5+ Thuyết minh về Hồ Gươm lớp 9 (điểm cao)
Thuyết minh về Hồ Gươm lớp 9 hay nhất, ngắn gọn với dàn ý chi tiết giúp học sinh có thêm tài liệu tham khảo để viết văn hay hơn.
Thuyết minh về Hồ Gươm lớp 9 - mẫu 1
Trong bài “Lại về” của cố thi sĩ Tố Hữu có viết:
“Hồ Gươm xanh thắm quanh bờ
Thiên thu hồn nước mong chờ bấy nay
Bây giờ đây lại là đây
Quốc kỳ đỉnh tháp, sao bay mặt hồ.”
Hồn Nước – là tâm hồn đất nước, là linh hồn của đất nước cũng có nghĩa là cái truyền thống, cốt cách của dân tộc Việt Nam. Và hồ Gươm – theo tác giả – chính là cái hình hài vật chất của cái hồn Nước từ nghìn thu xưa lưu lại, để chúng ta tự hào về lịch sử của dân tộc mình. Hồ Gươm có thể nói là một không gian thiêng của Hà Nội và của cả nước ta. Toàn bộ diện tích của hồ Gươm là 12 ha, dài 700m theo hướng Nam Bắc và rộng 200m theo hướng Đông Tây. Theo con mắt của những nhà địa chất, Hồ Gươm là nón quà của sông Hồng từ xa xưa, thủa sông Cái còn lượn sâu vào đất này từ vài ngàn năm trước. Hiện tượng sông bỏ dòng như vậy rất thường xảy ra.
Thực ra tên gọi Hồ Gươm mới có khoảng một thế kỷ nay.Trước đó tên phổ biến là hồ Hoàn Kiếm. Còn trước đó nữa Hồ còn có nhiều tên gọi khác nhau. Thủa xa xưa do hồ có màu nước quanh năm xanh nên còn có tên là hồ Lục Thủy (nghĩa là Nước Xanh). Chuyện kể rằng khi vua Lê Thái Tổ khởi binh chống quân Minh xâm lược, Vua có bắt được một thanh gươm, vũ khí đó theo vua suốt cuộc trường chinh mười năm và cuối cùng Vua đánh đuổi được giặc, giành lại nền độc lập. Đóng đô ở Hà Nội khi đó gọi là Thăng Long, một hôm vua đóng thuyền đi chơi trên hồ Lục Thủy thì có rùa vàng nổi lên, vua tuốt gươm chỉ vào rùa thì rùa liền ngậm cây gươm mà lặn xuống nước.
Nghĩ rằng đó là khi trước Trời cho mượn gươm để dẹp giặc, nay giặc tan thì sai rùa thần đến đòi lại gươm trả lại cho Trời. Từ đó vua đổi tên hồ thành hồ Hoàn Kiếm tức hồ Trả Gươm mà ngày nay chúng ta gọi tắt là hồ Gươm. Từ lúc vua Lý Thái Tổ thấy rồng bay lên khi đậu thuyền ở chân thành Đại La, và đến khi Lê Thái Tổ giữ nước thành công, chuyện trả gươm như gạch nối xứng đáng nhất để tạo nên nét đối xứng tuyệt diệu – Dương: Rồng bay. Âm: Rùa lặn! theo giáo sư Trần Quốc Vượng, bản sắc của Thăng Long – Đại Việt là tổng hòa những giá trị hư và thực, thực mà hư. Huyền mà thực, thực mà huyền! Hồ Gươm được gọi phổ biến với cái tên Hoàn Kiếm từ đó, nhưng cũng có lúc hồ có tên là Vọng, chia hai phần tả-hữu. Theo sử sách, hồ Gươm xa xưa rộng mênh mông, truyền thuyết hồ Gươm có kể tiếp rằng dù sao Vua cũng muốn tìm ra rùa Vàng nên sai quân lính đắp đập ngăn hồ Lục Thủy thành hai nửa, ban đầu cho tát nước từ bên này sang bên kia không tìm thấy rùa, lại tát ngược lại, vẫn không thấy rùa bèn cho là rùa Thần.
Sau đó cái đập được giữ lại, nửa hồ phía bắc được gọi là hồ Tả Vọng, phần còn lại phía nam gọi là Hữu Vọng, sau này phần hồ Hữu Vọng bị Tây lấp, hồ Gươm giờ là một phần Tả Vọng. Hồ sau này thời chúa Trịnh còn được dùng làm chỗ tập luyện thủy quân nên còn gọi là hồ Thủy Quân. Ngày nay hồ Gươm xanh tươi quanh năm với hàng cây được trồng quanh bờ hồ, đã có thi sỹ ví hồ Gươm như sóng mắt biếc và hàng cây xanh như hàng mi của hồ Gươm- hàng mi của đôi mắt người thiếu nữ.
Tháp Rùa nằm ở trung tâm hồ, được xây dựng trong khoảng từ giữa năm 1884 đến tháng 4 năm 1886 trên gò Rùa. Đây là công trình kiến trúc độc đáo mang đậm kiến trúc Pháp. Tháp có hình chữ nhật, gồm 3 tầng, mỗi mặt có 3 cửa. Tầng 1 và 2 có kiến trúc giống nhau, gồm nhiều ô cửa hình vòm. Tầng 3 chỉ có một cửa hình tròn ở mặt phía Đông, phía trên cửa có 3 chữ Quy Sơn tháp (tháp Núi Rùa). Tầng đỉnh có nét giống một vọng lâu, vuông vức, mỗi bề 2 mét. Đền Ngọc Sơn nằm ở phía Bắc hồ, xưa có tên là Tượng Nhĩ (tai voi).Khi dời đô ra Thăng Long, vua Lý Thái Tổ đã cho đổi tên là Ngọc Tượng và đền có chính thức là Ngọc Sơn từ thời Trần.
Đền Ngọc Sơn thờ thần Văn Xương là ngôi sao chủ việc văn chương khoa cử và thờ Trần Hưng Đạo. Cầu Thê Húc dẫn đến cổng đền Ngọc Sơn, do Nguyễn Văn Siêu cho xây dựng vào năm 1865. Tên của cầu có nghĩa là "nơi đậu ánh sáng mặt trời buổi sáng sớm". Tháp Bút trên bờ hướng đông bắc hồ, được xây dựng từ năm 1865, bao gồm năm tầng. Trên đỉnh là tượng trưng cho một ngòi bút đối lên trời, phần thân có khắc ba chữ Tả Thanh Thiên nghĩa là viết lên trời xanh, thân tầng thứ ba của tháp có khắc một bài Bút Tháp Chí. Đài Nghiên là phần không thể thiếu của tháp Bút, ba chân kê nghiên là hình tượng ba con cóc.
Trên thân nghiên khắc một bài Minh, gồm 64 chữ hán. Tháp Hòa Phong là phần còn sót lại của chùa Báo n. Tháp có 3 tầng, tầng 1 to và cao hơn 2 tầng trên cùng. Đền Bà Kiệu thờ ba vị nữ thần là Liễu Hạnh công chúa, Đệ nhị Ngọc nữ và Đệ tam Ngọc Nữ. Thủy Tạ được xây dựng thời chúa Trịnh Sâm, là đại diện tiêu biểu cho lối kiến trúc cổ của Việt Nam, vua thường thưởng ngoạn cảnh trí hồ ở đây. Đền thờ vua Lê có tượng vua Lê Thái Tổ đứng trên trụ cao, tay cầm thanh kiếm như phóng xuống mặt hồ.
Hồ Gươm với những giá trị vĩnh hằng đã trở thành hồn cốt của thủ đô Hà Nội. Hồ Gươm luôn sống mãi trong trái tim những người dân thủ đô, đặc biệt là những người con xa xứ.
Rủ nhau xem cảnh Kiếm hồ,
Xem cầu Thê Húc, xem chùa Ngọc Sơn.
Đài nghiên, tháp bút chưa mòn
Hỏi ai gây dựng nên non nước này?
Dàn ý Thuyết minh về Hồ Gươm lớp 9
1. Mở bài
- Hồ Gươm là danh lam thắng cảnh nổi tiếng của nước ta.
- Đó là một địa danh thiêng liêng đối với mỗi người dân đất Việt.
2. Thân bài
a. Vị trí địa lí, nguồn gốc và lịch sử về Hồ Gươm
- Hồ Gươm thuộc quận Hoàn Kiếm, nằm ở trung tâm Thủ đô Hà Nội.
- Hồ chính là phần còn sót lại của sông Hồng vì trước đây hồ thông với sông Hồng.
- Hồ có nhiều tên gọi:
+ Hồ Tả Vọng.
+ Hồ Lục Thủy (vì nước hồ khi nào cũng màu xanh).
+ Thế kỉ XV, hồ Lục Thủy đổi tên là hồ Hoàn Kiếm, gọi tắt là Hồ Gươm. (Tên hồ Hoàn Kiếm gắn liền với truyền thuyết vua Lê Thái Tổ hoàn gươm báu cho thần Kim Quy).
b. Đặc điểm nổi bật của Hồ Gươm
- Nước Hồ Gươm bốn mùa đều xanh.
- Có rùa quý sông trong hồ.
- Trong lòng hồ có hai đảo nổi: đảo Ngọc và đảo Rùa.
c. Quần thể di tích, kiến trúc gắn liền với Hồ Gươm.
Quần thể di tích và lối kiến trúc độc đáo đã tạo nên vẻ đẹp của Hồ Gươm:
- Tháp Bút, Đài Nghiên (do nhà nho Nguyễn Văn Siêu tu bổ, xây dựng).
+ Tháp được xây bằng đá, đỉnh tháp hình ngọn bút lông. Thân tháp có khắc ba chữ “Tả Thanh Thiên” (nghĩa là viết lên trời xanh).
+ Đài nghiên (nghiên mực được làm bằng đá, hình nửa quả đào bổ dọc, có hình ba con ếch đội).
- Cầu Thê Húc (nghĩa là giữ lại ánh sáng đẹp của mặt trời) dẫn đến cổng đền Ngọc Sơn. Cầu làm bằng gỗ, sơn màu đỏ, cong cong như hình con tôm.
- Đền Ngọc Sơn: xây trên Đảo Ngọc. Đền được xây theo kiểu kiến trúc mới. Đền chính gồm hai ngôi nối liền nhau. Ngôi đền ở phía bắc thờ Trần Hưng Đạo và Văn Xương. Phía nam có đình Trấn Ba (đình chắn sóng)…
- Tháp Rùa: được xây trên Đảo Rùa giữa sóng nước lung linh. Tháp Rùa đẹp với vẻ đẹp rêu phong cổ kính.
3. Kết bài
- Hồ Gươm là một danh lam thắng cảnh vừa đẹp vừa thiêng liêng của nước ta.
- Là nơi thường diễn ra hội hè, những hoạt động văn hóa quan trọng.
- Thể hiện truyền thống hiếu học qua hình ảnh Tháp Bút, Đài Nghiên.
- Thể hiện truyền thống yêu nước của nhân dân ta qua truyền thuyết vua Lê Thái Tổ trả gươm cho rùa vàng. Mọi người đều tự hào khi nói về Hồ Gươm, khi nói về đất nước.
Thuyết minh về Hồ Gươm lớp 9 - mẫu 2
Có lẽ trong mỗi chúng ta không ai là không biết đến Hồ Gươm. Hồ Gươm là một di tích lịch sử, một thắng cảnh nổi tiếng của Hà Nội. Nếu ai đã từng đến đây chắc hẳn phải ghé thăm hồ để chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính độc đáo của nó.
Hồ Gươm nằm tại trung tâm của thủ đô. Hồ hình bầu dục, bao quanh đó là những vườn hoa. Nhìn từ xa, hồ như lẵng hoa xinh xắn. Hồ Gươm còn có tên gọi là hồ Lục Thuỷ vì nước rất trong và xanh. Ngoài ra nó còn được gọi là hồ Hoàn Kiếm hay hồ Tả Vọng. Hai tên gọi này có từ thời Lê. Truyền thuyết kể rằng: năm đó, sau khi đánh tan quân Minh xâm lược, vua Lê Lợi ngự trên thuyền rồng thì bỗng Rùa Vàng từ dưới hồ hiện lên để đòi lại gươm. Nhà vua trả lại gươm. Tên hồ Hoàn Kiếm, hay Hoàn Gươm cũng được gọi từ đó thay cho tên hồ Tả Vọng.
Xung quanh hồ có rất nhiều cây như si, phượng, đa,… và những vườn hoa lớn. Phía bắc hồ là nhà hàng Thuỷ Tạ. Sau mỗi giờ mệt mỏi, du khách có thể tới đây vừa ăn kem vừa ngắm cảnh hồ. Giữa hồ là Tháp Rùa, với hình dáng uy nghi cổ kính, bao gồm ba tầng, xung quanh là thảm cỏ. Tháp Rùa đã tạo nên cho hồ một vẻ đẹp khó tả. Phía bắc hồ là đền Ngọc Sơn. Cứ mỗi dịp Tết đến, rất nhiều người tới đây để thắp hương cầu trời. Đi sâu vào đền là khu bán hàng lưu niệm. Đó là nơi trưng bày một con rùa rất lớn. Đền Ngọc Sơn được nối với bờ bởi cầu Thê Húc cong cong, được quét sơn đỏ tươi. Đi ra một quãng là Đài Nghiên, Tháp Bút. Trên thân Tháp Bút có ba chữ: “tả thanh thiên” của Nguyễn Siêu, nghĩa là”viết lên trời xanh”. Gần hồ có nhiều tượng đá nhằm nói lên sự tôn nghiêm của một di tích lịch sử.
Hồ Gươm đẹp một cách cổ kính và linh thiêng. Quanh hồ là một khu dân cư đông đúc với nhiều nhà cao tầng. Bắt đầu từ phố Đinh Tiên Hoàng là Bưu điện Hà Nội. Bên cạnh là vườn hoa Chí Linh, nơi đây có tượng đài Vua Lí Thái Tổ rất uy nghi. Đối diện với cầu Thê Húc là đền Bà Kiệu có từ thế kỉ XVIII, cạnh nó là tượng đài cảm tử gồm ba chiến sĩ cầm bom ba càng với tư thế sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc. Đi tiếp độ hai mươi mét nữa là Nhà hát múa rối Thăng Long. Ở đó biểu diễn những tiết mục đặc sắc của dân tộc ta. Đi nữa về tay phải là dãy phố Hàng Ngang- Hàng Đào là nơi bao trùm tấp nập người đi lại như trẩy hội.
Quanh hồ cũng có rất nhiều hoạt động thi vị dành cho mọi lứa tuổi. Các cụ già thường ngồi đánh cờ, bàn luận tình hình thời sự trong và ngoài nước. Không chỉ vậy đây còn là nơi lí tưởng để nghỉ ngơi thư giãn sau những giờ làm việc mệt mỏi. Mỗi buổi sáng sớm mọi người thường đi tập thể dục tại đây. Gần đây, ở tuyến xe buýt Hà Nội – Hà Đông gần hồ khai trương phố đi bộ vào ban đêm, cả dãy phố sáng lên bởi ánh đèn rực rỡ muôn màu.
Em rất tự hào vì được sinh ra tại đây. Hồ Gươm không to đẹp, lộng lẫy như nhiều cảnh quan khác nhưng nó là biểu tượng của Thủ đô Hà Nội, là sự sống ngàn năm văn vật của đất nước chúng ta.
Thuyết minh về Hồ Gươm lớp 9 - mẫu 3
Nhắc đến hồ Hoàn Kiếm – Hồ Gươm bỗng nhớ đến hai câu thơ nổi tiếng: “Hồ Gươm xanh thẳm quanh bờ / Thiên thu hồn nước mong chờ bấy lâu”. Đây không chỉ là một trong những không gian văn hóa nhộn nhịp của thủ đô mà nó còn chứa đựng, lưu giữ một thiên sử anh hùng của dân tộc. Nằm giữa trung tâm phồn hoa, trái tim của Hà Nội, Hồ Gươm chính là một danh thắng tự hào của người Hà Thành.
Hồ Gươm còn có tên gọi khác là Hồ Hoàn Kiếm đã có từ rất lâu đời từ cái thời mà sông Cái còn nằm sâu trong lòng đất. Hiện tượng sông lệch dòng rất thường xảy ra, dòng sông Hồng chuyển hướng chảy qua các phố như Hàng Đào, Hai Bà Trưng, Lí Thường Kiệt… rồi hình thành các phân lưu. Và dòng phân lưu rộng nhất chính là hồ Hoàn Kiếm bây giờ.
Hồ Hoàn Kiếm có rất nhiều tên gọi, ngày xưa nó được gọi là hồ Lục Thủy vì dòng nước quanh năm xanh mát. Nhưng đến thế kỉ XV cái tên Hoàn Kiếm gắn liền với truyền thuyết lịch sử Rùa thần đòi gươm. Tương truyền rằng, trong cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược (1417 -1422) Lê Lợi đứng lên lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, ông bắt được thanh gươm báu có tên Thuận Thiên. Thanh gươm này đã vào sinh ra tử với ông trong suốt những năm kháng chiến và giành được độc lập.
Đến năm 1428, Lê Lợi lên ngôi vua lấy hiệu là Lê Thái Tổ trong một lần dạo chơi trên hồ Lục Thủy thì có một con rùa vàng nổi lên. Khi vua tuốt gươm mà chỉ thì rùa ngậm gươm và lặn xuống. Nghĩ rằng đó là trời cho mượn gươm dẹp giặc sau khi thành công thì sai rùa đến đòi nên hồ đã được gọi là Hồ Hoàn Kiếm hay còn là Hồ Gươm. Cũng có một thời gian sau này thời Trịnh - Nguyễn phân tranh hồ được đổi tên thành hồ Vọng ngăn thành hai bên Tả Vọng và Hữu Vọng. Thế nhưng sau đó hồ Tả Vọng bị Tây lấp mất nên hồ còn lại bây giờ chính là Hồ Hoàn Kiếm.
Về vị trí Hồ Gươm nằm giữa các khu phố cổ của Hà Nội như Hàng Ngang, Hàng Đào, Lương Văn Can, Tràng Thi, Tràng Tiền, Hàng Bài… Hồ có tổng diện tích khoảng 12 ha là một trong những hồ nước ngọt tự nhiên của thủ đô. Kéo dài 700m theo hướng Nam Bắc và rộng khoảng 200m. Hồ không chỉ là nơi lưu giữ giá trị văn hóa lịch sử của thủ đô mà còn giúp điều hòa không khí, gắn liền với đời sống du lịch của con người nơi đây. Khi có dịp đến với Hồ Gươm bạn đừng nên bỏ qua những công trình kiến trúc nổi tiếng như Tháp Rùa, Cầu Thê Húc, Đền Ngọc Sơn….
Tháp Rùa được xây dựng vào thế kỉ thứ 19 từ năm 1884 đến tháng 4 năm 1886 thì hoàn thành. Nó nằm ở giữa hồ, trên gò Rùa và mang đậm dấu ấn kiến trúc Pháp. Tháp gồm có 3 tầng như một vọng lâu, hai tầng đầu kiến trúc tương tự nhau có nhiều ô cửa vòm, chiều dài có 3 cửa còn rộng 2 cửa. Tầng 3 chỉ có một cửa vòm. Tháp Rùa cũng là nơi để Rùa phơi nắng và đẻ trứng, loài rùa này được xếp vào sách đỏ Việt Nam. Mỗi khi rùa nổi lên thì sẽ ứng với một việc quốc gia đại sự.
Đền Ngọc Sơn nằm ở vị trí ngày xưa là đảo Ngọc ở phía bắc của Hồ Gươm hay còn có tên gọi khác là Tượng Nhĩ (tai voi). Sau này đến thời Lí Thái Tổ nó được đổi thành Ngọc Tượng và phải đến đời Trần mới thành Ngọc Sơn. Để bước vào đền bạn phải đi qua một cây cầu có tên là Thê Húc, cong cong màu đỏ rực. Và cây cầu này được xây dựng vào năm 1865 nhờ công của danh sĩ Nguyễn Văn Siêu.
Bên cạnh những danh thắng nổi bật trên thì khi đến với Hồ Gươm bạn cũng đừng nên bỏ qua những địa danh như Tháp Bút, Đài Nghiên… Những công trình kiến trúc ấn tượng này đã tạo nên sức hấp dẫn khó cưỡng lại đối với du khách trong và ngoài nước khi đến với Hà Nội. Một trong những biểu tượng khát vọng hòa bình của dân tộc.
Có thể nói Việt Nam là một đất nước rất giàu tài nguyên và thiên nhiên, được tạo hóa ban tặng cho những danh lam thắng cảnh kì vĩ. Thế nhưng Hồ Hoàn Kiếm – Hồ Gươm vẫn được xem là một trong những kiệt tác khó lu mờ trong lòng người dân. Nơi đây chính là nơi lưu giữ hồn cốt tinh hoa của cả dân tộc.
Thuyết minh về Hồ Gươm lớp 9 - mẫu 4
Hồ Gươm (Hoàn Kiếm) được coi là hòn ngọc của Thủ đô, hay như du khách nước ngoài gọi là "Lẵng hoa giữa lòng thành phố, nằm lọt giữa lòng Hà Nội. Tuy là một ngôi đền kiến trúc mới xong đền Ngọc Sơn nằm trên đảo Ngọc lại là một điển hình về không gian và tạo tác kiến trúc. Theo các nhà khoa học hồ là một đoạn sót lại của sông Hồng sau khi sông đã chuyển dòng như hiện nay. Sự việc sông nước biến thiên ấy diễn ra cách đây vài nghìn năm. Trước đây hồ có tên là Lục Thủy vì sắc nước bốn mùa xanh. Thế kỉ 15, hồ Lục Thủy đổi tên là hồ Hoàn Kiếm. Cái tên Hoàn Kiếm gắn liền với câu chuyện trả gươm cho rùa vàng của vua Lê Thái Tổ.
Đảo Ngọc Sơn xưa được gọi là Tượng Nhĩ (tai voi), vua Lý Thái Tổ dời đô ra Thăng Long đặt tên là Ngọc Tượng, đến đời Trần đổi tên là Ngọc Sơn. Tại đây đã có một ngôi đền dựng lên để thờ những người anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong kháng chiến chống quân Nguyên Mông. Về sau lâu ngày đền ấy sụp đổ, đến thời Vĩnh Hựu nhà Lê (1735 – 1739), chúa Trịnh Giang đã dựng cung Thuỵ Khánh và đắp hai quả núi đất ở trên bờ phía đông đối diện với Ngọc Sơn gọi là núi Đào Tai và Ngọc Bội. Cuối đời Lê, cung Thuỵ Khánh bị Lê Chiêu Thống phá huỷ. Một nhà từ thiện tên là Tín Trai, nhân nền cung cũ đã lập ra một ngôi chùa gọi là chùa Ngọc Sơn. Năm Thiệu Trị thứ ba (1843), chùa lại nhường cho một hội từ thiện đổi làm đền thờ Tam Thánh. Hội này đã bỏ gác chuông, xây lại các gian điện chính, các dãy phòng hai bên, đưa tượng Văn Xương đế quân vào thờ và đổi tên là đền Ngọc Sơn (Văn Xương là nhân vật đời Kiến Vũ, 25 – 55 sau công nguyên bên Trung Quốc, sau khi chết được phong là thần chủ về văn chương khoa cử)
Theo sách "Hà Thành linh tích cổ lục" thì ngay từ đời Lê, trên đảo Ngọc Sơn đã có đền thờ Quan Công, người nổi tiếng trung nghĩa đời Tam Quốc (Trung Quốc). Khi vua Lê và chúa Trịnh dùng hồ là nơi duyệt thuỷ quân thì đền được coi như một võ miếu. Dân Hà thành đã đem tượng Đức thánh Trần thờ phối hưởng bên cạnh Quan Công. Nhưng "Khâm định Việt sử thông giám cương mục" lại cho đó là tượng Lê Lai, công thần khai quốc đời Lê đã xả thân cứu chúa.
Năm Tự Đức thứ mười tám (1865), nhà nho Nguyễn Văn Siêu đứng ra tu sửa lại đền. Đền mới sửa đắp thêm đất và xây kè đá xung quanh, xây đình Trấn Ba, bắc một cầu từ bờ đông đi vào gọi là cầu Thê Húc. Trên núi Ngọc Bội cũ, ông cho xây một tháp đá, đỉnh tháp hình ngọn bút lông, thân tháp có khắc ba chữ "Tả Thanh Thiên" (viết lên trời xanh), ngày nay thường gọi đó là tháp Bút. Tiếp đến là một cửa cuốn gọi là đài Nghiên, trên có đặt một cái nghiên mực bằng đá hình nửa quả đào bổ đôi theo chiều dọc, có hình ba con ếch đội. Trên nghiên có khắc một bài minh nói về công dụng của cái nghiên mực xét về phương diện triết học. Người đời sau ca ngợi là: Nhất đài Phương Đình bút. Từ cổng ngoài đi vào có hai bức tường hai bên, một bên là bảng rồng, một bên là bảng hổ, tượng trưng cho hai bảng cao quý nêu tên những người thi đỗ, khiến cho các sĩ tử đi qua càng gắng công học hành.
Tên cầu Thê Húc nghĩa là giữ lại ánh sáng đẹp của mặt trời. Cầu Thê Húc dẫn đến cổng đền Ngọc Sơn, còn gọi là Đắc Nguyệt Lâu (lầu được trăng) dưới bóng cây đa cổ thụ, ở giữa một vùng cây cối um tùm, trông như từ dưới nước nhô lên. Đền chính gồm hai ngôi nối liền nhau, ngôi đền thứ nhất về phía Bắc thờ Trần Hưng Đạo và Văn Xương. Tượng Văn Xương đứng, tay cầm bút được đặt ở hậu cung trên bệ đá cao khoảng 1m, hai bên có hai cầu thang bằng đá. Phía Nam có đình Trấn Ba (đình chắn sóng- ngụ ý là cột trụ đứng vững giữa làn sóng không lành mạnh trong nền văn hóa đương thời). Đình hình vuông có tám mái, mái hai tầng có 8 cột chống đỡ, bốn cột ngoài bằng đá, bốn cột trong bằng gỗ. Các nhân vật được thờ trong đền ngoài Văn Xương Đế Quân, Lã Động Tân, Quan Vân Trường, Trần Hưng Đạo, còn thờ cả phật A Di Đà. Điều này thể hiện quan niệm Tam giáo đồng nguyên của người Việt.
Sự kết hợp giữa đền Ngọc Sơn và hồ Hoàn Kiếm đã tạo thành một tổng thể kiến trúc Thiên – Nhân hợp nhất, tạo vẻ đẹp cổ kính, hài hoà, đăng đối cho đền và hồ, gợi nên những cảm giác chan hoà giữa con người và thiên nhiên. Đền và hồ đã trở thành những chứng tích gợi lại những kỷ niệm xưa về lịch sử dân tộc, thức tỉnh niềm tự hào, yêu nước chính đáng, cũng như tâm linh, ý thức mỗi người Việt Nam trước sự trường tồn của dân tộc.
Đối với người Hà Nội, hồ Hoàn Kiếm không chỉ là một nơi hóng gió, một nơi dùng để chơi thuyền mà còn gắn liền với đời sống về nhiều phương diện: đêm giao thừa, người người nô nức du xuân quanh hồ. Xuân về, hồ là nơi gặp gỡ của thiện nam tín nữ đi lễ các đền chùa lân cận. Các đôi uyên ương trong ngày cưới tìm đến bên hồ Gươm chụp ảnh lưu niệm. Hè đến, những buổi chiều oi bức, hồ là địa điểm hóng mát lý tưởng. Ai đã từng một lần ngắm hồ từ trên cao vào đầu hạ sẽ không khỏi thảng thốt trước bức tranh đầy màu sắc và nên thơ của những cây bằng lăng tím rạng rỡ xen giữa những phượng cháy đỏ rực, cơm nguội chín vàng, những tàng cây ngả xuống, vòng tay ôm lấy mặt nước hồ biếc xanh màu ngọc. Mùa thu, hồ Hoàn Kiếm không những chỉ là một thắng cảnh đẹp với những rặng liễu rủ bên bờ, nắng vàng lấp lánh trên mặt nước mà còn là nơi nhân dân thủ đô lui tới để xem pháo hoa nhân những ngày hội lớn của dân tộc như 19/8 và 2/9.
Những di tích lịch sử độc đáo: tháp Rùa, tượng vua Lý Thái Tổ, đền Ngọc Sơn, đài Nghiên, tháp Bút, đền Bà Kiệu, chùa Bà Đá… và những công trình kiến trúc hiện đại, mới được xây dựng hoặc tu tạo nhưng luôn đảm bảo kết hợp hài hoà với cảnh quan vốn có quanh hồ. Hồ Gươm với đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc và tháp Rùa lung linh bóng nước là hình ảnh của thủ đô Hà Nội trong mỗi trái tim người Việt Nam.
Thuyết minh về Hồ Gươm lớp 9 - mẫu 5
Hà Nội! Không chỉ là thủ đô của nước Việt Nam. Không chỉ là trung tâm chính trị của nước nhà. Nó là một địa danh lịch sử gắn với nhiều đau thương mất mát của chiến tranh, gắn với những mốc son không thể xóa nhòa. Nói đến Hà Nội, người dân Hà Nội, luôn có những hình ảnh đẹp đẽ trong mắt mỗi người dân Việt Nam. Những địa danh, những hình ảnh, những địa điểm tại đất Thăng Long ai ai cũng muốn tham quan, được đi đến. Trong đó có Hồ Gươm.
Hồ Gươm không chỉ là danh lam thắng cảnh đẹp của Hà Nội, nó còn là di tích lịch sử của nước ta. Trước hết, Hồ Gươm được gắn với truyền thuyết Lê Lợi và khởi nghĩa Lam Sơn cùng thần kim quy đã giúp nước ta thoát khỏi ách đô hộ của giặc Minh xâm lược. Sự tích trả gươm rùa thần của Lê Lợi đã làm nên cái tên "Hồ Gươm" hay "Hồ Hoàn Kiếm" ngày nay thay cho tên "Hồ Lục Thủy" ngày xưa. Trên hồ có hai hòn đảo: đảo Ngọc và đảo Rùa. Đầu thế kỷ 19, người ta dựng một ngôi chùa trên đảo Ngọc gọi là chùa Ngọc Sơn. Ít lâu sau chùa không thờ Phật mà thờ thánh Văn Xương và Trần Hưng Đạo nên đổi tên thành Đền Ngọc Sơn. Năm 1864, trên gò Ngọc Bội đối diện với đảo Ngọc, Tháp Bút được xây dựng.
Hồ Gươm là hồ nước ngọt tự nhiên của Hà Nội. Với diện tích 12ha, nước hồ quanh năm xanh ngắt. Hồ có vị trí kết nối giữa khu phố cổ gồm các phố: Hàng Ngang, Hàng Đào, Cầu Gỗ... với các khu phố Tây do người Pháp quy hoạch như: Tràng Thi, Bảo Khánh, Nhà Thờ, Đinh Tiên Hoàng, Tràng Tiền, Hàng Khay, Bà Triệu... Đến thăm Hồ Gươm, không thể không thấy hình ảnh tượng trưng của nó. Đó là tháp Rùa. Tháp Rùa được xây dựng nằm ở trung tâm hồ chịu ảnh hưởng của đặc trưng kiến trúc Pháp. Tháp hình chữ nhật, có bốn tầng. Kiến trúc từng tầng khá giống nhau. Các mặt được xây dựng đều có cửa uốn thon gọn. Tháp Rùa được coi là kiến trúc có tính chất lịch sử và thiêng liêng đối với không chỉ người dân Hà Nội mà còn là cả con người Việt Nam. Đặc biệt, đến với Hồ Gươm thì hầu như ai cũng dành chút thời gian để bước chân lên chiếc cầu Thê Húc màu son dẫn vào đền Ngọc Sơn. Sự kết hợp giữa đền Ngọc Sơn và hồ Hoàn Kiếm đã tạo thành một tổng thể kiến trúc Thiên - Nhân hợp nhất tạo vẻ đẹp cổ kính hài hòa cho đền và hồ, gợi nên những cảm giác chan hòa giữa con người và thiên nhiên. Ngoài ra, Hồ Gươm còn gắn liền với các địa danh khác như Tháp Bút, Đài Nghiên, Đền thờ vua Lê....
Hồ Gươm đã cùng với thời gian trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử. Biết bao đời vua trị vì đã đến đây để thực hiện những nghi thức long trọng. Cũng bởi giá trị lịch sử của nó đối với Hà Nội và cả đất nước Việt Nam, mà Hồ Gươm đã trở thành điểm đến của biết bao du khách trong và ngoài nước mỗi khi đặt chân đến Thủ đô. Không ai có thể phủ nhận giá trị kiến trúc cũng như giá trị lịch sử của Hồ Gươm.
Đối với người dân Hà Nội, Hồ Gươm không chỉ là điểm đến dừng chân, ngắm cảnh hữu tình hay hóng gió. Hồ Gươm đã cùng với người dân Hà Nội trải qua biết bao thời kỳ đổi thay, chuyển mình của đất nước. Nó mang một giá trị tinh thần hết sức to lớn đối với người dân Hà Nội. Nó như một người bạn, một người tri kỷ, một chứng nhân lịch sử quan trọng của người dân Hà Nội. Cũng giống như cầu Long Biên hay bất kì một địa danh nào khác của Hà Nội, Hồ Gươm là dấu ấn riêng của Hà Nội mỗi khi nhớ về. Không chỉ bởi lẽ đó, Hồ Gươm còn có một vị trí địa lý hết sức quan trọng đối với Hà Nội. Nằm ở trung tâm Hà Nội lại nối các khu phố quan trọng với nhau đã khiến cho Hồ Gươm càng trở nên quan trọng đối với đất Thủ đô phồn hoa rực rỡ này.
Bởi vậy mà các sự kiện quan trọng của đất nước thường được tổ chức và diễn ra tại đây. Chưa hết, do nước hồ trong xanh tạo một cảm giác nhẹ nhàng, thoải mái mỗi khi hè đến. Ai cũng biết cái nóng của Hà Nội. Nhưng khi dừng chân ở bờ hồ Hoàn Kiếm, mọi cái nắng không thể làm vơi đi sự mát mẻ cũng như thoải mái nơi đây. Đây cũng là lý do vì sao, mỗi khi mùa hè đến, xung quanh Hồ Gươm thường rất đông người. Ngày nay, Hồ Gươm còn là điểm đến lý tưởng của các bạn trẻ đặc biệt là sinh viên. Bởi lẽ, ở đây tập trung rất nhiều du khách nước ngoài. Chính vì thế, các bạn sinh viên năng động ngày nay thường đến đây để nâng cao khả năng giao tiếp với người nước ngoài của bản thân mình.
Tóm lại, Hồ Gươm vừa là danh lam thắng cảnh, vừa là di tích lịch sử, vừa là dấu ấn là tri kỉ của Hà Nội, người Hà Nội. Hơn hết, Hồ Gươm còn là địa điểm du lịch, nơi nghỉ ngơi vui chơi học tập của mọi người. Hãy đến với Hồ Gươm, bạn sẽ cảm nhận được tất cả những gì mà tôi nói. Hồ Gươm - một địa điểm tuyệt vời giữa lòng Hà Nội.
Mục lục Văn mẫu | Văn hay 9 theo từng phần:
- Mục lục Văn thuyết minh
- Mục lục Văn tự sự
- Mục lục Văn nghị luận xã hội
- Mục lục Văn nghị luận văn học Tập 1
- Mục lục Văn nghị luận văn học Tập 2
- Giải Tiếng Anh 9 Global Success
- Giải sgk Tiếng Anh 9 Smart World
- Giải sgk Tiếng Anh 9 Friends plus
- Lớp 9 Kết nối tri thức
- Soạn văn 9 (hay nhất) - KNTT
- Soạn văn 9 (ngắn nhất) - KNTT
- Giải sgk Toán 9 - KNTT
- Giải sgk Khoa học tự nhiên 9 - KNTT
- Giải sgk Lịch Sử 9 - KNTT
- Giải sgk Địa Lí 9 - KNTT
- Giải sgk Giáo dục công dân 9 - KNTT
- Giải sgk Tin học 9 - KNTT
- Giải sgk Công nghệ 9 - KNTT
- Giải sgk Hoạt động trải nghiệm 9 - KNTT
- Giải sgk Âm nhạc 9 - KNTT
- Giải sgk Mĩ thuật 9 - KNTT
- Lớp 9 Chân trời sáng tạo
- Soạn văn 9 (hay nhất) - CTST
- Soạn văn 9 (ngắn nhất) - CTST
- Giải sgk Toán 9 - CTST
- Giải sgk Khoa học tự nhiên 9 - CTST
- Giải sgk Lịch Sử 9 - CTST
- Giải sgk Địa Lí 9 - CTST
- Giải sgk Giáo dục công dân 9 - CTST
- Giải sgk Tin học 9 - CTST
- Giải sgk Công nghệ 9 - CTST
- Giải sgk Hoạt động trải nghiệm 9 - CTST
- Giải sgk Âm nhạc 9 - CTST
- Giải sgk Mĩ thuật 9 - CTST
- Lớp 9 Cánh diều
- Soạn văn 9 Cánh diều (hay nhất)
- Soạn văn 9 Cánh diều (ngắn nhất)
- Giải sgk Toán 9 - Cánh diều
- Giải sgk Khoa học tự nhiên 9 - Cánh diều
- Giải sgk Lịch Sử 9 - Cánh diều
- Giải sgk Địa Lí 9 - Cánh diều
- Giải sgk Giáo dục công dân 9 - Cánh diều
- Giải sgk Tin học 9 - Cánh diều
- Giải sgk Công nghệ 9 - Cánh diều
- Giải sgk Hoạt động trải nghiệm 9 - Cánh diều
- Giải sgk Âm nhạc 9 - Cánh diều
- Giải sgk Mĩ thuật 9 - Cánh diều