5+ Nghị luận về tính tự chủ (điểm cao)

Nghị luận về tính tự chủ hay nhất, ngắn gọn với dàn ý chi tiết giúp học sinh có thêm tài liệu tham khảo để viết văn hay hơn.

Nghị luận về tính tự chủ - mẫu 1

Nói về sự tự chủ, người phụ nữ đầy nghị lực Oprah Winfrey từng khẳng định: "Bạn định hình cuộc đời mình. Đừng để người khác viết kịch bản của bạn". Quả thật, tính tự chủ đóng vai trò tối quan trọng đối với sự thành công của mỗi người.

Vậy chúng ta hiểu "tự chủ" là gì? Đó là sự tự ý thức về lời nói, thái độ, hành động của bản thân, biết cách điều chỉnh chúng sao cho phù hợp. Tự chủ cũng đồng thời là chủ động trong chính cuộc sống, tự định hướng tương lai cho chính mình.

Một người tự chủ luôn biết sắp xếp cuộc sống của mình sao cho tối ưu nhất. Trong học tập, họ rất đề cao sự tự giác, chủ động tiếp thu và trau dồi tri thức. Trong công việc, họ không ngần ngại tìm kiếm cơ hội cho bản thân, giữ tinh thần cầu tiến, ham học hỏi. Khi gặp phải những khó khăn, thử thách, họ luôn biết cách kiểm soát tốt suy nghĩ, cảm xúc, thái độ của mình. Nhờ vậy mà họ có thể sáng suốt nhìn nhận vấn đề, từ đó đưa ra giải pháp, định hướng phù hợp.

Chính sự tự chủ giúp mỗi cá nhân trở nên tự tin hơn. Khi biết làm chủ cảm xúc, suy nghĩ, hành động của mình, con người có thể dũng cảm đưa ra những lựa chọn tốt nhất. Cũng nhờ có tính tự chủ mà cuộc sống của con người trở nên nề nếp, quy củ, có kế hoạch hơn, tránh được sự xao nhãng không đáng có. Đó chính là cơ sở, là bàn đạp để mỗi cá nhân tự phấn đấu, phát triển và hoàn thiện bản thân, từ đó góp sức vào công cuộc xây dựng nước nhà.

Trên thực tế, vẫn còn một số người không có chính kiến riêng, chỉ biết làm theo người khác, thành ra dễ bị người xấu lợi dụng. Có những bạn học sinh bị rủ rê, dần hình thành các thói quen xấu như uống rượu bia, chơi cờ bạc, sử dụng chất kích thích,... Thậm chí, họ còn dễ rơi vào vòng lao lí, tự hủy hoại tương lai của bản thân. Mặt khác, có người lại tự chủ một cách thái quá, luôn chỉ tập trung vào quan điểm của mình mà bác bỏ ý kiến người khác đưa ra. Đó đều là những mặt trái cần được con người nhanh chóng khắc phục.

Vậy, để trở nên tự chủ, mỗi cá nhân cần không ngừng rèn luyện. Hãy bắt đầu ngay từ những việc nhỏ nhất, nỗ lực dựa trên chính khả năng của bản thân, tránh phụ thuộc vào người khác. Có như vậy con người mới dần hoàn thiện, đóng góp nhiều giá trị cho sự phát triển của xã hội.

Nhìn chung, tính tự chủ là hành trang không thể thiếu trên con đường trưởng thành của mỗi người. Hãy phát triển điều đó sao cho thật phù hợp, hiệu quả, mang lại nhiều ý nghĩa cho bản thân và cộng đồng.

5+ Nghị luận về tính tự chủ (điểm cao)

Dàn ý Nghị luận về tính tự chủ

1. Mở bài

Dẫn dắt và giới thiệu vấn đề nghị luận: tính tự chủ.

2. Thân bài

a, Giải thích:

Tự chủ là làm chủ chính cuộc sống, định hướng tương lai của bản thân.

Tự chủ là biết cách điều chỉnh hành vi, nhận thức, thái độ của bản thân sao cho phù hợp với hoàn cảnh và các đối tượng xung quanh.

b, Biểu hiện:

Tự chủ được biểu hiện ở nhiều khía cạnh: trong học tập, công việc, cuộc sống,...

Người tự chủ biết ý thức rõ về nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi của bản thân.

Khi gặp khó khăn, người tự chủ thường kiểm soát cảm xúc tốt, từ đó tỉnh táo tìm ra hướng giải quyết cho vấn đề mình gặp phải.

Người tự chủ biết cách nắm bắt cơ hội, không ngừng nâng cao giá trị bản thân.

c, Ý nghĩa:

Mang đến định hướng rõ ràng, thực tế cho mỗi cá nhân.

Giúp con người gia tăng sự tự tin, dũng cảm đối diện với các vấn đề trong cuộc sống.

Giúp rèn luyện tư duy, hành động, lời nói, thái độ văn minh, phù hợp, chuẩn mực.

Góp phần xây dựng xã hội lành mạnh, tiến bộ.

d, Liên hệ thực tế:

Có trường hợp thiếu tự chủ, dễ bị những yếu tố bên ngoài thu hút, làm xao nhãng công việc, học tập.

Có người không có chính kiến riêng, luôn làm theo sự sắp xếp của người khác.

Có người do quá tự chủ dẫn đến cứng nhắc, tự tách mình khỏi cộng đồng.

e, Bài học nhận thức và hành động:

Mỗi người cần rèn luyện sự tự chủ ngay trong những việc làm nhỏ nhất.

Nỗ lực dựa trên khả năng của bản thân, tránh phụ thuộc quá nhiều vào người khác.

Có sự giáo dục, định hướng của gia đình, bạn bè, nhà trường từ sớm.

3. Kết bài

Khẳng định lại vấn đề nghị luận.

Nghị luận về tính tự chủ - mẫu 2

Raymond đã từng viết rằng: “Chiến thắng là một bông hoa khắt khe không dành cho tất cả các mảnh đất. Nó chỉ nở dưới ánh mặt trời của ý chí”. Muốn có được thành công và làm chủ cuộc sống không có cách nào khác là phải tự làm chủ bản thân mình. Hãy đặt tương lai vào bàn tay của chính bạn, đừng tìm kiếm nguồn hi vọng hay sức mạnh từ một nơi nào khác. Tự chủ bản thân sẽ giúp bạn làm chủ sự nghiệp và làm chủ cuộc đời.

Tự chủ bản thân là làm chủ chính bản thân mình, luôn ý thức được những gì mình đang làm và luôn biết tự điều chỉnh hành vi đúng mực và phù hợp với thế giới xung quanh. Tự chủ bản thân còn là làm chủ được những suy nghĩ, tình cảm, hành vi của mình, bình tĩnh, tự tin trong mọi hoàn cảnh.

Người có ý thức tự chủ bản thân luôn biết kiềm chế cảm xúc, bình tĩnh, tự tin trong mọi tình huống. Họ không bao giờ nao núng hay hoang mang trước những khó khăn. Lúc nào họ cũng giữ lấy chính kiến, không bị ngả nghiêng, lôi kéo trước những áp lực tiêu cực là biết tự ra quyết định cho bản thân.

Mỗi cá nhân sống trong cộng đồng đều có sự ràng buộc lẫn nhau. Nếu bạn không tự vươn lên làm chủ bản thân, làm chủ sức lao động và đời sống của mình thì sẽ luôn phải sống phụ thuộc vào người khác. Mặt khác, cuộc sống luôn ẩn chứa nhiều bất trắc.

Tính tự chủ rất cần thiết vì trong cuộc sống con người luôn luôn gặp những tình huống đòi hỏi phải có sẵn sự đúng đắn phù hợp. Nếu chẳng may bạn lạc vào rừng rậm, nếu không làm chủ được bản thân sao bạn có thể làm chủ được hoàn cảnh mà thoát ra khỏi chốn hiểm nguy đó. Nếu sau mày bạn tốt nghiệp đại học, bạn cần có tiền để trang trải cuộc sống và thực hiện ước mơ, bạn sẽ tự khởi nghiệp làm giàu hay đi làm thuê cho người khác? Năng lực bao năm tích lũy và rèn luyện của bạn bỗng chốc thuộc về người khác để nhận lại những đồng tiền công tầm thường nếu bạn không biết làm tư chủ bản thân.

Tính tự chủ giúp con người tránh được những việc làm sai trái, tinh thần trở nên sáng suốt. Từ đó lựa chọn cách thức hiện mục đích hiệu quả cho cuộc sống của mình. Trong tình huống bất ngờ hay khó khăn nào đó, nếu bạn không thể bình tĩnh được, bạn thường có những hành động sai lầm. Hành động sai lầm sẽ đẩy bạn vào tình trạng tệ hại hơn. Bạn cần biết cách tự chủ cảm xúc của mình để bạn có thể bình tĩnh. Chỉ trong lúc bình tĩnh, bạn có thể đưa ra quyết định đúng đắn, giúp bạn thoát ra khỏi những rắc rối.

Nhờ tính tự chủ mà con người biết sống đúng đắn và biết cư xử có đạo đức, có văn hóa. Khi bạn đã có thể tự chủ bản thân mình, bạn sẽ quyết định mọi thứ có liên quan đến mình mà hoàn toàn không phụ thuộc vào một ai khác. bạn tự chủ nên bạn sẽ tự tin hơn. Không có gì phải e ngại khi bạn không có gì phải giấu kín, không việc gì bạn phải lảng tránh. Bạn hoàn toàn tự quyết định và chịu trách nhiệm về những quyết định của mình.

Tính tự chủ giúp ta đứng vững trước những tình huống khó khăn và những thử thách hay cám dỗ của cuộc đời. Bởi một khi bạn tin tưởng và làm chủ được bản thân mình, không có gì có thể làm lay chuyển được bạn. Đó là nguồn sức mạnh quý giá giúp bạn vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Mặt khác, nó còn giúp bạn trở nên sáng suốt hơn trước những cám dỗ của cuộc đời luôn phô bày trước mắt. Tự chủ bản thân chính là nguồn sức mạnh vô giá giúp bạn thành công.

Người biết tự chủ bản thân luôn hành động tự tin và quyết đoán bởi họ nắm vững năng lực bản thân và tin chắc vào những việc mình làm. Bởi thế, người có ý thức tự chủ bản thân luôn được người khác tin cậy và thành công trong cuộc sống. Nếu mọi người đều biết tự chủ, biết xử sự theo những chuẩn mực tốt đẹp thì xã hội sẽ ngày càng văn minh tiến bộ hơn.

Tự chủ bản thân là phẩm chất quý giá luôn có ở mỗi con người. Nhưng không phải lúc nào nó cũng lớn mạnh. Bởi thế, ta phải không ngừng rèn luyện nó, biến nó thành sức mạnh làm chủ bản thân.

Nếu muốn thực sự làm chủ bản thân, không có cách nào khác là bạn cần phải tự tin, tự hoàn thiện bản thân mình, gây dựng một sự nghiệp vững chắc cho chính mình. Chính con đường học tập sẽ là bệ phóng đưa bạn đến làm chủ bản thân mình. Tri thức chính là công cụ hữu hiệu nhất để bạn làm chủ thế giới. Một khi bạn có nhiều nguồn sức mạnh hỗ trợ, bạn mới có thể làm chủ bản thân mình như bạn mong muốn. Chẳng hạn như Bill Gate hay Steve Jobs, những con người dám vượt thoát khỏi những ràng buộc và định kiến của xã hội để tự chủ bản thân, tự chủ sự nghiệp của mình.

Luôn có ý thức rèn luyện làm chủ những suy nghĩ, tình cảm và hành vi của bản thân trong các hoạt động, các tình huống, hoàn cảnh của cuộc sống hàng ngày. Trước hết là làm chủ cảm xúc và lời nói. Trước những biến động vô chừng của cuộc sống, cảm xúc của con người cũng không ngừng lay động và biến đổi theo. Đừng để những gì xảy ra trước mắt điều hướng cảm xúc của bạn theo chiều hướng xấu.

Hãy làm chủ lời nói của mình. Biết nói lời chân thật, đừng quá nhiều lời cho những việc không cần thiết. Hãy suy nghĩ trước khi nói và dũng cảm chịu trách nhiệm về lời nói của mình.

Tự tin trong học tập và các hoạt động tập thể. Luôn kiên định thực hiện và bảo vệ cái đúng, cái tốt. Không bị lôi kéo bởi đám đông, không a dua theo bạn bè xấu làm điều không đúng (chia bè phái, mất đoàn kết, trốn học, bỏ học, tham gia vào các tệ nạn xã hội…).

Sống có khát vọng cao đẹp, có ước mơ, hoài bão lớn lao hướng đến tương lai, vươn đến chân – thiện – mĩ. Luôn tin tưởng và làm chủ bản thân mình. Có lỗi lầm thì phải sửa chữa. Tích cực làm việc nuôi sống bản thân, không được dựa dẫm vào người khác. Xây dựng lối sống trong sạch, vững mạnh và hòa hợp với cộng đồng.

Tự chủ bản thân là cách để bước đến cuộc sống độc lập, không phụ thuộc hay bị ràng buộc. Thế nhưng, trong cuộc sống, vẫn còn có nhiều người không có ý thức tự chủ bản thân. Họ ít khi nghĩ đến việc phải tự làm một công việc nào đó mà luôn chờ đợi sự sai bảo. Họ luôn sống dựa dẫm và phụ thuộc vào người khác. Họ cũng không tự giác gánh vác một trách nhiệm nào và càng không muốn chịu trách nhiệm về bất cứ điều gì. Bởi thế, họ luôn là người có cuộc sống bình thường, thậm chí là thất bại trong cuộc sống. Những người như thế thật đáng chê trách.

Tự chủ bản thân là bước đầu hình thành đức tính tự lập. Người có tính tự lập sẽ làm chủ được sự nghiệp, làm chủ cuộc đời. Chỉ những ai biết tự chủ bản thân thì mới thực sự được tự do.

Kinh Phật có nói: “Ưng vô sở trụ, nhi sinh kì tâm”. Nghĩa là trong trời đất không có chỗ nào là điểm tựa của các hiện tượng, tất cả đều do tâm ta mà ra. Bởi thế, không có sự cao quý nào cao quý hơn ý chí làm chủ bản thân mình. Bạn không cần làm chủ bất cứ ai mà hãy làm chủ suy nghĩ, tình cảm, năng lực và tất cả những gì bạn đang có. Bạn sẽ phát hiện ra rằng bạn cũng có rất nhiều thứ để quan tâm, để bảo vệ và làm cho nó có giá trị hơn. Đôi khi ta lại quên điều đó và tìm kiếm những giá trị không thuộc về mình để rồi chán nản và thất vọng. Hãy tập làm chủ bản thân ngay từ bây giờ để ngày mai bạn có thể làm chủ cả cuộc đời mình trong hạnh phúc và viên mãn.

Nghị luận về tính tự chủ - mẫu 3

Trong kho tàng tục ngữ, ca dao của Việt Nam có câu ca dao sau: “Dù ai nói ngả nói nghiêng, lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân”. Câu ca dao này có ý biểu đạt khi con người đã có quyết tâm, thì dù bị người khác buông lời gièm pha, ngăn trở cũng vẫn vững vàng không thay đổi ý định của mình. Khi bạn nhận ra số phận, tương lai của bản thân đều được nắm trong lòng bàn tay của chính mình thì bạn sẽ trở nên mạnh dạn và tự tin hơn bao giờ hết. Xã hội đầy thị phi, nhưng “tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến”, vẫn vững vàng hướng về phía trước thì bạn sẽ dễ dàng đạt được thành công hơn nhiều. Đừng trông chờ vào một ai hay tìm kiếm hy vọng từ một nơi nào khác. Điều chúng ta cần làm là hãy biết kiểm soát sự việc và mạnh mẽ nắm lấy tương lai của chính mình trong lòng bàn tay. Tuy nhiên, để làm được điều đó, chúng ta cần phải phát huy được tính tự chủ – một trong những phẩm chất quý giá của con người. Đây cũng là một đức tính rất cần thiết trong việc khám phá và phát triển bản thân. Vậy thì, tính tự chủ là gì?

Khi nói đến tính tự chủ thì chắc là ai cũng mơ hồ nhận ra rằng, tự chủ là tự điều khiển mọi công việc của mình mà không cần phải phụ thuộc vào một ai. Đúng vậy, những câu trả lời đó vẫn còn chứa nhiều điều ẩn ý. Cho nên, để cho mọi người không có cái nhìn sai lầm về tự chủ thì bây giờ, chúng ta hãy cùng đào sâu vào khái niệm của tính tự chủ để nắm rõ về bản chất của nó cũng như đưa ra được định hướng đúng đắn trong việc phát huy đức tính tốt này nhé! Tự chủ là tự làm chủ chính bản thân mình, luôn ý thức được việc mình đang làm như là tự làm chủ được những suy nghĩ, hành vi, tình cảm của mình và luôn tự tin, bình tĩnh trong mọi hoàn cảnh, và đương nhiên tính tự chủ ấy còn bao gồm việc biết điều chỉnh hành vi đúng mực và phù hợp với mọi người, mọi vật xung quanh nữa. Bởi vì tự chủ là một đức tính tốt đẹp dựa trên chuẩn mực của đạo đức. Và vì vậy nên, mỗi người chúng ta ai ai cũng cần rèn luyện để phát huy và duy trì tính tự chủ.

Tính tự chủ được biểu hiện qua nhiều tình huống xảy ra trong cuộc sống hằng ngày. Ví dụ như khi bạn bình tĩnh suy nghĩ để đưa ra phương án giải quyết cho một sự việc gặp lỗi sai sót. Bạn biết cách điều chỉnh hành vi đúng đắn để ứng phó với tình huống chứ không hoang mang, lo sợ và cuối cùng hùa theo cách giải quyết thô lỗ của một ai đó. Hoặc là khi bạn biết tự kiểm điểm những việc làm sai trái mà mình đã phạm phải mà không cần ai thôi thúc. Tự chủ là khi bạn làm chủ được cảm xúc của mình, không “giận quá mất khôn” để rồi xảy ra những tình huống tranh cãi không đáng có với đồng nghiệp, bạn bè hay bất kính với cha mẹ hoặc người lớn tuổi. Tự chủ còn là khi bạn ở một độ tuổi nhất định, độ tuổi tự lập không cần phải dựa dẫm vào những đồng tiền quý giá mà cha mẹ vất vả làm ra. Hoặc là những việc lớn hơn mang lại niềm hạnh phúc và sự công bằng cho mọi người như việc “Xóa bỏ chế độ nô lệ” của cựu Tổng thống Mỹ – Abraham Lincoln. Ông được sinh ra trong một gia đình nghèo khó, nhưng ông lại rất hiếu học, ông thích đọc sách đến nỗi những người hàng xóm cho rằng ông cố tình làm vậy để tránh phải làm việc chân tay nặng nhọc. Ông còn tự miêu tả tuổi trẻ của mình trong một mục tự truyện – ở lứa tuổi 20, rời bỏ vùng rừng núi hẻo lánh để tìm đường tiến vào thế giới – như là “một gã trai kỳ dị, không bạn bè, không học thức và không một xu dính túi”. Và trong khoảng năm 22 tuổi, trong lúc làm việc ông lần đầu tiên chứng kiến tận mắt tệ nạn nô lệ. Và sau nhiều năm tự học và trở thành một luật sư, ông đã tham gia vào chính trường và trở thành một nhà lãnh đạo trong Đảng Cộng hòa, ông đã tham gia vào một cuộc tranh luận năm 1858 với chính trị gia khác. Ông tranh cử Tổng thống năm 1860, giành chiến thắng toàn diện tại miền Bắc nước Mỹ. Ông tranh cử Tổng thống là với quyết tâm mong muốn xóa bỏ chế độ nô lệ đang được áp dụng tại miền Nam, đương nhiên ông không nhận được sự ủng hộ từ các phần tử ủng hộ chế độ nô lệ và những phần tử ấy còn ly khai khỏi liên bang để gây khó dễ cho ông, thậm chí là nhiều lần ám sát ông. Nhưng vì hạnh phúc và tự do của mọi người cho nên ông vẫn không hề bỏ cuộc, và sau bao cuộc chiến tranh dài suốt mấy năm trời, cuối cùng Lincoln cũng đã lãnh đạo đất nước vượt qua Nội chiến Hoa Kỳ, cuộc khủng hoảng đạo đức, văn hóa, hiến pháp và chính trị lớn nhất của quốc gia này. Ông đã thành công trong việc bảo tồn Liên minh, xóa bỏ chế độ nô lệ, củng cố chính phủ liên bang và hiện đại hóa nền kinh tế Hoa Kỳ. Qua đó chúng ta có thể thấy được, sự tự chủ dựa trên đạo đức của ông đã mang lại bao điều tốt đẹp cho cả một đất nước.

Tuy nhiên, hiện thực cho thấy vẫn còn nhiều người chưa ý thức được tính tự chủ này. Nhiều bạn học sinh thay vì dành thời gian ra để học tập, rèn luyện tri thức thì lại bỏ thời gian ra để nhắn tin, lướt facebook, chơi game, đi học không nghe giảng, về nhà không làm bài tập, những bạn học sinh ấy vẫn chưa có ý thức cũng như chưa xây dựng được tính tự chủ để tự đốc thúc, rèn luyện bản thân hướng về con đường học hành. Tệ hơn là có những bạn học sinh có lập trường không vững vàng, quan điểm nông cạn bị người xấu dụ dỗ tham gia vào các tệ nạn xã hội như hút cần sa, cờ bạc, gây thù chuốc oán, đánh nhau khắp nơi. Vậy mới thấy sự quan tâm của gia đình và sự giáo dục của nhà trường là quan trọng như thế nào. Không chỉ ở các bạn học sinh, mà ngay cả những thanh niên cũng vậy. Họ ít khi tự chủ động làm một công việc nào đó mà luôn chờ đợi sự sai bảo từ cha mẹ hay cấp trên. Họ cũng không muốn gánh vác một trách nhiệm nào và càng không muốn chịu trách nhiệm về bất cứ việc gì. Hay là với những trường hợp “Anh hùng bàn phím” ở trên các trang mạng xã hội. Khi thấy báo đăng về diễn viên A, ca sĩ B như thế này, thế nọ, hoặc là một người bình thường nào đấy vô tình bị đưa lên mạng với mục đích mua vui, tố cáo,…. thì có một bộ phận “dân cư mạng” chưa hiểu rõ thực hư, chưa tìm hiểu sự thật, sự việc là như thế nào liền lên tiếng chửi rủa, mạt sát họ với những lời lẽ thô tục, thiếu văn hóa, những người đó thay vì biết làm chủ suy nghĩ, lời nói, hành động trong tình huống chưa rõ thực hư thì lại hùa theo những người bất lịch sự phía trước, tạo nên một bộ phận vô văn hóa, thiếu đạo đức, gây ảnh hưởng đến sự định hướng đúng đắn về sự việc của những đứa trẻ tiếp xúc sớm với mạng xã hội. Những trường hợp như vậy thật đáng chê trách. Không chỉ vậy, chúng ta có thể dễ dàng thấy được một số bạn trẻ thời nay không năng động, không dám chủ trương bất cứ một việc gì, cho dù là việc nhỏ nhất cũng không dám tự đưa ra quyết định. Thực ra, việc bị gia đình bao bọc, hay khắt khe quá mức là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến vấn đề không có tính tự chủ của con trẻ. Khi bị “quản” quá mức như con nhất định phải đi học thêm ở chỗ này chỗ kia, ngày nghỉ cũng không được nghỉ ngơi mà phải tranh thủ cắp sách đi học. Hoặc là bác bỏ những sáng tạo, những ý kiến của con trong một sự việc nào đó như không cho con trẻ chơi ngoài cát vì nó rất bẩn, không được mặc những bộ đồ hình siêu nhân hay công chúa vì nó không được đứng đắn, tử tế và thay vào đó là những bộ đồ nghiêm túc. Còn có những gia đình hết sức nghiêm khắc với con cái “đã là phận con thì không được ý kiến, chỉ có thể làm theo sự sắp xếp của bố mẹ”, và rồi những ước mơ, những sở thích của con cái đều bị thay thế bởi kỳ vọng của bố, mẹ đặt ra.

Cũng chính vì vậy mà những bạn trẻ ấy không thể tự làm chủ được cuộc sống của mình, sau này khi bước chân ra xã hội cũng chỉ là những con người thụ động, không dám đưa ra ý kiến, không dám lên tiếng, không biết vươn lên, không biết cố gắng và chỉ biết chờ đợi sai bảo và nếu cứ bị chìm nghỉm trong “vòng vây tăm tối” ấy thì sẽ dẫn tới suy nghĩ, sự sáng tạo, cách nói chuyện dần dần bị bào mòn. Và những trường hợp trên nếu không dám cho bản thân một cánh cửa để bước ra ngoài thì sẽ khó mà gặt hái được thành công, tương lai vẫn sẽ mù mịt như lúc ban đầu.

Như vậy mới thấy, tính tự chủ quan trọng như thế nào đối với quyết định định hình hướng đi đúng đắn của con người. Cho nên chúng ta phải học cách rèn luyện ý thức tự chủ của mình. Xã hội này là muôn hình vạn dạng, cuộc sống luôn ẩn chứa những điều bất trắc. Cho nên, nếu bạn không tự vươn lên làm chủ bản thân, làm chủ cuộc sống của mình thì sẽ luôn phải sống dựa dẫm vào người khác. Để có thể thành công thì tính tự chủ rất là cần thiết. Bởi tự chủ giúp chúng ta bình tĩnh đối mặt với sự việc, tự tin với việc làm của mình khiến tinh thần trở nên sáng suốt hơn, tự chủ còn giúp ta tránh được những việc làm sai trái, đi ngược lại với phẩm chất, đạo đức của con người, biết tự chủ còn giúp ta điều chỉnh được cảm xúc của mình để tránh khỏi những tranh cãi, những rắc rối không đáng có. Không những vậy, người có tính tự chủ sẽ luôn vững vàng, kiên trì trước sóng gió vì bạn tự tin, nắm rõ năng lực của bản thân và biết chịu trách nhiệm cho hành động của mình, khi bạn có tính tự chủ, bạn cũng sẽ được mọi người xung quanh tin tưởng, nể phục. Nếu mọi người đều xây dựng tốt tính tự chủ, biết xử sự theo những chuẩn mực tốt đẹp thì xã hội sẽ được phát triển theo hướng tích cực và văn minh hơn.

Và tính tự chủ cần phải được rèn luyện theo năm tháng để duy trì và rồi dần dần trở thành một trong những phẩm chất của riêng mình, giúp nhân cách được hoàn thiện hơn. Để rèn luyện được tính tự chủ, bạn có thể bắt đầu từ những việc nhỏ như thời gian biểu hôm nay của mình sẽ diễn ra theo hướng nào, hoặc bắt đầu bằng cách lựa chọn món ăn mình thích. Trước khi đưa ra một quyết định gì đó hãy suy nghĩ thận trọng xem hành động đó có phù hợp không, đúng hay sai trong tình huống đó. Trước khi nói cũng phải suy nghĩ, suy nghĩ để đưa ra lời nói rành mạch, rõ ràng để người nghe hiểu được ý bạn muốn biểu đạt, suy nghĩ trước khi nói để tránh những trường hợp như lỡ lời, lỗ mãng xuất hiện và cũng hãy biết dũng cảm chịu trách nhiệm cho mỗi lời nói của mình. Chúng ta cũng nên biết rút kinh nghiệm và sửa chữa những lỗi lầm qua những việc đã xảy ra, để lần sau không vướng phải những việc như thế nữa. Luôn tự tin và kiên định trong học tập, công việc, biết nhìn nhận và bảo vệ cái đúng, tránh việc bị dắt mũi bởi tin tức vô lý hoặc hùa theo đám đông. Tích cực lao động để nuôi sống bản thân, tránh việc dựa dẫm vào gia đình hoặc những người khác.

Tuy nhiên, có vài người lại hiểu sai về khái niệm của tính tự chủ này và rồi sống với suy nghĩ lệch lạc ấy, vô tình làm ảnh hưởng đến tương lai và cả những người xung quanh. Những người ấy hiểu tính tự chủ là luôn hành động theo ý của mình mà không cần để ý đến cảm nhận hay hoàn cảnh của những người xung quanh. Thực ra, bạn khó mà đạt được kết quả tốt nếu không nhờ sự dạy dỗ của thầy cô, bạn không thể hòa hợp với tập thể nếu không có bạn bè, bạn không thể thành công việc nếu không có sự phối hợp nhịp nhàng, ăn ý của đồng nghiệp. Để công việc đạt được hiệu quả cao thì chúng ta cần phải gắn bó với nhau nhiều hơn. Cho nên, dù là một cá nhân đơn lẻ, thì là người tự chủ cũng không thể làm mọi việc mà không quan tâm đến hoàn cảnh và mọi người xung quanh được. Nếu cứ sống và làm theo ý mình mà không quan tâm đến mọi người thì rất dễ trở thành một con người cổ hủ, bảo thủ. Thay vào đó chúng ta hãy xây dựng tính chủ bằng cách nhận sự khuyên bảo từ cha mẹ, nhận góp ý từ bạn bè, đồng nghiệp để dần hoàn thiện được tính tự chủ tích cực.

Bạn không cần phải làm chủ cũng không nên làm chủ cho bất cứ ai, mà hãy tự làm chủ bản thân mình, làm chủ cuộc đời mình. Tính tự chủ là một đức tính quý giá, đóng góp và thúc đẩy bản thân phát triển và thành công hơn trong cuộc sống. Ngoài ra hãy lan truyền đức tính này đến mọi người xung quanh để cộng đồng được hướng đến lối hành xử văn minh, đạo đức khiến cho “tâm hồn của đất nước” ngày càng phát triển vững mạnh và hoàn thiện hơn.

Mục lục Văn mẫu | Văn hay 9 theo từng phần:


Giải bài tập lớp 9 sách mới các môn học