Top 50 Phân tích Chuyện người con gái Nam Xương (hay, ngắn gọn)
Phân tích Chuyện người con gái Nam Xương hay, chọn lọc từ những bài văn hay của học sinh trên cả nước giúp bạn có thêm tài liệu tham khảo từ đó biết cách viết bài văn văn dễ dàng hơn.
- Phân tích Chuyện người con gái Nam Xương - mẫu 1
- Dàn ý Phân tích Chuyện người con gái Nam Xương
- Phân tích Chuyện người con gái Nam Xương - mẫu 2
- Phân tích Chuyện người con gái Nam Xương - mẫu 3
- Phân tích Chuyện người con gái Nam Xương - mẫu 4
- Phân tích Chuyện người con gái Nam Xương - mẫu 5
- Phân tích Chuyện người con gái Nam Xương - mẫu 6
- Phân tích Chuyện người con gái Nam Xương - mẫu 7
- Phân tích Chuyện người con gái Nam Xương - mẫu 8
- Phân tích Chuyện người con gái Nam Xương - mẫu 9
- Phân tích Chuyện người con gái Nam Xương (mẫu khác)
Bài giảng: Chuyện người con gái Nam Xương - Cô Nguyễn Dung (Giáo viên VietJack)
Phân tích Chuyện người con gái Nam Xương - mẫu 1
Nguyễn Dữ, một học trò giỏi của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Thành tài, đỗ đạt, ông ra làm quan. Một năm sau, vì chán cảnh triều đình thối nát, ông đã lấy cớ phải nuôi mẹ già mà xin từ quan. Trong những ngày sống “cảnh điền viên vui tuế nguyệt”, ông viết “Truyền kỳ mạn lục”, một tác phẩm văn xuôi đầu tiên của văn học cổ Việt Nam gồm những truyện có những chi tiết li kì. Phần lớn ca ngợi phẩm chất cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam phải sống trong khuôn mẫu “tam tòng, tứ đức” của đạo đức phong kiến, mà “Chuyện người con gái Nam Xương” là một.
Truyện kể lại Vũ Thị Thiết vâng lời cha mẹ làm vợ Trương Sinh, một người kém học, đất nước gặp cảnh đao binh nên Trương Sinh phải ra trận. Một tuần sau, Vũ Nương sinh con đầu lòng. Một mình chị chăm lo mẹ chồng, lo tang ma khi mẹ chồng chết, nuôi dạy con và lo công việc đồng áng. Giặc tan, Trương Sinh về, nghe lời con mà nghi ngờ lòng chung thuỷ của vợ. Vũ Nương không minh oan được nên đành trẫm mình xuống sông. Nàng được hoàng hậu ở động Rùa giúp đỡ. Sau đó, nàng gặp Phan Lang, người hàng xóm đã cứu hoàng hậu ở động Rùa. Phan Lang về kể lại cho Trương Sinh nghe. Trương Sinh hối cải lập đàn cầu xin theo lời của nàng. Nàng hiện lên gặp chồng con nhưng lại quay về sống ở động Rùa vì hai người ở hai thế giới khác biệt.
Cũng như truyện cổ, những kho truyện của Trung Hoa có ảnh hưởng nhiều đến nhà Nho đương thời (thế kỉ XVI). “Thiếu phụ Nam Xương” cũng có hai tuyến nhân vật, có những hoàn cảnh điển hình, có người giàu kẻ nghèo ở trong xã hội đang thời loạn lạc, nhiễu nhương. Nhưng dù sống trong hoàn cảnh nào thì người tốt vẫn không hề thay đổi bản chất của mình, mà Vũ Thị Thiết là nhân vật tiêu biểu. Vũ Nương nhà nghèo nhưng “tư dung tốt đẹp”, “thuỳ mị, nết na”. Thời phong kiến, con gái “tại gia tòng phụ” để có “công, dung, ngôn, hạnh’’, Vũ Nương được như thế chứng tỏ nàng có sắc đẹp (dung) trời cho nhưng “thuỳ mị, nết na” thì ắt là do sự giáo dục của gia đình.
Nàng nghèo nhưng không mất nề nếp gia phong. Trái lại “Trương Sinh tuy con nhà hào phú nhưng không có học”. Một loạt các nhân vật tốt xuất thân từ những hoàn cảnh sống khác nhau như mẹ chồng, người láng giềng Phan Lang, hoàng hậu động Rùa Linh Phi ... đủ chứng tỏ giàu nghèo tuy có ảnh hưởng đến hình thức sống nhưng khó thay đổi được bản chất của họ.
“Nam Xương tử nữ truyện” không chỉ giới thiệu những nhân vật tốt, xấu ấy mà còn thông qua họ Nguyễn Dữ muốn đề cao sự chung thuỷ và lòng bao dung luôn được nhân vật này thể hiện trong từng lời nói đến từng sự việc. Vâng lời cha mẹ chịu lấy Trương Sinh làm chồng, nàng đã trước sau như một làm người con hiếu thảo. Không chỉ hiếu thảo với cha mẹ ruột. Vũ Nương còn hiếu thảo với mẹ chồng. Nàng một mình đã lo toan đỡ đần mẹ chồng lúc ốm đau, rồi mẹ chồng chết lại lo chôn cất. Người phụ nữ có con mọn như nàng mà vẫn chu toàn những công việc nặng nhọc ấy thay chồng mà không tiếng kêu than thì quả thật là hiếm có. Mẹ chết, một mình ở vậy nuôi con chờ ngày chồng trở về thì bảo nàng không chung thuỷ sao cho được?! Chồng với vợ như bóng với hình, nàng đã mượn chiếc bóng của mình để an ủi con, muốn đứa con nhỏ dại luôn nghĩ rằng mình cũng là đứa trẻ có cha. Khi bị Trương Sinh nghi ngờ, nàng đã bao lần hỏi rõ dù bị dằn vặt, chửi mắng, đánh đập. Nàng đã từng tâm sự với chồng: “Thiếp vốn con nhà khó, được nương tựa nhà giàu ... Đâu có hư thân như lời chàng nói. Khi nhận thấy không thể nào xóa tan được mối nghi ngờ nhục nhã, hạ thấp phẩm giá một cách oan khuất, nàng đã quyết định tự trẫm mình, mượn dòng nước trong để rửa sạch những oan khiên. Xét cho cùng, kiên quyết bảo toàn danh dự của con người cũng là lòng chung thuỷ sắt son! Lại nữa khi gặp được Phan Lang, người hàng xóm tốt bụng ở động Rùa, Vũ Nương vẫn không quên chồng khi nàng tâm sự cùng Phan Lang và nhờ Phan Lang về nói lại với Trương Sinh yêu cầu của nàng, điều đó vừa thể hiện sự chung thuỷ, vừa tỏ ra bao dung đối với Trương Sinh.
Cả đến Phan Lang, hoàng hậu Linh Phi cũng đều là những người có lòng bao dung, chung thuỷ. Chỉ riêng có Trương Sinh là có lòng ích kỷ, hẹp hòi, tối dạ vì thuở nhỏ không lo chuyện sách đèn. Chỉ cần nghĩ đến công lao của vợ lúc chàng đang ở ngoài mặt trận, chỉ cần sống gần gũi với láng giềng, chỉ cần có lòng tin vào lòng chung thuỷ của vợ thì nghi vấn xuất phát từ lời nói của con nít “Trước đây, thường có một người đàn ông, đêm nào cũng…” đã được giãi bày để rồi vợ chồng lại sống trong cảnh đầm ấm, thương yêu.
Một nội dung khác thật rõ ràng trong chuyện là ân oán phân minh. Vũ Nương là người phụ nữ, có lẽ mang đặc tính ấy trong cuộc sống. Vì lẽ đó, khi nàng không còn đủ kiên nhẫn chờ đợi chồng biểu lộ ấy thì nàng tự biểu lộ. Cái chết của nàng hàm chứa ý nghĩa ấy, làm cho Trương Sinh phải nhận ra ân tình nàng đã mang đến cho chàng và nỗi oan khiên mà nàng phải chịu. Trường hợp giữa hoàng hậu Linh Phi và Phan Lang cũng vậy. Hoàng hậu đã được Phan Lang cứu nên khi Phan Lang gặp nạn khi lên thuyền ra biển tránh sự truy đuổi của quân giặc thì đã được Linh Phi hết lòng cứu chữa, lại thếp tiệc đãi, tặng thêm ngọc ngà ... trước khi tiễn chân chàng trở về làng quê.
Như thế, ngay truyện ngắn thuộc văn viết, dù là chữ Hán trong buổi sơ khai cũng đang mang hoàn cảnh điển hình, con người điển hình của đời thường vào tác phẩm; cũng có đầy đủ người giàu, kẻ nghèo, hỉ - nộ - ái - ố với kết thúc có hậu ở nội dung là ở hiền gặp lành.
Truyện có rất nhiều chi tiết nhưng được liên kết bởi quan hệ nhân quả nên có kết cấu khá chặt chẽ. Mở đầu truyện, Nguyễn Dữ đã khéo léo giới thiệu Vũ Thị Thiết và Trương Sinh, hai nhân vật chính có hoàn cảnh, tính cách trái ngược nhau để làm cơ sở cho việc khai thác nhân vật sau này. Tính tình, hoàn cảnh sống trái ngược nhau nhưng lại nên vợ nên chồng chỉ vì vâng lời cha mẹ. Quan hệ nhân quả thể hiện từ đầu. Từ đó, quan hệ nhân quả của hai nhân vật diễn ra một cách tự nhiên, hợp lý. Vì nước có loạn binh đao nên chàng mới ra trận. Vì chàng vào nơi gió cát nên nàng phải nặng gánh giang san nhà chồng. Vì con thơ nói đến cha nên mẹ đã mượn cái bóng của mình thay thế; cho con đỡ hổ thẹn với bạn bè. Vì nghe lời con trẻ nên Trương Sinh mới nghi ngờ vợ ... Chuỗi nguyên nhân và kết quả đầy kịch tính ấy đã dần đến đỉnh điểm là Vũ Nương quyết định trầm mình. Nếu chuyện kết thúc ở đây thì quả là bi đát, không có hậu. Có lẽ vì thế mà những chi tiết thần kỳ được thêm vào. Ấy là Phan Lang nằm mơ thấy con rùa xanh kêu cứu. Rồi Phan Lang nhớ lại và thả rùa để rồi sau đó là được rùa cứu mạng trả ân và gặp Vũ Nương ở động Rùa. Những chi tiết thần kỳ ấy ở vào thời buổi mà vua quan, thần dân đều tin vào sự hiện hữu của Trời, Thần, Quỷ, Ma... giống như trong những truyện cổ thì cũng là điều không mấy ngạc nhiên. Có những chi tiết đó, Vũ Nương mới gặp được chồng để giải mối oan khiên, nhục nhã nhất của đời làm vợ. Và dù ra đời sau “Hịch tướng sĩ” của Trần Quốc Tuấn ba thế kỷ, “Nam Xương tử nữ truyện” vẫn còn những câu văn biền ngẫu cổ xưa.
Dù có những hạn chế ấy nhưng truyện Người con gái Nam Xương không những có giá trị đạo lý, lịch sử (phản ánh sự rối ren của xã hội phong kiến) mà cũng có giá trị nghệ thuật xây dựng truyện.
Cho tới nay, “Người con gái Nam Xương” vẫn còn lôi cuốn người đọc. Giữa xã hội nam nữ bình quyền thì nó là cột mốc để so sánh vai trò của người phụ nữ trong văn học xưa và nay. Giữa xã hội suy đồi về đạo đức, nhất là với nữ giới thì nội dung truyện là một bài học đạo đức truyền thống tốt.
Dàn ý Phân tích Chuyện người con gái Nam Xương
I. Mở bài:
Giới thiệu Chuyện người con gái Nam Xương
Ví dụ:
Để nói lên số phận của người phụ nữ ở xã hội xưa được nhiều người, đặc biệt là những tác giả nhà văn nhắc đến. Những tác phẩm nổi tiếng đều nói về thân phận đau khổ và xót xa của những người phụ nữ đáng thương ấy. Một trong những tác phẩm thể hiện nổi bật nội dung này là tác phẩm Người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ. Tác phẩm nói về một người phụ nữ bị vu oan là ngoại tình khiến nhiều tình huống trớ trêu xảy ra.
II. Thân bài:
Phân tích Chuyện người con gái Nam Xương
1. Phẩm chất của nhân vật Vũ Nương trong truyện:
+ Một người vợ rất chung thủy.
+ Vũ Nương là một người con hiếu thảo.
+ Cô gái đẹp người, đẹp nết.
+ Là biểu tượng cho hình ảnh người phụ nữ Việt Nam.
2. Nỗi oan khuất của Vũ Nương:
+ Vũ Nương luôn thủy chung với chồng, chăm sóc con chu đáo.
+ Chồng Vũ Nương chỉ vì một lời nói của con mà đã nghi oan cho Vũ Nương.
+ Khiến Vũ Nương chịu oan và chịu nhiều đau khổ.
+ Qua đó thể hiện định kiến của xã hội ngày xưa, những lý do lạc hậu, hủ tục mê tín của người xưa.
3. Những hình ảnh, yếu tố kì ảo trong truyện:
+ Chồng Vũ Nương nằm mơ rồi thả rùa.
+ Phan Lang lạc vào động rùa của Linh Phi.
+ Vũ Nương hiện về khi Phan Lang lập đàn giải oan.
III. Kết bài:
Nêu cảm nhận của em về Chuyện người con gái Nam Xương
Ví dụ:
Chuyện người con gái Nam Xương là một tác phẩm nói lên số phận, tấm bi kịch của người phụ nữ xưa. Thể hiện sự đồng cảm của tác giả đối với thân phận người phụ nữ xưa. Qua đó, những hình ảnh về Vũ Nương ta nhận ra được số phận đau thương và chua xót của những người phụ nữ thời xưa.
Phân tích Chuyện người con gái Nam Xương - mẫu 2
“Chuyện người con gái Nam Xương” thuộc tác phẩm “Truyền kì mạn lục” (ghi chép tản mạn những điều kỳ lạ vẫn được lưu truyền), được viết ở thế kỉ XVI. Tác phẩm này có nguồn gốc từ truyện cổ dân gian “Vợ chàng Trương”. Nhưng điều làm nên sự khác biệt cho tác phẩm chính là tư tưởng mà nhà văn muốn gửi gắm trong câu chuyện.
Vũ Nương vốn là một người phụ nữ “người đã thùy mị nết na, lại thêm có tư dung tốt đẹp”. Những tưởng con người ấy sẽ có được cuộc sống hạnh phúc nhưng nàng lại gặp phải nhiều bất hạnh. Tác phẩm “Chuyện người con gái Nam Xương” đã thể hiện tấm lòng trân trọng của tác giả đối với những vẻ đẹp dung dị, cao cả của người phụ nữ cũng như đồng cảm với những bất hạnh mà cuộc đời họ phải hứng chịu.
Người phụ nữ Việt Nam muôn đời nay được ngợi ca bởi vẻ đẹp dịu dàng, kín đáo và tâm hồn đôn hậu bao dung. Người phụ nữ hiện lên trong “Chuyện người con gái Nam Xương” cũng vậy. Đó là nàng Vũ Nương đẹp nết đẹp người và đầy tự trọng.
Nàng có một “tư dung tốt đẹp” nức tiếng xa gần. Chẳng vậy mà Trương Sinh - một người “con nhà hào phú” phải xin mẹ trăm lạng vàng rước nàng về làm vợ. Chẳng những vậy, nàng còn là người phụ nữ hiền hậu nết na, người vợ hiền, dâu thảo, người mẹ thương con.
Trong mối quan hệ vợ chồng hằng ngày, biết chồng “có tính đa nghi, đối với vợ phòng ngừa quá sức”. Vũ Nương đã luôn “giữ gìn khuôn phép, không lần nào vợ chồng phải đến nỗi thất hoà”. Hai vợ chồng chia ly, Vũ Nương một lòng nghĩ đến sự an nguy của chồng “Chàng đi chuyến này, thiếp chẳng dám mong đeo được ấn phong hầu, mặc áo gấm trở về quê cũ, chỉ xin ngày về mang theo được hai chữ bình yên, thế là đủ rồi. [...] Nhìn trăng soi thành cũ, lại sửa soạn áo rét, gửi người ải xa, trông liễu rủ bãi hoang, lại thổn thức tâm tình, thương người đất thú! Dù có thư tín nghìn hàng, cũng sợ không có cánh hồng bay bổng”. Như vậy là nàng không hề nghĩ đến vinh hoa phú quý, chỉ nghĩ đến chân thành với tình vợ chồng keo sơn. Xa chồng, Vũ Nương thuỷ chung, tấm lòng luôn tha thiết hướng về chồng: “Ngày qua tháng lại, thoắt đã nửa năm, mỗi khi thấy bướm lượn đầy vườn, mây che kín núi, thì nỗi buồn góc bể chân trời không thể nào ngăn được”.
Trương Sinh trở về, nghi cho Vũ Nương một cái oan thảm khốc và dùng những lời lẽ tàn nhẫn mà nhiếc móc nàng. Nhưng ngay cả khi ấy, Vũ Nương vẫn nói năng đúng mực, tha thiết bày tỏ nỗi niềm và ước mong về cuộc sống gia đình hạnh phúc.
Trong mối quan hệ với mẹ chồng, nàng hết lòng chăm sóc mẹ chồng lúc ốm đau: “Nàng hết sức thuốc thang lễ bái thần phật và lấy lời ngọt ngào khôn khéo khuyên lơn”. Khi mẹ chồng mất, nàng thương yêu, lo lắng chu toàn: “Nàng hết lời thương xót, phàm việc ma chay tế lễ, lo liệu như đối với cha mẹ đẻ mình”. Tấm lòng nàng dành cho mẹ chồng khiến bà cảm động để khi mất, những lời cuối cùng thiêng liêng của cuộc đời bà dành để chúc phúc cho con dâu. Xưa nay, trong dân gian vẫn lưu truyền câu nói “mẹ chồng con dâu” để chỉ mối quan hệ vốn không yên ấm giữa hai đối tượng này nhưng qua thái độ của người mẹ chồng đối với Vũ Nương người đọc thấu hiểu tấm lòng chân thành, sâu sắc đối với mẹ chồng của nàng.
Với con, Vũ Nương đã hết sức nuôi dạy, bảo ban, thương yêu và chiều chuộng con (để đến nỗi một trong những hành động vô tư của nàng đã trở thành nguyên nhân buộc nàng tự vẫn...).
Không chỉ vậy, với tư cách là một cá nhân trong xã hội, ở Vũ Nương còn nổi bật lên lòng tự trọng đầy cảm động. Bị chồng hiểu lầm, bị hàm oan tức tưởi, dẫu vẫn còn khao khát hạnh phúc trần gian nhưng Vũ Nương đã chọn cái chết để chứng minh phẩm tiết trong sạch của mình. Hành động này cho thấy lòng tự trọng, ý thức giữ gìn danh dự, tiết hạnh ở người phụ nữ đáng trân trọng này.
Ngợi ca vẻ đẹp của “người con gái Nam Xương”, Nguyễn Dữ đã góp tiếng nói chung vào cảm hứng ngợi ca người phụ nữ đầy nhân văn của văn học trung đại. Bên cạnh Vũ Nương của Nguyễn Dữ ta còn có thể kể đến chị em Thúy Kiều, Thúy Vân của Nguyễn Du, người chinh phụ trong thơ của Đặng Trần Côn và Đoàn Thị Điểm…
Nhưng trong xã hội phong kiến thời kỳ suy sụp, thối nát, cái đẹp thường đi liền với nỗi bất hạnh và những tai họa khôn lường: “Chữ tài liền với chữ tai một vần”. Khi ấy, văn học lại cất lên tiếng nói đồng cảm với những thân phận bị “gió dập sóng vùi” chẳng biết “tấp vào đâu”. Nàng Vũ Nương của Nguyễn Dữ cũng phải hứng chịu nhiều bất hạnh.
Trước hết, nàng có một cuộc hôn nhân không được lựa chọn. Với vẻ đẹp vốn có, đáng ra nàng phải được kén một tấm chồng đức tài tương xứng. Nhưng đáng tiếc thay, cuộc đời lại chỉ dành cho nàng một gã Trương Sinh. Đó là một kẻ vô học nhưng giàu có “con nhà hào phú” đã “xin mẹ trăm lạng vàng” lấy nàng về làm vợ. Người phụ nữ vẹn toàn này không có quyền lựa chọn cho mình một người chồng tương xứng. Cuộc hôn nhân của nàng do vàng bạc mở đường, đó như một cuộc trao đổi, mua bán đầy tính thương mại.
Về đến nhà chồng, Vũ Nương phải hết sức giữ gìn trước con người rất mực đa nghi của Trương Sinh: “Đối với vợ phòng ngừa quá sức”. Nhưng hạnh phúc phải do cả hai bên vợ chồng cùng đắp vun gìn giữ. Sau mấy năm dài đằng đẵng mong ngóng chồng về, cái giá Vũ Nương nhận được thật quá chua xót.
Khi chồng đi lính, đêm đêm để con đỡ tủi và lòng mình đỡ nhớ, Vũ Nương chỉ bóng mình trên vách rồi bảo con đó là cha nó. Nhưng thiện ý của nàng đã bị hiểu lầm. Nghe con nói kể về người cha đêm đêm vẫn đến của nó, Trương Sinh với tính đa nghi sẵn có đã hiểu oan cho tấm lòng thủy chung của Vũ Nương. Chàng ta vội nghe lời con trẻ mà không suy xét đúng sai: “Tính chàng hay ghen, nghe con nói vậy, đinh ninh là vợ hư, mối nghi ngờ ngày càng sâu, không có gì gỡ ra được”. Rồi hồ đồ, độc đoán không đếm xỉa đến những lời thanh minh của vợ, đối xử tệ bạc, vũ phu với Vũ Nương: “Chỉ lấy chuyện bóng gió này nọ mà mắng nhiếc nàng, và đánh đuổi đi”.
Trước nỗi oan không gì giãi bày được (vì Trương Sinh không nói rõ nguyên cớ việc nổi giận của mình), cuộc đời Vũ Nương bế tắc: Nếu sống thì phải mang cái tiếng phản chồng đầy ô nhục. Bởi vậy, dẫu vẫn còn khao khát vương vấn hạnh phúc trần gian, nàng đành chấp nhận cái chết, trầm mình xuống sông Hoàng Giang.
Thân phận nhỏ nhoi, bèo bọt của người phụ nữ dưới chế độ phong kiến là vậy, họ không được làm chủ cuộc sống của mình, luôn luôn là kẻ bị động, hứng chịu những oan khiên, cay đắng. Số phận bất hạnh của Vũ Nương gợi đến bao phong ba bão táp đã đi qua cuộc đời của những Đạm Tiên, Thúy Kiều, Tiểu Thanh, người cung nữ, người chinh phụ... trong văn học trung đại.
Nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó, tác phẩm của Nguyễn Dữ không tiến xa hơn câu chuyện dân gian là mấy. Nguyễn Dữ đã vô cùng trăn trở với số phận của người con gái đa đoan trong tác phẩm của mình. Tin tưởng và yêu mến nhân vật, nhà văn đã để nàng gửi mình chốn cung mây dưới nước của Linh Phi. Chốn ấy dẫu chẳng được sum vầy cùng con trẻ, người thân song vẫn là nơi biết trọng những tâm hồn trong đẹp. Vũ Nương trở về nhân gian trong ánh sáng lung linh kì ảo của ánh nến, mặt nước diệu kỳ.
Ngoài nhân vật Vũ Nương, ta cũng không thể quên một Trương Sinh hồ đồ đã đẩy người đầu gối tay ấp với mình đến chỗ chết. Trương Sinh là con nhà trọc phú, lại ít học cũng như đa nghi. Do ít học nên khi chiến tranh xảy ra tuy nhà giàu có nhưng Trương Sinh vẫn phải đi lính. Do đa nghi, hay ghen đã làm cho Trương Sinh mờ mắt, chỉ nghe lời từ đứa con ngây thơ không chịu nghe lời phân trần của vợ. Trương Sinh là người trực tiếp đẩy Vũ Nương vào bi kịch và phải tìm đến cái chết. Đến khi hiểu ra và hối hận thì đã quá muộn màng.
Bên cạnh nội dung, tác phẩm đã xây dựng được tình huống truyện độc đáo, chi tiết mang tính thắt nút, đẩy câu chuyện lên cao trào, đỉnh điểm: cái bóng trở thành chi tiết thắt nút cũng như cởi nút cho diễn biến tác phẩm. Nghệ thuật kể chuyện đặc sắc: việc dẫn dắt tình huống hợp lý. Nghệ thuật xây dựng nhân vật cũng là một điểm nhấn. Bước đầu nhà văn đã miêu tả nội tâm nhân vật khá phong phú.
Qua phân tích trên, có thể thấy “Chuyện người con gái Nam Xương” là một tác phẩm giàu giá trị của nhà văn Nguyễn Dữ.
Phân tích Chuyện người con gái Nam Xương - mẫu 3
Nguyễn Dữ là nhà văn lỗi lạc của đất nước ta trong thế kỷ XVI. Vốn là học trò giỏi của Trạng Trình - Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ngoài thơ, ông còn để lại tập văn xuôi viết bằng chữ Hán, gồm có 20 truyện ghi chép những mẩu chuyện hoang đường lưu truyền trong dân gian; cuối mỗi truyện thường có lời bình của tác giả. Đằng sau mỗi câu chuyện thần kỳ. “Truyền kì mạn lục” chứa đựng nội dung phê phán những hiện thực xã hội đương thời được nhìn dưới con mắt nhân đạo của tác giả.
“Chuyện người con gái Nam Xương” trích trong “Truyền kì mạn lục” ghi lại cuộc đời thảm thương của Vũ Nương. Vũ Thị Thiết, người con gái quê ở Nam Xương, tính tình thùy mị nết na, tư dung tốt đẹp nên được Trương Sinh đem lòng yêu mến liền xin với mẹ đem trăm lạng vàng cưới về làm vợ. Biết chồng có tính đa nghi nên, Vũ Nương hết mực giữ gìn khuôn phép. Bấy giờ, đất nước có chiến tranh, Trương Sinh phải lên đường đi lính. Vũ Nương ở nhà sinh nuôi dạy con và chăm sóc mẹ già, lo ma chay chu đáo khi mẹ chồng mất. Khi Trương Sinh trở về, bế con ra mộ thăm mẹ thì hiểu lầm rằng vợ có người khác. Vũ Nương chịu oan khuất biết không thể rửa sạch liền nhảy xuống sông tự vẫn. Một đêm nọ, Trương Sinh bế con ngồi trước ngọn đèn, thấy đứa bé chỉ vào cái bóng mình bảo đấy là cha mới nhận ra mình đã hiểu lầm vợ, hối hận cũng đã muộn. Cùng làng có người tên là Phan Lan vì cứu Linh Phi trước đó nên khi gặp nạn chết đuối đã được Linh Phi cứu sống, tình cờ gặp Vũ Nương ở thủy cung. Phan Lang trở về trần gian Vũ Nương gửi theo chiếc hoa vàng cùng lời nhắn Trương Sinh. Trương Sinh lập đàn giải oan bên bến Hoàng Giang. Vũ Nương hiện ra và nói lời đa tạ chàng, rồi biến mất.
Có thể nói Vũ Nương là một người đàn bà có phẩm chất tốt đẹp, đáng được trân trọng ngợi ca. Ước mơ của nàng rất bình dị. Tiễn chồng ra trận, nàng không hề mơ tưởng “đeo ấn phong hầu”, chỉ mong ngày đoàn tụ, chồng trở về “được hai chữ bình yên”. Nhưng người phụ nữ ấy lại không được hưởng một cuộc sống hạnh phúc. Chiến tranh kết thúc, Trương Sinh trở về cũng là lúc con thơ vừa học nói. Tưởng rằng ngày đoạn tụ cũng là ngày hạnh phúc sẽ mỉm cười với đôi vợ chồng trẻ. Nhưng câu chuyện “cái bóng” từ miệng đứa con thơ đã làm cho Trương Sinh hiểu lầm và cho rằng “vợ hư”. Mối nghi ngờ ngày càng sâu, không có ý gỡ ra được”. Vốn đa nghi lại hay phòng ngừa vợ. Giấu biệt lời con nói. Trương Sinh đã “mắng nhiếc nàng và đánh đuổi đi”. Cho dù Vũ Nương kết mực giải thích cũng không được. Cuối cùng, nàng phải tìm đến cái chết để chứng minh sự trong sạch của mình. Thời chiến tranh loạn lạc, nàng đã trải qua những năm tháng cô đơn, giờ đây đứng trước nỗi oan, nàng chỉ biết nuốt nước mắt vào lòng…
Thông qua cuộc đời của Vũ Nương, nhà văn muốn gửi gắm những giá trị nhân văn cao cả. Truyện là lời khẳng định sự trân trọng đối với những ước mơ chính đáng, khát vọng cao đẹp như: khát vọng được hạnh phúc, ước mơ về sự công bằng trong xã hội. Cùng với đó là niềm xót thương, cảm thông sâu sắc của tác giả đối với số phận của người phụ nữ. Không chỉ vậy, nhà văn cũng lên án, phê phán, tố cáo xã hội phong kiến đã chà đạp lên quyền sống của con người. Cuối cùng là lời khẳng định những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam trong xã hội phong kiến
“Chuyện người con gái Nam Xương” là một trong những tác phẩm xuất sắc góp phần vào tiếng nói chung đòi sự bình đẳng cho người phụ nữ.
Phân tích Chuyện người con gái Nam Xương - mẫu 4
“Chuyện người con gái Nam Xương” là một trong hai mươi truyện được trích từ tập “Truyền kì mạn lục” của Nguyễn Dữ do ông sưu tầm và sáng tác lại dựa trên cốt truyện “Vợ chàng Trương”. Ông vốn là người tỉnh Hải Dương, là học trò của Tuyết Giang phu tử Nguyễn Bỉnh Khiêm, sống ở đầu thế khỉ XVI. Ông học rộng, tài cao nhưng lại xin nghỉ để về nhà để viết sách. “Chuyện người con gái Nam Xương” cũng là một tác phẩm đặc sắc của Nguyễn Dữ.
Qua truyện ngắn, truyện là những lời ngợi ca, trân trọng vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam qua hình ảnh nhân vật Vũ Nương. Ngay từ đầu tác phẩm, Nguyễn Dữ đã dành hết lời ngợi ca nhân vật Vũ Nương - là một cô gái tài đức vẹn toàn, công dung ngôn hạnh đầy đủ, đã thế “tính đã thùy mị nết na lại thêm tư dung tốt đẹp”. Chỉ với vài từ ngắn gọn thế nhưng hình ảnh Vũ Nương đã hiện lên là một cô gái có nhan sắc xinh đẹp, lại còn có phẩm chất tốt đẹp cao quý, đó là vẻ đẹp vẹn toàn. Chính vì thế nên dẫu nghèo khó nhưng Vũ Nương vẫn được Trương Sinh con trai một nhà hào phú trong làng “xin mẹ đem trăm lạng vàng cưới về”, điều này thể hiện Vũ Nương là người con gái xinh đẹp, để cho Trương Sinh phải trân trọng. Không chỉ đẹp người, nàng còn đẹp nết, là người vợ chung thuỷ, hết mực thương yêu chồng. Lúc mới kết duyên với Trương Sinh, Vũ Nương hết mực thương yêu và lo nghĩ cho chồng, biết chồng có tính hay ghen lại nghi kỵ thế nên trong cuộc sống vợ chồng nàng hết sức “giữ gìn khuôn phép, không lúc nào để vợ chồng phải thất hòa”. Rõ ràng phải là người vợ khéo léo, hết mực thương yêu, chăm sóc gia đình thì Vũ Nương mới có thể làm như vậy. Rồi khi Trương Sinh đi lính, hạnh phúc chồng vợ sum vầy chưa được bao lâu, chiến tranh xảy ra, chồng phải ra trận, nàng tiễn chồng lên đường với tâm trạng đau khổ. Lời nói với chồng trong giờ phút chia tay thật chân tình, cảm động làm cho "mọi người đều ứa hai hàng lệ". Như những phu nhân khác chỉ mong chồng có công danh còn nàng chẳng cầu mong chồng đeo ấn phong hầu mà chỉ cầu chồng được hai chữ bình an, cũng bày tỏ nỗi mong nhớ, lo lắng, sự đồng cảm, chia sẻ của mình khi chồng đi vào nơi hiểm trở chẳng may có cớ sự. Lời nàng thiết tha, sâu sắc bộc lộ rõ tình cảm vợ dành cho người chồng đi chinh chiến xa xôi, khiến ai nấy đều cảm động khôn nguôi. Trương Sinh đi lính chưa đầy mười ngày thì Vũ Nương lại sinh con thế nhưng nàng vẫn một dạ một lòng chăm con khôn lớn, đợi cho đến ngày giặc tan. Rồi đằng đẵng thời gian trôi qua, chồng ra lính trở về, cùng là lúc nàng bị nghi oan. Vũ Nương đã phân trần để chồng hiểu rõ tấm lòng mình: "Thiếp vốn con kẻ khó ... mong chàng đừng một mực nghi oan cho thiếp".Nàng nhẹ nhàng, khuyên nhủ, hết sức van lơn, phân trần cùng mọi lí lẽ để thuyết phục chồng. Dù họ hàng, làng xóm đều bênh vực nhưng bản tính Trương Sinh vẫn không tin. Bất đắc dĩ Vũ Nương đành thống thiết, đành dùng cái chết để minh oan. Số phận oan trái, đắng cay của nàng còn được thể hiện trong chi tiết mang vẻ đẹp lung linh, kì ảo nơi khói sóng Trường Giang. Cái vẻ đẹp lung linh, lộng lẫy đến đâu cũng không thể khỏa lấp được sự thật là nàng ẩn mình ở chốn không có thực, rồi khói hương của đàn tràng giải oan dẫu có nghi ngút khói sương cũng không xoá nhoà được khoảng cách âm dương đôi ngả, vợ chồng chia lìa, mẹ con xa cách.
Truyện có sự đan xen của các yếu tố hoang đường kì ảo và những chi tiết có thật làm câu chuyện thêm hấp dẫn. Cách xây dựng truyện với tình tiết độc đáo, đẩy mâu thuẫn lên cao trào, rồi lại giải quyết cách hợp lí, các yếu tố tự sự, miêu tả biểu cảm kết hợp hài hoà.
Phân tích Chuyện người con gái Nam Xương - mẫu 5
Nguyễn Dữ là người học rộng tài cao, ông sống trong thời gian nhà Lê bắt đầu khủng hoảng, các tập đoàn phong kiến tranh quyền, đoạt vị với nhau. Bởi vậy ông ra làm quan không lâu sau đó lui về ở ẩn. Thời gian lui về ở ẩn, ông sưu tầm các truyện dân gian để sáng tác lại thành tập “Truyền kì mạn lục”. Trong số hai mươi truyện của truyền kì mạn lục, nổi bật nhất là tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương. Tác phẩm vừa giàu giá trị hiện thực vừa thể hiện giá trị nhân đạo sâu sắc của tác giả.
Tác phẩm xoay quanh số phận và cuộc đời nhân vật Vũ Nương. Vũ Nương là người con gái xinh đẹp: “tính đã thùy mị, nết na, lại thêm tư dung tốt đẹp”, nàng mang vẻ đẹp toàn diện cả về hình thức và tâm hồn. Nàng là đại diện tiêu biểu cho vẻ đẹp của người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Chi tiết Trương Sinh “mến về dung hạnh, xin với mẹ đem trăm lạng vàng cưới về” càng nhấn mạnh, tô đậm hơn nữa vẻ đẹp nhan sắc và phẩm hạnh của nàng.
Vũ Nương là người mang trong mình nhiều phẩm chất cao quý. Trước hết, nàng là một người vợ, người mẹ đảm đang, người con dâu hiếu thảo, tận tụy với mẹ chồng. Khi chồng đi lính, thân là phụ nữ nhưng nàng đã một mình đứng ra gánh vác công việc gia đình. Mẹ chồng già yếu, nhớ con mà đổ bệnh nàng hết sức chăm sóc, “thuốc thang lễ bái thần phật và lấy lời ngọt ngào khôn khéo khuyên lơn” mong cho mẹ mau mau khỏi bệnh.
Trong xã hội phong kiến xưa, mối quan hệ giữa mẹ chồng nàng dâu thường chỉ mang tính chất ràng buộc, ông cha ta vẫn thường có câu: “Trời mưa ướt lá đài bi/ Con mẹ, mẹ xót, xót gì con đâu” hay “Thật thà cũng thể lái trâu/ Yêu nhau cũng thể nàng dâu mẹ chồng”,…
Nhưng những lời bà mẹ trăng trối cuối cùng trước khi mất đã khẳng định lòng hiếu thảo, tình cảm chân thành, sâu nặng của Vũ Nương với mẹ chồng. Những lời cảm tạ của bà mẹ đã cho thấy tấm lòng yêu thương hết mực của nàng với bà bởi vậy bà cũng coi Vũ Nương như con gái của mình vậy. Mấy ai trong xã hội đó lại được lòng mẹ chồng yêu mến đến như vậy. Khi bà mất, nàng lo tang ma chu đáo như cho cha mẹ đẻ của mình.
Qua những hành động đó ta thấy Vũ Nương là nàng dâu hết sức nết na, hiếu thảo, tiếng thơm của nàng còn để lại mãi muôn đời.Không chỉ vậy nàng còn là người vợ nết na, thủy chung, giàu lòng vị tha. Khi mới cưới, Vũ Nương hiểu rõ chồng mình có tinh đa nghi, hay ghen và hay phòng ngừa quá mức, bởi vậy nàng luôn giữ gìn khuôn phép, để hai vợ chồng không phải chịu cảnh bất hòa. Chính vậy, trong suốt những năm tháng chung sống bên nhau, trước khi Trương Sinh ra trận gia đình nàng luôn được sống trong cảnh đầm ấm, hạnh phúc.
Ngày Trương Sinh ra trận, tiễn chồng những lời dặn dò không phải công danh phú quý mà là “chỉ xin ngày về mang theo được hai chữ bình yên, thế là đủ rồi”. Ba năm xa chồng, một mình sinh con, nàng nhớ chồng khôn nguôi, nàng bỏ cả điểm trang, dành tất cả thời gian chăm sóc gia đình, làm tròn bổn phận của người vợ, người mẹ. Ngay cả khi Trương Sinh trở về nghi ngờ nàng thất tiết nàng cũng chỉ biết khóc và thanh minh bằng những lời lẽ tha thiết, dịu dàng mong chồng hiểu cho tấm lòng của mình.
Khi bị chồng nghi oan, mắng nhiếc, đánh đuổi đi, không cho cơ hội giãi bày, giải thích nàng chỉ đau khổ, cố gắng thanh minh mà không hề oán hận với người chồng hẹp hòi, ích kỉ. Được Linh Phi cứu, sống cuộc đời an nhàn, bất tử nhưng lòng nàng lúc nào cũng hướng về quê hương, về gia đình bé nhỏ của mình. Việc nàng gặp lại Phan Lang dưới thủy cung và gửi chiếc thoa về cho chồng cho thấy nàng đầy vị tha, sẵn sàng tha thứ cho chồng.
Khoảnh khắc ẩn hiện, mờ ảo trên bến sông Hoàng Giang, Vũ Nương không một lời oán hận, trách móc: “Đa tạ tình chàng. Thiếp chẳng thể trở về nhân gian được nữa”. Qua đây ta có thể thấy, Vũ Nương không chỉ là người phụ nữ đức hạnh, người con dâu tốt nết mà còn là một người phụ nữ bao dung, giàu lòng vị tha với người chồng đã đẩy đến bước đường cùng. Vũ Nương là hiện thân cho vẻ đẹp người phụ nữ Việt Nam thảo hiền, đức hạnh.
Mặc dù mang trong mình đầy đủ những phẩm chất tốt đẹp để được hưởng cuộc sống êm đềm, hạnh phúc nhưng cuộc đời Vũ Nương lại đầy oan nghiệt, trái ngang. Bắt đầu ngay từ cuộc hôn nhân của nàng, không có sự đăng đối giữa hai gia đình, về phẩm chất giữa hai con người: nàng hội tụ đầy đủ vẻ đẹp phẩm chất: công-dung-ngôn-hạnh, nhưng Trương Sinh lại là kẻ ít học, đa nghi, hay ghen.
Lấy chồng không bao lâu, Trương Sinh phải đi lính, nàng sống trong nỗi cô đơn, vất vả: gánh vác việc gia đình, nuôi dạy con thơ và chăm sóc mẹ già; nỗi nhớ chồng, lo lắng cho chồng nơi biên ải tha thiết đêm ngày. Đến khi chồng về lại phải gánh nỗi oan lạ, oan thất tiết mà không có cơ hội tìm hiểu nguyên do. Cuối cùng nàng đã phải lấy cái chết để chứng minh tấm lòng thủy chung, trong sạch của mình. Đây là phản ứng dữ dội và quyết liệt của Vũ Nương để bảo vệ nhân phẩm cũng như cho thấy nỗi bất hạnh tột cùng của nàng.
Dù sống bất tử dưới thủy cung nhưng nàng không hề hạnh phúc, bởi hạnh phúc thực sự của con người là ở trần thế, được chung sống, được hưởng không khí đầm ấm của gia đình. Nhưng điều ấy đối với nàng mãi mãi không thể làm được nữa. Thân ở thủy cung, lòng lại một mực hướng về dương gian, nơi có chồng, có con khiến cho nỗi bất hạnh của nàng càng được đậm tô hơn nữa. Vũ Nương là tiêu biểu cho phận bạc của biết bao phụ nữ trong xã hội phong kiến bất công, tàn bạo, nặng nề lễ giáo phong kiến.
Ngoài nhân vật Vũ Nương, ta cũng không thể quên một Trương Sinh hồ đồ đã đẩy người đầu gối tay ấp với mình đến chỗ chết. Trương Sinh là con nhà trọc phú, ít học, tính tình cục cằn, hay ghen. Cũng bởi do ít học nên khi chiến tranh xảy ra anh ta là người đầu tiên trong danh sách đi lính. Cũng bởi tính đa nghi, hay ghen đã làm cho Trương Sinh mờ mắt, chỉ nghe lời từ đứa con ngây thơ không chịu nghe lời phân trần của vợ.
Chính Trương Sinh là người đã trực tiếp đẩy Vũ Nương phải tìm đến cái chết. Khi hiểu ra mọi chuyện thì đã quá muộn màng. Trương Sinh phải ôm nỗi ân hận, nỗi đau trong suốt phần đời còn lại. Trương Sinh chính là đại diện tiêu biểu cho những người đàn ông vũ phu, những lễ giáo phong kiến hà khắc đã đẩy người phụ nữ rơi vào bi kịch.
Tác phẩm đã xây dựng được tình huống truyện độc đáo, chi tiết mang tính thắt nút, đẩy câu chuyện lên cao trào, đỉnh điểm: cái bóng là mấu chốt của câu chuyện, là chi tiết thắt nút cũng như cởi nút cho diễn biến tác phẩm. Nghệ thuật kể chuyện đặc sắc: dẫn dắt tình huống hợp lí. Kết hợp hài hòa giữa hiện thực và kì ảo. Nghệ thuật xây dựng nhân vật cũng là một điểm nhấn, nhân vật được miêu tả nội tâm khá phong phú. Những yếu tố đó góp phần tạo nên sự thành công cho tác phẩm.
Chuyện người con gái Nam Xương thấm đẫm giá trị hiện thực và nhân đạo. Tác phẩm là tiếng nói cảm thương cho số phận những người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Đồng thời cũng lên án tố cáo xã hội nam quyền và chiến tranh phi nghĩa đã tước đoạt hạnh phúc và đẩy con người đến bước đường cùng.
Phân tích Chuyện người con gái Nam Xương - mẫu 6
Nguyễn Dữ là một gương mặt tiêu biểu điển hình cho nền văn học trung đại Việt Nam ở thế kỉ thứ XVI. Mặc dù, sự nghiệp sáng tác văn chương của Nguyễn Dữ chỉ vẻn vẹn có tập truyện “Truyền kì mạn lục” nhưng tập truyện lại có một vị trí đặc biệt, được đánh giá là “thiên cổ kì bút” (bút lạ nghìn đời), “là áng văn hay của bậc đại gia”. Đây là tập truyện viết bằng chữ Hán, khai thác các truyện cổ dân gian và các truyền thuyết lịch sử, dã sử Việt Nam. “Chuyện người con gái Nam Xương” là thiên thứ 16, trong tổng số 20 truyện của “Truyền kì mạn lục”. Thông qua bi kịch Vũ Nương, nhà văn đã thể hiện niềm cảm thương đối với số phận oan nghiệt của người phụ nữ Việt Nam dưới chế độ phong kiến, đồng thời khẳng định vẻ đẹp truyền thống của họ. Tác phẩm là một áng văn độc đáo, đánh dấu sự thành công về nghệ thuật dựng truyện; khắc họa miêu tả nhân vật và sự kết hợp giữa tự sự với trữ tình, giữa yếu tố hiện thực và kì ảo.
Trước hết, “Chuyện người con gái Nam Xương” đã khắc họa thành công vẻ đẹp truyền thống và số phận oan nghiệt của người phụ nữ đương thời. Điều này được thể hiện qua nghệ thuật dựng truyện và xây dựng hình tượng nhân vật Vũ Nương. Vũ Nương là một người con gái đẹp người, đẹp nết, đại diện cho vẻ đẹp của người phụ nữ thời kì phong kiến: “tính đã thùy mị nết na, lại thêm tư dung tốt đẹp”. Trương Sinh vì cảm mến cái dung hạnh ấy nên đã xin mẹ trăm lạng vàng để cưới về làm vợ. Sau đó, nhà văn tập trung làm nổi bật vẻ đẹp đức hạnh của nàng, bằng việc đặt Vũ Nương vào rất nhiều hoàn cảnh, tình huống và các mối quan hệ xung quanh như với chồng, với mẹ chồng và với đứa con trai tên là Đản, từ đó góp phần bộc lộ trọn vẹn tính cách, phẩm hạnh của nàng.
Đầu tiên là Vũ Nương trong mối quan hệ với người chồng - Trương Sinh. Nàng hiện lên là một người vợ nhất mực thủy chung, yêu thương chồng tha thiết. Trong cuộc sống vợ chồng bình thường, khi mới lấy nhau, nàng hiểu tính chồng có thói đa nghi, thường đề phòng vợ quá mức nên Vũ Nương đã cư xử khéo léo, đúng mực, nhường nhịn và giữ đúng khuôn phép, không bao giờ để xảy ra nỗi bất hòa trong gia đình. Vì thế, chúng ta có thể thấy, nàng là người phụ nữ hiểu chồng, biết mình và rất đức hạnh. Khi người chồng chuẩn bị đi lính, Vũ Nương rót chén rượu đầy và dặn dò Trương Sinh bằng những lời nói đầy nghĩa tình, thắm thiết. Nàng không mong vinh hiển, chỉ cần chồng mang về hai chữ “bình yên”. Ở nhà, Vũ Nương nhớ thương chồng da diết. Mỗi lần thấy “bướm lượn đầy vườn, mây che kín núi” nàng lại cảm thấy “thổn thức tâm tình", nhớ thương chồng nơi biên ải xa xôi. Tiết hạnh của nàng còn được khẳng định khi nàng bị chồng nghi oan: “cách biệt ba năm, giữ trọn một tiết. Tô son điểm phấn từng đã nguôi lòng, ngõ liễu tường hoa chưa hề bén gót…”. Khi Trương Sinh đi lính trở về, một mực khăng khăng cho rằng nàng thất tiết, Vũ Nương đã ra sức phân trần để cho chồng hiểu, nói lên thân phận của mình, nhắc tới tình nghĩa phu thê và khẳng định một lòng nhất mực thủy chung, son sắt với chồng. Thậm chí, nàng còn cầu xin chồng “đừng nghi oan cho thiếp”. Có nghĩa là Vũ Nương đang ra sức giữ gìn, hàn gắn hạnh phúc gia đình đang có nguy cơ tan vỡ. Điều đó cho thấy nàng thực sự rất trân trọng hạnh phúc gia đình mà mình đang có và càng làm nổi bật lên niềm khát khát hướng tới hạnh phúc gia đình ấm êm của người phụ nữ Vũ Nương.
Tiếp đến, Vũ Nương trong mối quan hệ với mẹ chồng và bé Đản. Nàng hiện lên là một người con hiếu thảo, một người mẹ rất mực tâm lý, yêu thương con cái. Chồng đi lính, ở nhà, nàng một mình sinh con, nuôi dạy con, vừa đóng vai trò là một nguời mẹ, lại vừa đóng vai trò là một người cha. Nàng sợ con mình thiếu thốn tình cảm của người cha nên đêm đêm thường mượn bóng mình, chỉ vào tường mà bảo là cha Đản. Nàng thay chồng làm tròn bổn phận, trách nhiệm của một người con hiền, dâu thảo: chăm sóc, thuốc thang, lễ bái thần Phật, hết lòng khuyên lơn mẹ chồng. Đến khi mẹ chồng mất, nàng tổ chức ma chay tế lễ chu đáo như với cha mẹ đẻ của mình vậy. Vì thế, bà mẹ chồng đã viện cả trời xanh để chứng minh cho lòng hiếu thảo của cô con dâu: “Xanh kia quyết chẳng phụ con cũng như con đã chẳng phụ mẹ”. Điều đó đã cho thấy nhân cách tuyệt vời và công lao to lớn của Vũ Nương đối với gia đình nhà chồng này.
Như vậy, một người phụ nữ đẹp người, đẹp nết đảm đang, hiếu thảo, nhất mực thủy chung và hết lòng vun vén, trân trọng hạnh phúc gia đình như thế, đáng lẽ ra phải được hưởng hạnh phúc trọn vẹn, tìm được một người chồng tâm lý, cảm thông và sẻ chia những nỗi lo toan cho vợ, nhưng thật éo le và nghịch lý thay, nàng lại phải chịu một cuộc sống gia đình bất hạnh và phải chết trong đau đớn, xót xa, đầy nước mắt. Đó là khi Trương Sinh sau ba năm đi lính trở về, bé Đản không chịu nhận cha, nghe lời nói của con “Trước đây, thường có một người đàn ông, đêm nào cũng đến, mẹ Đản đi cũng đi, mẹ Đản ngồi cũng ngồi, nhưng chẳng bao giờ bế Đản cả”, Trương Sinh nhất nhất cho rằng “vợ hư”. Mặc dù Vũ Nương đã tìm cách để giải thích lại thêm họ hàng, làng xóm bênh vực và biện bạch cho nàng nhưng mối nghi ngờ vợ của Trương Sinh ngày càng sâu, không có gì gỡ ra được. Cuối cùng “cái thú vui nghi gia nghi thất” đã không còn “bình rơi trâm gãy, mây tạnh mưa tan, sen rũ trong ao, liễu tàn trước gió”, cả nỗi đau chờ chồng đến hóa đá cũng không còn có thể được: “đâu còn có thể lại lên núi Vọng Phu kia nữa”. Nàng đã trẫm mình xuống dòng nước Hoàng Giang lạnh lẽo. Đó là hành động quyết liệt để bảo toàn danh dự, nhân phẩm trong một nỗi đau tuyệt vọng cùng cực, đau đớn.
Vậy đâu là nguyên nhân dẫn tới cái chết oan nghiệt của Vũ Nương. Đó trước hết là do chi tiết cái bóng và những lời nói ngây thơ của bé Đản. Nhưng nguyên nhân sâu xa đằng sau đó là từ người chồng đa nghi, thô bạo. Ngay từ đầu truyện, nhà văn đã giới thiệu Trương Sinh là “con nhà hào phú nhưng không có học”, lại có tính đa nghi, đối với vợ thì hay phòng ngừa quá mức, thiếu cả lòng tin và tình thương với người tay ấp má kề với mình. Đó chính là mầm mống của bi kịch để rồi trong hoàn cảnh đi lính ba năm xa nhà, xa vợ, thói ghen tuông, ích kỷ của bản thân chàng nổi lên và giết chết người vợ của mình. Đồng thời, chế độ phong kiến hà khắc, nam quyền độc đoán đã dung túng cho thói gia trưởng của người đàn ông, cho phép người đàn ông có thể đối xử tệ bạc với người phụ nữ của mình. Và người phụ nữ không có quyền được lên tiếng, không có quyền tự bảo vệ ngay cả khi có “họ hàng, làng xóm bênh vực và biện bạch cho”... Tất cả đã đẩy Vũ Nương - người phụ nữ đẹp đương thời vào con đường bi kịch, phá tan đi những hạnh phúc gia đình của người phụ nữ, dồn đẩy họ vào con đường cùng không lối thoát.
Cũng cần nói thêm, sự thành công của “Chuyện người con gái Nam Xương” còn được thể hiện ở chỗ, Nguyễn Dữ đã khéo léo dẫn dắt câu chuyện trên cơ sở cốt truyện có sẵn, ông đã sắp xếp lại, tô đậm, thêm bớt làm cho câu chuyện trở nên sinh động, mang tính kịch và tăng cường tính bi kịch. Có thể nói, dưới ngòi bút của Nguyễn Dữ, “Chuyện người con gái Nam Xương” đã có sự thành công vượt bậc so với bản kể dân gian “Vợ chàng Trường”. Điều này được thể hiện qua chi tiết chiếc bóng và lời nói của bé Đản. Từ đó, tạo nên sự thắt nút và mở nút của câu chuyện, làm câu chuyện trở nên hấp dẫn, tình tiết lôi cuốn, chặt chẽ. Đầu tiên là “thắt nút” câu chuyện: chỉ một câu nói ngây thơ của một đứa trẻ lên ba nói với cha mà như một cơn bão dây chuyền, đã tạo nên biết bao nhiêu là giống lốc cuộc đời, lật nhào hết tất cả mọi sự bình yên thủa trước. Để rồi, trong một chốc nóng giận, thói nghi kị trong lòng người đàn ông độc đoán, chuyên quyền đã phá tan đi hạnh phúc yên ấm mà mình đang có; đẩy cuộc đời của người phụ nữ đẹp người, đẹp nết vào cái chết thương tâm, thấm đẫm nước mắt. Và cũng thật bất ngờ thay, câu chuyện lại được “gỡ nút” bằng một câu nói trẻ thơ non dại. Khi thấy cái bóng của Trương Sinh in trên vách, bé Đản liền nói: “Cha Đản lại đến kia kìa!” thì bao nhiêu oan khuất lại được lật nhào sáng tỏ. Vũ Nương vô tội!
Bên cạnh đó, truyện còn thành công trong việc sử dụng nghệ thuật đối thoại, lời tự bạch của nhân vật được sắp xếp đúng chỗ, làm cho câu chuyện trở nên sinh động, góp phần khắc họa diễn biến tâm lí và tính cách nhân vật: lời nói của bà mẹ Trương Sinh nhân hậu, từng trải; lời lẽ của Vũ Nương bao giờ cũng chân thành, dịu dàng, mềm mỏng, có lý, có tình - lời của người phụ nữ hiền thục, đoan chính; lời của Bé Đản hồn nhiên, ngây thơ, thật thà.
Cuối truyện, Vũ Nương hiện về thấp thoáng trên chiếc kiệu hoa giữa dòng, võng lọng, cờ kiệu rực rỡ đầy sông, nàng nói lời đa tạ Linh Phi và tạ từ Trương Sinh rồi biến mất. Đây là những chi tiết, hình ảnh thể hiện sự sáng tạo của Nguyễn Dữ về mặt kết cấu truyện bằng việc sử dụng yếu tố kì ảo, hoang đường, góp phần tăng thêm giá trị hiện thực và ý nghĩa nhân văn của tác phẩm, làm nên đặc trưng của thể loại truyền kì. Nếu như trong truyện kể dân gian, sau khi Vũ Nương chết, Trương Sinh tỉnh ngộ, nhận ra sai lầm của mình thì cũng là lúc truyện cổ tích khép lại, điều đó đã để lại niềm xót xa đau đớn cho người đọc về thân phận bất hạnh oan khiên của người phụ nữ tiết hạnh, thì trong “Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ, ông đã sáng tạo thêm phần đuôi của truyện, góp phần làm lên những giá trị thẩm mĩ và tư tưởng mới của truyện. Đó là làm hoàn thiện thêm nét đẹp tính cách, phẩm chất của nhân vật và chứng tỏ được Vũ Nương trong sạch. Ở thế giới bên kia, nàng được đối xử xứng đáng với phẩm giá của mình. Vì thế, Nguyễn Dữ đã đáp ứng được ước mơ của con người về sự bất tử, sự chiến thắng của cái thiện, cái đẹp, thể hiện nỗi khát khao hạnh phúc trong một cuộc sống công bằng, hạnh phúc cho những con người lương thiện, đặc biệt là người phụ nữ đương thời.
Tóm lại, “Truyền kì mạn lục” nói chung và “Chuyện người con gái Nam Xương” nói riêng của Nguyễn Dữ là một tác phẩm độc đáo, đánh dấu một bước phát triển đột khởi của nền văn xuôi tự sự chữ Hán trong nền văn học trung đại Việt Nam. Tác phẩm đã đạt được thành tựu nghệ thuật nổi bật trên ba phương diện: xây dựng tình tiết, kết cấu; xây dựng nhân vật; sự kết hợp giữa yếu tố hiện thực và yếu tố kì ảo. Thông qua cuộc đời và số phận bất hạnh của Vũ Nương, tác giả đã phản ánh số phận bi thương của người phụ nữ phong kiến, ngợi ca những phẩm chất tốt đẹp của họ. Đồng thời, thể hiện thái độ phê phán đối với một xã hội phi nhân đã gây ra biết bao khổ đau cho con người. Mặc dù truyện cũng cách xa chúng ta vào thế kỉ rồi nhưng tính thời sự của truyện vẫn còn vang vọng tới ngày hôm nay.
Phân tích Chuyện người con gái Nam Xương - mẫu 7
Nguyễn Dữ là nhà văn lỗi lạc của đất nước ta trong thế kỷ 16. Vốn là học trò giỏi của Trạng Trình - Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ngoài thơ, ông còn để lại tập văn xuôi viết bằng chữ Hán, gồm có 20 truyện ghi chép những mẩu chuyện hoang đường lưu truyền trong dân gian; cuối mỗi truyện thường có lời bình của tác giả. Đằng sau mỗi câu chuyện thần kỳ. "Truyền kì mạn lục" chứa đựng nội dung phê phán những hiện thực xã hội đương thời được nhìn dưới con mắt nhân đạo của tác giả.
"Chuyện người con gái Nam Xương" trích trong "Truyền kì mạn lục" ghi lại cuộc đời thảm thương của Vũ Nương, quê ở Nam Xương thuộc tỉnh Nam Hà ngày nay.
Vũ Nương là một người đàn bà nhan sắc và đức hạnh "có tư dung tốt đẹp" tính tình "thuỳ mị nết na". Trương Sinh xin mẹ trăm lạng vàng cưới nàng về, sum họp gia thất. Thời buổi chiến tranh loạn lạc, chồng phải đi lính đánh giặc Chiêm. Vũ Nương ở nhà lo bề gia thất. Phụng dưỡng mẹ già nuôi dạy con trẻ, đạo dâu con, nghĩa vợ chồng, tình mẹ con, nàng giữ trọn vẹn, chu tất. Khi mẹ chồng già yếu qua đời, một mình nàng lo việc tang ma, phận dâu con giữ tròn đạo hiếu. Có thể nói Vũ Nương là một người đàn bà có phẩm chất tốt đẹp, đáng được trân trọng ngợi ca. Ước mơ của nàng rất bình dị. Tiễn chồng ra trận, nàng không hề mơ tưởng "đeo ấn phong hầu", chỉ mong ngày đoàn tụ, chồng trở về "được hai chữ bình yên".
Cũng như số đông người phụ nữ ngày xưa. Cuộc đời của Vũ Nương là những trang buồn đầy nước mắt. Năm tháng trôi qua, giặc tan, Trương Sinh trở về, con thơ vừa học nói. Tưởng rằng hạnh phúc sẽ mỉm cười với đôi vợ chồng trẻ. Nhưng rồi chuyện "cãi bóng" từ miệng đứa con thơ đã làm cho Trương Sinh ngờ vực, "đinh ninh là vợ hư, mối nghi ngờ ngày càng sâu, không có ý gỡ ra được". Vốn tính hay ghen, lại gia trưởng, vũ phu, ít được học hành, Trương Sinh đã đối xử với vợ hết sức tàn nhẫn. Giấu biệt lời con nói. Trương Sinh đã "mắng nhiếc nàng và đánh đuổi đi". Vợ phân trần, không tin; hàng xóm khuyên can cũng chẳng ăn thua gì cả! Chính vì chồng và con - những người thân yêu nhất của Vũ Nương đã xô đẩy nàng đến bên bờ vực thẳm. Thời chiến tranh loạn lạc, nàng đã trải qua những năm tháng cô đơn, giờ đây đứng trước nỗi oan, nàng chỉ biết nuốt nước mắt vào lòng... Vũ Nương chỉ có một con đường để bảo toàn danh tiết: nhảy xuống sông Hoàng Giang tự tử để làm sáng ngời "ngọc Mị Nương ", toả hương "cỏ Ngu Mĩ".
Phân tích Chuyện người con gái Nam Xương - mẫu 8
“Truyền kỳ mạn lục” là một tác phẩm có giá trị của văn học cổ nước ta ở thế kỷ XVI, một tập truyện văn xuôi bằng chữ Hán đầu tiên ở Việt Nam. “Chuyện người con gái Nam Xương” là một truyện hay trong tác phẩm đó được trích trong Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ.
Truyện kể về một người phụ nữ tên là Vũ Thị Thiết ở huyện Nam Xương, tỉnh Hà Nam. Vốn là một người vợ đoan chính, đảm đang. Nàng giữ lòng chung thuỷ, hầu hạ mẹ chồng, chăm sóc con thơ trong suốt thời gian chồng đi lính ở phương xa. Khi trở về vì nghe lời ngây thơ của con trẻ, người chồng nghi ngờ nàng thất tiết nên đánh mắng đuổi đi. Không thể phân giải được oan tình, nàng trẫm mình ở sông Hoàng Giang. Cảm động vì lòng trung thực của nàng, Linh Phi (vợ vua biển) cứu vớt nàng và cho ở lại Long Cung. Người chồng biết vợ bị oan nên rất hối hận, lập đàn giải oan cho nàng. Vũ Nương hiện lên, ẩn hiện trong chốc lát rồi trở lại Long Cung.
Chuyện ca ngợi một người phụ nữ có phẩm chất, có tâm hồn trong sáng, sáng ngời như ngọc lại bị nỗi oan tày trời vì một chuyện ghen tuông vớ vẩn của người chồng nông nổi. Cuối cùng nàng phải tìm đến cái chết để giải nỗi oan tình.
Tác giả đặt nhân vật Vũ Nương vào những hoàn cảnh khác nhau, qua đó bộc lộ những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ. Vũ Nương vốn là người con gái có tư dung tốt đẹp, tính tình thuỳ mị, nết na. Khi lấy chồng, nàng luôn giữ gìn khuôn phép, không để vợ chồng phải thất hoà dù Trương Sinh vốn có tính hay ghen. Khi chồng đi lính, Vũ Nương rót chén rượu đầy tiễn chồng. Lời của nàng thật xúc động, nói về niềm yêu thương, mong nhớ của mình đối với người chồng sẽ đi xa, rồi bày tỏ nỗi lo lắng trước những gian lao nguy hiểm mà người chồng sẽ trải qua, niềm mong ước được đoàn tụ … làm mọi người trong tiệc đều ra hai hàng lệ.
Chồng đi đánh giặc ngoài biên ải, nàng một lòng son sắt, thuỷ chung, “cách biệt ba năm, giữ gìn một tiết”, mong đợi chồng về trong cô đơn mòn mỏi “mỗi khi thấy bướm lượn đầy vườn, mây che kín núi, thì nỗi buồn góc bể, chân trời không thể nào ngăn được”. Hơn nữa, nàng là một người con dâu hiếu kính, tận tụy chăm sóc khi mẹ chồng còn sống, chôn cất mẹ chồng khi mẹ qua đời (lo liệu như đối với mẹ đẻ mình).
Rồi đằng đẵng thời gian trôi qua, chồng ra lính trở về, cùng là lúc nàng bị nghi oan. Vũ Nương đã phân trần để chồng hiểu rõ tấm lòng mình: “Thiếp vốn con kẻ khó … mong chàng đừng một mực nghi oan cho thiếp”. Nàng đã nói đến thân phận mình, tình nghĩa vợ chồng và khẳng định lòng chung thuỷ, hết lòng tìm cách hàn gắn hạnh phúc gia đình đang có nguy cơ bị tan vỡ. Dù họ hàng, làng xóm có bênh vực và biện bạch, Trương Sinh vẫn không tin. Bất đắc dĩ Vũ Nương thống thiết: “Thiếp sở dĩ nương tựa vào chàng … đâu có thể lên núi vọng phu kia nữa!”. Đó là hạnh phúc gia đình, niềm khao khát của cả đời nàng giờ đây tan vỡ. Tình yêu không còn, cả nỗi đau khổ chờ chồng giờ đây hóa đá….
Tuyệt vọng vì phải gánh chịu nỗi oan khuất tày trời không phương giãi bày, cứu chữa nàng đành mượn cái chết để chứng tỏ tiết hạnh trong sáng của mình. lời khấn nguyện với thần linh vô cùng thảm thiết: “Thiếp nếu đoan trang giữ tiết, trinh bạch gìn lòng, vào nước xin làm ngọc Mị Nương, xuống đất xin làm cỏ Nga Mĩ. Nhược bằng lòng chim, dạ cá, lừa dối chồng con, được xin làm mồi cho cá tôm, trên xin làm cơm cho diều quạ và xin chịu khắp mọi người phỉ nhổ” lời khấn nguyện đã làm cho người đọc xót xa - con người rơi cảnh ngộ bế tắc, không thể tiếp tục sống để tự giải oan tình mà phải tìm đến cái chết để thần linh chứng giám.
Sau một năm ở thuỷ cung, khi nghe kể chuyện nhà, nàng đã ứa nước mắt khóc, nghĩ đến câu “ngựa Hồ gầm gió Bắc, chim Việt đậu cành Nam” rồi hiện về trên dòng nước cho thỏa lòng nhớ chồng, con.
Qua những hoàn cảnh khác nhau của vũ Nương, với những lời tự thoại của nàng, truyện đã khẳng định những nét đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam - một người phụ nữ đẹp người, lại nết na, hiền thục, đảm đang, tháo vát, rất mực hiếu kính với mẹ chồng, giữ vẹn lòng chung thuỷ sắt son với chồng, hết lòng vun đắp hạnh phúc gia đình… lẽ ra phải được hạnh phúc trọn vẹn thế mà phải chết một cách oan uổng, đau đớn.
Cái chết của Vũ Nương có nhiều nguyên nhân sâu xa, bắt nguồn từ hiện thực nghiệt ngã của lễ giáo phong kiến của xã hội cũ, với chế độ “nam quyền”, coi rẻ thân phận của người phụ nữ, rồi tính đa nghi, ghen tuông của chồng, thói hung bạo, gia trưởng của chồng đã làm khổ đau bao cuộc đời những người phụ nữ.
Cuộc hôn nhân giữa Vũ Nương và Trương Sinh có phần không bình đẳng (thiếp vốn con nhà khó, được nương tựa nhà giàu). Xã hội phong kiến lại coi trọng “nam quyền”, hơn nữa Trương Sinh lại có tính đa nghi, đối với vợ thì phòng ngừa quá mức. Những chi tiết này chuẩn bị cho những hành động độc đoán của Trương Sinh sau này.
Khi đánh giặc trở về, Trương Sinh cũng mang một tâm trạng nặng nề: mẹ qua đời, con vừa học nói, lòng buồn bã. Trong hoàn cảnh như thế, lời của Bé Đản dễ kích động tính hay ghen của Trương Sinh: “Trước đây, thường có một người đàn ông đêm nào cũng đến…”
Điều đáng trách là thái độ và hành động độc đoán của Trương Sinh khi ấy. Không đủ bình tĩnh để tìm hiểu vấn đề, chàng bỏ ngoài tai những lời phân trần của vợ, những lời bênh vực của họ hàng, làng xóm, không chịu nói ra duyên cớ ghen hờn. Cuối cùng, Sinh lại mắng nhiếc nàng và đánh đuổi nàng đi. Thái độ và hành động của Trương Sinh vô hình dung dẫn đến cái chết oan nghiệt của Vũ Nương.
Hành động gieo mình xuống sông Hoàng Giang của Vũ Nương phản ánh một thực trạng về thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Họ bị buộc chặt trong khuôn khổ khắt khe của lễ giáo, bị đối xử bất công, bị áp bức và chịu nhiều khổ đau, bất hạnh. Đó cũng chính là giá trị tố cáo hiện thực của tác phẩm. Đằng sau nỗi oan của người thiếu phụ Nam Xương, còn bao nhiêu oan tình bất hạnh mà người phụ nữ ngày xưa phải gánh chịu: Nàng Kiều trong "Truyện Kiều'' của Nguyễn Du, người cung nữ trong “cung oán ngâm khúc” của Nguyễn Gia Thiều, người phụ nữ lỡ duyên tình trong thơ Hồ Xuân Hương...
Phải nhận thấy rõ ràng với truyện ngắn đầu tiên viết bằng chữ Hán, Nguyễn Dữ đã có những mặt thành công trong nghệ thuật xây dựng truyện, xây dựng những đoạn đối thoại. Cách kể chuyện hấp dẫn, xây dựng tình tiết, thắt nút và gỡ nút thật bất ngờ, đầy kịch tính, càng làm cho nỗi oan tình của nhân vật hiện ra với tất cả nét thảm khốc.
“Thắt nút” truyện bằng yếu tố bất ngờ. Một câu nói ngây thơ nghe như thật của trẻ thơ mà gây bão tố dây chuyền trong cuộc đời. Bão tố nghi kỵ trong một đầu óc nam quyền độc đoán, thiếu trí tuệ; bão tố bất hoà dữ dội phá tan hạnh phúc của một gia đình êm ấm. Bão tố oan khiến phá nát cuộc đời của một người con gái trong trắng, phải kết thúc bi thảm trên một dòng sông.
“Gỡ nút” cũng bất ngờ bằng một câu nói trẻ thơ non dại (khi chỉ cái bóng của chàng Trương trên vách: “cha Đản lại đến kia kìa”) thì bao nhiêu oan gây thảm kịch trong phút chốc bỗng được sáng tỏ.
Truyện có những đoạn đối thoại và những lời tâm tình của nhân vật được sắp xếp đúng chỗ, làm cho câu chuyện trở nên sinh động, góp phần khắc họa diễn biến tâm lí và tính cách nhân vật; lời nói của bà mẹ Trương Sinh nhân hậu, từng trải; lời lẽ của Vũ Nương bao giờ cũng chân thành, dịu dàng, mềm mỏng, có lý, có tình - lời của người phụ nữ hiền thục, đoan chính; lời của Bé Đản hồn nhiên, ngây thơ, thật thà.
Chuyện đáng lẽ có thể kết thúc ở đoạn “gỡ nút” truyện, chàng Trương Sinh tỉnh ngộ, thấu hiểu nỗi oan của Vũ Nương nhưng Nguyễn Dữ đã thêm phần Vũ Nương trở về dương thế, gặp chồng trong thoáng chốc. So với truyện cổ tích “Vợ chàng Trương”, Nguyễn Dữ đã tái tạo truyền kì từ cổ tích để nâng truyện lên những giá trị tư tưởng và thẩm mĩ mới. Điều đó, làm tăng thêm sức hấp dẫn của truyện và hoàn chỉnh tính cách nhân vật Vũ Nương, thoả mãn ước mơ của nhân dân là “ở hiền gặp lành”, người tốt sẽ được đền bù. Truyện kết thúc có hậu. Trong truyện, những yếu tố truyền kì tập trung ở phần sau của truyện như con rùa mai xanh được Phan Lang cứu, Vũ Nương được ở lại Thuỷ Cung, rồi hiện về với kiệu hoa rực rỡ trên sông... đó là những tình tiết kì ảo, không có thực nhưng đã tạo ra một thế giới nghệ thuật lung linh huyền ảo.
Số phận và cuộc đời thực sự vẫn là thực xưa nay. Yếu tố hoang đường truyền kì không thể cứu được cuộc đời Vũ Nương với số phận bi thảm của nàng. Vũ Nương muốn sống lại mà không được sống, muốn trở về với chồng con và quê hương mà không thể trở về được.
Truyện “Người con gái Nam Xương” có giá trị hiện thực tố cáo và ý nghĩa nhân đạo sâu sắc. Nghĩ về Vũ Nương và biết bao thân phận người phụ nữ khác trong xã hội phong kiến được phản ánh trong các tác phẩm văn học cổ, chúng ta càng thấy rõ giá trị cuộc sống của những người phụ nữ Việt Nam trong một xã hội tốt đẹp hôm nay. Họ đang vươn lên làm chủ cuộc đời, sống bình đẳng, hạnh phúc với chồng con và được đề cao nhân phẩm trong xã hội của thời đại mới.
Phân tích Chuyện người con gái Nam Xương - mẫu 9
Mỗi một câu chuyện viết ra đều mang một ý nghĩa tự thân của nó, có tác dụng cảm hoá cuộc đời và con người. Nếu một tác phẩm văn học không mang được những ý nghĩa sâu xa như vậy, nó sẽ vẫn nằm trong sự băng hoại của thời gian. Và “Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ đã vượt qua được quy luật của thời gian và không gian để đến với chúng ta ngày hôm nay.
“Chuyện người con gái Nam Xương” nằm trong tập “Truyền kì mạn lục”, một trong những câu chuyện lạ lưu truyền trong dân gian được ghi chép lại. Lạ nhưng câu chuyện ấy không viển vông đến xa rời thực tế, mà nó như một tấm gương soi chiếu xã hội bấy giờ, là khúc ca cho tấm lòng nhân đạo của tác giả Nguyễn Dữ. Bởi những giá trị ấy mà đã hàng ngàn năm trôi qua, vẫn còn một tác phẩm đồng hành với chúng ta ngày hôm nay.
Truyện kể về người con gái vùng Nam Xương, tính đã dịu hiền nết na, lại thêm tư dung tốt đẹp. Nàng được gả cho Trương Sinh, một chàng trai giàu có nhưng ít học, tính tình lại cục cằn hay ghen. Và chiến tranh nổ ra, Trương Sinh bị bắt đi lính, để mẹ già vợ trẻ ở nhà ngày đêm mong nhớ. Trương Sinh đi để lại cho Vũ Nương một người con trai, vì thương nhớ chồng nên nàng chỉ chiếc bóng trên tường và nói với con đó là cha.
Ba năm sau, Trương Sinh trở về, nghi ngờ vợ mình thất tiết và đuổi đánh vợ, khiến nàng nhảy xuống sông mà tự vẫn. Một thời gian sau, Trương Sinh phát hiện ra sự thật, muốn vợ quay trở về nhưng mọi chuyện đã quá muộn. Cả câu chuyện như một vở kịch đau thương về số phận của người phụ nữ dưới chế độ phong kiến, tủi nhục, đau khổ đến nhường nào!
“Chuyện người con gái Nam Xương” còn tồn tại đến ngày hôm nay có lẽ là nhờ vào giá trị hiện thực sâu sắc của nó. Đó là bức tranh về hiện thực xã hội phong kiến chứa đầy những uất ức bất công, đặc biệt là với người phụ nữ. Vũ Nương dù mang trong mình những phẩm chất tốt đẹp nhưng cũng không được lựa chọn hạnh phúc cho cuộc đời mình.
Nàng vì trăm lạng bạc của mẹ Trương Sinh mà về làm dâu làm vợ của người, không ai biết nàng có hạnh phúc hay không. Rồi khi bị chồng nghi oan, nàng cũng không có quyền nói lên nỗi lòng của mình. Dù bị đánh đập, bị đuổi đi mà không được nói một lời giải thích. Chính chế độ nam quyền khi ấy là nguyên nhân dẫn đến cuộc đời bi kịch của Vũ Nương.
Trong tác phẩm, ta còn nhận ra một hiện thực tàn khốc hơn nữa, chính là chiến tranh phong kiến phi nghĩa. Cuộc chiến ấy khiến mẹ mất con, vợ mất chồng, con mất cha. Dù cho một người giàu có như Trương Sinh, cũng không tránh khỏi vòng vây đao kiếm. Tất cả đều là để phục vụ cho nhu cầu của những thế lực phong kiến tranh giành quyền lực mà đổ lên đầu con đỏ dân đen.
Nếu như không có chiến tranh phong kiến, cũng không có ba năm xa cách đằng đẵng giữa Vũ Nương và chồng, cũng không có sự hiểu lầm đáng tiếc ấy. Vũ Nương phải chết, cũng một phần vì chiến tranh mà ra. Có thể nói, tác phẩm đã phản ánh chân thực được những hiện thực còn nhức nhối trong xã hội bấy giờ, để sau này người đời còn nhìn vào và hiểu rằng, đã có một thời lầm than như thế.
Nhưng một tác phẩm văn học sẽ không thể sống nếu nó chỉ là sự sao chép lại hiện thực một cách giản đơn. Trong hiện thực, ta còn phải thấy được cả tấm lòng của tác giả gửi gắm, hay chính là tiếng nói nhân đạo của Nguyễn Dữ trong tác phẩm của mình. Tiếng nói nhân đạo ấy trước hết thể hiện ở sự ca ngợi, trân trọng vẻ đẹp của người phụ nữ trong xã hội phong kiến.
Vũ Nương được miêu tả là một cô gái, đã có tư dung tốt đẹp lại dịu hiền nết na. Nguyễn Dữ nhìn ra được những phẩm chất cao quý nhất trong tâm hồn người con gái ấy. Chính vẻ ngoài xinh đẹp và tính tình của nàng đã chiếm được trái tim chàng Trương Sinh, để chàng phải bắt mẹ hỏi cưới cho bằng được. Kể từ đó, Vũ Nương nổi bật lên là một người con hiếu thảo. Chồng đi lính, nàng hết lòng phụng sự, chăm lo cho mẹ chồng.
Khi bà ốm, nàng tất tả lo toan thuốc thang, khi bà mất, nàng lo toan ma chay cho thật chu đáo. Dẫu chỉ là mẹ chồng, nàng vẫn toàn tâm chăm sóc như bố mẹ. Đó là một tấm lòng thơm thảo, luôn dành sự biết ơn cho đấng sinh thành. Phẩm chất ấy thật đáng quý biết nhường nào.Khi đã làm mẹ, Vũ Nương lại hết lòng yêu thương và chăm sóc con.
Thương con lớn lên trong cảnh thiếu cha, ngày ngày nàng chỉ chiếc bóng trên tường và nói với con đó là cha nó. Ta có thể thấy một khao khát gia đình trọn vẹn để con được đủ đầy yêu thương. Bi kịch của cuộc đời Vũ Nương, có chăng cũng là từ tình yêu thương con ấy mà ra.
Nét nổi bật nhất trong vẻ đẹp của Vũ Nương có lẽ chính là tấm lòng chung thuỷ một lòng với chồng. Khi chồng ở nhà, nàng khôn khéo đảm đang không để chồng phật ý, khi chồng ra trận, nàng lại một lòng chăm sóc mẹ già con nhỏ. Nàng sống trong nỗi nhớ chồng, khao khát được gặp lại người chồng của mình. Nàng luôn giữ được hai chữ “tiết hạnh” để không có lỗi với chồng.
Chiếc bóng xuất hiện mỗi đêm có lẽ là minh chứng rõ nhất cho sự thủy chung của Vũ Nương. Và đặc biệt, khi chết đi, nàng quay trở lại gặp chồng lần nữa, một mặt là khẳng định tấm lòng chung thủy, một mặt vẫn còn lưu luyến tình xưa nghĩa cũ. Tấm lòng chung thủy của Vũ Nương, không ai có thể phủ nhận. Đó chính là vẻ đẹp tiêu biểu nhất cho người phụ nữ Việt Nam, dù chịu bất công nhưng một lòng chung thủy.
Tiếng nói nhân đạo của Nguyễn Dữ, ta còn gặp ở sự đồng cảm với khát vọng hạnh phúc của con người. Cuộc đời Vũ Nương luôn là những chuỗi ngày bị ép buộc, chờ đợi. Nàng luôn khát khao về một mái ấm gia đình có đủ đầy tình yêu thương nhưng không thành hiện thực. Nguyễn Dữ để nàng sống hạnh phúc ở một thế giới khác, không còn khổ đau hờn ghen, chính là để hiện thực hóa ước mơ hạnh phúc của con người.
“Chuyện người con gái Nam Xương”, với những giá trị hiện thực và nhân đạo của mình, đã thực sự chạm được đến phần sâu kín nhất của trái tim con người. Đó là nỗi lòng của chính Nguyễn Dữ, là cặp mắt nhìn đời tinh anh sắc sảo và tấm lòng nồng ấm yêu thương. Tác phẩm đã cho ta thấy được cái tâm và cái tài của một nghệ sĩ lớn, đó mới là nghệ thuật chân chính mà muôn đời con người theo đuổi.
Thời gian vẫn sẽ tuần hoàn theo quy luật của nó, nhưng ta sẽ vẫn còn nhớ về tác phẩm để hoài niệm về quá khứ xa vắng, để đau xót, để yêu thương!
Phân tích Chuyện người con gái Nam Xương - mẫu 10
Đau đớn thay phận đàn bà,
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.
Số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa kia đúng như nhận định của Nguyễn Du. Người phụ nữ dù được sinh ra trong gia đình thuộc thành phần giai cấp nào, dù tốt đẹp nết na cũng đều cùng chung số phận “bạc mệnh” như nhau. Số phận hẩm hiu đáng thương ấy đã được các nhà văn phản ánh lại trong tác phẩm của mình.
Có lẽ tiêu biểu nhất là Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ, một tác phẩm nổi tiếng của thế kỉ XVI (Trong tập Truyền kì mạn lục). Đây là một tác phẩm có giá trị sâu sắc về nhiều mặt và đã gây được cảm xúc trong lòng người đọc ở mọi thế hệ.
Chuyện người con gái Nam Xương là một tác phẩm có giá trị hiện thực sâu sắc. Xã hội thời ấy là một xã hội loạn lạc, chiến tranh xảy ra liên miên đã làm cho cuộc sống của người dân thật điêu linh khốn khổ. Vì vậy mà họ rất chán ghét chiến tranh. Qua buổi tiễn đưa Trương Sinh ra trận, với những lời dặn dò của bà mẹ, lời tâm sự của Vũ Nương với chồng, ta cũng thấy được thái độ kinh sợ chiến tranh của người dân lúc bấy giờ.
Chính chiến tranh đã làm cho vợ phải xa chồng, cha phải xa con... và nó còn là nguyên nhân gây ra bao nỗi bất hạnh cho người 1 vợ nữa. Trương Sinh đi lính, Vũ Thị Thiết ở nhà một mực thủy chung với chồng, thay chồng gánh vác hết mọi công việc gia đình: sinh con, chăm sóc mẹ chồng, lo toan mọi công việc trước sau. Mẹ chồng bệnh lo thuốc thang, mẹ mất lo ma chay, cúng tế đàng hoàng.
Vậy mà khi chồng trở về, nàng chưa được vui sum họp lại gặp tai họa bất ngờ. Bởi anh chồng thất học lại có tính đa nghi, ghen tuông mù quáng chỉ nghe theo lời đứa trẻ ngây thơ không biết xét suy đã vội nghi oan cho vợ. Chỉ vì “cái bóng” vô hình mà Vũ Nương bị mắc oan. Nỗi oan động đất trời lại không thể giãi bày được cùng ai. Bởi cái lễ giáo phong kiến, cái thế lực nam quyền không cho phép người phụ nữ được lên tiếng minh oan. Họ không có một quyền hành gì cả, không được ai bênh vực hay chở che. Cuối cùng nàng phải mang mối oan tình xuống dòng nước bạc.
Số phận của người phụ nừ trong xã hội phong kiến là như thế đó! Sợi dây lễ giáo trói buộc người phụ nữ, họ phải mang số phận “bạc mệnh” đến hết cuộc đời. Thậm chí khi được giải oan, dẫu Vũ Nương rất thương nhớ chồng con nhưng cũng không thể nào trở lại cõi trần được vì nơi đó luôn gieo tai họa cho người phụ nữ. Đây là một chi tiết mang giá trị tố cáo cao.
Nó khẳng định được bản chất xấu xa của xã hội phong kiến, một nhà tù giam hãm cuộc đời của người phụ nữ suốt bao thế kỉ. Cả tác phẩm là một bức tranh hiện thực sinh động phản ánh được thân phận đáng thương của người phụ nữ trong xã hội xưa kia.
Đằng sau nỗi khổ của Vũ Nương, ta còn thấy tấm lòng nhân đạo đáng quý của nhà văn. Xuất phát từ tấm lòng yêu thương trân trọng người phụ nữ, Nguyễn Dữ tập trung ca ngợi phẩm chất tốt đẹp của người con gái Nam Xương: đảm đang, hiếu nghĩa, thủy chung. Khi chồng đi lính, nàng một mình làm hết cả vai trò của chồng lẫn vợ không một chút than vãn: nuôi dạy con thơ, chăm sóc mẹ già.
Nàng luôn giữ trọn đạo hiếu đối với cha mẹ, phụng dưỡng mẹ chồng như mẹ ruột. Đối với chồng, trước sau nàng vẫn giữ trọn nghĩa tình. Biết chồng vốn tính đa nghi, “nàng cũng giữ gìn khuôn phép, không từng để lúc nào vợ chồng phải đến bất hòa”. Khi bị chồng nghi oan, không thể giãi bày được, nàng đã lấy cái chết để chứng thực nghĩa tình của mình.
Lời nguyện thề của Vũ Nương trước khi chết cũng chứng tỏ được tấm lòng trong trắng, thủy chung của nàng. “Thiếp nếu đoan trang giữ tiết, trinh bạch gìn lòng, vào nước xin làm ngọc Mỵ Nương, xuống đất xin làm cỏ Ngu Mỹ. Nhược bằng lòng chim dạ cá, lừa chồng dối con, dưới xin làm mồi cho cá tôm, trên xin làm cơm cho diều quạ và xin chịu khắp mọi người phỉ nhổ”. Vũ Nương tin ở tấm lòng thủy chung trong trắng của mình nên sau khi chết đã được như lời nguyền.
Tiết nghĩa của người con gái Nam Xương như thế! Câu chuyện càng thương tâm, tấm lòng nàng lại càng sáng tỏ. Vũ Thị Thiết là hiện thân của tâm hồn cao đẹp. Trong lòng nàng như không hề gợn một mảy may vẩn đục nào ngoài lòng yêu thương chồng, thương con. Tinh thần nhân đạo của tác phẩm còn bộc lộ rõ rệt trong việc phản ánh nỗi oan của Vũ Nương. Trong khi chế độ phong kiến coi thường quyền sống của người phụ nữ, không hề quan tâm đến nỗi khổ của họ, nguyện vọng của họ, thì truyện ngắn này đã đề cập tới nỗi khổ ấy, xót thương đến nỗi oan ấy.
Bên cạnh đó, Nguyễn Dữ còn đề cao một khát vọng của họ: được tôn trọng. Sau khi vợ chết không chỉ chàng Trương hiểu ra nỗi oan của nàng và lập đàn giải oan, mà tấm lòng trong sáng thủy chung ấy, nỗi khổ ấy còn cảm động đến thần linh. Hình ảnh “Vũ Nương ngồi kiệu hoa, theo sau đó có hơn năm mươi chiếc xe, cờ tán võng lọng rực rỡ” thật là đẹp đẽ. Đó là phần thưởng, là niềm an ủi cho nàng. Đồng thời nó cũng thể hiện được ước mơ của tác giả, của nhân dân ta ngày xưa.
Bên cạnh đó, truyện còn có nhiều thành công về mặt nghệ thuật.
Đặc biệt là nghệ thuật dựng truyện giàu kịch tính. Những chỗ thắt nút, mở nút, bất ngờ mà vẫn hợp lí. Người đọc bất ngờ vì những câu nói ngây thơ của đứa trẻ lần đầu gặp cha, sửng sốt và thương tâm trước cái chết của người vợ, càng bàng hoàng khi đọc đến chi tiết: đứa con chỉ bóng cha in trên vách mà nói: “Cha Đản lại đến kia kìa!”. Thì ra nguyên nhân nỗi đau khổ, nỗi oan ức của một con người, sự tan nát của một gia đình chỉ vì một “cái bóng” qua lời nói của trẻ thơ. Chính chi tiết đó làm nỗi oan nổi rõ lên với tất cả cái bi thảm của nó.
Các nhân vật trong truyện tuy chưa thật sự có cá tính rõ rệt nhưng cũng biểu hiện được với một vài đặc điểm khá sắc sảo: đứa trẻ thì vô tư, người vợ thảo hiền thủy chung cam chịu, người chồng vừa nóng nảy hay ghen lại vừa cả tin nhẹ dạ. Truyện lại kết hợp chất hiện thực với những yếu tố hoang đường kì diệu gây hứng thú cho người đọc.
Tuy nhiên do được viết bằng chữ Hán, với những cách diễn đạt bóng bẩy và ít nhiều công thức, ngôn ngữ của truyện còn gây cho ta cảm giác thiếu tự nhiên ta chưa biết được thực sự lời nói của cha ông ta ngày ấy. Nhưng dẫu sao, đây cũng là một truyện ngắn đầu tiên của văn học Việt Nam có những thành công sắc sảo.
Tóm lại, Chuyện người con gái Nam Xương là một câu chuyện tình đầy oan khuất. Qua truyện, ta hiểu được sự bất công phi lí của xã hội phong kiến đã đem đến nỗi đau khổ cho người phụ nữ đẹp trong văn chương Việt Nam thế kỉ XVI làm sáng ngời phẩm chất đáng quý của người phụ nữ Việt Nam. Dẫu đã trải qua nhiều thế kỉ, nhưng thời gian vẫn không làm giảm đi giá trị của tác phẩm văn học đặc sắc này. Tác phẩm là một trong những viên đá đầu tiên đã góp phần xây dựng nên ngôi nhà lớn văn xuôi Việt Nam.
Phân tích Chuyện người con gái Nam Xương - mẫu 11
Nguyễn Dữ là một trong những tác giả nổi tiếng về truyện truyền kỳ. Trong những tác phẩm của ông, có lẽ “Chuyện người con gái Nam Xương” là câu chuyện đặc sắc nhất. Tác phẩm viết về số phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa, ca ngợi phẩm chất cao đẹp của học. Đồng thời, qua đó ta thấy được sự đồng cảm sâu sắc của tác giả với hoàn cảnh của họ.
Vũ Nương là người con gái “tính tình thùy mị nết na, lại thêm tư dung tốt đẹp”. Chồng nàng là Trương Sinh, một người đa nghi và hay ghen. Mặc dù vậy, với tính cách dung hòa của mình, “nàng luôn giữ gìn khuôn phép”, cuộc sống gia đình của hai người luôn ổn định, không hề xảy ra bất hòa. Khi Trương Sinh phải sung binh, nàng lại là người vợ chung thủy, một lòng một dạ với chồng, chỉ mong chàng lên đường bình an trở về, không mong đeo được ấn phong hầu. Tình yêu và ước mơ của nàng thật giản dị và ý nghĩa. Chồng đi xa, nàng sinh con và chăm sóc mẹ chồng một cách chu đáo. Khi mẹ ốm, “nàng hết sức thuốc thang, lễ Phật cầu thần”, câu nói “Sau này trời giúp người lành, ban cho phúc trạch, giống dòng tươi tốt, con cháu đông đàn, mong ông xanh kia chẳng phụ con cũng như con đã chẳng nỡ phụ mẹ.” của mẹ chồng nàng đã cho ta thấy Vũ Nương là một người vợ chu đáo, một người con hiếu thảo biết chừng nào. Khi mẹ chồng mất, nàng đau xót, lo liệu ma chay như với cha mẹ đẻ của mình.
Tuy nhiên, người phụ nữ đức hạnh ấy lại phải chịu đựng một nỗi oan và dẫn đến cái chết thương tâm của nàng. Trong thời gian chồng đi tòng quân, nàng thường hay đùa với con bằng cách trỏ vào bóng mình trên tường và nói đó là cha Đản. Khi bị Trương Sinh nghi ngờ, nàng vẫn cố gắng hỏi rõ sự tình và thanh minh với chàng: “Thiếp vốn nhà nghèo, được vào cửa tía. Sum họp chưa thỏa tình chăn gối, chia phôi vì động việc lửa binh. Cách biệt ba năm, giữ gìn một tiết. Tô son điểm phấn, từng đã nguội lòng, ngõ liễu đường hoa chưa hề bén gót. Đâu có sự mất nết hư thân như lời chàng nói.” Tuy nhiên, khi Trương Sinh một mực không tin, nàng đã gieo mình xuống bến Hoàng Giang mà chết. Chi tiết này đã nói lên nét đẹp con người Vũ Nương, nàng sẵn sàng lấy cái chết để chứng minh sự trong sạch của mình. Hành động mà Vũ Nương nhờ Phan Lang về nói với Trương Sinh yêu cầu của nàng cũng một lần nữa nói nên tấm lòng chung thủy, một lòng son sắt của nàng. Khi hiểu ra sự tình, Trương Sinh đã vô cùng ân hận, đàn giải oan đã khiến cho Vũ Nương được trả lại sự trong sạch, yên lòng, nàng đã được đức Linh Phi cho hiện về, dẫu không thể trở lại cõi trần được nữa.
Tác phẩm của Nguyễn Dữ, một tác phẩm truyền kỳ có sử dụng những yếu tố hoang đường kỳ ảo. Nhưng từ đó lại thấy được cái nhìn, sự trân trọng và cảm thông của tác giả đối với số phận người phụ nữ xưa, ca ngợi phẩm chất cao đẹp của họ.
Phân tích Chuyện người con gái Nam Xương - mẫu 12
Mỗi 1 câu chuyện viết ra đều mang 1 ý nghĩa tự thân của nó, có công dụng cảm hoá cuộc đời và con người. Nếu 1 tác phẩm văn chương ko mang được những ý nghĩa sâu xa tương tự, nó sẽ vẫn nằm trong sự băng hoại của thời kì. Và “Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ đã vượt qua được quy luật của thời kì và ko gian để tới với chúng ta ngày bữa nay.
“Chuyện người con gái Nam Xương” nằm trong tập “Truyền kì mạn lục”, 1 trong những câu chuyện lạ lưu truyền trong dân gian được biên chép lại. Lạ mà câu chuyện đấy ko viển vông tới xa vắng thực tiễn, nhưng mà nó như 1 tấm gương soi chiếu xã hội bấy giờ, là khúc ca cho tấm lòng nhân đạo của tác giả Nguyễn Dữ. Bởi những trị giá đấy nhưng mà đã hàng nghìn 5 trôi qua, vẫn còn 1 tác phẩm đi cùng với chúng ta ngày bữa nay.
Truyện kể về người con gái vùng Nam Xương, tính đã dịu hiền nết na, lại thêm tư dung tốt đẹp. Nàng được gả cho Trương Sinh, 1 chàng trai giàu sang mà ít học, tâm tính lại cục mịch hay ghen tuông. Và chiến tranh nổ ra, Trương Sinh bị bắt đi lính, để mẹ già vợ trẻ ở nhà ngày đêm mong nhớ. Trương Sinh đi để lại cho Vũ Nương 1 người đàn ông, vì nhớ thương chồng nên nàng chỉ chiếc bóng trên tường và nói với con đấy là cha.
Ba 5 sau, Trương Sinh trở về, nghi ngại vợ mình thất tiết và đuổi đánh vợ, khiến nàng nhảy xuống sông nhưng mà tự sát. 1 thời kì sau, Trương Sinh phát xuất hiện sự thực, muốn vợ quay trở về mà mọi chuyện đã quá muộn. Cả câu chuyện như 1 vở kịch đau thương về số mệnh của người nữ giới dưới cơ chế phong kiến, tủi hổ, âu sầu tới nhường nào!
“Chuyện người con gái Nam Xương” còn còn đó tới ngày bữa nay có nhẽ là nhờ vào trị giá hiện thực thâm thúy của nó. Đấy là bức tranh về hiện thực xã hội phong kiến chứa đầy những uất ức bất công, đặc thù là với người nữ giới. Vũ Nương dù mang trong mình những phẩm giá tốt đẹp mà cũng ko được chọn lọc hạnh phúc cho cuộc đời mình.
Nàng vì trăm lạng bạc của mẹ Trương Sinh nhưng mà về làm dâu làm vợ của người, ko người nào biết nàng có hạnh phúc hay ko. Rồi lúc bị chồng nghi oan, nàng cũng ko có quyền nói lên nỗi lòng của mình. Dù bị đánh đập, bị đuổi đi nhưng mà ko được nói 1 lời giảng giải. Chính cơ chế nam quyền lúc đấy là nguyên cớ dẫn tới cuộc đời thảm kịch của Vũ Nương.
Trong tác phẩm, ta còn nhìn thấy 1 hiện thực thảm khốc hơn nữa, chính là chiến tranh phong kiến phi chính nghĩa. Cuộc chiến đấy khiến mẹ mất con, vợ mất chồng, con mất cha. Dù cho 1 người giàu sang như Trương Sinh, cũng ko tránh khỏi vòng vây đao kiếm. Tất cả đều là để dùng cho cho nhu cầu của những thần thế phong kiến giành giật quyền lực nhưng mà đổ lên đầu con đỏ thứ dân.
Giả dụ ko có chiến tranh phong kiến, cũng ko có 3 5 cách biệt đằng đẵng giữa Vũ Nương và chồng, cũng ko có sự hiểu lầm đáng tiếc đấy. Vũ Nương phải chết, cũng 1 phần vì chiến tranh nhưng mà ra. Có thể nói, tác phẩm đã phản ảnh chân thật được những hiện thực còn nhức nhói trong xã hội bấy giờ, để sau này thiên hạ còn nhìn vào và hiểu rằng, đã có 1 thời lầm than như thế.
Nhưng 1 tác phẩm văn chương sẽ chẳng thể sống nếu nó chỉ là sự sao chép lại hiện thực 1 cách giản đơn. Trong hiện thực, ta còn phải thấy được cả tấm lòng của tác giả gửi gắm, hay chính là ngôn ngữ nhân đạo của Nguyễn Dữ trong tác phẩm của mình. Tiếng nói nhân đạo đấy trước nhất trình bày ở sự truyền tụng, trân trọng vẻ đẹp của người nữ giới trong xã hội phong kiến.
Vũ Nương được mô tả là 1 cô gái, đã có tư dung tốt đẹp lại dịu hiền nết na. Nguyễn Dữ nhìn ra được những phẩm giá cao quý nhất trong tâm hồn người con gái đấy. Chính hình thức xinh xắn và tâm tính của nàng đã chiếm được trái tim chàng Trương Sinh, để chàng phải bắt mẹ hỏi cưới cho bằng được. Từ khi đấy, Vũ Nương nổi trội lên là 1 người con hiếu hạnh. Chồng đi lính, nàng hết dạ phụng sự, chăm lo cho mẹ chồng.
Khi bà ốm, nàng tất tưởi toan lo thuốc men, lúc bà mất, nàng lo toàn hậu sự cho thật tỷ mỉ. Dẫu chỉ là mẹ chồng, nàng vẫn toàn tâm chăm nom như cha mẹ. Đấy là 1 tấm lòng thơm thảo, luôn dành sự hàm ân cho đấng sinh thành. Phẩm chất đấy thật đáng quý biết nhường nào.Khi đã làm mẹ, Vũ Nương lại hết dạ mến thương và chăm nom con.
Thương con mập lên trong cảnh thiếu cha, ngày ngày nàng chỉ chiếc bóng trên tường và nói với con đấy là cha nó. Ta có thể thấy 1 khát khao gia đình toàn vẹn để con được đủ đầy mến thương. Bi kịch của cuộc đời Vũ Nương, có chăng cũng là từ tình mến thương con đấy nhưng mà ra.
Nét nổi trội nhất trong vẻ đẹp của Vũ Nương có nhẽ chính là tấm lòng chung thuỷ 1 lòng với chồng. Khi chồng ở nhà, nàng khéo léo đảm đang ko để chồng phật ý, lúc chồng ra trận, nàng lại 1 lòng chăm nom mẹ già con bé. Nàng sống trong nỗi nhớ chồng, khát khao được gặp lại sức chồng của mình. Nàng luôn giữ được 2 chữ “đức hạnh” để ko có lỗi với chồng.
Chiếc bóng hiện ra mỗi đêm có nhẽ là minh chứng rõ nhất cho sự chung tình của Vũ Nương. Và đặc thù, lúc chết đi, nàng quay quay về gặp chồng lần nữa, 1 mặt là khẳng định tấm lòng chung tình, 1 mặt vẫn còn quyến luyến tình xưa nghĩa cũ. Tấm lòng chung tình của Vũ Nương, ko người nào có thể phủ nhận. Đấy chính là vẻ đẹp điển hình nhất cho người nữ giới Việt Nam, dù chịu bất công mà 1 lòng chung tình.
Tiếng nói nhân đạo của Nguyễn Dữ, ta còn gặp ở sự đồng cảm với khát vọng hạnh phúc của con người. Cuộc đời Vũ Nương luôn là những chuỗi ngày bị cưỡng ép, kì vọng. Nàng luôn khao khát về 1 mái ấm gia đình có đủ đầy tình mến thương mà ko thành hiện thực. Nguyễn Dữ để nàng sống hạnh phúc ở 1 toàn cầu khác, ko còn khổ cực hờn ghen tuông, chính là để hiện thực hóa ước mong hạnh phúc của con người.
“Chuyện người con gái Nam Xương”, với những trị giá hiện thực và nhân đạo của mình, đã thực thụ chạm được tới phần sâu kín nhất của trái tim con người. Đấy là nỗi lòng của chính Nguyễn Dữ, là cặp mắt nhìn đời tinh nhanh sắc sảo và tấm lòng nồng ấm mến thương. Tác phẩm đã cho ta thấy được cái tâm và cái tài của 1 nghệ sĩ mập, đấy mới là nghệ thuật chân chính ma muôn thuở con người đeo đuổi.
Thời gian vẫn sẽ tuần hoàn theo quy luật của nó, mà ta sẽ vẫn còn nhớ về tác phẩm để hoài niệm về dĩ vãng xa rời, để chua xót, để mến thương!
Phân tích Chuyện người con gái Nam Xương - mẫu 13
Nguyễn Dữ, 1 học sinh giỏi của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Thành tài, đỗ đạt, ông ra làm quan. 1 5 sau, vì chán cảnh triều đình thối nát, ông đã lấy cớ phải nuôi mẹ già nhưng mà xin từ quan. Trong những ngày sống “cảnh điền viên vui tuế nguyệt”, ông viết “Truyền kỳ mạn lục”, 1 tác phẩm văn xuôi trước hết của văn chương cổ Việt Nam gồm những truyện có những cụ thể li kì. Phần mập truyền tụng phẩm giá cao đẹp của người nữ giới Việt Nam phải sống trong khuôn mẫu “tam tòng, tứ đức” của đạo đức phong kiến, nhưng mà “Chuyện người con gái Nam Xương” là 1.
Truyện kể lại Vũ Thị Thiết vâng lời bác mẹ làm vợ Trương Sinh, 1 người kém học, quốc gia gặp cảnh binh lửa nên Trương Sinh phải ra trận. 1 tuần sau, Vũ Nương sinh con đầu lòng. 1 mình chị chăm lo mẹ chồng, lo tang ma lúc mẹ chồng chết, nuôi dạy con và lo công tác đồng áng.
Giặc tan, Trương Sinh về, nghe lời con nhưng mà nghi ngại lòng chung thuỷ của vợ. Vũ Nương ko giải oan được nên đành trẫm mình xuống sông. Nàng được hoàng hậu ở động Rùa tương trợ. Sau đấy, nàng gặp Phan Lang, người láng giềng đã cứu hoàng hậu ở động Rùa. Phan Lang về kể lại cho Trương Sinh nghe. Trương Sinh cải hối lập đàn cầu xin theo lời của nàng. Nàng hiện lên gặp chồng con mà lại trở lại sống ở động Rùa vì 2 người hầu 2 toàn cầu dị biệt.
Cũng như truyện cổ, những kho truyện của Trung Hoa có tác động nhiều tới nhà Nho đương thời (thế kỉ XVI). “Thiếu phụ Nam Xương” cũng có 2 tuyến đối tượng, có những tình cảnh tiêu biểu, có người giàu kẻ nghèo ở trong xã hội đang thời binh đao, nhiễu nhương. Nhưng dù sống trong tình cảnh nào thì người tốt vẫn chẳng hề chỉnh sửa thực chất của mình, nhưng mà Vũ Thị Thiết là đối tượng điển hình.
Vũ Nương nhà nghèo mà “tư dung tốt đẹp”, “thuỳ mị, nết na”. Thời phong kiến, con gái “tại gia tòng phụ” để có “công, dung, ngôn, hạnh”, Vũ Nương được như thế chứng tỏ nàng có nhan sắc (dung) trời cho mà “thuỳ mị, nết na” thì ắt là do sự giáo dục của gia đình.
Nàng nghèo mà ko mất nền nếp gia phong. Trái lại “Trương Sinh tuy con nhà hào phú mà ko có học”. 1 loạt các đối tượng tốt xuất thân từ những tình cảnh sống không giống nhau như mẹ chồng, người hàng xóm Phan Lang, hoàng hậu động Rùa Linh Phi … đủ chứng tỏ giàu nghèo tuy có tác động tới vẻ ngoài sống mà khó chỉnh sửa được thực chất của họ.
“Nam Xương tử nữ truyện” ko chỉ giới thiệu những đối tượng tốt, xấu đấy nhưng mà còn phê chuẩn họ Nguyễn Dữ muốn đề cao sự chung thuỷ và lòng bao dong luôn được đối tượng này trình bày trong từng lời đề cập từng sự việc. Vâng lời bác mẹ chịu lấy Trương Sinh làm chồng, nàng đã sớm muộn như 1 làm người con hiếu hạnh. Không chỉ hiếu hạnh với bác mẹ ruột. Vũ Nương còn hiếu hạnh với mẹ chồng.
Nàng 1 mình đã toan lo đỡ đần mẹ chồng khi ốm đau, rồi mẹ chồng chết lại lo mai táng. Người nữ giới có con mọn như nàng nhưng mà vẫn kiêm toàn những công tác vất vả đấy thay chồng nhưng mà ko tiếng kêu than thì quả thực là hiếm có. Mẹ chết, 1 mình ở vậy nuôi con chờ ngày chồng trở về thì bảo nàng ko chung thuỷ sao cho được?! Chồng với vợ như bóng với hình, nàng đã mượn chiếc bóng của mình để xoa dịu con, muốn đứa con nhỏ tuổi luôn nghĩ rằng mình cũng là đứa trẻ có cha.
Khi bị Trương Sinh nghi ngại, nàng đã bao lần hỏi rõ dù bị dằn vặt, chửi mắng, đánh đập. Nàng đã từng hàn huyên với chồng: “Thiếp vốn con nhà khó, được nương tựa nhà giàu … Đâu có hư thân như lời chàng nói. Khi nhận thấy chẳng thể nào xoá tan được mối nghi ngại điếm nhục, hạ thấp phẩm chất 1 cách oan khúc, nàng đã quyết định tự trẫm mình, mượn dòng nước trong để rửa sạch những oan khiên.
Xét cho cùng, cương quyết bảo toàn danh dự của con người cũng là lòng chung thuỷ sắt son! Lại nữa lúc gặp được Phan Lang, người láng giềng tốt bụng ở động Rùa, Vũ Nương vẫn ko quên chồng lúc nàng hàn huyên cùng Phan Lang và nhờ Phan Lang về nói lại với Trương Sinh đề nghị của nàng, điều đấy vừa trình bày sự chung thuỷ, vừa tỏ ra bao dong đối với Trương Sinh.
Cả tới Phan Lang, hoàng hậu Linh Phi cũng đều là những người có lòng bao dong, chung thuỷ. Chỉ riêng có Trương Sinh là có lòng ích kỉ, hẹp hòi, tối dạ vì thuở bé ko lo chuyện sách đèn. Chỉ cần nghĩ tới công huân của vợ khi chàng đang ở ngoài chiến trận, chỉ cần sống gần gụi với hàng xóm, chỉ cần có lòng tin vào lòng chung thuỷ của vợ thì nghi vấn khởi hành từ lời nói của con trẻ “Trước đây, thường có 1 người con trai, đêm nào cũng…” đã được thổ lộ để rồi vợ chồng lại sống trong cảnh ấm cúng, thương mến.
1 nội dung khác thật rõ ràng trong chuyện là oán rành mạch. Vũ Nương là người nữ giới, có nhẽ mang đặc tính đấy trong cuộc sống. Vì lẽ đấy, lúc nàng ko còn đủ nhẫn nại kì vọng chồng bộc lộ đấy thì nàng tự bộc lộ. Cái chết của nàng hàm chứa ý nghĩa đấy, khiến cho Trương Sinh phải nhìn thấy ân nghĩa nàng đã đem lại cho chàng và nỗi oan khiên nhưng mà nàng phải chịu.
Trường hợp giữa hoàng hậu Linh Phi và Phan Lang cũng vậy. Hoàng hậu đã được Phan Lang cứu nên lúc Phan Lang gặp nạn lúc lên thuyền ra biển tránh sự truy đuổi của quân giặc thì đã được Linh Phi hết dạ cứu chữa, lại thếp tiệc đãi, tặng thêm ngà ngọc … trước lúc tiễn chân chàng trở về làng quê.
Như thế, ngay truyện ngắn thuộc văn viết, dù là chữ Hán trong buổi nguyên sơ cũng đang mang tình cảnh tiêu biểu, con người tiêu biểu của đời thường vào tác phẩm; cũng có đầy đủ người giàu, kẻ nghèo, hỉ – nộ – ái – ố với chấm dứt có hậu ở nội dung là ở hiền gặp lành.
Truyện có rất nhiều cụ thể mà được kết hợp bởi quan hệ nhân quả nên có kết cấu khá chặt chẽ. Khởi đầu truyện, Nguyễn Dữ đã khôn khéo giới thiệu Vũ Thị Thiết và Trương Sinh, 2 đối tượng chính có tình cảnh, tính cách trái ngược nhau để làm cơ sở cho việc khai thác đối tượng sau này. Tâm tính, tình cảnh sống trái ngược nhau mà lại nên vợ nên chồng chỉ vì vâng lời bác mẹ. Quan hệ nhân quả trình bày từ đầu.
Từ đấy, quan hệ nhân quả của 2 đối tượng diễn ra 1 cách thiên nhiên, cân đối. Vì nước có loạn loạn lạc nên chàng mới ra trận. Vì chàng vào nơi gió cát nên nàng phải nặng gánh nước nhà nhà chồng. Vì con thơ đề cập cha nên mẹ đã mượn cái bóng của mình thay thế; cho con đỡ hổ hang với bè bạn. Vì nghe lời trẻ nhỏ nên Trương Sinh mới nghi ngại vợ … Chuỗi nguyên cớ và kết quả đầy kịch tính đấy đã dần tới cực điểm là Vũ Nương quyết định trầm mình. Nếu chuyện chấm dứt ở đây thì quả là ai oán, ko có hậu.
Có nhẽ thành ra nhưng mà những cụ thể thần kỳ được thêm vào. Đó là Phan Lang nằm mộng thấy con rùa xanh kêu cứu. Rồi Phan Lang nhớ lại và thả rùa để rồi sau đấy là được rùa cứu mạng trả ân và gặp Vũ Nương ở động Rùa. Những cụ thể thần kỳ đấy ở vào thời buổi nhưng mà vua quan, thần dân đều tin vào sự hiện hữu của Trời, Thần, Quỷ, Ma… giống như trong những truyện cổ thì cũng là điều ko mấy kinh ngạc.
Có những cụ thể đấy, Vũ Nương mới gặp được chồng để giải mối oan khiên, điếm nhục nhất của đời làm vợ. Và dù có mặt trên thị trường sau ”Hịch tướng sĩ” của Trần Quốc Tuấn 3 thế kỷ, “Nam Xương tử nữ truyện” vẫn còn những câu văn biền ngẫu cổ kính.
Dù có những giảm thiểu đấy mà truyện Người con gái Nam Xương chẳng những có trị giá đạo lý, lịch sử (phản ảnh sự rối ren của xã hội phong kiến) nhưng mà cũng có trị giá nghệ thuật xây dựng truyện.
Cho đến nay, “Người con gái Nam Xương” vẫn còn hấp dẫn người đọc. Giữa xã hội nam nữ bình quyền thì nó là cột mốc để so sánh vai trò của người nữ giới trong văn chương xưa và nay. Giữa xã hội suy đồi về đạo đức, nhất là với đàn bà thì nội dung truyện là 1 bài học đạo đức truyền thống tốt.
Phân tích Chuyện người con gái Nam Xương - mẫu 14
Theo mọi thứ theo thời kì sẽ bị bào mòn và băng hoại. Chỉ có độc nhất vô nhị nghệ thuật, mình nó không chấp nhận cái chết. Có những tác phẩm dù trải qua bao lăm thế kỉ, qua sự thử thách của dòng đời, nó vẫn còn nguyên nhựa sống của mình. “Chuyện người con gái Nam Xương” là 1 câu chuyện như thế.
“Chuyện người con gái Nam Xương” là 1 trong số 20 truyện trích trong “Truyền kì mạn lục”, áng văn được thiên hạ bình chọn là “thiên cổ kì bút”- cây bút thần kì truyền đến nghìn đời. Truyện được viết từ tình tiết cổ tích “Vợ chàng Trương”, mà với ngòi bút tài năng của mình, Nguyễn Dữ đã sáng hình thành “Chuyện người con gái Nam Xương” rất riêng, giàu trị giá và ý nghĩa. Qua câu chuyện về cuộc đời và cái chết thương tâm của Vũ Nương, tác phẩm đã trình bày trị giá hiện thực và cảm hứng nhân đạo thâm thúy.
Trước hết. “Chuyện người con gái Nam Xương” là bản án sắt đá cáo giác xã hội phong kiến nam quyền, bất công bấy giờ qua số mệnh thảm kịch của Vũ Nương cũng như sự độc đoán của đối tượng Trương Sinh. Ngay lúc khởi đầu, Vũ Nương đã phải chịu 1 tơ duyên éo le. Nàng- người con gái thùy mị, nết na, tư dung tốt đẹp lại phải lấy Trương Sinh- 1 kẻ thất học, rất đa nghi, với vợ thường phòng đề phòng quá sức. Cuộc tơ duyên đấy đã chứa đựng mầm mống của của tranh chấp.
Lấy chồng chưa được bao lâu, Vũ Nương lại phải sống trong cảnh kì vọng nặng nhọc. Vợ chồng phải chia lìa vì “động việc lửa binh”. Cảnh nàng tiễn chồng đi lính thật ái ngại, xót xa: nàng rót chén rượu đầy nhưng mà ứa 2 hàng lệ. Rồi lúc chồng đi lính, nàng phải sống vò võ 1 mình trông ngóng tin chồng. Nàng thay chồng toan lo phụ trách công tác gia đình: nuôi dạy con bé, chăm nom, phụng dưỡng mẹ già khi ốm đau, hậu sự tế lễ tỷ mỉ lúc mẹ chồng mất. Ái ngại thay cho nàng, sau lúc mẹ chồng mất, trong căn nhà trống trải độc thân, chỉ có người vợ trẻ và đứa con ấu thơ.
Hơn nữa, người nữ giới đấy còn phải chịu nỗi oan và cái chết thương tâm. Chỉ vì 1 lời nói của đứa con bé nhưng mà Trương Sinh đã đinh ninh vợ mình hư hỏng, 1 mực nhiếc mắng, đánh đuổi nàng đi. Hỏi nguyên do thì Trương Sinh giấu, nàng hết lời giải oan mà chồng ko nghe, bà con thôn ấp biện minh cho nàng cũng chẳng ích gì. Nàng bị chồng đẩy vào thảm kịch: “người vợ mất nết hư thân”, dồn đẩy nàng phải tìm tới cái chết để giải oan. Nhưng chỉ trong 1 thời kì ngắn sau, Trương Sinh nhìn thấy nỗi oan của vợ thì “việc đã rót qua rồi”. Người đọc chỉ biết ngùi ngùi thở dài xót thương cho người nữ giới bạc phận.
Vũ Nương còn phải chịu nỗi oan ngăn cách. Sống dưới thủy cung, cuộc sống đầy đủ, xứng đáng với nàng mà đấy không hề cuộc sống nàng mơ ước. Nàng vẫn khát khao cuộc sống gia đình, quê hương. Việc nàng trở về mà hông thể trở về nhân gian được nữa, âm dương xa cách, nàng ko còn được làm vợ, làm mẹ nữa.
Còn đối tượng Trương Sinh được xây dựng là con nhà hào phú mà thất học và rất đa nghi. Chính lòng ghen tuông tuông mù quáng, cách cư xử hàm hồ, Trương Sinh đã đẩy vợ mình tới cái chết oann nghiệt. Bi kịch của Vũ Nương điển hình cho thảm kịch của người nữ giới Việt Nam trong xã hội phong kiến: số mệnh bé nhỏ, ko có ngôn ngữ và cũng ko được quyền quyết định số mệnh cuộc đời mình.
Trương Sinh chính là thành phầm của xã hội phong kiến bất công với thói gia trưởng độc đoán, với tư tưởng trọng nam khinh nữ đã đẩy người nữ giới tới với thảm kịch. Qua đấy chính là lời cáo giác xã hội phong kiến bất công, hủ lậu với những thành kiến xã hội, với trận đấu tranh phi chính nghĩa đã làm tan tành bao gia đình, cuộc đời.
Nhưng đằng sau sự xót xa, căm uất trước cơ chế phong kiến lại là thái độ trân trọng, là tấm lòng nhân đạo của Nguyễn Dữ dành cho con người. Tác giả trình bày sự trân trọng, ca ngợi cho vẻ đẹp của người nữ giới: Vũ Nương. Vũ Nương là người con gái đẹp người đẹp nết. Ngay phần đầu giới thiệu, tác giả đã dùng những từ ca ngợi để dành riêng cho nàng. Thành ra nhưng mà Trương Sinh mới xin với mẹ đem trăm lạng vàng cưới về.
Nàng còn là người vợ chung tình. Trong cuộc sống gia đình, nàng luôn giữ giàng mực thước. Dù chồng có tính đa nghi mà gia đình chưa từng tới thất hòa. Trong buổi tiễn chồng đi lính, nàng chỉ mong chồng bình an trở về. Với nàng, mọi vinh hoa phú quý ko có nghĩa lí bằng hạnh phúc gia đình. Nàng còn thông cảm với những gieo neo hiềm nguy nhưng mà chồng phải trải qua nơi chiến trường, cùng lúc bộc bạch nỗi nhớ nhung của mình.
Khi chồng đi lính, nàng luôn hướng về chồng, nỗi buồn nhớ dài theo 5 tháng. Khi bị chồng nghi oan, nàng đã hết lời phân bua: dùng thân phận, tấm lòng. Nỗi đớn đau thất vọng lúc hạnh phúc gia đình đang nguy cơ đổ vỡ. Nàng đã tìm đủ mọi cách để cứu vãn hạnh phúc gia đình, để giải oan cho mình. Hành động nhảy xuống sông tự sát để tỏ rõ với đời người nữ giới đoan trang, giữ tiết, trinh trắng, gìn lòng.
Sống dưới thủy cung, nàng vẫn luôn hướng về gia đình, quê hương. Việc nàng trở về để được giải oan mà nàng ko trở về được nữa để giữ mãi lòng chung tình với Linh Phi- người đã nuôi nấng nàng. Hơn nữa, Vũ Nương còn là 1 người mẹ hiền, người con dâu hiếu hạnh.
Nàng đảm đang, toan lo mọi công tác gia đình lúc chồng đi vắng. Lời trăng trối của người mẹ chồng là sự ghi nhận cao nhất cho phẩm hạnh làm dâu, làm con của nàng: bà cảm ơn công huân của nàng với gia đình nhà chồng, bà cầu mong đứa con của mình sẽ được hạnh phúc: “xanh kia quyết chẳng phụ con cũng như con đã chẳng phụ mẹ”.
Có thể nói, Vũ Nương là người nữ giới lí tưởng, ở nàng hiện ra cả 3 con người: người vợ chung tình, người mẹ hiền, người con dâu hiếu hạnh. Tất cả đều xuất sắc, minh bạch tới mức hoàn hảo. Trân trọng, ca ngợi vẻ đẹp của người nữ giới, vốn ko được coi trọng trong xã hội chính là trị giá nhân bản của tác phẩm. Đặc trưng, tác giả còn thông minh so với cổ tích lúc để Vũ Nương có thể trở về để giải oan.
Nó như khúc vĩ thanh trong bản nhạc để ngân lên những ước mong nghìn đời của người dân cày, rằng cuộc đời này vẫn còn công lí, người tốt dù chịu oan khúc rồi cũng sẽ được trả lại sự trong lành, cái thiện rồi cũng sẽ thắng lợi. Cũng chính thành ra nhưng mà tác phẩm vợi đi phần nào sự bi thảm, đớn đau để đánh thức trong người đọc niềm tin, sáng sủa hướng về ngày mai.
Ngoài những trị giá nội dung thâm thúy, tác phẩm còn có những thành tích nghệ thuật rực rỡ. Tất cả mọi diễn biến tính cách, số mệnh đối tượng đều quay quanh cụ thể chiếc bóng. Nó ko hiện ra ngay từ đầu mà là nhân tố để câu chuyện lên tới cao trào và cũng nó để cởi nút cho câu chuyện.
Nhờ cách bố trí cảnh huống nhưng mà câu chuyện phát triển thành bất thần, bồn chồn, căng thẳng. Cộng với đấy là nghệ thuật khắc họa đối tượng tiêu biểu, đại diện cho những đặc điểm phân khúc và số mệnh con người trong xã hội. Giọng văn cùng những hình ảnh so sánh, ẩn dụ, tuy có ước lệ những vẫn sinh động, chân thật và hài hòa.
Như vậy, “Chuyện người con gái Nam Xương” là ngôn ngữ lên án, cáo giác xã hội phong kiến bất công, phi lí. Cùng lúc lên ngôn ngữ cảm thương, ca ngợi với vẻ đẹp con người, niềm tin vào công bình và công lí xã hội. Tấm lòng đau đáu của Nguyễn Dữ nhìn vào thực tại và dành cho con người đã khởi nguồn cho ngôn ngữ nhân đạo của Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Du, … sau này.
Từ 1 chiếc bóng oan trái, tác phẩm thấm đẫm cảm hứng nhân bản, mở ra cho chúng ta biết bao lăm bài học về tình người, về cuộc sống. Đây là 1 áng “thiên cổ kì bút” đáng mày mò và suy ngẫm.
Phân tích Chuyện người con gái Nam Xương - mẫu 15
Nguyễn Dữ là 1 bộ mặt điển hình tiêu biểu cho nền văn chương trung đại Việt Nam ở thế kỉ thứ XVI. Dù rằng, sự nghiệp sáng tác văn học của Nguyễn Dữ chỉ vẻn vẹn có tập truyện “Truyền kì mạn lục” mà tập truyện lại có 1 địa điểm đặc thù, được bình chọn là “thiên cổ kì bút” (bút lạ ngàn đời), “là áng văn hay của bậc đại gia”. Đây là tập truyện viết bằng chữ Hán, khai thác các truyện cổ dân gian và các truyền thuyết lịch sử, dã sử Việt Nam.
“Chuyện người con gái Nam Xương” là thiên thứ 16, trong tổng số 20 truyện của “Truyền kì mạn lục”. Thông qua thảm kịch Vũ Nương, truyện trình bày niềm thương cảm đối với số mệnh oan trái của người nữ giới Việt Nam dưới cơ chế phong kiến, cùng lúc khẳng định vẻ đẹp truyền thống của họ. Tác phẩm là 1 áng văn lạ mắt, ghi lại sự thành công về nghệ thuật dựng truyện; khắc họa mô tả đối tượng và sự liên kết giữa tự sự với trữ tình, giữa nhân tố hiện thực và huyền ảo.
Trước hết, “Chuyện người con gái Nam Xương” đã khắc họa thành công vẻ đẹp truyền thống và số mệnh oan trái của người nữ giới đương thời. Điều này được trình bày qua nghệ thuật dựng truyện và xây dựng hình tượng đối tượng Vũ Nương. Vũ Nương là 1 người con gái đẹp người, đẹp nết, đại diện cho vẻ đẹp của người nữ giới thời gian phong kiến: “tính đã thùy mị nết na, lại thêm tư dung tốt đẹp”.
Trương Sinh vì cảm mến cái dung hạnh đấy nên đã xin mẹ trăm lạng vàng để cưới về làm vợ. Sau đấy, nhà văn tập hợp làm nổi trội vẻ đẹp tiết hạnh của nàng, bằng việc đặt Vũ Nương vào rất nhiều tình cảnh, cảnh huống và các mối quan hệ bao quanh như với chồng, với mẹ chồng và với đứa đàn ông tên là Đản, từ đấy góp phần biểu lộ toàn vẹn tính cách, phẩm hạnh của nàng.
Trước tiên là Vũ Nương trong mối quan hệ với người chồng – Trương Sinh. Nàng hiện lên là 1 người vợ nhất định chung tình, mến thương chồng thiết tha. Trong cuộc sống vợ chồng phổ biến, lúc mới lấy nhau, nàng hiểu tính chồng có thói đa nghi, thường dự phòng vợ quá mức nên Vũ Nương đã cư xử khôn khéo, đúng đắn, nhịn nhường và giữ đúng mực thước, ko bao giờ để xảy ra nỗi bất hòa trong gia đình.
Vì vậy, chúng ta có thể thấy, nàng là người nữ giới hiểu chồng, biết mình và rất tiết hạnh. Khi người chồng sẵn sàng đi lính, Vũ Nương rót chén rượu đầy và căn dặn Trương Sinh bằng những lời nói đầy tình nghĩa, đằm thắm. Nàng ko mong vinh hiển, chỉ cần chồng mang về 2 chữ “bình an”. Ở nhà, Vũ Nương thương nhớ chồng da diết. Mỗi lần thấy “bướm lượn đầy vườn, mây che kín núi” nàng lại cảm thấy “thổn thức tâm tư”, thương nhớ chồng nơi biên cửa ải xã xôi.
Tiết hạnh của nàng còn được khẳng định lúc nàng bị chồng nghi oan: “xa cách 3 5, giữ trọn 1 tiết. Tô son điểm phấn từng đã nguôi lòng, ngõ liễu tường hoa chưa hề bén gót…”. Khi Trương Sinh đi lính trở về, 1 mực một mực cho rằng nàng thất tiết, Vũ Nương đã ra công phân bua để cho chồng hiểu, nói lên thân phận của mình, nhắc đến nghĩa tình phu thê và khẳng định 1 lòng nhất định chung tình, son sắt với chồng.
Thậm chí, nàng còn cầu xin chồng “đừng nghi oan cho thiếp”. Có tức là Vũ Nương đang ra công giữ giàng, hàn gắn hạnh phúc gia đình đang có nguy cơ đổ vỡ. Điều đấy cho thấy nàng thực thụ rất trân trọng hạnh phúc gia đình nhưng mà mình đang có và càng làm nổi trội lên niềm khát khát hướng đến hạnh phúc gia đình yên ấm của người nữ giới Vũ Nương.Tiếp tới, Vũ Nương trong mối quan hệ với mẹ chồng và nhỏ Đản. Nàng hiện lên là 1 người con hiếu hạnh, 1 người mẹ hết mực tâm lí, mến thương con cái.
Chồng đi lính, ở nhà, nàng 1 mình sinh con, nuôi dạy con, vừa vào vai trò là 1 người mẹ, lại vừa vào vai trò là 1 người cha. Nàng sợ con mình thiếu thốn tình cảm của người cha nên đêm đêm thường mượn bóng mình, chỉ vào tường nhưng mà bảo là cha Đản. Nàng thay chồng làm tròn trách nhiệm, phận sự của 1 người con hiền, dâu thảo: chăm nom, thuốc men, lễ bái thần Phật, hết dạ khuyên nhủ mẹ chồng.
Tới lúc mẹ chồng mất, nàng tổ chức hậu sự tế lễ tỷ mỉ như với bác mẹ đẻ của mình vậy. Vì vậy, bà mẹ chồng đã viện cả trời xanh để chứng minh cho lòng hiếu hạnh của cô con dâu: “Xanh kia quyết chẳng phụ con cũng như con đã chẳng phụ mẹ”. Điều đấy đã cho thấy tư cách hoàn hảo và công huân mập mập của Vũ Nương đối với gia đình nhà chồng này.
Như vậy, 1 người nữ giới đẹp người, đẹp nết đảm đang, hiếu hạnh, nhất định chung tình và hết dạ vun đắp, trân trọng hạnh phúc gia đình như thế, đáng đúng ra phải thừa hưởng hạnh phúc toàn vẹn, tìm được 1 người chồng tâm lí, thông cảm và sẻ chia những nỗi toan lo cho vợ, mà thật trái ngang và nghịch lí thay, nàng lại phải chịu 1 cuộc sống gia đình xấu số và phải chết trong đớn đau, xót xa, đầy nước mắt.
Đấy là lúc Trương Sinh sau 3 5 đi lính trở về, nhỏ Đản ko chịu nhận cha, nghe lời nói của con “Trước đây, thường có 1 người con trai, đêm nào cũng tới, mẹ Đản đi cũng đi, mẹ Đản ngồi cũng ngồi, những chẳng bao giờ bế Đản cả”, Trương Sinh nhất nhất cho rằng “vợ hư”. Dù rằng Vũ Nương đã tìm cách để giảng giải lại thêm họ hàng, thôn ấp bênh vực và biện bạch cho nàng mà mối nghi ngại vợ của Trương Sinh càng ngày càng sâu, ko có gì gỡ ra được.
Cuối cùng “cái niềm vui nghi gia nghi thất” đã ko còn “bình rơi trâm gãy, mây tạnh mưa tan, sen rũ trong ao, liễu tàn trước gió”, cả nỗi đau chờ chồng tới hóa đá cũng ko còn có thể được nữa “đâu còn có thể lại lên núi Vọng Phu kia nữa”. Nàng đã trẫm mình xuống dòng nước Hoàng Giang lạnh lẽo. Đấy là hành động quyết liệt để bảo toàn danh dự, phẩm chất trong 1 nỗi đau thất vọng cơ cực, đớn đau.
Vậy đâu là nguyên cớ dẫn đến cái chết oan trái của Vũ Nương. Đấy trước nhất là do cụ thể cái bóng và những lời nói thơ ngây của nhỏ Đản. Nhưng nguyên cớ sâu sa đằng sau đấy là từ người chồng đa nghi, thô bạo. Ngay từ đầu truyện, nhà văn đã giới thiệu Trương Sinh là ” con nhà hào phú mà ko có học”, lại có tính đa nghi, đối với vợ thì hay phòng đề phòng quá mức, thiếu cả lòng tin và tình thương với người tay ấp má kề với mình.
Đấy chính là mầm mống của thảm kịch để rồi trong tình cảnh đi lính 3 5 xa nhà, xa vợ, thói ghen tuông tuông, ích kỉ của bản thân chàng nổi lên và làm thịt chết người vợ của mình. Cùng lúc, cơ chế phong kiến khắc nghiệt, nam quyền độc đoán đã dung túng cho thói gia trưởng của người con trai, cho phép người con trai có thể đối xử bạc nghĩa với người nữ giới của mình.
Và người nữ giới ko có quyền được lên tiếng, ko có quyền tự bảo vệ ngay cả lúc có “họ hàng, thôn ấp bênh vực và biện bạch cho”…Tất cả đã đẩy Vũ Nương – người nữ giới đẹp đương thời vào trục đường thảm kịch, phá tan đi những hạnh phúc gia đình của người nữ giới, dồn đẩy họ vào trục đường cùng ko lối thoát.
Cũng cần nói thêm, sự thành công của “Chuyện người con gái Nam Xương” còn được trình bày ở chỗ, Nguyễn Dữ đã khôn khéo dẫn dắt câu chuyện trên cơ sở tình tiết có sẵn, ông đã bố trí lại, tô đậm, thêm bớt khiến cho câu chuyện phát triển thành sinh động, mang tính kịch và tăng nhanh tính thảm kịch. Có thể nói, dưới ngòi bút của Nguyễn Dữ, “Chuyện người con gái Nam Xương” đã có sự thành công vượt trội so với bản kể dân gian “Vợ chàng Trường”.
Điều này được trình bày qua cụ thể chiếc bóng và lời nói của nhỏ Đản. Từ đấy, hình thành sự thắt nút và mở nút của câu chuyện, làm câu chuyện phát triển thành quyến rũ, cốt truyện hấp dẫn, chặt chẽ. Trước tiên là “thắt nút” câu chuyện: chỉ 1 câu nói thơ ngây của 1 đứa trẻ lên 3 nói với cha nhưng mà như 1 cơn bão dây chuyền, đã hình thành biết bao lăm là giống lốc cuộc đời, lật nhào hết tất cả mọi sự bình an thuở trước.
Để rồi, trong 1 chốc hot giận, thói nghi kị trong lòng người con trai độc đoán, chuyên quyền đã phá tan đi hạnh phúc ấm êm nhưng mà mình đang có; đẩy cuộc đời của người nữ giới đẹp người, đẹp nết vào cái chết thương tâm, thấm đẫm nước mắt. Và cũng thật bất thần thay, câu chuyện lại được “gỡ nút” bằng 1 câu nói thơ ấu non dại. Khi thấy cái bóng của Trương Sinh in trên vách, nhỏ Đản liền nói: “Cha Đản lại tới kia kìa!” thì bao lăm oan khúc lại được lật nhào minh bạch. Vũ Nương không có tội!.
Kế bên đấy, truyện còn thành công trong việc sử dụng nghệ thuật hội thoại, lời tự bạch của đối tượng được bố trí đúng chỗ, khiến cho câu chuyện phát triển thành sinh động, góp phần khắc họa diễn biến tâm lí và tính cách đối tượng: lời nói của bà mẹ Trương Sinh nhân đức, trải đời; lời lẽ của Vũ Nương bao giờ cũng chân tình, dịu dàng, mềm dẻo, hợp lí, có tình – lời của người nữ giới hiền thục, đoan trinh; lời của Nhỏ Đản hồn nhiên, thơ ngây, thiệt thà.
Cuối truyện, Vũ Nương hiện về nhấp nhoáng trên chiếc kiệu hoa giữa dòng, võng lọng, cờ kiệu đặc sắc đầy sông, nàng nói lời đa tạ Linh Phi và tạ từ Trương Sinh rồi mất tích. Đây là những cụ thể, hình ảnh trình bày sự thông minh của Nguyễn Dữ về mặt kết cấu truyện bằng việc sử dụng nhân tố huyền ảo, hoang đường, góp phần ngày càng tăng trị giá hiện thực và ý nghĩa nhân bản của tác phẩm, làm nên đặc biệt của thể loại truyền kì.
Giả dụ trong truyện kể dân gian, sau lúc Vũ Nương chết, Trương Sinh giác ngộ, nhìn thấy sai trái của mình thì cũng là khi truyện cổ tích khép lại, điều đấy đã để lại niềm xót xa đớn đau cho người đọc về thân phận xấu số oan khiên của người nữ giới đức hạnh, thì trong “Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ, ông đã thông minh thêm phần đuôi của truyện, góp phần làm lên những trị giá thẩm mĩ và tư tưởng mới của truyện.
Đấy là làm hoàn thiện thêm nét đẹp tính cách, phẩm giá của đối tượng và chứng tỏ được Vũ Nương trong lành. Ở toàn cầu bên kia, nàng được đối xử xứng đáng với phẩm chất của mình. Vì vậy, Nguyễn Dữ đã giải quyết được ước mong của con người về sự bất diệt, sự thắng lợi của cái thiện, cái đẹp, trình bày nỗi khao khát hạnh phúc trong 1 cuộc sống công bình, hạnh phúc cho những con người lương thiện, đặc thù là người nữ giới đương thời.
Tóm lại, “Truyền kì mạn lục” khái quát và “Chuyện người con gái Nam Xương” nói riêng của Nguyễn Dữ là 1 tác phẩm lạ mắt, ghi lại 1 bước tăng trưởng đột khởi của nền văn xuôi tự sự chữ Hán trong nền văn chương trung đại Việt Nam. Tác phẩm đã đạt được thành tích nghệ thuật nổi trội trên 3 bình diện: xây dựng cốt truyện, kết cấu; xây dựng đối tượng; sự liên kết giữa nhân tố hiện thực và nhân tố huyền ảo.
Thông qua cuộc đời và số mệnh xấu số của Vũ Nương, tác giả đã phản ảnh số mệnh bi thảm của người nữ giới phong kiến, ca ngợi những phẩm giá tốt đẹp của họ. Cùng lúc, trình bày thái độ phê phán đối với 1 xã hội phi nhân đã gây ra biết bao khổ cực cho con người. Dù rằng truyện cũng cách xa chúng ta vài thế kỉ rồi mà tính thời sự của truyện vẫn còn văng vẳng đến ngày bữa nay!
Phân tích Chuyện người con gái Nam Xương - mẫu 16
Trong kho tàng văn học Việt Nam, có biết bao tác phẩm đã nói đến số phận bất hạnh, hẩm hiu của những người phụ nữ sống trong lễ giáo phong kiến hà khắc, không có tiếng nói. Ta bắt gặp nàng Kiều trong Truyện Kiều của Nguyễn Du với cuộc đời đầy sóng gió thì đối với truyện của Nguyễn Dữ, ta gặp một Vũ Nương tài sắc vẹn toàn nhưng lại chết oan uổng.
Nguyễn Dữ quê ở Hải Dương, ông là một trong những nhà văn trung đại nổi tiếng sống ở thế kỉ XVI. Ông sống ở thời đại xã hội lúc này loạn lạc, lợi dụng triều đình nhà Lê bắt đầu rơi vào khủng hoảng, các tập đoàn phong kiến thi nhau tranh giành sự ảnh hưởng, dẫn tới các cuộc chiến tranh kéo dài. Ông là một trong những học trò xuất sắc của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Sống trong giai đoạn đất nước trải qua nhiều biến động, chế độ đương triều mục nát, nguyễn Dữ lui về sống ẩn dật chăm sóc mẹ già. Các sáng tác của ông luôn ẩn chứa những lo nghĩ cho vận mệnh đất nước, trái ngược với hình ảnh lui về ở ẩn của ông.
Tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương được trích trong tác phẩm "Truyền kì mạn lục" ra đời khoảng đầu thế kỉ XVI Truyện được viết bằng chữ Hán có cốt truyện từ "vợ chàng Trương" được Nguyễn Dữ mô phỏng và sắp xếp xen lẫn những yếu tố kì ảo.
Tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương là thể loại truyện truyền kỳ - một loại truyện có nguồn gốc từ Trung Quốc. Đặc trưng của thể loại truyện này đó là mô phỏng các tích truyện lấy từ dân gian hay dã sử, đặc biệt là sự xuất hiện của yếu tố kì ảo.
Tác phẩm xoay quanh cuộc đời của người con gái Vũ Nương. Nàng là một người xinh đẹp "tính đã thuỳ mị nết na, lại thêm tư dung tốt đẹp". Nàng mang vẻ đẹp toàn diện về hình thức và tâm hồn, đó chính là vẻ đẹp của người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Nàng được rất nhiều người để ý. chi tiết Trương Sinh đem trăm lạng vàng xin cưới càng nhấn mạnh thêm nhan sắc và nhân phẩm của nàng.
Vũ Nương có nhiều phẩm chất cao quý, nàng là một người mẹ tốt, là một nàng dâu đảm. Khi chồng lên đường ra trận, nàng một mình gồng gánh mọi việc trong gia đình. Nàng hết lòng chăm sóc, động viên mẹ chồng mau chóng khỏi bệnh. Trong xã hội phong kiến xưa, mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu chưa bao giờ là hoà hợp:
"Thật thà cũng để lái trâu
Yêu nhau cũng thể nàng dâu mẹ chồng"
Từ những lời mẹ chồng trăng trối trước lúc ra đi đã thể hiện lòng hiếu thảo, sự quan tâm chăm sóc mẹ chồng của Vũ Nương, nàng đã xoá tan đi cái định kiến mẹ chồng nàng dâu từ bao đời nay. Những lời cảm tạ của mẹ chồng cho thấy tấm lòng yêu thương của bà đối với Vũ Nương, coi Vũ Nương như con gái. Khi mẹ mất, nàng lo toan ma chay cho mẹ chồng chu đáo như với bố mẹ ruột của mình.
Không chỉ là nàng dâu thảo, Vũ Nương còn là một người vợ thuỷ chung. Từ lúc cưới nhau, nàng đã biết tính chồng mình hay ghen, nên nàng luôn giữ gìn khuôn phép, không để vợ chồng phải to tiếng. Nhờ sự vụ vén của Vũ Nương mà gia đình nàng luôn được sống trong cảnh đầm ấm, hạnh phúc.
Ngày tiễn chồng ra trận, nàng không mong chồng giàu sang phú quý, nàng chỉ mong chồng lành lặn trở về "chỉ xin ngày về mang theo được hai chữ bình yên". Quãng thời gian dài xa chồng, nàng chu toàn mọi việc, chăm sóc con cái, giữ tấm lòng son sắt chờ chồng. Ngay cả khi chồng về và có sự nghi ngờ, nàng vẫn dành những lời lẽ thiết tha dịu dàng mong chồng hiểu cho tấm lòng của mình.
Khi bị chồng nghi oan, mắng nhiếc, đánh đuổi, không cho cơ hội giải thích, nàng đau khổ, cố gắng thanh minh không một lời oán trách. Nàng chỉ còn biết tìm tới cái chết để chứng minh cho sự trong sạch của mình. Trong quan niệm lễ giáo phong kiến xưa, đàn bà có chồng mà không chung thuỷ, được coi như là một tội đáng trách. Những cô gái xinh đẹp như Vũ Nương khó thoát khỏi kiếp "hồng nhan bạc mệnh".
Khi được Linh Phi ra tay cứu giúp, được sống một cuộc sống an nhàn, nàng vẫn không nguôi nhớ về chồng con, về quê nhà. Việc gặp Phan Lang dưới thuỷ cung và gửi vật làm tin về cho thấy nàng đã sẵn sàng tha thứ cho người chồng của mình.
Hình ảnh Vũ Nương xuất hiện ở bến sông Hoàng Giang, không một lời trách móc mà nhẹ nhàng "đa tạ tình chàng. Thiếp chẳng thể trở về nhân gian được nữa". Ta không chỉ thấy Vũ Nương là một người phụ nữ đức hạnh mà còn là một con người có tấm lòng vị tha, nhân hậu.
Mang trong mình những phẩm chất tốt đẹp, nhưng cuộc đời nàng đầy oan nghiệt. Ngay từ lúc bắt đầu cuộc hôn nhân của nàng đã khôn có sự môn đăng hộ đối giữa hai gia đình, nàng là một người công dung ngôn hạnh nhưng chồng nàng thì ngược lại, ít học, hay ghen. Lấy chồng chẳng được bao lâu, chồng đi chinh chiến, một mình vò võ nuôi con. Cứ ngỡ khi chồng trở về sẽ được sống trong hạnh phúc, nhưng bi kịch lại ập tới số phận nàng. Dù sống trong nhung lụa nhưng nỗi nhớ chồng con khôn nguôi. Vũ Nương là hình ảnh tiêu biểu cho những người phụ nữ có số phận bất hạnh, sống trong xã hội phong kiến bất công.
Đẩy nàng tới cái chết trực tiếp lại chính là người chồng Trương Sinh của nàng. Vì tính đa nghi, ít học, hay ghen đã khiến Trương Sinh mờ mắt. Khi hiểu ra mọi chuyện đã quá muộn, Trương Sinh đành ôm nỗi ân hận suốt đời. Hình ảnh Trương Sinh đại diện cho những người đàn ông vũ phu, gia trưởng đẩy người phụ nữ vào bi kịch mất mạng.
Đặc sắc nhất ở tác phẩm chính là tình huống truyện độc đáo, đẩy câu chuyện lên cao trào. Cái bóng chính là sự hiểu lầm dẫn tới cái chết oan của Vũ Nương, nhưng cũng chính cái bóng đã giải oan cho nàng. Nghệ thuật xây dựng nhân vật là một điểm nhấn, bút pháp miêu tả nội tâm phong phú, mạch truyện đặc sắc, hợp lý.
Thông qua tác phẩm, ta cảm nhận được số phận bất hạnh của Vũ Nương đồng thời phản ánh bi kịch của người phụ nữ sống trong xã hội phong kiến mục nát.
Phân tích Chuyện người con gái Nam Xương - mẫu 17
Một trong những áng văn được coi là "thiên cổ kì bút" vừa đặc sắc về nội dung vừa độc đáo về nghệ thuật trong văn học trung đại Việt Nam phải kể đến Chuyện người con gái Nam Xương (trích Truyền kì mạn lục) của nhà văn Nguyễn Dữ. Khi đọc tác phẩm này, có ý kiến cho rằng: Tuy có nhiều yếu tố hoang đường, kì ảo nhưng tác phẩm vẫn có giá trị tố cáo và chứa chan tinh thần nhân đạo sâu sắc.
Tác phẩm Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ là tổng hợp tất cả những câu chuyện kì lạ trong thế gian đương thời với nội dung phản ánh tình hình xã hội lúc bấy giờ với những rối ren, nhiễu nhương của chế độ quan quyền khiến cho đời sống nhân dân khổ cực, điêu đứng. Bằng cách sử dụng những cốt truyện có sẵn trong dân gian và sự sáng tạo độc đáo, mới mẻ của mình, Nguyễn Dữ đã sáng tác những câu chuyện không chỉ hấp dẫn bởi nội dung mà còn thu hút bởi yếu tố hoang đường, kì ảo. Truyện ngắn Chuyện người con gái Nam Xương là một trong số câu chuyện nằm trong tập Truyền kì mạn lục, bởi vậy nó là áng văn cổ chứa những nét hoang đường, kì ảo đặc sắc.
Yếu tố hoang đường, kì ảo là những yếu tố không có thật, hư cấu và hoàn toàn do tác giả tưởng tượng nhằm giúp cho câu chuyện thêm thú vị, hấp dẫn, mang màu sắc mới lạ cho việc thể hiện nội dung tư tưởng tác phẩm. Trong phần sau của Chuyện người con gái Nam Xương, khi viết về cuộc sống của Vũ Nương ở thủy cung sau khi quyên sinh dưới dòng Hoàng Giang và sự trở lại dương gian của nàng, tác giả Nguyễn Dữ đã hoàn toàn sáng tạo ra những chi tiết kì ảo nhằm tạo nên giá trị thẩm mĩ đầy mới mẻ cho truyện kể.
Những chi tiết Phan Lang - người cùng làng với Vũ Nương nằm mộng thả rùa, khi bị chết đuối, được cứu, được Linh Phi đãi yến tiệc, tại thủy cung chàng gặp được Vũ Nương, được nghe câu chuyện đầy oan khuất của nàng; nàng được sứ giả của Linh Phi rẽ nước đưa về dương gian và hiện về khi Trương Sinh lập đàn giải oan; đặc biệt cảnh Vũ Nương trở về dương thế: "Vũ Nương ngồi trên một chiếc kiệu hoa đứng ở giữa dòng, theo sau có đến năm mươi chiếc xe cờ tán, võng lọng, rực rỡ đầy sông lúc ẩn lúc hiện" đều là những yếu tố kì ảo, tưởng tượng mang màu sắc cổ tích vô cùng đặc sắc. Nếu như kết thúc câu chuyện chỉ dừng lại ở việc Vũ Nương trẫm mình xuống dòng sông, Trương Sinh hối hận đã quá muộn, thì truyện sẽ không còn hấp dẫn.
Việc sáng tạo thêm yếu tố cổ tích không chỉ thể hiện tài năng, trí tưởng tượng phong phú của tác giả mà còn mang giá trị nhân văn, nhân đạo sâu sắc. Lời nói của Vũ Nương khi tạ từ chồng: "Thiếp cảm ơn đức của Linh Phi, đã thề sống chết cũng không bỏ. Đa tạ tình chàng, thiếp chẳng thể trở về nhân gian được nữa" và khung cảnh sau khi nàng đi "bóng nàng loang loáng mờ nhạt dần mà biến đi mất" đã cho thấy Nguyễn Dữ vô cùng trân trọng tài sắc, vẻ đẹp phẩm hạnh của người phụ nữ này. Vũ Nương khi sống có phẩm chất tốt đẹp và khi mất đi, lúc trở về cũng hiện diện vô cùng đẹp đẽ, điều này chứng tỏ tấm lòng của nàng luôn trinh bạch, trong sạch và dù có ở thế giới nào đi chăng nữa, nàng vẫn giữ được những giá trị cao đẹp nhất của mình. Nhưng tác giả cũng thể hiện nỗi đau xót, niềm thương cảm sâu sắc đối với nhân vật khi những yếu tố kì ảo mang lại màu sắc mới mẻ, cổ tích cho màn trở về của Vũ Nương chỉ xuất hiện trong khoảnh khắc vô cùng ngắn ngủi và hiện thực vẫn mãi là hiện thực, giờ đây âm dương đã cách biệt, hạnh phúc mà bấy lâu nay nàng trân trọng giữ gìn và khao khát cũng theo làn sương khói đó bay đi.
Trong lời nói của Vũ Nương, nàng không trở về là do cảm tạ tấm lòng của Linh Phi nhưng thực chất, lí do quan trọng nhất là xã hội đó đâu có xứng đáng để nàng quay lại, xã hội cường quyền đầy những hủ tục phong kiến đã khiến cho những người phụ nữ tài sắc vẹn toàn như Vũ Nương phải chịu nỗi bất hạnh, ai oán. Nàng mơ ước một cuộc sống hạnh phúc nơi trần thế nhưng không được, đành phải gửi bóng mình chốn thủy cung. Nỗi oan của nàng chỉ theo sương khói bay đi trong sự tưởng tượng, chứ nỗi oan trái của người phụ nữ ở xã hội hiện thực với những hủ tục không thể nào giải hết được, cho dù người chồng có lập đàn giải oan, có hối hận nhưng đã quá muộn màng. Lời từ biệt của Vũ Nương hay cũng chính là lời tố cáo đầy đanh thép của tác giả trước chế độ nam quyền đầy bất công, vô lí của xã hội phong kiến lúc bấy giờ.
Phân tích Chuyện người con gái Nam Xương - mẫu 18
Truyền kỳ mạn lục là một tác phẩm có giá trị của văn học cổ nước ta ở thế kỷ XVI, một tập truyện văn xuôi bằng chữ Hán đầu tiên ở Việt Nam. Truyện “Chuyện người con gái Nam Xương” là một truyện hay trong tác phẩm đó được trích trong Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ.
Truyện kể về một người phụ nữ tên là Vũ Thị Thiết ở huyện Nam Xương, tỉnh Hà Nam. Vốn là một người vợ đoan chính, đảm đang. Nàng giữ lòng chung thuỷ, hầu hạ mẹ chồng, chăm sóc con thơ trong suốt thời gian chồng đi lính ở phương xa. Khi trở về vì nghe lời ngây thơ của con trẻ, người chồng nghi ngờ nàng thất tiết nên đánh mắng đuổi đi.
Không thể phân giải được oan tình, nàng trẫm mình ở sông Hoàng Giang. Cảm động vì lòng trung thực của nàng, Linh Phi (vợ vua biển) cứu vớt nàng và cho ở lại Long Cung. Người chồng biết vợ bị oan nên rất hối hận, lập đàn giải oan cho nàng. Vũ Nương hiện lên, ẩn hiện trong chốc lát rồi trở lại Long Cung.
Chuyện ca ngợi một người phụ nữ có phẩm chất, có tâm hồn trong sáng, sáng ngời như ngọc lại bị nỗi oan tày trời vì một chuyện ghen tuông vớ vẩn của người chồng nông nổi. Cuối cùng nàng phải tìm đến cái chết để giải nỗi oan tình.
Tác giả đặt nhân vật Vũ Nương vào những hoàn cảnh khác nhau, qua đó bộc lộ những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ. Vũ Nương vốn là người con gái có tư dung tốt đẹp, tính tình thùy mị, nết na. Khi lấy chồng, nàng luôn giữ gìn khuôn phép, không để vợ chồng phải thất hòa dù Trương Sinh vốn có tính hay ghen. Khi chồng đi lính, Vũ Nương rót chén rượu đầy tiễn chồng. Lời của nàng thật xúc động, nói về niềm yêu thương, mong nhớ của mình đối với người chồng sẽ đi xa, rồi bày tỏ nỗi lo lắng trước những gian lao nguy hiểm mà người chồng sẽ trải qua, niềm mong ước được đoàn tụ … làm mọi người trong tiệc đều ứa hai hàng lệ.
Chồng đi đánh giặc ngoài biên ải, nàng một lòng son sắt, thủy chung, “cách biệt ba năm, giữ gìn một tiết”, mong đợi chồng về trong cô đơn mòn mỏi “mỗi khi thấy bướm lượn đầy vườn, mây che kín núi, thì nỗi buồn góc bể, chân trời không thể nào ngăn được”. Hơn nữa, nàng là một người con dâu hiếu kính, tận tụy chăm sóc khi mẹ chồng còn sống, chôn cất mẹ chồng khi mẹ qua đời (lo liệu như đối với mẹ đẻ mình).
Rồi đằng đẵng thời gian trôi qua, chồng ra lính trở về, cùng là lúc nàng bị nghi oan. Vũ Nương đã phân trần để chồng hiểu rõ tấm lòng mình: “Thiếp vốn con kẻ khó … mong chàng đừng một mực nghi oan cho thiếp”. Nàng đã nói đến thân phận mình, tình nghĩa vợ chồng và khẳng định lòng chung thuỷ, hết lòng tìm cách hàn gắn hạnh phúc gia đình đang có nguy cơ bị tan vỡ. Dù họ hàng, làng xóm có bênh vực và biện bạch, Trương Sinh vẫn không tin.
Bất đắc dĩ Vũ Nương thống thiết: “Thiếp sỡ dĩ nương tựa vào chàng … đâu có thể lên núi vọng phu kia nữa!”. Đó là hạnh phúc gia đình, niềm khao khát của cả đời nàng giờ đây tan vỡ. Tình yêu không còn, cả nỗi đau khổ chờ chồng giờ đây hoá đá….
Tuyệt vọng vì phải gành chịu nỗi oan khuất tày trời không phương giãi bày, cứu chữa nàng đành mượn cái chết để chứng tỏ tiết hạnh trong sáng của mình. lời khấn nguyện với thần linh vô cùng thảm thiết: “Thiếp nếu đoan trang giữ tiết, trinh bạch gìn lòng, vào nước xin làm ngọc Mị Nương, xuống đất xin làm cỏ Nga Mĩ.
Nhược bằng lòng chim, dạ cá, lừa dối chồng con, được xin làm mồi cho cá tôm, trên xin làm cơm cho diều quạ và xin chịu khắp mọi người phỉ nhổ …” lời khấn nguyện đã làm cho người đọc xót xa – con người rơi cảnh ngộ bế tắc, không thể tiếp tục sống để tự giải oan tình mà phải tìm đến cái chết để thần linh chứng dám.
Sau một năm ở thủy cung, khi nghe kể chuyện nhà, nàng đã ứa nước mắt khóc, nghĩ đến câu “ngựa Hồ gầm giá Bắc, chim Việt đậu cành Nam” rồi hiện về trên dòng nước cho thỏa lòng nhớ chồng, con. Qua những hoàn cảnh khác nhau của vũ Nương, với những lời tự thoại của nàng, truyện đã khẳng định những nét đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam – một người phụ nữ đẹp người, lại nết na, hiền thục, đảm đang, tháo vát, rất mực hiếu kính với mẹ chồng, giữ vẹn lòng chung thuỷ sắt son với chồng, hết lòng vun đắp hạnh phúc gia đình, …. lẽ ra phải được hạnh phúc trọn vẹn thế mà phải chết một cách oan uổng, đau đớn.
Cái chết của Vũ Nương có nhiều nguyên nhân sâu xa, bắt nguồn từ hiện thực nghiệt ngã của lễ giáo phong kiến của xã hội cũ, với chế độ “nam quyền”, coi rẻ thân phận của người phụ nữ, rồi tính đa nghi, ghen tuông của chồng, thói hung bạo, gia trưởng của chồng đã làm khổ đau bao cuộc đời những người phụ nữ.
Cuộc hôn nhân giữa Vũ Nương và Trương Sinh có phần không bình đẳng (thiếp vốn con nhà khó, được nương tựa nhà giàu). Xã hội phong kiến lại coi trọng "nam quyền", hơn nữa Trương Sinh lại có tính đa nghi, đối với vợ thì phòng ngừa quá mức. Những chi tiết này chuẩn bị cho những hành động độc đoán của Trương Sinh sau này.
Khi đánh giặc trở về, Trương Sinh cũng mang một tâm trạng nặng nề: mẹ qua đời, con vừa học nói, lòng buồn bã. Trong hoàn cảnh như thế, lời của Bé Đản dễ kích động tính hay ghen của Trương Sinh: "trước đây, thường có một người đàn ông đêm nào cũng đến..."
Điều đáng trách là thái độ và hành động độc đoán của Trương Sinh khi ấy. Không đủ bình tĩnh để tìm hiểu vấn đề, chàng bỏ ngoài tai những lời phân trần của vợ, những lời bênh vực của họ hàng, làng xóm, không chịu nói ra duyên cớ ghen hờn. Cuối cùng, Sinh lại mắng nhiếc nàng và đánh đuổi nàng đi. Thái độ và hành động của Trương Sinh vô hình dung dẫn đến cái chết oan nghiệt của Vũ Nương.
Hành động gieo mình xuống sông Hoàng Giang của Vũ Nương phản ánh một thực trạng về thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Họ bị buộc chặt trong khuôn khổ khắt khe của lễ giáo, bị đối xử bất công, bị áp bức và chịu nhiều khổ đau, bất hạnh. Đó cũng chính là giá trị tố cáo hiện thực của tác phẩm.
Đằng sau nỗi oan của người thiếu phụ Nam Xương, còn bao nhiêu oan tình bất hạnh mà người phụ nữ ngày xưa phải gánh chịu: Nàng Kiều trong "Truyện Kiều'' của Nguyễn Du, người cung nữ trong "cung oán ngâm khúc" của Nguyễn Gia Thiều, người phụ nữ lỡ duyên tình trong thơ Hồ Xuân Hương,...
Phải nhận thấy rõ rằng với truyện ngắn đầu tiên viết bằng chữ Hán, Nguyễn Dữ đã có những mặt thành công trong nghệ thuật xây dựng truyện, xây dựng những đoạn đối thoại. Cách kể chuyện hấp dẫn, xây dựng tình tiết, thắt nút và gỡ nút thật bất ngờ, đầy kịch tính, càng làm cho nỗi oan tình của nhân vật hiện ra với tất cả nét thảm khốc.
"Thắt nút" truyện bằng yếu tố bất ngờ. Một câu nói ngây thơ nghe như thật của trẻ thơ mà gây bão tố dây chuyền trong cuộc đời. Bão tố nghi kị trong một đầu óc nam quyền độc đoán, thiếu trí tuệ; bão tố bất hoà dữ dội phá tan hạnh phúc của một gia đình êm ấm. Bão tố oan khiến phá nát cuộc đời của một người con gái trong trắng, phải kết thúc bi thảm trên một dòng sông.
"Gỡ nút" cũng bất ngờ bằng một câu nói trẻ thơ non dại (khi chỉ cái bóng của chàng Trương trên vách: "cha Đản lại đến kia kìa") thì bao nhiêu oan gây thảm kịch trong phút chốc bỗng được sáng tỏ. Truyện có những đoạn đối thoại và những lời tâm tình của nhân vật được sắp xếp đúng chỗ, làm cho câu chuyện trở nên sinh động, góp phần khắc họa diễn biến tâm lí và tính cách nhân vật; lời nói của bà mẹ Trương Sinh nhân hậu, từng trải; lời lẽ của Vũ Nương bao giờ cũng chân thành, dịu dàng, mềm mỏng, có lí, có tình – lời của người phụ nữ hiền thục, đoan chính; lời của Bé Đản hồn nhiên, ngây thơ, thật thà.
Chuyện đáng lẽ có thể kết thúc ở đoạn "gỡ nút" truyện, chàng Trương Sinh tỉnh ngộ, thấu hiểu nỗi oan của Vũ Nương nhưng Nguyễn Dữ đã thêm phần Vũ Nương trở về dương thế, gặp chồng trong thoáng chốc. So với truyện cổ tích "Vợ chàng Trương", Nguyễn Dữ đã tái tạo truyền kì từ cổ tích để nâng truyện lên những giá trị tư tưởng và thẩm mĩ mới.
Điều đó, làm tăng thêm sức hấp dẫn của truyện và hoàn chỉnh tính cách nhân vật Vũ Nương, thoả mãn ước mơ của nhân dân là "ở hiền gặp lành", người tốt sẽ được đền bù. Truyện kết thúc có hậu. Trong truyện, những yếu tố truyền kì tập trung ở phần sau của truyện như con rùa mai xanh được Phan Lang cứu, Vũ Nương được ở lại Thủy Cung, rồi hiện về với kiệu hoa rực rỡ trên sông... đó là những tình tiết kì ảo, không có thực nhưng đã tạo ra một thế giới nghệ thuật lung linh huyền ảo.
Số phận và cuộc đời thực sự vẫn là thực xưa nay. Yếu tố hoang đường truyền kì không thể cứu được cuộc đời Vũ Nương với số phận bi thảm của nàng. Vũ Nương muốn sống lại mà không được sống, muốn trở về với chồng con và quê hương mà không thể trở về được.
Truyện "Người con gái Nam Xương" có giá trị hiện thực tố cáo và ý nghĩa nhân đạo sâu sắc. Nghĩ về Vũ Nương và biết bao thân phận người phụ nữ khác trong xã hội phong kiến được phản ánh trong các tác phẩm văn học cổ, chúng ta càng thấy rõ giá trị cuộc sống của những người phụ nữ Việt Nam trong một xã hội tốt đẹp hôm nay. Họ đang vươn lên làm chủ cuộc đời, sống bình đẳng, hạnh phúc với chồng con và được đề cao nhân phẩm trong xã hội của thời đại mới.
Phân tích Chuyện người con gái Nam Xương - mẫu 19
Theo mọi thứ theo thời gian sẽ bị bào mòn và băng hoại. Chỉ có duy nhất nghệ thuật, mình nó không thừa nhận cái chết. Có những tác phẩm dù trải qua bao nhiêu thế kỉ, qua sự thách thức của dòng đời, nó vẫn còn nguyên sức sống của mình. “Chuyện người con gái Nam Xương” là một câu chuyện như thế.
“Chuyện người con gái Nam Xương” là một trong số 20 truyện trích trong “Truyền kì mạn lục”, áng văn được người đời đánh giá là “thiên cổ kì bút”- cây bút kì diệu truyền tới ngàn đời. Truyện được viết từ cốt truyện cổ tích “Vợ chàng Trương”, nhưng với ngòi bút tài năng của mình, Nguyễn Dữ đã sáng tạo nên “Chuyện người con gái Nam Xương” rất riêng, giàu giá trị và ý nghĩa. Qua câu chuyện về cuộc đời và cái chết thương tâm của Vũ Nương, tác phẩm đã thể hiện giá trị hiện thực và cảm hứng nhân đạo sâu sắc.
Trước hết. “Chuyện người con gái Nam Xương” là bản án đanh thép tố cáo xã hội phong kiến nam quyền, bất công bấy giờ qua số phận bi kịch của Vũ Nương cũng như sự độc đoán của nhân vật Trương Sinh. Ngay khi bắt đầu, Vũ Nương đã phải chịu một tình duyên ngang trái. Nàng- người con gái thùy mị, nết na, tư dung tốt đẹp lại phải lấy Trương Sinh- một kẻ thất học, rất đa nghi, với vợ thường phòng ngừa quá sức. Cuộc tình duyên ấy đã chứa đựng mầm mống của của mâu thuẫn.
Lấy chồng chưa được bao lâu, Vũ Nương lại phải sống trong cảnh chờ đợi vất vả. Vợ chồng phải chia phôi vì “động việc lửa binh”. Cảnh nàng tiễn chồng đi lính thật ái ngại, xót xa: nàng rót chén rượu đầy mà ứa hai hàng lệ. Rồi khi chồng đi lính, nàng phải sống vò võ một mình ngóng trông tin chồng. Nàng thay chồng lo toan gánh vác công việc gia đình: nuôi dạy con nhỏ, chăm sóc, phụng dưỡng mẹ già lúc ốm đau, ma chay tế lễ chu đáo khi mẹ chồng mất. Ái ngại thay cho nàng, sau khi mẹ chồng mất, trong căn nhà trống vắng cô đơn, chỉ có người vợ trẻ và đứa con thơ dại.
Hơn nữa, người phụ nữ ấy còn phải chịu nỗi oan và cái chết thương tâm. Chỉ vì một lời nói của đứa con nhỏ mà Trương Sinh đã đinh ninh vợ mình hư hỏng, một mực mắng nhiếc, đánh đuổi nàng đi. Hỏi nguyên cớ thì Trương Sinh giấu, nàng hết lời minh oan nhưng chồng không nghe, bà con làng xóm biện minh cho nàng cũng chẳng ích gì. Nàng bị chồng đẩy vào bi kịch: “người vợ mất nết hư thân”, dồn đẩy nàng phải tìm đến cái chết để minh oan. Nhưng chỉ trong một thời gian ngắn sau, Trương Sinh nhận ra nỗi oan của vợ thì “việc đã rót qua rồi”. Người đọc chỉ biết ngậm ngùi thở dài xót thương cho người phụ nữ bạc mệnh.
Vũ Nương còn phải chịu nỗi oan cách trở. Sống dưới thủy cung, cuộc sống đầy đủ, xứng đáng với nàng nhưng đó không phải cuộc sống nàng mong ước. Nàng vẫn khao khát cuộc sống gia đình, quê hương. Việc nàng trở về nhưng hông thể trở về trần gian được nữa, âm dương cách biệt, nàng không còn được làm vợ, làm mẹ nữa.
Còn nhân vật Trương Sinh được xây dựng là con nhà hào phú nhưng thất học và rất đa nghi. Chính lòng ghen tuông mù quáng, cách cư xử hồ đồ, Trương Sinh đã đẩy vợ mình đến cái chết oann nghiệt. Bi kịch của Vũ Nương tiêu biểu cho bi kịch của người phụ nữ Việt Nam trong xã hội phong kiến: số phận nhỏ bé, không có tiếng nói và cũng không được quyền quyết định số phận cuộc đời mình.
Trương Sinh chính là sản phẩm của xã hội phong kiến bất công với thói gia trưởng độc đoán, với tư tưởng trọng nam khinh nữ đã đẩy người phụ nữ đến với bi kịch. Qua đó chính là lời tố cáo xã hội phong kiến bất công, cổ hủ với những định kiến xã hội, với cuộc chiến tranh phi nghĩa đã làm tan nát bao gia đình, cuộc đời.
Nhưng đằng sau sự xót xa, phẫn uất trước chế độ phong kiến lại là thái độ trân trọng, là tấm lòng nhân đạo của Nguyễn Dữ dành cho con người. Tác giả thể hiện sự trân trọng, ngợi ca cho vẻ đẹp của người phụ nữ: Vũ Nương. Vũ Nương là người con gái đẹp người đẹp nết. Ngay phần đầu giới thiệu, tác giả đã dùng những từ ngợi ca để dành riêng cho nàng. Vì vậy mà Trương Sinh mới xin với mẹ đem trăm lạng vàng cưới về.
Nàng còn là người vợ thủy chung. Trong cuộc sống gia đình, nàng luôn giữ gìn khuôn phép. Dù chồng có tính đa nghi nhưng gia đình chưa từng đến thất hòa. Trong buổi tiễn chồng đi lính, nàng chỉ mong chồng bình yên trở về. Với nàng, mọi vinh hoa phú quý không có nghĩa lí bằng hạnh phúc gia đình. Nàng còn cảm thông với những gian khổ hiềm nguy mà chồng phải trải qua nơi chiến trận, đồng thời bày tỏ nỗi nhớ nhung của mình.
Khi chồng đi lính, nàng luôn hướng về chồng, nỗi buồn nhớ dài theo năm tháng. Khi bị chồng nghi oan, nàng đã hết lời phân trần: dùng thân phận, tấm lòng. Nỗi đau đớn tuyệt vọng khi hạnh phúc gia đình đang nguy cơ tan vỡ. Nàng đã tìm đủ mọi cách để cứu vãn hạnh phúc gia đình, để minh oan cho mình. Hành động nhảy xuống sông tự vẫn để tỏ rõ với đời người phụ nữ đoan trang, giữ tiết, trinh bạch, gìn lòng.
Sống dưới thủy cung, nàng vẫn luôn hướng về gia đình, quê hương. Việc nàng trở về để được minh oan nhưng nàng không trở về được nữa để giữ mãi lòng thủy chung với Linh Phi- người đã cưu mang nàng. Hơn nữa, Vũ Nương còn là một người mẹ hiền, người con dâu hiếu thảo.
Nàng đảm đang, lo toan mọi công việc gia đình khi chồng đi vắng. Lời trăng trối của người mẹ chồng là sự ghi nhận cao nhất cho phẩm hạnh làm dâu, làm con của nàng: bà cảm ơn công lao của nàng với gia đình nhà chồng, bà cầu mong đứa con của mình sẽ được hạnh phúc: “xanh kia quyết chẳng phụ con cũng như con đã chẳng phụ mẹ”.
Có thể nói, Vũ Nương là người phụ nữ lí tưởng, ở nàng xuất hiện cả ba con người: người vợ thủy chung, người mẹ hiền, người con dâu hiếu thảo. Tất cả đều hoàn hảo, sáng tỏ đến mức tuyệt vời. Trân trọng, ngợi ca vẻ đẹp của người phụ nữ, vốn không được coi trọng trong xã hội chính là giá trị nhân văn của tác phẩm. Đặc biệt, tác giả còn sáng tạo so với cổ tích khi để Vũ Nương có thể trở về để minh oan.
Nó như khúc vĩ thanh trong bản nhạc để ngân lên những ước mơ ngàn đời của người nông dân, rằng cuộc đời này vẫn còn công lí, người tốt dù chịu oan khuất rồi cũng sẽ được trả lại sự trong sạch, cái thiện rồi cũng sẽ chiến thắng. Cũng chính vì vậy mà tác phẩm vợi đi phần nào sự bi thương, đau đớn để đánh thức trong người đọc niềm tin, lạc quan hướng về tương lai.
Ngoài những giá trị nội dung sâu sắc, tác phẩm còn có những thành tựu nghệ thuật đặc sắc. Tất cả mọi diễn biến tính cách, số phận nhân vật đều xoay quanh chi tiết chiếc bóng. Nó không xuất hiện ngay từ đầu nhưng là yếu tố để câu chuyện lên đến cao trào và cũng nó để cởi nút cho câu chuyện.
Nhờ cách sắp xếp tình huống mà câu chuyện trở nên bất ngờ, hồi hộp, căng thẳng. Cùng với đó là nghệ thuật khắc họa nhân vật điển hình, đại diện cho những đặc điểm tầng lớp và số phận con người trong xã hội. Giọng văn cùng những hình ảnh so sánh, ẩn dụ, tuy có ước lệ những vẫn sinh động, chân thực và hài hòa.
Như vậy, “Chuyện người con gái Nam Xương” là tiếng nói lên án, tố cáo xã hội phong kiến bất công, vô lí. Đồng thời lên tiếng nói thương cảm, ngợi ca với vẻ đẹp con người, niềm tin vào công bằng và công lí xã hội. Tấm lòng đau đáu của Nguyễn Dữ nhìn vào thực tại và dành cho con người đã khởi nguồn cho tiếng nói nhân đạo của Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Du, ... sau này.
Từ một chiếc bóng oan nghiệt, tác phẩm thấm đẫm cảm hứng nhân văn, mở ra cho chúng ta biết bao nhiêu bài học về tình người, về cuộc sống. Đây là một áng “thiên cổ kì bút” đáng tìm hiểu và suy ngẫm.
Phân tích Chuyện người con gái Nam Xương - mẫu 20
Trong xã hội phong kiến, dường như tất cả mọi thứ đều bất công với người phụ nữ. Tình yêu không, hạnh phúc không, tiếng nói cũng không. Nhưng chính những áp bức đó đã làm sáng ngời lên những đức tính, phẩm hạnh đáng quý của người phụ nữ. Viết về họ, Hồ Xuân Hương đã rất thành ông với bài thơ “Bánh trôi nước”, đại thi hào Nguyễn Du với kiệt tác “Truyện Kiều” và Nguyễn Dữ - học trò của Nguyễn Bỉnh Khiêm với “Chuyện người con gái Nam Xương” - thiên thứ 16 của “Truyền kì mạn lục”. Qua nhân vật Vũ Nương, câu chuyện đem đến bao suy tư, trăn trở cho người đọc về thân phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến đầy bất công.
Đọc "Chuyện người con gái Nam Xương" của Nguyễn Dữ, ta thấy Vũ Nương đúng là một mẫu mực của người phụ nữ phong kiến với những phẩm chất đáng quý. Nàng "thùy mị, nết na, tư dung tốt đẹp", chính vì lẽ đó mà Trương Sinh- một chàng trai trong làng đã mến dung hạnh ấy, mang sính lễ đến hỏi nàng làm vợ. Trong đạo vợ chồng, nàng hết sức khôn khéo, hết sức " giữ gìn khuôn phép" để hy vọng có được một mái ấm gia đình hạnh phúc.
Thế rồi, Nguyễn Dữ đã xây dựng lên một câu chuyện phản ánh hiện thực xã hội đầy bất nhân oan trái. Chiến tranh loạn lạc, xã hội bất công đã gây nên bi kịch về cuộc đời nàng. Ngày Trương Sinh phải lên đường ra trận, nàng tiễn chồng với lời tống biệt dịu dàng, thiết tha mà chân thành.
"Chồng đi chuyến này, thiếp chẳng dám mong đeo được ấn phong hầu, mặc áo gấm trở về quê cũ, chỉ xin ngày về mang được hai chữ bình yên, thế là đủ rồi,...". Đó là tấm lòng của người phụ nữ Việt Nam dung dị, không màng danh lợi, chỉ mong vun vén cho một mái ấm gia đình. Trong những năm tháng đằng đẵng chồng còn ngoài nơi chiến địa, người thiếu phụ đáng thương ấy đã ra sức tần tảo nuôi con thơ, phụng dưỡng mẹ chồng, ngày đêm giữ gìn tiết hạnh, vun đắp, nuôi dưỡng cho cái nguồn hạnh phúc mà nàng đang mong đợi. Đối với mẹ chồng, nàng giữ vẹn đạo làm dâu thảo. Vũ Nương hết lòng săn sóc, lo thuốc thang khi mẹ ốm đau và cả việc lo ma chay tế lễ khi mẹ chồng mất. Còn gì quý hơn là lời của mẹ chồng nhận xét về tấm lòng thơm thảo của nàng trước khi bà cụ qua đời. Trong đôi mắt của người mẹ chồng, nàng là người có "lòng lành". Sự đảm đang, hiếu nghĩa ấy cũng biểu hiện phần nào tấm lòng son sắc của nàng đối với Trương Sinh. Có thể nói, làm con, làm vợ, làm mẹ tất cả đều được Vũ Nương thực hiện trọn vẹn. Và có lẽ tâm hồn nàng đẩy lên đến cao độ qua hình ảnh của chiếc bóng trên vách. Một chi tiết tưởng đơn giản ấy nhưng lại bao hàm biết bao ý nghĩa về lòng yêu thương, thủy chung son sắt của nàng đối với chồng. Dù chiến tranh ngăn cách nhưng trong tâm hồn nàng, hình bóng Trương Sinh vẫn khăng khít, gắn bó với nàng như hình với bóng không rời nhau. Vũ Nương ngày ngày mong đợi, chờ nóng đến thổn thức:" Giữ trọn tấm lòng thủ chung son sắt", "Tô son điểm phấn từng đã nguội lòng, ngõ liễu tường hoa chưa hề bén gót". Nỗi nhớ thương dài theo năm tháng "Mỗi khi bướm lượn đầy vườn mây che kín núi thì nỗi buồn góc bể chân trời không thể nào ngăn được". Nàng vừa thương chồng, vừa thương xót cho chính mình đêm ngày phải đối mặt với nỗi cô đơn vò võ. Tâm tạng nhớ thương đau buồn ấy của Vũ Nương cũng là tâm trạng chung của những người chinh phụ thời loạn lạc xưa nay:
"... Nhớ chàng đằng đẵng đường lên bằng trời
Trời thăm thẳm xa vời khôn thấu
Nỗi nhớ chàng đau đáu nào xong..."
(Chinh phụ ngâm)
Dường như số phận cuộc đời đã định sẵn cho người con gái này một cuộc sống chẳng mấy hạnh phúc mà chỉ toàn bất hạnh, khổ đau:
"Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung"
(Truyện Kiều)
Lời ai oán trên đã hơn một lần xuất hiện trong sáng tác của đại thi hào Nguyễn Du, đây không phải là một lời nói quá mà điều này lại được thể hiện phổ biến trong văn học Việt Nam. Trong xã hội phong kiến lúc suy tàn, số phận người phụ nữ thật bé nhỏ, long đong, lận đận. Vũ Nương là một trong những người phụ nữ như thế. Cô là một bi kịch của gia đình, của số phận người phụ nữ bẽ bàng trong xã hội đầy bất công oan trái. Lấy chồng chưa được bao lâu thì niềm vui "nghi gia nghi thất" của Vũ Nương đã bị mất đi khi chồng nàng bị bắt đi lính. Nàng thiếu phụ tuổi xuân còn đang phơi phới đã phải gánh chịu nỗi buồn "chiếc bóng năm canh của đời người chinh phụ"
"Mặt biếng tô miệng càng biếng nói,
Sớm lại chiều dòi dõi nương song.
Nương song luống ngẩn ngơ lòng,
Vắng chàng điểm phấn trang hồng với ai?"
(Chinh phụ ngâm)
Những nỗi khổi về vất chất lẫn tinh thần đè nặng lên đôi vai người con gái này bắt buộc nàng phải vượt qua hết. Những tưởng khi giặc tan, chồng về gia định hạnh phúc khi được sum vầy, thì bão giông đã lập tức ập đến. Bóng đen của cơn ghen đã làm cho Trương Sinh mù quáng và đánh mất người vợ hiền của mình. Chỉ nghe một đứa trẻ nói những lời ngây thơ vô tình mà anh tưởng vợ mình hư hỏng. Trương Sinh chẳng những không hỏi cho rõ ràng mà còn đánh đập phũ phàng, ruồng rẫy đuổi nàng đi. Bị dồn vào bước đường cùng, Vũ Nương phải tìm đến cái chết để kết thúc một kiếp người trong oan khuất. Bi kịch của Vũ Nương là bi kịch của gia đình:
"Có con phải khổ vì con
Có chồng phải gánh giang sơn nhà chồng".
Nếu như người phụ nữ ẵm con mang theo nỗi buồn sâu thẳm để chờ chồng nơi hòn núi Vọng Phu thì nàng Vũ Nương không thể biện minh cho mình nên đã nhờ dòng sông Hoàng Giang rửa sạch oan khiên. Trước khi nàng tự tử, nàng ngửa mặt lên trời cao để phân trần với trời đất:" kẻ bạc mệnh này duyên phận hẩm hiu, chồng con rẫy bỏ... Thiếp nếu đoan trang giữ tiết, trinh bạch gìn lòng, vào nước xin làm ngọc Mị Nương, xuống đất làm cỏ Ngu Mĩ. Nhược bằng lòng chim dạ cá, lừa chồng dối con, duối xin làm mồi cho cá tôm, trên xin làm cơm cho diều quạ và xin chịu khắp mọi người phỉ nhổ". Đắng cay đến thế! Một người vợ thủy chung, một người con dâu ngoan hiền như người mẹ chồng đã nói lúc lâm chung :"Xanh kia quyết chẳng phụ con...", thế mà nàng phải mượn dòng nước Hoàng Giang cuốn trôi nỗi đau.
Nếu như trong truyện kể dân gian, sau khi Vũ Nương chết, Trương Sinh tỉnh ngộ, nhận ra sai lầm của mình thì cũng là lúc truyện cổ tích khép lại, điều đó đã để lại niềm xót xa đau đớn cho người đọc về thân phận bất hạnh oan khiên của người phụ nữ tiết hạnh, thì trong "Chuyện người con gái Nam Xương" của Nguyễn Dữ, ông đã sáng tạo thêm phần cuối của truyện khi Vũ Nương hiện về thấp thoáng trên chiếc kiệu hoa giữa dòng, võng lọng, cờ kiệu rực rỡ đầy sông, nàng nói lời đa tạ Linh Phi và tạ từ Trương Sinh rồi biến mất. Sự sáng tạo của tác giả đã góp phần làm lên những giá trị thẩm mĩ và tư tưởng mới của truyện. Đó là làm hoàn thiện thêm nét đẹp tính cách, phẩm chất của nhân vật và chứng tỏ được Vũ Nương trong sạch. Ở thế giới bên kia, nàng được đối xử xứng đáng với phẩm giá của mình. Vì thế, Nguyễn Dữ đã đáp ứng được ước mơ của con người về sự bất tử, sự chiến thắng của cái thiện, cái đẹp, thể hiện nỗi khát khao hạnh phúc trong một cuộc sống công bằng, hạnh phúc cho những con người lương thiện, đặc biệt là người phụ nữ đương thời.
Vũ Nương dù khi sống hay lúc đã thác làm ma đều khát khao hạnh phúc gia đình. Nàng vì phải chịu nỗi oan cay nghiệt mà chết . Nhưng vì lòng thanh sạch mà được sống dưới thủy cung. Trong những ngày sống cuộc sống nơi cung nước, Vũ Nương vẫn không quên mong nhớ dương gian và thầm mong chồng sẽ giải oan cho nàng. Vũ Nương nhờ Phan Lang nhắn Trường Sinh lập đàn giải oan là đề chính chống nàng chiêu tiết cho nàng, và hiểu tấm lòng chung thủy của nàng. Ăm dương cách trở, nàng chỉ hiện về trong thoáng chốc rồi biến mất. Qua chi tiết này tác giả không chỉ khắc họa sâu sắc bi kịch của Vũ Nương mà còn khẳng định một lần nữa vẻ đẹp tâm hồn của nàng. Lời thoại của Vũ Nương không trở về vì đã thề sống chết với đức Linh Phi còn chứng tỏ nàng là người sống tình nghĩa, đã mắc ân với Linh Phi thì nàng sẽ ở lại trả ân đức đó.
Điểm hội tụ nét đẹp của văn chương chính là sự đồng điệu trong tâm hồn của người nghệ sĩ với nhân vật của chính mình, với những rung động trong trái tim của baot hế hệ độc giả. Đó là giá trị nhân đạo cao đẹp, là ước mơ về hạnh phúc cuộc đời. Nguyễn Dữ đã thể hiện xuất sắc ngòi bút nhân đạo của mình bằng việc xây dựng lên những chi tiết, yếu tố kỳ ảo nói lên khát vọng của nhân đạo muôn đời. Văn học là một hoạt động sáng tạo cảu con người nhằm khám phá và khẳng định những giá trị của đời sống. Nguyễn Dữ đã nhìn thấy những bất công, những nghịch cảnh, nghịch lí đối với con người và thủ phạm của nó. Ông thể hiện sự quan tâm, niềm thương cảm sâu sắc đối với những con người phải chịu khổ đau thiệt thòi. Quan trọng hơn, nhà văn đã khẳng định và ca ngợi vẻ đẹp của con người, thể hiện niềm tin vào cái đẹp, vào công lý.
Qua Chuyện người con gái Nam Xương, ta xót xa thương cảm cho người phụ nữ bất hạnh trng xã hội xưa bao nhiêu, ta càng căm giận cái xã hội thối nát, bất công đã đẩy người phụ nữ vào vòng oan trái bấy nhiêu. Đọc tác phẩm, ta lại càng thêm nâng niu, trân trọng cái tài, cái tâm của người con huyện Thanh Miện, Hải Dương dành cho những thân phận bọt bèo trong xã hội phong kiến đương thời.
Phân tích Chuyện người con gái Nam Xương - mẫu 21
“Nghi ngút đầu ghềnh tỏa khói hương
Miếu ai như miếu vợ chàng Trương.”
(Lê Thánh Tôn)
Từ một câu chuyện có thật trong nhân gian về một nỗi oan khuất của một người thiếu phụ, Nguyễn Dữ đã viết nên “Chuyện người con gái Nam Xương”. Đó là tác phẩm văn xuôi trong Truyền Kỳ mạn lục, phản ánh hiện thực xã hội, thể hiện ước mơ nhân đạo sự nhân đạo, ca ngợi về phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam.
Câu chuyện phản ánh sinh động về thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Chuyện kể về nàng Vũ Thị Thiết – người con gái quê ở Nam Xương, tính tình thuỳ mị nết na, tư dung tốt đẹp nhưng lấy phải người chồng là Trương Sinh – vốn là con nhà giàu nhưng thất học và có tính đa nghi. Ít lâu sau, chiến tranh loạn lạc diễn ra, Trương Sinh phải đi lính. Chồng đi vừa đầy tuần, nàng hạ sinh được một đứa con trai đặt tên là Đản. Nàng ở nhà nuôi con và phụng dưỡng mẹ chồng. Rồi người mẹ chồng cũng qua đời, nàng lo ma chay tử tế. Hết chiến tranh, Trương Sinh trở về bồng con ra thăm mộ mẹ. Chỉ vì lời nói ngây thơ của đứa trẻ, chàng quay về nhục mạ và đuổi nàng đi vì cho rằng nàng không chung thủy. Vì nỗi oan không được giải bày, nàng nhờ dòng sông Hoàng Giang rửa sạch mối oan tình. Sau chàng hiểu nỗi oan của vợ nhưng tất cả đã muộn màng.
Chuyện đã phản ánh hiện thực xã hội đầy bất nhân oan trái. Chính chiến tranh loạn lạc, chính xã hội bất công đã gây nên bi kịch về cuộc đời nàng. Ngày chồng trở về cứ tưởng mọi sự đền bù sau bao ngày tháng nhớ nhung được đền đáp như thế đó lại là bi kịch của cuộc đời nàng diễn ra. Vì thói “gia trưởng nam quyền”, Trương Sinh đã gạt ngoài những lời biện bạch của vợ. Đó là sự bất công nghiệt ngã của xã hội phong kiến. Quyền sống, quyền tự do của người phụ nữ không được tôn trọng. Trương Sinh vì lý do ghen tuông – đó là chuyện bình thường trong cuộc sống đôi lứa, thế nhưng ta phải lên án Trương Sinh vì thói “gia trưởng” mà không nghe lời biện bạch của vợ dẫn đến cái chết đầy oan khốc của Vũ Nương. Đồng thời, câu chuyện cũng lên án chiến tranh tranh giành quyền lực của các tập đoàn phong kiến đã gây nên cảnh chia lìa đôi lứa, gián tiếp gây ra cái chết của Vũ Nương. Nguyễn Dữ phản ánh hiện thực xã hội đương thời đầy bất công oan trái kia đã đẩy bao con người nhất là phụ nữ vào những con đường không lối thoát. Một nàng Vũ Nương vì nỗi oan không được giải bày đã nhờ sông Hoàng Giang rửa sạch oan tình, một nàng Thuý Kiều trong Truyện Kiều của Nguyễn Du đánh đổi mười lăm năm trường khổ nhục hay một Kiều Nguyệt Nga của Nguyễn Đình Chiểu một đời đau khổ. Tất cả là đều do cái xã hội phong kiến nghiệt ngã kia đã tạo ra.
Không những vậy, trong “Chuyện người con gái Nam Xương”, Nguyễn Dữ đã đề cao lòng nhân đạo, những phẩm chất cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Dù dòng đời bao biến chuyển, dù xã hội bất công oan trái nhưng những phẩm chất đó vẫn âm thầm tỏa sáng. Vũ Nương – một cô gái thuỳ mị, nết na, tư dung tốt đẹp, hội tụ đầy đủ những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Ngay cả khi lấy chồng, nàng vẫn biết tính tình không hòa hợp nhưng “cũng giữ gìn khuôn phép, không từng để lúc nào vợ chồng phải bất hòa”. Nhưng sum vầy chưa được bao lâu, chồng ra trận. Nàng ở nhà thủ tiết chờ chồng, nuôi dưỡng con cái và phụng dưỡng mẹ chồng chu đáo. Ngay cả trước khi qua đời, mẹ chồng nàng đã nói: “…xanh kia quyết chẳng phụ con, cũng như đã chẳng phụ mẹ”. Tấm lòng hiếu thảo của nàng dâu đối với mẹ chồng trong xã hội phong kiến có lẽ ta ít thấy. Ông bà ta từ ngày xưa đã dùng cụm từ “mẹ chồng nàng dâu” để nói lên sự nghiệt ngã trong quan hệ đó. Thế nhưng đối với tấm lòng của Vũ Nương, người mẹ chồng hết sức cảm động và khẳng định rằng “sau này trời xét lòng lành, ban cho phúc đức…”. Nhớ lại ngày tiễn chồng ra trận nàng có nói “Chàng đi chuyến này, thiếp chẳng dám mong đeo được ấn phong hầu, mặc áo gấm trở về quê cũ, chỉ xin ngày về mang theo được hai chữ bình yên, thế là đủ rồi…”. Một cô gái con nhà nghèo như nàng mà lại thốt lên những lời như thế quả thật hiếm thấy. Nàng không cần áo gấm, không cần phong hầu chỉ cần một mái nhà êm ấm hạnh phúc. Nguyễn Dữ viết đến đây để người đọc thấy được nỗi niềm khát vọng hết sức đơn sơ mà bao người cầu mong không có. Nhưng đến ngày chồng trở về, là ngày bi kịch của đời nàng, chỉ vì thói ghen tuông mù quáng đã đẩy nàng đến cái chết oan nghiệt. Vũ Nương đã khóc mà nói rằng: “Thiếp sỡ dĩ nương tựa vào chàng, vì có thú vui nghi gia nghi thất. Này bình rơi trâm gãy, mây tạnh mưa tan, sen rũ trong ao, liễu tàn trước gió, khóc tuyết bông hoa rụng cuống, kêu xuân cái én lìa đàn, nước thẳm buồm xa, đâu còn có thể lại lên núi Vọng Phu kia nữa”. Nếu như người phụ nữ ẵm con mang theo nỗi buồn sâu thẳm để chờ chồng rồi hóa đá thì nàng Vũ Nương không thể biện minh cho mình nên đã nhờ dòng sông Hoàng Giang rửa sạch oan khiên. Trước khi nàng tự tử, nàng ngửa mặt lên trời cao để phân trần cùng trời đất “Kẻ bạc mệnh này duyên phận hẩm hiu, chồng con rẫy bỏ… Thiếp nếu đoan trang giữ tiết, trinh bạch gìn lòng, vào nước xin làm ngọc Mị Nương, xuống đất làm cỏ Ngu Mĩ. Nhược bằng lòng chim dạ cá, lừa chồng dối con, dưới xin làm mồi cho cá tôm, trên xin làm cơm cho diều quạ và xin chịu khắp mọi người phỉ nhổ”. Nàng đã nêu hậu quả của mình nếu không lòng trinh tiết chờ chồng để minh oan với trời đất. Đắng cay đến thế ! Một người vợ thủy chung, một người con dâu ngoan hiền như người mẹ chồng đã nói lúc lâm chung “xanh kia quyết chẳng phụ con…”, thế mà nàng phải mượn dòng nước Hoàng Giang cuốn trôi nỗi đau đời.
Trong “Chuyện người con gái Nam Xương”, Nguyễn Dữ đã xây dựng một thế giới thuỷ cung đầy ắp nghĩa tình. Phan Lang – người làm Đầu mục ở bến đò Hoàng Giang - đêm nằm mộng thấy cô gái áo xanh xin cứu mạng. Sáng hôm sau chàng được người phường chài biếu con rùa xanh, liền đem thả. Sau cũng nhờ con rùa đó – là Linh Phi hoàng hậu cứu giúp mà Phan Lang thoát khỏi nguy nan. Nguyễn Dữ đã sáng tạo thêm thế giới thủy cung đầy ân nghĩa thủy chung, vừa tạo nét ly kỳ hấp dẫn lôi cuốn cho câu chuyện, đồng thời cũng thể hiện ước mơ nhân đạo cao đẹp. Một người chung Thủy, hiền thục như Vũ Nương phải được trân trọng. Đó chính là khát vọng về quyền được sống của phụ nữ trong xã hội phong kiến.
Nguyễn Dữ đã thực hiện thành công khi xây dựng nghệ thuật đặc sắc trong câu chuyện. Một số yếu tố li kì và hoang đường trong câu chuyện vẫn không làm mờ nhạt giá trị hiện thực, nhân đạo mà còn làm tăng lên khát vọng về quyền sống, quyền tự do của người phụ nữ. Người đọc thật sự bất ngờ vì lời nói ngây thơ của đứa trẻ, sửng sốt thương tâm trước cái chết của Vũ Nương, cũng như bàng hoàng khi đứa trẻ chỉ vào vách và nói: “Cha Đản đến kia kìa”. Thì ra nguyên nhân của nỗi đau khổ, nỗi oan ức của một con người và cả sự tan nát của một gia đình vì một “cái bóng” trong lời trẻ con. Chi tiết cái bóng là nét nhấn độc đáo, là đỉnh điểm của câu chuyện. Cái bóng ấy, là hình tượng của sự thủy chung son sắt, là tấm lòng kiên trung, một mực yêu thương chồng. Dẫu chiến tranh có chia cắt hai người, nhưng trong lòng Vũ Nương, hình ảnh Trương Sinh vẫn luôn hiện hữu như hình với bóng không rời nhau. Cách xây dựng tình tiết độc đáo tạo sự lôi cuốn cho người đọc. Một gia đình mỗi người một tính cách: Vũ Nương hiền thục, chung Thủy và cam chịu, Trương Sinh nóng nảy đa nghi và đứa con thì vô tư dẫn đến cái bi đát của nó. Truyện kết hợp giữa hiện thực và hoang đường tạo nên sự li kì cho người đọc.
Truyện kết thúc với hình ảnh Vũ Nương thoắt ẩn thoắt hiện gây cho ta những ý nghĩ và cảm xúc mênh mang. Câu chuyện quả là bi thảm, đặc biệt với số phận của Vũ Nương. Kết thúc ấy làm lòng ta chợt quặn lên thương xót. Thương xót bởi vì Vũ Nương đoan trang, tiết hạnh là thế, chung thủy là thế, vậy mà phải chịu vết nhục phải tự tử để rửa sạch và chỉ đến khi Trương Sinh hiểu được sự thật, lập đàn giải oan thì đã quá muộn màng. Phải chăng số phận của Vũ Nương cũng chính là số phận bi đát của những người phụ nữ thời phong kiến. Số phận ấy mong manh như ngọn nến trước gió, sẵn sàng phụt tắt bất cứ lúc nào. Vũ Nương, Thúy Kiều… và biết bao số phân thật buồn thảm phụ nữ vẫn mãi đi vào ngõ tối. Cách mạng tháng Tám là cuộc tái sinh màu nhiệm đã mang đến cho người phụ nữ ngọn “gió mới ngàn phương”, “một vườn đầy xuân”.
Bài giảng: Chuyện người con gái Nam Xương - Cô Nguyễn Ngọc Anh (Giáo viên VietJack)
Mục lục Văn mẫu | Văn hay 9 theo từng phần:
- Mục lục Văn thuyết minh
- Mục lục Văn tự sự
- Mục lục Văn nghị luận xã hội
- Mục lục Văn nghị luận văn học Tập 1
- Mục lục Văn nghị luận văn học Tập 2
- Giải Tiếng Anh 9 Global Success
- Giải sgk Tiếng Anh 9 Smart World
- Giải sgk Tiếng Anh 9 Friends plus
- Lớp 9 Kết nối tri thức
- Soạn văn 9 (hay nhất) - KNTT
- Soạn văn 9 (ngắn nhất) - KNTT
- Giải sgk Toán 9 - KNTT
- Giải sgk Khoa học tự nhiên 9 - KNTT
- Giải sgk Lịch Sử 9 - KNTT
- Giải sgk Địa Lí 9 - KNTT
- Giải sgk Giáo dục công dân 9 - KNTT
- Giải sgk Tin học 9 - KNTT
- Giải sgk Công nghệ 9 - KNTT
- Giải sgk Hoạt động trải nghiệm 9 - KNTT
- Giải sgk Âm nhạc 9 - KNTT
- Giải sgk Mĩ thuật 9 - KNTT
- Lớp 9 Chân trời sáng tạo
- Soạn văn 9 (hay nhất) - CTST
- Soạn văn 9 (ngắn nhất) - CTST
- Giải sgk Toán 9 - CTST
- Giải sgk Khoa học tự nhiên 9 - CTST
- Giải sgk Lịch Sử 9 - CTST
- Giải sgk Địa Lí 9 - CTST
- Giải sgk Giáo dục công dân 9 - CTST
- Giải sgk Tin học 9 - CTST
- Giải sgk Công nghệ 9 - CTST
- Giải sgk Hoạt động trải nghiệm 9 - CTST
- Giải sgk Âm nhạc 9 - CTST
- Giải sgk Mĩ thuật 9 - CTST
- Lớp 9 Cánh diều
- Soạn văn 9 Cánh diều (hay nhất)
- Soạn văn 9 Cánh diều (ngắn nhất)
- Giải sgk Toán 9 - Cánh diều
- Giải sgk Khoa học tự nhiên 9 - Cánh diều
- Giải sgk Lịch Sử 9 - Cánh diều
- Giải sgk Địa Lí 9 - Cánh diều
- Giải sgk Giáo dục công dân 9 - Cánh diều
- Giải sgk Tin học 9 - Cánh diều
- Giải sgk Công nghệ 9 - Cánh diều
- Giải sgk Hoạt động trải nghiệm 9 - Cánh diều
- Giải sgk Âm nhạc 9 - Cánh diều
- Giải sgk Mĩ thuật 9 - Cánh diều