Bài tập về hydrogen halide và các hydrohalic acid lớp 10 (cách giải + bài tập)

Chuyên đề phương pháp giải bài tập về hydrogen halide và các hydrohalic acid lớp 10 chương trình sách mới hay, chi tiết với bài tập tự luyện đa dạng giúp học sinh ôn tập, biết cách làm bài tập về hydrogen halide và các hydrohalic acid.

I. Hệ thống lí thuyết

1. Hydrogen halide

- Hợp chất gồm nguyên tố halogen và nguyên tố hydrogen, có dạng HX, được gọi chung là hydrogen halide.

- Các hydrogen halide đều phân cực, trong đó xu hướng phân cực giảm dần từ HF đến HI.

- Từ hydrogen chloride đến hydrogen iodide nhiệt độ sôi tăng dần, do:

+ Sự tăng khối lượng phân tử từ HCl đến HI.

+ Sự tăng kích thước và số lượng electron trong các phân tử từ HCl đến HI.

- Riêng hydrogen fluoride có nhiệt độ sôi cao bất thường so với các chất còn lại trong dãy do giữa các phân tử hydrogen fluoride còn tạo liên kết hydrogen với nhau:

… F – H … F – H …

2. Hydrohalic acid

- Các hydrogen halide đều dễ tan trong nước, dung dịch hydrogen halide trong nước được gọi là hydrohalic acid (hay các acid HX).

- Tính acid của các dung dịch HX tăng theo dãy từ HF đến HI, trong đó hydrofluoric acid là acid yếu do chỉ phân li một phần trong nước.

3. Tính khử của một số ion halide X-

- Tính khử của các ion X- tăng dần từ Cl- đến I-.

- Ví dụ xét phản ứng của các hợp chất chứa ion Cl-; Br-; I- với H2SO4 đặc:

+ Ion Cl- không thể hiện tính khử.

+ Ion Br- thể hiện tính khử và khử S trong H2SO4 từ số oxi hóa +6 về số oxi hóa +4 trong SO2.

+ Ion I- thể hiện tính khử vàkhử S trong H2SO4 từ số oxi hóa +6 về số oxi hóa -2 trong H2S.

4. Phân biệt các ion halide X-

Sử dụng dung dịch silver nitrate (AgNO3) để phân biệt các ion halide.

- Khi X- là F- thì không thấy hiện tượng xảy ra.

- Khi X- là Cl- thì xuất hiện kết tủa trắng là AgCl (silver chloride).

- Khi X- là Br- thì xuất hiện kết tủa vàng nhạt là AgBr (silver bromide).

- Khi X- là I- thì xuất hiện kết tủa màu vàng là AgI (silver iodide).

II. Bài tập minh họa

Câu 1: Hydrogen halide nào sau đây có nhiệt độ sôi cao nhất?

A. HF.

B. HCl.

C. HBr.

D. HI.

Câu 2: Trong công nghiệp, acid nào sau đây thường được dùng để khắc các chi tiết lên thủy tinh?

A. Hydrochloric acid.

B. Hydrobromic acid.

C. Hydrofluoric acid.

D. Sulfuric acid.

Câu 3: Phản ứng giữa cặp chất nào sau đây là phản ứng oxi hóa – khử?

A. KCl (s) với H2SO4 (aq).

B. KCl (s) với H2SO4 (l).

C. KBr (aq) với H2SO4 (aq).

D. KI (s) với H2SO4 (l).

Câu 4: Dung dịch silver nitrate không tác dụng với dung dịch nào sau đây?

A. NaI.

B. NaF.

C. NaCl.

D. NaBr.

Câu 5: Chọn phát biểu đúng?

A. Các hydrogen halide không tan trong nước.

B. Ion F- và Cl- bị oxi hóa bởi dung dịch H2SO4 đặc.

C. Các hydrohalic acid làm quỳ tím hóa đỏ.

D. Tính acid của các hydrohalic acid giảm dần từ HF đến HI.

Câu 6: Hoàn thiện phát biểu sau: “Trong dãy hydrogen halide, từ HF đến HI, độ bền liên kết …”

A. tăng dần.

B. giảm dần.

C. không đổi

D. tuần hoàn.

Câu 7: Hydrochloric acid đặc thể hiện tính khử khi tác dụng với chất nào sau đây?

A. NaCl.

B. CaCO3.

C. Al.

D. MnO2.

Câu 8: Tính chất nào dưới đây không thể hiện tính acid của hydrochloric acid?

A. Phản ứng với các hydroxide.

B. Hoà tan các oxide của kim loại.

C. Hoà tan một số kim loại.

D. Phản ứng với phi kim.

Câu 9: Trong phòng thí nghiệm, hydrochloric acid đặc có thể được dùng để điều chế khí chlorine theo phản ứng sau:

16HCl(aq) + 2KMnO4(s) → 2MnCl2(aq) + 2KCl(aq) + 8H2O(l) + 5Cl2(g)

Cho bảng giá trị enthalpy tạo thành chuẩn (kJ mol-1) của các chất như dưới đây:

HCl(aq)

KMnO4(s)

MnCl2(aq)

KCl(aq)

H2O(l)

-167

-837

-555

-419

-285

Biến thiên enthalpy chuẩn của phản ứng là

A. 115 kJ.

B. 118 kJ.

C. -118 kJ.

D. 255 kJ.

Câu 10: Nước biển có chứa một lượng nhỏ muối sodium bromide và potassium bromide. Trong việc sản xuất bromine từ các bromide có trong tự nhiên, để thu được 1 tấn bromine phải dùng hết 0,6 tấn chlorine. Hiệu suất phản ứng điều chế bromine từ chlorine là

A. 40,00%.

B. 26,05%.

C. 73,95%.

D. 35,21%.

Câu 11: Cho dung dịch A chứa 1,17g NaCl tác dụng với dung dịch B chứa 5,1g AgNO3 thu được m gam kết tủa. Giá trị của m là

A. 28,70 gam.

B. 43,05 gam.

C. 2,87 gam.

D. 4,31 gam.

Câu 12: Cho từ từ đến hết 10g dung dịch X gồm KF 1,84% và NaCl 1,17%, vào dung dịch AgNO3 dư, thu được m gam kết tủa. Giá trị của m là

A. 0,287 gam.

B. 43,05 gam.

C. 2,870 gam.

D. 4,310 gam.

Câu 13: Để trung hòa 200 ml dung dịch NaOH 1M thì thể tích dung dịch HCl 0,5M cần dùng là

A. 0,5 lít.

B. 0,4 lít.

C. 0,3 lít.

D. 0,6 lít.

Câu 14: Hòa tan 1,3 gam Zinc (Zn)trong dung dịch HCl dư. Sau phản ứng thu được thể tích khí H2 ở điều kiện chuẩn là

A. 0,2479 lít.

B.0,4958 lít.

C. 0,5678 lít.

D. 1,487 lít.

Câu 15: Cho sodium iodide (NaI) tác dụng với potassium permanganate (KMnO4) trong dung dịch sulfuric acid (H2SO4) thu được 3,02 gam manganese (II) sulfate (MnSO4), I2 và Na2SO4. Khối lượng iodine (I2) tạo thành là

A. 1,27 gam. B. 12,7 gam.

C. 2,54 gam. D. 25,4 gam.

Xem thêm các dạng bài tập Hóa học 10 hay, chi tiết khác:

Lời giải bài tập lớp 10 sách mới:


Giải bài tập lớp 10 sách mới các môn học