(dễ nhớ, ngắn gọn)

Sơ đồ tư duy Đấu tranh cho một thế giới hòa bình (dễ nhớ, ngắn gọn)

Nhằm mục đích giúp học sinh dễ dàng hệ thống hóa được kiến thức, nội dung các tác phẩm trong chương trình Ngữ văn 9, chúng tôi biên soạn bài viết Sơ đồ tư duy Đấu tranh cho một thế giới hòa bình dễ nhớ, ngắn gọn với đầy đủ các nội dung như tìm hiểu chung về tác phẩm, tác giả, bố cục, dàn ý phân tích, bài văn mẫu phân tích, .... Hi vọng qua Sơ đồ tư duy Đấu tranh cho một thế giới hòa bình sẽ giúp học sinh nắm được nội dung cơ bản của Đấu tranh cho một thế giới hòa bình.

Bài giảng: Đấu tranh cho một thế giới hòa bình - Cô Nguyễn Ngọc Anh (Giáo viên VietJack)

Sơ đồ tư duy Đấu tranh cho một thế giới hòa bình - mẫu 1

1

I. Tác giả

- Ga-bri-en Gác-xi-a Mác-két là nhà văn Cô-lôm-bi-a sinh năm 1928.

- Ông là tác giả của nhiều tiểu thuyết và nhiều tập truyện ngắn theo khuynh hướng hiện thực huyền ảo.

- Năm 1982, Mác-két được tặng giải thưởng Nô-ben về văn học.

II. Tìm hiểu chung tác phẩm

1. Thể loại: Văn bản nhật dụng.

2. Xuất xứ:

“Đấu tranh cho một thế giới hòa bình” trích từ bài tham luận nổi tiếng của G.Mác-két tại hội nghị của các nguyên thủ các nước thuộc Châu Á, Phi, Mĩ Latinh vào tháng 8/1986, tại Mê-hi-cô.

3. Bố cục: 3 phần:

- Phần 1: (Từ đầu đến… vận mệnh thế giới): Hiểm họa chiến tranh hạt nhân đang đè nặng lên toàn trái đất.

- Phần 2: (Tiếp theo đến… điểm xuất phát của nó): Sự phi lí và tốn kém của cuộc chạy đua vũ trang.

- Phần 3: (Còn lại): Ngăn chặn chiến tranh là nhiệm vụ của mọi người.

4. Giá trị nội dung

- Nguy cơ chiến tranh hạt nhân đang đe dọa toàn thể loài người và sự sống trên trái đất. Cuộc chạy đua vũ trang vô cùng tốn kém đã cướp đi của thế giới nhiều điều kiện để phát triển, để loại trừ nạn đói, nạn thất học và khắc phục nhiều bệnh tật cho hàng trăm triệu con người. 

- Đấu tranh cho hòa bình, ngăn chặn và xóa bỏ nguy cơ chiến tranh hạt nhân là nhiệm vụ thiết thân và cấp bách của toàn thể loài người.

5. Giá trị nghệ thuật

Tác giả kết hợp hài hòa giữa trí tuệ và tình cảm, giữa lí lẽ sắc bén và những số liệu cụ thể, chính xác giúp cho văn bản có sức hấp dẫn, thuyết phục người đọc, người nghe. 

III. Dàn ý phân tích tác phẩm

1. Hiểm họa chiến tranh hạt nhân đang đè nặng lên toàn trái đất

- Với thời gian hết sức cụ thể, số liệu cụ thể (hơn 50000 đầu đạn hạt nhân) cùng một phép tính hết sức đơn giản ⇒ mỗi người trên Trái đất đang ngồi trên 4 tấn thuốc nổ, tất cả nổ tung sẽ làm biến hết thảy 12 lần sự sống trên hành tinh này.

⇒ Tính chất khốc liệt và sự khủng khiếp của chiến tranh hạt nhân.

- Mác-két đã đưa ra những tính toán lí thuyết: với kho vũ khí đó nó có thể tiêu diệt tất cả các hành tinh đang xoay quanh mặt trời cộng với bốn hành tinh nữa ⇒ phá hủy thế thăng bằng của hệ mặt trời.

⇒ Vào đề trực tiếp với chứng cứ cụ thể, xác thực ⇒ gây chú ý và giúp mỗi người nhận ra hiểm họa khủng khiếp của chiến tranh hạt nhân.

2. Sự phi lí và tốn kém của cuộc chạy đua vũ trang

a. Chạy đua vũ trang giữa các nước làm mất khả năng để con người được sống tốt đẹp hơn

- Tác giả đã đưa ra những dẫn chứng với số liệu cụ thể:

+ Số tiền 100 tỉ đô la bỏ ra cho 100 máy bay Mĩ và gần 7000 tên lửa có thể cải thiện cuộc sống cho 500 triệu trẻ em nghèo khổ nhất thế giới.

+ Giá 10 chiếc tàu sân bay Ni-mít đủ để thực hiện chương trình phòng bệnh trong 14 năm cho hơn 1 tỉ người và cứu hơn 14 triệu trẻ em châu Phi....

+ Chỉ 2 chiếc tàu ngầm mang vũ khí hạt nhân là đủ tiền xóa mù chữ cho toàn thế giới....

⇒ Số liệu cụ thể trên các lĩnh vực xã hội, y tế, tiếp tế thực phẩm, giáo dục, những mặt thiết yếu trong đời sống.... ⇒ làm nổi bật sự tốn kém và tính chất phi lí của cuộc chạy đua vũ trang.

⇒ Lập luận xác đáng, dẫn chứng cụ thể, giàu sức thuyết phục.

b. Chiến tranh hạt nhân đi ngược lại lí trí của loài người và quy luật tự nhiên

- Chiến tranh hạt nhân không những tiêu diệt toàn bộ loài người mà còn phá hủy mọi sự sống trên trái đất ⇒ đi ngược lại quy luật tiến hóa, quy luật tự nhiên.

- Tác giả đã đưa ra những chứng cứ khoa học địa chất:

+ 380 triệu năm con bướm mới có thể bay

+ 180 năm nữa bông hồng mới nở

+ Hàng triệu triệu năm… trải qua một quá trình tiến hóa hết sức lâu dài của tự nhiên, con người mới hình thành….

- Vậy mà chỉ cần một tích tắc của chiến tranh hạt nhân, tất cả kết quả của sự tiến hóa của tự nhiên ấy trở về điểm xuất phát. Hỏi còn gì phản tiến hóa, phản tự nhiên hơn nữa? ⇒ Chiến tranh hạt nhân đẩy lùi quá trình tiến hóa, tiêu hủy mọi thành quả của quá trình phát triển loài người.

3. Ngăn chặn chiến tranh là nhiệm vụ của mọi người 

- Thái độ tích cực của mỗi người là phải đoàn kết, xiết chặt đội ngũ đấu tranh vì một thế giới hòa bình, phản đối, ngăn chặn chạy đua vũ trang, tàng trữ vũ khí hạt nhân.

- Tác giả đã sáng kiến lập ngân hàng trí nhớ để lưu giữ sau tai họa hạt nhân.

⇒ Cách diễn đạt đặc sắc, độc đáo, những thông điệp Mác-két đưa ra là những thông điệp có ý nghĩa cấp thiết và thực sự quan trọng.

IV. Bài phân tích

Tác giả Mác-két là người gốc Cô-lôm-bi-a. Ông là một nhà văn đồng thời cũng là hoạt động xã hội vô cùng lỗi lạc. Mác-két từng đạt giải Nô-ben văn học năm 1982. Bài viết “Đấu tranh cho một thế giới hòa bình” là một bài viết hay, mang một ý nghĩa vô cùng to lớn cho toàn thể hành tinh chúng ta. Nó chính là bức thông điệp mà tác giả Mác-két muốn gửi tới toàn thể nhân loại trên hành tinh hình cầu này.

Để làm sáng tỏ luận đề Đấu tranh cho một thế giới hòa bình, Mác-két đã đưa ra ba luận điểm đầy sức thuyết phục: một là, nhân loại đang đứng trước hiểm họa hạt nhân; hai là, cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân là cực kì tốn kém và cuối cùng đó chính là lời kêu gọi chống nguy cơ hạt nhân nhằm đấu tranh cho một thế giới hòa bình.

Nhân loại đang đứng trước hiểm họa hạt nhân; cái “nguy cơ ghê gớm đang đè nặng lên chúng ta như thanh gươm Đa-mô-clét”. Với hơn 50.000 đầu đạn hạt nhân bố trí khắp hành tinh, mỗi con người đang ngồi trên một thùng 4 tấn thuốc nổ. Số vũ khí hạt nhân ấy có thể hủy diệt 12 lần mọi dấu vết sự sống trên trái đất; có thể “tiêu diệt tất cả các hành tinh đang xoay quanh mặt trời, cộng thêm 4 hành tinh nữa...” Mác-két lên án nguy cơ hạt nhân là “dịch hạch hạt nhân” vì “cái cảnh tận thế tiềm tàng trong các bệ phóng cái chết”. Những con số mà Mác-két đưa ra đã nâng cao nhận thức cho mọi người về nguy cơ chiến tranh hạt nhân, và sự hủy diệt khủng khiếp của vũ khí hạt nhân. 

Trong luận điểm thứ hai của mình tác giả Mác-két đã phân tích rõ việc chạy đua vũ trang đã tiêu tốn rất nhiều tiền bạc của nền kinh tế của thế giới. Phí đầu tư cho 100 chiếc máy bay chiến lược của Mỹ có thể lên tới 100 tỉ đô la. Với số tiền lớn như thế này có thể cung cấp đồ ăn thức uống của 500 triệu người nghèo ở Châu Phi. Chỉ cần lấy số tiền mua hai chiếc tàu ngầm mang vũ khí hạt nhân chúng ta có thể đủ tiền xóa mù chữ cho toàn thế giới. Chỉ cần với những con số nhỏ thế thôi nhưng chúng ta có thể thấy rằng chi phí cho chiến tranh, cho sản xuất vũ khí hạt nhân là vô cùng lớn. Nó chiếm rất nhiều ngân sách tiền tệ của nhiều nước. Trong khi với số tiền đó chúng ta có thể cứu chữa cho rất nhiều bệnh nhân, giúp rất nhiều trẻ em nghèo được đi học, có lương thực sinh sống.

Lập luận của Mác-két vô cùng cùng chắc chắn, sắc bén những con số kinh tế mà ông đưa ra khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên giật mình bởi nó quá lớn quá tốn kém, mà những số tiền lớn này lại chỉ phục vụ cho sự phi nghĩa, không nhằm cứu vớt nhân loại, loài người khỏi đói nghèo dốt nát mà chỉ làm hại cho hành tinh chúng ta, đặt nguy cơ hủy diệt lên cao hơn. Tác giả sử dụng lối biện luận tương phản về thời gian: quá trình hình thành sự sống và văn minh nhân loại phải trải qua hàng triệu triệu năm, còn sự hủy diệt Trái đất chỉ diễn ra trong nháy mắt, “chỉ cần bấm nút một cái” thì tất cả sẽ trở thành tro bụi - ông đã chỉ cho mỗi người, mỗi dân tộc, mỗi quốc gia thấy rõ hiểm họa vũ khí hạt nhân, chạy đua vũ trang hạt nhân khủng khiếp như thế nào!

Cuối cùng là lời kêu gọi của Mác-két. Ông kêu gọi mọi người chống lại việc đó - cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân; hãy tham gia vào bản đồng ca của những người đòi hỏi một thế giới không có vũ khí và một cuộc sống hòa bình, công bằng. Ông đề nghị “mở ra một nhà băng lưu trữ trí nhớ, có thể tồn tại được sau tai họa hạt nhân” để cho nhân loại tương lai biết rằng sự sống đã từng tồn tại..., để nhân loại tương lai biết đến những thủ phạm đã gây ra những lo sợ, đau khổ cho hàng tỉ con người, để biết đến tên những kẻ giả điếc làm ngơ trước những lời khẩn cầu hòa bình, những lời kêu gọi làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn ...

Bài viết “Đấu tranh cho một thế giới hòa bình” thể hiện tâm tư, tình cảm của tác giả Mác-két. Nó cho thấy ông là người có trí tuệ biết nhìn xa trông rộng, nhìn thấy trước được tương lai của nhân loại và ông cũng là người có trái tim nhân hậu, biết yêu thương người nghèo, luôn mong muốn có một cuộc sống hòa bình cho tất cả mọi người.

V. Một số lời bình về tác phẩm

Bài thơ nói về mong ước hòa bình trên thế giới

Bài ca về trái đất

Trái đất này là của chúng mình

Quả bóng xanh bay giữa trời xanh

Bồ câu ơi, cánh chim gù thương mến

Hải âu ơi cánh chim vờn sóng biển

Cùng bay nào, cho trái đất quay

Cùng bay nào, cho trái đất quay!


Trái đất trẻ của bạn trẻ năm châu

Vàng, trắng, đen… dù da khác màu

Ta là nụ, là hoa của đất

Gió đẫm hương thơm, nắng tô thắm sắc

Màu hoa nào cũng quý cũng thơm!

Màu hoa nào, cũng quý, cũng yêu!


Khói hình nấm, là tai họa đấy

Bom H bom A không phải bạn ta

Tiếng hát vui giữ bình yên trái đất

Tiếng cười ran cho trái đất không già

Hành tinh này là của chúng ta

Hành tinh này là của chúng ta!

(Định Hải)

Sơ đồ tư duy Đấu tranh cho một thế giới hòa bình - mẫu 2

Sơ đồ tư duy Đấu tranh cho một thế giới hòa bình (dễ nhớ, ngắn gọn)

Sơ đồ tư duy Đấu tranh cho một thế giới hòa bình - mẫu 3

Sơ đồ tư duy Đấu tranh cho một thế giới hòa bình (dễ nhớ, ngắn gọn)

Sơ đồ tư duy Đấu tranh cho một thế giới hòa bình - mẫu 4

Sơ đồ tư duy Đấu tranh cho một thế giới hòa bình (dễ nhớ, ngắn gọn)

Xem thêm sơ đồ tư duy của các tác phẩm, văn bản lớp 9 hay, chi tiết khác:

Mục lục Văn mẫu | Văn hay 9 theo từng phần:


Giải bài tập lớp 9 sách mới các môn học