(dễ nhớ, ngắn gọn)

Sơ đồ tư duy bài thơ Sang thu (dễ nhớ, ngắn gọn)

Nhằm mục đích giúp học sinh dễ dàng hệ thống hóa được kiến thức, nội dung các tác phẩm trong chương trình Ngữ văn 9, chúng tôi biên soạn bài viết Sơ đồ tư duy bài thơ Sang thu dễ nhớ, ngắn gọn với đầy đủ các nội dung như tìm hiểu chung về tác phẩm, tác giả, bố cục, dàn ý phân tích, bài văn mẫu phân tích, .... Hi vọng qua Sơ đồ tư duy bài thơ Sang thu sẽ giúp học sinh nắm được nội dung cơ bản của bài thơ Sang thu.

Bài giảng: Sang thu - Cô Nguyễn Ngọc Anh (Giáo viên VietJack)

Sơ đồ tư duy bài thơ Sang thu - mẫu 1

1

I. Tác giả

- Hữu Thỉnh tên đầy đủ là Nguyễn Hữu Thỉnh, sinh năm 1942, quê ở huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc.

- Năm 1963, Hữu Thỉnh nhập ngũ, vào binh chủng Tăng Thiết Giáp rồi trở thành cán bộ văn hoá tuyên huấn trong quân đội và bắt đầu sáng tác thơ.

- Ông đã tham gia Ban chấp hành Hội nhà văn Việt Nam các khoá III, IV, V. Từ năm 2004, Hữu Thỉnh là Tổng thư ký Hội nhà văn Việt Nam.

- Ông là một trong những gương mặt tiêu biểu thuộc lớp nhà thơ chiến sĩ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước.

+ Trong giai đoạn chống Mĩ cứu nước, bao trùm trong toàn bộ sáng tác của Hữu Thỉnh là cảm hứng về quê hương, đất nước, nhân dân.

+ Sau chiến tranh, ngòi bút của ông hướng về những cảm xúc đời thường hay những thân phận cá nhân.

- Phong cách sáng tác: cảm xúc tinh tế, lãng mạn; hình ảnh giản dị mà giàu sức gợi cảm.

II. Tìm hiểu chung tác phẩm

1. Thể loại: thơ 5 chữ

2. Xuất xứ, hoàn cảnh sáng tác

- Sáng tác năm 1977

- In trong tập thơ “Từ chiến hào đến thành phố”, xuất bản năm 1991.

3. Bố cục: 3 phần

- Phần 1: Khổ 1: Cảm nhận về thiên nhiên lúc giao mùa, tín hiệu báo thu về.

- Phần 2: Khổ 2: Quang cảnh đất trời ngả dần sang thu

- Phần 3: Khổ 3: Những biến chuyển âm thầm của tạo vật và suy ngẫm về đời người lúc chớm thu.

4. Giá trị nội dung

Là sự cảm nhận tinh tế về vẻ đẹp thiên nhiên của bước chuyển mùa từ hạ sang thu. Đồng thời nói lên sự xúc động của lòng người trong khoảnh khắc giao mùa.

5. Giá trị nghệ thuật

Là bài thơ giàu hình ảnh, giàu sức biểu cảm, cảm xúc tinh tế, sâu lắng, kết hợp tấm lòng chân thành của nhà thơ tạo nên sức cuốn hút cho tác phẩm.

III. Dàn ý phân tích tác phẩm

1. Cảm nhận về thiên nhiên lúc giao mùa, tín hiệu báo thu về

- Cảm nhận tín hiệu thu về không gian bằng nhiều giác quan và sự rung cảm tinh tế

+ Hương ổi chín lan vào không gian, phả vào gió se

+ Sương đầu thu giăng mắc nhẹ nhàng, chuyển động chầm chậm nơi đường thôn ngõ xóm

+ Từ “bỗng” diễn tả sự ngạc nhiên, ngỡ ngàng của nhà thơ trước những phát hiện thú vị báo thu về

+ Động từ “phả” gợi lên hương thơm của ổi chín như sánh lại, luồn vào trong gió gợi lên cho người đọc hình dung được không gian và thời gian của tiết sang thu

+ Gợi ra hình dung của hương ổi chín lan trong không gian, phả vào gió se

+ Chùng chình – nghệ thuật nhân hóa: sương như có ý chậm lại, quấn quýt, điều đó cũng gợi hình ảnh về bước đi của thời gian, nhẹ nhàng.

2. Quang cảnh đất trời ngả dần sang thu

- Khoảnh khắc giao mùa được diễn tả thú vị qua đám mây mùa hạ “vắt nửa mình sang thu” – nghệ thuật nhân hóa diễn tả sự nuối tiếc, sự lưỡng lự trước khi chuyển mùa.

- Hình ảnh dòng sông trôi thanh thản, êm dịu chính là sự lắng đọng, “dềnh dàng” đặc trưng của mùa thu

- Chim “vội vã”: nghệ thuật nhân hóa, dường như chim muông cũng cảm nhận được sự chuyển giao của mùa mới nên tìm cho mình hướng đi.

⇒ Các hình ảnh, chi tiết đặc sắc giàu sức gợi hình tái hiện chân thật góc nhìn cũng như cảm xúc say sưa, hòa nhịp của tác giả trong khoảnh khắc thiêng liêng của đất trời.

3. Những biến chuyển âm thầm của tạo vật và suy ngẫm về đời người lúc chớm thu.

- Các tính từ chỉ mức độ “vẫn còn”, “vơi dần” bớt từ chỉ mức độ rằng hạ nhạt dần, thu đậm nét hơn

- Quan sát tinh tế, nhạy cảm của tác giả: Sấm cũng bớt bất ngờ/ Trên hàng cây đứng tuổi

+ Hình ảnh thực của tự nhiên sang thu sấm thưa thớt, không còn dữ dội làm lay động hàng cây nữa

+ Nghệ thuật nhân hóa: “bớt bất ngờ” - trạng thái của con người

+ Hàm ý: con người khi cứng cáp, trưởng thành sẽ không còn sợ, hay cảm thấy bất ngờ trước những thử thách, sóng gió của cuộc đời. Con người từng trải sẽ vững vàng, kiên định hơn trước những tác động bất thường từ ngoại cảnh.

IV. Bài phân tích

   Có lẽ, trong bốn mùa xuân, hạ, thu, đông thì mùa thu thường gợi cảm hứng cho thi ca, nhạc họa nhiều nhất. Ta có thể bắt gặp chùm thơ thu của Nguyễn Khuyến, “Tiếng thu” của Lưu Trọng Lư hay “Đây mùa thu tới” của Xuân Diệu... và cũng viết về đề tài mùa thu, nhà thơ Hữu Thỉnh với thi phẩm “Sang thu” đã có những cảm nhận về phút giây giao mùa chuyển từ cuối hạ sang đầu thu thật mới mẻ, tinh tế, nhẹ nhàng. 

   Nhà thơ Hữu Thỉnh (1942), tên thật là Nguyễn Hữu Thỉnh, là một nhà thơ nổi tiếng của nhà thơ Việt Nam. Ông là hội viên hội nhà văn Việt Nam và là Chủ tịch hội Nhà văn Việt Nam, kiêm nhiệm tổng biên tập báo Văn nghệ. Sang thu được tác giả viết theo thể ngũ ngôn, gồm ba khổ thơ, mỗi câu thơ đều diễn tả một nét thu êm đềm, hình ảnh của mùa thu trong buổi đầu thu, thu mới về, thu chợt đến. Bài thơ là bút pháp nghệ thuật tinh tế, tài hoa của tác giả khi thể hiện cảnh sắc mùa thu ở đồng quê miền Bắc. 

   Mở đầu bài thơ là những tín hiệu báo mùa thu về qua những cảm nhận tinh tế và sâu sắc của tác giả:

Bỗng nhận ra hương ổi

Phả vào trong gió se

Sương chùng chình qua ngõ

Hình như thu đã về.

   Cụm từ “bỗng nhận ra” đặt ở đầu bài thơ giống như một sự phát hiện đầy lí thú và ngạc nhiên trước những sự biến đổi của thiên nhiên đất trời đi vào thu. Và để rồi, trong sự ngạc nhiên, ngỡ ngàng ấy, những tín hiệu đầu tiên của thiên nhiên vào thu cứ thế gọi nhau ùa về. Tín hiệu đầu tiên của mùa thu về trong cảm nhận của tác giả đó chính là “hương ổi” – hương thơm của loại quả đặc trưng và mùa thu. Hương thơm ấy “phả vào trong gió se”. Nếu mùa xuân là gió riêu riêu, là mưa lành lạnh, mùa hè là gió nồm thì gió se chính là tiết trời đặc trưng của riêng mùa thu – cái gió nhẹ nhàng trong lành. Và đặc biệt hương ổi nhè nhẹ ấy lại “phả” vào làn gió thu. Một chữ “phả” thôi sao mà tinh tế, mà sâu sắc đến vậy. Từ “phả” ấy giúp chúng ta nhận ra rằng ổi đang vào độ chín nhất, thơm nhất, quyến rũ nhất và hương thơm ấy đang quyện hào, trộn lẫn vào trong hơi gió heo may của mùa thu tạo nên một hương thơm ngọt mát. Và đặc biệt, những tín hiệu “sang thu” đầu tiên ấy còn thể hiện qua hình ảnh “sương chùng chình qua ngõ”. Từ láy “chùng chình” diễn tả tinh tế trạng thái của sương thu và của cả đất trời, tất cả dường như chuyển mình rất nhẹ nhàng để chuyển mình chào đón một mùa mới – mùa thu. Trước những sự chuyển biến nhẹ nhàng ấy của thiên nhiên, dường như, tác giả chưa thể khẳng định chắc chắn rằng thu đã về mà chỉ là một sự phỏng đoán, xen lẫn trong đó chút mơ hồ hoài nghi. Và tất cả tâm trạng ấy của tác giả gói gọn lại trong câu thơ “Hình như thu đã về”.

   Nếu như trong khổ thơ thứ nhất, tác giả cảm nhận những tín hiệu mùa thu bằng khứu giác là chủ yêu với hương thơm của ổi, của hơi lạnh thì sang khổ thơ thứ hai, nhà thơ đã mở rộng con mắt, xúc cảm của mình để vẽ nên khung cảnh đất trời lúc sang thu.

Sông được lúc dềnh dàng

Chim bắt đầu vội vã

Có đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu.

Hình ảnh dòng sông được nhân hóa qua từ láy dềnh dàng, tức là chậm chạp, thong thả. Dòng sông không còn cuồn cuộn, gấp gáp chảy trước những cơn mưa lũ của mùa hạ nữa mà thay vào đó, nó trở nên lắng lại, từ từ, nhẹ nhàng, lững lờ trôi. Dường như, dòng sông cũng ngập ngừng như muốn níu kéo mùa hạ, chưa muốn sang mùa thu. Ngược lại với sự “dềnh dàng” của dòng sông là trạng thái “vội vã” của cánh chim đang mải miết bay đi tránh rét khi chúng bắt đầu cảm nhận được cái se se lạnh của tiết trời đầu thu. Nghệ thuật đăng đối ở hai câu thơ đầu tạo nên hình ảnh thơ thật đẹp, rất chỉnh, giàu tính chất tạo hình, đồng thời làm cho không gian thu trở nên rộng mở hơn, rất khoáng đạt. Khép lại khổ thơ là hình ảnh đám mây được nhân hóa với hành động “vắt nửa mình”. Hình ảnh thơ rất giàu tính chất tạo hình trong không gian và có ý nghĩa diễn tả sự vận động của thời gian. Đám mây trắng buốt mềm mại trải dài như một tấm lụa treo ngang trên bầu trời, rất nhẹ nhàng, duyên dáng. Và mây cũng chính là ranh giới chao nghiêng giữa hai mùa hạ - thu. Cảnh vật trở nên vừa hư lại vừa thực, đó là sản phẩm của trí tưởng tượng rất nên thơ và hết sức độc đáo, mới mẻ của tác giả. Tóm lại, với một hệ thống những hình ảnh đẹp, giàu tính chất tạo hình trong không gian, kết hợp với nghệ thuật nhân hóa, tương phản, nhà thơ đã khắc họa thành công khung cảnh trời đất khi bắt đầu vào thu thật sống động, tinh tế, nhẹ nhàng. Chắc chắn Hữu Thỉnh phải là một ngòi bút tài năng, một tâm hồn nghệ sĩ và tình yêu thiết tha với thiên nhiên tạo vật thì mới tạo nên câu thơ viết về mùa thu đẹp, lãng mạn đến như vậy.

   Từ những cảm xúc bâng khuâng, xao xuyến và những rung động mãnh liệt trước những phút giây giao mùa vào thu ở khổ một, hai, nhà thơ chuyển sang giọng điệu suy ngẫm, chiêm nghiệm về cuộc đời:

Vẫn còn bao nhiêu nắng

Đã vơi dần cơn mưa

Sấm cũng bớt bất ngờ

Trên hàng cây đứng tuổi.

Nhà thơ thật tinh tế và nhạy cảm khi phát hiện ra những thay đổi về mặt thời tiết. Vẫn là sấm, mưa, nắng, những hiện tượng thời tiết của mùa hè nhưng trong khoảnh khắc giao mùa này đã có sự đổi thay về mức độ. Cái nắng nóng chói chang của mùa hạ đã dần nhạt màu, không còn gay gắt như còn ở giữa mùa hạ; những cơn mưa rào bất chợt ào ào kéo đến cũng đã vơi dần đi. Sấm chớp kéo theo những cơn dông lốc dữ dội cũng bớt đi, cũng trở nên thưa thớt hơn nhiều. Những từ như vẫn còn, vơi dần, cũng bớt đã có tác dụng diễn tả những hiện tượng của tự nhiên đó (sấm, mưa, nắng) đã giảm đi về mức độ và cường độ khi trời đất đang giao mùa cuối hạ, đầu thu rất nhẹ nhàng, khó nhận biết. Thế nhưng, với một tâm hồn tinh tế, nhạy cảm, nhà thơ đã phát hiện ra sự chuyển biến đó của thiên nhiên, vũ trụ. Từ hiện tượng của tự nhiên, nhà thơ suy ngẫm, chiêm nghiệm về cuộc đời:

Sấm cũng bớt bất ngờ
 Trên hàng cây đứng tuổi

Sấm là hình ảnh ẩn dụ, biểu trưng cho những tác động của ngoại cảnh với những biến động của cuộc đời. Hàng cây đứng tuổi là những cành cây lâu năm, cành lá sum suê, rễ cắm sâu xuống lòng đất vô cùng chắc chắn. Những hàng cây này đã trải qua biết bao nhiêu mùa bão giông với những biến thiên của trời đất. Và nó biểu trưng cho những con người từng trải đã đi qua biết bao nhiêu những khó khăn, vất vả, hiểm nguy trên đường đời. Như vậy, bằng nghệ thuật ẩn dụ, nhà thơ thể hiện sự suy ngẫm, chiêm nghiệm về cuộc đời con người: con người từng trải sẽ trở nên vững vàng hơn trước những thử thách trong cuộc đời. Lúc viết bài thơ này, Hữu Thỉnh mới chỉ hơn ba mươi tuổi, ấy vậy nhưng Hữu Thỉnh đã tự cho rằng mình là người từng trải. Có lẽ điều này xuất phát từ hoàn cảnh của ông xuất thân từ một người lính, đã trải qua biết bao nhiêu là khó khăn, gian nan, vất vả; với biết bao nhiêu tang tóc, hi sinh, mất mát nơi chiến trường khốc liệt... nên đã rèn luyện cho nhà thơ một bản lĩnh cứng cỏi và nghị lực vươn lên, dám đương đầu với mọi biến động bất thường mà cuộc sống sẽ xảy ra. Đặt câu thơ sấm cũng bớt bất ngờ vào trng một hệ thống các câu thơ ở khổ một, hai như làn sương chùng chình qua ngõvắt nửa mình sang thu, người đọc chợt nhận ra sự lưu luyến muốn níu kéo thời gian của nhà thơ khi nhận ra sự sang thu của tạo vật cũng chính là sự sang thu của đời người...

   Hữu Thỉnh sử dụng thể thơ năm chữ tài hoa, giàu nhịp điệu. Bài thơ có nhịp điệu chậm, nhẹ nhàng, sâu lắng như chính bước đi chậm rãi của thời gian trong khoảnh khắc giao mùa từ hạ sang thu. Lớp ngôn từ giản dị, giàu giá trị tạo hình: phả, vắt, chùng chình, dềnh dàng, vội vã, … diễn tả tinh tế những dấu hiệu mùa thu. Ngoài ra ông còn có những trường liên tưởng bất ngờ, độc đáo làm tứ thơ sinh động, hấp dẫn hơn. Hình ảnh thơ có chọn lọc, đặc sắc mang nét đặc trưng của thời tiết lúc giao mùa: hạ - thu.

   Tác phẩm đã đem đến cho thi ca Việt Nam một bức tranh phong cảnh sang thu thật đặc biệt, ý nghĩa. Đồng thời qua bài thơ ta còn thấy được những cảm nhận tinh tế của tác giả trong việc tái hiện khoảnh khắc chuyển mùa từ hạ sang thu với sự giao thoa của nhiều lớp nghĩa: đất trời khi sang thu, đời sống sang thu và đời người sang thu.

V. Một số lời bình về tác phẩm

Thiên nhiên sang thu chủ yếu là lắng lại, chủ yếu là chừng mực, đúng mức. Con người cũng thế. Nhưng có điều khi sang thu, khi nửa đời nhìn lại thì người ta lại một mặt sâu sắc thêm, chín chắn thêm, thâm trầm, điềm đạm thêm, mặt khác người ta lại phải khẩn trương thêm, gấp gáp thêm. Thành ra sự vội vã của bầy chim lại cũng là sự vội vã của con người nữa đấy. Thiên nhiên và con người đều cùng là một nhịp sang thu. Nhan đề Sang thu vừa bao trùm lại vừa thấm vào từ ngữ, cảnh vật. Hương quả sang thu. Ngọn gió sang thu. Dòng sông, bầy chim, đám mây, bầu trời sang thu. Nắng sang thu. Mưa sang thu. Sấm chớp, dông bão, cây cối sang thu. Nhưng trong từng cảnh sang thu của thiên nhiên, đất trời tạo vật là lồng lộng hồn người sang thu. Vừa lưu luyến. bồi hồi lại vừa nghiêm trang, chững chạc, vừa sâu lắng lại vừa mở rộng bâng khuâng, vừa khiêm nhường nhưng cũng tự hào kiêu hãnh. 

(Theo Vũ Nho, Đi giữa miền thơ, NXB Văn học, Hà Nội, 1999)

Sơ đồ tư duy bài thơ Sang thu - mẫu 2

Sơ đồ tư duy bài thơ Sang thu (dễ nhớ, ngắn gọn)

Sơ đồ tư duy bài thơ Sang thu - mẫu 3

Sơ đồ tư duy bài thơ Sang thu (dễ nhớ, ngắn gọn)

Sơ đồ tư duy bài thơ Sang thu - mẫu 4

Sơ đồ tư duy bài thơ Sang thu (dễ nhớ, ngắn gọn)

Sơ đồ tư duy bài thơ Sang thu - mẫu 5

Sơ đồ tư duy bài thơ Sang thu (dễ nhớ, ngắn gọn)

Sơ đồ tư duy bài thơ Sang thu - mẫu 6

Sơ đồ tư duy bài thơ Sang thu (dễ nhớ, ngắn gọn)

Sơ đồ tư duy bài thơ Sang thu - mẫu 7

Sơ đồ tư duy bài thơ Sang thu (dễ nhớ, ngắn gọn)

Xem thêm sơ đồ tư duy của các tác phẩm, văn bản lớp 9 hay, chi tiết khác:

Mục lục Văn mẫu | Văn hay 9 theo từng phần:


Giải bài tập lớp 9 sách mới các môn học