5+ Viết đoạn văn 200 chữ ghi lại cảm xúc về bài thơ lục bát về cha, mẹ (điểm cao)

Viết đoạn văn 200 chữ ghi lại cảm xúc về bài thơ lục bát về cha, mẹ hay nhất, ngắn gọn với dàn ý chi tiết giúp học sinh có thêm tài liệu tham khảo để viết văn hay hơn.

Viết đoạn văn 200 chữ ghi lại cảm xúc về bài thơ lục bát về cha, mẹ - mẫu 1

Công cha như núi ngất trời

Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển Đông

Núi cao biển rộng mênh mông

Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi!

Bài ca dao này đã làm xúc động lòng người bởi đã gợi nên công ơn trời bể của cha mẹ đối với những người con thân yêu của mình. Tác giả dân gian nhắc đến “công cha”, “nghĩa mẹ”, đó là công sinh thành, dưỡng dục; đó là ơn nghĩa mang nặng đẻ đau và những yêu thương mẹ dành cả cho con. Ví “công cha”, “nghĩa mẹ” như núi ngất trời, như nước ở ngoài biển Đông là lấy cái trừu tượng của tình phụ tử, tình mẫu tử so sánh với cái mênh mông, vĩnh hằng, vô hạn của trời đất, thiên nhiên. Ví công cha với núi ngất trời là khẳng định sự lớn lao, ví nghĩa mẹ như nước biển Đông là để khẳng định chiều sâu, chiều rộng và sự dạt dào. Đây cũng là một nét riêng trong tâm thức của người Việt. Hình ảnh người cha thì rắn rỏi, mạnh mẽ, cha như cột trụ trong gia đình. Hình ảnh mẹ không lớn lao, kì vĩ nhưng sâu xa, rộng mở và dạt dào cảm xúc hơn. Bởi vậy, nghĩ đến công ơn cha mẹ, bài ca dao thiết tha nhắn nhủ những người con “ghi lòng con ơi!” những công ơn trời bể ấy. Và hơn thế là định hướng về cách sống, cách bày tỏ lòng biết ơn dành cho cha cho mẹ.

Dàn ý Viết đoạn văn 200 chữ ghi lại cảm xúc về bài thơ lục bát về cha, mẹ

1. Mở đoạn

- Ca dao, dân ca có nhiều bài nói về công ơn cha mẹ, trong đó có bài “Công cha..”.

- Cảm nhận chung của em khi đọc bài ca dao đó?

2. Thân đoạn

- Cảm xúc, suy nghĩ về công lao của cha mẹ do bài ca dao gợi ra:

+ Là lời ru của mẹ với đứa con mình, âm điệu tâm tình, sâu lắng → gợi sự xúc động, dễ đi vào lòng người.

+ Công lao của cha mẹ được so sánh với những hình ảnh to lớn, mênh mông, vĩnh hằng của thiên nhiên là núi và bể (phân tích ý nghĩa biểu tượng của hai hình ảnh ấy) → tô đậm, nhấn mạnh công lao của cha mẹ.

+ Tại sao lại nói “công cha” và “nghĩa mẹ” mà không nói ngược lại là “nghĩa cha” và “công mẹ”? → thể hiện tình cảm của cha mẹ với con cái như thế nào?

+ Suy nghĩ của em về hình ảnh “Cù lao chín chữ”: sự vất vả, nhọc nhằn của mẹ cha khi nuôi em khôn lớn → xúc động, cảm phục…

- Cảm nghĩ của em về trách nhiệm của người con mà bài ca dao nêu ra:

+ Bài ca dao có chỉ rõ đó là trách nhiệm gì không?

+ Với những gì mà bài ca dao gợi ra ở trên cùng với thực tế đời sống, em nghĩ trách nhiệm của con cái với cha mẹ là gì? (chăm ngoan, học giỏi, nghe lời, quan tâm, phụng dưỡng…)

3. Kết đoạn

- Khái quát lại những cảm nhận của em khi đọc bài ca dao.

- Vai trò của bài ca dao trong cuộc sống: nhắc nhở, khuyên răn…

Viết đoạn văn 200 chữ ghi lại cảm xúc về bài thơ lục bát về cha, mẹ - mẫu 2

Bài thơ "Mẹ là cơn gió mùa thu" mang đến cho tôi một cảm xúc vô cùng ấm áp và xúc động. Những dòng thơ đơn giản nhưng chứa đựng tình cảm sâu sắc của con đối với mẹ, đã khiến tôi cảm thấy như được ôm mẹ trong vòng tay yêu thương.Tôi nhớ lại những ký ức về mẹ của mình, những lời ru êm ái, sự âu yếm và quan tâm của mẹ luôn khiến tôi cảm thấy ấm lòng và yên bình. Dù cuộc sống có khó khăn đến đâu, mẹ vẫn là người luôn bên cạnh, đưa tay dìu dắt tôi vượt qua những thử thách, khó khăn.Điều tuyệt vời nhất trong cuộc đời này là có một người mẹ yêu thương, quan tâm và chăm sóc cho chúng ta từ khi mới sinh ra. Mẹ là người đưa ta vào cuộc đời này, là người dạy ta yêu thương, biết ơn, tôn trọng những giá trị đích thực.Bài thơ đã khiến tôi hiểu rõ hơn giá trị của mẹ, những đóng góp của mẹ cho cuộc đời con không thể nào đong đếm hết. Tôi xúc động và biết ơn mẹ vô vàn vì tình thân máu mủ.

Viết đoạn văn 200 chữ ghi lại cảm xúc về bài thơ lục bát về cha, mẹ - mẫu 3

Từ nhỏ, ai trong chúng ta cũng đã được nghe đến bài ca dao Công cha như núi Thái Sơn. Vì hơn cả một bài thơ, đây còn là bài học vỡ lòng cho biết bao người. Câu ca dao đã so sánh sự vật trừu tượng (công cha, nghĩa mẹ) với sự vật cụ thể (núi Thái Sơn, nước trong nguồn). Từ đó, giúp cụ thể hóa, hữu hình hóa những điều mà không thể sờ lấy, nắm lấy được. Giúp người đọc, người nghe tưởng tượng được phần nào sự to lớn, vĩ đại của công ơn cha mẹ. Bởi thật ra không một sự vật nào trên đời này có thể sánh bằng sự hi sinh của cha mẹ dành cho con cái cả. Cũng từ đó, nhà thơ gửi gắm đến những người làm con bài học về chữ “hiếu”. Chữ “hiếu” gói ghém tất cả những cách sống, lời ăn tiếng nói, cách hành xử của người con với cha mẹ của mình. Tác giả dân gian không yêu cầu hay hướng dẫn cụ thể rằng con cái cần phải làm gì. Mà để cho họ tự nghĩ, tự hành động dựa trên tình huống thực tiễn của bản thân mình. Chỉ cần làm sao cho xứng đáng với công lao của cha mẹ dành cho mình là được. Bài học gợi mở ấy đã đem đến cho em những suy tư, trăn trở. Để nhìn lại những điều mình đã làm, nghĩ về những điều mình sắp làm sao cho không phụ tấm lòng của mẹ cha.

Viết đoạn văn 200 chữ ghi lại cảm xúc về bài thơ lục bát về cha, mẹ - mẫu 4

Công cha như núi ngất trời

Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển Đông.

Tác giả dân gian đã lựa chọn núi cao và biển rộng để so sánh với công cha và nghĩa mẹ. Ngọn núi cao chọc trời vừa to lớn lại vững chãi, chính là bờ vai vững chắc luôn sẵn sàng che chắn cho con. Biển Đông rộng lớn, dạt dào, chính là tình thương luôn đong đầy, bao dung của mẹ. Mẹ và cha luôn yêu thương, sẵn sàng hi sinh tất cả vì đứa con của mình mà chẳng cần hồi đáp. Thứ tình cảm ấy thiêng liêng và cao quý vô cùng. Không một điều gì có thể so sánh hay làm lu mờ điều đó cả. Qua hình ảnh đó, tác giả dân gian muốn nhắn nhủ tới chúng ta đạo làm con - phải sống sao cho xứng đáng với công cha nghĩa mẹ cao lớn như trời bể ấy. Đó chính là ý nghĩa của câu ca dao Công cha như núi ngất trời.

Mục lục Văn mẫu | Văn hay 9 theo từng phần:


Giải bài tập lớp 9 sách mới các môn học