5+ Dàn ý Thuyết minh một cảnh đẹp quê hương (hay, ngắn gọn)



Đề bài: Dàn ý Thuyết minh về một cảnh đẹp quê hương em

Dàn ý Thuyết minh về một cảnh đẹp quê hương em

1. Mở bài

   - Giới thiệu về cảnh đẹp quê hương: khu du lịch Tràng An

   - Đưa ra một vài nhận xét chung về cảnh đẹp đó: nơi hội tụ vẻ đẹp của sông núi, hang động; là một điểm du lịch hấp dẫn.

2. Thân bài

a, Giới thiệu về vị trí của cảnh đẹp

   - Tràng An nằm cách trung tâm thành phố Ninh Bình 7km về hướng Tây.

   - Cách di chuyển: gia đình em và các đoàn du lịch hay tới đây bằng xe ô tô, có nhiều cô chú, anh chị đi phượt bằng xe máy.

b, Những nét đặc sắc ở nơi đây

   - Về thiên nhiên:

   + Quần thể Tràng An – Tam Cốc rất rộng: hơn 6000 héc-ta.

   + Có hệ thống núi đá vôi lâu đời, khoảng 250 triệu năm, núi bao quanh hồ.

   + Có nhiều thung lũng, hồ, hang động: 31 hồ đầm, 48 hang động, trong đó có nhiều hang dài đẹp như Địa Linh, hang Mây… Bên trong hang, những nhũ đá vôi chảy xuống tạo thành nhiều hình thù đẹp mắt: hình con rùa, hình bầu sữa mẹ… Và còn rất nhiều hang khác với những tên gọi gắn liền với truyền thuyết như hang Nấu Rượu, hang Cơm…

   + Điểm đặc biệt: hệ thống hang động thông nhau, có thể đi tham quan Tràng An theo đường thủy thành một vòng khép kín.

   + Ngoài đầm hồ, còn có nhiều rừng ngập mặn, rừng núi đá vôi: có thể đi tham quan bằng đường bộ, leo núi.

   - Về con người: con người nơi đây thật thà, mến khách; những người chèo thuyền đưa khách đi tham quan chính là những hướng dẫn viên du lịch am hiểu lịch sử địa phương.

c, Giá trị văn hóa, lịch sử

   - Quá khứ: khi Đinh Bộ Lĩnh lập lên nhà Đinh, đóng đô ở Hoa Lư, Tràng An chính là Thành Nam của kinh đô, với núi rừng, ao hồ trùng điệp tạo thành lá chắn che chở cho kinh đô.

   - Hiện nay:

   + Được UNESCO công nhận là di sản thế giới: niềm tự hào của đất nước.

   + Là nơi bảo tồn thiên nhiên; là một trong những nơi phật giáo phát triển (chùa Bái Đính), được chọn làm nơi diễn ra nhiều lễ hội Phật pháp của quốc gia và khu vực.

   + Là một trong các địa điểm du lịch nổi tiếng thu hút khách du lịch, giúp phát triển kinh tế, du lịch, văn hóa quê hương.

3. Kết bài

   - Nêu cảm nghĩ: rất vui, tự hào về cảnh đẹp của Tràng An; thêm yêu mến quê hương đất nước; sẽ nỗ lực gìn giữ và đưa hình ảnh Tràng An ra giới thiệu với nhiều bạn bè trong nước và quốc tế.

Thuyết minh về một cảnh đẹp quê hương em - mẫu 1

Cực bắc của đất nước ta, nơi có hơn 22 dân tộc anh em sinh sống hòa thuận, nơi có những địa danh được nhiều người biết đến như suối nước khoáng Thanh Hà, cửa khẩu Thanh Thủy, cột cờ Lũng Cú,… Hà Giang đã và đang là điểm đến của nhiều du khách.

Hà Giang là một tỉnh nằm ở phía Đông Bắc, cách Hà Nội hơn 300km theo quốc lộ số 2. Hà Giang có đường biên giới giáp với Trung Quốc, có cửa khẩu Thanh Thủy thông thương với nước bạn. Đến nơi đây bạn sẽ được ngắm cảnh thiên nhiên hùng vĩ, những thác nước, các hang động.

Bạn còn được ăn những món ăn như mèn mén, cơm lam, cơm xôi. Đi chợ phiên, bạn sẽ được ngắm các cô thiếu nữ dân tộc trong bộ váy áo lộng lẫy, thấy từng đàn ngựa thồ hàng nối đuôi nhau xuống chợ. Đến chợ, những trái cam, quýt Hà Giang chín mọng sẽ làm bạn quên đi cơn khát và sự mệt mỏi.

Đi sâu vào trong rừng, bạn sẽ được mắt thấy, tai nghe tiếng chim kêu vượn hót, ngắm nhìn đàn khỉ, đàn vọc leo trèo thoăn thoắt. Đi vào các hang động bạn sẽ được thấy các bức tượng do nhũ đá tạo thành rất đẹp, thấy những đàn dơi treo mình trên vách hang, thấy cua đá, ốc cạn sống trong hang.

Rừng cây ở đây xanh tươi quanh năm, là nơi trú ngụ của nhiều loài thú, chim chóc, các loài sinh vật, thực vật. Nhiều loại thực vật được dùng làm dược liệu quý. Nếu bạn leo lên đến đỉnh núi cao, phóng tầm mắt ra xa, bạn sẽ thấy cảnh núi cao trùng điệp, xen giữa các dãy núi là thung lũng, nơi sinh sống của các đồng bào dân tộc H’mông, Dao… Bạn sẽ thấy những căn nhà sàn thấp thoáng bên những ruộng bậc thang. Chiều chiều, bạn sẽ được nghe tiếng khèn, tiếng sáo bay lên cùng ngọn khói.

Hà Giang có đủ bốn mùa. Mỗi mùa có đặc trưng riêng. Mùa đông giá rét, sương muối, cảnh vật chỉ một màu trắng xóa. Mùa xuân, núi rừng khoác áo chồi lộc xanh non, hồng tươi sắc hoa đào. Mùa hạ cây trong vườn đơm hoa, kết trái, mang lại vị ngọt cho đời. Mùa thu không khí trong lành, mát mẻ.

Nếu có dịp, mời bạn đến với Hà Giang quê tôi nhé! Hãy đến với “cổng trời”, với một “thành phố ngủ trong rừng” để khám phá thiên nhiên, con người nơi đây.

Thuyết minh về một cảnh đẹp quê hương em - mẫu 2

Mỗi người đều có một nơi để sinh ra, lớn lên, trưởng thành và đi xa thì luôn nhớ về. Nơi đó chính là quê hương. Em cũng có một nơi luôn ở trong trái tim, là mảnh đất này, có ba mẹ, có ông bà, có bạn bè và có cả tuổi thơ tràn đầy những kỉ niệm đáng nhớ nhất. Em yêu quê em, yêu những con người nơi đây đậm nghĩa đậm tình.

Trong suy nghĩ của em thì mỗi một vùng quê đều có một nét riêng đặc trưng không thể lẫn lộn. Con người ở miền quê đó cũng vậy, có tính cách và tình cảm riêng.

Quê hương em có cánh đồng lúa bao la, chạy dài bạt ngàn mà em chưa đi hết. Mẹ bảo đi hết cánh đồng lúa này còn xa lắm nên em chưa dám đi bao giờ. Vào mùa lúa chín màu vàng ươm của lúa khiến cho em có cảm giác như một tấm thảm màu vàng bất tận. Có những chú trâu cần mẫn gặm cỏ trên những triền đê cao và dài. Nơi đó chúng em có thể nằm im và ngắm bầu trời có mây trôi, ngắm mặt trời lặn mỗi khi mặt trời đổ xuống dãy núi cao cao kia.

Quê em còn nghèo nên những con đường bằng bê tông vẫn còn rất ít, phổ biến nhất vẫn là những con đường bằng đất quanh co. Mùi sỏi đá bốc lên hòa vào gió cứ xông thẳng vào sống mũi khiến em cảm thấy quá thân thuộc, dù sau này lớn lên nó cũng không thể xa lạ được.

Mọi người ở quê em ai cũng chăm chỉ làm ăn, quanh năm họ bán mặt cho đất bán lưng cho trời để nuôi con nên người. Họ là những người nông dân chất phác, hiền lành và hiếu khách. Họ luôn quan tâm đến những người xung quanh. Em từng nghe mẹ bảo rằng người dân quê coi trọng tình hàng xóm, chứ không như trên thành phố nhà nào biết nhà đấy. Mẹ bảo bởi vậy mẹ mới thích cuộc sống bình dị ở nông thôn.

Em vẫn thích ngắm nhìn quê em mỗi khi bình minh và khi mặt trời lặn. Vì đây là hai khoảnh khắc đáng nhớ đánh dấu sự bắt đầu một ngày và sắp kết thúc một ngày. Nó khiến cho mỗi người cảm nhận sự thanh bình, không hối hả, chậm rãi và yên tĩnh đến lạ lùng.

Có rất nhiều người đi xa vẫn bảo rằng dù có đi đến bất cứ nơi nào thì quê hương vẫn là nơi mong muốn tìm về nhất. Vì nơi đó có gia đình, có ba mẹ, có tuổi thơ. Và em cũng vậy, em luôn thấy yêu quê hương em rất nhiều.

Thuyết minh về một cảnh đẹp quê hương em - mẫu 3

“Mặt Hồ Gươm vẫn lung linh mây trời, càng toả mát hương hoa thơm Thủ đô…”. Nhắc đến Hà Nội là nhắc đến hình ảnh Hồ Gươm trong xanh và bóng Tháp Rùa nghiêng nghiêng soi dáng. Hồ Gươm cùng quần thể kiến trúc của nó đã trở thành một biểu tượng đẹp đẽ và thiêng liêng về Hà Nội – trái tim hồng của cả nước.

Hồ Gươm đã tồn tại từ rất lâu. Cách đây khoảng 6 thế kỷ, theo những địa danh hiện nay, hồ gồm hai phần chạy dài từ phố Hàng Đào, qua Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt tới phố Hàng Chuối, thông với sông Hồng. Nước hồ quanh năm xanh biếc nên hồ Gươm cũng được gọi là hồ Lục Thuỷ.

Vào thế kỷ XV, hồ được đổi tên thành hồ Hoàn Kiếm. Sự kiện ấy gắn liền với truyền thuyết trả gươm thần cho Rùa Vàng của vị vua khai triều nhà Hậu Lê – người anh hùng của khởi nghĩa Lam Sơn chống lại giặc Minh (1417 – 1427), Lê Lợi. Truyền thuyết kể rằng khi Lê Lợi khởi nghĩa ở Lam Sơn, có người dân mò được một lưỡi gươm, sau đó chính ông nhặt được một cái chuôi ở trong rừng. Khi lưỡi gắn vào chuôi gươm thì thân gươm ánh lên hai chữ “Thuận Thiên” – “Thuận theo ý trời”.

Gươm báu này đã theo Lê Lợi trong suốt thời gian kháng chiến chống giặc Minh. Khi lên ngôi về đóng đô ở Thăng Long, trong một lần nhà vua đi chơi thuyền trên hồ Lục Thuỷ, bỗng một con rùa xuất hiện. Rùa vươn đầu cất tiếng nói: “Xin bệ hạ hãy hoàn lại gươm cho Long Quân”. Lê Thái Tổ hiểu ra sự việc bèn rút gươm khỏi vỏ, giơ gươm ra thì gươm bay về phía con rùa. Rùa ngậm gươm lặn xuống đáy hồ, và từ đó hồ Lục Thuỷ có tên gọi mới là hồ Hoàn Kiếm (trả gươm) hay hồ Gươm.

Chính truyền thuyết đặc sắc này đã khẳng định tấm lòng yêu chuộng hòa bình, ghét chiến tranh của người dân Thăng Long – Hà Nội nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung. Câu chuyện này đã được nhấn mạnh trong ngày lễ Hà Nội đón nhận danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình”

Sau đó, cũng vào thời Lê, hồ còn được dùng làm nơi tập luyện của thuỷ quân nên có lúc được gọi là hồ Thuỷ Quân. Hồ Hoàn Kiếm là một thắng cảnh nổi tiếng của Hà Nội. Quanh hồ trồng nhiều loại hoa và cây cảnh. Đó là những hàng liễu rủ thướt tha, những nhành lộc vừng nghiêng nghiêng đổ hoa soi bóng dưới lòng hồ.

Giữa hồ có tháp Rùa, cạnh hồ có đền Ngọc Sơn có “Đài Nghiên Tháp Bút chưa sờn”… Hình ảnh hồ Gươm lung linh giống như một tấm gương xinh đẹp giữa lòng thành phố đã đi vào lòng nhiều người dân Hà Nội. Người dân Hà Nội sống ở khu vực quanh hồ có thói quen ra đây tập thể dục vào sáng sớm, đặc biệt là vào mùa hè. Họ gọi các khu phố nằm quanh hồ là Bờ Hồ.

Không phải là hồ nước lớn nhất trong Thủ đô, song với nguồn gốc đặc biệt, hồ Hoàn Kiếm đã gắn liền với cuộc sống và tâm tư của nhiều người. Hồ nằm ở trung tâm một quận với những khu phố cổ chật hẹp, đã mở ra một khoảng không đủ rộng cho những sinh hoạt văn hóa bản địa. Hồ có nhiều cảnh đẹp.

Và hơn thế, hồ gắn với huyền sử, là biểu tượng khát khao hòa bình (trả gươm cầm bút), đức văn tài võ trị của dân tộc (thanh kiếm thiêng nơi đáy hồ và tháp bút viết lên trời xanh). Do vậy, nhiều văn nghệ sĩ đã lấy hình ảnh Hồ Gươm làm nền tảng cho các tác phẩm của mình. Nhà thơ Trần Đăng Khoa từng viết:

“Hà Nội có Hồ Gươm
Nước xanh như pha mực
Bên hồ ngọn Tháp Bút
Viết thơ lên trời cao”

Và như thế, Hồ Gươm sẽ mãi sống trong tiềm thức mỗi người dân Thủ đô nói riêng và người dân cả nước nói chung như một biểu tượng thiêng liêng về lịch sử và truyền thống văn hóa dân tộc.

Xem thêm các bài văn mẫu lớp 9 hay khác:

Mục lục Văn mẫu | Văn hay 9 theo từng phần:


viet-bai-tap-lam-van-so-1.jsp