Phiếu bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 4 Tuần 20 có đáp án (5 phiếu)

Phiếu bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 4 Tuần 20 có đáp án (Phiếu số 1)

Thời gian: 45 phút

Đề bài:

Câu 1: Trong cuộc chiến đấu với yêu tinh, anh em Cẩu Khây mỗi người đã làm những việc gì?

1. Cẩu Khây

a. ngả cây khoét máng, khơi dòng nước chảy

2. Nắm Tay Đóng Cọc

b. nhổ cây bên đường quật túi bụi

3. Lấy Tai Tát Nước

c. đấm gẫy răng yêu tinh, đóng  cọc be bờ

4. Móng Tay Đục Máng

d. tát nước ầm ầm qua núi


Câu 2: Vì sao anh em Cẩu Khây chiến thắng được yêu tinh?

a) Anh em Cẩu Khây có sức khỏe và tài năng phi thường: đánh yêu tinh bị thương, phá phép thần thông của nó

b) Anh em Cẩu Khây gặp may mắn và giúp đỡ của ông trời

c) Nhờ bà cụ đã đánh thuốc mê khiến yêu tinh không tỉnh táo khi bước vào trận chiến

d) Dũng cảm, đồng tâm hiệp lực chiến đấu với yêu tinh

Câu 3: Vì sao có thể nói hình ảnh con người chiếm vị trí nổi bật trên hoa văn trống đồng?

A. Vì trên mặt trống đồng chỉ có hình ảnh hoạt động của con người

B. Vì hình ảnh hoạt động của con người luôn được vẽ ở chính giữa mặt trống đồng

C. Vì hình ảnh hoạt động của con người là những hình ảnh nổi rõ nhất trên hoa văn

D. Vì hình ảnh hoạt động của con người được vẽ chèn lên hình ngôi sao nhiều cánh

Câu 4: Ý nghĩa bài văn Trống đồng Đông Sơn?

A. Bộ sưu tập trống đồng Đông Sơn rất phong phú, đa dạng với hoa văn rất đặc sắc, là niềm tự hào chính đáng của người Việt Nam.

B. Những hình vẽ, hoa văn và họa tiết trên trống đồng rất đẹp

C. Chim Lạc, chim Hồng là biểu tượng của dân tộc ta.

D. Chính giữa mặt trống đồng là hình ngôi sao nhiều cánh

Câu 5: Phát hiện lỗi sai trong câu sau và sửa lại cho đúng

a. Tôi yêu ánh nắng triều tà chải màu vàng suốc dọc chiền núi.

b. Tôi yêu tiếng truông chùa ngân chong mỗi canh khuya.

Câu 6: Giải câu đố sau biết rằng tên đồ vật có chứa vần uôt hoặc uôc

Đi đâu cũng phải có nhau

Một phải một trái không bao giờ rời

Cả hai cùng mến yêu người

Theo chân đi khắp mọi nơi xa gần.

(là cái gì)

Câu 7: Viết một đoạn văn khoảng 5 câu kể về công việc trực nhật lớp của tổ em, trong đó có dùng kiểu câu Ai làm gì?

Câu 8: Câu tục ngữ sau nói lên điều gì?

Ăn được ngủ được là tiên

Không ăn không ngủ mất tiền thêm lo

Câu 9: Nối cột bên trái với cột bên phải để được nội dung cần thực hiện trong từng phần mở bài, thân bài, kết bài

1. Mở bài

a. Cảm nhận về sự vật được miêu tả

2. Thân bài

b. Miêu tả theo một trình tự sẵn có

3. Kết bài

c. Giới thiệu về sự vật được miêu tả

Câu 10: Viết bài văn tả chiếc cặp sách của em

Đáp án:

Câu 1:

1 – b: Cẩu Khây - nhổ cây bên đường quật túi bụi

2 – c: Nắm Tay Đóng Cọc - đấm gẫy răng yêu tinh, đóng  cọc be bờ

3 – d: Lấy Tai Tát Nước - tát nước ầm ầm qua núi

4 – a: Móng Tay Đục Máng - a. ngả cây khoét máng, khơi dòng nước chảy

Đáp án đúng: 1 – b, 2 – c, 3 – d, 4 – a

Câu 2:

Anh em Cẩu Khây chiến thắng được yêu tinh là vì:

- Anh em Cẩu Khây có sức khỏe và tài năng phi thường: đánh yêu tinh bị thương, phá phép thần thông của nó

- Dũng cảm, đồng tâm hiệp lực chiến đấu với yêu tinh

Câu 3:

Vì những hình ảnh về hoạt động của cn người là những hình ảnh nổi rõ nhất trên hoa văn. Những hình ảnh khác (ngôi sao, hình tròn, hình chim bay, ghép đôi muôi thú,…) chỉ góp phần thể hiện con người – con người lao động làm chủ, hòa mình với thiên nhiên; con người nhân hậu, con người khát khao cuộc sống ấm no.

Đáp án đúng: C. Vì hình ảnh hoạt động của con người là những hình ảnh nổi rõ nhất trên hoa văn

Câu 4:

Ý nghĩa bài văn Trống đồng Đông Sơn:

Bộ sưu tập trống đồng Đông Sơn rất phong phú, đa dạng với hoa văn rất đặc sắc, là niềm tự hào chính đáng của người Việt Nam.

Đáp án đúng: A.

Câu 5:

a) Tôi yêu ánh nắng triềuchải màu vàng suốc dọc chiền núi.

Lỗi sai và sửa lại: triều -> chiều, chải -> trải, suốc -> suốt, chiền -> triền

b) Tôi yêu tiếng truông chùa ngân thăm thẳm chong mỗi canh khuya.

phát hiện lỗi sai và sửa lại: truông -> chuông, chong -> trong

Câu 6:

Đáp án là đôi guốc

Câu 7:

Thứ năm tổ em được phân công trực nhật lớp. Ngày hôm ấy, các thành viên trong tổ đều đến sớm hơn ngày thường. Bạn Hùng xung phong lau bảng. Hoa quét lớp sạch sẽ. Nam nhanh nhẹn đi nhặt những mảnh giấy, rác trong phòng. Ai nấy đều hăng say làm việc.

Câu 8:

Câu tục ngữ này cho thấy: Những người ăn được, ngủ được thì sẽ có được sức khỏe tốt, sung sướng chẳng kém gì tiên. Những người ăn ngủ không ngon thì không những mất tiền (do bị bệnh) mà còn mang nỗi lo vào mình.

Câu 9:

1 – c: Mở bài – Giới thiệu về sự vật được miêu tả

2 – b: Thân bài – Miêu  tả theo một trình tự sẵn có

3 – a: Kết bài – Cảm nhận về sự vật được miêu  tả

Câu 10:

            Đồ vật gần gũi và thân thuộc nhất đối với mỗi người học sinh có lẽ là chiếc cặp sách. Bước chân tung tăng tới trường ai ai cũng đều khoác trên vai chiếc cặp sách xinh xinh. Em cũng giống như vậy. Em rất yêu chiếc cặp sách của em. Đó là món quà mà mẹ tặng cho em nhân dịp năm học mới. Cũng là người bạn thân thiết của em.

            Chiếc cặp của em có hình hộp chữ nhật. Cặp đủ to và rộng để em có thể đem đủ sách vở cho mỗi ngày đến trường. Nó được làm bằng vải bò, chất liệu bền và không dễ bị rách. Có hai quai đeo phía sau để em có thể đeo lên vai mỗi khi tới trường.

            Mẹ thật tinh ý khi lựa cặp màu xanh lam cho em, đó là màu sắc mà em vô cùng yêu thích. Màu xanh là màu của niềm tin và hy vọng. Em bước vào năm học mới với biết bao kì vọng và mong mỏi gặt hái được thật nhiều thắng lợi. Phía trước cặp có thêu hình chú mèo con đáng yêu đang tung tăng trên đường. Em tuổi mèo và em cũng rất thích mèo. Mỗi lần ngắm nhìn chiếc cặp là em lại đưa tay mân mê chú mèo con xinh xinh ấy. Phía đường viền nắp cặp có màu vàng. Trên nền xanh lại có viền vàng nhìn rất nổi bật và bắt mắt. Từng mũi may được máy một cách tỉ mỉ và tinh xảo. Khóa của cặp được làm bằng sắt xi bóng nhoáng không sợ bị hoen gỉ. Mặt sau của chiếc cặp cũng là màu lam nhưng đậm hơn ở phía trước. Mẹ nói màu đậm như thế này nhìn rất sạch sẽ, dù con có lỡ dây bẩn cũng khó nhìn ra. Dây quai cặp cũng là màu xanh đậm, có lót đệm nên rất êm. Những ngày phải mang nhiều sách vở đến lớp khoác trên vai chiếc cặp em không hề cảm thấy đau một chút nào.

            Mở cặp ra phía bên trong cặp có ba ngăn, một ngăn chính và hai ngăn phụ. Mỗi ngăn được ngăn cách bởi một lớp vải dù , mềm và chắc. Ngăn chính em xếp sách vở ngay ngắn, gọn gàng vào. Hai ngăn phụ em để dành xếp giấy tờ và dụng cụ học tập. Bố trí khoa học như vậy nên mỗi lúc em mở cặp để tìm kiếm đồ vật gì đều không phải mất quá nhiều thời gian. Đóng nắp cặp lại em còn được nghe tiếng kêu lách tách, nghe thật sự rất vui tai.

            Chiếc cặp sách là một vật vô cùng hữu ích. Nó giúp em bảo quản sách vở, chứa đựng nguồn tri thức của em. Cặp đồng hành với em mỗi ngày nắng mưa tới trường. Em coi cặp giống như người bạn thân của em. Em sẽ giữ gìn thật cẩn thận để cặp luôn được bền và đẹp.

Phiếu bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 4 Tuần 20 có đáp án (Phiếu số 2)

Thời gian: 45 phút

Đề bài:

Phần 1. Đọc hiểu

Nét mới ở Vĩnh Sơn

Vĩnh Sơn là một xã miền núi thuộc huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định; đồng bào phần lớn là người dân tộc Ba-na. Vốn là xã có nhiều khó khăn nhất huyện, đói nghèo đeo đẳng quanh năm, cuộc sống ở xã vùng cao này giờ đây đã có nhiều đổi khác.

Nét nổi bật nhất ở Vĩnh Sơn hôm nay là người dân đã biết trồng lúa nước. Ngày trước chỉ quen phát rẫy làm nương nay đây mai đó, giờ đây toàn xã đã trồng lúa nước hai vụ một năm với năng suất khá cao. Bà con trong xã không những không lo thiếu ăn, mà còn có lương thực để chăn nuôi.

Một điều nổi bật nữa ở Vĩnh Sơn là phát triển nghề nuôi cá. Nhiều ao hồ được người dân dùng nuôi cá với sản lượng hằng năm tới hai tấn rưỡi trên một héc-ta. Ước muốn của người dân vùng cao chở cá ngược về xuôi bán đã trở thành hiện thực.

Nhờ phát triển kinh tế, đời sống người dân được cải thiện rõ rệt. Trong xã, cứ 10 hộ thì 9 hộ có điện dùng, 8 hộ có phương tiện nghe – nhìn, 3 hộ có xe máy. Đầu năm học 2000 – 2001, số học sinh đến trường tăng gấp rưỡi so với năm học trước.

(theo báo Nhân dân)

Câu 1. Em hãy khoanh tròn vào chữ cái đứng trước câu trả lời đúng:

1. Người dân sống ở xã Vĩnh Tường chủ yếu thuộc dân tộc nào?

A. Dân tộc Ba-na

B. Dân tộc Mường

C. Dân tộc H-mông

2. Trước đây, cuộc sống của người dân ở xã Vĩnh Tường có đặc điểm gì?

A. Có cuộc sống thoải mái, dư dả về lương thực

B. Có nhiều khó khăn, đói nghèo đeo đẳng quanh năm

C. Có nhiều của cải, cuộc sống giàu sang

3. Sau khi chuyển sang trồng lúa nước, cuộc sống của người dân xã Vĩnh Tường thay đổi như thế nào?

A. Người dân có lương thực vừa đủ để ăn, không thừa ra chút nào

B. Người dân không có đủ lượng thực để ăn, trở nên thiếu thốn vô cùng

C. Người dân có lương thực để ăn, thậm chí còn thừa để chăn nuôi

4. Người dân xã Vĩnh Tường đã không phát triển ngành nghề nào sau đây:

A. Trồng lúa nước

B. Nghề may nón

C. Nghề nuôi cá

Câu 2. Cuộc sống của người dân xã Vĩnh Tường đã có những thay đổi tích cực rõ rệt, nhờ sự phát triển của kinh tế. Em hãy kể những thay đổi trong đời sống của người dân nơi đây.

….………………………………………………………..….……

….………………………………………………………..….……

….………………………………………………………..….……

Phần 2. Luyện tập

Câu 1. Chính tả

1. Nghe - viết

Nét nổi bật nhất ở Vĩnh Sơn hôm nay là người dân đã biết trồng lúa nước. Ngày trước chỉ quen phát rẫy làm nương nay đây mai đó, giờ đây toàn xã đã trồng lúa nước hai vụ một năm với năng suất khá cao. Bà con trong xã không những không lo thiếu ăn, mà còn có lương thực để chăn nuôi.

2. Bài tập

a. Điền vào chỗ trống tr hoặc ch

phiên __ợ

chàng __ai

rừng __àm

__ấp nhận

__ăn trở

luyện __ữ

b. Điền vào chỗ trống anh hoặc ênh (và dấu thanh phù hợp)

l____ lẽo

ra l____

c____ phòng

khám b____

ch____mảng

th____ phố

Câu 2. Luyện từ và câu

1. Cho đoạn văn sau:

Tiết đầu tiên của hôm nay là tiết Âm nhạc. Đầu tiên, cô giáo hát mẫu cho chúng em nghe bài hát của ngày hôm nay. Sau đó, chúng em tập hát theo cô từng câu một. Sau một hồi tập luyện, chúng em nhanh chóng quen với bài hát. Thấy vậy, cô giáo mời từng nhóm một đứng dậy hát cho cả lớp nghe. Cứ thế, tiết học diễn ra trong sự vui vẻ và thích thú của mọi người.

a. Tìm các câu kể Ai làm gì? có trong đoạn văn trên.

….………………………………………………………..….……

….………………………………………………………..….……

b. Xác định bộ phận chủ ngữ, bộ phận vị ngữ của các câu vừa tìm được.

….………………………………………………………..….……

….………………………………………………………..….……

2. Em hãy liệt kê ít nhất 5 môn thể thao mà mình biết. Chọn một trong các từ vừa tìm được rồi đặt câu.

….………………………………………………………..….……

….………………………………………………………..….……

….………………………………………………………..….……

….………………………………………………………..….……

Câu 3. Tập làm văn

Em hãy viết một bài văn tả lại chiếc thước kẻ của mình

….………………………………………………………..….……

….………………………………………………………..….……

….………………………………………………………..….……

….………………………………………………………..….……

Đáp án:

Phần 1. Đọc hiểu

Câu 1.

1. A

2. B

3. C

4. B

Câu 2.

Cứ 10 hộ thì 9 hộ có điện dùng, 8 hộ có phương tiện nghe – nhìn, 3 hộ có xe máy. Đầu năm học 2000 – 2001, số học sinh đến trường tăng gấp rưỡi so với năm học trước.

Phần 2. Luyện tập

Câu 1. Chính tả

1. Nghe - viết

HS viết đúng, đủ các tiếng theo quy tắc chính tả

Chữ viết đẹp, đúng ô li, đủ nét

Trình bày sạch sẽ, gọn gàng

2. Bài tập

a.

phiên ch

chàng trai

rừng tràm

chấp nhận

trăn trở

luyện ch

b.

lạnh lẽo

ra lệnh

canh phòng

khám bệnh

chểnh mảng

thành phố

Câu 2. Luyện từ và câu

a.

Đầu tiên, cô giáo hát mẫu cho chúng em nghe bài hát của ngày hôm nay.

Sau đó, chúng em tập hát theo cô từng câu một.

Thấy vậy, cô giáo mời từng nhóm một đứng dậy hát cho cả lớp nghe.

b.

Đầu tiên/ cô giáo / hát mẫu cho chúng em nghe bài hát của ngày hôm nay.

Sau đó/ chúng em / tập hát theo cô từng câu một.

Thấy vậy/ cô giáo / mời từng nhóm một đứng dậy hát cho cả lớp nghe.

2.

Gợi ý:

- Tên môn thể thao: bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, bóng bàn, cầu lông, điền kinh, đấu kiếm, nóm bóng, bơi lội, nhảy xa, nhảy cao, đấu vật, tennis…

- Đặt câu:

Ở trường, em được học cách chơi bóng chuyền vào giờ thể dục.

Môn thể thao mà em thích nhất là bóng đá.

Hôm qua, em đã cùng bố chơi cầu lông trong sân nhà.

Câu 3. Tập làm văn

Bài tham khảo

Hôm qua, vào buổi tiệc sinh nhật, em đã được nhận rất nhiều món quà xinh xắn, đáng yêu. Nào bút, vở, kẹp tóc, gấu bông… Nhưng em yêu thích nhất vẫn là chiếc thước kẻ do Mi - người bạn thân nhất của em tặng.

Chiếc thước được làm từ nhựa cứng, màu hồng nhạt trong suốt rất đáng yêu. Cầm trên tay, em cảm thấy thước khá mỏng và nhẹ, thế nhưng nó vẫn chắc chắn lắm. Như bao chiếc thước khác, thước mà Mi tặng em có hình chữ nhật, chiều dài là 15cm, chiều rộng là 3cm. Tuy nhiên, điểm đặc biệt là đây là chiếc thước đôi. Từ trục phía góc bên phải, em tách thước thành hai phần, thế là chiếc thước dài thành 30cm. Thật sự rất tuyệt vời. Bởi cặp của em không để vừa những chiếc thước dài đến 30cm, mà đôi khi các tiết toán hay mĩ thuật lại cần vẽ đường thẳng dài. bây giờ, chiếc thước này đã cứu em khỏi những băn khoăn đó.

Trên mép mỗi nửa thước được kẻ nhiều vạch màu đen cách đều nhau. Mỗi vạch cách nhau 1mm, cứ thế cứ 9 vạch ngắn là một vạch dài được đánh số ở dưới theo đơn vị là xăng-ti-mét, lần lượt từ một đến ba mươi. Phần thước ở mặt trên có số từ một đến mười lăm, còn phần thước bị dấu ở dưới đánh số từ mười lăm đến ba mươi. Mép thước ở trên là đường thẳng băng, em dùng để kẻ các đường thẳng. Còn mép thước ở dưới là đường lượn sóng nhỏ, em thường dùng để kẻ các khung họa tiết, đẹp vô cùng.

Mảnh thước ở trên, được trang trí vô cùng bắt mắt. Ngay chính giữa là tên của hãng sản xuất thước màu đen, viết cách điệu. Xung quanh là những chú gấu nhỏ màu hồng với đủ thứ tư thế khác nhau. Nào nằm, nào ngồi, nào đứng, nào chạy… Chú nào trông cũng đáng yêu hết mức. Mảnh thước ở dưới, thì được cắt rỗng thành nhiều hình khối. Có hình vuông, hình ngôi sao, hình mặt trăng, hình trái tim với các kích cỡ khác nhau. Em dùng chúng để vẽ trang trí giờ mĩ thuật.

Chiếc thước kẻ này thực sự rất xinh đẹp và tiện lợi. Chắc chắn, em sẽ giữ gìn thước thật cẩn thận, để chiếc thước mãi đồng hành cùng em trong mỗi giờ học.

Phiếu bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 4 Tuần 20 có đáp án (Phiếu số 3)

Thời gian: 45 phút

Đề bài:

I- Bài tập về đọc hiểu

Bông sen trong giếng ngọc

Mạc Đĩnh Chi người đen đủi, xấu xí. Nhà nghèo, mẹ con cậu tần tảo nuôi nhau bằng nghề kiếm củi. Mới bốn tuổi, Mạc Đĩnh Chi đã tỏ ra rất thông minh. Bấy giờ Chiêu quốc công Trần Nhật Duật mở trường dạy học. Mạc Đĩnh Chi xin được vào học. Cậu học chăm chỉ, miệt mài, sớm trở thành học trò giỏi nhất trường.

Kì thi năm ấy, Mạc Đĩnh Chi đỗ đầu nhưng vua thấy ông mặt mũi xấu xí, người bé loắt choắt, lại là con thường dân, toan không cho đỗ.

Thấy nhà vua không trọng người hiền, chỉ trọng hình thức bên ngoài, Mạc Đĩnh Chi làm bài phú (1) “Bông sen trong giếng ngọc” nhờ người dâng lên vua. Bài phú đề cao phẩm chất cao quý khác thường của loài hoa sen, cũng để tỏ rõ chí hướng và tài năng của mình. Vua đọc bài phú thấy rất hay, quyết định lấy ông đỗ Trạng nguyên (2).

Về sau, Mạc Đĩnh Chi nhiều lần được giao trọng trách đi sứ. Bằng tài năng của mình, ông đã đề cao được uy tín đất nước, khiến người nước ngoài phải nể trọng sứ thần Đại Việt. Vua Nguyên tặng ông danh hiệu “Lưỡng quốc Trạng nguyên” (Trạng nguyên của hai nước).

(Thái Vũ)

(1) Phú: tên một loại bài văn thời xưa

(2) Trạng nguyên: danh hiệu dành cho người đỗ đầu khoa thi ở kinh đô do nhà vua tổ chức

Khoanh tròn chữ cái trước ý trả lời đúng

1. Vẻ bên ngoài của Mạc Đĩnh Chi được giới thiệu bằng chi tiết nào?

a- Là người đen đủi, xấu xí

b- Là cậu bé kiếm củi rất giỏi để nuôi mẹ

c- Là người thông minh, học giỏi nhất trường

2. Vì sao Mạc Đĩnh Chi đỗ đầu mà nhà vua định không cho đỗ?

a- Vì Mạc Đĩnh Chi không phải là người giỏi nhất

b- Vì Mạc Đĩnh Chi chưa thể hiện được là người có phẩm chất tốt

c- Vì Mạc Đĩnh Chi xấu xí, bé loắt choắt, lại là con thường dân

3. Tại sao sau đó nhà vua lại cho Mạc Đĩnh Chi đỗ Trạng nguyên?

a- Vì thấy ông rất chăm chỉ, lại học giỏi nhất trường

b- Vì đã nhận ra ông là người viết bài phú rất hay

c- Vì nhận ra phẩm chất, tài năng và chí hướng của ông

4. Mạc Đĩnh Chi muốn nói điều gì qua hình ảnh “Bông sen trong giếng ngọc”?

a- Hoa sen phải được trồng trong giếng ngọc thì mới thể hiện phẩm chất cao quý.

b- Sen là một loài hoa thanh cao, được trồng trong giếng ngọc lại càng cao quý.

c- Phải để bông sen trong giếng ngọc thì mới thấy được vẻ đẹp sang trọng của nó.

II- Bài tập về Chính tả, Luyện từ và câu, Tập làm văn

Câu 1. Điền vào chỗ trống rồi giải câu đố (ghi vào chỗ trống trong ngoặc):

a) tr hoặc ch

Có mắt mà…ẳng có tai

Thịt…ong thì…ắng, da ngoài thì xanh

Khi….ẻ ngủ ở…ên cành

Lúc già mở mắt hóa thành quả ngon?

(Là ………….)

b) uôt hoặc uôc

Con gì trắng m……….như bông

Bên người cày c……trên đồng sớm hôm.

(Là ………………)

Câu 2.

a) Gạch dưới các câu kể Ai làm gì? Trong đoạn văn sau:

(1) Bỗng sau lưng có tiếng ồn ào. (2) Dế Trũi đương đánh nhau với hai mụ Bọ Muỗm. (3) Hai mụ Bọ Muỗm vừa xông vào vừa kêu om sòm. (4) Hai mụ giơ chân, nhe cặp răng dài nhọn, đánh tới tấp. (5) Trũi bình tĩnh dùng càng gạt đòn rồi bổ sang. (6) Hai mụ Bọ Muỗm cứ vừa đánh vừa kêu làm cho họ nhà Bọ Muỗm ở ruộng lúa gần đấy nghe tiếng. (7) Thế là cả một bọn Bọ Muỗm lốc nhốc chạy ra.

(Theo Tô Hoài)

b) Chọn 3 câu em tìm được điền vào bảng sau:

Câu

Bộ phận chủ ngữ

Câu số ….


Câu số ….


Câu số ….


Câu 3.

a) Nối từ khỏe (trong tập hợp từ chứa nó) ở cột A với nghĩa tương ứng ở cột B:

A

B

a)  Một người rất khỏe

1) Ở trạng thái cảm thấy khoan khoái, dễ chịu

b) Chúc chị chóng khỏe

2) Cơ thể có sức trên mức bình thường; trái với yếu

c) Uống cốc nước dừa thấy khỏe cả người

3) Trạng thái khỏi bệnh; không còn ốm đau

b) Chọn từ thích hợp trong các từ khỏe, khỏe mạnh, khỏe khắn, vạm vỡ để điền vào chỗ trống:

(1) Cảm thấy……………….ra sau giấc ngủ ngon.

(2) Thân hình………………

(3) Ăn…………, ngủ ngon, làm việc……………….

(4) Rèn luyện thân thể cho………………………….

Câu 4. Viết lời giới thiệu (khoảng 8 câu) về một vài nét đổi mới ở xóm làng (phố phường) nơi em ở (hoặc một địa phương mà em biết)

Gợi ý:

Giới thiệu chung về địa phương nơi em sinh sống (tên, đặc điểm chung)

Giới thiệu cụ thể một vài nét đổi mới của địa phương (quang cảnh, con người và cuộc sống…)

Nêu cảm nghĩ của em về sự đổi mới đó.

Đáp án:

I - Bài tập về đọc hiểu

Khoanh tròn chữ cái trước ý tra lời đúng như sau:

1. a-  Là người đen đủi, xấu xí

2. c- Vì Mạc Đĩnh Chi xấu xí, bé loắt choắt, lại là con thường dân

3. c-  Vì nhận ra phẩm chất, tài năng và chí hướng của ông

4. b- Sen là một loài hoa thanh cao, được trồng trong giếng ngọc lại càng cao quý.

II - Bài tập về Chính tả, Luyện từ và câu, Tập làm văn

Câu 1.

a)

Có mắt mà chẳng có tai

Thịt trong thì trắng, da ngoài thì xanh

Khi trẻ ngủ ở trên cành

Lúc già mở mắt hóa thành quả ngon?

=> (Là quả na)

b)

Con gì trắng muốt như bông

Bên người cày cuốc trên đồng sớm hôm.

=> (Là con cò)

Câu 2.

a) Gạch dưới các câu (2), (3), (4), (5), (6), (7)

b) VD:

Câu

Bộ phận chủ ngữ

Bộ phận vị ngữ

Câu số (2)

Dễ Trũi

đương đánh nhau với hai mụ Bọ Muỗm

Câu số (3)

Hai mụ Bọ Muỗm

vừa xông vào vừa kêu om sòm

Câu số (7)

Cả một bọn Bọ Muỗm

lốc nhốc chạy ra

Câu 3. a) Nối (a) – (2) (b) – (3) (c) – (1)

b) (1) khỏe khoắn (2) vạm vỡ (3) khỏe….khỏe (4) khỏe mạnh

Câu 4.

Bài tham khảo:

Nhà em ở xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội. Nơi đây đã trở thành một khu đô thị mới – Khu đô thị Mỹ Đình. Mấy năm nay đường sá được xây dựng lại rất hiện đại, nhà cao tầng mọc lên như nấm. Nhiều nhà cấp 4 trước đây cũng được xây dựng thành những biệt thự nhỏ với kiểu dáng rất đẹp. Con đường đất nhỏ trong làng cũng được thay thế bằng đường bê tông rộng rãi, sạch sẽ. Trường mẫu giáo, công viên…. mới được xây xong. Xã còn có cả nhà văn hóa, khu vui chơi cho trẻ em. Chiều chiều, các bạn nữ thường ra đó chơi nhảy dây, các bạn nam chơi đá bóng. Từ sáng sớm, các cụ cao tuổi trong phường đã ra khoảng sân rộng trước nhà văn hóa để tập dưỡng sinh, chơi bóng chuyền. Những ngày lễ tết, xã có nhiều hoạt động giàu ý nghĩa. Tết trung thu vừa rồi, các anh chị ở đoàn thanh niên xã đã tổ chức cho chúng em rước đèn, biểu diễn văn nghệ, phá cỗ rất vui. Cuộc sống của người dân trong xã đã hoàn toàn đổi mới. Mọi người đều cảm thấy gắn bó với nhau và thêm yêu nơi mình đang sinh sống.

Phiếu bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 4 Tuần 20 có đáp án (Phiếu số 4)

Thời gian: 45 phút

Đáp án:

Bài 1.Gạch dưới các câu kể Ai thế nào? trong đoạn văn sau:

Từ căn gác nhỏ của mình, Hải có thể nghe thấy hết cái âm thanh náo nhiệt, ồn ào của thành phố thủ đô. Tiếng chuông xe đạp lạch cạnh. Tiếng thùng nước ở một vũng nước công cộng loảng xoảng. Tiếng ve rền rĩ trong những đám lá cây bên đại lộ.

- Dùng gạch chéo (/) để xác định chủ ngữ và vị ngữ của các câu trên.

Bài 2. Đọc đoạn văn sau:

Về đêm, cảnh vật thật im lìm. Sông thôi không vỗ sóng dồn dập vào bờ như hồi chiều. Hai ông bạn già vẫn trò chuyện. Ông Ba trầm ngâm. Thỉnh thoảng ông mới đưa ra một nhận xét dè dặt. Trái lại, ông Sáu rất sôi nổi.

Xếp các vị ngữ được in nghiêng trong đoạn văn trên thành hai nhóm:

Vị ngữ là các tính từ, cụm tính từ

Vị ngữ là động từ, cụm động từ

……………………………………………

……………………………………………

……………………………………………

……………………………………………

……………………………………………

……………………………………………

Bài 3.

a) Viết 2 từ láy là tính từ có âm đầu là r: ………………………………………

b) Viết 2 từ láy là động từ có âm đầu là gi: ……………………………………

c) Viết 2 từ láy là tính từ có âm đầu là d: ………………………………………

Bài 4. Thêm vị ngữ thích hợp để được câu kể Ai làm gì

- Sáng nào cũng vậy, ông…………………………………………………………..

- Con mèo nhà em …………………………………………………………………..

Bài 5. Thêm vị ngữ thích hợp để được câu kể Ai thế nào?

- Con mèo nhà em ……………………………………………………………

- Ông tôi ……………………………………………………………

- Giọng nói của cô giáo……………………………………………….

Đáp án:

Bài 1.Gạch dưới các câu kể Ai thế nào? trong đoạn văn sau:

Từ căn gác nhỏ của mình, Hải có thể nghe thấy hết cái âm thanh náo nhiệt, ồn ào của thành phố thủ đô. Tiếng chuông xe đạplạch cnh. Tiếng thùng nước ở một vũng nước công cộng/ loảng xoảng. Tiếng ve/ rền rĩ trong những đám lá cây bên đại lộ.

- Dùng gạch chéo (/) để xác định chủ ngữ và vị ngữ của các câu trên.

Bài 2. Đọc đoạn văn sau:

Về đêm, cảnh vật thật im lìm. Sông thôi không vỗ sóng dồn dập vào bờ như hồi chiều. Hai ông bạn già vẫn trò chuyện. Ông Ba trầm ngâm. Thỉnh thoảng ông mới đưa ra một nhận xét dè dặt. Trái lại, ông Sáu rất sôi nổi.

Xếp các vị ngữ được in nghiêng trong đoạn văn trên thành hai nhóm:

Vị ngữ là các tính từ, cụm tính từ

Vị ngữ là động từ, cụm động từ

Thật im lìm

trầm ngâm

rất sôi nổi.

thôi không vỗ sóng dồn dập vào bờ như hồi chiều.

vẫn trò chuyện

mới đưa ra một nhận xét dè dặt

Bài 3.

a) Viết 2 từ láy là tính từ có âm đầu là r: rụt rè, rạo rực

b) Viết 2 từ láy là động từ có âm đầu là gi: giãy giụa, giặt giũ

c) Viết 2 từ láy là tính từ có âm đầu là d: dai dai, du dương

Bài 4. Thêm vị ngữ thích hợp để được câu kể Ai làm gì?

- Sáng nào cũng vậy, ông tôi dậy sớm tập thể dục

- Con mèo nhà em bắt chuột rất giỏi

Bài 5. Thêm vị ngữ thích hợp để được câu kể Ai thế nào?

- Con mèo nhà em rất đẹp

- Ông tôi rất nhân hậu

- Giọng nói của cô giáo thật trầm ấm.

Phiếu bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 4 Tuần 20 có đáp án (Phiếu số 5)

Thời gian: 45 phút

Đề bài:

Câu 1. Điền vào chỗ trống:

a) ch hoặc tr:

..... uyền....... ong vòm lá

.......... im có gì vui

Mà nghe ríu rít

Như ......ẻ reo cười?

b) uôt hoặc uôc:

- Cày sâu c... bẫm.

- Mang dây b........ mình.

- Th....'.. hay tay đảm.

- Ch...... gặm chân mèo.

Câu 2 Điền tiếng thích hợp vào chỗ trống để hoàn chỉnh các câu trong hai mẩu chuyện sau:

a) Tiếng có âm tr hoặc ch:

Đãng trí bác học

Một nhà bác học có tính đãng........ đi tàu hoả. Khi nhân viên soát vé đến, nhà bác học tìm toát mồ hôi mà....................

thấy vé đâu. May là người soát vé này nhận ra ông, bèn bảo:

- Thôi, ngài không cần xuất...............vé nữa.

Nhà bác học vẫn loay hoay tìm vé và nói:

- Nhưng tôi vẫn phải tìm bằng được vé để biết phải xuống ga nào chứ !

b) Tiếng có vần uôc hoặc uôt:

Vị thuốc quý

Nhà thơ Đức nổi tiếng Hai-nơ mắc chứng bệnh mệt mỏi và mất ngủ. Ông dùng rất nhiều thứ................ bổ mà vẫn không

khỏi. Một bác sĩ đến khám bệnh, bảo ông:

- Mỗi ngày, ngài hãy ăn một quả táo, vừa ăn vừa đi bộ từ nhà đến quảng trường thành phố.

Sau một thời gian ngắn, quả nhiên Hai-nơ khỏi bệnh, ông ngạc nhiên nói với bác sĩ:

- Bây giờ tôi mới biết táo cũng là vị thuốc quý.

Bác sĩ mỉm cười:

- Không phải những quả táo bình thường kia chữa khỏi bệnh cho ngài đâu. Chính những ............ đi bộ hàng ngày mới là vị thuốc quý, vì chúng bắt................ ngài phải vận động.

Câu 3.

Gạch một gạch dưới bộ phận chủ ngữ, gạch hai gạch dưới bộ phận vị ngữ của mỗi câu kể Ai làm gì? trong đoạn văn sau:

Đêm trăng. Biển yên tĩnh. Tàu chúng tôi buông neo trong vùng biển Trường Sa. Một số chiến sĩ thả câu. Một số khác quây quần trên boong sau, ca hát, thổi sáo. Bỗng biển có tiếng động mạnh. Cá heo gọi nhau quây đến quanh tàu như để chia vui.

Câu 4. Viết một đoạn văn khoảng năm câu để kể về công việc trực nhật lớp của tổ em, trong đó có dùng các câu kể Ai làm gì?

Câu 5. Tìm từ ngữ và điển vào chỗ trống:

a) Chỉ những hoạt động có lợi cho sức khoẻ

M: tập luyện, ...............

b) Chỉ những đặc điểm của một cơ thể khoẻ mạnh

M: vạm vỡ, .................

Câu 6. Viết tên các môn thể thao mà em biết.

Câu 7. Điền từ ngữ thích hợp vào chỗ trống để hoàn chỉnh các thành ngữ sau

a) Khoẻ như.............

b) Nhanh như..........

M: khoẻ như voi M: nhanh như cắt

khoẻ như................ nhanh như.............

khoẻ như................ nhanh như.............

Câu 8. Câu tục ngữ dưới đây nói lên điều gì?

Ăn được ngủ được là tiên

Không ăn không ngủ mất tiền thêm lo.

Đáp án:

Câu 1. Điền vào chỗ trống:

a) ch hoặc tr

Chuyền trong vòm lá

Chim có gì vui

Mà nghe ríu rít

Như trẻ reo cười?

b) uôt hoặc uôc

- Cày sâu cuốc bẫm.

- Mang dây buộc mình.

- Thuốc hay tay đảm.

- Chuột gặm chân mèo.

Câu 2. Điền tiếng thích hợp vào mỗi chỗ trống để hoàn chỉnh các câu trong hai mẩu chuyện sau:

a) Tiếng có âm tr hoặc ch

Đãng trí bác học

Một nhà bác học có tính đãng trí đi tàu hỏa. Khi nhân viên soát vế đến, nhà bác học tìm toát mồ hôi mà chẳng thấy vé đâu. May là người soát vé này nhận ra ông, bèn bảo .

- Thôi, ngài không cần xuất trình vé nữa.

- Nhà bác học vẫn loay hoay tìm vé và nói:

- Nhưng tôi vẫn phải tìm bằng được vé để biết phải xuống ga nào chứ !

b) Tiếng có vần uôc hoặc uôt

Vị thuốc quý

Nhà thơ Đức nổi tiếng Hai-nơ mắc chứng bệnh mệt mỏi và mất ngủ. Ông dùng rất nhiều thứ thuốc bổ mà vẫn không khỏi. Một bác sĩ đến khám bệnh, bảo ông:

- Mỗi ngày, ngài hãy ăn một quả táo, vừa ăn vừa đi bộ từ nhà đến quảng trường thành phố.

Sau một thời gian ngắn, quả nhiên Hai-nơ khỏi bệnh. Ông ngạc nhiên nói với bác sĩ:

Bây giờ tôi mới biết táo cũng là vị thuốc quý.

Bác sĩ mỉm cười:

- Không phải những quả táo bình thường kia chữa khỏi bệnh cho ngài đâu. Chính những cuộc đi bộ hằng ngày mới là vị thuốc quý, vì chúng bắt buộc ngài phải vận động.

Câu 3. Gạch một gạch dưới bộ phận chủ ngữ, gạch hai gạch dưới bộ phận vị ngữ của mỗi câu kể Ai làm gì? trong đoạn văn sau: 

Đêm trăng. Biển yên tĩnh. Tàu chủng tôi buông (CN) neo trong vùng biển trường sa (VN). Một số chiến sĩ (CN) thả câu (VN). Một số khác (CN) quây quần trên boong sau ca hát, thổi sáo (VN). Bỗng biển có tiếng động mạnh. Cá heo (CN) gọi nhau quây đến quanh tàu như để chia vui (VN).

Câu 4. Viết một đoạn văn khoảng năm câu kể về cồng việc trực nhật lớp của tổ em, trong đó có dùng các kiểu câu Ai làm gì?

Sáng hôm qua là ngày tổ em trực nhật, vì thế cả tổ ai cũng đi học sớm hơn mọi ngày. Theo sự phân công của tổ trưởng chúng em bắt tay vào làm việc. Hai bạn Hiếu và Vân quét thật sạch nền lớp. Bạn Trâm lau chùi bàn cô giáo và bảng đen, giặt khăn lau. Hai bạn Phát và Hào kê lại bàn ghế. Em lấy chổi lông gà quét thật sạch bụi trên bàn ghế và giá sách cuối lớp. Bạn Ngọc tổ trưởng quét hành lang, bậc thềm. Chỉ một lúc sau, chúng em đã làm xong mọi việc.

Câu 5. Tìm các từ ngữ và điền vào chỗ trống:

a) Chỉ những hoạt động có lợi cho sức khỏe

M: tập luyện, tập thể dục, đi bộ, chạy, chơi thể thao, du lịch, ăn uống điều độ, nghỉ ngơi.

b) Chỉ những đặc điểm của một cơ thể khỏe mạnh

M: vạm vỡ, cân đối, rắn rỏi, săn chắc, chắc nịch, cường tráng, lực lưỡng, dẻo dai, nhanh nhẹn.

Câu 6. Viết tên các môn thể thao mà em biết:

Bóng đá, bóng chuyển, cẩu lông, đá cầu, cử tạ, điền kinh, nhảy cao, nhảy xa, bắn súng, bơi lội, đấu kiếm xà đơn, xà kép, trượt tuyết, leo núi, cờ vua, cờ tướng, bóng chày, đấu vật.

Câu 7. Điền từ ngữ thích hợp vào chỗ trống sau từ như để hoàn chỉnh các thành ngữ sau:

a) Khỏe như..............

M: khỏe như voi

khỏe như trâu

khỏe như hùm

b) Nhanh như............

M: nhanh như cắt

nhanh như gió

nhanh như chớp

Câu 8. Câu tục ngữ dưới đây nói lên điều gì?

Ăn được ngủ được là tiên

Không ăn không ngủ mất tiền thêm lo.

Những người ăn được, ngủ được thì sẽ có được sức khỏe tốt, sung sướng chẳng kém gì tiên. Những người ăn ngủ không ngon thì không những mất tiền (do bị bệnh) mà còn mang nỗi lo vào mình.

Xem thêm các phiếu Bài tập cuối tuần, đề kiểm tra cuối tuần Tiếng Việt lớp 4 có đáp án hay khác:


Đề thi, giáo án lớp 4 các môn học