điệp khúc trong một bản nhạc, đó là cụm từ: “tiếng ghi ta”.
Để tạo nên âm hưởng điệp khúc còn phải kể tới thủ pháp lấy từ, điệp cấu trúc được Thanh Thảo khai thác khá thành công; “chàng ném lá bùa cô gái Di-gan / vào xoáy nước – chàng ném trái tim mình / vào lặng yên bất chợt”.
Thể thơ tự do, các đoạn thơ khi sáu dòng, khi bốn dòng, mỗi dòng không đều nhau về số chữ, cách ngắt dòng cũng rất phóng khoáng,... đã tạo cảm giác trường độ, tốc độ, cường độ của dòng cảm xúc đang trôi chảy.
Trả lời:
Qua đoạn thơ Đàn ghi ta của Lor-ca đọng lại trong em hình tượng của một chàng nghệ sĩ với cuộc hành trình đi tìm khát vọng tự do. Người nghệ sĩ ấy mang trong mình cả cuộc sống dữ dội và giấc mơ lãng mạn, cả ý chí kiên cường và những xúc cảm say đắm. Một người nghệ sĩ cô đơn trên hành trình đi tìm cái đẹp trong thế giới bạo tàn, cô đơn trong chính cuộc đấu tranh vì tự do và nghệ thuật. Một con người với khát vọng đi tìm giá trị đẹp đẽ trong cuộc chiến đấu chống lại chế độ tàn ác, lạnh lùng. Qua tác phẩm còn thể hiện lên nỗi kinh hoàng của dân tộc Tây Ban Nha không chỉ là vì cái chết của Lorca mà còn vì sự tàn bạo, vô nhân đạo trước khát vọng tự do của con người.
Lời giải sách bài tập Ngữ Văn 12 Bài 8: Thơ hiện đại hay khác:
Xem thêm giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 12 Cánh diều hay, chi tiết khác:
- Soạn văn 12 Cánh diều (hay nhất)
- Soạn văn 12 Cánh diều (ngắn nhất)
- Giải sgk Toán 12 Cánh diều
- Giải Tiếng Anh 12 Global Success
- Giải sgk Tiếng Anh 12 Smart World
- Giải sgk Tiếng Anh 12 Friends Global
- Giải sgk Vật Lí 12 - Cánh diều
- Giải sgk Hóa học 12 - Cánh diều
- Giải sgk Sinh học 12 - Cánh diều
- Giải sgk Lịch Sử 12 - Cánh diều
- Giải sgk Địa Lí 12 - Cánh diều
- Giải sgk Giáo dục KTPL 12 - Cánh diều
- Giải sgk Tin học 12 - Cánh diều
- Giải sgk Công nghệ 12 - Cánh diều
- Giải sgk Hoạt động trải nghiệm 12 - Cánh diều
- Giải sgk Giáo dục quốc phòng 12 - Cánh diều
- Giải sgk Âm nhạc 12 - Cánh diều