(Siêu ngắn) Soạn bài Viết bài luận thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hay một quan niệm (trang 81) - Cánh diều

Bài viết soạn bài Viết bài luận thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hay một quan niệm trang 81 siêu ngắn gọn sách Ngữ văn 10 Cánh diều giúp học sinh lớp 10 dễ dàng soạn văn 10.

1. Định hướng

a) Trong cuộc sống, mỗi người thường có những cử chỉ, hành động lặp đi lặp lại lâu ngày thành thói quen; có những quan niệm (cách hiểu, nhận thức,...) đã thành nếp nghĩ, khó thay đổi. Có nhiều thói quen tốt, quan niệm đúng đắn cần giữ gìn, phát huy. Tuy vậy, cũng có những thói quen xấu, quan niệm lạc hậu cần phải thay đổi, từ bỏ vì chúng tạo ra tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến cá nhân hoặc cộng đồng. Ví dụ: thói quen vứt rác bừa bãi, lãng phí thời gian, ỷ lại người khác, lạm dụng thuốc kháng sinh,... hoặc quan niệm không chơi với những bạn học kém hơn mình, có tiền là có tất cả,... Trong các trường hợp đó, chúng ta cần thuyết phục người có thói quen chưa tốt, quan niệm chưa đúng từ bỏ những thói quen và quan niệm ấy.

Viết bài luận thuyết phục là nêu ý kiến, sử dụng lí lẽ và dẫn chứng để thuyết phục người có thói quen, quan niệm chưa đúng, tiêu cực thay đổi theo chiều hướng đúng đắn, tích cực.

* Tìm hiểu bài mẫu:

Câu hỏi (trang 81-82 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 1):

- Người viết thuyết phục ai và thuyết phục người đó từ bỏ điều gì?

- Nhận biết các lí do và bằng chứng mà người viết đưa ra để thuyết phục.

- Phần kết, người viết thể hiện tình cảm và thái độ như thế nào?

Trả lời

- Người viết thuyết phục bố mình bỏ thuốc lá.

- Lí do:

+ thuốc lá có hại cho sức khỏe con người.

+ ảnh hưởng kinh tế.

- Tình cảm, thái độ: chân thành, lo lắng.

b) Để viết bài luận thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hay một quan niệm, các em cần:

- Tìm hiểu đề (đọc kĩ đề bài, xác định đối tượng của bài viết, mục đích của bài viết thuyết phục từ bỏ thói quen hoặc quan niệm nào)

- Nêu lí do và phân tích các ảnh hưởng tiêu cực, tác hại của thói quen, quan niệm cần phải thay đổi, từ bỏ

- Có các dẫn chứng cụ thể, sinh động về những ảnh hưởng tiêu cực, tác hại của thói quen, quan niệm đó

- Dự đoán phản ứng và lập luận của người có thói quen, quan niệm mà em muốn thuyết phục để nêu ý kiến phản biện của em.

2. Thực hành

Bài tập (trang 83 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 1 – Cánh diều): Chọn một trong hai đề sau đây để viết bài văn nghị luận thuyết phục người khác thay đổi, từ bỏ một thói quen hay một quan niệm:

Đề 1: Lạm dụng thuốc kháng sinh là một thói quen phổ biến của nhiều người hiện nay: Em hãy viết bài văn nghị luận thuyết phục mọi người từ bỏ thói quen này.

Đề 2: Một người bạn của em luôn luôn tin tưởng và hành động theo phương châm “Im lặng là vàng”. Hãy viết bài văn nghị luận để thuyết phục người bạn đó cần nhìn nhận vấn đề toàn diện hơn.

a) Chuẩn bị (ví dụ với đề 1)

Đọc kĩ bài tập, lựa chọn và xác định yêu cầu của đề đã chọn: vấn đề thói quen lạm dụng thuốc kháng sinh.

- Mục đích: thuyết phục những người này từ bỏ thói quen lạm dụng thuốc kháng sinh.

- Đối tượng cần thuyết phục: những người có thói quen lạm dụng thuốc kháng sinh.

- Cách thức thuyết phục: viết bài văn nghị luận.

b) Tìm ý và lập dàn ý

- Tìm ý cho bài viết theo gợi dẫn:

+ Thế nào là thuốc kháng sinh và lạm dụng thuốc kháng sinh? Thói quen lạm dụng thuốc kháng sinh phổ biến như thế nào?

→ Kháng sinh là thuốc tiêu diệt hoặc kiềm hãm sự phát triển của vi khuẩn, từ đó giảm đáp ứng viêm gây ra bởi vi khuẩn. Kháng sinh có tác dụng khác nhau trên từng loại vi khuẩn, một số kháng sinh có tác dụng trên nhiều chủng vi khuẩn được gọi là kháng sinh phổ rộng, một số loại khác tác dụng trên một số chủng vi khuẩn nhất định được gọi là phổ hẹp.

+ Lạm dụng thuốc kháng sinh dẫn đến những hậu quả gì?

→ Hậu quả nghiêm trọng nhất của việc lạm dụng kháng sinh là tạo ra các chủng “siêu vi khuẩn” kháng thuốc. Các vi khuẩn này có thể tạo ra các cơ chế chống lại tác dụng của kháng sinh, khi đó kháng sinh không còn hiệu quả nữa và con người lại quay trở về điểm xuất phát như khi chưa tìm ra loại kháng sinh nào.

+ Làm thế nào để thay đổi thói quen lạm dụng thuốc kháng sinh?

→ Chỉ sử dụng kháng sinh khi thực sự có nhiễm khuẩn. Đảm bảo sử dụng kháng sinh một cách hợp lý là một vấn đề phức tạp, đòi hỏi phải có kiến thức và trình độ chuyên môn cũng như kinh nghiệm sử dụng kháng sinh. Do đó, tốt nhất các bạn chỉ nên sử dụng kháng sinh theo đúng sự hướng dẫn của các bác sĩ và dược sĩ tư vấn chuyên môn, không nên sử dụng kháng sinh bừa bãi.

- Lập dàn ý cho bài viết:

Mở bài

Dẫn dắt và nêu vấn đề của bài viết: Mọi người cần tử bỏ việc lạm dụng thuốc kháng sinh bởi thói quen này dẫn đến nhiều nguy cơ mà con người phải đối mặt trong điều trị bệnh tật.

Thân bài

Người viết có thể sắp xếp các ý theo trật tự khác nhau, kết hợp giữa lí lẽ và dẫn chứng để thuyết phục mọi người từ bỏ thói quen lạm dụng thuốc kháng sinh. Ví dụ, có thể sắp xếp theo trật tự sau:

+ Giải thích thế nào là thuốc kháng sinh, lạm dụng thuốc kháng sinh và trình bày hiện trạng lạm dụng thuốc kháng sinh hiện nay trong cộng đồng.

+ Những lí do để mọi người nên từ bỏ thói quen lạm dụng thuốc kháng sinh:

• Lạm dụng thuốc kháng sinh gây lãng phí tiền bạc.

• Lạm dụng thuốc kháng sinh gây khó khăn cho việc chẩn đoán, điều trị bệnh.

• Lạm dụng thuốc kháng sinh dẫn đến tình trạng kháng thuốc kháng sinh, gây nguy hiểm cho tính mạng.

+ Dự đoán lập luận của những người có thói quen lạm dụng thuốc kháng sinh (Ví dụ: dựa vào hướng dẫn của người bán thuốc; tham khảo thông tin trên mạng, không có thời gian để đi khám bác sĩ,...). Từ đó, người viết có thể phản biện lại. Chẳng hạn: Người bán thuốc không phải là bác sĩ khám bệnh, họ không đủ kiến thức chẩn đoán và kê đơn điều trị cho người bệnh.

+ Làm thế nào để từ bỏ thói quen lạm dụng thuốc kháng sinh (Ví dụ: hiểu tác hại của việc lạm dụng thuốc kháng sinh, khi có bệnh cần đi khám bác sĩ, mua và sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ,...)?

Kết bài

Khẳng định lại thông điệp mọi người cần từ bỏ thói quen lạm dụng thuốc kháng sinh vì một cuộc sống khoẻ mạnh, an toàn cho bản thân và cộng đồng.

 

c) Viết

- Viết bài văn theo dàn ý đã lập.

- Chú ý sử dụng ngôn ngữ, giọng điệu phù hợp để thuyết phục người khác.

* Bài viết mẫu tham khảo:

Thuốc kháng sinh được coi như một thứ vũ khí lợi hại nhất được con người tạo ra để có thể xử lí được các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn. Thế nhưng hiện nay việc lạm dụng sử dụng thuốc kháng sinh một cách bừa bãi ở một bộ phận khiến cho các loại vi khuẩn kháng kháng sinh xuất hiện - điều này trở thành mối đe dọa lớn đối với ngành y tế cũng như đối với những người có nguy cơ mắc các căn bệnh do vi khuẩn gây ra.

Trước hết, chúng ta cần hiểu thuốc kháng sinh là gì? Thuốc kháng sinh là một loại thuốc có tác dụng tiêu diệt hay làm ức chế sự phát triển, tăng trưởng của các loại vi khuẩn trong cơ thể do đó sẽ làm giảm đi các phản ứng viêm do chúng gây ra. Mỗi loại kháng sinh sẽ có những tác động khác nhau đối với các chủng vi khuẩn, một số loại kháng sinh có tác dụng trên nhiều chủng vi khuẩn được gọi là kháng sinh phổ rộng, một số loại kháng sinh khác lại chỉ có tác dụng trên số ít chủng vi khuẩn được gọi là kháng sinh phổ hẹp. Hiện tượng lạm dụng thuốc kháng sinh là việc mà những người bị bệnh không tìm hiểu xem mình đang mắc phải bệnh gì, các triệu chứng ho sốt là do cảm cúm, vi rút gây ra hay do các loại vi khuẩn gây nên nhưng đã tự ý sử dụng kháng sinh để điều trị. Nếu như điều này diễn ra trong một thời gian dài sẽ gây ra hiện tượng kháng kháng sinh - khiến cho thuốc kháng sinh không thể ngăn chặn hoặc xóa sổ các loại vi khuẩn gây bệnh.

Cùng với việc người bệnh sử dụng thuốc kháng sinh bừa bãi, hiện tượng kháng kháng sinh ngày càng gia tăng gây ra những sự đáng ngại đối với ngành y tế và toàn xã hội. Ngày nay, việc tự do mua các loại kháng sinh khá dễ dàng nên khi thấy bản thân xuất hiện các biểu hiện lạ về sức khỏe như ho, sốt, nhức đầu, sổ mũi... thì người ta thường nghĩ ngay tới việc đến các hiệu thuốc và mua kháng sinh về tự điều trị tại nhà. Việc sử dụng kháng sinh một cách không có kiểm soát như vậy chính là nguyên nhân lớn nhất để gây nên hiện tượng kháng kháng sinh. Như chúng ta đã biết, có nhiều loại bệnh khác nhau, có bệnh do vi rút gây ra, có bệnh lại do vi khuẩn gây ra nhưng vẫn có những triệu chứng giống nhau. Tuy nhiên, chỉ đối với các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra thì mới cần sử dụng tới thuốc kháng sinh. Trong các trường hợp khác, việc sử dụng thuốc kháng sinh chẳng những không chữa khỏi được căn bệnh mà có thể làm gia tăng tỷ lệ vi khuẩn kháng lại thuốc.

Việc lạm dụng sử dụng thuốc kháng sinh sẽ để lại rất nhiều hậu quả cho con người, không chỉ gây lãng phí về tiền bạc mà còn ảnh hưởng rất lớn đối với sức khỏe. Sử dụng thuốc kháng sinh sai cách, sai liều lượng trước tiên sẽ gây ra những khó khăn cho việc chẩn đoán bệnh bởi nó sẽ làm mất đi những triệu chứng đặc thù mà bệnh nhân đang gặp phải. Bên cạnh đó, khi sử dụng nhiều kháng sinh và những kháng sinh liều quá cao có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe như suy tủy, suy thận, gây điếc, thậm chí có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Bên cạnh đó, sử dụng thuốc kháng sinh không theo hướng dẫn từ bác sĩ, sử dụng quá liều sẽ dẫn tới làm hạn chế đi hiệu quả của kháng sinh. Nhiều người nghĩ rằng kháng sinh là loại thuốc chữa bách bệnh thế nhưng thực sự không phải vậy, dùng kháng sinh sai mục đích sẽ gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng với cơ thể.

Để hạn chế và tiến tới thay đổi thói quen lạm dụng thuốc kháng sinh của một số người chúng ta cần phải tuân thủ theo nguyên tắc đó là chỉ dùng kháng sinh để chữa những bệnh do vi khuẩn gây ra và chỉ sử dụng khi cần thiết, dưới sự hướng dẫn của bác sĩ. Bên cạnh đó, khi sử dụng kháng sinh cũng cần tuân theo đúng liều lượng được chỉ định, không ngừng giữa chừng kể cả khi đã thuyên giảm hoặc các triệu chứng bệnh biến mất. Ngoài ra, mỗi người cần tự nâng cao nhận thức của mình từ những thói quen nhỏ nhất như tuân theo sự hướng dẫn về sử dụng thuốc của bác sĩ, không mua kháng sinh bừa bãi để sử dụng và nhắc nhở những người xung quanh để họ nhận thấy được tác hại của việc sử dụng kháng sinh bừa bãi.

Có thể nói rằng thuốc kháng sinh vẫn là một loại thuốc tối ưu trong việc chữa các bệnh về nhiễm khuẩn, nhưng việc lạm dụng thuốc kháng sinh sẽ gây ra những vấn đề vô cùng nghiêm trọng không thể chủ quan. Bởi vậy, mỗi chúng ta cần nâng cao ý thức sử dụng thuốc kháng sinh nói riêng và các loại thuốc chữa bệnh nói chung. Hãy tuân theo phác đồ điều trị của bác sĩ và luôn nhớ rằng sử dụng kháng sinh đúng cách là vì tương lai của chính mình.

d) Kiểm tra và chỉnh sửa

Đọc lại bài văn đã viết. Đối chiếu với mục 1. Định hướng và dàn ý trên đây để tự phát hiện và sửa lỗi, cụ thể:

Nội dung kiểm tra

Yêu cầu cụ thể

Bố cục ba phần

- Mở bài: Đã giới thiệu được vấn đề cần thuyết phục chưa?

- Thân bài:

+ Đã giải thích được khái niệm thế nào là thuốc kháng sinh, lạm dụng thuốc kháng sinh chưa? Có chứng minh được hiện trạng lạm dụng thuốc kháng sinh hiện nay không?

+ Đã nêu được những lý do để mọi người nên từ bỏ thói quen lạm dụng thuốc kháng sinh chưa?

+ Có nêu được ý kiến phản biện vấn đề và liên hệ, phát biểu được suy nghĩ riêng của người viết không?

+ Có đề xuất được cách khắc phục tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh không?

- Kết bài: Có khái quát được ý nghĩa của vấn đề không?

Các lỗi còn mắc

Tham khảo yêu cầu đã nêu ở Bài 1 (trang 35).

Đánh giá chung

Tham khảo yêu cầu đã nêu ở Bài 1 (trang 35).

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 10 Cánh diều siêu ngắn, hay khác:

Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 10 hay khác:


Giải bài tập lớp 10 Cánh diều khác