Lịch Sử 11: Sơ kết lịch sử Việt Nam (1858-1918)



Lịch Sử 11: Sơ kết lịch sử Việt Nam (1858-1918)

Nhằm mục đích giúp học sinh nắm vững kiến thức môn Lịch Sử lớp 11 năm 2021, VietJack biên soạn Lịch Sử 11: Sơ kết lịch sử Việt Nam (1858-1918) theo bài học đầy đủ, chi tiết nội dung lý thuyết, câu hỏi trắc nghiệm và giải các bài tập trong sgk Lịch Sử 11.

A. Lý thuyết bài học

- Từ thế kỉ XVIII đến giữa thế kỉ XIX, chế độ phong kiến Việt Nam đã bước vào giai đoạn khủng hoảng.

+ Những cuộc bạo loạn và khởi nghĩa nông dân bùng phát trên phạm vi cả nước

+ Nền kinh tế tiểu nông bị chế độ chiếm hữu và bóc lột phong kiến lỗi thời kìm hãm nặng nề.

⇒ Yêu cầu lịch sử lúc này là thống nhất đất nước, tạo điều kiện cho nền kinh tế hàng hóa và thị trường dân tộc phát triển, giải phóng sức sản xuất và cải thiện đời sống nhân dân.

- Các nước phương Tây trên con đường phát triển tư bản chủ nghĩa ráo riết bành trướng thế lực sang phương Đông.

- Sau một thời gian dài điều tra, tư bản Pháp đã tìm cách thực hiện âm mưu xâm lược Việt Nam.

- Ngày 1/9/1858, liên quân Pháp-Tây Ban Nha nổ súng đánh vào cửa biển Đà Nẵng, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Sau gần 30 năm (1858 – 1884), với việc sử dụng sức mạnh quân sự kết hợp với các thủ đoạn chính trị - ngoại giao thâm độc, thực dân Pháp đã từng bước hoàn thành quá trình xâm lược Việt Nam.

- Do thiếu đường lối chỉ đạo đúng đắn và quyết tâm kháng chiến của triều đình nhà Nguyễn, cuối cùng Việt Nam đã rơi vào tay thực dân Pháp.

- Trái ngược với thái độ của triều đình Huế, ngay từ đầu nhân dân Việt Nam đã đứng dậy chiến đấu chống Pháp. Cuộc chiến tranh nhân dân bền bỉ, dẻo dai, đều khắp, với tinh thần dũng cảm…. ⇒ lầm chậm quá trình xâm lược và bình định Việt Nam của Pháp.

- Từ năm 1897, thực dân Pháp bắt tay vào công cuộc khai thác thuộc địa quy mô, có hệ thống trên toàn cõi Đông Dương.

⇒ Việt Nam dần dần trở thành một nước nửa thuộc địa nửa phong kiến và biến thành nơi cung cấp sức người, sức của rẻ mạt cho Pháp.

- Công cuộc khai thác thuộc địa của Pháp cũng làm nảy sinh những nhân tố mới, ngoài ý muốn của chúng, như:

+ Sự du nhập của quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa vào Việt Nam.

+ Xuất hiện các giai cấp, tầng lớp mới (công nhân, tư sản, tiểu tư sản)

- Bộ phận sĩ phu đang trên con đường tư sản hóa, đã đóng một vai trò khá quan trọng trong việc tiếp thu những luồng tư tưởng mới để dấy lên một cuộc vận động yêu nước tiến bộ, mang màu dân chủ tư sản ở Việt Nam hồi đầu thế kỉ XX.

- Cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX, con đường cứu nước theo khuynh hướng dân chủ tư sản đã xuất hiện ở Việt Nam, với hai xu hướng chính là: xu hướng bạo động (tiêu biểu là các hoạt động của Phan Bội Châu); xu hướng cải cách (tiêu biểu là các hoạt động của Phan Châu Trinh).

- Tuy nhiên, do tầm nhìn hạn chế và có những trở lực không thế vượt qua, cuối cùng cuộc vận động yêu nước của các sĩ phu đầu thế kỉ XX đã thất bại.

- Trong hơn 10 năm đầu thế kỉ XX vẫn tiếp tục bùng nổ phong trào đấu tranh của nông dân, điển hình là khởi nghĩa Yên Thế và các cuộc nổ dậy của đồng bào các dân tộc thiểu số. Song, cuối cùng, các phong trào đấu tranh ddeuf thất bại.

⇒ Cách mạng Việt Nam rơi vào tình trạng khủng hoảng sâu sắc về đường lối và giai cấp lãnh đạo.

- Năm 1911, Nguyễn Tất Thành đã ra đi tìm con đường cứu nước mới. Những hoạt động của Người trong thời kì này là cơ sở quan trọng để Người xác định con đường cứu nước đúng đắn cho cách mạng Việt Nam.

B. Câu hỏi trắc nghiệm

Câu 1: Duyên cớ để liên quân Pháp- Tây Ban Nha nổ súng xâm lược Việt Nam ngày 1-9-1858 là

A. Chính sách cấm đạo, giết đạo của nhà Nguyễn

B. Nhu cầu về thị trường, nguyên liệu, nhân công

C. Triều đình Nguyễn từ chối nhận quốc thư của chính phủ Pháp

D. Triều đình Nguyễn không cho thương nhân châu Âu đến Việt Nam buôn bán

Đáp án:

Trước dã tâm xâm lược của thực dân Pháp, triều đình Nguyễn đã thi hành chính sách cấm đạo, giết đạo. Điều này đã tạo ra cái cớ bảo vệ những người theo Thiên chúa giáo bị nhà Nguyễn đàn áp để liên quân Pháp- Tây Ban Nha nổ súng xâm lược Việt Nam

Đáp án cần chọn là: A

Câu 2: Hiệp ước nào đánh dấu sự đầu hàng hoàn toàn của triều đình phong kiến trước thế lực xâm lăng?

A. Hác- măng

B. Pa-tơ-nốt

C. Nhâm Tuất

D. Giáp Tuất

Đáp án:

Hiệp ước Pat-tơ-nốt (1884) là hiệp ước cuối cùng, đánh dấu sự đầu hàng hoàn toàn của triều đình Nguyễn trước thế lực xâm lăng, kết thúc giai đoạn tồn tại của Nhà nước phong kiến Việt Nam độc lập

Đáp án cần chọn là: B

Câu 3: Sự thất bại của phong trào yêu nước nào đã chứng tỏ độc lập dân tộc không gắn liền với chế độ phong kiến?

A. Phong trào Cần Vương

B. Phong trào nông dân Yên Thế

C. Cuộc đấu tranh của đồng bào dân tộc thiểu số

D. Khởi nghĩa Thái Nguyên

Đáp án:

Phong trào Cần Vương là phong trảo yêu nước chống Pháp tiêu biểu đứng trên lập trường phong kiến, hướng tới xây dựng một nhà nước với vua hiền, tôi giỏi. Tuy nhiên sự thất bại của phong trào đã chứng tỏ sự bất lực của ngọn cờ phong kiến trước nhiệm vụ giải phóng dân tộc- độc lập dân tộc không gắn liền với chế độ phong kiến

Đáp án cần chọn là: A

Câu 4: Nhân tố nào đã dẫn đến sự chuyển biến của kinh tế- xã hội Việt Nam đầu thế kỉ XX?

A. Chương trình khai thác thuộc địa lần thứ nhất của thực dân Pháp

B. Chiến tranh thế giới thứ nhất

C. Thực dân Pháp hoàn thành quá trình xâm lược, bình định Việt Nam

D. Tư tưởng dân chủ tư sản được du nhập vào Việt Nam

Đáp án:

Sau khi hoàn thành quá trình xâm lược vũ trang và bình định quân sự, thực dân Pháp đã triển khai chương trình khai thác thuộc địa lần thứ nhất. Dưới tác động của cuộc khai thác thuộc địa, phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa được du nhập đã dẫn tới những chuyển biến lớn về kinh tế- xã hội Việt Nam đầu thế kỉ XX

Đáp án cần chọn là: A

Câu 5: Chế độ phong kiến khủng hoảng và nguy cơ bị thực dân phương Tây xâm lược vào giữa thế kỉ XIX đã đặt ra yêu cầu lịch sử gì cho nhà Nguyễn?

A. Kháng chiến chống ngoại xâm để bảo vệ độc lập dân tộc

B. Thống nhất thị trường dân tộc

C. Đưa ra những chính sách để củng cố quân sự.

D. Tiến hành cải cách để nâng cao sức nước, sức dân và có chính sách ngoại giao phù hợp

Đáp án:

Đến giữa thế kỉ XIX, Việt Nam phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. Chế độ phong kiến ở trong tình trạng khủng hoảng trầm trọng. Các nước thực dân phương Tây nhòm ngó và chuẩn bị xâm lược Việt Nam. Tình hình đó đòi hỏi nhà Nguyễn phải tiến hành cải cách để giải phóng sức sản xuất, nâng cao sức nước sức dân, đồng thời có chính sách đối ngoại phù hợp với các nước thực dân phương Tây

Đáp án cần chọn là: D

Câu 6: Đâu không phải là nguyên nhân làm cho các sĩ phu tiến bộ trở thành lực lượng lãnh đạo phong trào yêu nước cách mạng đầu thế kỉ XX?

A. Giai cấp tư sản và tiểu tư sản chưa ra đời

B. Giai cấp công nhân còn non yếu

C. Các sĩ phu yêu nước là lực lượng thức thời nhất.

D. Là lực lượng chính trị duy nhất có hệ tư tưởng của riêng mình

Đáp án:

Đầu thế kỉ XX, trước yêu cầu của nhiệm vụ giải phóng dân tộc, trong bối cảnh giai cấp tư sản và tiểu tư sản chưa ra đời, giai cấp công nhân còn non yếu, các sĩ phu yêu nước là lực lượng thức thời nhất thời điểm đó, đang mong muốn tìm kiếm một con đường cứu nước mới cho dân tộc đã vượt lên trên những hạn chế của giai cấp và thời đại, nắm lấy ngọn cờ lãnh đạo phong trào yêu nước cách mạng đầu thế kỉ XX

Đáp án D: không phải nguyên nhân làm cho các sĩ phu tiến bộ trở thành lực lượng lãnh đạo phong trào yêu nước cách mạng đầu thế kỉ XX.

Đáp án cần chọn là: D

Câu 7: Nguyên nhân chủ yếu khiến nhà Nguyễn khước từ những đề nghị cải cách, canh tân đất nước cuối thế kỉ XIX là

A. Thực dân Pháp đã tiến hành xâm lược Việt Nam, phải tập trung chống Pháp

B. Việt Nam không có cơ sở để tiến hành cải cách

C. Triều đình Nguyễn đặt quyền lợi của dòng họ lên trên quyền lợi của dân tộc

D. Các đề nghị cải cách không có tác dụng thực tế với tình hình đất nước.

Đáp án:

Nguyên nhân chủ yếu khiến nhà Nguyễn khước từ những đề nghị cải cách, canh tân đất nước cuối thế kỉ XIX là do triều đình Nguyễn đặt quyền lợi của dòng họ lên trên quyền lợi của dân tộc. Vì trong thực tế có những cải cách nằm trong khả năng thực hiện của nhà Nguyễn nhưng họ lại không đồng ý tiến hành

Đáp án cần chọn là: C

Câu 8: Điểm khác biệt cơ bản giữa những đề nghị cải cách cuối thế kỉ XIX với cuộc vận động duy tân đầu thế kỉ XX là

A. Mục tiêu

B. Người đề xướng

C. Cách thức, phương pháp tiến hành

D. Kết quả

Đáp án:

Điểm khác biệt cơ bản giữa những đề nghị cải cách cuối thế kỉ XIX với cuộc vận động duy tân đầu thế kỉ XX là mục tiêu

- Cuối thế kỉ XIX, những đề nghị cải cách duy tân được đưa ra nhằm cải thiện tình hình đất nước để có thể đương đầu với cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và vẫn chỉ nằm trong khuôn khổ của chế độ phong kiến

- Đầu thế kỉ XX, cuộc vận động Duy Tân được ví như một cuộc cách mạng thay đổi mọi mặt đời sống xã hội và hướng tới giành độc lập dân tộc với cải biến xã hội.

Đáp án cần chọn là: A

Câu 9: Đầu thế kỉ XX ở Việt Nam không thể bùng nổ một cuộc cách mạng tư sản xuất phát từ nguyên nhân sâu xa nào sau đây?

A. Sự đàn áp của thực dân Pháp

B. Việt Nam thiếu đi cơ sở kinh tế- xã hội đủ mạnh

C. Hạn chế của bản thân giai cấp tư sản.

D. Giai cấp tư sản và tiểu tư sản chưa ra đời

Đáp án:

Nguyên nhân sâu sa dẫn đến đầu thế kỉ XX ở Việt Nam không thể bùng nổ một cuộc cách mạng tư sản là do Việt Nam thiếu đi cơ sở kinh tế- xã hội đủ mạnh. Phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa du nhập không hoàn toàn làm cho nền kinh tế Việt Nam có sự chuyển biến nhưng chỉ mang tính chất cục bộ ở một số vùng, còn lại vẫn trong tình trạng lạc hậu, phát triển thiếu cân đối, ngày càng lệ thuộc vào tư bản Pháp. Về xã hội giai cấp tư sản, tiểu tư sản chưa ra đời, các sĩ phu tiến bộ không thể vượt qua được những hạn chế của giai cấp và thời đại ⇒ chỉ tạo ra được một cuộc vận động theo khuynh hướng dân chủ tư sản chứ chưa có khả năng làm bùng nổ một cuộc cách mạng tư sản thực sự

Đáp án cần chọn là: B

Câu 10: “Đất nước đẹp vô cùng. Nhưng Bác phải ra đi Cho tôi làm sóng dưới con tàu đưa tiễn Bác Khi bờ bãi dần lui làng xóm khuất Bốn phía nhìn không một bóng hàng tre” Những câu thơ trên nhắc đến sự kiện lịch sử gì?

A. Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước

B. Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời

C. Nguyễn Ái Quốc tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc

D. Nguyễn Ái Quốc trở về Việt Nam

Đáp án:

Những câu thơ trên nằm trong bài thơ “Người đi tìm hình của nước” của nhà thơ Chế Lan Viên, nhắc đến sự kiện ngày 5-6-1911, Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước

Đáp án cần chọn là: A

Câu 11: Từ chính sách ngoại giao sai lầm của nhà Nguyễn, Việt Nam rút ra bài học gì trong công cuộc đổi mới hiện nay?

A. Đổi mới phát triển kinh tế gắn với mở cửa, tăng cường hợp tác để phát triển toàn diện.

B. Cải cách toàn diện triệt để.

C. Mở cửa cải cách, tự do tín ngưỡng.

D. Tự do tôn giáo.

Đáp án:

- Chính sách ngoại giao của nhà Nguyễn nửa đầu thế kỉ XIX: có nhiều sai lầm, đặc biệt là chính sách cấm đạo, đuổi giáo sĩ phương Tây, gây ra những mâu thuẫn, làn rạn nứt khối đoàn kết dân tộc, gây bất lợi cho sự nghiệp kháng chiến sau này.

- Việt Nam trong công cuộc đổi mới hiện nay cần phải chú ý rút ra một số bài học kinh nghiệm từ những sai lầm đó để đề ra những đường lối đúng đắn phù hợp với tình hình thế giới và trong nước trong chính sách ngoại giao nói riêng và trong đường lối phát triển đất nước về mọi mặt nói chung, đặc biệt là tập trung phát triển kinh tế gắn liền với mở cửa, tăng cường hợp tác để phát triển toàn diện hơn. Mở cửa không chỉ hòa chung với xu thế chung của thế giới mà còn học hỏi được thành tựu khoa học - kĩ thuật, trình độ quản lí và thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Cải cách và đổi mới giúp Việt Nam tăng trường nhanh, phát triển bền vững, có khả năng cạnh tranh với thị trường thế giới.

Đáp án cần chọn là: A

Câu 12: Thực dân Pháp đã sử dụng thủ đoạn chủ yếu nào trong quá trình xâm lược Việt Nam từ năm 1858 đến 1884

A. Quân sự kết hợp kinh tế.

B. Quân sự kết hợp chính trị.

C. Chính trị kết hợp kinh tế.

D. Kinh tế kết hợp ngoại giao.

Đáp án:

Trong quá trình xâm lược Việt Nam cuối thế kỉ XIX (1858 – 1884), thực dân Pháp đã:

- Dùng thủ đoạn tấn công quân sự: Tấn công Đà Nẵng (1858) → Gia Định (1859) → Đông Nam Kì → Tây Nam Kì → Bắc Kì lần 1 (1873) → Bắc Kì lần 2 (1882) → Cửa biển Thuận An (1883).

- Kết hợp với thủ đoạn chính trị: buộc triều Nguyễn kí với Pháp các hiệp ước đầu hàng, chinh phục từng bước Việt Nam: Hiệp ước Nhâm Tuất (1862) → Giáp Tuất (1874) → Hácmăng (1883) → Patơnốt (1884)

Đáp án cần chọn là: B

Câu 13: Tính chất cách mạng của phong trào yêu nước từ đầu thế kỉ XX đến hết Chiến tranh thế giới thứ nhất ở Việt Nam được biểu hiện chủ yếu ở

A. Mục tiêu đấu tranh.

B. Lực lượng tham gia.

C. Địa bàn hoạt động.

D. Lực lượng lãnh đạo.

Đáp án:

So với phong trào yêu nước cuối thế kỉ XIX, phong trào yêu nước ở Việt Nam đầu thế kỉ XX cho đến trước chiến tranh thế giới thứ nhất không đơn thuần là chỉ chống Pháp bằng bạo động vũ trang mà còn gắn liền với đẩy mạnh cải cách, canh tân đất nước, xây dựng xã hội tiến bộ hơn. Tiêu biểu là phong trào Duy tân của Phan Châu Trinh, thực hiện những cải cách về kinh tế - xã hội, nâng cao dân trí, dân quyền, gắn liền giáo dục lòng yêu nước, đấu tranh cho dân tộc thoát khỏi ách thống trị của ngoại xâm. Hay phong trào Đông kinh nghĩa thục – mở trường học và đưa vào nội dung học tập mới, trở thành trung tâm của phong trào Duy tân ở Bắc Kì. Duy tân đất nước mới khiến thực lực đất nước mạnh hơn, tạo điều kiện quan trọng chống lại kẻ thù.

⇒ Mục tiêu giải phóng dân tộc gắn với duy tân là nội dung thể hiện tính chất cách mạng, cũng là điểm mới tiến bộ của phong trào đấu tranh theo khuynh hướng dân chủ tư sản ở Việt Nam đầu thế kỉ XX so với giai đoạn trước.

Đáp án cần chọn là: A

Câu 14: Dựa vào các thông tin được cung cấp dưới đây để trả lời các câu hỏi sau: Từ năm 1897, sau khi đàn áp cuộc khởi nghĩa cuối cùng trong phong trào Cần Vương là khởi nghĩa Hương Khê và tiến hành giảng hòa với Hoàng Hoa Thám ở Yên Thế, thực dân Pháp bắt tay vào công cuộc khai thác thuộc địa quy mô, có hệ thống trên toàn cõi Đông Dương. Việt Nam dần dần trở thành một nước nửa thuộc địa nửa phong kiến và biến thành nơi cung cấp sức người, sức của rẻ mạt cho Pháp. Để đảm bảo lợi nhuận tối đa, thực dân Pháp đặt thêm nhiều thứ thuế mới, nặng hơn các thứ thuế của triều đình Huế trước kia. Chúng ra sức kìm hãm sự phát triển của Việt Nam, cột chặt nền kinh tế Việt Nam vào kinh tế chính quốc. Tuy nhiên, công cuộc khai thác thuộc địa của Pháp cũng làm nảy sinh những nhân tố mới, ngoài ý muốn của chúng. Vào đầu thế kỉ XX, ở Việt Nam đã xuất hiện những thành phần kinh tế tư bản chủ nghĩa, dù còn non yếu. Thành thị mọc lên. Một số cơ sở công nghiệp ra đời. Cơ cấu kinh tế biến động, một số tầng lớp mới xuất hiện. Giai cấp công nhân Việt Nam thời kì này vẫn đang trong giai đoạn tự phát. Tư sản và tiểu tư sản thành thị lớn lên cùng với sự nảy sinh các nhân tố mới, song vẫn chưa trở thành giai cấp thực thụ. Mặc dù vậy, các tầng lớp xã hội này, đặc biệt là bộ phận sĩ phu đang trên con đường tư sản hóa, đã đóng một vai trò khá quan trọng trong việc tiếp thu những luồng tư tưởng mới để dấy lên một cuộc vận động yêu nước tiến bộ, mang màu dân chủ tư sản ở nước ta hồi đầu thế kỉ XX. (Nguồn Lịch Sử 11, trang 155)

Lực lượng xã hội nào đã có đóng góp quan trọng đối với phong trào yêu nước ở Việt Nam trong thập niên đầu thế kỉ XX?

A. Công nhân, nông dân.

B. Trí thức, Tiểu tư sản thành thị.

C. Trí thức Nho học.

D. Tư sản dân tộc.

Đáp án:

Dưới tác động của cuộc khai thác thuộc địa, xã hội Việt Nam có nhiều biến đổi. Trong đó, bộ phận sĩ phu đang trên con đường tư sản hóa (hay nói cách khác là trí thức Nho học) đã đóng vai trò khá quan trọng trong tiếp thu luồng tư tưởng mới, để dấy lên một cuộc vận động yêu nước tiến bộ, mang màu sắc dân chủ tư sản.

Có thể kể đến những cái tên tiêu biểu trong giới trí thức Nho học, tiếp thu luồng tư tưởng dân chủ tư sản như: Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh - tiêu biểu cho phong trào dân chủ tư sản đầu thế kỉ XX.

Đáp án cần chọn là: C

Câu 15: Dựa vào các thông tin được cung cấp dưới đây để trả lời các câu hỏi sau: Năm 1897, chính phủ Pháp cử Pôn Đu-me sang làm Toàn quyền Đông Dương để hoàn thiện bộ máy thống trị và tiến hành cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất. Nổi bật là chính sách cướp đoạt ruộng đất. Năm 1897, thực dân Pháp ép triều đình nhà Nguyễn “nhượng” quyền “khai khẩn đất hoang” cho chúng. Ban đầu, tư bản Pháp tập trung vào việc khai thác mỏ (than đá, thiếc, kẽm,…) ở Hòn Gai, Thái Nguyên, Tuyên Quang,… Bên cạnh đó, những cơ sở nông nghiệp, phục vụ đời sống như điện, nước, bưu điện,… cũng lần lượt ra đời. Chính quyền thuộc địa chú ý đến việc xây dựng hệ thống giao thông, vừa phục vụ công cuộc khai thác lâu dài, vừa phục vụ mục đích quân sự. Với cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất, phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa từng bước du nhập vào Việt Nma. Tuy vậy, khi tiến hành khai thác, thực dân Pháp vẫn duy trì phương thức bóc lột phong kiến trong mọi lĩnh vực kinh tế và đời sống xã hội. Những biến đổi trong cơ cấu kinh tế Việt Nam dưới tác động của cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất của Pháp đã kéo theo sự biến đổi về mặt xã hội. Các giai cấp cũ biến đổi, một số tầng lớp mới xuất hiện. Giai cấp công nhân Việt Nam thời kì này vẫn đang trong giai đoạn tự phát. Tư sản và tiểu tư sản thành thị lớn lên cùng với sự nảy sinh các nhân tố mới, song vẫn chưa trở thành giai cấp thực thụ. Mặc dù vậy, các tầng lớp xã hội này, đặc biệt là bộ phận sĩ phu đang trên con đường tư sản hóa, đã đóng một vai trò khá quan trọng trong việc tiếp thu những luồng tư tưởng mới để dấy lên một cuộc vận động yêu nước tiến bộ, mang màu dân chủ tư sản ở nước ta hồi đầu thế kỉ XX. (Nguồn Lịch Sử 11, trang 137, 155)

Vì sao thực dân Pháp chú trọng xây dựng hệ thống giao thông trong cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất?

A. Khuyếch trương hình ảnh hiện đại của nền văn minh Pháp.

B. Tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho người dân.

C. Phục vụ cho công cuộc khai thác, bóc lột và quân sự.

D. Tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển ngoại thương.

Đáp án:

Cho đến trước khi thực dân Pháp tiến hành cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất, cơ sở hạ tầng ở Đông Dương còn rất lạc hậu, không thể đáp ứng được yêu cầu của cuộc khai thác. Do đó để phục vụ cho công cuộc khai thác, bóc lột và đàn áp các cuộc khởi nghĩa của nhân dân (quân sự), Pháp đã chú trọng xây dựng hệ thống giao thông vận tải, đặc biệt là đường sắt. Tính đến năm 1912, tổng chiều dài đường sắt đã làm xong ở Việt Nam là 2 059 km. Đường bộ được mở rộng đến những khu vực hầm mỏ, đồn điền, bến cảng và các vùng biên giới trọng yếu. Nhiều cây cầu lớn được xây dựng như: cầu Long Biên (Hà Nội), cầu Tràng Tiền (Huế), cầu Bình Lợi (Sài Gòn),…

Đáp án cần chọn là: C

Câu 16: Dựa vào các thông tin được cung cấp dưới đây để trả lời các câu hỏi sau: Cuối thế kỉ XIX, ngọn cờ phong kiến đã tỏ ra lỗi thời. Giữa lúc đó, trào lưu tư tưởng dân chủ tư sản bắt đầu dội vào Việt Nam qua Nhật Bản, Trung Quốc và Pháp. Đang trong lúc bế tắc về tư tưởng, các sĩ phu yêu nước Việt Nam thời đó đã hồ hởi đón nhận những ảnh hưởng của trào lưu tư tưởng mới. Họ cổ súy cho “văn minh tân học” và mở cuộc vận động đổi mới trên nhiều lĩnh vực: kinh tế, chính trị, tư tưởng, văn hóa. Tuy nhiên, do tầm nhìn hạn chế và có những trở lực không thể vượt qua, cuối cùng cuộc vận động yêu nước của các sĩ phu đầu thế kỉ XX đã thất bại. Bên cạnh cuộc vận động yêu nước theo khuynh hướng dân chủ tư sản, trong hơn 10 năm đầu thế kỉ XX vẫn tiếp tục bùng nổ phong trào đấu tranh của nông dân, điển hình là khởi nghĩa Yên Thế và các cuộc nổi dậy của đồng bào các dân tộc thiểu số. Trong những năm Chiến tranh thế giới thứ nhất, phong trào cách mạng Việt Nam rơi vào tình trạng khủng hoảng sâu sắc về đường lối và giai cấp lãnh đạo. Nhiều cuộc đấu tranh, nhất là các cuộc đấu tranh của nông dân và binh lính, bị mất phương hướng, bị đàn áp đẫm máu và thất bại nhanh chóng. Chính trong bối cảnh lịch sử đó, Nguyễn Tất Thành đã ra đi tìm con đường cứu nước mới. Những hoạt động của Người trong thời kì này là cơ sở quan trọng để Người xác định con đường cứu nước đúng đắn cho cách mạng Việt Nam. (Nguồn Lịch Sử 11, trang 156)

Những năm cuối thế kỉ XIX- đầu thế kỉ XX, tư tưởng tiến bộ từ những nước nào đã ảnh hưởng đến Việt Nam?

A. Các nước ở khu vực Đông Nam Á.

B. Nhật Bản và Trung Quốc.

C. Anh và Pháp.

D. Ấn Độ và Trung Quốc.

Đáp án:

Vào đầu thế kỉ XX, cùng với sự xuất hiện của tầng lớp tư sản và tiểu tư sản, nhiều Tân thư, Tân báo của Trung Hoa cổ động cho tư tưởng dân chủ tư sản được đưa vào nước ta. Thêm nữa là những tư tưởng đổi mới của Nhật Bản sau cuộc Duy tân Minh Trị (1868) ngày càng củng cố niềm tin của họ vào con đường cách mạng tư sản.

⇒ Những năm cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX, tư tưởng tiến bộ từ Trung Quốc và Nhật Bản đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến Việt Nam.

Đáp án cần chọn là: B

C. Giải bài tập sgk

Xem thêm các bài học Lịch Sử lớp 11 đầy đủ, chi tiết khác:




Giải bài tập lớp 11 sách mới các môn học