Hãy bàn luận câu: Tuổi trẻ cần có thói quen đẹp, đó là đọc sách ...



Đề bài: Hãy bàn luận câu nói sau: "Tuổi trẻ cần có thói quen đẹp, đó là đọc sách. Có say mê đọc sách mới có thể trở thành một nhân cách văn hóa trong tương lai."

   Nói về tầm quan trọng của việc đọc sách, có ý kiến cho rằng : "Tuổi trẻ cần có thói quen đẹp, đó là đọc sách. Có say mê đọc sách mới có thể trở thành một nhân cách văn hóa trong tương lai."

   Thế nào là thói quen đẹp? Thói quen là lối sống, cách sống hay hoạt động lo lặp đi lặp lại lâu ngày thành quen, thành nếp, khó thay đổi. Có thói quen xấu như nói leo, vừa nói vừa múa tay… Lại có thói quen đẹp như cất mũ, cúi đầu chào; rửa tay bằng xà phòng khi đi học về, hoặc trước khi ăn cơm, đọc sách, xem báo hằng ngày ...

   Tại sao tuổi trẻ cần có thói quen đẹp, đó là đọc sách? Đọc sách là một nếp sống văn hóa, là một hoạt động, là một hình thức tự học. Khi việc đọc sách đã trở thành thói quen thì đó là một thói quen đẹp. Đọc sách đã trở thành một nhu cầu , hoặc để giải trí, hoặc để thưởng thức cái đẹp của thơ văn, hoặc để học tập, nghiên cứu. Sách giáo khoa Toán, Lý, Hóa, Vă, Sử, Địa, Ngoại Ngữ ... là người thầy, người bạn của học sinh (theo từng lớp học, cấp học). Ngoài sách giáo khoa còn có sách tham khảo. Học ở thầy, học ở bạn, học ở cuộc sống xã hội "Đi một ngày đàng học một sàng khôn", cũng chưa đủ, mà còn phải đọc sách. Đọc sách để tự học, để nghiên cứu mở rộng và chuyên sâu.

   Thói quen đọc sách của tuổi trẻ đã thể hiện đức tính hiếu học, đã biết tận dụng thì giờ cho việc tự học vươn lên, không chịu thua kém trước bạn bè, thể hiện một tinh thần ham hiểu biết, cầu tiến bộ. Có ai bảo rằng lêu lổng chơi bời là thói quen đẹp bao giờ đâu.

   Khi đọc sách đã trở thành một thói quen đẹp thì tuổi trẻ cần biết chọn sách tốt, sách hay để đọc, phải biết rèn luyện phương pháp đọc sách. Nghĩa là không đọc xô bồ, không đọc qua loa, mà phải vừa đọc vừa suy nghĩ, nghiền ngẫm, đọc có ghi chép, đọc để học tập và ứng dụng.

   Ở Trung Quốc, Tể tướng Hàn Hoành lúc nhỏ xin làm tiểu đồng cho đại gia để được xâm nhập vào kho sách mà đọc sách; đọc sách đến quên ăn quên ngủ. Ở ta, nhà bác học Lê Quý Đôn trong thế kỉ 18, rất thông minh, hiếu học, thuở nhỏ nổi tiếng thần đồng, năm 13 tuổi đã đọc hết Tứ thư, Ngũ kinh…

   Qua đó, ta mới thấy rõ, đọc sách cần trở thành một thói quen đẹp của tuổi tre, của thanh thiếu niên, nhi đồng. Đừng lãng phí thời gian! Đừng ăn chơi đua đòi, lêu lổng!

   Thế nào là nhân cách văn hóa? Nhân cách là tư cách, phẩm chất con người. Nhân cách văn hóa là nhân cách của con người có học vấn, có đạo đức tốt đẹp. Trái với nhân cách văn hóa là tư cách mõ như nhà văn Nam Cao đã viết, đã cho biết!

   Tại sao có say mê đọc sách mới có thể trở thành một nhân cách văn hóa trong tương lai? Cần chú ý hai chữ "có thể", vì có người say mê đọc sách, nhưng chỉ trở thành "con mọt sách" vô tích sự ! Làm bất cứ công việc gì cũng cần có mục đích và phương pháp. Say mê đọc sách để học hỏi, để vận dụng, để tích lũy kiến thức (văn hóa, ngoại ngữ, khoa học kĩ thuật), để nâng cao tầm văn hóa, học vấn cho bản thân. Đọc sách ngày hôm nay, thời trẻ để làm ăn cho ngày mai, khi bước vào đời. Đọc sách còn để tu dưỡng đạo đức, tu dưỡng tinh thần. Có như vậy thì mới hữu ích, mới thiết thực, đọc sách hôm nay để trở thành nhân cách văn hóa trong tương lai.

   Đọc sách đâu chỉ để khoe mẽ có cái bằng này cái bằng nọ mà là đem cái thực học phục vụ lao động, hiến dâng tài, đức cho nước, cho dân.

   Tóm lại, việc đọc sách rất quan trọng. Đọc sách phải trở thành một thói quen đẹp, một nếp sống đẹp. Đọc sách để tự học, để vận dụng trong lao động sáng tạo khi bước vào đời. Văn hóa đọc sách phải chiếm lĩnh tâm hồn tuổi trẻ. Xin được cùng các bạn trẻ đọc và suy ngẫm hai câu thơ của Nguyễn Trai trong "Quốc âm thi tập":

"Án sách cây đèn hai bạn cũ,
Hiên mai, song trúc một lòng thanh."

Xem thêm các bài văn mẫu lớp 9 hay khác:

Mục lục Văn mẫu | Văn hay 9 theo từng phần: